Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/06/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Cuba vẫn không lay chuyển

RFI tiếng Việt

Trump thay củ cà rốt bằng cây gậy, Cuba vẫn không lay chuyển

Le Courrier International tuần này đăng bài viết của trang web đối lập Cuba "14ymedio" mang tựa đề "Trump quay lui, thì sao ?". Tổng thống Donald Trump hủy bỏ những biện pháp giảm nhẹ cấm vận của người tiền nhiệm Obama, nhưng theo tờ báo, việc quay lại với chính sách "cây gậy" cũng không ảnh hưởng nhiều đến chế độ Castro.

cuba1

Các tài xế taxi đợi khách khi một tàu du lịch vừa cập cảng La Havana, Cuba ngày 17/06/2017. REUTERS/Alexandre Meneghini

Tờ báo viết, phép lạ nào khiến "con voi chính trị đã bước vào gian hàng đồ sứ" của thế giới, có thể thành công trong chính sách Cuba của ông ta ? Donald Trump muốn làm hài lòng những người muốn bóp nghẹt La Havana : trừng phạt, cắt ngân sách, hủy bỏ những biện pháp của ông Obama khi muốn làm tan băng… Một chiến lược mà nửa thế kỷ qua đã chứng tỏ là không hiệu quả.

Họ cứ ngỡ là sẽ cúp được điện, nước, internet nơi các lãnh đạo đảng cộng sản Cuba. Những lời kêu gọi cứng rắn hiếm khi nghe được nơi những người phải đứng chờ xe buýt hàng giờ đồng hồ, lệ thuộc vào lượng bánh mì ít ỏi được phân phối hàng ngày, và xoay sở để sống sót cả tháng với số lương chỉ đủ cho nhu cầu một tuần lễ.

Ngoài ra, gán cho ông Obama trách nhiệm, là quên mất rằng các lãnh đạo Cuba đã không biết chụp lấy cơ hội hòa giải vì sợ "mất chính quyền". Không phải vì cấm vận mà chế độ độc tài Cuba kết thúc. Các phụ nữ Áo Trắng sẽ tiếp tục bị cấm biểu tình trên con đường Quinta Avenida, và các nhóm đối lập vẫn bị coi là bất hợp pháp, vẫn bị đàn áp. Sử dụng trở lại chính sách "cây gậy" chỉ làm phe cứng rắn ở La Havana lên ngôi. Nga, Trung Quốc, Venezuela của ông Maduro và các đồng chí Bắc Triều Tiên, Zimbabwe, Iran sẽ tiếp tục bênh vực Raul Castro.

Trước "cuộc tấn công mới của đế quốc", chế độ vẫn đóng vai nạn nhân, những kẻ trấn áp có thể thẳng tay đè bẹp những dấu hiệu phản kháng. Với các biện pháp mới của ông Trump, sinh viên Cuba sẽ không xuống đường giơ khẩu hiệu "Đả đảo độc tài", các nghiệp đoàn không kêu gọi tổng biểu tình chống chính quyền, nông dân không tuần hành về thủ đô để đòi trả lại đất đai. Không thể chờ đợi một Maleconazo mới – cuộc biểu tình lớn chống chính quyền ngày 05/08/1994 tại khu Malecon của La Havana, khiến sau đó Fidel Castro phải mở cửa cho hơn 30.000 thuyền nhân vượt biển sang Mỹ.

The Economist cho biết thêm, dù người Mỹ chỉ chiếm 7% tổng số du khách ngoại quốc đến Cuba, nhưng họ cho tiền "pourboire" (tiền bo) rất hào phóng và giúp khu vực tư nhân làm ăn khấm khá. Những người dân Cuba cho du khách thuê nhà trên trang Airbnb đã thu được gần 40 triệu đô la từ tháng 4/2015, tính ra thu nhập trung bình 2.700 đô la/năm, gấp 10 lần so với lương bình thường.

Mỉa mai thay, chính quyền Cuba lại còn tiếp tay với ông Trump để phá vỡ "chủ nghĩa tư bản" vừa mới chớm nở ở đảo quốc. Họ giới hạn việc mở thêm các nhà hàng mới và việc cấp giấy phép cho thuê phòng ở khu phố cổ La Havana, chấm dứt cho các chủ tư nhân lập doanh nghiệp liên doanh, và Quốc hội trong kỳ họp mới đây đã tái khẳng định sự kiểm soát của Nhà nước, hạn chế khu vực tư nhân.

Theo nhà báo José Jasán Nieves Cárdenas ở La Havana, thái độ cứng rắn này của Cuba sẽ còn tiếp tục sau khi ông Raul Castro không còn giữ chức chủ tịch vào tháng Hai năm tới, vì Donald Trump đã trao cho phe bảo thủ "một công cụ hoàn hảo để kềm chế tốc độ của sự thay đổi".

Trump, "ưu thế" hàng đầu của tổng thống Pháp

Cũng liên quan đến tổng thống Mỹ nhưng về mặt đối ngoại với Paris, tờ Time nhận định "Trump, ưu thế số một của tổng thống Pháp". Tuần báo Mỹ cho rằng thái độ của Emmanuel Macron trước ông Donald Trump là một trong những yếu tố làm nên thành công của tân tổng thống Pháp.

Nêu ra cái bắt tay "dữ dội" với tổng thống Donald Trump nhân cuộc họp thượng đỉnh NATO tại Bruxelles hôm 25/5, Time khẳng định : "Người Pháp và thực ra là cả Châu Âu đã thích thú trông thấy một nhà lãnh đạo trẻ dám đương đầu với một tổng thống Mỹ lớn tuổi gần gấp đôi mình và ghét cay ghét đắng Châu Âu". Kết quả là cử tri đã thưởng công cho phong trào của ông với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Tuy nhiên Time tỏ ra lo ngại về hậu quả lâu dài của thái độ đương đầu này : "Điều gì sẽ diễn ra nếu xảy đến một cuộc khủng hoảng mới – tấn công khủng bố hoặc thậm chí chiến tranh – khiến Macron cũng như các lãnh đạo Châu Âu khác cần đến sự trợ giúp ? Ông tổng thống Mỹ hay phật ý này dễ gì sẽ hỗ trợ". Và tờ báo khuyên Macron nên "tìm ra một cách thức khác chìa tay ra cho người đồng nhiệm Mỹ, nhưng lần này nhằm vượt qua những bất đồng để tiến lên phía trước".

Macron theo bước Vua Mặt Trời

Không chỉ tân tổng thống, mà chính quyền mới của nước Pháp tiếp tục chiếm trang bìa các tuần báo. Le Courrier International đăng bức vẽ ông Emmanuel Macron đang được Thượng Đế nắm tay kéo lên, chạy tựa "Macron toàn năng", cho biết việc tập trung quyền lực tại Pháp hiện nay vừa quyến rũ vừa gây e ngại cho báo chí các nước. Ở trang trong, là hình vẽ ông Macron cưỡi lên lưng chú gà trống Pháp.

L’Expressvẽ nên chân dung tân thủ tướng Edouard Philippe, còn L’Obs nói về "Quả bom Bayrou", với các bài điều tra về các vụ tai tiếng của đảng cánh trung MoDem do ông François Bayrou làm chủ tịch. Le Point dành số chuyên đề cho tân bộ trưởng giáo dục Jean-Michel Blanquer, "Người muốn chấm dứt những bất cập" qua một cuộc cách mạng trong ngành này.

"Macron đã thành công trong việc làm mờ đi Trudeau !", tờ Toronto Star với giọng điệu hài hước, than thở tân tổng thống Pháp đã làm thủ tướng, cũng trẻ tuổi của Canada mất đi vị trí vedette lâu nay.

Trong bài viết "Theo bước Vua Mặt Trời", tờ Financial Times có trụ sở tại Luân Đôn cho rằng Emmanuel Macron lấy cảm hứng từ nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Pháp chú trọng đến truyền thông, đó là vua Louis XIV. Nhà sử học Joël Cornette nhận xét : "Tổng thống Macron muốn tỏ ra bí hiểm, xa cách, quyền năng – đây cũng là những nét đặc thù của vua Louis XIV". Và Macron cũng hết sức quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh.

Tác giả bài báo cho biết lúc gặp lần đầu, ông Macron lúc ấy mới là bộ trưởng kinh tế, rất thoải mái khi tiếp xúc với báo chí. Thường thì Macron dễ dàng chấp nhận trả lời phỏng vấn mà không hẹn trước, thẳng thắn và rất vui khi lên trang nhất các báo. Lúc trở thành ứng cử viên tổng thống, Macron tỏ vẻ nguyên thủ hơn, nhưng cũng biết lúc nào nên lấy cảm tình. Ông trao đổi cả tiếng đồng hồ với các công nhân nhà máy Whirpool giận dữ vì sắp mất việc, chơi đá banh với các thanh niên một khu phố nghèo ngoại ô Paris.

Nhưng từ khi trở thành tổng thống, Emmanuel Macron lui về trên đỉnh Olympia. Ông hạn chế tiếp xúc với báo giới, khuyến cáo các bộ trưởng tránh né truyền thông, chủ yếu dùng Twitter để phổ biến các video và thông điệp chính thức. Cái nhìn quyết đoán dưới lớp trang điểm đã thay thế cho nét mặt biểu cảm, đôi môi mím lại thay vì nụ cười tươi tắn. Đêm thắng cử, Macron một mình chậm rãi bước lên khán đài trong bóng tối mờ mờ, như muốn khắc ghi vào lịch sử. Ngày nhậm chức, ông diễu qua đại lộ Champs-Elysées trên một xe quân sự. Nguyên thủ 39 tuổi muốn mang lại sự quý phái cho chức vụ, sau thời kỳ của "tổng thống bình thường" François Hollande.

Nga : Cuộc cách mạng của nhà đối lập Navalny

Liên quan đến Nga, tờ Moskovski Komsomolets có trụ sở tại Moskva nhận định về khuôn mặt đối lập chủ chốt đang thách thức tổng thống Vladimir Putin : "Navalny làm nên cuộc cách mạng của mình".

Theo tác giả, tuy so sánh với Lênin thì có phần khập khiễng, vì Lênin có hẳn một kế hoạch để lập lại xã hội trên những cơ sở hoàn toàn mới mẻ, hiểu biết sâu sắc về chính trị và kinh tế. Alexei Navalny thiếu hẳn cơ sở ý thức hệ nghiêm túc, ngoài việc chống tham nhũng. Nhưng với quyết tâm và khả năng huy động đông đảo quần chúng, biết tấn công vào điểm nhạy cảm nhất của chế độ với phương tiện tối thiểu, nhà đối lập này là một chính khách có tài năng không kém. Tuy nhiên, nước Nga có một Lênin là đã quá đủ.

Trung Quốc : Nhà mới cho 3,4 tỉ dân ?

Về Châu Á, bài "Cơn sốt xây dựng mang tính tàn phá" cho biết Trung Quốc đang lao vào một chính sách đô thị hóa đại quy mô như cuộc chinh phục Viễn Tây nước Mỹ thời trước. Nhưng theo L’Obs, đây là sự lãng phí nặng nề về môi trường và kinh tế.

Sau khi làm thay đổi hẳn – và thường là làm méo mó đi – các đại đô thị vùng duyên hải, nay Trung Quốc muốn quy hoạch lại những vùng đất khô cằn hẻo lánh ở miền tây. Chính sách này được cụ thể hóa bằng việc xây lên những thành phố với các tòa cao ốc, làm mọc lên những đô thị hào nhoáng bằng kính và thép. "Một sự pha trộn giữa Las Vegas và Venise" - theo như hứa hẹn của các pa-nô quảng cáo – tại những ngôi làng nhỏ trên đất cằn khô đang bị sa mạc hóa.

Kết quả gây sững sờ : tại Lan Châu (Lanzhou), thủ phủ tỉnh Cam Túc (Gansu), những "trung đoàn" xe ủi đất xúc đi hàng trăm ngọn đồi để lấp đầy những vùng trũng, tạo nên những khu đất bằng phẳng để xây lên các thành phố mới dọc hai bên xa lộ. Tương tự với những địa điểm khác ở miền tây mà Bắc Kinh muốn hoán cải bằng mọi giá.

Có hai mục tiêu song song. Một mặt là chuyển đổi hàng loạt nông dân có cuộc sống đạm bạc thành thị dân tiêu thụ, có thể tái thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế đang chững lại. Mặt khác, nhận chìm miền Viễn Tây đa sắc tộc này vào trong cái khuôn duy nhất "theo kiểu Trung Quốc". Có nghĩa là tất cả được quyết định từ trên cao, thực hiện mà không cần tham vấn, và trước hết là nhằm siết chặt mọi thứ trong tay chính quyền.

Các tổ chức bảo vệ môi trường rung chuông cảnh báo trước việc phá hoại những tài nguyên thiên nhiên vốn đã khiêm tốn. Việc xây dựng đại quy mô tác động như thế nào lên môi trường vốn đã xuống cấp nghiêm trọng – nước ngầm cạn kiệt, khói mù ô nhiễm thường trực, đất đai bị nhiễm độc ? Chưa nói đến một logic khác : toàn bộ các thành phố mọc lên từ cơn sốt xây dựng này, có thể chứa đến… 3,4 tỉ dân, tức là gấp đôi dân số Trung Quốc hiện nay – theo một think tank thuộc chính phủ. Một sự lãng phí khủng khiếp về tiền của và môi trường, có nguy cơ tạo nên những thành phố ma trong tương lai.

"Nhân danh quần chúng", bộ phim chống tham nhũng nhập nhằng hư thực

Trên lãnh vực văn hóa, bộ phim nhiều tập "Nhân danh quần chúng" ("Renmin de Mingyi", tên gốc Hán Việt là "Nhân dân đích danh nghĩa") mà nhân vật chính là một kiểm sát viên chuyên truy lùng các quan chức tham nhũng, được tờ Apple Daily ở Hồng Kông nhận xét, tuy là hư cấu nhưng lại giống thực tế ngoài đời một cách kỳ lạ.

Sau hơn mười năm kiểm duyệt các phim tố cáo nạn tham nhũng tại Hoa lục, bộ phim "Nhân danh quần chúng" do Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc và Quân ủy Trung ương hợp tác thực hiện, đã dỡ bỏ điều cấm kỵ. Được tung ra từ ngày 28/3, bộ phim gồm 55 tập đã "gây bão" trên toàn quốc, nhiều lần phá kỷ lục về số khán giả. Trên internet, mỗi tập phim thu hút đến gần một tỉ lượt người xem.

Tác giả sau khi xem bộ phim đã nhìn nhận, công bằng mà nói, phim không chỉ ca ngợi cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Cho dù không nêu ra vấn đề nhạy cảm là dân chủ, nhưng phim cũng không ngần ngại lật tẩy mặt trái của chốn quan trường. Có điều, phim được cho là mang tính "tiên tri" vì có những xen giống đời thực đến nỗi không biết đâu là thật, đâu là giả.

Chẳng hạn cảnh công nhân tập đoàn Shanshui định tự thiêu để phản đối việc phá hủy nhà máy, khiến sau đó các cổ đông lục đục với nhau ; thì chỉ vài ngày sau khi phim được chiếu, một nhà máy của Shanshui Cement Group đã bị các cổ đông bất mãn dùng xe ủi tấn công. Ngay cả cái tên công ty cũng giống y ! Trong một tập khác, một quan tham định vu cáo người khác nhận hối lộ bằng cách dùng tên người đó mở một trương mục ở China Minsheng Banking Corp (CMBC), chuyển vào một số tiền lớn rồi rút ra. Cùng ngày, xảy ra một xì-căng-đan ở ngay ngân hàng này. Còn tổng thư ký Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng trong phim tên là Gao, hay nêu ra những nhân vật lịch sử và trích những câu văn, thì rất giống với ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), người đang đứng đầu Ủy ban này của Trung Quốc.

Hồi kết của phép lạ kinh tế Mông Cổ

Cũng tại Châu Á, Le Courrier International trích dịch bài viết trên tờ Nikkei Asian Review nhận định "Mông Cổ, hồi kết của phép lạ kinh tế". Tình trạng khoáng sản sụt giá khiến nước này phải cầu viện đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và tổng thống được bầu lên vào ngày 26/6 tới sẽ phải gánh vác trách nhiệm vực dậy đất nước.

Trong năm 2015, lãnh vực hầm mỏ chiếm đến 25% GDP, tương đương 10,4 tỉ euro, trong khi công nghiệp sản xuất thì chưa đầy 9% GDP. Đồng, vàng, mỏ sắt và các loại kim loại khác chiếm 67% doanh số xuất khẩu năm ngoái, còn than đá và dầu thô 23%. Nền kinh tế không chỉ cần được đa dạng hóa hơn, mà còn thiếu thốn đầu tư. Một nguy cơ khác là Mông Cổ lệ thuộc quá nhiều vào đối tác thương mại chính là Trung Quốc : đến 83% lượng xuất khẩu hướng đến thị trường này, nên chỉ một sự thay đổi nhỏ về cung cầu của Bắc Kinh sẽ gây tác hại nặng nề lên nền kinh tế Mông Cổ.

Điện thoại thông minh sẽ khiến máy quay phim lui vào quá khứ ?

Trên lãnh vực khoa học kỹ thuật, L’Obs đặt câu hỏi "Liệu điện thoại thông minh sẽ chôn vùi các camera ?". Phóng sự, phim tài liệu… ngày càng nhiều các nhà quay phim chuyên nghiệp chọn smartphone thay cho các máy quay phim tốn kém.

Có thể kể ra các đạo diễn tên tuổi như nhà đạo diễn đoạt Oscar - Michel Gondry, hay đài truyền hình BFM Paris đã quyết định trang bị smartphone cho các ê-kíp phóng viên đi làm phóng sự. Liệu mai mốt tất cả mọi người đều sẽ trở thành đạo diễn ? Bruno Samdja của Mobile Film Festival trả lời : "Tất cả chúng ta đều biết viết, nhưng không phải tất cả mọi người đều là nhà văn".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 764 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)