Nga tập trận phòng không tại vùng Moskva : Lo ngại thực hay thủ đoạn tuyên truyền ?
Trọng Thành, RFI, 22/01/2023
Bộ quốc phòng Nga hôm 21/01/2023, thông báo tổ chức tập trận phòng không tại vùng Moskva, nằm sát thủ đô Moskva. Chính quyền Nga muốn truyền đi thông điệp tập trận phòng không để bảo vệ "các cơ sở hạ tầng" Nga trong trường hợp xung đột với Ukraina lan rộng.
Tên lửa phòng không S-300 của Nga trong lễ diễu binh tại Quảng trường Đỏ, Moskva, Nga ngày 09/05/2009. RFI
AFP dẫn thông báo của Bộ quốc phòng Nga cho biết : "các cuộc tập trận được tổ chức tại vùng Moskva, với các lực lượng thuộc lữ đoàn tên lửa phòng không của quân khu miền tây, nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công bằng đường không, nhắm vào các cơ sở hạ tầng quân sự, công nghiệp và hành chính". Theo Bộ quốc phòng Nga, tên lửa phòng không S-300 được huy động trong cuộc tập trận này. Tổng cộng hơn 150 binh sĩ và 30 phương tiện quân sự tham gia tập trận, Bộ quốc phòng Nga cho biết thêm. Chính quyền Nga không cho biết cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm nào.
Hôm 20/01, phát ngôn viên điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, từ chối trả lời câu hỏi của báo giới về việc liệu Nga có lo ngại Moskva là mục tiêu tấn công hay không. Trong những tháng gần đây, chính quyền Nga khẳng định đã có nhiều cuộc tấn công của quân đội Ukraina nhắm vào một số tỉnh biên giới, với các hoạt động phá hoại, với drone hoặc bằng hỏa tiễn.
Triển khai phòng không nhằm duy trì "không khí căng thẳng"
Trong những ngày gần đây, có nhiều hình ảnh được lưu truyền cho thấy quân đội Nga triển khai nhiều hệ thống phòng không ngay trên mái của nhiều tòa nhà cao tầng tại thủ đô Moskva. Theo Le Monde, những hình ảnh đầu tiên xuất hiện vào ngày thứ Năm 19/01. Hình ảnh clip cho thấy cả một tên lửa Pantsir S-1 đang được cần cẩu đưa lên trên một tòa nhà văn phòng ở trung tâm thành phố. Tên lửa phòng không cũng được bố trí trên nóc nhà Bộ tổng tham mưu, hay trên một xưởng in… Ít nhất 7 hệ thống phòng không được bố trí trong vòng hai ngày trên các mái nhà và trên mặt đất.
Chính quyền Nga đưa ra các thông điệp trái ngược về việc này. Le Monde dẫn lời nghị sĩ Evgueni Lebedev, ủy ban quốc phòng Hạ Viện Nga, khẳng định các thông tin trên là "dàn dựng, là fake news". Ngược lại, nhiều phương tiện truyền thông nhà nước ở địa phương tiếp tục nêu bật chủ đề này, và đưa thêm nhiều hình ảnh của riêng họ.
Việc để cho không khí mơ hồ bao trùm dường như là chủ trương của chính quyền Nga. Hôm qua, Viện Nghiên cứu chiến tranh ISW, có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhận định rằng việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không ở vùng Moskva và thủ đô Moskva có mục tiêu tạo một không khí "căng thẳng", để tập cho dư luận Nga "quen với một cuộc xung đột lâu dài".
Moskva không công khai xác nhận việc bố trí tên lửa tại trung tâm thủ đô, nhưng ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov hôm 18/01 một lần nữa lên án quân đội Ukraina bố trí hệ thống phòng không ngay trong các khu dân cư.
Trọng Thành
*************************
Các quan chức Mỹ khuyến nghị Ukraine khoan vội tiến công
Reuters, VOA, 22/01/2023
Các quan chức cấp cao của Mỹ đang khuyến nghị Ukraine khoan phát động một cuộc tiến công lớn nhắm vào các lực lượng Nga cho đến khi vũ khí mới nhất mà Mỹ cung cấp đến nơi và việc huấn luyện hoàn tất, một quan chức cao cấp của chính quyền Biden cho biết ngày thứ Sáu.
Binh lính Ukraine lái xe tăng gần thành phố tiền tuyến Bakhmut, ở vùng Donetsk, Ukraine, ngày 20 tháng 1 năm 2023.
Quan chức này, nói chuyện với một nhóm nhỏ các phóng viên với điều kiện ẩn danh, cho biết Mỹ vẫn giữ nguyên quyết định không cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine vào thời điểm này, trong lúc đang có tranh cãi với Đức về xe tăng.
Tổng thống Joe Biden, người đã phê duyệt gói vũ khí mới trị giá 2,5 tỉ đôla cho Ukraine trong tuần này, nói với các phóng viên tại Nhà Trắng, "Ukraine sẽ nhận được mọi sự trợ giúp mà họ cần", khi được hỏi liệu ông có ủng hộ ý định của Ba Lan gửi xe tăng Leopard do Đức sản xuất tới Ukraine hay không.
Các cuộc hội đàm của Mỹ với Ukraine về bất cứ cuộc phản công nào trước giờ vẫn diễn ra trong bối cảnh bảo đảm rằng phía Ukraine dành đủ thời gian trước tiên cho việc huấn luyện với vũ khí mới nhất do Mỹ cung cấp, quan chức này cho biết.
Các quan chức Mỹ tin rằng một cuộc tiến công sẽ có nhiều cơ may thành công hơn nếu phía Ukraine tận dụng được lợi thế của việc huấn luyện và lượng vũ khí mới đáng kể đang đổ vào.
Mỹ ngày thứ Năm thông báo sẽ gửi hàng trăm xe thiết giáp tới Ukraine để sử dụng trong cuộc chiến.
Một phái đoàn cao cấp của Mỹ bao gồm Phó Bộ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jon Finer đã có mặt ở Kyiv trong những ngày gần đây để hội đàm với các quan chức Ukraine.
Washington cho rằng Ukraine đã dốc nguồn lực đáng kể để bảo vệ thành phố Bakhmut nhưng có nhiều phần chắc là Nga cuối cùng sẽ đẩy lùi Ukraine ra khỏi thành phố đó, quan chức này nói.
Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ không dẫn đến bất cứ sự thay đổi chiến lược nào trên chiến trường, quan chức này cho biết.
Theo quan chức này, một điều cần cân nhắc đối với người Ukraine là họ tiếp tục đổ bao nhiêu nguồn lực vào việc phòng thủ Bakhmut vào thời điểm họ đang chuẩn bị cho một cuộc tiến công nhằm đánh bật quân Nga ra khỏi các khu vực mà họ nắm giữ ở miền nam Ukraine.
Các quan chức Mỹ đang làm việc với phía Ukraine về sự đánh đổi này, quan chức này cho biết.
Ở một mặt trận khác, các quan chức Mỹ đang khuyên Ukraine điều chỉnh cách thức tiến hành cuộc chiến của Kyiv thay vì cố gắng đối đầu một chọi một với Nga bằng hỏa lực pháo binh vì cuối cùng Moscow sẽ giành được lợi thế thông qua tiêu hao, quan chức này nói.
Đây là lý do tại sao nguồn cung cấp vũ khí mới nhất của Mỹ bao gồm xe thiết giáp, bởi vì nó sẽ giúp Ukraine thay đổi cách họ tiến hành cuộc chiến, quan chức này nói.
Thời tiết mùa đông bất lợi đã cản trở giao tranh ở tiền tuyến, mặc dù một đợt lạnh làm mặt đất đóng băng và cứng lại có thể mở đường cho một trong hai bên tiến hành một cuộc tiến công bằng thiết bị hạng nặng, Serhiy Haidai, thống đốc khu vực Luhansk của Ukraine, cho biết.
Quan chức này nói Mỹ không có kế hoạch gửi xe tăng Abrams tới Ukraine vào thời điểm này vì chúng rất tốn kém và khó bảo trì.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày thứ Sáu phủ nhận việc Berlin đơn phương chặn việc vận chuyển xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard tới Ukraine nhưng cho biết chính phủ sẵn sàng nhanh chóng gửi chúng nếu có sự đồng thuận giữa các đồng minh.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 22/01/2023
**************************
Vì sao Ukraine muốn có xe tăng Leopard của Đức ?
BBC, 21/01/2023
Các đồng minh phương Tây vẫn chưa nhất trí được về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine sau cuộc họp tại căn cứ không quân Mỹ Ramstein đặt ở Đức hôm thứ Sáu.
Xe tăng Leopard 2A4 của Ba Lan diễn tạp tại thao trường Hohenfels ở Đức tháng 1/2022. Ảnh : US Army.
Đức đã trở thành trung tâm của cuộc tranh luận về xe tăng. Ukraine cho biết họ muốn xe tăng Leopard do Đức sản xuất và xe tăng M1 Abrams của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng mới của Đức, Boris Pistorius, cho biết Berlin sẽ "cân bằng tất cả những ưu và nhược điểm trước khi chúng tôi quyết định".
Trong nhiều tháng, Ukraine đã đòi phương Tây cung cấp hàng trăm xe tăng chiến đấu.
Áp lực đang gia tăng đối với Đức trong việc gửi xe tăng chiến đấu Leopard 2 của mình để giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Berlin cũng cần cho phép thì các quốc gia khác mới có thể gửi vũ khí do Đức sản xuất tới Ukraine.
Bất chấp những lời kêu gọi liên tục về thiết bị quân sự mới từ Kyiv, chính phủ Đức lo ngại những động thái bất ngờ có thể khiến Moscow leo thang xung đột hơn nữa.
Đức đã nói rằng họ sẽ gửi xe tăng Leopard, nếu Hoa Kỳ cũng gửi xe tăng M1 Abrams.
Hoa Kỳ đã từ chối, nói rằng thiết bị của Mỹ rất ngốn xăng nên sẽ không hữu ích trong môi trường của Ukraine.
Leopard 2 có gì hay ?
Leopard 2 do Đức sản xuất là một trong những loại xe tăng chiến đấu nổi tiếng nhất thế giới, có lẽ chỉ đứng sau xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất.
Leopard 2 ban đầu được thiết kế vào những năm 1970 cho quân đội Tây Đức nhằm đối phó với các mối đe dọa của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Chúng được chế tạo để di chuyển nhanh chóng trên nhiều loại địa hình.
Trong số các quốc gia vận hành Leopard 2 có Ba Lan, quốc gia đã cam kết gửi 14 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine nhưng phải chờ sự chấp thuận của Đức mới được thực hiện.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, xe tăng đã trở nên nổi bật trên chiến trường.
Ukraine chủ yếu dựa vào xe tăng T-72 từ thời Liên Xô.
Phương Tây đã cung cấp các phương tiện bọc thép khác và cam kết sẽ gửi thêm, bao gồm xe chiến đấu Bradley và xe chiến đấu Stryker từ Mỹ, và một lô hàng xe tăng Challenger 2 mới được công bố từ Anh.
Nhưng không có chiếc nào kết hợp giữa độ chính xác, hỏa lực và tính cơ động như xe tăng chiến đấu hiện đại do Đức và Mỹ chế tạo.
Chiến thắng lớn nhất của Nga trong cuộc chiến cho đến nay là kiểm soát lãnh thổ Ukraine giữa Donbas và Crimea.
Nga đã kiểm soát Crimea kể từ khi sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.
Trước cuộc xâm lược năm 2022, kết nối duy nhất giữa Crimea với Nga là một con đường dài và cầu đường sắt.
Sau khi Nga chiếm giữ Mariupol và vùng đất xung quanh, các lực lượng Nga về cơ bản đã thiết lập một cây cầu trên bộ từ Nga và vùng Donbas của Ukraine đến Crimea.
Nếu có xe tăng từ phương Tây, Ukraine có thể tạo ra lữ đoàn bọc thép xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga.
Xe tăng có thể cho phép bộ binh hoạt động hiệu quả hơn. Ở địa hình trống trải, xe tăng có thể dẫn đầu, bộ binh bám theo an toàn.
13 quốc gia Châu Âu, bao gồm Ba Lan và Phần Lan, đã sở hữu xe tăng Leopard 2 hiện đại của Đức.
Nguồn : BBC, 21/01/2023