Trump cáo buộc Obama vụ 'Nga can thiệp' (BBC, 25/06/2017)
Tổng thống Donald Trump cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama đã không có hành động khi biết Nga 'can thiệp' vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.
Tổng thống Trump cho rằng cuộc điều tra về 'tác động của Nga' nên tập trung vào ông Obama.
Ông Trump nói ông Obama đã biết rõ trước cuộc bỏ phiếu ngày 8/11 về việc Nga 'can thiệp' và 'không làm gì cả'.
Những bình phẩm của ông đưa ra sau khi một bài báo trên tờ Washington Post nói ông Obama đã biết tin vào tháng Tám năm ngoái về "sự liên quan trực tiếp" của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc Nga được cho là có 'can thiệp' này là chủ đề của nhiều cuộc điều tra cấp cao ở Hoa Kỳ.
Tổng thống Putin đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ.
Bài báo Washington Post nói ông Obama đã được những nguồn tin ở sâu trong chính phủ Nga cho biết vào đầu tháng Tám năm ngoái rằng ông Putin đã trực tiếp tham gia vào một chiến dịch không gian mạng để phá vỡ cuộc bầu cử, gây tổn thương cho Hillary Clinton và giúp đỡ chiến thắng của Trump.
Tờ báo nói rằng ông Obama đã bí mật thảo luận về hàng chục phương án trừng phạt Nga nhưng cuối cùng đã chọn giải pháp bằng những gì được gọi là các biện pháp mang tính tượng trưng - trục xuất 35 nhà ngoại giao và đóng cửa hai cơ sở của Nga. Các động thái xảy ra vào cuối tháng Mười Hai, rất lâu sau cuộc bầu cử.
Obama quan ngại gì ?
Ông Trump cho rằng ông Obama đã biết về 'các can thiệp' vào bầu cử Mỹ của Nga và 'vai trò' của Tổng thống Putin, nhưng đã 'không làm gì'.
Washington Post cho hay ông Obama quan ngại rằng bản thân ông có thể bị xem như đang cố gắng tác động vào cuộc bầu cử.
Bài báo trích lời một viên chức của chính quyền tiền nhiệm nói rằng đã có 'cảm giác' trong giới quan chức và nhân viên về an ninh quốc gia rằng 'chúng ta đã làm hỏng chuyện này'.
Các biện pháp mà ông Obama đã xem xét nhưng không đưa ra hành động bao gồm việc đưa vũ khí không gian vào cơ sở hạ tầng của Nga và công bố các thông tin cá nhân gây tổn hại cho ông Putin.
Ông Trump viết trên Twitter vào hôm thứ Sáu :
"Chính quyền Obama biết từ lâu trước ngày 8/11về việc Nga can thiệp vào bầu cử. Không làm gì cả. TẠI SAO ?"
Ông tiếp tục viết tiếp trên Twitter hai thông điệp nữa vào ngày thứ Bảy, một thông điệp trong đó viết : "Quan chức chính quyền Obama nói họ "nghẹn ngào" khi phải hành động về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử. Họ không muốn làm tổn thương Hillary chăng ?"
Ông Trump lặp lại lập luận này trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News, dự kiến được phát sóng vào Chủ nhật.
"Nếu ông ta có thông tin, tại sao ông ta không làm điều gì đó ? Lẽ ra ông ta phải làm điều gì đó về việc ấy. Nhưng bạn đã không thấy thế. Thật buồn".
Các cáo buộc về sự thông đồng giữa ê-kíp vận động của ông Trump và giới chức Nga trong cuộc bầu cử đã 'phủ bóng' năm tháng đầu của ông Trump trên ghế tổng thống.
Tổng thống Trump đang bị điều tra về 'một số quan hệ' của ông với Nga và liệu ông có để cho 'bị tác động' hay không.
Ông đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc, gọi các cuộc điều tra là "khủng bố chính trị".
Các nhà điều tra Mỹ đang xem xét liệu tin tặc không gian mạng của Nga có nhắm tới các hệ thống bầu cử của Mỹ để giúp ông Trump giành chiến thắng hay không.
Truyền thông Hoa Kỳ nói cố vấn đặc biệt Robert Mueller cũng đang điều tra ông Trump vì có thể đã cản trở công lý theo các yêu cầu của Nga.
Các cản trở bị điều tra có thể liên quan đến việc tổng thống đã sa thải Giám đốc FBI ông James Comey, người từng lãnh đạo một trong các cuộc điều tra, và nỗ lực được cho là của ông Trump nhằm chấm dứt cuộc điều tra nhắm vào cố vấn an ninh quốc gia bị sa thải Michael Flynn.
******************
2016 : Obama đã biết Putin ra lệnh cho tin tặc Nga can thiệp bầu cử Mỹ (RFI, 24/06/2017)
Theo báo Washington Post ngày 23/06/2017, từ mùa hè năm ngoái, tổng thống Barack Obama đã có thông tin về việc đích thân tổng thống Vladimir Putin ra lệnh cho tin tặc Nga tấn công đảng Dân Chủ nhằm giúp Donald Trump thắng cử tổng thống. Câu hỏi đặt ra là tại sao công luận Mỹ đã không được biết tin trên và vì sao cựu chủ nhân Nhà Trắng đã không can thiệp nhiều hơn để ngăn chận hành vi đó ?
Cựu tổng thống Barack Obama (phải) và ông Donald Trump trong lễ nhậm chức tân tổng thống ngày 20/01/2017. REUTERS/Carlos Barria/File Photo
Thông tín viên RFI Jean-Louis Pourtet tại Washington :
Mặc dù đã được thông báo từ tháng 8/2016, nhưng phải đợi đến tháng Giêng 2017 Nhà Trắng mới công khai nêu đích danh tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã giật dây vụ tấn công tin học nhắm vào bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, để giúp cho ông Donald Trump.
Tại sao chính quyền Obama lại kín tiếng và thận trọng như vây ? Theo lời Antony Blenken, nguyên là cố vấn của Barack Obama, thì tổng thống Mỹ muốn tránh để bị mang tiếng là tố cáo Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ nhằm tạo thuận lợi cho bà Clinton. Cựu lãnh đạo Nhà Trắng cũng lo ngại là nếu phản ứng quá mạnh sẽ khuyến khích Moskva mở chiến dịch tấn công đúng vào ngày bầu cử.
Dù vậy, đích thân ông Obama đã trực tiếp cảnh cáo Putin rằng can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ "là điều không thể chấp nhận được". Washington đã trục xuất 35 điệp viên, ban hành lệnh cấm vận nhắm vào nước Nga và cho phép phát triển một chương trình tin học có khả năng phá hủy một số cơ sở hạ tầng của Nga trong trường hợp cần thiết.
Giờ đây, đến lượt bên đảng Dân Chủ chỉ trích chính quyền Trump làm ngơ trước những báo động khả năng Nga tiếp tục các chiến dịch tấn công tin học nhắm vào Hoa Kỳ.
Thanh Hà
******************
Áp lực gia tăng lên Tòa Bạch Ốc về vụ Nga-Trump (VOA, 23/06/2017)
Các dân biểu Dân chủ trong một ủy ban Hạ viện đang áp lực Tòa Bạch Ốc phải công bố một loạt các tài liệu về việc cho phép cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn và ông Jared Kushner, con rể kiêm phụ tá cao cấp của Tổng thống Trump, được tiếp cận với các tài liệu mật.
Tổng thống Palestin Mahmoud Abbas gặp cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc Jared Kushner tại thành phố Ramallah, vùng Bờ Tây ngày 21/6/2017.
Trong một bức thư đề ngày 21/6, 18 thành viên của Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ nói họ hết sức quan ngại về cách Tòa Bạch Ốc xử lý thông tin mật và chọn lọc người được phép tiếp cận những tài liệu nhạy cảm.
Bức thư viện dẫn tin tức báo chí nói ông Kushner đã không tiết lộ nhiều mối liên lạc với các giới chức nước ngoài trong bảng câu hỏi điều tra an ninh. Bức thư cũng thắc mắc tại sao Tòa Bạch Ốc cho phép ông Flynn tiếp cận thông tin mật sau khi đã biết ông khai gian với các giới chức chính quyền về nội dung những cuộc trao đổi với một nhà ngoại giao Nga.
Khi phóng viên hỏi là liệu Tòa Bạch Ốc sẽ thôi cho phép con rể ông Trump tiếp cận các tài liệu mật hoặc có chịu trao những tài liệu mà các dân biểu Dân chủ yêu cầu hay không, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Lindsay Walters trả lời "Tôi sẽ trả lời với quý vị sau".
Luật sư của ông Kushner, bà Jamie Gorelick, nói chưa được biết về lá thư của các dân biểu bên đảng Dân chủ và rằng bà đang ở nước ngoài. Luật sư ông Flynn, Robert Kelner, từ chối bình luận.
Ông Flynn đã bị cách chức về những tuyên bố gây ngộ nhận và đang bị Quốc hội cũng như công tố viên đặc biệt Robert Muller điều tra trong vụ Nga can thiệp bầu cử Tổng thống 2016 mà trong đó có thể có sự thông đồng của những phụ tá của ông Trump.
Ông Kushner hiện đang có mặt tại Trung Đông để giàn xếp một thỏa thuận hòa bình giữa các nhà lãnh đạo Israel và Palestine. Ông Kushner cho biết sẵn sàng trao đổi với các nhà điều tra Quốc hội và liên bang về những mối liên lạc hải ngoại và những việc ông làm trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.
Trước đây luật sư Gorelick thừa nhận là ông Kushner, khi ông điền bảng câu hỏi điều tra an ninh, đã không tiết lộ một số liên lạc của ông với các giới chức chính phủ Nga. Ông Gorelich vào tháng 4 năm nay nói sai sót đó là "lỗi hành chánh", và "không có ý định che dấu bất cứ cuộc gặp nào với người nước ngoài, kể cả với người Nga".
Trong số những cuộc gặp ông không tiết lộ có cuộc gặp với ông Sergey Kislyak, Đại sứ Nga tại Mỹ, và một buổi họp khác với người đứng đầu Ngân hàng Nga.
Trong cuộc họp với Đại sứ Kislyak tại Trump Tower ở New York vào tháng 12 năm ngoái, ông Kushner đề nghị một kênh thông tin mật giữa điện Kremlin với toán chuyển tiếp của ông Trump, theo tin từ một nguồn biết rõ việc này.
Trong những cuộc thảo luận với ông Kislyak, ông Kushner đưa ra ý kiến thiết lập một đường dây liên lạc với Nga để khuyến khích những cuộc thảo luận nhạy cảm cứu xét những giải pháp khả dĩ của chính quyền Trump tại Syria. Theo một nguồn thạo tin, mục đích của ông Kushner nhằm nối kết ông Flynn, cố vấn an ninh cao cấp của ông Trump lúc bấy giờ, với các nhà lãnh đạo quân đội Nga. Báo Washington Post, nguồn đầu tiên đăng tin về cuộc gặp này, nói ông Flynn cũng có tham dự.
Trong giai đoạn chuyển tiếp chính quyền từ Obama sang Trump, ông Kushner cũng gặp riêng ông Sergey Gorkov, giám đốc điều hành hàng đầu của ngân hàng VEB do nhà nước Nga yểm trợ. Tòa Bạch Ốc nói lúc đó ông Kushner đã hành động trong tư cách là một giới chức chuyển tiếp. Ngân hàng nói cuộc gặp nằm trong khuôn khổ một chiến lược đầu tư mới được thông báo cho các định chế tổ chức hàng đầu thế giới cũng như "người đứng đầu tập đoàn Kushner".
Trong thư, các dân biểu Dân chủ thuộc Ủy ban giám sát yêu cầu Tòa Bạch Ốc cung cấp các tài liệu hay những liên lạc liên hệ đến những cuộc gặp này và những cuộc tiếp xúc khác của ông Kushner với các giới chức chính phủ Nga và giới kinh doanh, cũng như những tài liệu hay những tin tức chi tiết về những thông tin mật mà Kushner và ông Flynn tiếp cận được kể từ tháng 12 năm ngoái.
Các dân biểu Dân chủ cũng yêu cầu giao nộp những tài liệu liên hệ đến bất cứ giới chức Tòa Bạch Ốc nào được phép tiếp cận những tin tức mật trong khi đang bị cơ quan thi hành luật pháp điều tra, hay bất cứ giới chức nào của Tòa Bạch Ốc từ chức hay bị sa thải vì đang bị điều tra hình sự hay không được phép tiếp cận tài liệu mật.
Bức thư được sao gởi cho tân Chủ tịch của Ủy ban, một người thuộc đảng Cộng hòa, dân biểu Trey Gowdy. Tuy nhiên, hiện không rõ bức thư có thành công trong việc thu thập những tài liệu của Tòa Bạch Ốc hay không. Cho tới nay, chính quyền Trump phần lớn phớt lờ những yêu cầu của các nhà lập pháp Dân chủ, chỉ trao tài liệu khi đảng Cộng hòa cùng yêu cầu.
********************
Bầu cử tổng thống Mỹ 2016 : Tin tặc Nga tấn công 21 bang (RFI, 22/06/2017)
Guồng máy bầu cử của 21 bang Mỹ đã bị tin tặc Nga tấn công trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Thông tin trên được một quan chức cao cấp Mỹ, đặc trách về an ninh mạng, đưa ra ngày 21/06/2017 trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện hiện đang điều tra về nghi án tin tặc Nga.
Jeanette Manfra, quyền thứ trưởng đặc trách an ninh mạng tại Bộ An Ninh Nội Địa đang nghe điều trần tại Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ ngày 21/6/2017. REUTERS/Joshua Roberts
Bà Jeanette Manfra, quyền thứ trưởng phụ trách an ninh mạng thuộc bộ An Ninh Quốc Nội Mỹ, khẳng định : "Cho đến nay, chúng tôi có bằng chứng là hệ thống máy liên quan đến cuộc bầu cử đã bị tấn công tại 21 bang". Tuy nhiên, vẫn theo quan chức này, không có chi tiết nào cho thấy kết quả bầu cử bị thao túng.
Cũng giải trình trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, cựu bộ trưởng Nội Vụ Mỹ Jeh Johnson, nắm giữ chức vụ đến cuối nhiệm kỳ của tổng thống Obama, cho biết đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về tình trạng tin tặc tấn công danh sách cử tri. Tuy nhiên, theo ông, lời cảnh báo này lại bị lu mờ trước tai tiếng về những lời lẽ coi thường phụ nữ của ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump, bị ghi hình lén năm 2005.
Được hỏi tại sao chính quyền không cảnh báo nhiều hơn cho người dân, cựu bộ trưởng trả lời : "Chúng tôi rất sợ điều đó bị xem là đưa ra quan điểm riêng trong cuộc bầu cử".
Hãng tin Reuters nhắc lại các cơ quan tình báo Mỹ đã đi đến kết luận điện Kremlin là nguồn gốc của một chiến dịch tin tặc có quy mô lớn nhằm giúp ứng viên Donald Trump thắng cử.
Bị nghi ngờ cản trở tư pháp, bản thân chủ nhân Nhà Trắng cũng liên quan đến cuộc điều tra về nghi án Nga thao túng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và đội ngũ vận động tranh cử của ông có quan hệ với Matxcơva.
Thu Hằng
*******************
Cựu Bộ trưởng an ninh nội địa : FBI trì hoãn thông báo về tấn công tin tặc (VOA, 22/06/2017)
Cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson điều trần trước Ủy ban an ninh của Quốc hội trong điện Capitol Hill, Washington, ngày 21/06/2017 về về việc tặc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016
Cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson nói với một ủy ban của Quốc hội hôm thứ Tư rằng có sự trì hoãn giữa thời điểm FBI lần đầu tiên liên lạc với Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc về việc Nga tấn công tin tặc máy chủ của tổ chức này và thời điểm ông được thông báo tại Bộ An ninh Nội địa.
Ông Johnson, người phục vụ dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết như vậy khi ông ra khai chứng về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Bộ An ninh Nội địa đã đưa ra cảnh báo về vụ xâm nhập vào cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri, nhưng ông Johnson cho biết thông báo không nhận được sự chú ý mà ông mong muốn.
Ông Johnson nói rằng vụ cuốn băng năm 2005 mà trong đó ông Donald Trump khoe khoang về chuyện tấn công tình dục phụ nữ đã thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ vào thời điểm cảnh báo được đưa ra.
Khi được hỏi tại sao chính quyền Obama không làm nhiều hơn để cảnh báo công chúng về vụ tấn công, ông Johnson nói, "Chúng tôi rất quan tâm tới chuyện chúng tôi không bị xem là đang đứng về một phe trong cuộc bầu cử, xen vào giữa một chiến dịch hết sức nóng bỏng".