Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/07/2023

Điểm báo Pháp - Nước Pháp dưới cú sốc bạo động

RFI tiếng Việt

Nước Pháp dưới cú sốc bạo động, một năm trước Thế Vận Hội

Theo Le Figaro và Les Echos ngày 03/07/2023, bạo loạn khiến hình ảnh của Pháp, một trong những quốc gia hào phóng nhất về phúc lợi xã hội, chẳng khác nào một nước thuộc "thế giới thứ ba". Trong một năm nữa, trên đất nước ấy sẽ diễn ra Thế Vận Hội mùa hè. Vấn đề không phải là có sẵn sàng hay chưa, mà là có xứng đáng với sự kiện trọng đại này hay không.

baoloan1

Cảnh rượt đuổi trên đại lộ Champs-Élysées, Paris, Pháp, ngày 01/07/2023, trong bối cảnh cuộc bạo loạn sau khi thiếu niên Nahel 17 tuổi ở Nanterre bị cảnh sát bắn chết. Reu Nacho Doce

Les Echos chạy tựa "Nước Pháp dưới cú sốc". Bốn ngày bạo loạn chưa từng thấy kể từ 2005 đã làm thương mại, du lịch, giao thông, hoạt động văn hóa bị ảnh hưởng nặng nề, những ý định xúc tiến của tổng thống Emmanuel Macron sau cải cách hưu trí bị ngáng đường. Trang nhất Le Monde nhấn mạnh đến việc "Chính phủ trước nạn cướp phá lan rộng", Le Figaro đưa tít "Cảnh sát đối phó với bạo lực hoang dã". Bị tấn công ngay từ đầu, ngành an ninh phải huy động toàn bộ lực lượng. Libération đặt câu hỏi "Làm sao ra khỏi bạo lực ?". La Croix lưu ý "Bạo động đô thị : Sự hoang mang của các gia đình". Nhiều thiếu niên tham gia các cuộc nổi loạn - đã bước qua một ngưỡng mới với việc tấn công vào tư gia một thị trưởng.

Hai sự kiện ngoại giao quan trọng bị hủy bỏ

Trong bài xã luận, Le Figaro nhận định, lần thứ hai trong vòng bốn tháng, tổng thống Pháp phải hủy bỏ hai sự kiện ngoại giao quan trọng. Hồi tháng Ba, các cuộc biểu tình chống cải cách hưu trí khiến ông Macron phải hoãn lại chuyến thăm của quốc vương Charles III và đầu tuần này hủy chuyến viếng thăm cấp Nhà nước ba ngày ở Đức. Nhật báo Đức Bild Zeitung thẳng thừng viết "40.000 cảnh sát mà không ngăn được sự hỗn loạn".

Nếu đọc báo chí nước ngoài, có thể nghĩ là Pháp đang trong cảnh nội chiến. Khi Algeria lên mặt nhắc nhở Pháp "có nhiệm vụ bảo vệ" công dân nước này càng khiến dư luận thêm tức giận, nhưng những lời bình đến từ Mỹ hay Châu Âu mang lại cảm giác xấu hổ, như thể thế giới đang chế giễu sự xuống cấp của Pháp. Đã đành Pháp nổi tiếng là một đất nước chưa bao giờ hài lòng, đó cũng là nét duyên riêng. Nhưng thời gian gần đây, đi từ cuộc khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, Pháp tạo ra ấn tượng một quốc gia không kiểm soát được.

Ban đầu là phong trào "Áo Vàng" bày tỏ nỗi bất lực trước toàn cầu hóa, rồi đến những cuộc biểu tình liên tục chống cải tổ hưu trí. Và nay thì bùng nổ nạn các thanh niên đập phá mọi thứ - tạo ra hình ảnh một đất nước của những người thô bạo giấu mặt sau chiếc nón trùm đầu, một quốc gia "thế giới thứ ba". Những đại biểu dân cử và lực lượng an ninh bị thách thức, bị đe dọa bởi những thiếu niên vô giáo dục, được vài nhân vật cực tả vô trách nhiệm cổ vũ, "đổ dầu vào lửa", với quan niệm kỳ lạ về dân chủ. Trong một năm nữa, trên đất nước ấy sẽ diễn ra Thế Vận Hội mùa hè. Vấn đề không phải là có sẵn sàng hay chưa, mà là có xứng đáng với sự kiện hay không.

Chi 62 tỉ euro cho 1.100 khu phố, vẫn không ngăn được bạo loạn

Tương tự, Les Echos nhắc đến hai sự kiện ngoại giao phải hủy bỏ trên đây, và rút ra những bài học nghiêm khắc của bốn ngày hỗn loạn. Thật khó hiểu không khí hầu như nổi dậy, trong một đất nước thuộc loại thịnh vượng nhất thế giới. Làm thế nào mà một trong những quốc gia hào phóng nhất về phúc lợi xã hội, lại ra nông nỗi này ?

Những lời chê trách nghe được trong những ngày gần đây, rằng Nhà nước chẳng làm gì cho vùng ngoại ô, thật đáng phẫn nộ. Trong 20 năm qua, ANRU, Cơ quan khu vực về cải tạo đô thị đã chi đến 62 tỉ euro để mang lại khuôn mặt mới cho trên 1.100 khu phố. Điều mỉa mai của lịch sử : đúng vào thời điểm này ANRU kỷ niệm 20 năm thành lập. Vấn đề hiện nay là bên cạnh việc chỉnh trang nơi ở có lẽ còn phải đầu tư tương tự cho con người : một báo cáo năm 2022 của Viện Montaigne đề nghị có sự phối hợp giữa chính quyền với các hiệp hội địa phương. Có thể không phù hợp vào lúc này, trước cơn giận chính đáng của các nhà kinh doanh, đại biểu hay dân thường có tài sản bị cướp hay hủy hoại trong không khí hầu như nội chiến, nhưng cần suy nghĩ đến.

Về thiệt hại, Les Echos điểm sơ qua : nhiều siêu thị ở các nơi bị hư hại thậm chí bị đốt ; Lidl, Aldi, Auchan, Carrefour… đều bị ảnh hưởng. Hơn một chục trung tâm thương mại lớn, trên 200 siêu thị bị tấn công và cướp phá, 250 tiệm bán thuốc lá, 250 chi nhánh ngân hàng… chưa kể các tiệm buôn đủ cỡ trong đó có các cửa hàng thời trang, đồ thể thao. Các nhà hàng thức ăn nhanh như McDonald’s, KFC… đặc biệt bị nhắm đến. Nhưng tác động trong những tháng tới đối với ngành du lịch là đáng lo nhất. Bắt đầu một làn sóng hủy đặt chỗ từ đầu tháng Bảy với tỉ lệ 20-25%. Ấn tượng nhất là hai buổi trình diễn của Mylène Farmer ở Stade de France đã bị hủy.

Máu của người Ukraine tiếp tục đổ xuống để giữ đất

Dành nhiều chỗ nói về bạo loạn ở Pháp, các báo cũng không quên cuộc chiến tranh ở Ukraine. Phóng sự của Le Monde tả lại "Ở hậu phương Tchernivtsi, cái giá về mạng người của chiến tranh". Theo Viện Quốc tế Xã hội học Kiev (KIIS) hôm 29/06, có đến 78% người dân Ukraine có người thân hay bạn bè bị thương hoặc thiệt mạng kể từ khi Nga xâm lăng, cả thường dân lẫn quân nhân.

Tuy khu vực trung tâm của thành phố thuộc miền tây Ukraine ở xa mặt trận, nhưng mỗi ngày đều có đám tang của lính chiến. Những quân nhân tử trận thường ở độ tuổi 27 đến 30. Chỉ riêng Tchernivtsi, tỉnh nhỏ nhất trong 24 tỉnh của Ukraine với khoảng 890.000 dân, trang Suspilne ghi nhận có ít nhất 645 tử sĩ trong 16 tháng qua, dựa trên những lời phân ưu và cáo phó trên mạng xã hội.

Dọc theo chiến tuyến, những người tình nguyện thu nhặt xác những người lính hy sinh đưa về những nơi tương đối an toàn. Nếu có thể nhận diện, thi thể được trực tiếp đưa về Tchernivtsi, nếu không sẽ đưa vào nhà xác thường là ở Dnipro trước khi nhận dạng bằng ADN hay đơn giản là hình xăm.

Được lợi từ chiến tranh, Thụy Sĩ "trung lập" vẫn ngăn giao vũ khí cho Ukraine

Trong khi đó, Thụy Sĩ từ chối gởi sang Hà Lan khoảng 100 xe tăng đời cũ để sửa chữa và chuyển cho Ukraine. Thêm một lần nữa, chính quyền liên bang viện lý do luật pháp Thụy Sĩ cấm xuất khẩu hoặc tái xuất vũ khí sang một nước đang có chiến tranh. Đó là những chiếc Leopard-1 của tập đoàn quốc phòng nhà nước Ruag đã qua sử dụng và không thể hoạt động, mua lại của Ý năm 2016 với ý định sửa chữa để bán lại hoặc rã ra bán phụ tùng. Số xe tăng này vẫn đang tồn trữ tại Ý.

Quyết định trên không gây ngạc nhiên, nhưng ngày càng khiến các nước phải đặt lại vấn đề về sự "trung lập" của Thụy Sĩ. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết "thực sự thất vọng và khó thể hiểu được", nhất là mọi chi phí đều do Châu Âu đài thọ. Hơn nữa, dù mang danh "trung lập", kỹ nghệ vũ khí Thụy Sĩ chưa bao giờ khấm khá như thế nhờ chiến tranh Ukraine : năm 2022 đã xuất khẩu 955 triệu quan, tăng 29%.

Cá heo, lực lượng bảo vệ cuối cùng của hạm đội Nga ở Crimea

Một khía cạnh độc đáo trong cuộc chiến : Moskva đã huấn luyện cá heo, cá voi trắng, hải sư và hải cẩu để bảo vệ các căn cứ hải quân Murmansk ở Baltic. Bộ quốc phòng Anh hôm 23/06 cho biết từ mùa hè 2022, Nga tăng cường phòng thủ cảng chiến lược Sevastopol ở Crimea. Các vệ tinh phương Tây theo dõi luồng tàu thủy, tàu ngầm của Hạm đội Hắc Hải đã phát hiện số khu vực nuôi cá heo tăng gấp đôi. Lợi ích của chúng là bơi nhanh hơn, lâu hơn và lặn sâu hơn lực lượng người nhái.

Chuyên gia H.I. Sutton của Naval News nhận định, dù ưu tiên cho hỏa tiễn và drone biển, Nga rất sợ đặc nhiệm Ukraine, và cá heo là phòng tuyến cuối cùng nhằm phát hiện người nhái tiến gần các khu trục hạm, chiến hạm, tàu phá mìn, tàu ngầm. Theo đại tá Nga Viktor Baranets, một số cá heo còn được huấn luyện tấn công cảm tử. Le Figaro nhắc lại, cách đây hơn nửa thế kỷ, kể từ năm 1965 có năm con cá heo đã được thả ở căn cứ Cam Ranh ở Việt Nam. Cựu biệt kích Mỹ Brandon Webb tiết lộ, có ít nhất một Việt Cộng thiếu may mắn đã bị cá heo loại khỏi vòng chiến.

Sau cuộc nổi dậy, Wagner vẫn tuyển quân ở Nga

Đặc phái viên Le Figaro nhận thấy tại Novosibirsk, thành phố lớn thứ ba của Nga, Wagner vẫn tiếp tục tuyển mộ lính đánh thuê như không có chuyện gì xảy ra, và Yevgeny Prigozhin vẫn được cảm tình. Lá cờ lớn của của Wagner vẫn bay phấp phới trên tòa nhà số 17 đường Chelyuskinsev. Ngay sau vụ nổi dậy, một nhà báo Nga trong vai người ứng tuyển, được trả lời rằng căn cứ của Wagner vẫn luôn ở Molkino, miền nam nước Nga, nhưng phải ký hợp đồng với Bộ quốc phòng, và hy vọng có thể vẫn được ưu đãi hơn so với quân đội chính quy.

Tuy vậy Wagner nay là chủ đề nhạy cảm : các bảng quảng cáo bị gỡ xuống, các trang trên mạng xã hội bị đóng, FSB tịch thu các dĩa cứng tại trụ sở chính cũng như nhiều thành phố khác. Hôm 01/07 tại Novosibirsk, nhiều xe hơi mang màu cờ Wagner đã tập hợp gần nghĩa trang thành phố như một cách ủng hộ, còn trụ sở của Shoigu, kẻ thù của Prigozhin nhưng là bạn của tổng thống được tăng cường bảo vệ.

Bắc Kinh cố gắng hất cẳng Washington ở Châu Mỹ la-tinh

Nhìn sang Châu Mỹ la-tinh, đặc phái viên Le Monde có bài điều tra công phu "Bắc Kinh tại sân sau của Washington". Trong bối cảnh xung đột Mỹ-Trung, Trung Quốc tăng cường hiện diện về kinh tế và ngoại giao tại châu lục này.

Bài viết mở đầu với hình ảnh vịnh Chancay của Peru, một dự án khổng lồ 3,6 tỉ đô la của tập đoàn Cosco Trung Quốc nhằm xây dựng một cảng container lớn nhất thế giới. Những ngọn đồi bị đặt chất nổ nhiều khi chỉ cách nhà dân có 50 mét, bụi phủ đầy vật dụng, đồ đạc bị hư hại… Đây là cửa ngõ chiến lược của Bắc Kinh để tiến vào khu vực xưa nay là vùng ảnh hưởng của Hoa Kỳ, với chiến lược "ngoại giao tín dụng".

Những nước giàu tài nguyên như Argentina, Chile, Bolivia vốn chiếm đến 60% trữ lượng lithium của thế giới chẳng hạn, nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc. Châu Mỹ la-tinh chiếm 24% số tín dụng của các định chế nhà nước Trung Quốc, tuy sau Châu Á (29%) nhưng đứng trên Châu Phi (23%). Ba mươi ba nước ở châu lục này là số phiếu đáng kể tại các định chế quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm các nước này nhiều hơn cả số chuyến công du của Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden cộng lại. Đặc biệt sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Cuba gây rất nhiều lo ngại.

Thế kỷ 21 thuộc về Trung Quốc hay Ấn Độ ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos phân tích về sự đối đầu giữa Bắc Kinh và New Delhi. Sức mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc thì không ai nghi ngờ, nhưng những nhược điểm có thể lộ rõ hơn trong tương lai. Còn Ấn Độ với vũ khí dân số đang mơ trở thành ngang hàng với Trung Quốc hay Châu Âu.

"Thế kỷ 21 là thế kỷ của Châu Á" - hầu như mọi người đều đồng thuận về nhận định trên. Nhưng đó là Châu Á nào ? Trung Quốc hay Ấn Độ ? Sự đối địch giữa hai người khổng lồ Châu Á liệu có ảnh hưởng đến viễn cảnh phát triển của châu lục ? Theo tác giả bài viết, Trung Quốc là thực tế không thể tránh né, còn Ấn Độ là dự án cho tương lai. Đối với phương Tây, Trung Quốc vừa là nguy cơ vừa là cơ hội, còn Ấn Độ không (hoặc chưa) là mối đe dọa. New Delhi cần đến Hoa Kỳ để cân bằng với Bắc Kinh, còn Trung Quốc, ngoại trừ năng lượng, không cần đến Nga để có thể ngang hàng với Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là các nước phương Nam sẽ chọn lựa hướng về mô hình dân chủ phương Tây hay toàn trị của phương Đông. Dưới con mắt người phương Tây, Ấn Độ đang đứng giữa ngã tư đường. Nền dân chủ lớn nhất thế giới lẽ ra phải không ngần ngại chọn phương Tây, vì về địa chính trị, mối đe dọa là từ Trung Quốc. Nhưng vết thẹo từ quá khứ thuộc địa vẫn còn đó. Ấn Độ mơ tiến lên ngang hàng với Trung Quốc không chỉ ở Châu Á mà còn trên thế giới. Đó là một thế giới tam cực thậm chí lưỡng cực mới, trong đó Ấn Độ thay thế cho Liên Xô. Hoặc là một G4 gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Châu Âu và Ấn Độ.

Việt Nam được lợi trong "toàn cầu hóa" mới

Bao quát hơn trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nhận thấy "Thương mại thế giới đang trong quá trình ‘big bang’". Hoa Kỳ tách biệt khỏi Trung Quốc, Đông Nam Á và các nước kỹ nghệ phát triển củng cố vị trí, toàn cầu hóa mang một bộ mặt mới. Đó là do đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh, chiến tranh Ukraine, đại dịch Covid… đã làm thay đổi luồng trao đổi hàng hóa. Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng đây là "tái toàn cầu hóa" chứ không phải "phi toàn cầu hóa".

Ai sẽ hưởng lợi trong quá trình tái tổ chức này ? Đó là Indonesia, Malaysia và Việt Nam, đã tăng được thị phần trong lượng hàng nhập khẩu của Mỹ, kể cả chất bán dẫn. Năm 2022, thị phần Đài Loan về mặt hàng này từ 5% lên 10%, Israel từ 1% lên 4% ; Châu Âu cũng tăng nhập khẩu từ các quốc gia Châu Á mới nổi. Châu Mỹ la-tinh và Châu Phi hầu như vắng bóng trong cục diện mới.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 187 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)