Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/08/2023

Điểm báo Pháp - Nga vẫn đòi Ukraine đầu hàng

RFI tiếng Việt

Các nước phương Nam bàn kế hoạch của Zelensky, Nga vẫn đòi Ukraine đầu hàng

Việc Trung Quốc lần đầu dự hội nghị về chiến tranh Ukraine là thành công ngoại giao của Saudi Arabia, trong cố gắng tập hợp các nước "phương Nam", theo Le Monde ngày 08/08/2023. Kế hoạch hòa bình 10 điểm của tổng thống Volodymyr Zelensky được đưa ra bàn bạc. Nga không được mời, lặp lại rằng chiến tranh chỉ kết thúc khi Kiev đầu hàng.

saudi1

Đại diện của hơn 40 quốc gia trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ trong hội nghị về kế hoạch hòa bình cho Ukraine, tổ chức tại Jeddah, Saudi Arabia ngày 06/08/2023. via Reuters – Saudi Press Agency

40 nước thảo luận về kế hoạch 10 điểm của Zelensky

Le Monde hôm nay chú ý đến việc "Trung Quốc tham gia thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh". Bắc Kinh, luôn bất đồng với các đồng minh của Kiev, đã đáp lại lời mời của thái tử Mohammed Ben Salman dự hội đàm tại Jeddah. Sự hiện diện của một đại diện Trung Quốc tại hội nghị do Saudi Arabia tổ chức với khoảng 40 nước, là một dấu hiệu hòa dịu.

Đây cũng là thành công ngoại giao của quốc gia ả rập, nhân việc xích lại gần với Bắc Kinh cũng như mối quan hệ lâu nay với Nga và Ukraine, đã tập hợp được một nhóm nước đông đảo hơn hội nghị do Châu Âu tổ chức ở Đan Mạch trước đó. Các quốc gia tham dự đồng ý tổ chức những nhóm làm việc về mỗi điểm trong kế hoạch 10 điểm của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Kế hoạch này dự kiến rút toàn bộ quân Nga, trả tự do cho tù binh chiến tranh và những người dân bị đưa sang Nga, tái lập an toàn lương thực và năng lượng, bảo đảm an ninh cho Ukraine.

Nga : Ukraine phải đầu hàng !

Dù quan điểm vẫn còn xa nhau về các điều kiện để kết thúc chiến tranh, sự góp mặt tại Jeddah của các thành viên khác trong nhóm BRICS – Brazil, Ấn Độ và Nam Phi (Nga không được mời) – khiến phương Tây hài lòng. Họ coi sự kiện này khiến Vladimir Putin lại càng bị cô lập, khi ông chủ điện Kremlin đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, không thể đến dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm của BRICS từ 22 đến 24/08 ở Johannesburg (Nam Phi).

Những điểm đồng thuận có thể tìm được tại Jeddah, nhất là những nguyên tắc luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, những nỗ lực để tránh tác hại lên một số nước phương Nam, nhất là an ninh lương thực. Tuy nhiên Trung Quốc nhất định đòi ngưng bắn, điều mà cả Kiev và các đồng minh dứt khoát không chấp nhận. Brazil thì tỏ ý tiếc về sự vắng mặt của Nga. Phía Kremlin luôn nói rằng không thể có hòa đàm nếu Ukraine không chấp nhận "thực tại mới", nghĩa là yêu sách của Nga ở những lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng. Hai ngày sau hội nghị, Moskva tái khẳng định chỉ khi nào Kiev đầu hàng thì mới hết chiến tranh !

Phần Lan quay lưng hẳn với Nga

Cũng liên quan đến Ukraine, trong loạt bài "Ukraine đã thay đổi các láng giềng như thế nào", Les Echos mô tả "Phần Lan trên đường chinh phục phương Tây". Do cuộc xâm lăng Ukraine, Helsinki đã chuyển sang một chương mới trong lịch sử, quay lưng hẳn với Moskva và siết chặt quan hệ với các nước phương Tây nhất là Hoa Kỳ.

Biên giới Phần Lan đã đóng lại từ tháng 9/2022 đối với những người Nga có visa du lịch. Công dân Nga cũng không còn có thể quá cảnh Phần Lan để sang một nước khác, những ai có nhà nghỉ ở Phần Lan phải là sở hữu chủ từ hơn một năm và chứng minh được tính khẩn cấp của chuyến đi. Hồi tháng Sáu, nhiều nhà ngoại giao Nga bị trục xuất vì "hoạt động gián điệp". Ngoại thương với Nga đã giảm đến 82% kể từ đầu cuộc chiến, dầu thô nay được nhập từ Na Uy và kỹ nghệ Phần Lan tìm kiếm khách hàng mới tại Bắc Âu và Trung Âu. Việc gia nhập NATO vào tháng Tư mở ra những cánh cửa mới cho lãnh vực quốc phòng và công nghệ.

Georgia lửng lơ giữa hai dòng nước 

Đối với Georgia (Gruzia), có đến 90% người dân nước này ủng hộ Ukraine vì cùng chia sẻ nỗi đau : một phần năm đất nước bị quân Nga chiếm đóng từ năm 2008. Nước cộng hòa nhỏ bé ở Kavkaz cung cấp số tình nguyện quân ngoại quốc lớn nhất chiến đấu bên cạnh Kiev, lên đến 3.000 người trong đó 50 người đã hy sinh.

Tỉ lệ người tị nạn Ukraine tại đây cũng cao nhất Châu Âu : 25.000 người so với dân số chưa đầy 3,7 triệu. Những lá cờ xanh vàng của Ukraine cũng được những người biểu tình hồi tháng Ba giơ cao bên cạnh quốc kỳ Georgia và Liên Hiệp Châu Âu, cho thấy khát vọng hướng về một phương Tây dân chủ. Một chiếc tàu chở khách du lịch Nga đã phải vội vã rời khỏi khu tắm biển Batumi vào giữa tuần trước vì bị biểu tình phả đối.

Nhưng chính quyền thì có thái độ nhập nhằng, chẳng hạn một chuyến bay chở các chiến binh Georgia sang chiến đấu cho Kiev đã bị ngăn chặn. Và Georgia cũng là nơi giúp Moskva tránh né trừng phạt. Xuất nhập khẩu với Nga tăng gấp đôi trong năm ngoái, lượng dầu lửa mua vào tăng đến 400% để rồi tái xuất sang nước khác. Nga mua được từ Georgia máy giặt, tủ lạnh, đồ chơi trẻ em, ti vi, là những mặt hàng không còn được phương Tây bán cho. Les Echos mỉa mai, đồng tiền thì không có mùi.

Giải pháp nào cho Niger ?

Tại Châu Phi, La Croix tỏ ra lo ngại cho số phận người dân Niger, sau vụ đảo chánh cách đây hai tuần. Đất nước này có thể bị rối loạn với những nhóm thánh chiến bạo lực, căng thẳng giữa các sắc tộc dấy lên trở lại, kinh tế suy sụp. Các nước láng giềng đã đe dọa can thiệp quân sự, nhưng tờ báo lo ngại phương thuốc sẽ còn tệ hại hơn căn bệnh.

Libération nhận thấy "Niger : tập đoàn quân sự không chịu lùi, Cedeao trì hoãn". Cộng đồng Kinh tế các Nhà nước Tây Phi (Cedeao) đưa ra tối hậu thư cho phe đảo chánh đã lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum, đe dọa sử dụng vũ lực. Nhưng đã qua bảy ngày mà phe này không hề tỏ dấu hiệu "tái lập trật tự hợp hiến" như đòi hỏi, mà thậm chí còn không tiếp phái đoàn hòa giải của Cedeao. Phải chăng Cedeao đã đi quá xa ? Giờ đây khó thể nhân nhượng mà không bị mất mặt. Nếu tấn công quy mô trên bộ, sẽ có những thường dân trở thành nạn nhân ; còn việc dùng đặc nhiệm đột kích để cứu ông Bazoum đòi hỏi kỹ năng quân sự rất cao.

Đối với Le Figaro, Niger là một thùng thuốc súng mà người ta không biết làm cách nào dập được ngòi nổ. Tình trạng bất ổn có nguy cơ nhanh chóng lan sang những nước có chính quyền yếu kém khác, làm lợi cho tham vọng bành trướng của quân thánh chiến. Tờ báo cho rằng đây là một thất bại mới của Paris, đã không tìm được cách đối phó với luồng gió độc tuyên truyền nhắm vào Pháp.

Wagner, cánh tay nối dài của Moskva tại Châu Phi

Tình hình Châu Phi không thể không có bàn tay của Nga nhúng vào. Le Figaro giải thích "Nga tiến hành chiến tranh thông tin ở Niger như thế nào : Tin giả, tài trợ cho truyền thông, công ty dư luận viên", trong đó Wagner là nhánh vũ trang đánh dấu cho sự hiện diện của Nga tại Châu Phi.

"Wagner = An ninh, nhân phẩm và sức mạnh !". Câu khẩu hiệu này được giăng lên trong một cuộc biểu tình ủng hộ phe đảo chánh tại sân vận động Seyni-Kountché ở Niamey hôm Chủ nhật, bên cạnh vài lá cờ mang logo Wagner. Công ty của Yevgeny Prigozhin là bằng chứng hiển nhiên cho ảnh hưởng của Moskva tại Châu Phi. Wagner chi tiền cho báo chí Châu Phi và các nhà báo, tài trợ các nội dung mang tính quảng cáo trên mạng xã hội, sử dụng đội ngũ dư luận viên để tung tin giả.

Từ nhiều năm qua, Kremlin xào nấu thông tin, lợi dụng tâm lý chống Pháp để đẩy mạnh tuyên truyền thù địch với phương Tây. Nhà nghiên cứu John Lechner giải thích tại Trung Phi, Wagner sở hữu nhiều đài phát thanh, phương tiện phổ biến để nghe tin tức ở Châu Phi. Ở Burkina Faso, một chiến dịch quy mô nhằm bóp méo thông tin, ủng hộ tập đoàn quân sự đã bắt đầu từ đầu năm nay trên Facebook, và những trang này đến tháng Tư lại đầu tư vào Niger khi một phái đoàn nghị sĩ Pháp thăm Niamey, thủ đô Niger.

Nga ráo riết vận động, từ ngoại giao đến truyền thông

Về mặt ngoại giao, thông qua các đại sứ quán trên khắp lục địa Châu Phi và vô số chuyến thăm của ngoại trưởng Sergey Lavrov kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine, các mạng xã hội và danh khoản YouTube chính thức được huy động hùng hậu để phổ biến những phát biểu chống phương Tây của Putin. Từ khi bị Châu Âu đóng cửa, kênh RT quay sang Châu Phi, một sự hiện diện theo ông John Lechner là "hiệu quả, vì nội dung miễn phí, tại những nước không có nhiều nhà báo độc lập".

Bên cạnh đó còn có những hoạt động kín tiếng hơn. Nhà nghiên cứu Thierry Vircoulon cho biết : "Có nhiều tài phiệt Nga ở Châu Phi, họ có những mạng lưới riêng trong giới kinh doanh và chính khách". Moskva cũng gởi các phái đoàn Chính thống giáo đến Kenya, Burundi, Congo Brazzaville... Cuối cùng, Kremlin có thể trông cậy vào những doanh nhân địa phương lợi dụng luận điệu Nga cho tham vọng chính trị của họ. Chẳng hạn Kemi Seba, một người Pháp gốc Bénin xuất hiện thường xuyên trên RT, hay trên danh khoản Twitter có 200.000 người theo dõi, đả kích "những chư hầu của phương Tây ở Tây Phi".

"Chiến tranh không tuyên bố" của Trung Quốc trên Biển Đông

Nhìn sang Châu Á, nhà nghiên cứu Emmanuel Véron khi trả lời phỏng vấn của Libération đã nhận định về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tuần duyên Philippines ở Trường Sa : "Chiến lược của Trung Quốc là tiến hành chiến tranh không tuyên bố".

Đây là kịch bản cổ điển của Bắc Kinh nhằm lấn chiếm dần vùng biển thuộc chủ quyền của các láng giềng : giương oai diễu võ nhưng không dùng đến vũ khí sát thương. Ở ngoài khơi Philippines, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc tung ra những tàu vũ trang giả danh tàu cá, có thể coi là dân quân biển, trang bị radar, radio, vòi rồng để quấy nhiễu tàu tuần duyên các nước khác.

Trong sự cố vừa rồi, tuần duyên Philippines yêu cầu các dân quân đóng vai ngư dân phải rời khỏi vùng biển, nhưng ở hàng thứ nhì Bắc Kinh cho điều đến phía sau những tàu tuần duyên lớn hơn rất nhiều so với tàu Việt Nam hay Philippines, và hàng thứ ba là những chiến hạm thực sự. Phương pháp này luôn được dùng đến, chỉ khác là tầm cỡ, đôi khi chỉ khoảng 15 tàu được huy động, nhưng có khi lên đến cả trăm chiếc.

Địa Trung Hải nóng lên, rừng Amazon bị đe dọa

Trên lãnh vực môi trường, La Croix chạy tựa "Địa Trung Hải quá nóng" : vùng biển này đạt nhiệt độ kỷ lục trong mùa hè, động vật và thực vật là những nạn nhân đầu tiên. Nhiều loài san hô đỏ, bọt biển và sinh vật giáp xác không chống chọi nổi với sức nóng, ở một số nơi những con cá mú bỏ đi tìm địa điểm khác. Một điều an ủi là ở độ sâu 40 mét, nhiệt độ nước vẫn bình thường.

Tại Châu Mỹ la-tinh, một hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào hôm nay và ngày mai ở Brazil, để tìm cách bảo vệ khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới đồng thời duy trì lợi ích kinh tế. Libération dành trang nhất và hồ sơ cho vấn đề này. Tờ báo giải thích "Vì sao phải bảo vệ Amazon ?".

Trước hết, đây là nơi trữ đến 150-200 tỉ tấn carbone dưới đất và trong cây cối, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định khí hậu cho khu vực và thế giới. Thứ hai, rừng Amazon là "cỗ máy sản xuất đa dạng sinh học", nơi sinh sống của 10% số loài được biết đến trên Trái Đất, đặc biệt 16.000 cổ thụ, có cây thọ được cả ngàn năm tuổi ; 1/5 số loài chim và 1/5 giống cá nước ngọt. Thứ ba, rừng Amazon có trữ lượng nước ngọt chiếm 20% thế giới, và cuối cùng, các nhà khoa học lo ngại sẽ đạt đến điểm không thể đảo ngược được tình hình.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 216 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)