Tổng thống Putin gián tiếp xác nhận Prigozhin "tử nạn"
Thu Hằng, RFI, 25/08/2023
Chưa đầy 24 tiếng sau thông báo chính thức ông chủ tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin nằm trong số nạn nhân vụ nổ máy bay ở vùng Tver, cách Moskva khoảng 200 km, ngày 24/08/2023, tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và nhắc tới Prigozhin, một người có số phận "phức tạp", "có tài" nhưng đã phạm phải "những sai lầm". Sau vụ nổi loạn cuối tháng 06/2023, nguyên thủ Nga đã coi Prigozhin là kẻ "phản bội".
(Ảnh minh họa) Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu sau vụ nổi loạn của Wagner ngày 23/06/2023. AP - Pavel Bednyakov
Ông Putin vẫn giữ thói quen xuất hiện trên truyền hình mà không báo trước. Tất cả các kênh, kể cả kênh Perviy (kênh 1) được xem nhiều nhất tại Nga đều tạm ngưng chương trình thường lệ để tường thuật cuộc họp của chủ nhân điện Kremlin.
Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tại Moskva tường trình :
Tổng thống Nga đã tưởng nhớ đến những người trên máy bay bị nạn nhưng chia thành hai bước. Trước tiên, ông gửi lời chia buồn đến gia đình và người thân các nạn nhân. Còn đối với những thành viên của Wagner có mặt trên máy bay, phát biểu của ông vẫn theo đúng chủ trương từ sau vụ binh biến bất thành vào tháng 06 vừa qua. Theo ông Putin, đó là những người đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp chung của chúng ta trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tân phát xít ở Ukraine. Chúng ta sẽ không quên điều đó.
Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo quá cố của Wagner, người mà tổng thống Nga không nêu đích danh khi phát biểu vào sáng hôm xảy ra vụ binh biến nhưng ông coi là kẻ phản bội, lần này đã được nhắc đến. Ông Putin nói : Tôi biết Prigozhin từ lâu, từ đầu những năm 1990, đó là một người có số phận phức tạp.
Tuy nhiên, những phát biểu tiếp theo lại cứng rắn hơn. Nguyên thủ Nga nhấn mạnh : Prigozhin đã phạm nhiều lỗi nghiêm trọng trong đời. Ông ấy đã đạt được nhiều thành quả mà bản thân ông ấy cần, cũng như cho sự nghiệp chung, như trong những tháng gần đây.
Tổng thống Nga không nhắc đến huân chương Anh hùng nước Nga, phần thưởng cao quý nhất của quân đội dù ông đánh giá Prigozhin có tài với tư cách là doanh nhân, đặc biệt là trong công việc ở Châu Phi. Ông Vladimir Putin cũng hứa cuộc điều tra vụ rơi máy bay sẽ được tiến hành đến cùng.
Lực lượng tình nguyện Nga ủng hộ Kiev kêu gọi lính Wagner báo thù
Tuy nhiên, theo AFP, chính quyền vẫn chưa thông báo chính thức Yevgeny Prigozhin qua đời, cũng như danh tính của người người tử nạn. Rất nhiều người Saint-Peterburg, thành phố quê hương của ông Prigozhin và là nơi đóng trụ sở của Wagner, đã đặt hoa tưởng nhớ ông chủ tập đoàn bán quân sự ngay từ hôm 23/08. Đây là dấu hiệu cho thấy uy tín của nhân vật được đánh giá là thẳng thắn, dám chỉ trích tầng lớp tinh hoa và giới lãnh đạo quân sự Nga.
Đối với Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo Cộng hòa Chechenya, "Prigozhin qua đời là một tổn thất lớn cho cả nước", dù vẫn chỉ trích rằng ông chủ của Wagner đã không từ bỏ "những tham vọng cá nhân cho những vấn đề có tầm quan trọng sống còn đối với quốc gia".
Về phía Lực lượng Tình nguyện Nga - RVC - ủng hộ chính quyền Kiev chống cuộc xâm lược Nga, trong đoạn video đăng ngày 24/08 và được Reuters trích dẫn, chỉ huy Denis Kapustin đã kêu gọi lính Wagner đổi phe, "cần đứng về phía Ukraine để báo thù" cho Yevgeny Prigozhin và Dmitry Utkin, thay vì "chỉ đóng vài trò quan sát những kẻ hành quyết chỉ huy của mình" nếu "gia nhập hàng ngũ của Bộ Quốc phòng Nga".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 25/08/2023
***************************
Prigozhin "tử nạn" : Phô trương sức mạnh hay thừa nhận điểm yếu của Putin ?
Minh Anh, RFI, 25/08/2023
Yevgeny Prigozhin, chủ nhân tập đoàn bán quân sự Wagner được truyền thông trong nước loan báo là đã bị thiệt mạng sau vụ rơi máy bay hôm thứ Tư 23/08/2023. Nếu như nguyên nhân tai nạn vẫn còn mù mờ, thì nhiều nhà quan sát cho rằng khó thể bỏ qua khả năng đây là một vụ ám sát được chỉ đạo từ điện Kremlin nhằm trừng phạt kẻ chủ mưu vụ nổi loạn hồi tháng 6/2023.
Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Nga Wagner. AP
Theo truyền thông Nga, máy bay riêng của lãnh đạo Wagner đã bị rơi tại vùng Tver, chỉ cách Moskva hơn 100 km về phía tây bắc. Tổng cộng 10 hành khách đã bị thiệt mạng, trong số này, ngoài Yevgeny Prigozhin và Dimitri Utkin, nhân vật số hai của Wagner còn có nhiều thành viên khác của tập đoàn.
Các kịch bản của vụ rơi máy bay
Tổng thống Nga Vladimir Putin sau gần 24 giờ im lặng, cuối cùng đã lên tiếng vào cuối chiều thứ Năm 24/8. Không giống như lần phát biểu sau ngày nổi loạn, lần này, tổng thống Nga nhắc đến tên Prigozhin để bày tỏ sự tưởng nhớ : "Tôi đã biết Prigozhin từ lâu, kể từ đầu những năm 1990. Ông ấy là một người có số phận phức tạp". Một lời thừa nhận chính thức về cái chết của Prigozhin.
Một hồi kết bi thảm nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên, một nhận định chung của hầu hết giới chuyên gia. Bởi vì, kể từ sau cuộc tiến quân về Moskva bị thất bại ngày 23/06/2023, đối với nhiều người, Yevgeny Prigozhin xem như là đã mang án treo. Cyrille Bret, nhà địa chính trị học, giảng viên trường Sciences Po ở Paris nhận định khó có thể tin rằng đây chỉ là một tai nạn đơn giản và thuần túy. Trả lời đài RFI, nhà địa chính trị đưa ra bốn kịch bản :
"Một tai nạn đơn giản và thuần túy làm thiệt mạng Yevgeny Prigozhin. Một hành động bí mật từ phía các kẻ thù của Prigozhin, nghĩa là có một hành động phá hoại hay tấn công từ phía một nhóm lực lượng vũ trang. Một hoạt động bí mật do điện Kremlin chỉ đạo nhằm loại bỏ người mà cách nay hai tháng đã dám thách thứ lãnh đạo đất nước. Kịch bản cuối cùng, cũng không thể loại trừ, vì điều này đã từng xảy ra, thực chất đây là một vụ mất tích giả. Không có giấy khai tử cũng không có khám nghiệm tử thi của ông Prigozhin, ông ấy có thể đã quyết định biến mất khỏi màn hình mà không cần đến cái chết".
Về điểm này, bà Jenny Mathers, chuyên gia về các cơ quan tình báo Nga, trường đại học Aberystwyth, xứ Wales, trả lời France 24 còn đưa ra một kịch bản khác mà theo bà là khả dĩ nhất : Một kế hoạch do GRU – Cơ quan tình báo Nga – dàn dựng. Stephen Hall, nhà chính trị học chuyên gia về Nga, trường đại học Bath, Anh Quốc, cho biết thêm :
"Vào ngày định mệnh đó, Yevgeny Prigozhin dường như phải thực hiện một chuyến bay đi về từ Mali vì ông ấy nghe nói rằng GRU tìm cách gạt các binh sĩ của Wagner để đặt người của mình. Đây là một cách để GRU buộc người chỉ huy của Wagner phải cấp tốc di chuyển, cho phép quân đội Nga biết chính xác Yevgeny Prigozhin đi trên chuyến bay nào".
Prigozhin bị ám sát, bàn tay của GRU ?
Nếu như không có điều gì chỉ rõ ra rằng có bàn tay của điện Kremlin trong vụ rơi máy bay, một số nhà phân tích ghi nhận có những điểm trùng hợp. Chiếc máy bay chở cùng lúc Yevgeny Prigozhin và Dimitri Utkin. Ông Stephen Hall, nhà chính trị học chuyên gia về Nga, trường đại học Bath, Anh Quốc, trả lời France 24 nhấn mạnh đây là điều rất hiếm. "Cả hai người này hầu như chưa bao giờ đi cùng nhau chính xác là để tránh một kiểu kịch bản như thế xảy ra".
Cùng ngày, Moskva thông báo tước mọi chức vụ tướng Sergey Surovikin khỏi vị trí chỉ huy lực lượng không gian vũ trụ. Vị tướng được nhiều người kính trọng và nể sợ không còn xuất hiện trước công chúng từ sau cuộc nổi loạn ngày 23/6. Ông bị nghi ngờ là có thiện cảm ở Prigozhin. Theo quan điểm Jenny Mathers chuyên gia về Nga, trường đại học Aberystwyth, xứ Wales, "điều đó tạo ấn tượng rằng điện Kremlin đã dứt khoát sang trang cuộc binh biến".
Cuối cùng, và đây cũng là điểm đáng chú ý nhất, thời điểm xảy ra tai nạn mang tính biểu tượng cao : Đúng hai tháng sau ngày xảy ra cuộc nổi loạn. Tướng Jerome Pellistrandi, tổng biên tập tạp chí quốc phòng, trên làn sóng RFI Pháp ngữ giải thích rằng Vladimir Putin lợi dụng hai tháng này để giải quyết một số vấn đề.
"Trước tiên là phải tước vũ khí trong mọi trường hợp một phần lực lượng Wagner, cưỡng ép chuyển họ sang Belarus và sáp nhập lực lượng này vào quân đội Nga. Ngoài ra còn có cả toàn bộ khía cạnh các công ty bình phong do Prigozhin điều hành. Điều nghịch lý là một số công ty này đã nhận được nhiều hợp đồng mới từ điện Kremlin cũng như cùng lúc còn có các cuộc điều tra hành chính. Tất cả những điều này là nhằm làm cho Prigozhin lơ là mất cảnh giác để rồi đánh ông ấy một cách tàn bạo như chuyện đã xảy ra".
Bắn hạ Prigozhin, lời thừa nhận điểm yếu ?
Còn theo bà Jenny Mathers, trong giả thuyết đây là chiến dịch do GRU vạch ra, đây cũng là hai tháng để "các cơ quan tình báo của Nga đánh giá các chi tiết và bảo đảm rằng họ làm chủ tất cả các hậu quả có thể". Jeff Hawn, chuyên gia về an ninh Nga, cộng tác viên cho New Line Institute, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ về địa chính trị, nhận định rằng điện Kremlin chậm trễ hành động còn vì Vladimir Putin chưa chắc chắn quyết định số phận Yevgeny Prigozhin sẽ ra sao.
Trả lời France 24, ông giải thích : "Đừng quên rằng tổng thống Nga trước tiên đã bảo đảm với Prigozhin là sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu ông ta chọn đến tị nạn ở Belarus và ông Putin được xem là người biết giữ lời hứa". Thế nhưng, sau đó, Prigozhin huyênh hoang tiếp tục xuất hiện tại Châu Phi hay như ở Nga nhân kỳ thượng đỉnh Nga – Châu Phi ở Saint Petersburg.
Thái độ ứng xử của Prigozhin mà nhà địa chính trị học Cyrill Bret, khi trả lời RFI, đánh giá là khó có thể chấp nhận đối với những người bị ông ta thách thức, bất kể đó là các tham mưu trưởng quân đội, như ông Gerasimov và bộ trưởng quốc phòng Shoigu. Theo chuyên gia Bret, đối với Putin, việc Prigozhin biến mất, trong ngắn hạn, cho phép đơn giản hóa việc sắp xếp nhân sự, "nhưng về lâu dài, vụ việc này có thể tước đi một đòn bẩy hành động của ông Putin ở Ukraine và nhất là tại Nga, để đối trọng với các phe phái khác xung quanh ông và rộng hơn nữa là ở Châu Phi, vì Wagner đã gần như trở thành một chiếc tủ kính chính thức cho hoạt động của Nga tại Châu Phi".
Việc xử lý "vấn đề Prigozhin" dường như cấp bách hơn bao giờ hết vào lúc tình hình quân sự ở Ukraine không có cải thiện cho Nga. Nhưng đây có lẽ cũng là cách để ông Putin khẳng định uy quyền và cho thấy rõ không một kiểu "thách thức quyền lực" nào, kể từ giờ, sẽ được dung thứ. Việc trừ khử Prigozhin bằng cách bắn hạ máy bay là một giải pháp triệt để và không mấy kín đáo, nhưng đó còn là một thông điệp rõ ràng mà ông Putin muốn dành cho giới tinh hoa của Nga rằng cái giá phải trả cho sự phản bội là rất đắt.
Dù vậy, theo quan điểm của Jeff Hawn, đây còn là một lời thừa nhận điểm yếu từ điện Kremlin. "Vladimir Putin đã tạo dựng cho mình hình ảnh một chính trị gia mang lại trật tự cho nước Nga. Thế nhưng, chí ít người ta có thể nói là tình hình nội bộ đã trở nên rất hỗn loạn và chính quyền không thể xử lý các vấn đề một cách kín đáo nữa".
(Nguồn RFI, France 24)
Minh Anh
Nguồn : RFI, 25/08/2023
****************************
Lãnh đạo Wagner "chết" trong tai nạn máy bay : Điện Kremlin chưa xác nhận
Trọng Thành, RFI, 24/08/2023
Các hãng thông tấn lớn của Nga hôm 23/08/2023, loan tin ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo công ty lính đánh thuê Wagner, có mặt trong một chuyến bay tư nhân bị rớt tại tỉnh Tver, tây bắc Moskva. Theo bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga, toàn bộ 10 người gồm hành khách và tổ lái của chuyến bay đều tử nạn. Cho đến nay, điện Kremlin chưa đưa ra thông báo nào về "cái chết" của thủ lĩnh "vụ binh biến" bất thành cách đây tròn hai tháng.
Ảnh chân dung tưởng niệm Yevgeny Prigozhin và nhân vật số 2 của Wagner, tư lệnh Dmitry Utkin, được đặt trước một cơ sở của Wagner tại Novosibirsk, Nga, ngày 24/08/2023. Reuters - Stringer
Theo Cơ quan Vận tải Hàng không Nga Rosaviatsiya, ông chủ Wagner có mặt trên chiếc máy bay Embraer-135 gặp nạn khi trên đường di chuyển từ Moskva đến Saint Petersburg. Ủy ban Điều tra Nga cho biết một nhóm điều tra đã được cử đến hiện trường gần làng Kujenkino, tỉnh Tver, cách thủ đô nước Nga khoảng 200 km "để xác định nguyên nhân tai nạn". Hãng tin Nga TASS cho biết bảy thi thể đã được tìm thấy, trong lúc người phụ trách nhóm cứu nạn cho hãng tin Nga RIA Novosti biết đã xác định được tám thi thể.
Trong hiện tại, theo hãng tin Pháp AFP, có nhiều đoạn video, mà AFP "không thể xác nhận được tính xác thực", đang được lưu truyền trên một số kênh Telegram (khẳng định có liên hệ với Wagner), cho thấy một thiết bị bay từ trên trời rớt xuống, nhiều mảnh vỡ máy bay đang cháy trên một cánh đồng.
Về phản ứng trên các mạng xã hội Nga, thông tín viên Anissa el-Jabri từ Moskva cho biết thêm :
Tuyên bố đầu tiên của giới chức Nga đến từ tỉnh trưởng do Nga bổ nhiệm ở vùng Zaporijja, miền nam Ukraine : "Yevgeny Prigozhin và Dmitry Utkin đã ở trên Thiên đường". Thông báo được viết trên kênh Telegram chính thức của viên tỉnh trưởng Vladimir Rogov.
Về phần mình, một trong những kênh Telegram rất thân cận với công ty Wagner đã đăng tải thông điệp : "Thủ lĩnh của nhóm Wagner, "Anh hùng của nước Nga", "một người yêu nước thực sự", Yevgeny Viktorovich Prigozhin đã chết vì hành động của những kẻ phản bội nước Nga. Nhưng ngay cả ở Địa ngục, ông ấy vẫn sẽ là người giỏi nhất !" (hết lời trích).
Một số tiếng nói thân cận với điện Kremlin cũng bày tỏ quan điểm khá nhanh chóng trên mạng Telegram, và đồng thanh coi Ukraine là bên phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn máy bay.
Một số người khác thì đặc biệt coi đây là một tín hiệu rõ ràng gửi đến những ai có ảo tưởng rằng tổng thống Nga Vladimir Putin là người dễ bị tổn thương, ít tháng trước cuộc bầu cử tổng thống ở Nga.
Về cái chết của Yevgeny Prigozhin theo truyền thông Nga, giới quan sát tại Pháp nêu ra một số kịch bản : một tai nạn bình thường, hành động trả đũa nhắm vào ông chủ Wagner của các đối thủ trong Quân đội Nga hay một vụ ám sát do chính điện Kremlin chỉ đạo nhằm loại bỏ kẻ đã dám thách thức tổng thống Nga. Một giả thiết thứ tư cũng được chú ý : đương sự chủ trương biến mất không để lại dấu vết, như điều đã từng xảy ra trong quá khứ với Yevgeny Prigozhin.
Trọng Thành
************************
Yevgeny Prigozhin, ông chủ ma quái của Wagner, người kiến tạo ảnh hưởng của Nga tại Châu Phi
Đức Tâm, RFI, 24/08/2023
Yevgeny Prigozhin được cho là đã chết ngày 23/08/2023 trong một tai nạn máy bay tại Nga. Khi thông báo tin này, cơ quan quản lý hàng không Nga đã khẳng định, người sáng lập ra tổ chức bán quân sự Wagner và 9 người khác ở trên chiếc máy bay bị rơi. Theo cơ quan cứu hộ, không có ai sống sót. Yevgeny Prigozhinn được biết đến vì là ông chủ công ty lính đánh thuê : tập đoàn Wagner. Một tổ chức cắm rễ tại nhiều nước Châu Phi như Trung Phi, Mali hay Libya.
Ảnh tư liệu : Yevgeny Prigozhin gắp thức ăn cho Vladimir Putin tại nhà hàng của Prigozhin, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 11/11/2011. AP
Cái chết của Yevgeny Prigozhin (chưa được kiểm chứng một cách độc lập, cho đến trưa ngày 24/08) trong vụ máy bay rơi , xẩy ra vào một thời điểm không ngẫu nhiên. Cách nay hai tháng, nhân vật có đầu cạo trọc, vẻ mặt đáng ghét, ăn nói cục cằn, đã tiến hành một cuộc nổi loạn ngắn ngủi chống lại nhà chức trách Nga, sau những thất bại nghiêm trọng trên mặt trận Ukraine.
Đó chính là vì tại Ukraine, chỉ trong có vài tháng, Yevgeny Prigozhin đã tạo dựng và tự khẳng định như là một gương mặt của chiến tranh. Prigozhin làm được việc này nhờ vào đội ngũ lính đánh thuê phần lớn được tuyển dụng trong các nhà tù Nga, đánh đổi lấy lệnh ân xá. Với ánh hào quang sau chiến thắng ở Bakhmut hồi tháng 05/2023, Prigozhin không còn biết "nể", "sợ", đến mức dám chỉ trích bộ tổng tham mưu quân đội Nga. Chắc chắn, ông ta nghĩ rằng mình thuộc diện "bất khả xâm hại".
Từ nhà tù đến thượng tầng quyền lực
Trước khi đến mặt trận Ukraine, nơi đã mở ra cho ông ta những chân trời mới, Prigozhin đã phải ngồi tù trong 9 năm vì tội trộm cắp, gian lận, dính líu đến mạng lưới mại dâm trẻ vị thành niên. Ra tù năm 1990, Progozhin mở nhà hàng ăn nhanh.
Sau một thời gian, Prigozhin mở một nhà hàng cao cấp ở Saint Petersburg và làm quen Vladimir Putin, lúc đó làm ở tòa thị chính. Khi Putin trở thành tổng thống, Prigozhin được giao phụ trách "bếp ăn" của điện Kremlin và được mệnh danh là "đầu bếp điện Kremlin". Dần dần, Prigozhin mở rộng đế chế của mình, với những hợp đồng béo bở của Nhà nước.
Đồng thời, Prigozhin cũng từng bước đa dạng hóa các hoạt động, từ lĩnh vực ăn uống, nhà hàng chuyển sang chiến tranh thông tin, tài trợ các phương tiện truyền thông, và các xưởng chế tạo "tin giả, thông điệp gây tranh cãi – troll" trên mạng xã hội, để phục vụ tổng thống Putin trên trường quốc tế và chống lại phe đối lập ở trong nước. Một trong những công ty của Prigozhin đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Thế rồi Wagner được thành lập năm 2014, một kiểu tập đoàn quân sự tư nhân mới, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như an ninh, khai thác mở, hoạt động thương mại, tuyên truyền và tư vấn chiến lược chính trị.
Trong vòng nhiều năm, Prigozhin không thừa nhận là người đứng đầu công ty vì cho đến gần đây, nhân vật này luôn luôn chủ trương kín đáo và bí mật. Thế nhưng, trong những tháng vừa qua, Prigozhin đã công khai bày tỏ lập trường tại Ukraine và khánh thành một tòa nhà mới ở Saint Petersburg.
Ảnh hưởng của Nga tại Châu Phi
Châu Phi là nơi Prigozhin giành được những thắng lợi chính trị to lớn, đánh dấu sự hồi sinh ảnh hưởng của Nga tại Châu Phi. Lúc đó, Prigozhin tuyên bố là sẽ làm cho "nước Nga còn vĩ đại hơn và Châu Phi còn tự do hơn". Và cũng tại "Châu Phi" mà ông chủ Wagner đã xuất hiện lần cuối, cách nay vài ngày.
Lịch sử tập đoàn bán quân sự gắn bó mật thiết với tính cách Prigozhin, với lòng trung thành mà ông ta hun thổi và đặc biệt là mạng lưới tài chính rộng lớn nhờ "cắm rễ" sâu tại Châu Phi. Prigozhin đã bí mật triển khai lính Wagner ở Syria, Libya, Sudan, Trung Phi và Mali. Đó là những nước mà binh lính của Prigozhin nắm vững tình hình thực địa và biết cách tạo dựng cho mình một vai trò thiết yếu đối với các chính thể chuyên quyền, như một dạng bảo hiểm nhân thọ và đối với điện Kremlin, như một công cụ ít tốn kém nhất để mở rộng ảnh hưởng của Nga tại Châu Phi.
Việc nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng của Nga tại Châu Phi là một trong những thắng lợi to lớn của Prigozhin. Đến mức mà hiện nay, cờ của Wagner là biểu tượng của sự phản đối trong vùng Châu Phi nói tiếng Pháp. Wagner đã biết kiếm lợi từ những sai lầm của ngành ngoại giao Pháp, sự chối bỏ chính sách đối ngoại của Pháp và nói rộng ra, đó là sự bất bình xã hội tại các thuộc địa cũ. Theo lệnh của "đầu bếp điện Kremlin", binh lính Wagner chỉ việc "thổi vào những đống than hồng", khuyến khích một vài nhân vật gây ảnh hưởng để thừa cơ gặt hái kết quả, qua đó, giúp cho Nga có được những thắng lợi địa chính trị mà ít tốn kém nhất.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh, các hoạt động của Prigozhin chỉ mang lại kết quả xoàng xĩnh. Như tại Libya, binh lính Wagner chiến đấu cho tướng Hafter. Tại Sudan, lính Wagner ủng hộ tướng Hemedti. Hay tại Mozambique, hoạt động của Wagner chỉ kéo dài có vài tuần và hứng chịu nhiều tổn thất. Cuối cùng, chỉ có tại Trung Phi, Prigozhin có thể khoe khoang là đã đẩy lùi được quân nổi dậy đe dọa thủ đô và đã chiếm lại được nhiều khu đô thị lớn. Cũng như tại Mali, nơi là số nạn nhân là thường dân tăng lên trong khi người ta không cảm nhận được là thấy quân thánh chiến thực sự bị đẩy lùi.
(theo RFI)
Đức Tâm
Liệu Wagner tìm lại được vai trò khi can thiệp vào Niger sau vụ đảo chính ?
Chi Phương, RFI, 05/08/2023
Wagner có thể can thiệp vào Niger để tìm lại vị trí của mình ? Căng thẳng giữa Ba Lan và Ukraine về vấn đề ngũ cốc. Những thanh niên công giáo Châu Phi bị phân biệt đối xử, khó xin thị thực đến Châu Âu. Xung đột giữa Hindu giáo và Hồi giáo tại Ấn Độ. Tranh cãi xoay quanh phim Hollywood Barbie và Opennheimer tại Nhật Bản. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Ba lính đánh thuê (phải) của nhóm Wagner tại bắc Mali. Ảnh do một quân nhân Pháp cung cấp cho AP không ghi thời điểm chụp. AP
Sau cuộc đảo chính ở Niger, Liên Hiệp Châu Phi, Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu cùng một số các cường quốc khác đã lên án hành động của quân đội lật đổ tổng thống dân sự Mohameh Bazoum. Đây là cuộc đảo chính thứ năm tại Niger từ khi nước này giành độc lập vào năm 1960. Các quốc gia trong khu vực như Mali, Guinea và Burkina Faso, cũng do quân đội lãnh đạo, đã lên tiếng ủng hộ chính quyền đảo chính ở Niger.
Điều đáng chú ý là có nhiều người cầm cờ Nga, ủng hộ tổng thống Vladimir Putin tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ quân đội đảo chính tại Niamey. Hiện chưa có bằng chứng nào nói về can thiệp của Nga hay tập đoàn bán quân sự Wagner đằng sau cuộc đảo chính tại Niger, nhưng vào tuần trước, lãnh Wagner Yevgeny Prigozhin đã công khai ủng hộ cuộc đảo chính của quân đội Niger. Trước đó, vào cuối tháng Bảy, lãnh đạo Wagner đã thông báo là lực lượng lính đánh thuê của mình sẽ không chiến đấu ở Ukraine mà đến Châu Phi. Hiện lính Wagner đã hiện diện tại Châu lục này, ở Mali, Libya hay Cộng hòa Trung Phi.
Trả lời Reuters, chuyên gia về an ninh, cựu quan chức thuộc Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Analiese Bernard cho rằng "cuộc đảo chính này có thể trao cho Wagner một cơ hội khác để can thiệp vào Niger, được trả tiền nhờ vào các dịch vụ lính đánh thuê và khiến nhóm này tìm lại vị trí của mình. Sau những gì xảy ra vào cuối tháng Sáu ở Nga, rõ ràng là có một dấu hỏi lớn về tính thích đáng của Wagner. Ai là người thực sự kiểm soát Wagner và vai trò của tập đoàn bán quân sự này là gì, ảnh hưởng đến chính trị toàn cầu như thế nào ? Hoạt động của Wagner đã bị gián đoạn. Tôi cho rằng nếu họ can thiệp vào Niger, thì vai trò của họ sẽ trở nên rõ ràng hơn".
Theo chuyên gia này, nếu tập đoàn Wagner bắt đầu can thiệp vào Niger, thì có thể Wagner sẽ vi phạm các quyền con người, giống như những gì mà tập đoàn này đã làm ở Mali. Điều này còn có thể cho phép nhóm lính thánh chiến Hồi giáo cực đoan mở rộng thêm địa bàn hoạt động ở Niger.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Lova Rinel, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược (FRS), được TF1 trích dẫn, tại Niger, nhóm Wagner được cho là ủng hộ phe đối lập của tổng thống Mohamed Bazoum (đã bị lật đổ). Thêm vào đó, Wagner thường xuyên loan tải các thông điệp chống Pháp trên mạng. Nhưng thực ra, phong trào bài Pháp tại Niger liên quan đến nhiều yếu tố khác, trong chính sách nội bộ của nước này. Sự bất bình với vai trò của Pháp tại Niger đã tồn tại và Wagner đơn giản là chỉ tận dụng để đối phó với phe đối lập.
Ba Lan và Ukraine căng thẳng vì ngũ cốc
Về chiến tranh Ukraine, trong lúc các cảng của Ukraine, đặc biệt là cảng Danube, đang bị các drone của Nga tấn công, làm hư hại hàng ngàn tấn ngũ cốc, theo thông báo từ chính quyền Kiev, thì mối quan hệ giữa Ukraine và láng giềng Ba Lan trở nên căng thẳng cũng vì vấn đề ngũ cốc.
Vào tuần trước, Ba Lan và một số nước Đông Âu đã bày tỏ mong muốn gia hạn việc "ngăn chặn nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine", để bảo vệ thị trường ngũ cốc và nông dân của mình. Điều này đã làm phật lòng Kiev. Trong tuần này, cuộc khủng hoảng ngũ cốc Ukraine tiếp tục có thêm chương mới, khi một quan chức cấp cao Ba Lan đưa ra phát biểu khiến Kiev phẫn nộ. Thông tín viên Martin Chabal từ Warszawa tường trình :
"Ukraine sẽ sớm phải nói lời cảm ơn đối với Ba Lan vì những hỗ trợ của nước này cho Kiev kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga". Đó là nhận định của chánh văn phòng tổng thống Ba Lan, Marcin Przydacz, phụ trách về chính sách quốc tế. Ông Marcin Przydacz cũng nói thêm rằng hiện nay, điều quan trọng nhất là bảo vệ lợi ích của các nông dân Ba Lan.
Những nhận xét này đã khiến chánh văn phòng tổng thống Ukraine phẫn nộ, cho rằng những phát biểu mang tính cơ hội và cáo buộc Ba Lan hùa theo Nga.
Kiev muốn cho Warszawa thấy là những người tị nạn Ukraine không ngừng bày tỏ lòng biết ơn đối với Ba Lan vì đã dang tay tiếp đón họ. Tuy nhiên, khi Ba Lan muốn gia hạn việc đóng cửa biên giới đối với ngũ cốc Ukraine, thì Ukraine cảm thấy bị phản bội. Một quan chức cấp cao Ukraine cho rằng điều này giống như là Ba Lan đã yêu cầu Ukraine phải trả giá vì nước này đã cứu giúp người tị nạn Ukraine. Bộ ngoại giao Ukraine coi những phát biểu trên là không thể chấp nhận được và đã triệu đại sứ Ba Lan tại Ukraine lên hôm 01/08.
Rốt cuộc, về phía Ba Lan, mọi người vẫn tiếp tục ủng hộ việc đặt lợi ích của Ba Lan được đặt lên trên bất cứ lợi ích của nước nào khác, ngay cả khi đó là một đồng minh thân cận".
Định kiến về "người Châu Phi đến Châu Âu là sẽ ở lại" gây trở ngại cho việc cấp visa
Về thời sự Châu Âu, hàng ngàn người theo Công giáo đã đến Lisboa, thủ đô của Bồ Đào Nha nhân Ngày Thanh niên Thế giới (JMJ, từ 01-08/08/2023). Giáo hoàng Francis đã đến Lisboa vào sáng thứ Tư. Gần một triệu người trẻ theo Công giáo từ hơn 150 quốc gia trên thế giới cũng đã đến dự sự kiện tôn giáo này, nhưng con số có thể nhiều hơn nữa vì nhiều người từ Châu Phi không thể đến được vì bị từ chối cấp thị thực.
Phái đoàn của Cameroon chỉ có 14 người đến dự, (gồm 13 linh mục và một nữ tu) mặc dù đã nộp đơn thị thực cho 64 người. Linh mục Clément Mevo, thuộc phái đoàn Cameroon, có mặt tại Bồ Đào Nha, trả lời RFI Pháp ngữ, cho rằng Châu Âu vẫn giữ những thành kiến về những người trẻ đến từ Châu Phi. Theo vị cha sứ này, "có một nỗi ám ảnh, giống như là một nhà tù mà nhiều người bị giam trong đó khi nghĩ rằng tất cả những người từ Châu Phi muốn đến Châu Âu thì sẽ không muốn trở về nữa…".
Ông nhấn mạnh : "Tôi tin rằng chúng tôi có quyền ở đây và chúng tôi phải có quyền ở đây, giống như những người khác. Không gian Schengen có lẽ phải tuân theo quy định mà họ khó có thể kiểm soát, nhưng đây là những định kiến, đôi khi, vượt qua cả logic thông thường. Khi ai đó đến từ Châu Phi, các điều kiện để được cấp thị thực là : nếu không có hồ sơ nghiêm túc để đến Châu Âu thì không có lý do gì để đến đây và đôi khi là bị sỉ nhục…".
Xung đột tôn giáo tại Ấn Độ
Nhìn sang Châu Á, từ vài ngày qua tại Ấn Độ, các cuộc đụng độ tôn giáo đầy bạo lực đã nổ ra giữa những người theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo) và đạo Hồi, ở bang Haryana, gần thủ đô New Delhi. Vụ việc bắt đầu sau khi một đoàn rước xe thánh, theo nghi lễ của đạo Hindu, bị tấn công bởi những người theo đạo Hồi.
Ngay sau vụ việc, những người theo đạo Hindu đã đáp trả, tấn công vào nhà thờ và khu phố của đạo Hồi, khiến nhiều người phải đi lánh nạn. Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis tường trình :
"Các cuộc đụng độ đã nổ ra ngay khi đoàn rước bắt đầu, được tổ chức vào thứ Hai bởi hai tổ chức thuộc đạo Hindu. Các nhóm Hồi giáo tấn công vào đoàn rước này, để bày tỏ phản đối một video gây "khiêu khích" cũng như về sự hiện diện của một người đàn ông, được thông báo sẽ tham gia vào đoàn rước này. Người này vốn đã bị cáo buộc đã giết hại hai người Hồi giáo trong khu vực này.
Những người Hindu đã đáp trả bằng cách tấn công vào khu phố Hồi giáo : một nhà thờ Hồi giáo đã bị đốt cháy, một trong người theo đạo Hồi đã bị ám sát. Hàng chục cơ sở kinh doanh của người Hồi giáo đã bị phóng hỏa, những cư dân bị những người có vũ khí đe dọa, điều này đã khiến nhiều gia đình nghèo phải rời khỏi khu phố này.
Theo nhà văn, chuyên gia về chủ nghĩa dân tộc Hindu, Nilanjan Mukhopadhyay, chính quyền địa phương của khu vực Haryana, do những người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu thuộc đảng Nhân Dân Ấn Độ (BJP) lãnh đạo, phải chịu trách nhiệm một phần về cảnh bạo lực này.
Ông nói : "Các cảnh sát đã tự nói với nhau rằng đáng lẽ ra không nên cho phép tổ chức đám rước của đạo Hindu. Bởi vì tại quận Nuh, thường xảy ra các căng thẳng tôn giáo nghiêm trọng. Do đó, việc cho phép tổ chức một đám rước như vậy là cố ý. Đảng BJP đã mất dần lòng dân tại một số vùng và đây là cách mà họ muốn thu hút cử tri".
Hàng trăm lực lượng thuộc tổ chức bán quân sự được triển khai để tiếp viện trong khu vực này, nằm gần với khu phố tài chính ở New Delhi. Một số công ty đa quốc gia hoạt động tại đây đã khuyến nghị các nhân viên làm việc từ nhà".
Tranh cãi tại Nhật về phim Barbie và Oppenheimer
Về văn hóa, Barbie và Oppenheimer, hai bộ phim Hollywood ra mắt vào mùa hè này, là tâm điểm chú ý của nhiều người quan tâm đến nền nghệ thuật thứ bảy.
Tại Nhật Bản hai bộ phim này đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội, đặc biệt là liên quan đến phim Oppenheimer. Bộ phim nói về cha đẻ của bom nguyên tử mà trong đó Nhật Bản là nạn nhân của vụ tấn công bằng loại bom có sức huỷ diệt lớn. Thông tín viên Frédéric Charles từ Tokyo, cho biết thêm :
"Vào ngày 07 và 9/08, Nhật Bản tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 78 về vụ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Trên mạng xã hội, người dùng mạng loan truyền hashtag #NoBarbenheimer, nhắm đến bộ phim về cha đẻ của bom nguyên tử. Các hình ảnh chế hài hước - "même", đã nhanh chóng xuất hiện, loan truyền trên mạng. Các ảnh chế chỉ ra những anh hùng trong phim Barbie đứng trước cây nấm nguyên tử, mà trong đó, Barbie Oppenheimer ở trong cảnh tận thế.
Các cuộc tranh cãi trở nên sôi nổi trên mạng xã hội X (tiền thân Twitter) sau khi tài khoản của phim Barbie dường như cổ vũ hiện tượng Barbienheimer vì đã trả lời vào một trong những hình ảnh chế đó : "Đây sẽ là một mùa hè tuyệt vời ! " Hơn 30 triệu người Nhật đã đọc dòng Tweet này. Công ty con của Warner Bros tại Nhật đã chỉ trích các ông chủ của Warner tại Hollywood, nhà sản xuất phim Barbie : "Làm sao mà các ông dám (cười vào một hình chế không thể chấp nhận được như vậy)" ?
Bộ phim Barbie sẽ sớm ra mắt công chúng Nhật Bản vào ngày 11/08. Liệu phim Oppenheimer có được chiếu tại Nhật Bản hay không ? Câu trả lời là gì không quan trọng. Người Nhật, thông thường, không quan tâm đến các bộ phim do Hollywood sản xuất".
Chi Phương
Nhân vật nhiều khả năng kế nhiệm Prigozhin
Vào lúc tương lai của Yevgeny Prigozhin bất định kể từ cuộc nổi loạn bất thành của tập đoàn bán quân sự Wagner, tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo hôm 13/07/2023 đã đề xuất với các binh sĩ Wagner một nhà lãnh đạo mới : Andrei Troshev, cựu chiến binh và là một trong những người sáng lập nhóm lính đánh thuê này.
Putin cho biết đã đề nghị các chiến binh Wagner phục vụ dưới sự chỉ huy của một nhà lãnh đạo mới, Andrei Troshev (giữa), sau cuộc nổi loạn bất thành của Yevgeny Prigozhin.
Nhà vua băng hà, nhà vua muôn năm ? Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 14/07, chủ nhân điện Kremlin cho biết đã đề nghị các chiến binh Wagner phục vụ dưới sự chỉ huy của một nhà lãnh đạo mới sau cuộc nổi loạn bất thành của Yevgeny Prigozhin. Nhưng dường như nhân vật này đã từ chối đề nghị của ông Putin.
Trong cuộc phỏng vấn được đăng trên báo Kommersant của Nga, Vladimir Putin đã đưa ra chi tiết về một cuộc họp được tổ chức vào cuối tháng 6 tại điện Kremlin, với sự góp mặt của các chỉ huy nhóm bán quân sự.
Công khai sỉ nhục cựu đầu bếp của mình, tổng thống Nga nói rằng những người lính Wagner "lẽ ra có thể tập trung lại và tiếp tục phục vụ. Sẽ không có gì thay đổi đối với họ và họ sẽ được lãnh đạo bởi một người thực sự chỉ huy họ trong suốt thời gian qua".
"Nhiều người (chỉ huy của Wagner) đã gật đầu khi tôi nói điều đó. Nhưng sau khi nghe những điều tôi nói, Prigozhin, ngồi ở phía trước, đã nói : ‘Không, mọi người không đồng ý với giải pháp này’", Vladimir Putin kết luận.
Một cựu chiến binh ở Afghanistan và Chechnya
Theo báo chí Nga, người mà ông chủ điện Kremlin gọi là "chỉ huy thực sự" của Wagner có tên là Andrei Troshev, với bí danh "Sedoy", tức là "Tóc bạc".
Andrei Troshev tại tiệc chiêu đãi ở điện Kremlin, Moskva, Nga, ngày 09/12/2016. © Kremlin via Reuters
Troshev sinh vào tháng 04/1953 tại Leningrad, vị đại tá đã về hưu này được coi là một anh hùng ở Nga. Vì những cống hiến của mình trong cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô (1979-1989), Andrei Troshev, đã nhận được hai huân chương Sao Đỏ, huân chương quân sự từ thời Liên Xô cũ về những cống hiến đặc biệt.
Sĩ quan này cũng được tặng thưởng hai Huân chương Dũng cảm và một Huân chương Công huân Tổ quốc (người có công với tổ quốc) vì đã tham gia các chiến dịch quân sự ở Chechnya vào nửa cuối thập niên 1990.
Cuối cùng, Andrei Troshev được phong danh hiệu "Anh hùng nước Nga" vào năm 2016, danh hiệu cao qúy nhất của nước này, sau khi tham gia đánh chiếm Palmyra ở Syria khi đối đầu với các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Troshev lúc đó đã về hưu và làm việc cho nhóm Wagner.
"Tóc bạc" cũng là cựu thành viên của "Đơn vị lực lượng cảnh sát đặc nhiệm" (OMON), lực lượng đặc biệt của bộ Nội vụ Nga và "Lực lượng can thiệp nhanh" (SOBR), một đơn vị tinh nhuệ trực thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, thường được huy động chống tội phạm có tổ chức và khủng bố.
"Giám đốc điều hành" của Wagner
Bị Liên Hiệp Châu Âu (EU) trừng phạt vì vai trò của mình "trong các hoạt động quân sự của tập đoàn Wagner ở Syria", Andrei Troshev được EU mô tả là "giám đốc điều hành" của tập đoàn lính bán quân sự này.
Theo một tài liệu được soạn vào năm 2021, nêu chi tiết các biện pháp trừng phạt đối với một số nhân vật và thực thể của Nga, Troshev đặc biệt tham gia vào các chiến dịch tại khu vực Deir al-Zor. Nhân vật này có đóng góp quan trọng vào nỗ lực chiến tranh của tổng thống Syria Bashar al-Assad, và theo đó, hỗ trợ và được hưởng lợi từ chế độ Syria.
Chính quyền Anh cũng nhận định rằng cựu đại tá quân đội Nga là "giám đốc điều hành của nhóm Wagner. Như vậy, ông ta ủng hộ chế độ Syria và là thành viên của lực lượng dân quân đàn áp thường dân ở Syria".
Trong số các cộng sự thân cận của Troshev có Dmitry Utkin, cựu sĩ quan tình báo quân đội Nga (GRU), đồng thời là người đồng sáng lập tập đoàn Wagner, nổi tiếng là người say mê lịch sử của Đức Quốc Xã.
Một bức ảnh chụp ở tiệc chiêu đãi tại điện Kremlin vào năm 2016 cho thấy Vladimir Putin đứng cạnh Andrei Troshev và Dmitry Utkin, đeo rất nhiều huân chương quân sự.
Trong ảnh còn có hai chỉ huy khác của Wagner là Andrei Bogatov và Aleksandr Kuznetsov. Ông Kuznetsov bị kết án vào năm 2010 vì tội trộm cắp và bắt cóc trước khi được thả 3 năm sau đó, hãng truyền thông độc lập Meduza của Nga thuật lại.
Vũ khí, rượu và tiền
Ngoài danh tiếng về sự tàn bạo đã đeo bám tất cả các thành viên cấp cao của nhóm Wagner, thì có rất ít thông tin liên quan đến tính cách của người có thể sẽ kế vị Yevgeny Prigozhin.
Tuy nhiên, các nhà báo Nga đã thuật lại về giai đoạn ông Troshev nghiện rượu nặng vào năm 2017 khiến ông phải nhập viện. Theo truyền thông địa phương Fontanka, Andrei Troshev được phát hiện trong tình trạng say xỉn trên đường phố Saint-Petersburg.
Các nhân viên y tế sau đó đã rất ngạc nhiên khi phát hiện trên người ông có 5 triệu rúp (gần 55.000 euro theo tỷ giá hiện tại), 5.000 đô la tiền mặt, bản đồ Syria, biên lai mua súng và một vé máy bay đến thành phố Krasnodar.
Vladimir Putin đề xuất chỉ định Andrei Troshev làm người có thể kế nhiệm Yevgeny Prigozhin vào thời điểm tương lai của ông chủ nhóm Wagner ngày càng bất định. Prigozhin đã không còn xuất hiện trước công chúng từ hôm 24/06, ngày ông ta tiến hành nổi loạn chống lại bộ chỉ huy quân sự Nga.
Cho đến giờ, số phận của nhóm bán quân sự này vẫn là ẩn số. Các nguồn tin Ukraine đưa tin hôm 15/07 rằng lực lượng đầu tiên của Wagner đã đến Belarus.
Lòng trung thành được đền đáp ?
Theo Tatiana Stanovaya, một nhà nghiên cứu không thường trú tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, tổng thống Nga hiện muốn phân biệt rõ ràng giữa các chiến binh của Wagner, những người mà ông có thể khai thác kinh nghiệm và chuyên môn, và thủ lĩnh của nhóm lính đánh thuê, người mà ông hiện coi là liều lĩnh và không đáng tin cậy.
Tatiana Stanovaya giải thích trong một cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times của Mỹ : "Họ muốn bảo tồn cốt lõi của Wagner, nhưng dưới sự chỉ huy của ban lãnh đạo khác, chắc chắn phải trung thành hơn nhiều và có thể kiểm soát được".
Đầu tháng 7, Newsweek tiết lộ thông tin có thể làm sáng tỏ quyết định của Vladimir Putin. Sau cuộc nổi loạn bất thành của Prigozhin, Andrei Troshev bị sa thải khỏi tập đoàn Wagner vì vạch trần kế hoạch của ông chủ.
Tuần báo của Mỹ dựa trên một tài liệu được cho là do Cơ quan An ninh Liên Bang Nga (FSB) rò rỉ và lan truyền trên mạng Telegram của Nga. Nguồn tin này tiết lộ rằng Andrei Troshev đã thông báo cho các quan chức cấp cao của điện Kremlin về kế hoạch nổi loạn của nhóm Wagner. Lòng trung thành của "Tóc bạc" với tổng thống Putin có thể sắp gặt hái được thành quả.
(France 24)
Phan Minh
Nguồn : RFI, 18/07/2023
Wagner nổi dậy : Putin xuống giá, Prigozhin khó toàn mạng
Le Monde ngày 27/06/2023 cho rằng vị thế của Vladimir Putin đã bị giảm mạnh trên trường quốc tế, do yếu ớt và thiếu quyết đoán trong vụ Wagner nổi loạn. Đối với Yevgeny Prigozhin, Le Figaro nhận định sau vụ nổi loạn thất bại, đã đến lúc tính sổ. Trong thế giới tàn bạo của Putin, không có chuyện để cho những kẻ đã thách thức được tồn tại. Nhà nghiên cứu Pavel Slunkin nhấn mạnh an ninh Nga hiện diện khắp Belarus, có thể trừ khử Prigozhin nếu Putin muốn.
Các tay súng Wagner được triển khai gần Bộ chỉ huy Quân khu Miền Nam ở thành phố Rostov trên sông Don của Nga, ngày 24/06/2023. Reuters – Stringer
Nếu hôm qua, sự kiện Wagner nổi loạn chiếm trang nhất tất cả các báo, hôm nay vẫn là đề tài được báo chí Pháp tiếp tục bàn luận. Le Monde chạy tựa "Putin yếu đi vì cuộc nổi dậy của nhóm Wagner", Le Figaro nhấn mạnh "Số phận Prigozhin vẫn còn treo lơ lửng".
Moskva tránh được thảm họa, nhưng Putin lãnh hậu quả
Le Monde mô tả việc quay trở lại với tình trạng bình thường ở Nga : trên trang web bán hàng Wildberries, những sản phẩm mang dấu hiệu "Wagner" lại xuất hiện. Trên những con đường ở phía nam Moskva, người ta lấp những hố được xe ben đào để chận bước tiến của đội quân đánh thuê, hôm 24/06 đã chiếm được thành phố hơn 1 triệu dân và chỉ còn cách thủ đô Moskva có 200 cây số.
Các blogger quân sự Nga đánh giá quân đội có từ 13 đến 20 người thiệt mạng, hầu như tất cả đều là phi hành đoàn của 6 trực thăng và một máy bay bị bắn rơi. Mười chín tòa nhà ở Voronej bị hư hại, và nhà máy lọc dầu của thành phố đến Chủ nhật vẫn còn bốc cháy. Ở Rostov trên sông Don, trung tâm của cuộc khủng hoảng, từ tối thứ Bảy các chiến binh Wagner và thiết giáp bắt đầu rời đi, dưới những tràng pháo tay của cư dân. Họ vừa mừng vì tránh được biển máu, vừa ủng hộ những phát biểu chống lại giới tinh hoa của Yevgeny Prigozhin. Kremlin sẽ phải chú ý đến cảm tình của một bộ phận dân chúng đối với phe nổi loạn.
Cuộc khủng hoảng kết thúc một cách đột ngột và đáng ngạc nhiên như lúc bắt đầu. Nhưng có thể dễ dàng quên đi chăng ? Trước hết, người ta chỉ biết đại khái về thỏa thuận. Yevgeny Prigozhin thoát nạn, ít nhất là trong lúc này, cuộc phiêu lưu nhằm lập lại "trật tự và công lý" tạm chấm dứt. Quân đội Nga bị lăng nhục : bất lực trong việc bảo vệ thủ đô, chỉ biết cho đặt những bao cát chận lối vào. Một số đơn vị quân đội còn từ chối chiến đấu với lính đánh thuê Wagner, vì sợ hoặc do cảm tình. Nhưng hậu quả khủng khiếp nhất là cho Vladimir Putin.
Vladimir Putin bị hạ giá dưới mắt thế giới
Trong bài xã luận mang tựa đề "Sự mất giá trên trường quốc tế của Vladimir Putin", Le Monde nhận xét bề ngoài thì tất cả lại vào trật tự, Yevgeny Prigozhin tạm lánh sang Belarus. Nhưng 24 tiếng đồng hồ khủng hoảng mà nước Nga của Putin chưa từng trải qua là thảm họa cho ông chủ điện Kremlin.
Sự yếu ớt và thiếu quyết đoán của Vladimir Putin không thể không gây chú ý bên ngoài biên giới nước Nga. Những chế độ Châu Phi đã ký hợp đồng "bán linh hồn cho quỷ" với đội quân lính đánh thuê để bám lấy quyền lực, sẽ phải đặt câu hỏi về hiệu quả và tính bền vững. Nhất là hình ảnh "quyền lực cứng" của Putin đã được nhiều chế độ độc tài bắt chước. Thất bại của mục đích ban đầu khi kéo quân sang xâm lăng là xóa số ban lãnh đạo Ukraine, đã bộc lộ tình trạng thực sự của quân đội Nga. Trên mạng xã hội, đã lan truyền một số câu chuyện chế giễu. Chẳng hạn đăng ảnh Putin đang nói chuyện điện thoại với câu : "Tôi không cần đạn dược, mà cần di tản", ý tưởng ngược lại với câu của Zelensky "Tôi không cần một chuyến taxi mà cần đạn dược" khi người Mỹ đề nghị sơ tán.
Sự nổi loạn của Yevgeny Prigozhin sau nhiều tháng đả kích những người lãnh đạo quân đội, cho thấy sai lầm to lớn khi để cho phát triển một đội quân tư nhân vốn vô trách nhiệm trước bất cứ ai trừ ông chủ. Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên về phản ứng lạnh nhạt của các nước - trên lý thuyết là bạn bè của Moskva như Kazakhstan. Kremlin nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Trung Quốc nhưng thực ra Bắc Kinh chỉ nói chung chung. Le Figaro nhận thấy không hề có dấu vết một cuộc điện đàm nào giữa Tập Cận Bình với "người bạn cũ" Vladimir Putin như ông Recep Tayyip Erdogan hay tổng thống Belarus.
Le Monde cho rằng sự "mất giá" trên trường quốc tế của Vladimir Putin là lâu dài. Tại Trung Á, nơi Moskva lâu nay vẫn thống trị, vụ nổi dậy đẩy nhanh thế trận mới có lợi cho Bắc Kinh, nhưng tác động sẽ còn vượt ra ngoài những vùng ảnh hưởng cũ của Nga.
Prigozhin khó toàn mạng sau vụ nổi dậy
Còn đối với Yevgeny Prigozhin, "người bạn cũ" 20 năm qua ? Le Figaro nhận định "Sau vụ nổi loạn thất bại, đã đến lúc tính sổ". Trong bài xã luận "Đêm của những lưỡi dao dài", từ ngữ chỉ cuộc thanh trừng Hummingbird của Đức quốc xã năm 1934, tờ báo cho rằng một khi hoàn hồn trở lại sau cuộc nổi dậy của Yevgeny Prigozhin, ông chủ điện Kremlin sẽ ra tay hành động. Trong thế giới tàn bạo của Putin, không có chuyện để cho những kẻ đã thách thức được tiếp tục làm giàu như không có chuyện gì xảy ra. Giờ đây là cuộc đấu đá giữa các phe nhóm, mỗi người ở Moskva đều có thể là nạn nhân sắp tới.
Libération lưu ý, Prigozhin vẫn nói không có ý định lật đổ chế độ Putin, phân trần rằng quân của ông ta tập hợp để giải giáp thì bị quân đội tấn công bằng rốc-kết và trực thăng làm 30 lính Wagner thiệt mạng – tuy hiện chưa thấy dấu vết nào của vụ tấn công này. Dù tương lai bất định, Prigozhin vẫn không kìm được sự khoe khoang. Ông khẳng định : "Trong vòng 24 giờ, chúng tôi đã tiến được một đoạn đường tương đương với quân đội Nga hôm 24/02/2022 để tới được Kiev. Nếu đó là những binh sĩ có cùng trình độ huấn luyện, máu lạnh và chuẩn bị kỹ như Wagner, chiến dịch quân sự đặc biệt có thể chỉ diễn ra trong vòng một ngày".
Le Monde nhận thấy "Belarus khó thể là nơi trú ẩn của Yevgeny Prigozhin". Quốc gia này đã trở thành hậu cứ của Putin từ ngày 24/02/2022 để tấn công vào Ukraine, và hiện nay hầu như hoàn toàn bị Nga sáp nhập. Vai trò cụ thể của Alexander Lukashenko trong việc hòa giải cũng chưa rõ. Chuyên gia Artyom Shraibman của Carnegie Russia Eurasia Center cho rằng thỏa thuận có thể do một trung gian Nga thực hiện, và Lukashenko sau đó được đề nghị đứng tên chính thức. Dù sao đi nữa, tổng thống Belarus cũng đã giúp sức đắc lực cho Putin. "Ông ta sẽ được đền bù, hoặc dưới dạng viện trợ tài chánh bổ sung, hoặc nới lỏng đôi chút áp lực về tiến trình sáp nhập Belarus vào Nga".
Yevgeny Prigozhin sẽ ở lại hay ra đi sau đó ? Nhiều nhà phân tích cho rằng ông ta tạm thời lưu lại Belarus rồi sẽ sang Châu Phi, nơi Wagner hoạt động. Shraibman thấy rằng Prigozhin chẳng có việc gì để làm ở nước này, và lại không hề an toàn cho ông chủ Wagner. Nhà nghiên cứu Pavel Slunkin nhấn mạnh : "Cơ quan an ninh Nga vốn hiện diện cùng khắp nước này có thể trừ khử Prigozhin nếu Putin quyết định". Về phía đối lập Belarus lưu vong tố cáo : "Con rối Lukashenko của Putin mưu toan biến Belarus thành nơi trú ẩn của tội phạm với vũ khí nguyên tử".
Ai có lợi nhờ vụ nổi loạn?
Trên Les Echos, nhà địa chính trị Cyrille Bret, giảng viên Science Po phân tích : Ai có lợi nhờ cú nổi loạn của Prigozhin, ở bên trong và bên ngoài nước Nga ? Sau cú va chạm mạnh của thiên thạch Prigozhin, cần đợi cho bụi thời gian lắng xuống đôi chút để tìm hiểu động cơ cá nhân của ông ta. Prigozhin không đạt được yêu sách cách chức các lãnh đạo quân đội, và cũng không tránh được cảnh lưu vong. Ngược lại, đã có thể hình dung ra những người thủ lợi qua vụ này.
Trước hết là tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko. Đóng vai trung gian hòa giải, ông ta giúp thủ lãnh Wagner một nơi trú ẩn, và giảm bớt vai trò chư hầu đối với tổng thống Nga. Từ sau vụ bầu cử gian lận năm 2020, Lukashenko lệ thuộc Putin về mọi mặt : an ninh cá nhân, hàng hóa cho Belarus, sự sống còn của chế độ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng được lợi. Ủng hộ Putin, Erdogan không quên chính mình cũng là nạn nhân vụ đảo chánh hụt năm 2016. Vừa tái đắc cử, được phần nào ưu ái của Hoa Kỳ, Erdogan đang trên thế mạnh.
Về nội bộ Nga, phe Prigozhin thất bại trong việc cản bước hai nhà lãnh đạo mà ông ta luôn chỉ trích : bộ trưởng quốc phòng Sergei Ghoigou và tổng tham mưu trưởng quân đội Valeri Guerassimov. Choigou từ lâu vẫn được coi là người kế nhiệm tiềm năng của Vladimir Putin, còn Guerassimov được cho làm chỉ huy chiến dịch Ukraine. Cả hai kẻ thù của Prigozhin nay đắc thắng, có thể nắm được lính đánh thuê Wagner. Tổng thống Chechnya Kadyrov và cựu tổng thống Dmitri Medvedev cũng có vị thế hơn. Hệ thống của Putin dựa trên nguyên tắc "chia để trị", và nay ba phe trên gia tăng ảnh hưởng.
Còn Putin ? Tác giả nhắc lại trong lịch sử Nga, Pierre I, Catherine II, Lênin và Stalin đều phải đối mặt với nổi dậy vũ trang. Nếu tổng thống Nga cũng lao vào con đường thanh trừng như những người tiền nhiệm, về lâu về dài có thể ông ta nằm trong số người có lợi từ "cuộc khủng hoảng Prigozhin".
Địa vị bộ trưởng quốc phòng của Shoigu lung lay ?
Ngược lại, La Croix coi Serguei Shoigu là "nhân vật trung thành đang bị yếu đi". Đứng vững qua mọi thay đổi trong chính phủ suốt 29 năm qua, Choigu đã bị mất uy tín từ khi xâm lăng Ukraine. Sau hai ngày im lặng, bộ trưởng quốc phòng lại xuất hiện như không có chuyện gì xảy ra. Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya của Centre Carnegie cho rằng Yevgeny Prigozhin không có đủ uy thế để làm cho Shoigu mất ghế. "Nếu Serguei Shoigu bị cách chức có thể vì những lý do khác ». Ông ta và Vladimir Putin quen biết từ thập niên 90, là người thường xuyên tổ chức những cuộc đi câu và săn bắn ở Cộng hòa Tuva, quê hương Shoigu.
Sự trung thành của Shoigu được tưởng thưởng bằng chức vụ bộ trưởng quốc phòng với ngân sách 60 tỉ euro một năm, dù không xuất thân từ quân đội. Vụ sáp nhập Crimea và cứu vãn chế độ Bachar Al-Assad ở Syria khiến Shoiu được tin tưởng giao cho kế hoạch xâm lăng Ukraine. Nhưng quân Nga đi từ thất bại này đến thất bại khác ở Ukraine, và Putin không hề lên tiếng bênh vực Shoigu trước những lời lăng mạ của Yevgeny Prigozhin từ nhiều tháng qua. Nhà phân tích Michael Kofman cho biết "Shoigu và Guerassimov rất bị ghét trong quân đội Nga ».
"Frankenstein" Putin đã tạo ra "quái vật" Prigozhin
Đối với Le Figaro, "Vladimir Putin đã tự mình tạo ra hậu họa". Bác sĩ Frankenstein liệu có sợ bị lật đổ bởi con quái vật Prigozhin mà ông ta đã chế ra trong phòng thí nghiệm Kremlin cách đây hơn một chục năm ? Bài diễn văn của Putin hôm 24/06 có cùng giọng điệu trang trọng như hôm 24/02/2022 khi tung ra "chiến dịch quân sự đặc biệt" để "giải phóng" những "người anh em" Ukraine khỏi chính phủ "phát-xít" đang đàn áp họ. Nhiều quan sát viên coi là sự cay độc, nhưng tác giả bài viết cho rằng Putin tin những điều đó, vì nói dối mãi thành quen.
Vào mùa thu 2021, khi Bill Burns, lãnh đạo CIA đã đích thân đến Moskva để thuyết phục Kremlin đừng xâm lược Ukraine, nước Nga của Putin đang trên đỉnh cao. Nga bán khí đốt cho Châu Âu, và được EU đầu tư. Putin nói chuyện ngang tầm với nước Mỹ của Joe Biden, và Washington chấp nhận cho mở đường ống Nord Stream 2 nối trực tiếp với Đức. Nga là cường quốc được tôn trọng nhất ở Trung Đông, còn tại Châu Á, Nga có nhiều quan hệ tốt đẹp không chỉ với Trung Quốc và Ấn Độ mà cả Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ở trong nước, người Nga sống khấm khá, tuy không được tự do về chính trị nhưng có thể ra nước ngoài thoải mái. Khách du lịch tràn ngập nước Nga, quyền lực của Putin chỉ bị một thiểu số chống đối, chính quyền hứa hẹn phát triển Siberia. Nhưng bỗng chốc tất cả bị phá hủy qua cuộc xâm lăng Ukraine láng giềng, với ảo tưởng nguy hiểm mà chính Prigozhin đã chỉ ra. Bài viết cho rằng cần tiếp tục bảo vệ Ukraine trước sự điên cuồng của Kremlin, nhưng không thể vui mừng trước sự bất hạnh của Nga. Bởi vì lợi ích về lâu về dài là nước Nga không rơi vào cảnh hỗn loạn hay bị cột chặt vào quỹ đạo Trung Quốc.
Nhà nước Nga vẫn cần đến "chú vịt con xấu xí" Wagner
Sau vụ nổi dậy, phải chăng là hồi kết của Wagner ? Theo La Croix, Moskva không thể bỏ qua dịch vụ của các công ty quân sự tư nhân. Hôm qua 26/06, ngoại trưởng Sergey Lavrov tuyên bố công ty này vẫn tiếp tục hoạt động ở Mali và Trung Phi. Maxime Audinet, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Quân sự giải thích, những năm gần đây, Wagner đã trở thành nhân tố chính trong sự hiện diện của Nga ở Châu Phi. Nhóm này nắm được thành phần cốt lõi của chính quyền, truyền thông và giới kinh doanh. Đó là kết quả của nhiều năm nỗ lực, không thể thay thế trong vài tuần lễ.
Dùng lính đánh thuê giúp tránh lặp lại chiến dịch "động viên từng phần" hồi tháng 9/2022 gây mất lòng dân, bất ổn xã hội. Khi cho phép Yevgeny Prigozhin tuyển mộ hàng ngàn lính từ tù nhân, Vladimir Putin tìm được giải pháp cho vấn đề thiếu quân trầm trọng, dư luận cũng không xúc động trước cái chết của vài ngàn tù nhân.
Tiến sĩ Thomas Da Silva, đại học Paris-Nanterre nhận thấy có nạn "dân quân hóa" loạn xạ từ khi khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraine. Giới tinh hoa, tài phiệt được kêu gọi đóng góp cho cuộc chiến. Tài trợ một tổ chức quân sự là một cách để lọt vào mắt xanh của Kremlin. Nhưng không một đội quân tư nhân nào có thể so sánh với Wagner, nhóm đông nhất là Redut chỉ có vài ngàn lính. Ông Silva nói : "Wagner là chú vịt con xấu xí. Những nhóm khác rõ ràng trung thành hơn và dưới sự kiểm soát của bộ quốc phòng". Cho đến lúc này, các công ty quân sự tư nhân vẫn là bất hợp pháp tại Nga.
Thụy My
Mạng lưới toàn cầu của Wagner sắp tới sẽ ra sao ?
Nader Ibrahim & Beverly Ochieng, BBC, 27/06/2023
Vào một thứ Bảy bất thường, quân đội của Wagner đã đưa các đơn vị tiến về Moscow trong một động thái nổi loạn chống lại lãnh đạo quân sự của Nga trước khi một thỏa thuận được đưa ra và các đơn vị được lệnh lui quân.
Một lính bắn tỉa Wagner ở Libya
Theo thỏa thuận vào phút chót này, lãnh đạo nổi tiếng của Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, sẽ lưu vong ở Belarus, và những binh lính của ông không tham gia vào cuộc nổi loạn hôm thứ Bảy có thể ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga.
Trong một bài viết trên tài khoản Telegram của mình sau khi đạt được thỏa thuận vào tối thứ Bảy, ông Prigozhin nói rằng 'họ', có vẻ ám chỉ Bộ Quốc phòng Nga, muốn 'giải tán' nhóm Wagner. Nhưng không rõ có phải đó là lý do duy nhất khiến ông đột ngột cho quân nổi loạn.
Điều này được nhắc lại trong một thông điệp mà ông đăng hôm thứ Hai, phá vỡ sự im lặng của ông kể từ biến cố hôm thứ Bảy, rằng không ai đồng ý ký một hợp đồng với Bộ Quốc phòng và rằng công ty lính đánh thuê của ông nhất định phải ngừng tồn tại vào 1/7.
Không rõ điều gì sẽ xảy ra với các chiến binh của Wagner hiện đang đóng quân ở nước ngoài nếu nhóm Wagner tan rã.
Nhóm này hoạt động mạnh ở nhiều quốc gia khắp thế giới như Libya, Sudan, Syria, Mali, Cộng hòa Trung Phi, Mozambique, Venezuela, Burkina Faso và Madagascar.
Các chiến binh Wagner bị cáo buộc đã phạm tội ác ở Libya, Syria, Cộng hòa Trung Phi, Mali và Ukraine - trong số đó nhiều tội ác được thực hiện với thường dân không vũ trang.
Một nguồn tin ngoại giao của Liên Hiệp Quốc theo sát nhóm Wagner trong nhiều năm nói với BBC rằng nếu nhóm này bất hòa với chính phủ Nga và bị giải tán, các đơn vị của nhóm ở Châu Phi sẽ không được Bộ Quốc phòng Nga tiếp tế.
Nguồn tin này nói rằng các chiến binh có thể không còn được trả lương, không có sự hỗ trợ quân sự và chính trị, đặc biệt ở các nước Châu Phi như Cộng hòa Trung Phi, Libya, Sudan và Mali.
Điều này có nghĩa là các chiến binh nhóm Wagner hiện đang được triển khai ở Châu Phi có thể mất việc và sẵn sàng được tuyển dụng, gây nguy hiểm cho các nước đang vật lộn với bất ổn, nội chiến, và nổi dậy.
Các thường dân thường là nạn nhân của bất ổn quyền lực chính trị. Và ở các nước nơi nhóm Wagner hiện đang triển khai quân, họ hi vọng rằng sự bất ổn này sẽ không đưa đến kết quả là sự tàn bạo không kiềm chế từ nhóm Wagner khét tiếng.
Vậy nhóm Wagner làm gì tại Châu Phi và Syria ? Điều gì có thể xảy ra ở các nước này nếu nhóm này bị giải tán và không còn sự hậu thuẫn từ Bộ Quốc phòng Nga ?
Libya
Các đơn vị của Wagner tại Libya được phát hiện lần đầu vào mùa thu năm 2019, khi họ tham gia hàng ngũ của vị tướng nổi loạn và là lãnh đạo của lực lượng Đông Lybya Khalifa Haftar trong cuộc tấn công của ông ta nhằm chiếm thủ đô Tripoli, nơi đặt trụ sở của chính phủ được Liên Hiệp Quốc công nhận.
Họ được sử dụng như lực lượng chiến đấu đặc biệt để bẻ gãy lực lượng phòng thủ của thủ đô sau khi cuộc tấn công của Haftar bị đình trệ.
Chuyên môn của họ ở tiền tuyến trong chiến đấu, bắn tỉa và thu thập thông tin tình báo quân sự đã tạo ra sự khác biệt trên mặt trận, và với sự giúp sức của họ, lực lượng của Haftar đã có thể tiến quân vào một số vùng ngoại ô phía nam Tripoli.
Nhưng sự tham gia của họ cũng có mặt tối.
Năm 2021, một cuộc điều tra của BBC đã tìm thấy bằng chứng cho thấy các thành viên của nhóm này liên quan đến cuộc hành quyết thường dân và sử dụng trái pháp luật mìn sát thương và bẫy mìn trong các ngôi nhà ở quanh thủ đô Tripoli của Libya.
Cuộc điều tra này cũng tiết lộ việc Moscow hỗ trợ họ với các vũ khí và trang thiết bị tối tân như thế nào.
Các tài liệu nội bộ bí mật mà BBC có được ở Tripoli từ các nguồn tình báo Libya chỉ ra rằng một danh sách yêu cầu tiếp tế cho một số đơn vị Wagner ở Libya. Chúng tôi gửi danh sách này cho một chuyên gia quân sự Anh, ông Chris Cobb Smith, và ông đưa ra đánh giá như sau :
"Các vũ khí, hầu hết là 'hiện đại' - công nghệ tiên tiến, và các thiết bị đang được quân đội Nga sử dụng.
Điều này không chỉ cho thấy quyền tiếp cận với một ngân sách đáng kể mà còn là quyền tiếp cận với các công nghệ, nếu không tối mật, thì cũng nhạy cảm nhất. Có vẻ như nhóm Wagner chỉ là một phần tử không chính quy của quân đội Nga".
Có một thông tin rộng rãi rằng các đơn vị của Wagner tại Libya được tiếp tế bởi máy bay Antanov của không quân Nga, thường xuyên bay giữa căn cứ Latakia do Nga kiểm soát tại Syria và các căn cứ không quân phía đông Libya.
Do đó các đơn vị của Wagner đã phụ thuộc nặng nề vào sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Nga, và mất đi sự hỗ trợ này có thể có tác động lớn đến sự hiện diện và sức mạnh của họ ở Libya.
Các nguồn tin địa phương tại Libya nói với BBC rằng không có thay đổi đáng kể trên thực địa quanh các khu vực đóng quân của Wagner kể từ sau cuộc nổi loạn thất bại tại Nga hôm thứ Bảy.
Mali và Cộng hòa Trung Phi
Các sự đảm bảo của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov rằng việc triển khai huấn luyện quân sự sẽ tiếp tục tại Mali và Cộng hòa Trung Đông sau sự kiện hôm thứ Bảy đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của hai nước trong tham vọng bành trướng của Kremlin tại Châu Phi.
Trong ngắn hạn, cuộc nổi dạy của Prigozhin có thể có tác động nhỏ tới 1000 lính đánh thuê Wagner được triển khai tại Mali từ cuối năm 2021, theo lời mời của chính quyền quân sự.
Các hoạt động của họ đan xen với các mối quan tâm ngày càng tăng của Nga về kinh tế, quốc phòng và ngoại giao tại Mali kể từ khi tổng thống lâm thời Col Assimi Goita lên nắm quyền vào tháng 8/2020.
Chính quyền Mali thường phủ nhận việc ký hợp đồng với nhóm Wagner nhưng lại đề nghị Nga hỗ trợ huấn luyện quân đội.
Tuy nhiên, sự hiện diện của Wagner đã kích hoạt sự ra đi vội vàng của hàng ngàn binh lính Pháp và Châu Âu - lực lượng đã hỗ trợ quân đội Mali chiến đấu chống lại các chiến binh từ nhà nước Hồi giáo và các nhóm al-Qaeda kể từ năm 2013.
Việc triển khai quân của nhóm Wagner đóng góp rất ít vào việc cải thiện tình hình an ninh tại đây.
Các số liệu từ Địa điểm Xung đột Có vũ trang và Dự án Dữ liệu Sự kiện (Acled Info) cho thấy bạo lực quân sự tăng hơn gấp đôi giữa năm 2021 và 2022. Các thường dân thương vong chiếm con số cao nhất.
Việc triển khai quân đội liên quan đến nhóm Wagner dẫn đến gia tăng số thường dân thiệt mạng. Trong số các sự kiện tồi tệ nhất là việc giết hại 500 dân thường trong một cuộc ra quân kéo dài một tuần tại thị trấn trung tâm của Moura. Liên Hiệp Quốc cho rằng 'các lực lượng nước ngoài' và quân đội Mali liên quan đến việc giết chóc này, trong khi Mỹ đã trừng phạt hai binh sỹ và chỉ huy của nhóm Wagner ở Mali.
Cùng lúc đó, cuộc chiến tranh tại Ukraine không làm các đơn vị của Wagner giảm các hoạt động tại Mali. Các lính đánh thuê nhanh chóng tiến vào các căn cứ mà lực lượng của Pháp bỏ lại ở các thị trấn phía Bắc Gossi, Menaka và Gao.
Các nhóm dân sự ủng hộ chính quyền quân đội và người sử dụng mạng xã hội thường xuyên quảng bá các hoạt động của nhóm Wagner và Nga đã vận động chiến dịch để lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (Minusma) thay thế lực lượng của Nga. Vào tháng Năm, Prigozhin phát biểu trên kênh truyền hình Afrique Media có trụ sở tại Cameroon và có liên hệ mật thiết với ông ta rằng các lính đánh thuê Wagner 'hiệu quả hơn' lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Mali và Cộng hòa Trung Phi.
Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Mali vào sự hỗ trợ của Nga trở nên rõ ràng vào 16/6 khi Ngoại trưởng Abdoulaye Diop kêu gọi Minusma rút quân ngay lập tức.
Các nhóm thánh chiến có thể lợi dụng thời cơ của một sự thất bại về an ninh có thể xảy ra nếu căng thẳng giữa Kremlim và nhóm Wagner làm cản trở việc triển khai quân tại Mali.
Tương tự, không có phản ứng chính thức nào từ Cộng hòa Trung Phi về cuộc nổi loạn của Prigozhin, bất chất nước này đang ấp ủ hàng loạt hoạt động với nhóm Wagner kể từ cuối năm 2017.
Một thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Moscow và Bangui đã dẫn đến việc triển khai hàng trăm 'huấn luyện viên quân sự' của Nga để chiến đấu chống lại các phiến quân vốn đã bao vây Cộng hòa Trung Phi hàng thập kỷ qua.
Theo thời gian, nhóm Wagner đã mở rộng sang các dự án kinh tế, được cho là kinh doanh khoáng sản, gỗ và vodka. Việc này giúp duy trì nhóm khi bắt đầu cuộc chiến tranh Ukraine, khi có báo cáo rằng lực lượng của họ ở Cộng hòa Trung Phi đã được tái triển khai.
Thành công của họ trong việc chống lại một liên minh phiến quân hùng mạnh - Liên minh Những người Yêu nước Vì sự Thay đổi (CPC) - đã biến thành một cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Faustin Toudera năm 2020 và nhận được ủng hộ từ công chúng. Sự phụ thuộc quá mức của chính quyền ông Faustin Toudera vào nhóm Wagner trong việc canh gác và bảo vệ các cơ sở tối quan trọng của chính phủ dường như đã khuyến khích nhóm lính đánh thuê này phạm tội ác trên diện rộng với dân thường trong quá trình chiến đấu chống phiến quân.
Đầu năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã cáo buộc các lính đánh thuê Wagner tham gia vào một khuynh hướng phạm tội hình sự nguy hiểm, bao gồm 'hành quyết tập thể, cưỡng hiếp, bắt cóc trẻ em, và lạm dụng thể xác tại Cộng hòa Trung Phi và Mali'.
Những rạn nứt trong nhóm Wagner như một kết quả của cuộc nổi loạn của Prigozhin đã làm gia tăng nguy cơ mất kiểm soát trong các hoạt động phần lớn là sinh lợi và tự nguyện của lính đánh thuê ở Cộng hòa Trung Phi. Các lo ngại về sự liên kết giữa các phiến quân và lính đánh thuê, đặt biệt là tại các vùng đất giàu khoáng sản, có thể làm tăng nguy cơ bất ổn tại các nước láng giềng như Chad và Sudan - nơi vốn đã dễ tổn thương bởi các hoạt động của nhóm Wagner.
Tuy nhiên, sự hợp tác tiếp diễn giữa chính phủ của ông Touadera và Moscow xua tan báo động rằng căng thẳng giữa Kremlin và nhóm Wagner Group có thể phá vỡ các hoạt động quốc phòng và sự ổn định mong manh.
Syria
Sự hiện diện của nhóm Wagner ở Syria lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Quân đội Nga đã can thiệp vào cuộc nội chiến Syria năm 2015 để hỗ trợ quân đội của chính phủ Syria vào thời điểm phiến quân Syria đang kiểm soát hầu hết đất nước.
Sự can thiệp này đã tạo ra khác biệt lớn cho lực lượng của tổng thống Syria, ông Bashar al Assad, người hiện đang kiểm soát hầu hết đất nước. Nhưng việc này phải trả giá đắt về mặt cứu trợ nhân đạo khổng lồ khi các máy bay chiến đấu của Nga bị đổ lỗi gây ra cá chết của hàng ngàn thường dân Syria kể từ năm 2015.
Căn cứ không quân Latakia trên bờ biển Địa Trung hải tại Syria hiện dưới sự kiểm soát chính thức của Bộ Quốc phòng Nga và thường được sử dụng để tiếp tế cho quân Wagner tại Châu Phi.
Các đơn vị của Wagner được triển khai tới Syria năm 2015. Họ chủ yếu đóng quân quanh các mỏ dầu, nơi các chiến binh ISIS hoạt động.
Các lính đánh thuê Wagner bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh chỉ hai năm sau khi được triển khai ở Syria.
Năm 2017, một số lính của Wagner quay lại hình ảnh họ tra tấn tàn bạo và giết chết một thường dân Syria, trước khi đốt cái xác không mảnh vải che thân của người này.
Đoạn video rùng rợn này bị rò rỉ trên mạng và được dùng để định danh những kẻ liên quan, và một người thân của nạn nhân đã đệ đơn kiện sáu lính Wagner tại Moscow, tuy nhiên, chính quyền Nga không có hành động nào để xét xử những người này, và trên thực tế, một trong số này thậm chí còn được nhận huân chương danh dự từ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Vì sự hiện diện của Nga tại Syria là một sự hiện diện chính thức của chính phủ, những gì xảy ra giữa Wagner và Kremlin tại Nga khó có thể ảnh hưởng tới các hoạt động của Nga tại Syria hoặc tới sự hỗ trợ của họ cho chính phủ ở Damascus
Tuy nhiên, điều gì xảy ra với lính Wagner tại Syria nếu họ bị Bộ Quốc phòng Nga từ chối sẽ được nhiều người trên thế giới theo dõi chặt chẽ, khi cuộc nội chiến Syria đã chứng kiến sự tham gia của một số quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới ở cả hai phía của cuộc xung đột.
Nader Ibrahim & Beverly Ochieng
Nguồn : BBC, 27/06/2023
Hệ quả nào cho tập đoàn lính đánh thuê ở Châu Phi ?
Minh Anh, RFI, 26/06/2023
Hai ngày sau cuộc nổi loạn bất thành, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner Yevgeny Prigozhin hôm 26/06/2023, được cho là sẽ đến Belarus sống lưu vong theo thỏa thuận với tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngày giờ xuất phát và nơi ở của ông không được công bố.
Lính đánh thuê Wagner tại miền bắc Mali, Châu Phi. Nguồn ảnh không xác định rõ thời điểm. AP
Câu hỏi đặt ra : Số phận của những binh sĩ thuộc tập đoàn Wagner sẽ ra sao ? Lực lượng này không chỉ có mặt ở Ukraina, mà chủ yếu là ở Châu Phi. Liệu cuộc nổi loạn bất thành có làm thay đổi sự hiện diện của Nga ở Châu lục này ?
Trả lời đài RFI, Kelian Sanz Pascual, chuyên gia địa chính trị, thuộc văn phòng tư vấn Cassini, phân tích :
"Sẽ có những thay đổi sau sự kiện này, kể cả ở Châu Phi. Vấn đề cần quan tâm là liệu Yevgeny Prigozhin có sẽ được tiếp tục lãnh đạo Wagner hay không ? Nếu ông ấy không được giữ lại, liệu Wagner có sẽ tiếp tục tồn tại như hiện nay, hay là nhân sự sẽ bị phân tán trong nhiều cơ cấu khác nhau ? Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng lực lượng Wagner sớm hay muộn cũng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của bộ quốc phòng giông như các công ty quân sự tư nhân khác.
Tôi không lấy làm lạ về việc ông Shoigu và những người thân cận của ông hoặc những người có cùng lợi ích với bộ quốc phòng muốn chiếm lấy quyền kiểm soát Wagner.
Tuy nhiên, có thể bộ quốc phòng Nga không phải là tác nhân duy nhất tìm cách chiếm lấy những phần thị trường này. Ngược lại, điều chắc chắn là tầm ảnh hưởng của Nga tại Châu Phi sẽ không hề bị suy suyển, mà có thể sẽ chỉ mang một hình thái khác so với những gì chúng ta biết hiện nay".
Các cuộc xung đột vũ trang trong những năm gần đây, từ Ukraine cho đến Mali ở Châu Phi, làm lộ rõ vai trò của các "công ty quân sự tư nhân – SMP/PMC (Société Militaire Privée / Private Military Company)" hay còn được gọi là những "công ty cung ứng dịch vụ an ninh". Truyền thông quốc tế thường gọi những công ty tư nhân này là những công ty "lính đánh thuê".
Trụ sở tập đoàn quân sự tư nhân Wagner - 'PMC Wagner Centre' tại St. Petersburg, Nga. Ảnh ngày 04/11/2022. AP - Dmitri Lovetsky
Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư luật, Thierry Garcia trường Đại Học Grenoble Alpes, nhắc lại trọng lượng ngày càng lớn của các công ty tư nhân về quân sự và an ninh từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, tức là từ những năm 1990. Anh, Mỹ, Nam Phi và Nga là những quốc gia sử dụng nhiều đến các công ty tư nhân này. Nhưng trước hết thế nào là một SMP (Société Militaire Privée), gọi theo tiếng Anh là PMC (Private Military Company) ?
Thierry Garcia : Có nhiều định nghĩa thế nào là một công ty quân sự tư nhân (SMP Société Militaire Privée), nhưng theo tôi, tốt nhất nên căn cứ vào tài liệu được công bố hồi 2008 được soạn thảo tại Montreux. Thực ra đấy là một bộ quy tắc ứng xử không mang tính ràng buộc. Tài liệu Montreux quy định một công ty quân sự tư nhân là một thực thể mang tính thương mại (…), hoạt động trong các lĩnh vực an ninh, hay quân sự. Hiện tại các công ty quân sự tư nhân hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là tại Mỹ, Anh, Nam, Phi và Nga. Thế nhưng Pháp thì không có các công ty quân sự tư nhân mà chỉ có các hãng tư nhân đặc trách về an ninh tức là những Entreprise de Sécurité Privée.
RFI : Có những khác biệt nào giữa một công ty quân sự tư nhân và một hãng tư nhân đặc trách về an ninh ?
Thierry Garcia : Khác biệt ở đây nằm ở chỗ, đối với Pháp, các hãng tư nhân đặc trách về an ninh không được phép tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các hoạt động quân sự, tức là không được tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang. Chúng ta biết rằng doanh thu của các công ty quân sự tư nhân rất lớn, ước chừng khoảng 200 tỷ đô la. Riêng ở Hoa Kỳ có hàng trăm công ty quân sự tư nhân. Trên toàn thế giới có từ 5 ngàn đến 6 ngàn SMP. Rõ ràng đây là một hiện tượng rất phổ biến.
RFI : Thời sự quốc tế hiện đang tập trung nhiều vào công ty quân sự Wagner của Nga và truyền thông cũng thường gọi đấy là một công ty lính đánh thuê. Thực ra có những khác biệt nào hay không giữa một công ty quân sự tư nhân và các tổ chức lính đánh thuê ?
Thierry Garcia : Wagner không phải là công ty lính đánh thuê về mặt pháp lý mà nói. Wagner là một công ty quân sự và an ninh tư nhân với những đặc điểm như sau : thứ nhất ông chủ công ty này -Yevgeny Prigozhin- có liên hệ mật thiết với chính quyền Nga, với tổng thống Vladimir Putin. Thông thường thì một SMP độc lập đối với một chính quyền tại chức. Wagner hành xử như thể là cánh tay nối dài của quân đội Nga trong các chiến dịch ở hải ngoại, như tại Châu Phi hay Ukraine. Điểm thứ nhì là quy chế của những người lính đánh thuê được ghi rõ trong Công ước Genève – Nghị định thư 2, năm 1977. Theo văn bản này, lính đánh thuê phải hội tụ đủ sáu điều kiện. Hai trong số đó ghi rõ như sau : lính đánh thuê là người trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang, và không được quyền mang quốc tịch của một trong những bên tham chiến. Trong trường hợp của Wagner, chúng ta thấy lính của Wagner đang tham chiến tại Ukraine mang quốc tịch Nga. Trước đó nhóm Blackwater (từng can thiệp tại Iraq) và đã có những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, nhiều quân nhân trong nhóm này mang quốc tịch Mỹ, một trong những bên tham chiến. Tựu chung, những tiêu chuẩn về lính đánh thuê chặt chẽ hơn nhiều so với của các nhân viên làm việc cho một công ty quân sự hay một công ty về an ninh tư nhân. Chiểu theo Công ước quốc tế, không thể xem Wagner là công ty lính đánh thuê.
RFI : Hoạt động của các công ty quân sự tư nhân có thể cạnh tranh hay gây nhiễu cho lực lượng quân sự chính quy hay không, như đã thấy trong trường hợp của Wagner tại Ukraine ?
Thierry Garcia : Thoạt đầu, quả là Wagner từng được xem như cánh tay nối dài của quân đội Nga. Lính Wagner không phải là lính của bên quân đội chính quy. Về mặt chính thức, họ độc lập với quân đội. Phải mất một thời gian dài, Nga mới nhìn nhận Wagner là một công ty quân sự tư nhân can thiệp vì lợi ích của nước Nga. Điều này cũng có điểm lợi cho Moskva. Chẳng hạn như những người lính Wagner tử trận không nằm trong số những thiệt hại của phía quân đội Nga (như tại chiến trường Ukraine). Cùng lúc Wagner là một công cụ cho phép nước Nga gián tiếp can thiệp vào một cuộc xung đột mà không xuất đầu lộ diện (như trong trường hợp ở Châu Phi). Nhưng trong thời gian gần đây, những phát biểu của Prigojine cho thấy có một sự cạnh tranh giữa công ty quân sự tư nhân này với quân đội chính quy của Nga, trong chiến dịch ở Ukraine. Đành rằng tất cả chỉ là một vấn đề chính trị, nhưng rõ ràng là có một sự căng thẳng giữa bên chỉ huy của quân đội Nga với Wagner.
RFI : Xin một câu hỏi chót, Blackwater xưa kia là cánh tay nối dài của quân đội Mỹ ở Iraq, Wagner giờ đây hoạt động cho nhà nước Nga ở Ukraine hay Châu Phi. Vậy khi nhân viên các hãng quân sự tư nhân hành hạ tù binh, tra tấn thường dân tại những vùng họ chiếm đóng… trong các cuộc xung đột vũ trang, thì trách nhiệm thuộc về ai ?
Thierry Garcia : Quả thực là quy chế của các hãng quân sự tư nhân không được quy định rõ ràng trong các công ước quốc tế. Những hãng này không bị luật pháp quốc tế ràng buộc. Mỗi quốc gia có trách nhiệm tuân thủ các quyền con người. Các hãng SMP thì không. Thành thử họ toàn quyền hành động trong cái mà tôi gọi là những vùng xám của pháp luật. Những quy định trong tài liệu Montreux năm 2008 chỉ là quy tắc ứng xử, không mang tính ràng buộc và các bên không nhất thiết bắt buộc phải tuân thủ. Đến nay cộng đồng quốc tế không có một khung pháp lý nào đối với các hãng tư nhân này cả. Đấy cũng chính là điểm mà những nước lớn như Mỹ, Anh, hay Nga cảm thấy thoải mái khi sử dụng đến các công ty quân sự tư nhân. SMP là những công cụ để gián tiếp can thiệp vào một cuộc xung đột vũ trang, mà không cần phải huy động quân đội chính quy. Cần nói thêm rằng nhân viên của hãng quân sự tư nhân này được tuyển dụng theo hợp đồng. Những hợp đồng đó thường dao động từ 2 đến 6 tháng và hiếm khi nào hợp đồng được gia hạn trên một năm. Trong trường hợp của Wagner tại Ukraine, không thể kiện Nhà nước Nga về những tội ác lính của Wagner gây ra, bởi phải chứng minh được rằng những người lính này thi hành nhiệm vụ cho chính phủ Nga. Trên thực tế không có giấy tờ chính thức nào cho thấy liên hệ giữa những người lính Wagner với Nhà nước Nga. Cũng rất khó để chứng minh Nhà nước Nga trực tiếp kiểm soát Wagner để từ đó mới có thể kiện Nhà nước Nga về những tội ác ở Ukraine. Đây là điều rất khó để chứng minh về mặt luật pháp quốc tế".
RFI : Chân thành cảm ơn giáo sư Thierry Garcia, luật khoa, Đại học Grenoble Alpes. Ông là tác giả cuốn Les Entreprises militaires et de sécurité privées appréhendées par le Droit (Các công ty quân sự và an ninh tư nhân nhìn dưới góc độ Luật pháp, Nhà xuất bản Mare&Martin, 2017).
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFI, 29/03/2023
Tù hình sự Nga gia nhập Wagner : Kẻ sát nhân thành "anh hùng"
Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, Le Figaro có bài viết về việc tổ chức lính đánh thuê Wagner biến những kẻ phạm trọng tội hình sự đang ngồi tù thành "anh hùng" để tuyên truyền.
Thủ lãnh Wagner Yevgeny Prigozhin dự đám tang của lính đánh thuê tại nghĩa trang Beloostrovskoye, ngoại ô Saint-Petersburg (Nga) ngày 24/12/2022. AP AP
Những kẻ giết người cướp của, buôn ma túy… được vinh danh
Tháng 10/2022, Olga Pavlova, một người về hưu ở Novgorod, tây bắc nước Nga, suýt ngất xỉu khi láng giềng cho coi một video, trong đó bà nhận ra kẻ đã sát hại em mình đi cùng với ba người khác. Tất cả đều là tội phạm hình sự, được đưa ra khỏi nhà tù để tham gia các trận đánh ở Ukraine, đều bị thương tật khi từ mặt trận về, nhưng còn sống và được xóa án, được Yevgeny Prigozhin, ông chủ Wagner hoan nghênh.
Cách đây 10 năm, Stanislav Bogdanov, 35 tuổi đã lạnh lùng hạ sát thẩm phán Sergey Jiganov, 32 tuổi ngay tại nhà ông. Sau khi tra tấn suốt đêm để cưỡng đoạt tiền và mã số các thẻ tín dụng, kẻ thủ ác đã dùng những quả tạ quật ba cú vào đầu nạn nhân để kết liễu. Bị kết án 23 năm tù, nhưng Bogdanov chỉ ngồi tù 10 năm, vì mùa hè vừa qua đã ký hợp đồng 6 tháng với Wagner, được trả lương tháng 200.000 rúp (3.300 euro), gia đình được trả 5 triệu rúp (83.000 euro) nếu chết tại chiến trường. Mất một chân vì đạn pháo tại Luhansk, hắn ta được đưa về Nga và xuất hiện trong một video tuyên truyền, được tặng thưởng "Anh dũng bội tinh" cùng với giấy chứng nhận ân xá.
Theo trang Mediazone, đến tháng 11/2022 có khoảng 30.000 tù nhân trên chiến trường, và tuần trước bộ trưởng quốc phòng Anh nêu ra con số 50.000 lính đánh thuê Wagner. Trong số những tấm bia đỡ đạn, không phải ai cũng may mắn sống sót trở về. Cũng để tuyên truyền, Sergey Molodsov, 46 tuổi, án 11 năm rưỡi vì sát hại mẹ, tham gia Wagner và chết tại Ukraine, đã được chôn cất với vinh dự như một người lính. Quan tài của kẻ sát nhân này được các cựu chiến binh và quân nhân khiêng. Dmitri Menshikov, 31 tuổi, buôn ma túy, được chôn hôm 23/12 tại khu vực dành cho các anh hùng tử sĩ tại nghĩa trang Beloostrovsky ở Saint-Petersburg, với loạt súng và hàng quân danh dự. Chính quyền địa phương ban đầu phản đối, nhưng Yevgeny Prigozhin vận động và giành phần thắng !
Ít có ai công khai chỉ trích, ngược lại có những tiếng nói cho rằng nên cho những cựu tù nhân đã qua chiến đấu được vào đại học không cần thi tuyển, có thể trở thành đại biểu Quốc hội, được giảng dạy ở trường học... Nhà văn Iegor Gran đánh giá đây là hiện tượng "Prigozhin hóa" xã hội Nga.
Ngân sách quốc phòng "thời chiến" : Ấn Độ-Thái Bình Dương được Paris chú ý
Cải cách hưu bổng và ngân sách quốc phòng chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay. Les Echos chạy tựa "Hưu trí : Tác động thực sự của cải cách", Le Figaro nhận thấy "Hưu trí : Macron cố huy động phe mình", "Hưu trí : Những người thiệt thòi lên tiếng" - tựa của Libération. La Croix nói về "Cư ngụ theo một cách khác", mở đầu loạt bài về đề tài biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhà cửa và cách sống như thế nào. Ở các trang trong, chiến sự Ukraine, 60 năm quan hệ Pháp-Đức, tình hình hỗn loạn hậu zero Covid ở Trung Quốc, vai trò đang nổi lên của Ấn Độ là những vấn đề được quan tâm nhất.
Le Monde đưa tít lớn "Quốc phòng : Ngân sách lịch sử 413 tỉ euro". Tờ báo nhận xét đây là "ngân sách cho thời chiến". Trước sự phát triển của các loại hỏa tiễn và đạn thông minh, như chiến trường Ukraine thường xuyên chứng tỏ, Pháp sẽ dành không ít cho hỏa tiễn địa-không, chú trọng chống drone. Paris giảm bớt các hoạt động tại Châu Phi, chống khủng bố. Ngược lại Pháp tăng cường các phương tiện phòng vệ ở lãnh thổ hải ngoại, đặc biệt là ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trước tham vọng Trung Quốc trên một số vùng đặc quyền kinh tế.
Pháp tái vũ trang để đương đầu với các đế chế mới
Les Echos trong bài xã luận "Nước Pháp tái vũ trang" nhận định mục đích của Paris là lại trở thành cường quốc quân sự có thể đương đầu với những đế chế mới. Không chờ đợi một Châu Âu quốc phòng chung - đang phải vất vả lôi kéo Đức, luật kế hoạch quân sự (LPM) 2024-2030 được tổng thống Pháp Emmanuel Macron loan báo hôm thứ Sáu 20/01 đánh dấu một sự chuyển đổi mô hình đối với Pháp lẫn Châu Âu và cả NATO.
Với ngân sách được tăng thêm 1/3 để vượt quá 400 tỉ euro, quân đội Pháp có thể ấp ủ hy vọng tìm lại vị thế trong thập niên 60 : một quân đội hoàn chỉnh, sở hữu sức mạnh nguyên tử thế hệ mới nhất, có thể viễn chinh ở những khu vực xa xôi như Ấn Độ Dương. Cho dù tính cả lạm phát, đây là nỗ lực lớn, hơn cả đề nghị của Bộ Tài chính (375 tỉ euro), khép lại thời kỳ ngân sách quốc phòng bị cắt giảm mạnh từ 2008.
Nguyên thủ Pháp rút được kết luận từ cuộc xâm lăng Ukraine - đã đưa chiến tranh quay lại Châu Âu, đặt thế giới trước mối đe dọa nguyên tử, làm bật lên những khiếm khuyết của tình báo quân sự. Nhưng cuộc chiến này còn bộc lộ những ảo tưởng về quốc phòng Châu Âu dựa trên cặp Pháp-Đức. Những hứa hẹn hợp tác mơ hồ, sự chậm trễ thực hiện kế hoạch chiến đấu cơ tàng hình SCAF và một phi đội hỗn hợp vẫn chưa đủ để che giấu sự thiếu tình liên đới của Berlin với Châu Âu.
Việc Đức từ chối cấp chiến xa Leopard 2 cho Ukraine không gây ngạc nhiên về một láng giềng thích F-35 hơn là Rafale, tung ra sáng kiến quốc tế chống hỏa tiễn đạn đạo nhưng không có Pháp. Với LPM mới, Pháp gởi đi thông điệp cho Châu Âu cũng như Mỹ : các bạn có thể trông cậy vào Paris với tư cách một quốc gia cốt cán của NATO.
Cuộc xâm lăng Ukraine đầu độc quan hệ Pháp-Đức
Le Figaro phân tích "Paris và Berlin trước thách thức của độc dược Nga". Theo đó, cuộc xâm lăng Ukraine là một chất độc đang dần dà tàn phá nước Nga từ bên trong, và nọc độc cũng lan tràn sang Châu Âu, đe dọa cặp Pháp-Đức.
Trong vòng chưa đầy một năm, cuộc chiến đã ăn mòn lớp xi-măng gắn kết hai quốc gia thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Sự lãnh đạo của cặp Pháp-Đức từ đầu cuộc xâm lược đã không còn được Trung Âu và Đông Âu chấp nhận. Đó là do Paris và Berlin vẫn ngần ngại ủng hộ Kiev, nhất quyết duy trì đối thoại với Vladimir Putin. Các nước Đông Âu từng chịu đựng những cuộc tấn công của láng giềng khổng lồ Nga hoặc Liên Xô cũ, đã hoài công cảnh báo về mối đe dọa từ chế độ Putin lên an ninh Châu Âu. Tây Âu vốn thường xuyên giảm nhẹ mối nguy hiểm từ Nga, bất chấp cuộc chiến Gruzia năm 2008 và vụ sáp nhập Crimea năm 2014, vẫn cho rằng có thể giao dịch bình thường.
Sự chia rẽ càng trầm trọng thêm trong 11 tháng qua, thậm chí lên đến cực điểm trước việc thủ tướng Đức khăng khăng từ chối không muốn gởi các xe tăng hạng nặng cho Kiev để đối phó với các cuộc tấn công mới của quân Nga. Nay Châu Âu chia thành hai phe. Phe chủ hòa muốn thương lượng giữa đôi bên, cho dù Ukraine có thể phải từ bỏ chủ quyền một phần lãnh thổ. Phe chủ trương đi đến chiến thắng cho rằng cách duy nhất để tái lập an ninh tại châu lục là áp đặt một sự bại trận toàn bộ cho quân Nga.
Pháp và Đức có những lý lẽ riêng. Paris vẫn tự cho rằng có thể làm trung gian hòa giải, một thế lực "cân bằng" trong số các cường quốc trên thế giới. Từ đầu cuộc chiến, tuy ủng hộ Ukraine nhưng Pháp vẫn ưu tư không muốn "chọc giận" Vladimir Putin để tránh leo thang. Còn Đức thì mô hình phát triển bị lung lay vì cuộc chiến. Cựu tổng thống Pháp François Hollande nhận xét, Đức nghĩ rằng thương mại sẽ dẫn đến hòa bình, rằng toàn cầu hóa giúp các nước xích gần lại với nhau. Với Nga, niềm tin này đã trở thành ảo tưởng. Berlin là nạn nhân của sự chọn lựa sai lầm về dầu khí, trong khi Paris tự cô lập trong nỗ lực hòa giải.
Quân viện : Hai mắt xích yếu Pháp, Đức lại giàu tiềm năng nhất
Cũng như Emmanuel Macron "giúp Ukraine nhưng không đối đầu với Nga", ông Olaf Scholz muốn tránh đối kháng trực diện. Paris tỏ vẻ thông cảm nhưng trong hậu trường thì ngao ngán. Một nhà ngoại giao thổ lộ, Pháp đi bước trước với các xe tăng hạng nhẹ AMX, nghĩ rằng như vậy sẽ thúc đẩy Đức gởi Leopard. Thế nhưng thủ tướng Scholz, bị giằng co trong liên minh, xu hướng chủ hòa và mối quan hệ đặc biệt với Nga, từ chối đưa ra quyết định.
Cả hai nước nay bị coi là mắt xích yếu trong viện trợ quân sự cho Kiev. Nhưng vấn đề ở chỗ, đó cũng là hai quốc gia có thể giúp nhiều nhất. Pháp có quân đội và ngành ngoại giao mạnh mẽ, có vai trò lãnh đạo trong EU. Đức, nhờ trọng lượng kinh tế và các xe tăng Leopard đã bán đi khắp Châu Âu, là chiếc chìa khóa để đẩy nhanh quân viện cho Ukraine.
Các chuyên gia dự báo, cũng như đã từng nhượng bộ về đường ống NordStream 2, Đức cũng sẽ có động thái tương tự với Leopard. Hôm qua tại Paris, ông Olaf Scholz khẳng định "chủ nghĩa đế quốc của Vladimir Putin không thể chiến thắng". Bị Washington hối thúc, theo đà hăng hái của Ba Lan, ông Scholz khó thể mãi là nút chặn. Từ đầu cuộc chiến, hai nước lớn Châu Âu đã dần dà ngả về xu thế của lịch sử, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Các xe tăng Châu Âu có đến kịp để giúp Ukraine kháng cự ? Làm thế nào tránh được sự rạn vỡ giữa Tây Âu và Đông Âu ?
Dân Trung Quốc kiệt lực, bất mãn sau ba năm phong tỏa
Nhìn sang Châu Á, La Croix mô tả "Người Trung Quốc kiệt lực vì ba năm dưới chính sách dịch tễ". Cách đây đúng ba năm, Bắc Kinh áp đặt lệnh phong tỏa cho Vũ Hán, rồi đến ngày 07/12 vừa qua đột ngột hủy bỏ chủ trương zero Covid, làm bùng nổ lây nhiễm. Việc xử lý dịch bệnh tồi tệ đã đè nặng lên tâm lý người dân. Lẽ ra tưng bừng mừng Tết âm lịch sau ba năm phải ở yên một chỗ, phóng viên tờ báo nhận thấy dân Hoa lục mang tâm trạng nặng nề, u uất.
Wang Qu, một người ở Chiết Giang khi về quê cảm thấy thất vọng trước tình trạng thiếu bác sĩ, bệnh viện, nhiều người già xếp hàng ở chùa để xin đông dược hy vọng chữa được Covid. Tại Vũ Hán, một người khác bày tỏ nỗi lo cho các con đã nhiều tháng không được học hành, việc buôn bán đình trệ, và tâm lý thì suy sụp. Ở Trùng Khánh, cô Amy qua điện thoại cho biết trong số bà con, họ hàng, không gia đình nào không có người chết vì Covid, nhất là người cao tuổi. Khoảng 90% bị lây nhiễm, thuốc men khó kiếm... Yang, hướng dẫn viên du lịch ở Quảng Tây thổ lộ chưa thoát khỏi vòng xoáy hỗn loạn, ba năm qua không làm việc được ngày nào, không kiếm được đến một đồng.
La Croix cũng nói về "Sự phẫn nộ của những chiến binh tham gia ‘zero Covid’". Hàng triệu người phụ trách việc xét nghiệm, kiểm soát, công nhân sản xuất bộ xét nghiệm bỗng dưng thất nghiệp. Li Hua, làm việc cho ở Thượng Hải nói với Bloomberg, công ty quản lý những ki-ốt xét nghiệm đã sa thải hầu hết nhân viên, và họ còn chưa được trả lương tháng 11/2022.
Nhiều câu hỏi được đặt ra : Lỗi tại ai ? Các quan chức cao cấp và chuyên gia có tin được không ? Con virus có thực sự vô hại trong khi bệnh viện đầy bệnh nhân, cơ sở hỏa táng quá tải ? Và cuối cùng, ai đã quyết định đột ngột chấm dứt zero Covid ?
Nhìn từ góc độ các doanh nghiệp Pháp, tốt nhất là nên chuẩn bị đối phó với "địa chấn" khi làm việc ở Hoa lục. Le Figaro nhận thấy kỹ nghệ Pháp đã hiểu ra điều đó từ hơn ba năm, những đảo lộn vừa qua ảnh hưởng đến chiến lược của những tập đoàn lớn. Những nhân viên được điều sang cũng không như trước. Đại diện một tập đoàn cho biết : "Cách đây vài năm, làm việc tại Trung Quốc vài năm gần như là bắt buộc đối với các cán bộ quản lý đầy hứa hẹn của tập đoàn. Ngày nay đã trở thành công việc dành cho những nhân viên thích phiêu lưu".
Thụy My
Mỹ đặt công ty Wagner của Nga trong các tổ chức tội phạm quốc tế
Thùy Dương, RFI, 21/01/2023
Sau khi thông tin công ty lính đánh thuê Wagner được Nga công nhận tư cách pháp nhân và được phép tuyển quân tại các nhà tù ở Nga được loan báo, hôm 20/01/2023 Mỹ xếp Wagner vào danh sách các tổ chức tội phạm quốc tế.
Cố vấn An ninh Mỹ trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 20/03/2023, trong đó ông thông báo xếp Wagner là tổ chức tội phạm quốc tế. AP - Evan Vucci
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby, phát biểu với báo giới : "Wagner là một tổ chức tội phạm thực hiện nhiều hành vi tàn bạo và vi phạm nhân quyền". Theo AFP, John Kirby cũng khẳng định Washington sẽ sớm áp dụng các biện pháp trừng phạt khác nhắm vào công ty bán quân sự Wagner.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm chi tiết :
"Quyết định này đã đặt nhóm Wagner ngang ang với mafia hoặc bất kỳ thực thể tội phạm có tổ chức nào khác. Đó là bởi vì công ty do Evgueni Prigojine đứng đầu, hành động giống kiểu như vậy. Vì thế, theo phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, nhóm này sẽ bị đối xử theo cùng cách. Ông nói : "Wagner là một tổ chức tội phạm đã tiến hành nhiều tội ác tàn bạo và vi phạm nhân quyền. Và chúng tôi sẽ làm việc không mệt mỏi để xác định, cản trở, vạch trần và nhắm vào những ai giúp đỡ Wagner".
Theo ông John Kirby, tại Bakhmout và Soledar, theo đúng nghĩa đen, nhóm Wagner đã quẳng nhiều người vào một cỗ máy xay thịt thực thụ nhằm chiếm lấy những thị trấn, vốn dĩ đã trở thành các biểu tượng. Phải nói rằng dĩ nhiên là Wagner không quan tâm đến tất cả người của họ.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói tiếp : "Chúng tôi vẫn nghĩ rằng Wagner hiện có 50.000 người ở Ukraine, gồm 10.000 nhân viên và 40.000 người bị kết án. Thông tin của chúng tôi cho thấy bộ quốc phòng Nga có những ngần ngai về các phương pháp chiêu mộ của Wagner. Thế nhưng, chúng tôi tin rằng có nhiều khả năng Wagner sẽ tiếp tục chiêu mộ từ các nhà tù tại Nga".
Tình báo Mỹ ghi nhận có những căng thẳng ngày càng tăng giữa quân đội Nga và tổ chức bán quân sự. Wagner bị Mỹ tố cáo đang bảo vệ lợi ích của Nga. Hồi đầu tuần này, điện Kremlin đã bác bỏ thông tin nói trên và phát ngôn viên điện Kremlin đã tố cáo đó là trò xảo trá".
Thùy Dương
**********************
Chủ tịch Liên Âu : Phải truy tố Nga phạm "tội ác chiến tranh" khi oanh kích nhà dân ở Dnipro Ukraine
Thùy Dương, RFI, 17/01/2023
Cướp đi mạng sống của 40 người và làm 75 người bị thương, vụ tấn công của quân Nga nhắm vào một tòa nhà dân cư tại Dnipro, Ukraine, là một trong những vụ oanh kích tang thương nhất từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra. Thụy Điển, chủ tịch luân phiên Liên Âu hôm 16/01/2023 tố cáo Nga phạm "tội ác chiến tranh" và tuyên bố các thủ phạm phải bị truy tố.
Một phụ nữ đang phát lương thực và đồ cứu trợ khác cho người dân ở khu nhà bị Nga oanh kích, Dnipro, Ukraine, ngfay 16/01/2023. Reuters - CLODAGH KILCOYNE
Trong khi đó, phát biểu tại La Haye, Hà Lan, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 16/01 cho biết bà ủng hộ việc thành lập một tòa án đặc biệt để truy tố các nhà lãnh đạo Nga. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh "một cuộc chiến tranh xâm lược không thể không bị trừng phạt". Còn tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lưu ý vụ oanh kích tòa nhà dân sự ở Dnipro là một ví dụ mới minh họa cho hành động vi phạm luật chiến tranh.
Nhìn sang Moskva, phải 2 ngày sau vụ oanh kích Dnipro, điện Kremlin mới đưa ra phản ứng. Và vẫn theo thường lệ, Moskva chối bỏ trách nhiệm. Theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin Peskov khẳng định : "Các lực lượng vũ trang Nga không oanh kích các tòa nhà dân sự và các cơ sở hạ tầng dân sự, mà pháo kích các mục tiêu quân sự". Về phía tổng thống Nga, hôm qua, khi điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Vladimir Putin chỉ trích việc phương Tây cung cấp ngày càng nhiều vũ khí cho Kiev.
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ thăm Ukraine
Cũng trong ngày thứ Hai, thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã đến Kiev. Trong thông cáo, phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết thứ trưởng ngoại giao Mỹ đã gặp ông Zelensky và các quan chức cấp cao của Ukraine để "tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và vững chắc của Mỹ dành cho Ukraine và việc Ukraine phòng thủ trước sự gây gấn vô cớ của Nga".
Bà Sherman và phái đoàn Mỹ cũng có cuộc gặp với bộ trưởng quốc phòng Ukraine, Oleksiy Reznikov, để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine củng cố hệ thống an ninh, kinh tế và phát triển quan hệ đối tác thương mại song phương lâu dài.
Thùy Dương
Có khoảng 20.000 lính đánh thuê được cho đang tham chiến với Nga trong cuộc chiến tranh tại Ukraine.
Một lính đánh thuê của Wagner ở vùng Donbas trong khoảng từ năm 2014 đến 2015
Những người lính này thuộc một tổ chức gọi là Tập đoàn Wagner, được sử dụng trong các hoạt động quân sự của Nga trên khắp thế giới.
Tập đoàn Wagner đang làm gì tại Ukraine ?
Các chiến binh của Wagner Group chiếm khoảng 10% lực lượng Nga tại Ukraine, theo chính phủ Anh.
Hàng ngàn người đã được tuyển mộ từ các nhà tù của Nga.
Người đúng đầu Wagner, Yevgeny Prigozhin trong một hình ảnh bị rò rỉ khi phát biểu trước các tù nhân ở Nga
Những người này đang tham gia rất mạnh trong chiến dịch của Nga nhằm chiếm thành phố Bakhmut, ở miền đông Ukraine.
Binh lính Ukraine nói các chiến binh Wagner được huy động cho các cuộc tấn công với số lượng lớn trên nền thực địa mở và kết cục nhiều người đã bỏ mạng.
Quy mô hiện thời của Wagner Group và sự hiện diện công khai tại Ukraine đã cho thấy bước chuyển biến lớn.
Trước khi cuộc chiến tranh Ukraine nổ ra, chỉ có vài ngàn lính đánh thuê. Hầu hết trong số đó được cho là các cựu binh có kinh nghiệm, bao gồm một số từ những trung đoàn tinh nhuệ và các lực lượng đặc nhiệm của Nga.
Giới chức tình báo Anh nói Wagner bắt đầu tuyển mộ số lượng lớn lính đánh thuê sau khi Điện Kremlin gặp trục trặc trong việc huy động đủ binh sĩ nhằm lắp đầy các cấp bậc trong lực lượng quân đội thông thường.
Tập đoàn Wagner cũng công khai mạnh hơn, bao gồm việc mở một tổng hành dinh lớn mới ở thành phố St Petersburg.
"Tập đoàn này hiện đang tuyển mộ công khai tại các thành phố của Nga, qua tấm biển quảng cáo, và được truyền thông Nga gọi là tổ chức yêu nước". Tiến sĩ Samuel Ramani, từ cơ quan nghiên cứu Royal United Services Institute nói.
Tập đoàn Wagner bắt đầu như thế nào ?
Một cuộc điều tra của BBC về Wagner Group cho thấy sự tham gia được cho có liên quan đến vị sĩ quan quân đội Nga, Dmitri Utkin.
Ông ta được cho đã thành lập Wagner và đặt tên cho tập đoàn này với mật danh liên lạc trước đây của chính mình.
Ông ta là một cựu binh trong các cuộc chiến của nga tại Chechnya và "Wagner" từng là mật danh liên lạc qua radio của ông ta.
Tập đoàn Wagner đã mở tổng hành dinh mới ở thành phố St Petersburg (Nga)
Người đứng đầu tập đoàn này hiện là Yevgeny Prigozhin, một doanh nhân giàu có với biệt danh "Tổng quản của Putin" vì cung cấp dịch vụ ăn uống cho Điện Kremlin.
Ông Prigozhin từng bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào với Tập đoàn Wagner, nhưng hiện tuyên bố công khai về các hoạt động của tập đoàn này tại Ukraine.
Chiến dịch đầu tiên của Wagner tại Ukraine là giúp Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Giáo sư Tracey German, chuyên về xung đột và an ninh từ Đại học King's College London cho biết.
Các binh lính đã đổ xuống đường tại Crimea vào thời điểm đó trong đồng phục không mang cấp bậc, được biết đến là "những người đàn ông xanh nhỏ nhắn'.
"Các lính đánh thuê được cho là một số 'người đàn ông xanh nhỏ nhắn' chiếm đóng khu vực"., Giáo sư German nói.
Sau đó, khoảng 10.000 lính đánh thuê từ Wagner Group đã giúp lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tại miền đông Ukraine chống lại quân đội Ukraine.
Trong những tuần trước khi cuộc xâm lược nổ ra, Wagner được cho đã tiến hành các cuộc tấn công "cờ giả" để tạo tiền đề cho Nga xâm lược.
Tập đoàn Wagner còn hoạt động tại nơi nào khác ?
Các lính đánh thuê của Wagner tại Syria
Kể từ năm 2015, Tập đoàn Wagner đã hiện diện tại Syria, chiến đấu cùng lực lượng thân chính phủ và canh gác các mỏ dầu.
Tập đoàn này cũng có mặt tại Libya, hậu thuẫn lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar.
Lực lượng này cũng được sử dụng tại Cộng hòa Trung Phi để canh gác các mỏ kim cương và các mỏ vàng tại Sudan.
Chính phủ Mali, ở Tây Phi cũng sử dụng tập đoàn Wagner để chống các nhóm chiến binh theo đạo Hồi.
Yevgeny Prigozhin được cho kiếm tiền từ các chiến dịch của Wagner ở nước ngoài.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết ông ta đã sử dụng sự hiện diện của tập đoàn này tại nhiều quốc gia như "một vỏ bọc" nhằm làm giàu các công ty khai thác mỏ mà ông ta sở hữu, như M Finans và Lobaye Invest. Mỹ cũng đã đưa các công ty này vào danh sách bị trừng phạt.
Một người phát ngôn không được nêu tên từ Nhà Trắng nói với Reuters là ông Prigozhin có thể muốn Tập đoàn Wagner chiếm được Bakhmut để có thể kiểm soát được các mỏ muối và thạch cao trong khu vực này.
Tập đoàn Wagner bị cáo buộc gây tội ác gì ?
Ba lính đánh thuê của tập đoàn Wagner đã bị các công tố viên Ukraine cáo buộc giết và tra tấn thường dân gần Kyiv vào tháng 04/2022, cùng với binh lính của Nga.
Tình báo của Đức nói các lính đánh thuê của Wagner cũng có thể đã thảm sát dân thường tại thị trấn Bucha vào tháng 03/2022, trong khi lính Nga rút khỏi Kyiv.
Liên Hiệp Quốc và chính phủ Pháp cũng đã cáo buộc các lính đánh thuê từ Wagner hãm hiếp và trộm cắp nhằm vào thường dân ở Trung Phi, và kết quả là EU cũng đã áp các lệnh trừng phạt.
Hồi năm 2020, quân đội Mỹ đã cáo buộc lính đánh thuê từ Wagner cài mìn và các thiết bị nổ tự chế bên trong và xung quanh thủ đô Tripoli của Libya.
Nguồn : BBC, 15/01/2023
Tập đoàn bán quân sự Wagner đã khai trương trụ sở đầu tiên tại Nga hôm 04/11/2022. Vào tháng 9/2022, lãnh đạo Wagner đã xác nhận thành lập tập đoàn bán quân sự vốn hoạt động bí mật từ nhiều năm qua. Wagner bị tình nghi đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các tham vọng quân sự của điện Kremlin bên ngoài lãnh thổ Nga, bao gồm cả ở Ukraine.
Trụ sở của Wagner tại ngoại ô Saint Petersburg, Nga. Ảnh chụp ngày 31/10/2022. AP
Trụ sở của Wagner là một tòa nhà khổng lồ làm bằng kính và kim loại, có nhiều tầng, nằm ở vùng ngoại ô Saint Petersburg. Tòa nhà trông giống như một trung tâm thương mại cực kỳ hiện đại, nhưng trên cánh cửa lại ghi tên Wagner, bằng chữ lớn màu trắng. Như vậy là tập đoàn bán quân sự Nga, hiện diện ở Châu Phi, Trung Đông và dĩ nhiên là cả ở Ukraine, kể từ nay có trụ sở chính thức.
Sau nhiều năm hoạt động ngầm, dường như chiến tranh Ukraine đã thay đổi số phận của Wagner : Vào tháng 9 vừa qua, doanh nhân Yevgueni Prigojin đã công nhận thành lập tập đoàn lính đánh thuê và kể từ đó không ngừng đưa ra lập trường về cuộc xung đột cũng như cách thức tiến hành cuộc chiến Ukraine.
Trung tâm Wagner là trụ sở hành chính, nhưng theo tuyên bố của chủ tập đoàn trong thông báo khai trương, thì đây cũng là nơi đặt văn phòng của các "công ty khởi nghiệp yêu nước". "Nhiệm vụ của Trung tâm sẽ nhằm cải thiện khả năng quốc phòng của Nga". Theo hãng tin AFP, nhiều người mặc quân phục hiện diện trong các hành lang của tòa nhà, nơi tổ chức một cuộc triển lãm giới thiệu các loại drone.
Tuần trước, người sáng lập Wagner tuyên bố "dự kiến mở các chi nhánh mới ở Nga, nếu thử nghiệm thành công".
Chi Phương