Hoa Kỳ sẽ chung sống với Trung Quốc ‘40 năm nữa’ (BBC, 22/06/2017)
Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác song phương với Trung Quốc và thu hẹp khác biệt.
Thông điệp được đưa ra trong cuộc hội đàm cấp cao hai nước hôm thứ Tư tại Washington D.C.
Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis (trái) và Ngoại trưởng Rex Tillerson trả lời tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói với các phóng viên sau vòng đầu đối thoại an ninh và ngoại giao Trung Mỹ.
Thông điệp được đưa ra trong cuộc hội đàm cấp cao hai nước hôm thứ Tư tại Washington D.C.
Đoàn Trung Quốc có ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ và ông Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng, một ủy viên Quân ủy trung ương Trung Quốc, tham dự.
Ông Tillerson nói rằng Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh quan hệ song phương cho 40 năm tới trong bối cảnh hai nước chia sẻ lợi ích an ninh tuy đối diện các mối đe dọa hoặc các lĩnh vực mà cả hai nước cần thu hẹp khác biệt và giải quyết các vấn đề này.
"Các cuộc đối thoại cho một cơ hội để cân nhắc chúng ta sẽ tiếp cận ra sao và làm thế nào để cùng chung sống trong 40 năm tới", ông Tillerson nói.
"Một phần thảo luận về 40 năm tới là tăng cường tin tưởng đôi bên và hướng tới nỗ lực của quân đội và chính phủ hai nước nhằm giảm bớt rủi ro dài hạn", ông Tillerson nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis kêu gọi cho mối quan hệ với Trung Quốc có tính "xây dựng" và "coi trọng kết quả".
"Tôi cam kết cải thiện quan hệ quốc phòng Mỹ Trung để duy trì một yếu tố ổn định trong quan hệ về toàn diện. Hai nước chúng ta có thể và đã có hợp tác theo những cách đôi bên cùng có lợi", ông Mattis nói.
Đối thoại an ninh và ngoại giao cấp cao là một trong bốn cơ chế được lãnh đạo hai nước là Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump nhất trí triển khai trong cuộc họp với nhau tại Florida hồi tháng Tư.
Ba vòng đối thoại cấp cao nữa về các mảng kinh tế, thực thi luật và an ninh mạng sẽ diễn ra nội trong năm nay.
Mỹ không chấp nhận quân sự hóa Biển Đông
Mới đây Hoa Kỳ nói sẽ không chấp nhận việc quân sự hóa của Trung Quốc với các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông và nói những động thái như vậy làm suy yếu sự ổn định khu vực..
Phát biểu tại hội nghị an ninh thường niên được biết đến với tên gọi Diễn đàn Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đưa ra cảnh báo :
"Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo và thực thi thái quá các yêu sách biển. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận những thay đổi đơn phương, cưỡng ép hiện trạng".
*********************
Mỹ hối Trung Quốc kìm chân các công ty làm ăn với Bắc Triều Tiên (VOA, 22/06/2017)
Mỹ ngày 21/6 hối thúc Trung Quốc kiểm soát các công ty làm ăn với Bắc Triều Tiên sau khi Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter trước khi đôi bên có các cuộc hội đàm cao cấp rằng các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng tới đồng minh khó bảo của mình không có kết quả.
Ngoại trưởng Rex Tillerson (giữa, trái) hội kiến Ủy viên quốc vụ viện đặc trách đối ngoại của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, và tướng Phòng Phong Huy, tại Bộ ngoại giao ở Washington, ngày 21 tháng 6, 2017.
Ông Trump vẫn trông cậy vào Trung Quốc sử dụng sức ảnh hưởng kinh tế đối với chính phủ của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong lúc Mỹ ngày càng lo ngại về việc Bắc Triều Tiên tăng tốc hướng tới một phi đạn hạt nhân có thể tấn công lục địa Mỹ.
Đàm phán an ninh giữa các nhà ngoại giao và lãnh đạo quốc phòng Mỹ-Trung diễn ra trong lúc Washington đang phẫn nộ về cái chết của sinh viên Mỹ, Otto Warmbier, sau khi anh được Bắc Triều Tiên phóng thích trong tình trạng hôn mê.
Tại cuộc hội đàm ở Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách đối ngoại của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, và Tướng Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Bà Susan Thornton, nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ tại khu vực Đông Á, cho hay vấn đề Bắc Triều Tiên sẽ đứng đầu nghị trình thảo luận. Bà nói Mỹ sẽ tham vấn với Trung Quốc về việc thi hành các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm hạn chế doanh thu và công nghệ cho các chương trình phi đạn và hạt nhân.
Tuần trước, ông Tillerson nói trong một cuộc điều trần của Thượng viện rằng những nỗ lực của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên "không đều". Bà Thornton dẫn ra những hạn chế của Trung Quốc đối với than đá nhập khẩu của Bắc Triều Tiên là tiến bộ "đáng chú ý". Tuy nhiên, bà nói rằng Mỹ muốn có thêm hành động nhắm vào các công ty Bắc Triều Tiên trong danh sách đen đang kinh doanh qua ngả Trung Quốc.
Bắc Kinh muốn nối lại những cuộc đàm phán của Mỹ với Bắc Triều Tiên và Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được "kết quả tích cực" từ cuộc đối thoại hôm nay 21/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.
Các cuộc thảo luận này thay thế một cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế được tổ chức hàng năm dưới chính quyền Obama. Những cuộc hội đàm đó ít khi mang lại kết quả đáng kể. Cuộc hội đàm năm nay tách biệt các khía cạnh an ninh.
Bà Thornton cho biết các cuộc đàm phán cũng sẽ bao gồm Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây cất các cơ sở quân sự khiến các nước láng giềng lo ngại và gây căng thẳng với Washington ; hợp tác quân sự Mỹ-Trung để giảm nguy cơ mâu thuẫn ; và những nỗ lực để đánh bại Nhà nước Hồi giáo.
Các vấn đề thương mại gây chia rẽ sẽ được giải quyết vào một dịp sau đó.
Trọng Thành
****************
Mỹ yêu cầu Trung Quốc gia tăng áp lực với Bắc Triều Tiên (RFI, 22/06/2017)
Trong cuộc họp giữa các lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ - Trung Quốc hôm qua 21/06/2017, ở Washington, phía Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc gia tăng áp lực, buộc Bắc Triều Tiên ngưng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Hai phái đoàn ngoại giao và quân sự Mỹ-Trung thảo luận tại Washington DC, ngày 21/06/2017. REUTERS/Aaron P. Bernstein
Trong cuộc họp giữa các lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Hoa Kỳ - Trung Quốc hôm qua 21/06/2017, ở Washington, phía Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc gia tăng áp lực, buộc Bắc Triều Tiên ngưng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
AFP cho biết ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu trong cuộc họp báo là Mỹ "đã nhắc lại với Trung Quốc là cần có trách nhiệm gia tăng áp lực kinh tế và ngoại giao đối với Bắc Triều Tiên một cách mạnh mẽ hơn nữa nếu muốn ngăn chặn sự leo thang quân sự trong khu vưc". Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng gọi Bình Nhưỡng là "mối đe dọa an ninh chính" của Mỹ và hy vọng Trung Quốc sẽ góp phần chống lại "hoạt động vi phạm pháp luật" của Bình Nhưỡng như rửa tiền, tấn công tin tặc để có tiền chi cho chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trung Quốc tiếp tục phản đối Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc và kêu gọi thương lượng, đề xuất Bắc Triều Tiên ngưng chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Đổi lại, Mỹ và Hàn Quốc ngưng các đợt tập trận chung có quy mô lớn.
Bắc Triều Tiên đã có phản ứng. Hôm nay, tờ Rodong Sinmum của Bắc Triều Tiên nói rằng tổng thống Mỹ Donald Trump là "người mắc bệnh thần kinh" và "Hàn Quốc phải hiểu rằng nghe theo một kẻ thần kinh như Donald Trump thì sẽ chỉ dẫn tới tai họa mà thôi".
Thùy Dương
**********************
Mỹ sẽ có biện pháp với Bắc Kinh nếu tranh chấp thương mại không được gỡ rối (VOA, 22/06/2017)
Trước cuộc đàm phán kinh tế Mỹ-Trung, một tổ chức vận động cho doanh nghiệp Mỹ cảnh báo Washington có thể cân nhắc hành động chống lại Bắc Kinh nếu không đạt thêm tiến bộ trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại.
Tư liệu - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trung Quốc và Mỹ đồng ý 100 ngày đàm phán thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ người tương nhiệm Tập Cận Bình hồi tháng 4, nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại 347 tỉ đôla của Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới hồi năm ngoái.
Nhưng những người chỉ trích trong ngành thương mại của Mỹ nói rằng kết quả của các cuộc đàm phán cho đến nay chỉ đưa tới những biện pháp hời hợt mà không giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết hơn như những hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc và các chính sách công nghiệp.
"Chúng tôi không cổ động chiến tranh thương mại ... nhưng nếu đối thoại không mang lại kết quả, có một số công cụ trong bộ công cụ mà (chính phủ Mỹ) có thể sử dụng", Myron Brilliant, phó chủ tịch điều hành của Phòng Thương mại Mỹ, nói với báo giới ở Bắc Kinh.
"Có một số tiến bộ tiệm tiến đang đạt được. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ ... Chúng tôi cần giải quyết một số vấn đề khó khăn hơn".
Hạn chót cho những cuộc đàm phán là ngày 16 tháng 7 và cuộc Đối thoại Kinh tế Toàn diện Mỹ-Trung đầu tiên theo lịch trình sẽ được tổ chức vào một thời điểm sau đó trong năm nay.
Căng thẳng thương mại giữa hai nước giảm bớt sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo khi Mỹ tìm kiếm sự trợ giúp từ Trung Quốc trong việc kiểm soát các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên, nhưng Phòng Thương mại Hoa Kỳ cho hay áp lực đang gia tăng để Trung Quốc có thêm hành động cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty nước ngoài.