Trong cuộc phản công đầy chông gai, Ukraine cần có những trận thắng lớn
Cuộc phản công của Ukraine chỉ mới bắt đầu, hai bên đều để dành các lực lượng dự trữ. Chuyên gia Michel Goya nhận định Kiev chỉ có thể khoe chiến thắng khi nào cắm được cờ ở Melitopol, Berdiansk, hay kiểm soát biển Azov ; Ukraine cần những trận thắng lớn thay vì chỉ gặm nhấm từ từ. Tướng Anh Richard Barrons cho rằng thật phi lý nếu phương Tây với GDP gấp 20 lần Nga, lại để yên cho Moskva tự tung tự tác, nuôi mộng đế quốc.
Một quân nhân Ukraine thuộc lữ đoàn bộ binh cơ giới 68 "Oleksa Dovbush" chạy đến vị trí tại làng Blahodatne vừa tái chiếm ngày 17/06/2023. AP - Yevgeny Maloletka
L’Obs tuần này chạy tựa lớn "Di dân, cuộc tranh luận bị đầu độc", L’Express lưu tâm đến việc "Khoa học nói gì về giáo dục", Le Point bàn về khái niệm "Phi văn minh hóa". The Economist đưa tít "BritGPT Làm thế nào biến nước Anh trở thành siêu cường trí thông minh nhân tạo". Hồ sơ của Courrier International nói về "Ukraine, thời điểm quyết định". Tuần báo cho biết tuy trang bìa thường được dành cho những hình vẽ hay biếm họa, nhưng lần này là những hình ảnh thật của chiến tranh. Ảnh bìa được chọn là một người lính Ukraine, chụp ngày 06/06 trong lúc đang đăm chiêu nhìn những gì còn lại của đập Kakhovka, từ một căn nhà loang lổ vết đạn. Một giai đoạn mới của chiến tranh đã bắt đầu, và có thể thay đổi tất cả.
Kiev và Moskva đều chưa tung hết lực lượng
The Economist nhận thấy cuộc phản công bước vào tuần lễ thứ hai, đã tiến triển và bắt đầu hình dung được. Một hướng về phía đông, xung quanh thành phố Bakhmut đẫm máu và tỉnh Lugansk. Hướng khác nhắm vào Velyka Novosilka và Vuhledar ở Donetsk, và hướng thứ ba mở ra ở miền nam, tại Orikhiv thuộc tỉnh Zaporijia. Nhưng cả hai bên vẫn còn giữ lại lực lượng dự trữ.
Hướng Donetsk cho đến nay có vẻ thành công nhất. Ukraine sử dụng bảy lữ đoàn gần Velyka Novosilka để giải phóng 60 kilomet vuông lãnh thổ trong vòng bốn ngày. Hai hướng còn lại chậm hơn, những trận đánh ác liệt dọc theo trục Orikhiv-Tokmak khiến Ukraine mất nhiều vũ khí và quân nhân, phía Nga cũng thiệt hại nặng. Trong cuộc họp với các blogger quân sự Nga hôm 13/06, Vladimir Putin nói rằng đã mất 54 xe tăng trong đợt phản công của Kiev.
Tầm cỡ triển khai quân ở trục chiến lược Tokmak – cánh cửa để tấn công tuyến đường chính hướng về Crimea – khiến người ta nghĩ rằng đây là hướng chủ yếu. Tuy nhiên đa số vụ tấn công là do các lực lượng Ukraine tại chỗ, nhằm nhận ra những điểm yếu của Nga hơn là để xuyên thủng. Tướng về hưu Ben Hodges cho rằng khi nào thấy những đoàn thiết giáp đông đảo tham gia, cuộc tấn công chính mới thực sự bắt đầu. Tại Zaporijia, Ukraine chỉ mới điều đến vài lữ đoàn, và Nga cũng vậy, hai bên đều muốn làm cạn kiệt lực lượng dự trữ của nhau.
Goryachev, tướng Nga đầu tiên tử trận
Ưu tiên trước mắt của Kiev là nhắm vào pháo binh Nga với những vũ khí tầm xa. Dữ liệu vệ tinh cho thấy rất nhiều đám cháy ở miền nam, các blogger Nga cho biết tướng Sergey Goryachev, tham mưu trưởng quân đoàn 35 của Nga đã thiệt mạng trong một cuộc pháo kích. Đây là vị tướng Nga đầu tiên tử trận kể từ một năm qua.
Không quân đóng vai trò quan trọng, nay được sử dụng nhiều hơn ở Zaporijia. Tại Bakhmut, drone được Nga huy động ồ ạt. Ngoài các drone Lancet có thể phá hủy xe tăng và pháo, còn có số lượng lớn drone thương mại Trung Quốc. Vụ phá đập Kakhovka đã làm đảo lộn kế hoạch của Kiev, giúp Nga rút bớt quân ở Kherson tăng cường cho Zaporijia. Phương Tây cho rằng trên lý thuyết, Ukraine có đủ điều kiện để đe dọa con đường dẫn đến Crimea và tàu Nga trên biển Azov, nhưng cần có một chút may mắn ở phía Kiev và sơ suất của Moskva.
Thời tiết cũng ảnh hưởng : Tuần tới sẽ có nhiều cơn mưa làm chậm bước tiến của Ukraine, đồng thời gây khó cho những phi vụ của Nga. Nguy cơ lớn nhất là các đơn vị Ukraine lọt vào lưới lửa của Nga – bị drone và pháo vây trong lúc vượt những tuyến phòng thủ kiên cố đầy mìn. Bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố Kiev đã có những thành công và vẫn duy trì đà tiến, chuyên gia Jack Watling của RUSI cho rằng lực lượng Kiev đã vượt quá mong đợi. Nhưng theo một viên chức phương Tây, cuộc trắc nghiệm thực sự còn ở phía trước.
D-Day : Tướng Eisenhower không phải "ăn đong" vũ khí
"Ukraine và các đồng minh chuẩn bị cho một cuộc tái chiếm khó khăn", đó là nhận định của Le Figaro cuối tuần. Sau mười ngày phản công, lực lượng Kiev dần chiếm được một số vùng đất, chịu những thiệt hại trong những trận đánh ác liệt.
Truyền thông thường thiếu kiên nhẫn, những đồng minh từ lâu chờ đợi cuộc phản công, nhưng những tin tức đầu tiên từ chiến trường chỉ mang lại một ít lạc quan. Moskva khoe khoang tiêu diệt được những xe tăng phương Tây, Kiev luôn giữ im lặng về chiến dịch. Quân đội Ukraine tái chiếm được khoảng 100 kilomet lãnh thổ, nhưng quân Nga vẫn kháng cự với những bãi mìn dày đặc, chừng như đã rút được bài học về những trận thua cay đắng trước đó.
Những trận đánh mới chỉ là thăm dò, chưa dẫn đến những trận chiến lớn. Nếu tướng Eisenhower biết rằng sau khi đổ bộ trên bãi biển Normandy, ông sẽ có được lực lượng logistic vô tiền khoáng hậu, thì tướng Zaloujny tuy có được sự ủng hộ của cả nước Ukraine, nhưng lại phải "ăn đong", lệ thuộc vào vũ khí và đạn dược của đồng minh – tờ báo gọi là D-Day đảo ngược. Bộ trưởng quốc phòng Đức nhìn nhận rằng chưa thể thay thế mỗi xe tăng Leopard bị phá hủy. Liệu phương Tây có xứng tầm với thách thức ?
Ukraine cần những trận thắng lớn
Trả lời L’Express, nhà sử học quân sự, cựu đại tá thủy quân lục chiến Michel Goya nhận định Kiev chỉ có thể khoe chiến thắng khi nào cắm được cờ ở Melitopol hay Berdiansk, kiểm soát được biển Azov. Ukraine cần những trận thắng lớn thay vì chỉ gặm nhấm từ từ. Theo ông Goya, hiện chưa có bất ngờ nào, cả bên công lẫn bên thủ, chiến dịch còn kéo dài nhiều tuần lễ.
Về những xe tăng bị phá hủy mà Vladimir Putin nói là "thiệt hại khủng khiếp" của Ukraine, trang Oryx cho biết phía Kiev mất 35 xe tăng, trong đó phân nửa là của phương Tây như Leopard và Bradley. Số lượng này là khiêm tốn so với 1.000 chiến xa đang hoạt động, không như con số phóng đại của Putin (160 xe tăng, 360 thiết giáp).
Đối với tướng Pháp Nicolas Richoux, tấn công đương nhiên phải chịu thiệt hại. Nhưng có thể thấy chiếc Leopard-2 trong hình mà Nga công bố không bị cháy, ngược với T-72 của Nga thường bị nổ tung, bay mất tháp pháo. Hơn nữa, Moskva cho chiếu đi chiếu lại hình ảnh này với nhiều góc độ trong nhiều ngày liên tiếp, chứng tỏ họ không có được bao nhiêu để trưng ra.
Nguy cơ rình rập từ drone trên trời, mìn dưới đất
Michel Goya đánh giá muốn tiến được, cần phải vô hiệu hóa phương diện thứ ba của quân Nga, tức tất cả những gì trên bầu trời : máy bay tác xạ, trực thăng tấn công, pháo, drone, drone tự sát… Như vậy cần đến vũ khí phòng không mà Ukraine hiện có rất ít. Bên cạnh đó là khả năng phản pháo, và vượt chướng ngại vật.
Cho đến nay, có rất ít những trận cận chiến. Chiến binh Ukraine không gặp nhiều lính Nga, họ đang "chiến đấu với những bóng ma". Mối đe dọa đến từ trời cao và mìn ở dưới đất. Không có những trận giáp lá cà như trong phim, mà đòi hỏi kiên nhẫn và quyết tâm để tiến lên trong nhiều ngày, nhiều tuần lễ, dưới hỏa lực bao phủ và những thiệt hại. Rất dễ mệt mỏi về thể chất và tâm lý vì căng thẳng, và phía Nga cũng có thể kiệt quệ trước những cuộc tấn công liên tục.
So sánh với những chiến dịch trước đây, chuyên gia Goya cho rằng chiến thắng Kharkiv là một sự bất thường. Quân Nga khá thưa, phải đặt cả những hình nộm trong chiến hào để che giấu, Ukraine nhận ra và nhanh chóng đột phá. Tại Kherson, Nga có tổ chức hơn nhưng thiếu chiều sâu, dù vậy Kiev phải mất hai tháng mới tái chiếm được. Trong khu vực từ Zaporijia đến Donetsk hiện nay, phòng thủ của Nga mạnh gấp ba Kherson lúc trước và trải dài. Ukraine sẽ phải vượt mấy chục kilomet chiến lũy trước khi tới được vùng đất có thể chiến đấu cơ động hơn, chẳng hạn một trận chiến xe tăng ở Melitopol. Ukraine thủ rất giỏi nhưng công thì chưa biết ra sao.
Kháng chiến quân biến cuộc sống những kẻ chiếm đóng thành địa ngục
Trong trận phản công này, L’Express nhận thấy "Cuộc chiến đấu bí mật của du kích là một ưu thế quan trọng của Kiev" tại những vùng đất bị tạm chiếm. Những chiếc ruy-băng mang màu cờ Ukraine vẽ bằng sơn trên tường, trên cây cối ở Lugansk, Crimea… là dấu hiệu thách thức cho quân Nga đang kiểm soát thành phố. Các thành viên của phong trào kháng chiến Yellow Ribbon (Ruy-băng vàng) thành lập hai tháng sau khi cuộc chiến khởi đầu, đấu tranh chống xâm lược bằng phương pháp không bạo lực.
Những người khác chọn lựa cầm vũ khí. National Resistance Center (NRC) hôm 11/06 đã trừ khử được một nhóm lính Nga ở làng Skalove gần Melitopol. Cùng ngày, một chiếc cầu dành cho xe lửa bị tấn công ở làng Yakymivka miền bắc, một quả bom làm nổ tung đường rầy ở Crimea. Tướng Nicolas Richoux, cựu chỉ huy trưởng lữ đoàn thiết giáp số 7 của Pháp nhận xét, hoạt động tích cực ở hậu phương, du kích làm rối loạn hậu cần của quân Nga, một lợi thế quý giá trong lúc chiến dịch phản công đang diễn ra.
Nhiều trường hợp viên chức Nga, những kẻ nằm vùng, hợp tác với địch bị du kích ám sát. Có thể kể : thị trưởng Kreminna thân Nga Volodymyr Struck bị bắt cóc và bắn chết ; giám đốc người Nga phụ trách thanh niên ở Kherson Dmitro Savluchenko bị ám sát trong xe hơi ; phó thị trưởng Nova Kakhovka, Vitaly Gura bị bắn hạ ngay trên đường phố ; và mới đây cảnh sát trưởng Melitopol, Oleksandr Mishchenko tử thương vì một vụ nổ khi vừa bước vào nhà… Những người kháng chiến nhấn mạnh phương châm : "Hãy cùng nhau biến cuộc sống của những kẻ chiếm đóng thành địa ngục".
Xác minh được 25.000 lính Nga chết trận ở Ukraine
Về thiệt hại của Nga từ đầu cuộc xâm lăng, Courrier International cho biết "BBC đã kiểm tra và có tài liệu về 25.000 lính Nga tử trận". Hôm 16/06, đài này công bố kết quả một cuộc điều tra tỉ mỉ được thực hiện với nhiều đối tác.
Nikita Lobourets, 21 tuổi thành viên lực lượng đặc biệt, đã chết ngày 20/05/2022 tại một làng miền đông Ukraine. Alexander Zubkov, 34 tuổi, án tù 9 năm vì mua bán ma túy, tham gia Wagner với hy vọng tìm lại tự do sau sáu tháng, và chết tại Bakhmut. Đó chỉ là hai trong số 25.000 lính Nga tử trận kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lăng, được nhận diện bởi BBC, trang web độc lập Nga Mediazona và một ê-kíp tình nguyện viên ; thông qua những tin tức từ các báo cáo chính thức, báo chí, mạng xã hội, những ngôi mộ mới. Cuộc điều tra này cung cấp những bằng chứng cụ thể, đồng thời cho thấy sự thay đổi của quân đội Nga theo với nhịp độ chiến tranh.
Jack Watling, thuộc think tank Royal United Services Institute nhận xét, Alexander Zubkov và những người như anh ta được sử dụng như một thứ hàng hóa "dùng một lần rồi vứt bỏ". "Nga gởi họ ra mặt trận và biết rằng họ sẽ bị giết chết. Quân đội Nga tiêu thụ những người lính loại này với tốc độ đáng kể". Trong ba tháng gần đây, có 1.236 người chết trận là tù nhân, 780 thường dân bị động viên, 752 lính đánh thuê Wagner và 148 sĩ quan. Để so sánh, trong ba tháng đầu của cuôc chiến, 792 sĩ quan và 22 lính của Yevgeny Prigozhin tử trận, nhưng không có tù nhân và lính động viên nào.
Tất nhiên con số của BBC chỉ là số tử trận xác minh được. Hồi tháng 2, tình báo Anh ước tính số lính Nga thiệt mạng từ 40.000 đến 60.000, còn Ukraine đưa ra con số 200.000 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến. Trong khi đó Nga nói rằng chỉ có 6.000 lính tử trận.
Vỡ đập Kakhovka : Tác hại khôn lường
Liên quan đến hậu quả của việc phá đập Kakhovka, phóng sự của L’Express dẫn lời người dân địa phương "Người Ukraine chúng tôi còn phải chịu đựng trong nhiều thập niên nữa". Courrier International ghi lại lời kể của những người sơ tán khỏi khu vực ngập lụt về cơn ác mộng mà họ vừa trải qua.
Buối sáng khi đập bị vỡ, cư dân vẫn chưa hiểu những gì đã diễn ra. Ông Vassyl 70 tuổi chẳng hạn, đã chạy đến bên bờ sông Dniepr để xem, và kinh hoảng trước những gì được chứng kiến. Dòng nước lũ ồ ạt cuốn theo súc vật, mái nhà, những mảnh vỡ của các tòa nhà… tất cả những gì trên đường đi. Người dân từng chịu đựng hỏa tiễn, drone, đạn pháo, mìn, nhưng không tưởng tượng được kẻ thù phi nhân cho phá cả đập thủy điện. Một người dân Kherson nói : "Không còn gì nữa : chẳng còn sinh vật, không nhà cửa, không công ăn việc làm. Người ta chẳng biết làm gì. Nhiều người chỉ còn cách trèo lên cây chờ đợi giúp đỡ".
Có đến 94% hệ thống tưới tiêu không còn sử dụng được. Ở thượng nguồn, hồ chứa của đập Kakhovka là nơi tập trung lượng cá nước ngọt nhiều nhất Ukraine, gần 100.000 tấn cá đã bị chết ngộp. Gần 584.000 hecta đất trồng trọt từng mang lại nguồn lợi 1,5 tỉ đô la có nguy cơ biến thành sa mạc. Chưa kể nạn ô nhiễm trầm trọng từ xác người, xác động vật chết đuối, nước thải, hóa chất…
Nguyên tử : Thảm họa sắp tới ?
"Thảm họa sắp tới phải chăng sẽ là nguyên tử ?" - đó là câu hỏi của nhật báo Vysokyi Zamok được Courrier International dịch lại. Tạm thời nhờ hệ thống khẩn cấp, các tổ máy ở nhà máy điện nguyên tử Zaporijia vẫn được làm mát nhưng về lâu về dài phải tìm nguồn khác ổn định. Bà Tetiana hồi xảy ra sự kiện Tchernobyl năm 1986 đã đến sống ở Mykolaiv vì con gái bị nhiễm xạ, và nay lo sợ : "Nếu tai nạn lại xảy đến, chúng tôi biết đi đâu bây giờ ?".
Các chuyên gia cảnh báo nếu xảy ra sự cố, sẽ không thua thảm họa Fukushima ở Nhật Bản. Nhưng Fukushima là do thiên tai, không thể so sánh với việc Putin chủ động để xảy ra thảm kịch. Ukraine và những vùng rộng lớn của Châu Âu cũng như thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Không thể đặt hy vọng vào Liên Hiệp Quốc hay Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), những định chế quốc tế bất lực. Thảm họa sinh thái và nhân đạo ở nhà máy thủy điện Kakhovka cho thấy từ lâu không còn có thể thương lượng, thuyết phục Putin, mà cần phải có phương tiện hiệu quả để chống lại nạn khủng bố quốc tế của Kremlin.
Cái giá phải trả vì không vũ trang cho Ukraine sau khi Crimea bị chiếm
Trên The Economist, tướng Richard Barrons, cựu chỉ huy trưởng Lực lượng Liên quân Anh đưa ra ba khả năng. Hoặc quân xâm lăng bị đánh bại phải rút hết về nước. Hoặc Nga có những cải thiện khiến Ukraine thiệt hại nhiều nhưng giành được rất ít đất, có nghĩa là việc chiếm đóng sẽ không kết thúc nếu Kiev không có được hỏa lực mạnh hơn. Giả thiết thứ ba nằm giữa hai khả năng trên : Ukraine tái chiếm được một số dải đất dọc theo chiến tuyến dài 1.000 kilomet. Như vậy khó thể chấm dứt chiến tranh vào dịp Noel.
Nhiều nước phương Nam và một số chính khách Mỹ cho rằng đó là chuyện giữa Ukraine và Nga, không liên quan đến mình. Nếu quan điểm này lan rộng, Châu Âu cần coi thành bại của cuộc phản công là vấn đề an ninh khu vực. Lại càng khẩn cấp hơn nếu đến một lúc nào đó Mỹ sau khi đóng góp đến 80 tỉ đô la, nhường lại vai trò lãnh đạo cho Châu Âu trong hồ sơ này để chú tâm vào nội trị và quan hệ với Trung Quốc. Châu Âu sẽ phải dành 100 tỉ đô la/năm trong ít nhất ba năm. Số tiền này tuy lớn nhưng chính là người Ukraine phải chiến đấu và đổ máu. Bị bại trận, Nga không còn có thể theo đuổi tham vọng đế quốc.
Tuy nhiên cần phải nhìn xa trông rộng hơn, cuộc phản công phải đi kèm với nỗ lực của Mỹ và Châu Âu (có GDP tổng cộng 40 ngàn tỉ đô la) để đối phó với Nga (2 ngàn tỉ đô la), giành thắng lợi trên chiến trường. Sự chênh lệch quá lớn về kinh tế cho thấy thật phi lý nếu phương Tây để cho Nga tùy tiện gây chiến ở Châu Âu. Có một cái giá phải trả vì đã không trang bị cho Kiev sau khi Nga chiếm mất Crimea năm 2014, để ngăn cản một cuộc xâm lăng mới. Phản ứng tức thời của phương Tây từ tháng 2/2022 giúp Ukraine sống sót nhưng chưa thể ca khúc khải hoàn. Phương Tây phải hiểu rằng để bảo vệ an ninh, thịnh vượng và những giá trị của mình, cần một cam kết không gì lay chuyển để tái lập toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, ngay cả với cái giá cao mà Nga đã đặt ra.
Thụy My