Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/01/2023

Điểm báo Pháp - Gia nhập Wagner : kẻ sát nhân trỏ thành "anh hùng"

RFI tiếng Việt

Tù hình sự Nga gia nhập Wagner : Kẻ sát nhân thành "anh hùng"

Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, Le Figaro có bài viết về việc tổ chức lính đánh thuê Wagner biến những kẻ phạm trọng tội hình sự đang ngồi tù thành "anh hùng" để tuyên truyền.

wagner1

Thủ lãnh Wagner Yevgeny Prigozhin dự đám tang của lính đánh thuê tại nghĩa trang Beloostrovskoye, ngoại ô Saint-Petersburg (Nga) ngày 24/12/2022. AP AP

Những kẻ giết người cướp của, buôn ma túy… được vinh danh

Tháng 10/2022, Olga Pavlova, một người về hưu ở Novgorod, tây bắc nước Nga, suýt ngất xỉu khi láng giềng cho coi một video, trong đó bà nhận ra kẻ đã sát hại em mình đi cùng với ba người khác. Tất cả đều là tội phạm hình sự, được đưa ra khỏi nhà tù để tham gia các trận đánh ở Ukraine, đều bị thương tật khi từ mặt trận về, nhưng còn sống và được xóa án, được Yevgeny Prigozhin, ông chủ Wagner hoan nghênh.

Cách đây 10 năm, Stanislav Bogdanov, 35 tuổi đã lạnh lùng hạ sát thẩm phán Sergey Jiganov, 32 tuổi ngay tại nhà ông. Sau khi tra tấn suốt đêm để cưỡng đoạt tiền và mã số các thẻ tín dụng, kẻ thủ ác đã dùng những quả tạ quật ba cú vào đầu nạn nhân để kết liễu. Bị kết án 23 năm tù, nhưng Bogdanov chỉ ngồi tù 10 năm, vì mùa hè vừa qua đã ký hợp đồng 6 tháng với Wagner, được trả lương tháng 200.000 rúp (3.300 euro), gia đình được trả 5 triệu rúp (83.000 euro) nếu chết tại chiến trường. Mất một chân vì đạn pháo tại Luhansk, hắn ta được đưa về Nga và xuất hiện trong một video tuyên truyền, được tặng thưởng "Anh dũng bội tinh" cùng với giấy chứng nhận ân xá.

Theo trang Mediazone, đến tháng 11/2022 có khoảng 30.000 tù nhân trên chiến trường, và tuần trước bộ trưởng quốc phòng Anh nêu ra con số 50.000 lính đánh thuê Wagner. Trong số những tấm bia đỡ đạn, không phải ai cũng may mắn sống sót trở về. Cũng để tuyên truyền, Sergey Molodsov, 46 tuổi, án 11 năm rưỡi vì sát hại mẹ, tham gia Wagner và chết tại Ukraine, đã được chôn cất với vinh dự như một người lính. Quan tài của kẻ sát nhân này được các cựu chiến binh và quân nhân khiêng. Dmitri Menshikov, 31 tuổi, buôn ma túy, được chôn hôm 23/12 tại khu vực dành cho các anh hùng tử sĩ tại nghĩa trang Beloostrovsky ở Saint-Petersburg, với loạt súng và hàng quân danh dự. Chính quyền địa phương ban đầu phản đối, nhưng Yevgeny Prigozhin vận động và giành phần thắng !

Ít có ai công khai chỉ trích, ngược lại có những tiếng nói cho rằng nên cho những cựu tù nhân đã qua chiến đấu được vào đại học không cần thi tuyển, có thể trở thành đại biểu Quốc hội, được giảng dạy ở trường học... Nhà văn Iegor Gran đánh giá đây là hiện tượng "Prigozhin hóa" xã hội Nga.

Ngân sách quốc phòng "thời chiến" : Ấn Độ-Thái Bình Dương được Paris chú ý

Cải cách hưu bổng và ngân sách quốc phòng chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay. Les Echos chạy tựa "Hưu trí : Tác động thực sự của cải cách", Le Figaro nhận thấy "Hưu trí : Macron cố huy động phe mình", "Hưu trí : Những người thiệt thòi lên tiếng" - tựa của Libération. La Croix nói về "Cư ngụ theo một cách khác", mở đầu loạt bài về đề tài biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhà cửa và cách sống như thế nào. Ở các trang trong, chiến sự Ukraine, 60 năm quan hệ Pháp-Đức, tình hình hỗn loạn hậu zero Covid ở Trung Quốc, vai trò đang nổi lên của Ấn Độ là những vấn đề được quan tâm nhất.

Le Monde đưa tít lớn "Quốc phòng : Ngân sách lịch sử 413 tỉ euro". Tờ báo nhận xét đây là "ngân sách cho thời chiến". Trước sự phát triển của các loại hỏa tiễn và đạn thông minh, như chiến trường Ukraine thường xuyên chứng tỏ, Pháp sẽ dành không ít cho hỏa tiễn địa-không, chú trọng chống drone. Paris giảm bớt các hoạt động tại Châu Phi, chống khủng bố. Ngược lại Pháp tăng cường các phương tiện phòng vệ ở lãnh thổ hải ngoại, đặc biệt là ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trước tham vọng Trung Quốc trên một số vùng đặc quyền kinh tế.

Pháp tái vũ trang để đương đầu với các đế chế mới

Les Echos trong bài xã luận "Nước Pháp tái vũ trang" nhận định mục đích của Paris là lại trở thành cường quốc quân sự có thể đương đầu với những đế chế mới. Không chờ đợi một Châu Âu quốc phòng chung - đang phải vất vả lôi kéo Đức, luật kế hoạch quân sự (LPM) 2024-2030 được tổng thống Pháp Emmanuel Macron loan báo hôm thứ Sáu 20/01 đánh dấu một sự chuyển đổi mô hình đối với Pháp lẫn Châu Âu và cả NATO.

Với ngân sách được tăng thêm 1/3 để vượt quá 400 tỉ euro, quân đội Pháp có thể ấp ủ hy vọng tìm lại vị thế trong thập niên 60 : một quân đội hoàn chỉnh, sở hữu sức mạnh nguyên tử thế hệ mới nhất, có thể viễn chinh ở những khu vực xa xôi như Ấn Độ Dương. Cho dù tính cả lạm phát, đây là nỗ lực lớn, hơn cả đề nghị của Bộ Tài chính (375 tỉ euro), khép lại thời kỳ ngân sách quốc phòng bị cắt giảm mạnh từ 2008.

Nguyên thủ Pháp rút được kết luận từ cuộc xâm lăng Ukraine - đã đưa chiến tranh quay lại Châu Âu, đặt thế giới trước mối đe dọa nguyên tử, làm bật lên những khiếm khuyết của tình báo quân sự. Nhưng cuộc chiến này còn bộc lộ những ảo tưởng về quốc phòng Châu Âu dựa trên cặp Pháp-Đức. Những hứa hẹn hợp tác mơ hồ, sự chậm trễ thực hiện kế hoạch chiến đấu cơ tàng hình SCAF và một phi đội hỗn hợp vẫn chưa đủ để che giấu sự thiếu tình liên đới của Berlin với Châu Âu.

Việc Đức từ chối cấp chiến xa Leopard 2 cho Ukraine không gây ngạc nhiên về một láng giềng thích F-35 hơn là Rafale, tung ra sáng kiến quốc tế chống hỏa tiễn đạn đạo nhưng không có Pháp. Với LPM mới, Pháp gởi đi thông điệp cho Châu Âu cũng như Mỹ : các bạn có thể trông cậy vào Paris với tư cách một quốc gia cốt cán của NATO.

Cuộc xâm lăng Ukraine đầu độc quan hệ Pháp-Đức

Le Figaro phân tích "Paris và Berlin trước thách thức của độc dược Nga". Theo đó, cuộc xâm lăng Ukraine là một chất độc đang dần dà tàn phá nước Nga từ bên trong, và nọc độc cũng lan tràn sang Châu Âu, đe dọa cặp Pháp-Đức.

Trong vòng chưa đầy một năm, cuộc chiến đã ăn mòn lớp xi-măng gắn kết hai quốc gia thành viên sáng lập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Sự lãnh đạo của cặp Pháp-Đức từ đầu cuộc xâm lược đã không còn được Trung Âu và Đông Âu chấp nhận. Đó là do Paris và Berlin vẫn ngần ngại ủng hộ Kiev, nhất quyết duy trì đối thoại với Vladimir Putin. Các nước Đông Âu từng chịu đựng những cuộc tấn công của láng giềng khổng lồ Nga hoặc Liên Xô cũ, đã hoài công cảnh báo về mối đe dọa từ chế độ Putin lên an ninh Châu Âu. Tây Âu vốn thường xuyên giảm nhẹ mối nguy hiểm từ Nga, bất chấp cuộc chiến Gruzia năm 2008 và vụ sáp nhập Crimea năm 2014, vẫn cho rằng có thể giao dịch bình thường.

Sự chia rẽ càng trầm trọng thêm trong 11 tháng qua, thậm chí lên đến cực điểm trước việc thủ tướng Đức khăng khăng từ chối không muốn gởi các xe tăng hạng nặng cho Kiev để đối phó với các cuộc tấn công mới của quân Nga. Nay Châu Âu chia thành hai phe. Phe chủ hòa muốn thương lượng giữa đôi bên, cho dù Ukraine có thể phải từ bỏ chủ quyền một phần lãnh thổ. Phe chủ trương đi đến chiến thắng cho rằng cách duy nhất để tái lập an ninh tại châu lục là áp đặt một sự bại trận toàn bộ cho quân Nga.

Pháp và Đức có những lý lẽ riêng. Paris vẫn tự cho rằng có thể làm trung gian hòa giải, một thế lực "cân bằng" trong số các cường quốc trên thế giới. Từ đầu cuộc chiến, tuy ủng hộ Ukraine nhưng Pháp vẫn ưu tư không muốn "chọc giận" Vladimir Putin để tránh leo thang. Còn Đức thì mô hình phát triển bị lung lay vì cuộc chiến. Cựu tổng thống Pháp François Hollande nhận xét, Đức nghĩ rằng thương mại sẽ dẫn đến hòa bình, rằng toàn cầu hóa giúp các nước xích gần lại với nhau. Với Nga, niềm tin này đã trở thành ảo tưởng. Berlin là nạn nhân của sự chọn lựa sai lầm về dầu khí, trong khi Paris tự cô lập trong nỗ lực hòa giải.

Quân viện : Hai mắt xích yếu Pháp, Đức lại giàu tiềm năng nhất

Cũng như Emmanuel Macron "giúp Ukraine nhưng không đối đầu với Nga", ông Olaf Scholz muốn tránh đối kháng trực diện. Paris tỏ vẻ thông cảm nhưng trong hậu trường thì ngao ngán. Một nhà ngoại giao thổ lộ, Pháp đi bước trước với các xe tăng hạng nhẹ AMX, nghĩ rằng như vậy sẽ thúc đẩy Đức gởi Leopard. Thế nhưng thủ tướng Scholz, bị giằng co trong liên minh, xu hướng chủ hòa và mối quan hệ đặc biệt với Nga, từ chối đưa ra quyết định.

Cả hai nước nay bị coi là mắt xích yếu trong viện trợ quân sự cho Kiev. Nhưng vấn đề ở chỗ, đó cũng là hai quốc gia có thể giúp nhiều nhất. Pháp có quân đội và ngành ngoại giao mạnh mẽ, có vai trò lãnh đạo trong EU. Đức, nhờ trọng lượng kinh tế và các xe tăng Leopard đã bán đi khắp Châu Âu, là chiếc chìa khóa để đẩy nhanh quân viện cho Ukraine.

Các chuyên gia dự báo, cũng như đã từng nhượng bộ về đường ống NordStream 2, Đức cũng sẽ có động thái tương tự với Leopard. Hôm qua tại Paris, ông Olaf Scholz khẳng định "chủ nghĩa đế quốc của Vladimir Putin không thể chiến thắng". Bị Washington hối thúc, theo đà hăng hái của Ba Lan, ông Scholz khó thể mãi là nút chặn. Từ đầu cuộc chiến, hai nước lớn Châu Âu đã dần dà ngả về xu thế của lịch sử, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Các xe tăng Châu Âu có đến kịp để giúp Ukraine kháng cự ? Làm thế nào tránh được sự rạn vỡ giữa Tây Âu và Đông Âu ?

Dân Trung Quốc kiệt lực, bất mãn sau ba năm phong tỏa

Nhìn sang Châu Á, La Croix mô tả "Người Trung Quốc kiệt lực vì ba năm dưới chính sách dịch tễ". Cách đây đúng ba năm, Bắc Kinh áp đặt lệnh phong tỏa cho Vũ Hán, rồi đến ngày 07/12 vừa qua đột ngột hủy bỏ chủ trương zero Covid, làm bùng nổ lây nhiễm. Việc xử lý dịch bệnh tồi tệ đã đè nặng lên tâm lý người dân. Lẽ ra tưng bừng mừng Tết âm lịch sau ba năm phải ở yên một chỗ, phóng viên tờ báo nhận thấy dân Hoa lục mang tâm trạng nặng nề, u uất.

Wang Qu, một người ở Chiết Giang khi về quê cảm thấy thất vọng trước tình trạng thiếu bác sĩ, bệnh viện, nhiều người già xếp hàng ở chùa để xin đông dược hy vọng chữa được Covid. Tại Vũ Hán, một người khác bày tỏ nỗi lo cho các con đã nhiều tháng không được học hành, việc buôn bán đình trệ, và tâm lý thì suy sụp. Ở Trùng Khánh, cô Amy qua điện thoại cho biết trong số bà con, họ hàng, không gia đình nào không có người chết vì Covid, nhất là người cao tuổi. Khoảng 90% bị lây nhiễm, thuốc men khó kiếm... Yang, hướng dẫn viên du lịch ở Quảng Tây thổ lộ chưa thoát khỏi vòng xoáy hỗn loạn, ba năm qua không làm việc được ngày nào, không kiếm được đến một đồng.

La Croix cũng nói về "Sự phẫn nộ của những chiến binh tham gia ‘zero Covid’". Hàng triệu người phụ trách việc xét nghiệm, kiểm soát, công nhân sản xuất bộ xét nghiệm bỗng dưng thất nghiệp. Li Hua, làm việc cho ở Thượng Hải nói với Bloomberg, công ty quản lý những ki-ốt xét nghiệm đã sa thải hầu hết nhân viên, và họ còn chưa được trả lương tháng 11/2022.

Nhiều câu hỏi được đặt ra : Lỗi tại ai ? Các quan chức cao cấp và chuyên gia có tin được không ? Con virus có thực sự vô hại trong khi bệnh viện đầy bệnh nhân, cơ sở hỏa táng quá tải ? Và cuối cùng, ai đã quyết định đột ngột chấm dứt zero Covid ?

Nhìn từ góc độ các doanh nghiệp Pháp, tốt nhất là nên chuẩn bị đối phó với "địa chấn" khi làm việc ở Hoa lục. Le Figaro nhận thấy kỹ nghệ Pháp đã hiểu ra điều đó từ hơn ba năm, những đảo lộn vừa qua ảnh hưởng đến chiến lược của những tập đoàn lớn. Những nhân viên được điều sang cũng không như trước. Đại diện một tập đoàn cho biết : "Cách đây vài năm, làm việc tại Trung Quốc vài năm gần như là bắt buộc đối với các cán bộ quản lý đầy hứa hẹn của tập đoàn. Ngày nay đã trở thành công việc dành cho những nhân viên thích phiêu lưu".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 256 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)