Nga bác bỏ các điểm cốt yếu trong kế hoạch hòa bình của Châu Phi
Trọng Nghĩa, RFI, 18/06/2023
Sau khi "kế hoạch" hòa bình của mình bị Kiev bác bỏ, các lãnh đạo Châu Phi vào hôm qua, 17/06/2023 cũng không thành công hơn với Moskva khi tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu bật một danh sách các lý do tại sao ông tin rằng nhiều đề xuất của Châu Phi đều sai lạc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Saint Petersburg, Nga, ngày 17/06/2023. via Reuters – Host Photo Agency Ria Novosti
Tiếp đón đại diện của 7 nước Châu Phi (Senegal, Ai Cập, Zambia, Uganda, Cộng Hòa Congo, Comoros và Nam Phi) tại St Petersburg, tổng thống Nga đã mở đầu bằng cách nhấn mạnh cam kết của Nga đối với lục địa. Tuy nhiên, sau phần trình bày của các tổng thống Comoros, Senegal và Nam Phi về một loạt "biện pháp xây dựng lòng tin" mà Châu Phi đề xuất, theo hãng tin Anh Reuters, tổng thống Putin như đã dội môt gáo nước lạnh vào sáng kiến này khi lên tiếng thách thức các giả định của kế hoạch - dựa trên sự chấp nhận các đường biên giới được quốc tế công nhận.
Từ Moskva, thông tín viên RFI Julian Colling tường trình :
"Trong bài phát biểu nhằm giới thiệu kế hoạch, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, lãnh đạo thực tế của phái đoàn Châu Phi, cho biết là ông muốn khuyến khích "Nga bắt đầu đàm phán với Ukraine". Trong phái đoàn, tổng thống Ramaphosa có lẽ là thành viên có mối quan hệ chặt chẽ nhất với Nga. Ông nói thêm rằng cuộc xung đột đang gây bất ổn cho thế giới này cần phải kết thúc.
Thế nhưng ở đầu bên kia chiếc bàn tròn khổng lồ tại một trong những căn phòng của Cung Điện Constantin xa hoa, Vladimir Putin đã trả lời rằng chính Ukraine đã "vứt vào sọt rác" thỏa thuận đạt được ở Istanbul vào tháng 3/2022, rằng "Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán và luôn sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với mọi người vì hòa bình".
Ông cũng đổ lỗi cho phương Tây là đã gây ra khủng hoảng lương thực hiện nay chứ không phải là do 'hoạt động quân sự' của Nga, một cuộc khủng hoảng mà theo ông không thể được giải quyết chỉ bằng một thỏa thuận ngũ cốc.
Tuy nhiên, đây là một trong những vấn đề chính của cuộc gặp gỡ với đại diện của 7 quốc gia Châu Phi tại Saint Petersburg. Thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Ukraine thực sự vẫn rất quan trọng đối với lục địa Châu Phi.
Rõ ràng là phái đoàn Châu Phi cũng đến Nga để tìm kiếm từ ông Putin một sự đảm bảo về việc Moskva duy trì thỏa thuận mà gần đây ông Putin đã đe dọa rút khỏi."
Trọng Nghĩa
************************
Tổng thống Ukraine vẫn dứt khoát không thương lượng với Nga sau khi gặp phái đoàn Châu Phi
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua, 16/06/2023, đã một lần nữa loại trừ mọi đàm phán với Nga, sau cuộc gặp với các lãnh đạo Châu Phi trong phái đoàn trung gian hòa giải giữa Kiev với Moskva. Trong khi đó, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, một trong bốn tổng thống Châu Phi tham gia phái đoàn, đã kêu gọi Ukraine và Nga "xuống thang" trong cuộc xung đột.
Từ trái sang phải : Thủ tướng Ai Cập Mustafa Madbuly, tổng thống Senegal Macky Sall, tổng thống Liên minh Comoros Azali Assoumani, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và tổng thống Zambia Hakainde Hichilema họp báo sau cuộc họp tại Kiev, Ukraine, ngày 16/06/2023. © AP / Ukrainian Presidential Press Office
Từ Kiev, đặc phái viên Julien Chavanne tường trình :
"Đây gần như là một nhiệm vụ bất khả thi : Giữa lúc quân Ukraine đang phản công, Volodymyr Zelensky không thể thay đổi đường lối. Đối với ông, tạm ngưng chiến tranh lúc này chẳng khác gì cho Putin có thêm thời gian để củng cố vị thế của ông.
Phái đoàn trung gian hòa giải của Châu Phi đã bị suy yếu sau khi 3 trong số 7 tổng thống Châu Phi rời bỏ vào giờ chót. Không những thế, phái đoàn còn bị chia rẽ, vì các tổng thống Châu Phi có mặt tại Kiev không có cùng quan điểm. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, thân cận với Moskva, vẫn từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga, thậm chí không lên án các tội ác của quân Nga ở Bucha, nơi mà ông đã đến thăm sáng hôm qua.
Chuyến đi cũng đã gặp nhiều trắc trở với một vụ rắc rối ngoại giao : Các thành viên nhóm bảo vệ an ninh của phái đoàn tổng thống Nam Phi đã bị giữ lại ở sân bay Warszawa của Ba Lan. Trưởng nhóm an ninh của phái đoàn cáo buộc chính quyền Ba Lan có thái độ kỳ thị sắc tộc.
Chuyến đi tại Kiev cũng bị xáo trộn : Vào cuối buổi sáng, các vị nguyên thủ quốc gia Châu Phi đã được đưa xuống hầm trú ẩn của khách sạn trong vòng 20 phút, do quân Nga vừa bắn 12 tên lửa xuống thủ đô Ukraine. Đối với tổng thống Zelensky, đây là bằng chứng cho thấy Putin không hề có một cử chỉ thể hiện thiện chí hòa bình".
Sau Kiev, phái đoàn trung gian hòa giải của Châu Phi hôm nay đến Saint-Petersburg để gặp tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thanh Phương
********************
Chiến tranh Ukraine : Phái đoàn trung gian hòa giải của Châu Phi đến Kiev
Thanh Phương, RFI, 16/06/2023
Một phái đoàn trung gian hòa giải của Châu Phi đãđến Kiev hôm nay, 16/06/2023, và sẽ tới Saint-Petersburg ngày mai để cố giải quyết cuộc xung đột giữa Ukraine với Nga, nhưng cơ may thành công của phái đoàn rất thấp.
Tổng thống Zambia, Senegal, Comoros, Nam Phi và thu tướng Ai Cập đến viếng một nghĩa trang ở thành phố Butcha, ngoại ô Kiev, Ukraine, ngày 16/06/2023. Reuters – Valentyn Ogirenko
Chuyến đi của phái đoàn trung gian hòa giải Châu Phi đãđược Nam Phi thông báo vào tháng trước. Cho tới nay, Nam Phi vẫn không lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine, khẳng định mong muốn giữ thái độ trung lập, đồng thời chủ trương Kiev và Moskva nên đối thoại với nhau.
Phái đoàn Châu Phi sẽ mở các cuộc hội đàm với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và sau đó với tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, một số thành viên của phái đoàn vào giờ chót đã rút ra, cho nên tham gia chuyến đi rốt cuộc chỉ có 4 vị tổng thống, trong đó có tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, cùng với một vị thủ tướng và một đặc phái viên.
Trong một thông cáo đưa ra hôm qua, tổng thống Nam Phi cho rằng "trong bối cảnh chiến sự leo thang, việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình phải được đẩy nhanh". Về phần Kiev, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Ukraine cũng ra thông cáo khẳng định : "Chúng tôi muốn mở các cuộc thảo luận để xem là, nhờ các nỗ lực chung, có thể tiến gần đến hòa bình ở Ukraine hay không".
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan nhận định :
Nhiệm vụ của phái đoàn sẽ rất phức tạp, trước hết là do tình hình quân sự hiện nay, lực lượng Ukraine vừa mới bắt đầu chiến dịch phản công. Thứ hai là phái đoàn bị suy yếu, bị mất đà. Theo dự kiến ban đầu cóđến bảy tổng thống tham gia chuyến đi, nhưng ba người đã bỏ vào giờ chót.
Cho nên, giới thân cận của các tổng thống Châu Phi phải giảm bớt tham vọng của phái đoàn, tức là không còn thương lượng về một lệnh ngừng bắn giữa Kiev và Moskva, mà sẽ tập trung vào vế ngoại giao, kinh tế, cụ thể là phái đoàn hy vọng trong vòng 24 tiếng đồng hồ tới sẽđạt được tiến bộ về vấn đề cung cấp phân bón, ngũ cốc.
Còn theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn, cơ may thành công của phái đoàn trung gian hòa giải Châu Phi rất thấp, bởi vì Ukraine đã tuyên bố không chấp nhận bất cứ nhân nhượng lãnh thổ nào, cho dùđiều này có thể giúp chấm dứt xung đột. Thứ hai là các lãnh đạo Châu Phi trong phái đoàn không thểđóng vai trò trung gian do không có trọng lượng chính trị, không có bất cứảnh hưởng nào.
Thanh Phương