Nỗi hoài nghi mang tên Brexit
Vào ngày này cách đây tròn 1 năm, Anh Quốc tổ chức trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Một năm đã trôi qua, nhưng theo nhận định của Le Figaro, mọi chuyện vẫn "dậm chân tại chỗ", hiện chưa có gì chắc chắn về Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May đến hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles., Belgium, June 23, 2017. REUTERS/Eric Vidal
Trong bài viết "Sau 1 năm, Brexit đang ở thời khắc của mối ngờ vực", Le Figaro cho biết trong khi thủ tướng Anh Theresa May đang nỗ lực nâng chủ đề Brexit thành tâm điểm của cuộc họp của Hội Đồng Châu Âu diễn ra trong hai ngày hôm qua và hôm nay tại Bruxelles, thì thủ tướng Đức Angela Merkel đã "ra đòn phủ đầu" khi phát biểu là tương lai của 27 nước thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu đáng được ưu tiên hơn việc thương lượng với Anh Quốc về việc nước này ra khỏi khối.
Le Figaro nhận định thủ tướng Anh Theresa May đã bị lãnh đạo các nước thành viên Liên Hiệp "gạt ra ngoài lề". Phớt lờ bà Theresa May, nguyên thủ 27 quốc gia còn lại hiện đang đặt ra giải thiết nước Anh vẫn ở lại Liên Hiệp.
Tối hôm qua, thủ tướng Anh đã được yêu cầu tóm tắt trong vòng 30 phút về những tác động của việc bà thất bại trong kỳ bầu cử Quốc Hội ngày 08/06 đối với Brexit. Sau đó, bà May đã phải rời khỏi cuộc họp để 27 nước còn lại thảo luận. Le Figaro gọi đó là một nỗi nhục của thủ tướng Anh. Bởi vì khi đề nghị bầu cử Quốc Hội, bà May nghĩ rằng bà sẽ đến dự thượng đỉnh Châu Âu khi quyền lực đã được củng cố. Nhưng mọi chuyện đã bị đảo ngược. Đảng của bà đã mất đa số tuyệt đối trong Quốc Hội. Bản thân bà Theresa May chỉ còn là một nhà lãnh đạo theo kiểu "đang chịu án treo". Ở Luân Đôn cũng như ở Bruxelles, không ai biết liệu bà còn trụ được trên cương vị thủ tướng qua hết mùa hè này hay không.
Trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit, 52% cử tri ủng hộ Brexit, nhưng điều lạ là trong suốt một năm qua, cuộc chiến giữa Anh Quốc và Châu Âu lại nhường chỗ cho cuộc chiến trong nội bộ nước Anh. Trước đây, Anh Quốc nghĩ rằng Châu Âu sắp lụn bại trước chủ nghĩa dân túy, nhưng giờ đây người Anh ngày càng ý thức hơn rằng đất nước đang đơn độc. Kết quả bầu cử Quốc Hội vừa qua đã cho thấy dự án "Brexit tới cùng, cứng rắn" của thủ tướng Theresa May không được ủng hộ.
Trong khi đó, phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu, sau một năm, đã "lau khô nước mắt", mạnh mẽ trở lại. Chính chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk còn mường tượng là Anh Quốc sẽ ở lại Liên Hiệp, mượn lời bài hát của danh ca John Lennon, thành viên cựu nhóm nhạc Beatles nói rằng "Quý vị có thể nghĩ rằng tôi mơ mộng viển vông, nhưng tôi không phải người duy nhất như vậy đâu". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - "một tài năng mới của Châu Âu" - trong vòng một tuần đã hai lần nhắc tới "cánh cửa bỏ ngỏ" cho Anh Quốc ở lại Liên Hiệp. Điều này khó trở thành hiện thực, nhưng theo Le Figaro, một tín hiệu mới đã được đưa ra.
Mặc dù ngay tại nước Anh, thủ tướng Theresa May và bộ trưởng Brexit David Davis quả quyết không thay đổi ý định, không thể làm khác ý nguyện dân chúng trong cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng nhiều chính trị gia, chuyên gia phân tích nhận thấy đường hướng chính trị đã có sự thay đổi. Giới kinh tế lại hy vọng vào một "Brexit mềm mỏng" để hạn chế các nguy cơ xáo trộn nền kinh tế. Những người ủng hộ Liên Hiệp mạnh mẽ nhất, thậm chí một số thành viên trong đảng của thủ tướng May còn hy vọng "Brexit không phải là việc không thể tránh được".
Cách đây một năm, thủ tướng Anh đã nói ưu tiên cho thương lượng về quyền của công dân Liên Hiệp Châu Âu sống tại Anh và quyền của công dân Anh đang sinh sống tại các nước thành viên Liên Hiệp (tổng cộng 5,5 triệu người), nhưng cho tới giờ bà May vẫn luôn từ chối thảo luận chi tiết. Và lần này, để thể hiện thiện chí, thủ tướng Anh Theresa May đến Bruxelles với một kế hoạch để giải quyết hồ sơ nhạy cảm nói trên. Nhưng lãnh đạo 27 nước thành viên còn lại của Châu Âu đã thể hiện quan điểm rõ ràng : không thảo luận về chủ đề trên tại thượng đỉnh.
Người Châu Âu gắn bó trở lại với Liên Hiệp
Liên quan tới Châu Âu, Les Echos nhận định "người Châu Âu gắn bó trở lại với Liên Hiệp", có thể do hiệu ứng Brexit, hiệu ứng Donald Trump hoặc cũng có thể do Liên Hiệp đang dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Theo kết quả khảo sát của Pew Research Center tại 10 nước (Ba Lan, Pháp, Đức, Ý, Anh và Hy Lạp, Tây Ban Nha …), năm nay tỉ lệ người dân đánh giá tích cực Liên Hiệp đã tăng vọt so với năm 2016, đặc biệt là ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, kể cả Anh Quốc cho dù kết quả trưng cầu dân ý của nước này là ủng hộ Brexit. Chỉ có người dân Ý là bất mãn.
Không hài lòng với chính sách nhập cư của Châu Âu, 66% số người được hỏi mong muốn chính phủ nước họ kiểm soát lại được đường biên giới, kể cả biên giới giữa các thành viên Liên Hiệp. Và mặc dù đánh giá cao Đức, nhưng 49% số người được hỏi lo ngại là Đức sẽ chi phối các quyết định của Liên Hiệp Châu Âu.
Dân số thế giới năm 2050 : 9,8 tỉ người
Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm thứ Tư, dân số thế giới năm 2050 là 9,8 tỉ người. Hiện nay, có 7,6 tỉ dân sống trên Trái Đất. Libération cho biết theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, trong bảy năm tới, Ấn Độ vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Nigeria, với tốc độ tăng trưởng dân số rất nhanh, đến năm 2050 sẽ chiếm vị trí thứ ba hiện đang thuộc về Hoa Kỳ. Số người trên 60 tuổi sẽ tăng hơn gấp đôi, vào khoảng 2,1 tỉ người so với con số 962 triệu như hiện nay.
Liên quan tới dân số của Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết theo số liệu của Viện Thống Kê, dân số Pháp sẽ tăng lên đến 74 triệu người vào năm 2050, tốc độ tăng trưởng dân số cao nhất là ở các tỉnh miền Tây và miền Trung : đảo Corse, Occitanie, Pays de la Loire và Auvergne-Rhônes-Alpes. Còn báo La Croix lại chú ý tới tình trạng lão hóa dân số trong tương lai. Vào năm 2050, số người trên 65 tuổi sẽ chiếm trên 25% dân số Pháp.
Nga : Người dân Moskva biểu tình giữ nhà cửa
Từ nhiều tuần nay, bên cạnh các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, trên đường phố Moskva còn diễn ra nhiều cuộc biểu tình của người dân phản đối việc chính quyền thành phố phá dỡ 4.000 tòa nhà cũ, nơi ở của hơn 1 triệu người. Ngày 14/05, hơn 60.000 người tham gia biểu tình không chỉ ở các khu phố có liên quan mà ở cả khu vực trung tâm thủ đô. Hôm 21/06, cảnh sát đã giải tán đám đông vài trăm người biểu tình trước trụ sở Hạ Viện Duma.
Về lý thuyết, kế hoạch của thành phố rất hợp lý : Xây dựng các tòa tháp hiện đại thay thế cho các tòa nhà "Khrouchtchevki" 5 tầng bằng gạch được xây dưới thời Khrouchchev. Vào thời kỳ đó, những căn hộ trong các tòa nhà này được coi là những căn hộ cao cấp trong bối cảnh người dân phải sống tập thể trong suốt nhiều thập kỷ. Thế nhưng, hiện giờ, các tòa nhà này đã xuống cấp. Các tòa tháp cao tầng hơn, tiện nghi hơn sẽ giúp Moskva giải quyết việc thiếu chỗ ở cho người dân. Hiện tại Moskva có 12 triệu dân. Tuy nhiên, người dân lo ngại rằng họ phải chuyển đi đến sống ở những khu vực xa xôi, căn hộ cấp cho họ có thể rộng bằng nhưng giá trị lại thấp hơn căn hộ mà họ đang ở. Thêm vào đó, người dân bất mãn vì chính quyền thành phố ra quyết định tự phát và áp đặt họ. Họ cho rằng chính quyền không tôn trọng dân chúng.
Trong bài viết có tiêu đề "Người Nga, vào thời khắc dân chủ ở địa phương", Les Echos cho biết người dân Nga ngày càng có khuynh hướng biểu tình vì những lý do cụ thể và liên quan tới một cộng đồng nhất định.
Nắng nóng : Nạn "street pooling" nở rộ ở vùng Paris
Nước Pháp vừa trải qua những ngày nắng nóng cao điểm. Les Echos cho biết, trong những ngày này, lực lượng cứu hỏa còn phải đối mặt với vấn nạn "street pooling" - hành động tự động mở các họng, trụ tiếp nước chữa cháy trên đường phố. "Street pooling" xuất hiện lần đầu ở New York và lan sang Pháp trong đợt nắng nóng hè 2016. Sau đó, với sự tiếp sức của mạng xã hội, "street pooling" nở rộ tại vùng Paris. Hôm qua 22/06, công ty cấp nước của Paris thông báo lượng nước tiêu thụ ngày 21/06 (ngày nắng nóng cao điểm) đã tăng thêm 50%. Chỉ trong một ngày, 500 họng, trụ tiếp nước chữa cháy đã bị người dân mở trộm, gây lãng phí 150.000 m3 nước (lượng nước của 60 bể bơi Olympic), làm thiệt hại 600.000 - 800.000 euro.
Theo ước tính của công ty cấp nước Veolia, tính từ ngày 26/05/2017, tại vùng phụ cận của Paris (không tính thành phố Paris), 600.000m3 nước đã bị thất thoát do "street pooling". Tại các vùng khác, hiện tượng này cũng xảy ra nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn.
Chuyện lãng phí nước, việc người dân tự động mở các họng tiếp nước chữa cháy rất nguy hiểm : áp lực nước từ các trụ họng nước này rất mạnh, tới 60m3/giờ, có thể tai nạn cho người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, gây ngập nước trong khu vực, ảnh hưởng giao thông và có thể cản trở công tác cứu hỏa trong trường hợp hỏa hoạn.
Trang nhất các báo Pháp
Le Monde ra từ chiều hôm qua chạy tựa "Macron bổ nhiệm chính phủ gồm nhiều chuyên gia"và nhận định các gương mặt mới của nội các cân bằng về trình độ và lòng trung thành với tổng thống.
Les Echos lại quan tâm tới "Thành công rực rỡ của triển lãm hàng không Bourget" và cho biết trong 4 ngày diễn ra triển lãm, giới kinh doanh đã đạt được các đơn hàng trị giá 150 tỉ đô la, lần đầu tiên Boeing vượt mặt Airbus kể từ năm 2012. Hai hãng sản xuất động cơ là Sẩn và General Electric gặt hái được những thành công lịch sử.
Dành trọn trang nhất cho chủ đề Brexit, Libération chơi chữ "Biển Manche thứ hai, một năm sau Brexit" với bức ảnh nữ hoàng Elisabeth đệ nhị đang ngồi cúi đầu buồn bã. Libération cho biết một số người thì nuối tiếc, một số người thì vẫn kiên định, nước Anh vẫn đang bị chia rẽ bởi vấn đề Brexit. Trong khi đó thì vị thế của thủ tướng Anh lại bấp bênh và nước Anh bắt đầu đàm phán rời khỏi Châu Âu với một thế yếu. Libération cũng dành 6 trang bài bên trong cũng như bài xã luận cho hồ sơ Brexit.
Vẫn trên hồ sơ Châu Âu nhưng liên quan tới tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron, báo La Croix chạy tựa trang nhất "Châu Âu, ván bài mới chia lại" và cho biết lần đầu tiên tham dự cuộc họp của Hội Đồng Châu Âu vào hôm qua, nguyên thủ Pháp đã bảo vệ quan điểm về Châu Âu phòng thủ và xích lại gần Berlin.
Thùy Dương