Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/08/2023

Điểm báo Pháp - Nỗi khổ tâm của cảnh sát Pháp

RFI tiếng Việt

Pháp : Nỗi khổ tâm của cảnh sát trước một xã hội hỗn loạn

Các tờ báo Pháp hôm nay 04/08/2023 quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau.

aab0ba644fd533bd3a9ee9c0028f250e

Nanterre, ngoại ô Paris trong đợt bạo động hồi tháng 07/2023 : thanh niên đối đầu với cảnh sát Pháp. AP - Michel Euler

Tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận đề cập đến những khó khăn của cảnh sát Pháp khi làm nhiệm vụ. Viên cảnh sát bị cáo buộc hành hung thiếu niên Hedi tiếp tục bị giam giữ, hàng loạt cảnh sát xin nghỉ ốm trên khắp nước Pháp, đi kèm với nỗi bất bình của công đoàn… Kể từ sau những cuộc bạo loạn hồi tháng 7 vừa qua, ngành cảnh sát đã rơi vào tình trạng rối loạn.

Trong vụ hành hung Hedi, cũng như trong cái chết của Nahel, tư pháp phải có nhiệm vụ làm sáng tỏ mọi chuyện, xác định trách nhiệm của những người liên quan, và nếu cần, đưa ra các biện pháp trừng phạt thích đáng.

Ngoài những vụ việc bi thảm này, nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến tình trạng "khó xử" của cảnh sát khi phải đối mặt với một xã hội hết sức hỗn loạn : khủng bố, phong trào "Áo Vàng", biểu tình chống biến đổi khí hậu, bạo loạn đô thị. Cảnh sát bị căm ghét nhiều hơn, khiến công việc của họ cũng trở nên nguy hiểm hơn. Hơn 800 sĩ quan cảnh sát đã bị thương trong các cuộc bạo loạn gần đây.

Theo Le Figaro, những cuộc bạo loạn này được thúc đẩy bởi phe cực tả với những khẩu hiệu như "mọi người đều thù ghét cảnh sát", khiến tình hình trở nên vô cùng đáng ngại.

Mục đích của phe cực tả khi nhắc đi nhắc lại về "bạo lực cảnh sát" dường như nhằm mục đích biến cảnh sát thành một bộ phận tách biệt, xa rời dân chúng, trong khi họ được giao nhiệm vụ bảo vệ người dân. Các sĩ quan cảnh sát cũng là những người con của nước Pháp, là phụ huynh, là những công dân bình thường. Giống như mọi người, hàng ngày họ cũng cảm thấy mệt mỏi trong công việc, và thậm chí là cảm thấy sợ hãi khi phải làm nhiệm vụ ở những khu vực nguy hiểm.

Vì vậy, dĩ nhiên họ cần phải nhận được sự cảm thông và hỗ trợ từ phía cấp trên và Nhà nước. Nhưng sâu xa hơn, họ phải nhận được sự tin tưởng của chính người dân.

Le Figaro kết luận rằng những cảnh sát bị chỉ trích và căm ghét vào tháng 07/2023 cũng chính là những người được tôn vinh sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu hồi năm 2015.

Lebanon : 3 năm sau vụ nổ tại cảng Beirut

Tờ Libération thì dành trang nhất và bài xã luận nói về tình hình ở Lebanon, 3 năm sau vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut khiến hơn 200 người thiệt mạng và 6.500 người bị thương. Thật khó có thể dùng từ "hy vọng" khi nói về tình trạng của Lebanon, đặc biệt là vào ngày tưởng niệm 04/08 này, 3 năm sau vụ nổ kép khủng khiếp, khiến mọi người đến giờ vẫn bàng hoàng. Tuy nhiên, đặc phái viên Libération vẫn cố lạc quan khi nói về một "hy vọng". Đây không phải là một hy vọng lớn mà là một hy vọng hết sức mong manh. Vụ nổ khiến Lebanon phải đối mặt với tình trạng bất ổn kéo dài nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ. Ngoài những người đã khuất, hay những thiệt hại về vật chất, giờ đây cần phải quan tâm đến cuộc sống hàng ngày, hướng đến tương lai tốt đẹp, và do đó, Lebanon phải "tự gồng lên". Bởi Beirut sẽ không nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài, như Pháp từng hứa. Hai ngày sau vụ nổ, tổng thống Emmanuel Macron đã tới hiện trường : mang đến những hy vọng và rốt cuộc là những lời hứa suông.

Nhìn từ Pháp, thật khó có thể hình dung một đất nước giàu có và đa dạng về văn hóa và lịch sử, lại có thể sản sinh ra một tầng lớp chính trị bất xứng như vậy, những người không quan tâm đến lợi ích chung và tập thể, giống như những chính trị gia Lebanon tìm cách làm cho cuộc điều tra về vụ nổ bị đình trệ. Chỉ cần đến Beirut là đủ để thấy mối quan hệ chằng chịt giữa các cộng đồng, tương quan lực lượng giữa các đảng phái, các tín ngưỡng… Nhật báo thiên tả kêu gọi các nhà báo, nhà văn, nhà làm phim, cộng đồng hải ngoại, các tổ chức, hiệp hội duy trì tăng cường sức sống cho người dân Lebanon. Họ không thể và không được bị bỏ rơi, bởi họ đáng giá hơn rất nhiều, khác hẳn những hình ảnh của những người lãnh đạo họ.

Văn hóa – yếu tố thiết yếu với người dân Lebanon

Vẫn về Lebanon, tờ La Croix cũng dành trang nhất nói về việc nước này đang tìm đến văn hóa để quên đi những mất mát do vụ nổ gây ra. Lebanon vẫn chưa hoàn tất việc tái thiết thủ đô. Nhưng có một lĩnh vực mà người dân Lebanon đã thể hiện sự phản kháng kiên cường, đó là văn hóa. Các nhà sáng tạo, lập trình viên, đạo diễn điện ảnh đã không bỏ cuộc trong suốt thời gian qua.

Việc bảo tàng Sursock được mở lại vào cuối tháng 5 là một minh chứng rõ rệt cho điều này. Nằm trong số các trung tâm nghệ thuật đương đại đầu tiên được thành lập ở Trung Đông vào đầu những năm 1960 (thời kỳ hoàng kim của nền nghệ thuật Lebanon), bảo tàng Sursock đã được tu sửa trong vòng hai năm rưỡi sau khi bị hư hại bởi vụ nổ. Karina El Helou, giám đốc viện bảo tàng, nhận định rằng đây thực sự là một cuộc "kháng chiến", bởi Lebanon, hơn bao giờ hết, đang rất cần những địa điểm kiểu này.

Nhật báo công giáo nhận định rằng vào những thời khắc hết sức khó khăn, văn hóa không phải là một thứ xa xỉ, mà ngược lại, nó đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc giải phóng con người khỏi thực tế khắc nghiệt và giúp duy trì mối liên kết của một dân tộc với phần còn lại của thế giới.

Các tập đoàn Pháp tiếp tục "bám trụ" ở Châu Phi

Nhìn sang Châu Phi, nhật báo Le Monde có bài viết nói về các tập đoàn Pháp vẫn tìm cách tiếp tục hoạt động tại các nước xảy ra đảo chính. Hiện tại, các tập đoàn này vẫn đang "trụ vững", mặc dù tình hình an ninh tiếp tục xấu đi. Sau các cuộc đảo chính liên tiếp làm rung chuyển Mali, Burkina Faso và Niger, cùng với những thay đổi chế độ, đi kèm với phong trào thân Nga ngày càng gia tăng, các tập đoàn Pháp vẫn tìm cách duy trì hoạt động, mặc dù Paris phải hứng chịu sự oán giận gia tăng từ các quốc gia này.

Etienne Giros, chủ tịch Hội đồng các nhà đầu tư Pháp ở Châu Phi, nhận xét : "Hiện tại, sự bất ổn chính trị đã không khiến các công ty Pháp phải rời đi, bởi sau nhiều năm hoạt động đầu tư, chúng tôi không thể đóng cửa và rời đi dễ dàng như vậy."

Nhiều tập đoàn của Pháp dựa vào việc đã có mặt ở các quốc gia này từ rất nhiều năm mà không rời đi. Tổng cộng, Pháp hiện có khoảng 200 công ty hoặc công ty con ở Mali, 45 doanh nghiệp ở Burkina Faso, 30 ở Niger và khoảng 10 tại Cộng hòa Trung Phi. Ví dụ, TotalEnergies khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động ở Burkina Faso và Mali thông qua mạng lưới các trạm xăng dầu của mình.

Acropole được thêm vào danh sách các địa điểm cần được bảo vệ tránh tình trạng"du lịch quá tải"

Về lĩnh vực du lịch, tờ La Croix dành bài xã luận nói về việc kể từ tháng 9, lượng du khách đến Acropole tại thủ đô Athens của Hy Lạp sẽ bị hạn chế. Mỗi ngày, Acropole sẽ chỉ "tiếp" 20.000 khách. Như vậy, Acropole được thêm vào danh sách các địa điểm cần được bảo vệ, tránh tình trạng"du lịch quá tải" như Dubrovnik ở Croatia, đảo Mallorca ở Tây Ban Nha, Machu Picchu ở Peru và nhiều nơi khác.

Theo La Croix, việc Hy Lạp quyết định đưa ra biện pháp bảo vệ địa điểm 2.500 năm tuổi này là một điều rất tích cực. Dường như việc thành phố Venise của Ý bị UNESCO liệt kê vào những nơi bị đe dọa đã thúc đẩy quyết định này của Athens. Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản. Lượng khách du lịch rất quan trọng đối với nền kinh tế Hy Lạp, và đại dịch Covid-19 đã làm lộ rõ những mất mát của Hy Lạp khi khách du lịch không lui tới.

La Croix tỏ ra lo ngại trước việc không có biện pháp cụ thể nào được thực hiện khi thế giới đang đối mặt với hiện tượng toàn cầu hóa du lịch do sức mua tăng lên. Tuy nhiên, nếu mỗi địa điểm tự đặt ra những quy định hạn chế lượng du khách, điều này có thể gây phản tác dụng. Những người có điều kiện có thể sẽ chuyển sang "du lịch xa xỉ". Do đó, điều cấp bách là các quốc gia cần phải nhất trí về một quy định công bằng và hợp lý trong việc điều phối lượng khách du lịch.

Người Pháp thờ ơ với Olympic Paris 2024

Còn tại Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến sự thờ ơ của người dân đối với Thế Vận Hội Paris 2024. Chỉ còn một năm nữa là khai mạc Thế Vận Hội, mọi người dường như không mấy mặn mà về sự kiện này, trong khi những mối lo về an ninh và giao thông thì rất hiện hữu.

Theo một cuộc thăm dò do Elabe và Institut Montaigne thực hiện, chỉ có 20% trong số những người được hỏi tỏ ra phấn khởi, trong khi gần một nửa (48%) tỏ ra thờ ơ, thậm chí hoài nghi (32%) – đa số là người dân ở Paris và những vùng ngoại ô, những người sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Raphaël Tavanti-Geuzimian, chuyên gia tại Institut Montaigne nhận định rằng sự hoài nghi của người dân Paris dựa vào nhận thức sâu sắc về những khó khăn trong việc di chuyển, căng thẳng trên thị trường nhà ở, cùng với việc cuộc sống của họ bị đảo lộn trong thời gian diễn ra các môn thi đấu.

Bernard Sananès, chủ tịch Elabe thì cho rằng người Pháp không tỏ ra hào hứng với Olympic vì đơn giản là họ có những mối quan tâm khác. Sức mua chịu nhiều áp lực, chiến tranh Ukraine, biến đổi khí hậu đều là những yếu tố khiến Thế Vận Hội bị gạt sang bên lề, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Ông Sananès tin rằng một năm nữa, người Pháp sẽ cảm thấy tự hào khi sự kiện này khai mạc.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 169 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)