Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/05/2023

Điểm báo Pháp – Ukraine, cuộc tổng phản công đang đến gần

RFI tiếng Việt

Ukraine phản công : Giờ của sự thật đang đến gần

Les Echos nhận định "Ukraine : Giờ của sự thật đang đến gần". Cuộc phản công sẽ diễn ra trong những ngày tới hoặc có lẽ là những tuần lễ tới, và kết quả sẽ định đoạt phần lớn số phận đất nước can trường này.

phancong1

Các quân nhân Ukraine bắn đi những phát đại bác gần Bakhmut ngày 15/05/2023. AP - LIBKOS

Zelensky đi Châu Âu : Xin thêm vũ khí, trấn an đồng minh

Về cuộc phản công đang được chờ đợi, Le Figaro nói về "Zelensky kết thúc vòng công du ở Paris", Les Echos cho rằng "Ukraine đã hoàn tất giai đoạn chuẩn bị", còn Libération nhận thấy "Zelensky và Ukraine đang tung hỏa mù". Tổng thống Ukraine đến Paris tìm kiếm sự ủng hộ về ngoại giao và quân sự, sau Roma và Berlin, với mong muốn các đồng minh đừng kỳ vọng quá nhiều, và xin cấp chiến đấu cơ.

Zelensky nhận được viện trợ kỷ lục 2,7 tỉ euro của Đức cùng với giải thưởng Charlemagne. Riêng quân viện Đức có thể kể : 30 xe tăng Leopard-1, 4 hệ thống phòng không IRIS-T SLM, thiết giáp cho bộ binh Marder, 5 đại bác phòng không Gepard và 200 xe quân sự. Pháp hứa trang bị thiết giáp, xe tăng hạng nhẹ cho nhiều tiểu đoàn Ukraine - chuyến thăm Pháp của Volodymyr Zelensky không được thông báo trước vì lý do an ninh.

Trong những lần xuất ngoại hiếm hoi, Zelensky luôn mong có được những thiết bị quân sự mạnh hơn và hiện đại hơn. Ở Berlin khi được hỏi Ukraine đã nhận được đủ vũ khí để phản công hay chưa ? Ông trả lời ngắn gọn : "Thêm vài chuyến đi nữa là chúng tôi sẽ có đủ". Từ nhiều tuần qua, các nhà quan sát vẫn tự hỏi : cuộc phản công sẽ diễn ra như thế nào, ở đâu, và bao giờ mới bắt đầu ?

Bakhmut, những chỉ dấu đầu tiên của cuộc phản công

Những dấu hiệu mới nhất đến từ Bakhmut. Sau nhiều tháng lui dần cho đến khi chỉ còn kiểm soát được vài cây số vuông ở phía tây của một thành phố chỉ còn là gạch vụn, chỉ trong ba ngày Ukraine đã tái chiếm 17,3 kilomet vuông, giành lại được 10 vị trí. Hai đại tá Nga là Viasheslav Makarov và Yevgeny Brovko đã thiệt mạng ở Klishchiyvka, cách Bakhmut vài kilomet về phía nam.

Theo chuyên gia Úc Mick Ryan, đây chỉ mới là cuộc tấn công ở mức địa phương. Nhà nghiên cứu Joseph Henrotin cho rằng chiến dịch phản công có thể diễn ra ở Bakhmut hoặc ở Zaporijia. Những sự kiện trên bầu trời Nga, từ tấn công của drone vào Kremlin hôm 03/05 đến vụ rơi bốn máy bay và trực thăng ở Bryansk cũng có thể nằm trong chiến lược giảm áp lực ở tiền tuyến bằng cách đe dọa tấn công ngay vào lãnh thổ Nga. Kiev đã có được hỏa tiễn Storm Shadow của Anh có tầm bắn 250 kilomet, xa nhất từ trước tới nay, có thể đã được dùng để đánh vào Luhansk, trung tâm hậu cần quan trọng của quân Nga.

Hậu phương và tiền tuyến

Đặc phái viên Libération tại Kiev ghi nhận : "Ở hậu phương, những tổ chức phi chính phủ hỗ trợ mọi mặt trận", nhưng tập trung phương tiện cho những chiến binh ở khu vực nóng nhất. Tối thứ Bảy, mấy chục xe cấp cứu tập trung gần nhà ga Kiev, chờ đợi thương binh được những chuyến tàu đưa về. Maksym Lymansky, phát ngôn viên hiệp hội Come Back Alive cho biết dù cố gắng hỗ trợ càng nhiều đơn vị càng tốt, các trang thiết bị trước hết được gởi đến cho các chiến sĩ ở Donetsk, Zaporijia và sau đó ở miền nam.

Chính phủ không đủ nguồn lực, và không thể nhanh chóng bằng xã hội dân sự. Hàng trăm tổ chức trên cả nước đã giúp cho quân đội có thêm drone, xe cộ, kính ngắm hồng ngoại... Ở văn phòng quỹ Prytula, các tình nguyện viên hàng ngày đóng gói từ 200 đến 400 túi cứu thương với những ga-rô, băng cá nhân, kéo y tế... được mua riêng rẽ với chi phí tiết kiệm. Những gói hàng này không có thời gian để bám bụi, chúng sẽ lên đường đến Bakhmut.

Thất bại thảm hại ở Ukraine, Putin muốn kéo dài thời gian

Les Echos ghi nhận mùa xuân đã làm khô đi mặt đất, vũ khí phương Tây đã đến nơi - tuy tổng thống Zelensky luôn muốn có nhiều hơn - và quân đội Ukraine đã gần như nắm được cách sử dụng. Những chiến binh của Kiev, sau khi chứng tỏ sức kháng cự đáng kinh ngạc và óc sáng tạo, đang rất muốn chuyển sang phản công, dù biết rõ cái giá về sinh mạng của cuộc chiến. Tổng thống Ukraine cũng biết rằng thời gian không đứng về phía đất nước mình, công luận phương Tây thường thiếu kiên nhẫn. Họ có thể hướng sự chú ý về phía khác nếu tình hình bị sa lầy, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Biden hay Trump ?

Nga đã thất bại trên mọi mặt trận. Ban đầu, Nga chiếm được 27% lãnh thổ Ukraine, nhưng nay chỉ còn 18%. Vào mùa thu 2022, những trận phản công của Ukraine là thần tốc, ngoạn mục, và nay Kiev muốn làm những vùng đất đang nằm trong tay quân Nga co rút lại như mảnh da lừa, bằng chứng hiển nhiên cho thất bại của Putin. Phải chăng sau đó có thể đàm phán trên cơ sở hợp lý ? Chiến lược quân sự và ngoại giao luôn có liên hệ mật thiết với nhau. Trong trận bao vây Ðiện Biên Phủ năm 1953, Trung Quốc đã tập trung mọi sức mạnh cho cuộc chiến. Ngược với các tướng lãnh Pháp, họ biết rằng những cuộc mật đàm với Paris đã bắt đầu. Ngày nay tại Ukraine, đôi bên đều hiểu thế mạnh trên chiến địa tạo ưu thế về ngoại giao.

Ngược với Ukraine, Putin muốn câu giờ để còn có được chút ý nghĩa cho "chiến dịch quân sự (quá) đặc biệt" của ông ta, đã thất bại thảm hại. Mục đích duy nhất là đặt toàn bộ Ukraine dưới sự thống trị của mình. Vụ sáp nhập một cách hoàn toàn bất hợp pháp bốn tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporijia cũng như Crimea trước đó, không bù đắp được cho thiệt hại khủng khiếp : trên 100.000 lính Nga bỏ mạng, trong đó chỉ riêng tại Bakhmut trong những tuần lễ mới đây là 20.000 quân.

Giờ đây, ai là David và ai là Goliath ?

Vladimir Putin không chỉ tự hài lòng với việc viết lại quá khứ, như những nhà lãnh đạo xô-viết thời trước. Ông ta còn trơ trẽn đóng vai nạn nhân, gọi Ukraine là kẻ xâm lược. Les Echos nhận thấy lịch sử dù đau thương, nhưng vẫn không kém phần mỉa mai. Cùng với thời gian - những thành công của Ukraine và thất bại của Nga - là cả một sự đảo lộn khổng lồ. Hồi đầu cuộc xâm lăng, người ta nói rằng nếu Ukraine không thua thì đã là thắng. Nhưng giờ đây, ai là David và ai là Goliath ? Kiev nếu không thắng trong cuộc phản công này coi như thua.

Người Ukraine ý thức rằng những thành tích vẻ vang trước đó buộc họ phải làm nên những chiến thắng mới. Các đồng minh sẽ tự hỏi, cung cấp vũ khí tân tiến hơn làm gì nếu không tạo được khác biệt trên chiến địa ? Như vậy thành công của cuộc phản công là sống còn đối với Kiev, nhưng vẫn chưa thể nào bảo đảm. Nga đã có thời gian chuẩn bị phòng thủ, và vẫn chiếm ưu thế trên không. Tuy có quyết tâm và được chỉ huy giỏi hơn, nhưng những thiệt hại về người dù chỉ bằng phân nửa quân Nga vẫn lớn lao đối với Ukraine.

Chiến dịch phản công của Kiev nhắm vào ba mục tiêu : củng cố tinh thần người Ukraine, cho đồng minh Châu Âu và Mỹ thấy đã chọn đúng con ngựa để cá cược, và chứng tỏ cho giới tinh hoa Nga sự phi lý của chiến tranh, tính bấp bênh ở các vùng đất chiếm đóng. Tác giả bài viết tin rằng rốt cuộc ý chí sẽ vượt lên trên tương quan sức mạnh.

Tập Cận Bình nhắc lại Mao : "Đảng lãnh đạo trên nòng súng"

Nhìn sang Châu Á, Le Monde nhận định "Đài Loan trong tầm ngắm của Trung Quốc". Đặc phái viên tờ báo ở Đài Bắc nhấn mạnh từ một thập niên qua, Tập Cận Bình đã tăng cường sức mạnh quân sự, đe dọa "thống nhất" Đài Loan. Nhưng liệu quân đội của ông ta có thực hiện được điều này ?

Từ khi lên cầm quyền, ông Tập đã nắm lấy Giải phóng quân (APL), tức quân đội, một loại Nhà nước trong Nhà nước với nạn tham nhũng lan tràn, và đã bại trận trong cuộc chiến cuối cùng với Việt Nam năm 1979. Tập Cận Bình nhắc lại câu của Mao Trạch Đông : "Đảng lãnh đạo trên nòng súng". Ngay từ 2014, ông ta bắt giam hai tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou) và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), sa thải trên 70 sĩ quan cấp tướng vì tham nhũng, 13.000 sĩ quan khác bị kỷ luật. Bốn tổng cục bị giải thể năm 2016, cơ cấu lại thành 15 đơn vị trực thuộc Quân ủy trung ương do Tập Cận Bình trực tiếp lãnh đạo.

Ngân sách quốc phòng năm nay tăng mạnh nhất, đến 7,2%, chưa kể số tiền khổng lồ đổ vào nghiên cứu trong kỹ nghệ vũ khí, được cho là đến 290 tỉ đô la trong năm 2021. Riêng hải quân tăng theo cấp số nhân với 340 chiến hạm trong khi Hoa Kỳ chưa đầy 300, nhưng Mỹ vẫn chiếm ưu thế về trọng tải, chất lượng và hỏa lực. Trung Quốc cũng rất mạnh về hỏa tiễn đạn đạo và phòng không, sở hữu đủ loại tên lửa quy ước và nguyên tử có thể ngăn chặn hải quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.

Không quân Trung Quốc có 2.800 phi cơ, trong số đó 2.250 chiếc là chiến đấu cơ, đứng thứ ba thế giới. Khả năng tấn công mạng cũng rất đáng kể. Về nguyên tử, Bắc Kinh có thể tăng gấp ba số đầu đạn hạt nhân từ 400 lên 1.500 từ nay đến 2035 ; có 6 tàu ngầm nguyên tử trang bị hỏa tiễn JL-3 bắn được đễn tận nước Mỹ. Điểm yếu của Trung Quốc là chất bán dẫn, do Mỹ cấm vận, Bắc Kinh có thể chậm trễ hai, ba thế hệ. Hiệu quả của quân đội Trung Quốc tùy thuộc nhiều vào những cuộc tập trận chung với Nga.

Trung Quốc hy sinh 2 triệu mạng lính để chiếm Đài Loan ?

Washington nay chủ trương siết chặt quan hệ với các nước gần Đài Loan, để nhân lên số điểm tựa. Nhật Bản chẳng hạn, đã gia hạn hiệp ước quốc phòng với Hoa Kỳ, chi ra 2,8 tỉ đô la cho phòng không. Tại Đài Bắc, ít ai tin là Trung Quốc sẽ sớm tấn công. Ông Lại Di Trung (I Chung Lai), chủ tịch think tank Prospect Foundation cho rằng : "Trung Quốc có thể chiến thắng Đài Loan, nhưng phải hy sinh 2 triệu quân, gấp 10 lần số lính Nga tử thương ở Ukraine". Còn nếu phong tỏa, đó là một chiến dịch lâu dài và phức tạp. Dù Bắc Kinh tuyên bố những gì đi nữa, vùng biển quốc tế vẫn là vùng biển quốc tế, và việc phong tỏa sẽ nhanh chóng trở thành vấn đề của thế giới.

Theo nhà nghiên cứu Hứa Trí Tường (Jyh Shyang Sheu) của viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia (INDSR), các bờ biển Đài Loan quá nhỏ nên quân Trung Quốc khó thể đổ bộ ồ ạt. Le Monde dẫn lời chuyên gia Yết Trọng (Chieh Chung) của National Policy Foundation : "Tập Cận Bình cần nhiều năm nữa để hiện đại hóa quân đội. Hơn nữa, việc đổ bộ cần 60.000 đến 70.000 quân trong đợt đầu, trong khi các chiến hạm Trung Quốc chỉ vận chuyển được phân nửa". Chiến tranh Ukraine cho Bắc Kinh thấy cần phải đánh phủ đầu vào cơ quan chỉ huy để tạo bất ngờ. Đài Loan tìm kiếm mọi dấu hiệu chuẩn bị từ phía Trung Quốc như mua nhiên liệu, trang bị, thực phẩm… và NATO có thể trợ giúp.

Giáo sư Lâm Dĩnh Hựu (Ying Yu Lin) của đại học Đạm Giang (Tamkang) nêu thêm nhược điểm nữa của quân đội Trung Quốc : quan liêu, chú trọng "hồng" hơn "chuyên". Tại Hoa Kỳ, tác giả Andrew Scobell đưa ra ba lý do để nghi ngờ hiệu quả của APL : thiếu phối hợp giữa dân sự và quân sự trong chế độ độc tài, không dám chỉ trích cấp trên, chưa sẵn sàng chiến đấu. Dù chiếm được Đài Loan hay sa lầy, một cuộc xung đột kéo dài tại đây sẽ gây hỗn loạn hơn cả cuộc chiến tranh ở Ukraine hiện nay.

Mỹ cứng rắn hơn với Bắc Kinh tại Đông Nam Á

Cũng liên quan đến Trung Quốc, trả lời Le Monde, nhà sử học Pierre Grosser nhận xét sau chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ không còn chú ý tới Đông Nam Á. Và khi chiến tranh lạnh kết thúc, vũ khí nguyên tử chiến thuật ở Hàn Quốc được rút đi, các căn cứ quân sự ở Philippines bị đóng cửa. Mỹ tập trung chống khủng bố ở Afghanistan và Cận Đông. Kể từ những năm 2010, mọi việc thay đổi trước thái độ hung hăng của Trung Quốc, và khác với thời kỳ 1940-1975, Đông Nam Á nay là động cơ tăng trưởng kinh tế thế giới. Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước trong khu vực.

Bối cảnh này khiến Barack Obama "xoay trục" sang Châu Á. Chính quyền Biden đưa ra Indo-Pacific Economic Framework (Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương) tập hợp 7 nước ASEAN. Việt Nam nay trở thành đối tác của Mỹ, vì chủ trương của Washington đã linh hoạt hơn, vượt khỏi những liên minh song phương truyền thống để xây dựng những điểm tựa và quan hệ đối tác mới. Tại Philippines, Mỹ được sử dụng các căn cứ quân sự. Hồi 2012 khi Bắc Kinh chiếm bãi cạn Scarborough, Obama không phản ứng, nhưng nay Biden tuyên bố sẽ bảo vệ Philippines nếu bị tấn công.

Không chỉ tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, Mỹ chống lại kiểu áp đặt việc đã rồi của Trung Quốc, và ít trung dung hơn trước các tranh chấp lãnh thổ. Về kinh tế, không chỉ là tự do mậu dịch mà còn quan tâm đến an ninh mạng, tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp tác công nghệ ; và Đông Nam Á là vùng đất mới giúp Mỹ bớt lệ thuộc hàng nhập khẩu từ Hoa lục. Một dạng thống trị của Trung Quốc đang định hình trong khu vực. Bắc Kinh dùng kinh tế làm vũ khí chống lại Úc, Hàn Quốc… chưa kể những vấn đề liên quan đến các casino, địa ốc, thái độ kẻ cả của các đại gia người Hoa… Sự ngạo mạn làm hình ảnh của người khổng lồ Châu Á xấu hẳn đi, và nhiều nước muốn dựa vào Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ.

Tựa chính báo Pháp

Les Echos hôm nay chạy tựa "Kỹ nghệ : Nước Pháp vẫn luôn thu hút những tập đoàn nước ngoài", Le Figaro nói về căng thẳng giữa tổng thống Macron và thủ tướng Borne sau một năm, Libération đưa lên trang nhất chân dung nhà đấu tranh cho vấn đề khí hậu Camille Étienne. La Croix quan tâm đến tình cảnh những di dân ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico, Le Monde đưa tít lớn "Đài Loan : Cuộc chạy đua vũ trang quy mô của Trung Quốc". Ở các trang trong, thời sự quốc tế rất sôi động với tình hình Ukraine, bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan, căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 213 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)