Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/08/2023

Tạp chí đặc biệt : Vai trò của Wagner trong vụ Niger

RFI tiếng Việt

Liệu Wagner tìm lại được vai trò khi can thiệp vào Niger sau vụ đảo chính ?

Chi Phương, RFI, 05/08/2023

Wagner có thể can thiệp vào Niger để tìm lại vị trí của mình ? Căng thẳng giữa Ba Lan và Ukraine về vấn đề ngũ cốc. Những thanh niên công giáo Châu Phi bị phân biệt đối xử, khó xin thị thực đến Châu Âu. Xung đột giữa Hindu giáo và Hồi giáo tại Ấn Độ. Tranh cãi xoay quanh phim Hollywood Barbie và Opennheimer tại Nhật Bản. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này. 

wagner1

Ba lính đánh thuê (phải) của nhóm Wagner tại bắc Mali. Ảnh do một quân nhân Pháp cung cấp cho AP không ghi thời điểm chụp. AP

Sau cuộc đảo chính ở Niger, Liên Hiệp Châu Phi, Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu cùng một số các cường quốc khác đã lên án hành động của quân đội lật đổ tổng thống dân sự Mohameh Bazoum. Đây là cuộc đảo chính thứ năm tại Niger từ khi nước này giành độc lập vào năm 1960. Các quốc gia trong khu vực như Mali, Guinea và Burkina Faso, cũng do quân đội lãnh đạo, đã lên tiếng ủng hộ chính quyền đảo chính ở Niger.

Điều đáng chú ý là có nhiều người cầm cờ Nga, ủng hộ tổng thống Vladimir Putin tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ quân đội đảo chính tại Niamey. Hiện chưa có bằng chứng nào nói về can thiệp của Nga hay tập đoàn bán quân sự Wagner đằng sau cuộc đảo chính tại Niger, nhưng vào tuần trước, lãnh Wagner Yevgeny Prigozhin đã công khai ủng hộ cuộc đảo chính của quân đội Niger. Trước đó, vào cuối tháng Bảy, lãnh đạo Wagner đã thông báo là lực lượng lính đánh thuê của mình sẽ không chiến đấu ở Ukraine mà đến Châu Phi. Hiện lính Wagner đã hiện diện tại Châu lục này, ở Mali, Libya hay Cộng hòa Trung Phi.

Trả lời Reuters, chuyên gia về an ninh, cựu quan chức thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Analiese Bernard cho rằng "cuộc đảo chính này có thể trao cho Wagner một cơ hội khác để can thiệp vào Niger, được trả tiền nhờ vào các dịch vụ lính đánh thuê và khiến nhóm này tìm lại vị trí của mình. Sau những gì xảy ra vào cuối tháng Sáu ở Nga, rõ ràng là có một dấu hỏi lớn về tính thích đáng của Wagner. Ai là người thực sự kiểm soát Wagner và vai trò của tập đoàn bán quân sự này là gì, ảnh hưởng đến chính trị toàn cầu như thế nào ? Hoạt động của Wagner đã bị gián đoạn. Tôi cho rằng nếu họ can thiệp vào Niger, thì vai trò của họ sẽ trở nên rõ ràng hơn". 

Theo chuyên gia này, nếu tập đoàn Wagner bắt đầu can thiệp vào Niger, thì có thể Wagner sẽ vi phạm các quyền con người, giống như những gì mà tập đoàn này đã làm ở Mali. Điều này còn có thể cho phép nhóm lính thánh chiến Hồi giáo cực đoan mở rộng thêm địa bàn hoạt động ở Niger. 

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Lova Rinel, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược (FRS), được TF1 trích dẫn, tại Niger, nhóm Wagner được cho là ủng hộ phe đối lập của tổng thống Mohamed Bazoum (đã bị lật đổ). Thêm vào đó, Wagner thường xuyên loan tải các thông điệp chống Pháp trên mạng. Nhưng thực ra, phong trào bài Pháp tại Niger liên quan đến nhiều yếu tố khác, trong chính sách nội bộ của nước này. Sự bất bình với vai trò của Pháp tại Niger đã tồn tại và Wagner đơn giản là chỉ tận dụng để đối phó với phe đối lập. 

Ba Lan và Ukraine căng thẳng vì ngũ cốc 

Về chiến tranh Ukraine, trong lúc các cảng của Ukraine, đặc biệt là cảng Danube, đang bị các drone của Nga tấn công, làm hư hại hàng ngàn tấn ngũ cốc, theo thông báo từ chính quyền Kiev, thì mối quan hệ giữa Ukraine và láng giềng Ba Lan trở nên căng thẳng cũng vì vấn đề ngũ cốc.

Vào tuần trước, Ba Lan và một số nước Đông Âu đã bày tỏ mong muốn gia hạn việc "ngăn chặn nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine", để bảo vệ thị trường ngũ cốc và nông dân của mình. Điều này đã làm phật lòng Kiev. Trong tuần này, cuộc khủng hoảng ngũ cốc Ukraine tiếp tục có thêm chương mới, khi một quan chức cấp cao Ba Lan đưa ra phát biểu khiến Kiev phẫn nộ. Thông tín viên Martin Chabal từ Warszawa tường trình : 

"Ukraine sẽ sớm phải nói lời cảm ơn đối với Ba Lan vì những hỗ trợ của nước này cho Kiev kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga". Đó là nhận định của chánh văn phòng tổng thống Ba Lan, Marcin Przydacz, phụ trách về chính sách quốc tế. Ông Marcin Przydacz cũng nói thêm rằng hiện nay, điều quan trọng nhất là bảo vệ lợi ích của các nông dân Ba Lan.

Những nhận xét này đã khiến chánh văn phòng tổng thống Ukraine phẫn nộ, cho rằng những phát biểu mang tính cơ hội và cáo buộc Ba Lan hùa theo Nga.

Kiev muốn cho Warszawa thấy là những người tị nạn Ukraine không ngừng bày tỏ lòng biết ơn đối với Ba Lan vì đã dang tay tiếp đón họ. Tuy nhiên, khi Ba Lan muốn gia hạn việc đóng cửa biên giới đối với ngũ cốc Ukraine, thì Ukraine cảm thấy bị phản bội. Một quan chức cấp cao Ukraine cho rằng điều này giống như là Ba Lan đã yêu cầu Ukraine phải trả giá vì nước này đã cứu giúp người tị nạn Ukraine. Bộ ngoại giao Ukraine coi những phát biểu trên là không thể chấp nhận được và đã triệu đại sứ Ba Lan tại Ukraine lên hôm 01/08.

Rốt cuộc, về phía Ba Lan, mọi người vẫn tiếp tục ủng hộ việc đặt lợi ích của Ba Lan được đặt lên trên bất cứ lợi ích của nước nào khác, ngay cả khi đó là một đồng minh thân cận". 

Định kiến về "người Châu Phi đến Châu Âu là sẽ ở lại" gây trở ngại cho việc cấp visa 

Về thời sự Châu Âu, hàng ngàn người theo Công giáo đã đến Lisboa, thủ đô của Bồ Đào Nha nhân Ngày Thanh niên Thế giới (JMJ, từ 01-08/08/2023). Giáo hoàng Francis đã đến Lisboa vào sáng thứ Tư. Gần một triệu người trẻ theo Công giáo từ hơn 150 quốc gia trên thế giới cũng đã đến dự sự kiện tôn giáo này, nhưng con số có thể nhiều hơn nữa vì nhiều người từ Châu Phi không thể đến được vì bị từ chối cấp thị thực.

Phái đoàn của Cameroon chỉ có 14 người đến dự, (gồm 13 linh mục và một nữ tu) mặc dù đã nộp đơn thị thực cho 64 người. Linh mục Clément Mevo, thuộc phái đoàn Cameroon, có mặt tại Bồ Đào Nha, trả lời RFI Pháp ngữ, cho rằng Châu Âu vẫn giữ những thành kiến về những người trẻ đến từ Châu Phi. Theo vị cha sứ này, "có một nỗi ám ảnh, giống như là một nhà tù mà nhiều người bị giam trong đó khi nghĩ rằng tất cả những người từ Châu Phi muốn đến Châu Âu thì sẽ không muốn trở về nữa…". 

Ông nhấn mạnh : "Tôi tin rằng chúng tôi có quyền ở đây và chúng tôi phải có quyền ở đây, giống như những người khác. Không gian Schengen có lẽ phải tuân theo quy định mà họ khó có thể kiểm soát, nhưng đây là những định kiến, đôi khi, vượt qua cả logic thông thường. Khi ai đó đến từ Châu Phi, các điều kiện để được cấp thị thực là : nếu không có hồ sơ nghiêm túc để đến Châu Âu thì không có lý do gì để đến đây và đôi khi là bị sỉ nhục…".

Xung đột tôn giáo tại Ấn Độ 

Nhìn sang Châu Á, từ vài ngày qua tại Ấn Độ, các cuộc đụng độ tôn giáo đầy bạo lực đã nổ ra giữa những người theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo) và đạo Hồi, ở bang Haryana, gần thủ đô New Delhi. Vụ việc bắt đầu sau khi một đoàn rước xe thánh, theo nghi lễ của đạo Hindu, bị tấn công bởi những người theo đạo Hồi.

Ngay sau vụ việc, những người theo đạo Hindu đã đáp trả, tấn công vào nhà thờ và khu phố của đạo Hồi, khiến nhiều người phải đi lánh nạn. Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis tường trình :

"Các cuộc đụng độ đã nổ ra ngay khi đoàn rước bắt đầu, được tổ chức vào thứ Hai bởi hai tổ chức thuộc đạo Hindu. Các nhóm Hồi giáo tấn công vào đoàn rước này, để bày tỏ phản đối một video gây "khiêu khích" cũng như về sự hiện diện của một người đàn ông, được thông báo sẽ tham gia vào đoàn rước này. Người này vốn đã bị cáo buộc đã giết hại hai người Hồi giáo trong khu vực này. 

Những người Hindu đã đáp trả bằng cách tấn công vào khu phố Hồi giáo : một nhà thờ Hồi giáo đã bị đốt cháy, một trong người theo đạo Hồi đã bị ám sát. Hàng chục cơ sở kinh doanh của người Hồi giáo đã bị phóng hỏa, những cư dân bị những người có vũ khí đe dọa, điều này đã khiến nhiều gia đình nghèo phải rời khỏi khu phố này. 

Theo nhà văn, chuyên gia về chủ nghĩa dân tộc Hindu, Nilanjan Mukhopadhyay, chính quyền địa phương của khu vực Haryana, do những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu thuộc đảng Nhân Dân Ấn Độ (BJP) lãnh đạo, phải chịu trách nhiệm một phần về cảnh bạo lực này.

Ông nói : "Các cảnh sát đã tự nói với nhau rằng đáng lẽ ra không nên cho phép tổ chức đám rước của đạo Hindu. Bởi vì tại quận Nuh, thường xảy ra các căng thẳng tôn giáo nghiêm trọng. Do đó, việc cho phép tổ chức một đám rước như vậy là cố ý. Đảng BJP đã mất dần lòng dân tại một số vùng và đây là cách mà họ muốn thu hút cử tri". 

Hàng trăm lực lượng thuộc tổ chức bán quân sự được triển khai để tiếp viện trong khu vực này, nằm gần với khu phố tài chính ở New Delhi. Một số công ty đa quốc gia hoạt động tại đây đã khuyến nghị các nhân viên làm việc từ nhà". 

Tranh cãi tại Nhật về phim Barbie và Oppenheimer

Về văn hóa, Barbie và Oppenheimer, hai bộ phim Hollywood ra mắt vào mùa hè này, là tâm điểm chú ý của nhiều người quan tâm đến nền nghệ thuật thứ bảy.

Tại Nhật Bản hai bộ phim này đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, đặc biệt là liên quan đến phim Oppenheimer. Bộ phim nói về cha đẻ của bom nguyên tử mà trong đó Nhật Bản là nạn nhân của vụ tấn công bằng loại bom có sức huỷ diệt lớn. Thông tín viên Frédéric Charles từ Tokyo, cho biết thêm : 

"Vào ngày 07 và 9/08, Nhật Bản tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 78 về vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Trên mạng xã hội, người dùng mạng loan truyền hashtag #NoBarbenheimer, nhắm đến bộ phim về cha đẻ của bom nguyên tử. Các hình ảnh chế hài hước - "même", đã nhanh chóng xuất hiện, loan truyền trên mạng. Các ảnh chế chỉ ra những anh hùng trong phim Barbie đứng trước cây nấm nguyên tử, mà trong đó, Barbie Oppenheimer ở trong cảnh tận thế. 

Các cuộc tranh cãi trở nên sôi nổi trên mạng xã hội X (tiền thân Twitter) sau khi tài khoản của phim Barbie dường như cổ vũ hiện tượng Barbienheimer vì đã trả lời vào một trong những hình ảnh chế đó : "Đây sẽ là một mùa hè tuyệt vời ! " Hơn 30 triệu người Nhật đã đọc dòng Tweet này. Công ty con của Warner Bros tại Nhật đã chỉ trích các ông chủ của Warner tại Hollywood, nhà sản xuất phim Barbie : "Làm sao mà các ông dám (cười vào một hình chế không thể chấp nhận được như vậy)" ?

Bộ phim Barbie sẽ sớm ra mắt công chúng Nhật Bản vào ngày 11/08. Liệu phim Oppenheimer có được chiếu tại Nhật Bản hay không ? Câu trả lời là gì không quan trọng. Người Nhật, thông thường, không quan tâm đến các bộ phim do Hollywood sản xuất". 

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 165 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)