Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/07/2023

Điểm báo Pháp - Ảnh hưởng của Pháp suy giảm tại Châu Phi

RFI tiếng Việt

Tầm ảnh hưởng của Pháp suy giảm tại Châu Phi sau cuộc đảo chính ở Niger

Cuộc đảo chính tại Niger là chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm 28/07/2023.

niger

Bạo loạn ở Niamey, Niger, ngày 27/07/2023. AP - Fatahoulaye Hassane Midou

Nhật báo thiên hữu Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận nói về hiệu ứng domino dường như đang quay trở lại ở Châu Phi. Kể từ chiến dịch do Moskva phát động nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Pháp vào năm 2015, nhiều quốc gia Châu Phi lần lượt "ngả vào vòng tay" của Nga. Ở Niger, Pháp vẫn có thể dựa vào một xã hội dân sự và chế độ dân chủ để tiến hành những cuộc chiến chống chủ nghĩa thánh chiến. Những liệu có phải Niger đang tuột khỏi tay Pháp ?

Được phát động vào năm 2013, chiến dịch Serval đã giải phóng các thành phố phía bắc Mali khỏi ách thống trị của các chiến binh thánh chiến. Tuy nhiên, Paris dần bị sa lầy tại Sahel với chiến dịch mở rộng, được đổi tên thành Barkhane. Dường như nhiệm vụ này "quá tham vọng". Làm thế nào để bảo vệ một lãnh thổ có diện tích 5 triệu km2 chỉ với 5.000 binh sĩ ? Mọi thứ vượt ra ngoài tầm kiểm soát : tư tưởng chống Pháp trong nước ngày càng gia tăng và người dân lên án một chủ nghĩa thực dân mới.

Đối mặt với sự "xuống cấp" của các dịch vụ công cơ bản như trường học, y tế, tư pháp, an ninh, cộng với sự quản lý yếu kém của các nhà lãnh đạo, nền dân chủ do phương Tây thúc đẩy hiện đang bị người dân ở nhiều nước Châu Phi nguyền rủa. Đó là những nước "hoan nghênh" các cuộc đảo chính, sau khi Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Mali rơi vào tay điện Kremlin, nhờ sự hiện diện của lực lượng vũ trang Wagner. Tại Bamako, hai cuộc đảo chính liên tiếp đã mở đường cho Moskva tiến vào. Ở Burkina Faso, bất chấp những lời kêu gọi của tổng thống Putin, chính quyền quân sự được dựng lên sau cuộc đảo chính vẫn chưa nghiêng về phía Nga, nhưng Pháp thì đã bị "hất cẳng".

Tại Niger, tổng thống Mohamed Bazoum đã đánh một canh bạc mạo hiểm khi biến đất nước của mình thành phòng thí nghiệm cho chiến dịch Barkhane và trở thành một "chư hầu" của Pháp và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tư tưởng chống Pháp tại Niger quá lớn. Giờ đây, chỉ có một điều chắc chắn : Paris sẽ không thể tiếp tục hoạt động lâu dài ở Niger và các chiến binh thánh chiến sẽ không bỏ lỡ cơ hội để "đục nước béo cò".

Pháp "bất lực" ở Châu Phi

Tờ Libération cũng dành trang nhất và bài xã luận nói về tình hình ở Niger. Không khí vẫn đang hết sức căng thẳng vào hôm qua 27/07 tại Niamey, khi số phận của tổng thống Mohamed Bazoum, bị lực lượng đảo chính quản thúc trong dinh tổng thống đang rất bấp bênh.

António Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, tỏ ra rất lo lắng về tình hình tại chỗ. Nhật báo thiên tả nhận định rằng các nhóm khủng bố Hồi giáo là những kẻ được hưởng lợi nhiều nhất nhờ tình trạng hỗn loạn hoành hành trong khu vực. Các sự kiện xảy ra ở Niamey rõ ràng cũng là một tin rất xấu đối với Pháp, cũng như đối với Hoa Kỳ, những đối tác an ninh có chỗ đứng đặc biệt tại Niger cho đến thời điểm này. Ngược lại, chắc chắn Nga sẽ tỏ ra vui mừng khi ảnh hưởng của phương Tây bị suy yếu. Mặc dù vậy, Libération loại trừ khả năng Moskva đứng đằng sau giật dây cuộc đảo chính. Trong một thông cáo báo chí, điện Kremlin cũng đã yêu cầu trả tự do cho tổng thống Mazoum bị phế truất.

Nhật báo thiên tả kết luận rằng sau khi bị "hất cẳngkhỏi Mali và Burkina Faso, Pháp giờ đây nhiều khả năng sẽ tiếp tục đánh mất một đồng minh khác trong khu vực. Tư tưởng chống Pháp ở Niger mặc dù không mạnh như ở hai nước nói trên, song cuộc nổi dậy chống lại tổng thống Bazoum chứng minh một cách rõ rệt về sự thất bại của chiến lược mà Pháp đã áp dụng ở trong khu vực này từ 10 năm qua.

Người dân Odessa vẫn "sốc" sau khi bị Nga oanh kích

Về chiến tranh Ukraine, nhật báo Le Monde tiếp tục chú ý đến các di sản văn hóa ở Odessa bị hư hại sau những cuộc oanh kích của quân đội Nga. Tổng cộng đã có 25 tòa nhà nằm trong danh sách di sản UNESCO bị "trúng đạn".

Như thường lệ, Natalia Lavrova, hướng dẫn viên du lịch ở Odessa, đã hẹn các vị khách của mình hôm 23/07 ở trước nhà thờ Chúa Biến Hình, một trong những nhà thờ Chính thống giáo nổi tiếng nhất đất nước, cũng là một trong những điểm nổi bật trong chương trình tham quan của Natalia ở Odessa. Bị phá hủy vào năm 1936, giống như hầu hết các nơi thờ phụng thời Xô Viết, nhà thờ Chúa Biến Hình đã được thay thế bằng một công viên, khu vui chơi giải trí cho trẻ em đi kèm với nhà vệ sinh công cộng, một ý tưởng của Stalin để làm nhục tôn giáo. Vào đầu những năm 2000, chương trình "tái tạo các di tích lịch sử bị phá hủy" đã cho phép xây dựng lại một bản sao chính xác của nhà thờ, cao 72 mét, tính đến tháp chuông. Ngay lập tức, nhà thờ đã "lấy lại vị trí" của mình trong truyền thống Odessa, như thể chưa từng bị phá hủy.

Như đã hẹn, Natalia sẽ giới thiệu thành phố với một gia đình sống ở trong vùng - món quà sinh nhật dành cho người con trai cả nhân dịp 16 tuổi. Nhưng một tên lửa của Nga đã phá hủy kế hoạch của cô. Giờ đây, nơi này trở thành điểm mà đám đông tụ tập khóc thương và cầu nguyện trước đống đổ nát giữa một đám bụi trắng bị gió thổi lên thành những cơn lốc lớn.

Mykola Viknyansky, một doanh nhân 46 tuổi cho biết : "Tôi cứ tưởng rằng sẽ không bị oanh kích khi được xếp là di tích UNESCO". Mykola từng vận động nhiệt tình để Odessa được UNESCO công nhận hồi mùa xuân năm 2022, lúc Nga mới phát động chiến tranh chống lại Ukraine. Giống như mọi cư dân Odessa, Mykola có lý thuyết của riêng mình về lý do khiến quân đội Nga không ngừng oanh kích các công trình lịch sử có nhiều ý nghĩa. "Điện Kremlin đã thất bại trong việc chinh phục thành phố, vì vậy, họ quyết định phá hủy những gì họ coi là của mình, một nhà thờ lớn, những công trình lịch sử. Sự điên cuồng của Nga với điệp khúc "không ăn được thì đạp đổ".

Nhà sử học Oleksandr Babytch thì kết luận rằng chỉ cần trải qua thêm 10 đêm bị oanh kích giống những đêm hôm trước, UNESCO có thể xóa Odessa khỏi danh sách những thành phố có di sản cần được bảo vệ.

An ninh tại Thế Vận Hội Paris 2024

Còn tại Pháp, tờ Les Echos quan tâm đến những khó khăn về mặt an ninh khi diễn ra Thế Vận Hội Paris 2024. Nhật báo kinh tế nhắc lại về sự thiếu chuẩn bị của Thế Vận Hội Luân Đôn 2012 khi vài tuần trước ngày khai mạc, công ty phụ trách an ninh G4S chỉ cung cấp được 7.000 nhân viên trên tổng số 10.400 dự kiến cho lễ khai mạc, buộc chính phủ phải gấp rút điều 3.500 binh sĩ, sau đó là 1.200 lính tiếp viện khác.

Không thể loại trừ kịch bản đen tối này với Thế Vận Hội năm sau, với buổi lễ hoành tráng dự kiến được tổ chức trên sông Seine. Một nguồn tin cho biết rằng để bảo đảm an ninh cho đoạn đường dài 6 km, đi kèm với hàng loạt chướng ngại vật cùng với 8 cây cầu ở giữa, là một thách thức rất lớn. Cùng với sự có mặt của khoảng 600.000 khán giả, sẽ cần ít nhất từ 7.000 đến 12.000 nhân viên phụ trách an ninh. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phải tìm cách "chặn" các drone bay ở trên khu vực diễn ra sự kiện, đồng thời bảo vệ khoảng 150 chiếc thuyền liên quan tới Thế Vận Hội, mà không làm gián đoạn giao thông trên sông Seine.

Điều đó đủ để khiến các quan chức toát mồ hôi lạnh. Thierry Reboul, giám đốc điều hành của Thế Vận Hội Paris 2024 cho biết : "Nếu biết trước tất cả những khó khăn này, tôi chưa chắc có nên đề nghị tổ chức lễ khai mạc ở trên sông Seine hay không, nhưng bây giờ, mọi chuyện đã an bài".

Một lãnh đạo khác thì than thở rằng việc tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 tương đương với khoảng tổ chức 40 giải bóng bầu dục thế giới vào cùng một thời điểm.

Phát triển trí tuệ nhân tạo từ tế bào não người

Về lĩnh vực khoa học, nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến việc hợp nhất tế bào não con người với trí tuệ nhân tạo : dự án được các nhà nghiên cứu từ đại học College London và đại học Monash, Úc, theo đuổi, phối hợp với công ty khởi nghiệp Cortical Labs, có trụ sở tại Melbourne. Một ý tưởng không quá điên rồ vì dường như nhóm nghiên cứu đã nhận được, vào cuối tháng 7, khoản trợ cấp 600.000 đô la từ Văn phòng Tình báo Quốc gia và Bộ Quốc phòng Úc, những cơ quan đang đặt cược vào kết quả đầy hứa hẹn từ nghiên cứu này . Giám đốc chương trình nghiên cứu, giáo sư Adeel Razi giải thích rằng một công nghệ mới được kết hợp giữa sinh học và điện toán sẽ "làm thay đổi lĩnh vực robot, tự động hóa, y học và cách mạng hóa toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số".

Ca sĩ Sinead O’Connor qua đời

Về lĩnh vực văn hóa, tờ Le Monde cũng dành trang nhất quan tâm đến Sinead O’Connor, ca sĩ người Ireland từ trần hôm 26/07 ở tuổi 56. Bài hát Nothing Compares 2 U, do Prince sáng tác, đã trở thành bài hát được "ưa thích" nhất của bà trong năm 1990.

Le Monde nhận định rằng sinh thời, Sinead O’Connor là một ca sĩ tượng trưng cho "tuyệt vọng và sự nổi loạn" khi bà từng gặp nhiều tai tiếng liên quan đến tôn giáo. Ngoài ra, Sinead O'Connor cũng đã hoàn toàn suy sụp tinh thần kể từ khi con trai bà tự sát ở tuổi 17 vào tháng 01/2022. Sau khi đăng những dòng tweet nói ra không còn muốn sống nữa, bà đã yêu cầu được nhập viện để điều trị trầm cảm.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 187 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)