Đế chế Wagner bắt đầu bị tháo dỡ, đối lập nuôi hy vọng sau vụ nổi dậy
Le Monde ngày 04/07/2023, cho biết tại Nga, tập đoàn truyền thông của ông trùm Wagner sắp tới có thể do một nhân vật thân cận của Vladimir Putin kiểm soát. Theo Le Figaro, vụ nổi dậy của Yevgeny Prigozhin tuy bất thành, đã gieo hy vọng cho các phe đối lập đang lưu vong ở Kiev về một ngày giải phóng đất nước. Trong khi đó tại Kherson của Ukraine, giáo dân Chính thống giáo dứt khoát cắt đứt với giáo quyền Moskva.
Một nhân viên gỡ logo của Wagner trên cửa kính trụ sở của tập đoàn ở Saint-Petersburg, Nga ngày 01/07/2023. Reuters – Anton Vaganov
Nạn bạo động vẫn chiếm trang nhất các nhật báo Pháp. Le Monde điểm lại "Hậu quả rất nặng nề của năm ngày nổi loạn". Le Figaro chú ý đến việc các thị trưởng kêu gọi một sức bật trên khắp nước Pháp, họ đứng ra kêu gọi chấm dứt bạo động. Tương tự, La Croix nhấn mạnh các thị trưởng là những người ở tuyến đầu để lập lại trật tự. Libération chạy tựa "Cảnh sát làm gì ?", đặt vấn đề phải cải tổ lực lượng này. Riêng nhật báo kinh tế Les Echos nói về việc Châu Âu mở cửa cho một thế hệ hạt giống biến đổi gien mới, mà tờ báo gọi là "thử thách đầy rủi ro" cho Bruxelles.
Năm ngày bạo động gây thiệt hại lớn cho nước Pháp
Theo Le Monde, hậu quả của bạo động là chưa từng thấy. Chỉ trong năm ngày, số nạn nhân trực tiếp của các vụ hỏa hoạn, phá hoại hay cướp bóc đã lên đến hàng ngàn.Kể từ 30/06, tổng thiệt hại trong năm ngày đêm đã vượt quá đợt nổi dậy hồi mùa thu năm 2005, kéo dài ba tuần lễ. Không chỉ kiểm soát các khu phố, những kẻ nổi loạn còn tấn công cả cơ quan công quyền, cướp bóc các cửa hàng ngay khu trung tâm, cả đêm lẫn ngày bất chấp 45.000 nhân viên công lực được huy động.
Đến Chủ nhật, có trên 5.000 xe hơi, 10.000 thùng rác bị đốt cháy, gần 1.000 tòa nhà bị phóng hỏa, phá hoại hay cướp phá, 250 vụ tấn công vào trụ sở cảnh sát, hiến binh, trên 700 cảnh sát bị thương. Một người thiệt mạng ở Guyane được cho là bị đạn lạc từ phía nổi dậy. Đặc biệt vụ tấn công vào nhà riêng của thị trưởng L’Haÿ-les-Roses làm vợ con ông bị thương khiến cư dân bàng hoàng, chính khách mọi phía đều phẫn nộ. Nhiều tiếng nói đòi hỏi phải khắt khe hơn trước nạn coi thường luật pháp, những bản án tù đầu tiên đã được tuyên.
Bộ trưởng nội vụ Gérald Darmanin quyết định đưa những đơn vị ưu tú vào cuộc để gây ấn tượng. Hình ảnh xe thiết giáp Sherpa của BRI (lữ đoàn truy tìm và can thiệp) húc đổ các rào cản trên một đại lộ ở Nanterre đêm thứ Năm 29/06 nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội. Không ai nghĩ rằng các đơn vị ngôi sao như RAID (tìm kiếm, hỗ trợ, can thiệp, răn đe) và GIGN (nhóm can thiệp của hiến binh quốc gia) sẽ ra tay. Tuy bất ngờ, nhưng chiến lược tỏ ra hiệu quả trước những nhóm thanh niên hết sức hung hãn và có tổ chức, tình hình đã dịu xuống dần.
Đế chế truyền thông của Prigozhin vào tay Putin
Nhìn sang nước Nga, Le Monde nói về tương lai bất định của đế chế truyền thông Yevgeny Prigozhin. Các hoạt động gây ảnh hưởng của ông trùm Wagner có thể sẽ do các nhân vật khác phụ trách.
Yevgeny Prigozhin bị chính hệ thống thông tin Internet Research Agency của mình phản bội. Trang web lưu vong chuyên về điều tra Agentstvo dẫn lời ba nhà quan sát cho biết những lời bình và tin tức mà hệ thống này đưa ra trong vụ nổi dậy ngày 23 và 24/06 không ủng hộ ông ta mà ca ngợi sự khôn ngoan của Vladimir Putin. Trên thực tế, từ tháng Năm một số thành viên của tổ chức này đã tố cáo việc Prigozhin tấn công bộ trưởng quốc phòng là nguy hiểm, có nghĩa là ông chủ Wagner đã bắt đầu mất kiểm soát từ trước đó.
Yevgeny Zubarev, tổng giám đốc Ria Fan, cơ quan truyền thông lớn nhất của tập đoàn khẳng định nhóm Patriot đóng cửa, ra khỏi không gian truyền thông Nga. Tuy không thể xác định được số 300 triệu lượt đọc mỗi ngày như loan báo, nhưng mạng Patriot rõ ràng có sức nặng. Ria Fan, tự cho là hãng thông tấn, đăng 800 đến 900 bài viết mỗi ngày. Từ 23/06, chính quyền đã chặn một số trang của tập đoàn, một số nhân viên bị sa thải hay tạm nghỉ với lệnh xóa dấu vết trên internet. Người sẽ nắm lại hệ thống được cho là Yuri Kovalchuk, người thân cận của Vladimir Putin.
Cho đến nay, sức mạnh của Patriot dựa trên một hệ sinh thái hoạt động nhịp nhàng. Nhiều trang của nhóm này dẫn chứng lẫn nhau hay đăng lại bài viết, hay tạo ra những bài mới với bình luận của những chuyên gia giả hiệu hay tin giả, rồi khuếch tán. Bên cạnh đó là các nhà chuyên môn gây ảnh hưởng : ca ngợi chế độ, tấn công kẻ thù kể cả nhà báo.
Chiến đấu cùng Ukraine, đối lập lưu vong mơ giải phóng quê hương
Theo Le Figaro, việc Kremlin tỏ ra yếu kém trong vụ nổi dậy của Wagner đã thúc đẩy phe đối lập lưu vong tại Kiev tăng thêm hy vọng một ngày nào đó "giải phóng" nước Nga. Alexei Baranovski, phát ngôn viên binh đoàn Nước Nga Tự Do tuyên bố, ưu tiên của lực lượng là giúp Ukraine chiến thắng, Nga chỉ có thể thay đổi nếu bại trận.
Hơn nữa, nếu Ukraine thắng mà Putin không bị lật đổ thì chiến tranh vẫn quay lại. Chẳng hạn hai cuộc chiến Chechnya, ban đầu bị thua, Nga củng cố lực lượng và vài năm sau lại tiến đánh lần nữa. Baranovski cho rằng ngòi nổ sẽ là việc giải phóng Crimea, sau đó Nước Nga Tự Do sẽ tấn công nhanh chóng sâu vào đất Nga. Ông hy vọng vào sự chia rẽ trong nội bộ và quân đội trước thất bại với Ukraine sẽ chống lại Putin. Kẻ thù cuối cùng sẽ là Wagner, một lực lượng dân tộc chủ nghĩa khác.
Bên cạnh đối lập chọn con đường quân sự còn có lực lượng khác chỉ đấu tranh chính trị. Tổ chức Hội nghị Đại biểu Nhân dân đặt trụ sở tại Warszawa tự cho là "Nghị Viện chuyển tiếp của Liên bang Nga và có thể là tổ chức kế tục". Để trở thành "dân biểu", phải là thành viên của Nghị Viện Nga trước ngày 14/03/2022, hoặc giữ một chức vụ dân cử, đặc biệt không ủng hộ việc chiếm Crimea và gây chiến với Ukraine. Tổ chức này chưa được quốc gia nào nhìn nhận.
Các lực lượng khác đang chiến đấu cùng với quân đội Ukraine là binh đoàn Gruzia (Georgia), hai lữ đoàn Chechnya, lữ đoàn Kastus-Kalinouski của đối lập Belarus. Mục tiêu là sau khi loại được Putin, có thể giải phóng quê hương họ.
Từng mét đất giành được bằng máu
Về phía Ukraine, La Croix nhận thấy một tháng sau khi khởi động cuộc phản công, Kiev vẫn đang tìm kiếm điểm đột phá. Những vùng đất tái chiếm được còn ít, chủ yếu ở Donetsk và Zaporijia, nơi tập trung các trận đánh. Ở khu vực chiến lược này, Ukraine giành lại được 158 kilomet vuông, tương đương diện tích của Liechtenstein. Tổng thống Volodymyr Zelensky trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã nói : "Một số người tin rằng đó là một bộ phim Hollywood, muốn có kết quả lập tức", việc này gây thêm sức ép cho Ukraine.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Zalujny cũng lấy làm tiếc vì không được yểm trợ trên không và bằng đạn pháo để chống lại hỏa lực mãnh liệt của Nga. Ông nhấn mạnh : "Mỗi ngày, từng mét đất giành được là bằng máu". Quân Nga đã dựng lên một mạng lưới phòng tuyến dày đặc nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến. Trong khi đó Kiev muốn chứng tỏ hiệu quả trên thực địa trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius ngày 11/07. Dù sao đi nữa, của Ukraine vẫn chưa tung quân chủ lực vào trận đánh được cho là còn kéo dài. Tổng thống Zelensky dự đoán cuộc phản công có thể diễn ra trong khoảng ba tháng.
Le Figaro cho biết việc huấn luyện của Pháp thích ứng với đòi hỏi của Ukraine, tùy theo nhu cầu chiến trường. Theo Lầu Năm Góc, 67.000 chiến binh Ukraine được phương Tây đào tạo tại 40 địa điểm ở 33 quốc gia từ 2014 ; riêng Paris hy vọng huấn luyện được 4.000 chiến sĩ Ukraine trong năm 2023. Khác với một số nước, các quân nhân Pháp đều có kinh nghiệm chiến trường nên rất thiết thực. Đối với lực lượng đặc nhiệm, chương trình tập trung cho những kỹ năng cụ thể như "bắn ở cách 200 mét", "bảo vệ chiến hào"… họ không có thì giờ cho những động tác căn bản khác.
Chính thống giáo Kherson nói không với giáo quyền Moskva
Trong khi đó tại Kherson, giáo hội Chính thống giáo thách thức quyền lực Moskva. Tại thành phố Ukraine ngay sát tiền tuyến, giáo dân chấm dứt lệ thuộc vào một giáo quyền đã trở thành tay sai của Kremlin. Đặc phái viên Le Monde nhận thấy từ lâu giáo hội Chính thống Ukraine vẫn dưới quyền giáo hội Nga, mà thượng phụ vốn do Kremlin kiểm soát. Linh mục Valentyn Horokhovskyi cho rằng "Đã đến lúc phải nói ra sự thật".
Vị giáo sĩ nhớ lại, chẳng hạn trong chiến dịch tranh cử năm 2010, cả 200 linh mục ở Kherson đều được hàng giáo phẩm cấp trên mời họp, yêu cầu thúc giục tín đồ bỏ phiếu cho Viktor Yanukovich, cựu tổng thống thân Nga. Sau cuộc họp, các vệ sĩ phân phối truyền đơn và bao thư đựng 2.000 hryvnia (tương đương 200 euro vào thời đó), và hăm he "đừng tự gây rắc rối". Ông cảm thấy "bị đối xử như gái mại dâm".
Với cuộc can thiệp vào Donbass năm 2014, một lần nữa các linh mục Kherson lại được cấp trên đòi hỏi nên vận động các chiến binh Ukraine sau thánh lễ. Cần phải siết chặt tay, nhìn thẳng vào mắt họ và thì thầm : "Đừng giết hại những người anh em Nga của con". Và tất nhiên cách này rất hiệu quả. Vào cuối những năm 2010, linh mục Horokhovskyi có cùng tâm trạng với nhiều linh mục khác : giữ khoảng cách với Moskva. Năm 2019, giáo dân Kherson biểu tình trước giáo đường Chúa Thánh Thần yêu cầu đứng về giáo hội Ukraine, liền bị một nhóm côn đồ hành hung.
Khi Kherson được giải phóng ngày 11/11/2022, 32 linh mục chạy theo quân Nga cùng với những kẻ nằm vùng. Kiev tìm thấy trong số 12.000 nhà thờ trên toàn quốc, một số nơi chứa vũ khí, tài liệu quân sự, truyền đơn ủng hộ Nga. Cha Valentyn Horokhovskyi từ nơi tị nạn quay về, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức. Tất cả các tín đồ có mặt đều nhất trí bỏ phiếu dứt khoát với giáo hội Nga. Kết quả này gây chấn động ở Kherson, nhất là nhà thờ nằm bên bờ sông Dniepr, trong tầm pháo của quân Nga.
Còn đảng cộng sản, đối lập Hồng Kông không thể an toàn
Chuyển sang khu vực Châu Á, Libération cho biết Trung Quốc ra lệnh truy nã 8 nhà đối lập Hồng Kông đang lưu vong ở Anh, Hoa Kỳ, Úc ; gồm các cựu dân biểu, lãnh đạo tổ chức phi chính phủ trong đó có cựu thủ lãnh phong trào Cách mạng Dù La Quán Thông (Nathan Law).
Đây là một giai đoạn mới trong chính sách đàn áp của Bắc Kinh. Đặc biệt chính quyền hứa thưởng 1 triệu đô la Hồng Kông (117.000 euro) cho việc chỉ điểm mỗi nhà ly khai, do đã vi phạm luật an ninh với những định nghĩa mơ hồ được thông qua năm 2020. Trang báo độc lập Hongkong Free Press (HKFP) lưu ý rằng loan báo trên được đưa ra một tuần sau bài xã luận của Đại Công báo (Ta Kung Pao), một tờ báo nhà nước có tiếng là một loại "quạ" báo trước tai ương : chỉ trích nhà hoạt động nào thì sau đó người ấy liền bị bắt.
Bài viết nhắc lại tính chất xuyên biên giới của luật an ninh, dù hành động thực hiện ở bên ngoài nhưng mang lại hậu quả cho đặc khu thì cũng coi như ở Hồng Kông và nằm trong phạm vi luật an ninh. Cảnh sát trưởng Lý Quế Hoa (Steve Li) cáo buộc 8 nhà đấu tranh đã kêu gọi trừng phạt Hồng Kông, chẳng hạn những bài trả lời phỏng vấn và kiến nghị của La Quán Thông là "thông đồng với thế lực nước ngoài", "ly khai". Để biện minh cho lệnh truy nã quốc tế, Đại Công báo nói rằng Trung Quốc là thành viên Interpol, có quyền kêu gọi các nước hợp tác. Cựu dân biểu Lưu Huệ Khanh (Emily Lau) lo ngại vì đây là lần đầu tiên Bắc Kinh ra lệnh truy nã các nhà đối lập ở ngoài Hoa lục. Cho dù không thể bắt được họ, vẫn là lời cảnh báo rằng sẽ không hề được yên thân, động thái này gây tác động lớn nơi các nhà hoạt động lưu vong khác.
Nghệ sĩ Hoàng Quốc Tài (Kacey Wong) tị nạn ở Đài Loan nhấn mạnh, lâu nay đã có nhiều kẻ nằm vùng của Hoa lục ở Châu Âu và Hoa Kỳ, dùng vũ lực để tấn công những ai chỉ trích chế độ. Nay có thêm 1 triệu đô la tiền thưởng, sẽ kích thích việc tố cáo và chỉ điểm nơi cư trú của các nhà ly khai. Lâu nay vẫn giữ bí mật địa chỉ ở Đài Loan, ông khuyến cáo chỉ nên gặp gỡ những người đã biết rõ, và thủ sẵn vũ khí không sát thương để tự vệ. Ông nói : "Một khi còn đảng cộng sản, chúng tôi chẳng được an toàn ở bất cứ nơi nào trên thế giới".
Léon Gautier, người hùng đổ bộ Normandie cuối cùng của Pháp
Quay trở lại với Pháp, các báo đều có bài viết về Léon Gautier, người lính thủy quân lục chiến cuối cùng và là người Pháp duy nhất trong biệt đội Kieffer gồm 177 chiến binh đã đổ bộ lên bãi biển Normandy ngày 06/06/1944. Ông vừa qua đời hôm qua, thọ 100 tuổi. Léon Gautier được nước Pháp tưởng thưởng khá muộn màng : mãi đến năm 2004, sau khi về hưu ông mới nhận được Bắc đẩu Bội tinh.
Người lính thứ 177 là bằng chứng sống cho thấy người Pháp không chỉ là khán giả của cuộc đổ bộ mà còn là nhân tố tham gia dù chỉ hỗ trợ. Léon Gautier vượt biển Manche trong lực lượng đặc nhiệm số 4 của lục quân Anh, rồi đổ bộ với 176 thành viên khác của biệt đội Kieffer tại Sword Beach. Ông tham gia toàn bộ trận đánh Normandy trong 90 ngày, lực lượng số 4 mất gần phân nửa quân số, và kỷ niệm về các chiến hữu đã ngã xuống ám ảnh ông đến suốt đời.
Theo Gautier, lý do khiến ông bị nước Pháp quên lãng là vì tướng De Gaulle bất bình do không được báo trước chiến dịch Overlord. "Tôi biết trước cả ông ấy nơi sẽ đổ bộ ở Pháp. Trong vụ này, người Anh hơi kém ngoại giao". Sống tại Ouistreham (vùng Calvados) gần địa điểm đổ bộ, mỗi ngày ông đều được người dân xin chữ ký và chụp ảnh chung kỷ niệm.
Thụy My