Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/07/2023

Putin đi sai nước cờ, biển Baltic lọt vào tay NATO

RFI tổng hợp

Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO tác động ra sao đến chiến lược an ninh của Nga ?

Minh Anh, RFI, 12/07/2023

Việc Nga tiến hành chiến tranh xâm lược Ukraine đã thúc đẩy hai nước Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ thế trung lập. Nếu như Phần Lan đã là thành viên thứ 31 của Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương – NATO, thì Thụy Điển, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh, cũng sắp là thành viên thứ 32 của khối. Việc hai nước Bắc Âu này chọn lựa mô hình gia nhập nào sẽ có tác động đáng kể đến chiến lược an ninh quốc phòng của Nga.  

otan1

Bên ngoài hội trường họp Thượng đỉnh NATO, tại Vilnius, Litva, ngày 09/07/2023. AP - Mindaugas Kulbis

Hệ quả trước mắt của việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự là đường biên giới trên bộ giữa Nga và NATO dài thêm gấp đôi và biển Baltic có nguy cơ trở thành "ao nhà" của khối. Nga phải tăng chi phí quân sự cho việc triển khai thêm binh sĩ ở biên giới, tăng cường các hạm đội tầu chiến, hiện đại hóa các cơ sở quân đội cũng như là bố trí thêm các lực lượng phòng không bổ sung tại Kaliningrad và Leningrad…  

Tuy nhiên, theo ông Andrei Kortunov, tổng giám đốc Hội Đồng Đối Ngoại Nga (RIAC), mối lo lớn nhất của Nga chính là đà bành trướng quân sự của NATO. Trong quá khứ, giữa Nga và NATO tồn tại một số cơ chế để kềm hãm NATO mở rộng các cơ sở quân sự, chẳng hạn như sơ đồ 2+4 được tiến hành trong cuộc đàm phán thống nhất nước Đức (bao gồm hai phần nước Đức và bốn cường quốc chiến thắng phát xít Đức). Hay như Hiệp ước về các lực lượng quy ước Châu Âu (FCE), hạn chế bố trí xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng , chiến đấu cơ hay trực thăng chiến đấu…  

Liệu rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO có sẽ tạo thuận lợi cho NATO mở rộng sức mạnh quân sự sát sườn tây của Nga hay không ? Điều này còn tùy thuộc vào triển vọng bang giao giữa Moskva với Helsinki và Stockholm, vốn dĩ được quyết định bởi những điều kiện gia nhập NATO đặc thù của hai nước Bắc Âu này. Vị chuyên gia người Nga, trên tạp chí Diplomatie số ra tháng 5-6/2023, cho rằng có hai mô hình tham gia liên minh quân sự khác nhau của các nước Bắc Âu.   

Thứ nhất là "mô hình Baltic" theo điều kiện (model baltic conditionnel), mà đại diện là các nước Estonia, Litva, Latvia, và Ba Lan. Mô hình này đặt các nước liên quan trong tư thế như là một "tiền đồn" quân sự - chính trị không thể hủy diệt của nền văn minh phương Tây trước hành động man rợ phương Đông, trước một nước Nga theo chủ nghĩa xét lại. Những nước này chủ trương đường lối cứng rắn đối với Nga, sẵn sàng đi xa nhất có thể trong việc tăng cường sườn phía đông của NATO, bố trí các cơ sở quân sự của khối trên lãnh thổ mình, thiết lập "quan hệ đặc biệt" với Washington… và luôn tỏ ra ngờ vực trước bất kỳ đề xuất đối thoại nào với Moskva, thậm chí xem đấy như là một nhượng bộ, khuyến khích các hành động của Nga.  

Thứ hai là "mô hình Bắc Âu" (model nordique), cũng có điều kiện, mà các nước Na Uy, Iceland và trong một chừng mực nào đó là Đan Mạch đã chọn. Đây là một giải pháp dung hòa, kết hợp chọn gia nhập NATO nhưng đồng thời vẫn duy trì một mối quan hệ song phương với Nga. Hạn chế các hoạt động quân sự của NATO trên lãnh thổ và ưu tiên tìm kiếm đồng thuận. Điều này giải thích vì sao trong nhiều thập niên, mối quan hệ giữa Nga với Na Uy, thành viên của NATO, còn hữu hảo hơn giữa Nga với Thụy Điển, quốc gia láng giềng trung lập.   

Chuyên gia Nga Kortunov nhìn nhận, việc Nga xâm lược Ukraine có nguy cơ thúc đẩy nhiều nước thành viên mới chọn "mô hình Baltic". Trong thâm tâm Nga mong muốn Phần Lan và Thụy Điển chọn "mô hình Bắc Âu". Nhưng chọn lựa này còn tùy thuộc vào nhiều quyết định khác của Nga.  "Chiến dịch quân sự đặc biệt" kéo dài có thể làm tăng khả năng Phần Lan và Thụy Điển chọn theo mô hình Baltic. Ngược lại, việc đúc kết nhanh chóng một thỏa thuận ngưng bắn và xử lý chính trị cuộc xung đột, có thể khuyến khích hai nước Bắc Âu này hướng đến một mô hình dung hòa hơn. 

Sự chọn lựa đó cũng phụ thuộc vào thái độ chừng mực mà Moskva muốn hay không muốn chứng tỏ trong cách đáp trả chính trị và quân sự - kỹ thuật trước sự thay đổi vị thế của Phần Lan và Thụy Điển. Điều này cũng có giá trị cả cho vùng biển Baltic, biên giới Nga - Phần Lan và cả vùng Bắc Cực. 

Minh Anh

************************

Vì sao tổng thống Erdogan bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO ?

Anh Vũ, RFI, 11/07/2023

Một ngày trước khi thượng đỉnh khối NATO khai mạc tại Vilnius, Litva, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ thay đổi lập trường, sẵn sàng mở đường cho Thụy Điển gia nhập NATO. Lý do gì khiến Ankara, vốn vẫn kiên quyết phản đối từ gần một năm nay, đơn xin gia nhập Liên minh quân sự của Stockholm, lại nhanh chóng chuyển hướng?

otan2

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bắt tay thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersso bên lề thượng đỉnh của NATO tại Litva, ngày 10/07/2023. AP - Yves Herman

Tối 10/07, tổng thư ký khối NATO Jen Stoltenberg vui mừng thông báo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, sau nhiều tháng ngăn cản, cuối cùng đã đồng ý ủng hộ tiến trình gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Thông tin ngay lập tức đã khiến Hoa Kỳ, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu thở phảo nhẹ nhõm, hy vọng Thụy Điển sớm trở thành thành viên thứ 32 của NATO, cho dù chưa có lịch trình nào được ấn định cụ thể.

Tín hiệu đèn xanh của tổng thống Erdogan mới chỉ là sự chấp thuận về nguyên tắc, còn phải chờ những lá phiếu ở Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn nhưng dù gì thì đây cũng là dấu hiệu tích cực cho những mong đợi của Thụy Điển. Đối với Ankara, đây có lẽ là kết quả của một quá trình gây áp lực với Stockholm cũng như cuộc đọ sức với phương Tây kể từ khi Thụy Điển, do những lo ngại về an ninh từ cuộc chiến tranh do Nga phát động tại Ukraine, đã phá vỡ truyền thống trung lập, nộp đơn xin gia nhập Liên minh quân Bắc Đại Tây Dương hồi tháng 5/2022. Ngay lập tức Thổ Nhĩ Kỳ là nước duy nhất đặt điều kiện cho Thụy Điển nếu muốn trở thành thành viên của NATO.

Trước hết bởi Thổ Nhĩ Kỳ có những bất đồng lớn với Thụy Điển xung quanh vấn đề người Kurdistan. Ankara yêu cầu chính quyền Stockholm chấm dứt hậu thuẫn cho Đảng Công nhân người Kurdistan (PKK) lưu vong tại Thụy Điển mà chính quyền của tổng thống Erdogan vẫn coi là khủng bố. Stockholm phải cấm đảng này biểu tình, kết nạp thành viên, quyên góp quỹ hoặc dẫn độ các cá nhân của PKK bị truy nã về Thổ Nhĩ Kỳ.  Thụy Điển  sau nhiều lần thương lượng đã lần lượt chấp nhận một loạt nhượng bộ như điều chỉnh luật pháp, cam kết nỗ lực hợp tác liên quan đến chống khủng bố nhằm đối phó với đảng PKK.  Về những đòi hỏi dẫn độ, Tư pháp Thụy Điển hứa sẽ nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên hồ sơ các đối tượng mà Ankara cung cấp không mấy thuyết phục Stockholm.

Thụy Điển cũng đồng ý sẽ khởi động lại việc xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã bị đình chỉ vào năm 2019 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang Syria để tấn công lực lượng dân quân người Kurdistan.

Thêm vào đó, Thụy Điển với tư cánh là một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, hứa sẽ ủng hộ tích cực nguyện vọng của Tổng thống Erdogan muốn Bruxelles mở lại các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Âu.

Cuộc dàn xếp, mặc cả của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo giới phân tích, bên cạnh việc thanh toán những bất đồng với Thụy Điển về vấn đề người Kurdistan, tổng thống Erdogan còn muốn dùng hồ sơ gia nhập NATO của Thụy Điển để mặc cả với phương Tây, chẳng hạn như việc mua sắm vũ khí. Chuyên gia Soner Cagaptay, lãnh đạo các nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington nhận định "Erdogan là một nhà lãnh đạo đã quen với các vụ mặc cả dàn xếp trong quan hệ với phương Tây".

Hồ sơ xuất khẩu chiến đấu cơ Mỹ sang Thổ Nhĩ Kỳ vẫn được giới quan sát nhắc tới như một hướng giải pháp cho hồ sơ Thụy Điển gia nhập NATO. Sau thương vụ Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, đơn phương mua tên lửa đất đối không S-400 của Nga, Mỹ đã ngừng bán chiến đấu cơ F-35 và F-16 cho Ankara. Hôm qua, ngay sau những chuyển hướng tích cực trong tiến trình Thụy Điển vào NATO, phát ngôn viên Ngoại Giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington ủng hộ việc cung cấp F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ủng hộ nguyện vọng gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của Ankara. Tổng thống Mỹ Joe Biden trước cuộc gặp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm nay 11/07, đã tuyên bố "sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan".

Tối qua, sau cuộc họp với tổng thư ký NATO và thủ tướng Thụy Điển, tổng thống Recep Erdogan đã có cuộc thảo luận với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel. Lãnh đạo Châu Âu cho biết, trong cuộc họp hai bên đã nhất trí "tạo lại động lực" cho quan hệ  giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Âu. Cũng cần nhắc lại là từ năm 1987 Thổ Nhĩ Kỳ đã nộp đơn xin gia nhập Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu và năm 1999 xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nhưng các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU khởi động từ năm 2005 đã bị bỏ lửng từ nhiều năm nay.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã biết tận dụng một hồ sơ mang tính chiến lược để có được nhượng bộ của Thụy Điển và của các cường quốc phương Tây. Trong quá khứ gần đây, đã có không ít các cuộc đọ sức giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, cuối cùng hầu như phần thắng đều nghiêng về Ankara. 

Anh Vũ

*****************************

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO

Anh Vũ, RFI, 11/07/2023

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, tối qua, 10/07/2023, cuối cùng đã chấp nhận để Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn quyết định liên quan đến việc Thụy Điển gia nhập khối NATO.

otan3

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và thủ tướng của Thụy Điển, Ulf Kristersson trong cuộc họp báo tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 08/11/2022. AP - Burhan Ozbilici

Sau nhiều giờ thảo luận với tổng thống Recep Tayyip Erdogan và thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, tại Vilnius, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg đã vui mừng tuyên bố với báo chí rằng tổng thống Erdogan đã chấp nhận chuyển tới Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ, thủ tục gia nhập NATO của Thụy Điển, đồng thời ông hứa sẽ phối hợp sát sao để bảo đảm  Nghị Viện sẽ phê chuẩn. Tổng thư ký khối NATO đánh giá, đây là "bước tiến lịch sử". Ngay sau đó, tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh và ngoại trưởng Pháp đã tỏ vui mừng bước tiến bộ quan trọng trong tiến trình kết nạp Thụy Điển vào NATO. Về phần mình thủ tướng Thụy Điển đánh giá đây là "bước tiến lớn" trên con đường gia nhập NATO.

Trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraine, năm ngoái Thụy Điển đã xin gia nhập liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, cùng lúc với Phần Lan. Sự kiện được đánh giá là bước ngoặt trong chính sách an ninh của hai quốc gia Bắc Âu. Tháng 4 vừa qua, Phần Lan được chấp thuận, trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vì những lý do riêng, vẫn không chấp thuận trường hợp Thụy Điển. Tuần trước Hungary cho biết sẽ không ngăn cản Thụy Điển nữa. Stockholm đã nhiều lần cố gắng để có được kết quả cụ thể về khả năng gia nhập Liên Minh tại thượng đỉnh Vilnius lần này. Như vậy kết của bỏ phiếu phê chuẩn của Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là yếu tố quyết định.

Thông tín viên RFI Carlotta Morteo ghi nhận tình hình tại Stockholm về cách mà người dân thủ đô Thụy Điển nhìn nhận về tiến trình gia nhập NATO của nước Bắc Âu này. 

"Dân chúng không đến nỗi quá hân hoan, nhưng trong quán bar ở phía nam thủ đô Stockholm này người ta vẫn cụng ly chúc mừng. Một thanh niên nói  : "Tôi nghĩ là ở Thụy Điển mọi người đều biết đó chỉ là vấn đề thời gian và  thời điểm đó đã tới."

Lúc này đã 22 giờ, Julia và người em trai của mình vẫn dán mắt vào chiếc điện thoại của họ. Julia cho biết :

"Tôi vừa được tin và gọi cho bố, mẹ tôi. Tôi rất hài lòng bởi vì từ lâu này Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chặn chúng tôi. Giờ đây, tôi thấy nhẹ người, lý do vì tất cả những gì đang diễn ra ở Ukraine..."

Người em trai của cô nói : "Cùng nhau chúng ta sẽ mạnh hơn, đúng là điều đó tạo cảm giác được an toàn, nhưng với Thụy Điển cũng là thêm trách nhiệm khi có điều gì xảy ra ở Châu Âu."

Cách đó không xa, một nhóm thanh niên lại tỏ ra khó quên chính sách đối ngoại không liên kết của Thụy Điển đã kéo suốt từ 400 năm qua.

Một cô gái nói  : "Chúng tôi hơi thất vọng với tin này. Chúng tôi muốn lẽ ra nên có trưng cầu dân ý".

Một phụ nữ khác nói thêm "Như thế là chiến tranh lạnh đang trở lại. Chúng tôi sẽ tăng cường quân đội của mình, chúng tôi sẽ tốn rất nhiều tiền, rồi chúng tôi rơi vào chiến tranh hoảng loạn"

Bà Marritte,72 tuổi, người gốc Phần Lan nghe mọi người và thở dài, bà nói  : "Tôi muốn ở trong NATO hơn. Chúng tôi không có sự lựa chọn. Nga quá hung hăng. Putin, đó là một Hitler mới."

Anh Vũ

******************************

Ankara ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO nếu Liên Âu mở lại đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ

Thu Hằng, RFI, 10/07/2023

Ngày 10/07/2023, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan gặp thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristensson tại Vilnius, Litva. Tại cuộc họp do tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg dàn xếp, ông Erdoğan tuyên bố sẽ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO nhưng với điều kiện Liên Hiệp Châu Âu mở lại các cuộc đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ trước.

otan4

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại dinh tổng thống ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 08/11/2022. AP - Burhan Ozbilici

Theo ông Erdoğan, hầu hết các nước thành viên NATO cũng là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị gia nhập Liên Âu từ năm 1999. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán song phương, bắt đầu từ năm 2005, đã bị đình chỉ từ nhiều năm qua do tồn tại nhiều bất đồng giữa hai bên.

Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết cản trở Thụy Điển gia nhập NATO vì muốn Stockholm nhân nhượng nhiều hơn về hồ sơ chống khủng bố Kurdistan, cho dù gần đây, tổng thống Mỹ không ngừng ủng hộ Thụy Điển. Ông Joe Biden đã điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ mong muốn "đón Thụy Điển vào NATO ngay khi có thể", theo thông cáo ngày 09/07 của Nhà Trắng.

Dù tổng thống Erdoğan công nhận hôm 09/07 là Thụy Điển đã "có những bước đi đúng hướng" chống đảng Lao Động Kurdistan - PKK nhưng ông vẫn cho là chưa đủ.

Thông tín viên RFI Anne Andlauer tại Istanbul cho biết thêm về chiến lược của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ :

Ông Recep Tayyip Erdoğan tiếp tục cáo buộc Thụy Điển bảo vệ những kẻ khủng bố, đặc biệt là để thành viên của đảng Lao Động Kurdistan (PKK) biểu tình, chiêu mộ và gây quỹ tại Thụy Điển. Tổng thống Erdoğan yêu cầu dẫn độ vài chục công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Thụy Điển đã nhiều lần nhân nhượng. Nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chưa hài lòng. Ông tiếp tục mặc cả chừng nào còn có thể. Ông Erdoğan vẫn nổi tiếng là hay đổi ý và có thói quen ký các thỏa thuận vào phút chót. Cho nên có thể là ông sẽ bỏ quyền phủ quyết. Nhưng sau khi đã đối đầu với Stockholm và các đồng minh suốt một năm trời, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ nhân nhượng khi ông có thể coi việc bật đèn xanh là một thắng lợi ngoại giao cho Ankara.

Cuộc mặc cả này có lợi cho Moskva, nhưng không ngăn cản ông Erdoğan đưa ra quyết định khiến đồng nhiệm Nga Vladmir Putin tức giận. Thứ Bẩy (08/07), ông đã cho phép nhiều chỉ huy của binh đoàn Azov trở về Ukraine trong khi lẽ ra họ phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi hết chiến tranh.

Sự kiện này minh họa rất rõ cho khoảng cách lớn, thường trực của ông Tayyip Erdoğan giữa Ukraine và Nga, giữa NATO và Nga. Các nước thành viên NATO phải liên tục đối phó với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh khó khăn, nhưng cần thiết.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Anh Vũ, Thu Hằng
Read 473 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)