Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/07/2023

Điểm báo Pháp - Đánh cầu Crimea lần 2

RFI tiếng Việt

Đánh cầu Crimea lần 2, đòn dằn mặt của Ukraine

Trả lời phỏng vấn của Le Figaro ngày 18/07/2023, chuyên gia quân sự Joseph Henrotin nhận định "Tấn công vào cầu Crimea là cần thiết", giúp chặn con đường chuyển quân và vũ khí của Nga. Về phía Moskva, La Croix cho biết "Tiền lương cao giúp Nga tuyển thêm được nhiều tân binh", nhờ đó không cần phải tung ra đợt động viên mới.

kerch1

Các điều tra viên khám nghiệm hiện trường trên chiếc cầu nối đất liền Nga với bán đảo Crimea qua eo biển Kerch, sau vụ nổ ngày 17/07/2023. AP

Tập kích cầu Kerch, Kiev chứng tỏ thế chủ động

Theo Joseph Henrotin, hiện chưa thể biết được chính xác thiệt hại, nhưng về ý nghĩa chính trị đây là một minh chứng mới không thể bác bỏ, rằng Ukraine có thể tiếp tục giáng đòn vào Nga.

Có lợi gì khi lại tấn công chiếc cầu này lúc đang trong chiến dịch phản công ? Ông Henrotin giải thích, "phản công" là sự phối hợp một loạt hoạt động chiến thuật để cùng tạo ra tác động về chiến lược và chính trị, từ những cuộc tấn công trên chiến địa cho đến đánh vào hậu cứ, vào những trục đường tiếp tế. Như vậy lượng quân, vũ khí và đạn dược đưa vào chiến trường sẽ giảm xuống, làm suy yếu khả năng chiến đấu của những đơn vị đang cản bước lực lượng Ukraine.

Hiện có hai xa lộ nối Nga với dải đất giữa Kherson và Donestk. Một là đường bộ từ phía đông Mariupol, đã bị đánh phá nhiều lần. Con đường thứ hai đi qua cầu Crimea, đi xuyên qua bán đảo với cầu Chongar, cũng vừa bị tấn công. Vụ mới đây là rất ngoạn mục, nhưng cũng phải kể đến những vụ khác đánh vào đường xe lửa, có ý nghĩa quân sự. Vô số những hoạt động đánh vào hậu cứ, như phá hủy sở chỉ huy, kho đạn, kho lương sẽ tạo điều kiện cho tiền tuyến.

Sau khi dọa vũ khí nguyên tử, Nga trả đũa về ngũ cốc

La Croix lưu ý, cấu trúc cầu đã bị yếu đi từ lần tập kích trước vào ngày 08/10/2022 bằng một xe tải gài chất nổ. Lần đó Moskva giận dữ đe dọa dùng đến vũ khí nguyên tử, còn cách trả đũa lần này là ngưng thỏa thuận ngũ cốc. Tuy nhiên ông Joseph Henrotin không cho rằng việc tấn công chiếc cầu và kết thúc thỏa thuận ngũ cốc có liên quan với nhau, vì một hoạt động như vậy cần được chuẩn bị chu đáo.

Hậu quả của đòn trả đũa của Moskva lần này là gì ? Le Monde cho rằng trước mắt tác động rất hạn chế so với hồi đầu cuộc xâm lăng, vì lượng ngũ cốc xuất khẩu ít hơn, Bắc bán cầu đang vào mùa thu hoạch, giá lúa mì chỉ tăng chưa đầy 1%. Và trước khi mở hành lang ngũ cốc, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã lập ra các solidarity lane, gồm những hành lang đường bộ và đường thủy để Ukraine có thể xuất hàng đi khắp Châu Âu. Foundation Farm ước tính có đến phân nửa ngũ cốc Ukraine đi theo con đường này, chủ yếu qua Ba Lan và Romania. Về trung hạn, thì Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và giá rẻ nhất, có thể lợi dụng để gây áp lực.

Không quyết chống cự, "Putin sẽ ngoạm miếng lớn nhất mà ông ta nuốt được"

Cũng về chiến tranh Ukraine, nhà đối lập Nga Ilia Yachin đang thụ án tù 8 năm rưỡi vì "đưa tin sai lạc" về quân đội Nga, khẳng định với Le Figaro, "Nếu không chận Putin lại, ông ta sẽ đi đến tận Baltic và Warszawa".

Là người thân cận với phó thủ tướng Boris Nemtsov bị ám sát năm 2015, Ilia Yachin, 40 tuổi là một trong những khuôn mặt đối lập nổi bật ở Nga. Ông cho rằng chính sách hiếu chiến của Vladimir Putin và cuộc xâm lăng do ông ta khởi động, phần lớn là hệ quả nhiều năm dài hòa dịu của các nhà lãnh đạo phương Tây đối với nhà độc tài Nga. Putin lập ra một chế độ quyền lực tập trung vào cá nhân ; bỏ tù, ám sát đối lập ; phá hủy các định chế dân chủ ; đóng cửa truyền thông độc lập. Nhưng phương Tây vẫn nhắm mắt làm ngơ vì lợi ích kinh tế, kể cả sau vụ Nga chiếm Crimea.

Sự kiện ngày 24/02/2022 là cú sốc lớn khiến phương Tây bắt đầu thay đổi. Hoa Kỳ và EU đã hiểu : Nếu không quyết chống xâm lăng, Putin sẽ ngoạm lấy miếng lớn nhất ở Châu Âu mà ông ta có thể nuốt được. Nếu không bị chận lại ở Ukraine, Putin sẽ còn đưa quân đến các nước Baltic và Ba Lan. Và nếu thái độ cứng rắn hiện nay lại nhường chỗ cho "hòa hoãn", "tái thúc đẩy" quan hệ, sẽ khó tránh được một cuộc chiến tranh mới ở Châu Âu, quy mô hơn và tàn khốc hơn.

Kremlin thu hút lính bằng lương để tránh tổng động viên

Về quân đội Nga, đặc phái viên La Croix cho biết thêm một khía cạnh khác : "Tiền lương cao giúp Nga tuyển thêm được nhiều tân binh". Kremlin không cần phải tung ra đợt động viên mới. Nhà báo gặp hai anh em Vitali và Igor ở thành phố Krasnodar cách thủ đô nước Nga 400 kilomet, cả hai đều ở độ tuổi năm mươi. Igor đã tình nguyện ký hợp đồng với quân đội trong ba tháng mùa đông qua, vẫn còn sống trở về và quyết định quay lại chiến trường. Là tình nguyện quân trong quân đội Nga, Igor được hưởng tiền lương cao gấp năm lần bình thường : 200.000 rúp, tương đương 2.000 euro một tháng, như tất cả lính tác chiến khác.

Nhà kinh tế Vladislav Inozemtsev, Center for Post-Industrial Studies ở Moskva giải thích : "Đối với đa số, động cơ vào quân đội trước hết là tiền". Trong thời bình, lương lính hiếm khi vượt quá 40.000 rúp một tháng (400 €), thấp hơn lương trung bình (600 €, và còn thấp hơn nữa ở những vùng nghèo). Nay ngoài 200.000 rúp mỗi tháng, còn phải kể đến trợ cấp thương binh tử sĩ. Vợ con lính tử trận được Nhà nước cấp tiền tuất (50.000 €), cộng thêm trợ cấp của chính quyền địa phương có thể lên đến 3 triệu rúp (30.000 €). Nếu lấy ví dụ một người đàn ông 40 tuổi ở một vùng quê nghèo, tử tuất mà gia đình anh ta nhận được tương đương với số lương trung bình trong suốt 26 năm làm việc.

Ở Krasnodar vốn là vùng sản xuất nông nghiệp, chính quyền mở chiến dịch quảng bá rằng sau mùa vụ có thể cầm súng. Lực lượng tình nguyện này liệu có đủ ? Kremlin và truyền hình nhà nước khẳng định không thiếu người. Tuy nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ, nhưng đối với Moskva, ưu tiên là không để xã hội Nga dấn sâu vào chiến tranh. Nhà chính trị học Andrei Kolesnikov của Quỹ Carnegie phân tích : "Thu hút người ra trận bằng lương cao giúp Kremlin khỏi phải đưa ra đợt động viên thứ hai. Sau khi gây hoang mang trên toàn quốc với đợt động viên mùa thu năm ngoái, chính quyền muốn tạo ra cảm giác bình thường".

Nga : Những tháng năm huy hoàng của "novorichi"

Cũng liên quan đến Nga, La Croix tiếp tục loạt bài về các nhà tài phiệt. Trong suốt 30 năm qua, họ tìm cách cất giữ một phần tài sản tại các quốc gia phát triển, đầu tư vào nhiều lãnh vực, cho con cái đi học ở phương Tây.

Năm 1996 vào lúc Boris Yelsin cần tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử, vài doanh nhân cho ông vay, được bảo đảm bằng các công ty dầu khí hoặc khai thác nguyên vật liệu được tư nhân hóa. Được mệnh danh là "bảy ông chủ ngân hàng", số này thâu tóm những doanh nghiệp sinh lời cao nhất, với số tiền bỏ ra chỉ bằng một phần rất nhỏ giá trị thật. Trong vài năm, riêng bảy nhân vật này đã sở hữu gần 50% tổng sản phẩm nội địa cả nước. Giàu lên quá nhanh, họ trở thành người nổi tiếng được nể vì, đứng đầu trong số những nhà giàu mới (novorichi). Họ xài tiền như nước với siêu xe, phụ nữ đẹp, vệ sĩ, dacha sang trọng…

Tại vùng Côte d’Azur của Pháp chẳng hạn, người Nga thuê những căn nhà giá 100.000 euro một tuần, ở suốt ba tháng hè. Ở Luân Đôn, nơi rất thoáng với đầu tư nước ngoài, các tỉ phú mới nhận được "golden visa", giấy phép thường trú hay hộ chiếu ; khu phố sang trọng Belgravia có nhiều đại gia Nga cư ngụ được mệnh danh là Londongrad. Cho con học các trường quý tộc để thăng tiến trên bậc thang xã hội, nhiều tài phiệt còn làm từ thiện hoặc ra tay tài trợ - thể thao, nghệ thuật, nhà thờ Chính Thống… Theo nhà sử học Nga Galia Ackerman, các đại gia có phân bố cụ thể lãnh vực, để đánh bóng hình ảnh Kremlin. Từ khi Putin xâm lăng Ukraine, những ngày tháng vô tư lự đã kết thúc. Nhà tư vấn Tom Keatinge cho rằng đây là dịp để nhìn lại ảnh hưởng mà Nga tạo được bằng đồng tiền trong xã hội phương Tây.

Một "thập niên mất mát" cho Bắc Kinh ?

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde, Le Figaro  Les Echos cùng quan tâm đến việc Trung Quốc đang bị nạn giảm phát đe dọa, và tình trạng ì ạch hậu Covid. Bảy tháng sau khi dỡ bỏ những hạn chế "zero Covid", tình hình là đáng thất vọng. Tăng trưởng vọt lên cao chỉ trong hai tháng đầu năm nay, sau đó mọi chỉ số đều báo động. Từ khi bong bóng địa ốc bị vỡ cách đây hai năm, lãnh vực xây dựng vẫn chưa thể phục hồi, giá nhà tiếp tục giảm tại 70 thành phố, trong khi địa ốc chiếm đến 1/4 tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc.

Tình trạng ảm đạm này một phần do bối cảnh thế giới : lạm phát và lãi suất tăng khiến người tiêu dùng giảm mua sắm, nhất là hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó là nỗ lực của phương Tây nhằm giảm lệ thuộc vào Bắc Kinh, khiến xuất khẩu trong tháng Sáu sụt 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Xui xẻo cho Bắc Kinh : đó không phải là động cơ tăng trưởng duy nhất bị ảnh hưởng, mà tiêu thụ nội địa cũng suy sụp. Người dân Hoa lục thiếu tin tưởng vào tương lai, hạn chế chi tiêu, đặc biệt tỉ lệ thanh niên thất nghiệp đã vượt quá 21%. Nhiều nhà kinh tế chỉ ra điểm giống nhau đáng ngại với Nhật Bản thập niên 90 – tăng trưởng thấp, giảm phát, nợ công khổng lồ…, dự báo "một thập niên mất mát" cho Bắc Kinh.

8.000 tỉ euro : Số nợ không có trong báo cáo của các địa phương Trung Quốc

Les Echos cũng nói về "những món nợ bị che giấu" của các chính quyền địa phương ở Hoa lục, mà theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lên đến 8.000 tỉ euro. Thất vọng về sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc, các nhà đầu tư cũng hết sức lo ngại trước tình trạng nợ ngập đầu của các tỉnh.  Suốt nhiều thập niên qua, họ đã vay mượn ồ ạt để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, nhà ga, phi trường, công viên giải trí... nhưng nay khó có khả năng chi trả. Các địa phương lạm dụng những khoản vay đặc biệt để không xuất hiện trong báo cáo chính thức. Những món nợ được giấu kín này tăng vọt 30% trong hai năm qua, lên 66.000 tỉ nhân dân tệ (8.000 tỉ euro) năm 2023 - chiếm hơn phân nửa GDP Trung Quốc.

Đại dịch Covid và khủng hoảng địa ốc khiến những khoản vay này trở thành nợ khó đòi. Một số lãnh đạo địa phương đã kêu cứu với trung ương. Các ngân hàng lớn bắt đầu cho khoanh nợ, và những khoản tín dụng mới có thời gian là 25 năm so với trước đây chỉ 10 năm. Các nhà phân tích của Goldman Sachs tuần trước đã báo động hoạt động giải cứu này sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu ngân hàng Hoa lục. Kinh tế gia Irina Topa-Serry của AXA IM cho rằng đây là trò chơi nguy hiểm, làm giảm thêm lòng tin vào kinh tế Trung Quốc vốn đang khá thấp.

Bánh mì Việt Nam : Sản phẩm của thời kỳ thuộc địa Pháp

Đợt nóng ở Châu Âu có nơi lên đến 48°C trong tuần này khiến giới du lịch và du khách phải cố gắng tìm cách thích ứng. Liên minh cánh tả Pháp chia rẽ hơn bao giờ hết, trong đó việc thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon từ chối lên án vụ bạo loạn vừa qua là ngòi nổ. Đó là những chủ đề được chú ý hôm nay, bên cạnh vụ cầu Kerch bị tấn công lần thứ hai và Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc.

Như thường lệ cứ mỗi mùa hè, các báo đều có những loạt bài nhiều kỳ với những chủ đề nhẹ nhàng, đa dạng. Le Monde mở đầu loạt bài về thức ăn đường phố trên thế giới với món bánh mì Việt Nam, sản phẩm xuất hiện từ giữa thế kỷ 19 và trở nên món "sandwich" phổ biến của người Việt sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương vào giữa thế kỷ 20. Tờ báo phỏng vấn Huỳnh Khánh Ly, cô chủ người Việt 32 tuổi của một nhà hàng ở Paris từng đoạt giải MasterChef năm 2015.

Vẫn lưu giữ ký ức về những ổ bánh mì có trứng ốp-la xịt thêm nước tương Maggi mà cha mẹ thường mang theo trong những chuyến du ngoạn, Ly nhiều lần về Việt Nam và cảm thấy món ăn này rất đa dạng và giá cả phải chăng. Bên cạnh nguyên liệu xuất xứ Pháp như bơ, pa-tê, ở Việt Nam có cả ngàn công thức nhân bánh mì khác nhau. Bên cạnh những loại truyền thống như bánh mì thịt quay, cô thử cả bánh mì cá mòi hộp với trứng luộc, cà tím chiên chẳng hạn. Bánh được dùng là loại bánh mì trắng để không lấn át mùi vị của các nguyên liệu khác, và cô tin rằng "bánh mì Việt Nam" có tiềm năng phát triển tại Pháp.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 116 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)