Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/08/2023

Điểm báo Pháp - Chiến tranh Ukraine còn kéo dài

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine còn kéo dài, phương Tây có đủ kiên nhẫn ?

Một cuộc phản công chớp nhoáng đã không diễn ra. Thiếu vắng không lực yểm trợ, trong hai tháng qua, Kiev tái chiếm được 200 kilomet vuông lãnh thổ. Với nhịp độ này, phải mất hơn 60 năm mới tống khứ được quân Nga. Theo Le Figaro ngày 10/08/2023, các đồng minh của Kiev cần phải đẩy nhanh tốc độ và chất lượng vũ khí chi viện, nếu muốn Ukraine chiến thắng.

uk1

Một phụ nữ tìm kiếm vật dụng còn sót lại nơi ngôi nhà đã bị phá hủy sau trận oanh kích của Nga tại Donetsk, ngày 09/08/2023. Reuters – Alexander Ermoshenko

Moskva oanh kích hai lần cùng địa điểm

Le Monde cho biết "tại Pokrovsk ở Ukraine, "địch đã cố tình oanh kích hai lần" chỉ cách nhau vài phút vào một tòa nhà dân và khách sạn kế cận, sát hại 9 người và làm 82 người bị thương, ở thành phố nằm cách tiền tuyến 40 kilomet.

Cậu bé Ilya Myrontsev thuật lại, buổi tối thứ Hai 07/08 khi đang trên đường về nhà thì nghe một tiếng nổ lớn, nên vội nằm rạp xuống đất. Người phủ đầy bụi, Ilya vội vã chạy đến núp sau những chiếc xe hơi thì một hỏa tiễn thứ hai đánh vào khách sạn Drujba ở cách đó vài mét. Nhìn lại, cậu thấy vài chục người đến cứu các nạn nhân nằm la liệt vì vụ nổ thứ hai. Theo người đứng đầu ủy ban quân quản vùng Donetsk, trong số người bị thương có 31 cảnh sát, 7 nhân viên cứu hộ và 4 quân nhân.

Cảnh sát trưởng Ukraine nói, tất cả đã chạy đến để ngay sau vụ oanh kích đầu tiên, "họ biết rằng dưới đống gạch vụn có những người bị thương, cần phải đào bới để cứu các nạn nhân, nhưng địch lại đánh vào lần thứ hai". Tác động của hai hỏa tiễn Iskander làm hai tòa nhà bị sụp đổ một phần, những mảnh kim loại, gạch đá văng xa hàng mấy trăm mét. Được biết nhà hàng pizza của khách sạn bị tấn công là nơi các tình nguyện viên nhân đạo và nhà báo thường lui tới. Moskva nói rằng chỉ nhắm vào một sở chỉ huy quân sự Ukraine. Trước đó hôm 27/06, 13 thường dân đã thiệt mạng trong vụ oanh kích vào nhà hàng Ria Pizza ở Kramatorsk thuộc miền đông Ukraine.

Bakhmut vẫn ác liệt, quân Nga ồ ạt tấn công Kupiansk

Phóng sự của đặc phái viên Le Figaro tả lại cảnh chiếc xe của nhóm quân y chạy trên con đường bụi mù loang lổ đầy mùi thuốc súng với tốc độ 120 km/h, đến địa điểm cách tiền tuyến chỉ 4 kilomet, chờ thương binh được chuyển đến. Họ học theo phương pháp TCCC (Tactical Combat Casualty Care) của Mỹ, nhằm duy trì sự sống cho người bị thương trước khi chuyển đến trạm xá. Trung bình mỗi ngày 7 đến 8 lần, đơn vị chuyển thương binh đi. Khi có những đợt tấn công, đơn vị quân y hầu như không ngủ, thương tích phổ biến nhất là bị cụt chân tay vì mảnh đạn pháo. Một nữ bác sĩ cho biết : "Trong một tháng, tôi đã chuyển 268 bệnh nhân trong đó 95 người không còn có thể đi được".

Le Figaro nhận thấy "Tập trung quy mô gần Kupiansk, quân Nga cố gắng tấn công", và nhìn chung "Từ hai tháng qua, cuộc phản công của Ukraine gần như dậm chân tại chỗ". Để kéo lực lượng Ukraine ra xa khỏi miền nam, Kremlin đã gởi viện quân đến miền bắc, xung quanh Kupiansk, trục đường hậu cần và quân sự quan trọng. Có đến trên 100.000 quân Nga ở vùng Lyman-Kupiansk, trên 900 xe tăng, 550 hệ thống pháo, 370 hệ thống phóng rốc-kết đa nòng.

Các nhà phân tích cho rằng khả năng thứ nhất là Ukraine có thể "đột phá" với sự trợ giúp của lực lượng cơ giới, hoặc quân Nga "kiệt quệ, xuống tinh thần" phải rút lui. Khả năng thứ ba là nỗ lực bền bỉ kéo dài của Kiev có thể tạo ra những lỗ hổng trong phòng tuyến Nga và sau đó xuyên thủng được. Chiến lược đánh chậm này đòi hỏi phương Tây phải hỗ trợ lâu dài.

Chiến tranh Ukraine còn kéo dài, phương Tây có đủ kiên nhẫn ?

Trong bài xã luận về "Cuộc chiến kéo dài đang chờ đợi Ukraine", Le Figaro nhấn mạnh, nếu nhượng bộ Putin, sẽ là một thất bại chiến lược đầy thảm họa cho phương Tây. Một cuộc phản công chớp nhoáng đã không diễn ra. Trong hai tháng qua, Kiev đã tái chiếm được 200 kilomet vuông lãnh thổ. Hãy còn xa để đuổi quân xâm lược khỏi đất nước : Vladimir Putin đã giành được 40.000 kilomet vuông trong cuộc tấn công tháng 2/2022, cộng với 40.000 kilomet chiếm đóng từ năm 2014... Với nhịp độ này, phải mất hơn 60 năm mới tống khứ được quân Nga. Không được không lực yểm trợ, lực lượng Ukraine không thể xuyên thủng được những phòng tuyến địch đã được xây dựng rất kiên cố từ nhiều tháng qua.

Các tướng Nga đã rút ra được bài học từ những sai lầm trong quá khứ, quân địch không vỡ trận như đã hy vọng. Kết quả là bộ tham mưu Ukraine từ bỏ chiến lược tấn công của NATO, quay lại với chiến thuật cổ điển là oanh tạc để cố gắng phá vỡ chuỗi hậu cần của Nga nhắm tạo ra cơ hội. Song song đó, tiếp tục quấy nhiễu các tuyến phòng thủ Nga để tìm ra sơ hở. Trước một cuộc chiến tốn kém có thể kéo dài trong năm 2024, phương Tây có thể làm gì ? Việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine luôn chậm trễ, giúp cho Nga có thể tăng cường và thích ứng việc bố phòng.

Theo Le Figaro, các đồng minh của Kiev cần phải đẩy nhanh tốc độ và chất lượng vũ khí chi viện, gây bất ngờ cho Moskva, nếu muốn trao cho Ukraine phương tiện cần thiết để đột phá ở miền nam, theo hướng Melitopol và Berdiansk. Liệu đó có phải là đòn chí tử cho quân Nga ? Khó thể khẳng định được, nhưng sẽ là một chiến thắng quan trọng cho Kiev để phá vỡ mặt trận, đặt quân địch và thế khó khi mùa đông đến gần và Crimea nằm trong tầm bắn của đại bác Ukraine. Liệu phương Tây có vượt qua được thách thức hay không, khi tương lai của mình đang được đánh cược ở Ukraine.

Cuộc chiến với Nga trên sàn đấu kiếm

Chiến tranh còn diễn ra trên lãnh vực thể thao, được Le Monde tường thuật trong bài "Một cuộc song đấu kiếm nhân danh Ukraine". Ngày 27/07 ở giải đấu thế giới, nữ kiếm sĩ Olga Kharlan đã từ chối bắt tay đối thủ người Nga. Olga Kharlan là vận động viên đầu tiên thi đấu sau khi bộ trưởng thể thao Ukraine Vadym Guttsait rút lại lệnh cấm so tài với người Nga và Belarus.

Đối đầu với cô là Anna Smirnova, vận động viên Nga, trên lưng áo mang ba chữ "AIN" ("athlète individuelle neutre", tức vận động viên thi đấu với tính cách cá nhân, không mang màu cờ quốc gia nào). Bị thua đậm với tỉ số 7-15, Smirnova tiến đến để buộc Kharlan phải bắt tay theo thủ tục. Coi đây là một cái bẫy, vận động viên Ukraine từ chối, giơ kiếm hướng xuống đất theo kiểu vẫn chào thay bắt tay trong đại dịch. Nhưng vận động viên Nga ngồi ăn vạ suốt 45 phút trước ống kính truyền hình cả thế giới để đòi trừng phạt đối thủ.

Kharlan sau đó cho biết cô đã khóc suốt khi bị truất quyền thi đấu. Nhưng rốt cuộc chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế đã đặc cách cho cô được tham gia tranh tài tại Thế vận hội Paris 2024, vì "tình huống đặc biệt". Le Monde cho biết thêm, Olga Kharlan giựt giải từ năm 17 tuổi ở Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, từng bốn lần đoạt chức vô địch thế giới, là ủy viên hội đồng thành phố Kiev. Tháng 10/2022, cô tham gia giải vô địch quốc gia "giữa những tiếng nổ, hồi còi báo động và rốc-kết".

Lạm phát : Người Pháp thắt lưng buộc bụng

Les Echos nhận định từ hai năm qua, vật giá tăng tại Pháp khiến các gia đình phải tiết kiệm tối đa. Doanh số bán thực phẩm bio (hữu cơ) sụt giảm trước tiên, sau đó thịt đỏ bắt đầu nhường chỗ cho các loại thịt trắng và trứng, cũng là nguồn protein nhưng rẻ hơn. Người tiêu thụ cũng ít mua các mặt hàng có thương hiệu của các tập đoàn đa quốc gia, ưu tiên cho hàng mang nhãn siêu thị. Và gần đây các tập đoàn phân phối nhận thấy có đến 1/3 người Pháp mua hàng ít đi, điều này rất đáng ngại vì siêu thị lời ít, chỉ trông vào số lượng.

Trung Quốc bị giảm phát, chuyện gì đã xảy ra ?

Nhìn sang Châu Á, Le Figaro băn khoăn "Trung Quốc bước vào giảm phát, điều gì đã xảy ra với nền kinh tế thứ nhì thế giới ?". Sau một tháng Bảy xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng, Bắc Kinh đang làm mồi cho nạn giảm phát, gây thêm nghi ngờ về khả năng có thể tăng trưởng trở lại.

Trong khi Hoa Kỳ và Châu Âu từ nhiều tháng qua cố gắng đối phó với nạn lạm phát, Trung Quốc phải chống chọi với hiện tượng ngược lại là giảm phát. Thay đổi mang tính biểu tượng đã diễn ra hôm qua : chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,3% trong tháng Bảy, và chỉ số giá sản xuất liên tục giảm suốt 10 tháng, vừa sụt thêm 4,4%. Như vậy Trung Quốc lần đầu tiên từ tháng 2/2021 đã bị giảm phát, hiện tượng đáng lo hơn cả lạm phát. Khủng hoảng địa ốc - lãnh vực chiếm 1/4 GDP Trung Quốc là nguyên nhân chính, theo nhà kinh tế Andrew Batson của Gavekal Dragonomics.

Trung Quốc là nước đầu tiên trong G20 có giá tiêu dùng giảm xuống từ 2021. Các nền kinh tế lớn đều nỗ lực tái thúc đẩy kinh tế trong đại dịch, nhưng Tập Cận Bình ngược lại áp dụng chính sách zero Covid khắt khe. Những biện pháp mới đây nhằm kích thích việc bán xe hơi, hàng điện tử gia dụng không cứu vãn được tình hình, những đầu tàu tăng trưởng cũ như cơ sở hạ tầng không còn tác dụng, 1/5 thanh niên thất nghiệp. Ngoài địa ốc, nhóm nghiên cứu Rhodium còn chỉ ra nhiều khuyết điểm khác như số nợ cao ngất của các chính quyền địa phương và sự lệ thuộc vào xuất khẩu trong khi nhu cầu thế giới giảm xuống.

Chưa kể thái độ hung hăng của Bắc Kinh khiến một số quan chức phương Tây chủ trương "tách bit" vi Trung Quc, đầu tư nước ngoài vào Hoa lc đã gim. Tiêu th ni địa - được cho là động cơ tăng trưởng tương lai - khó th khi sc. Các gia đình "không dám tiêu dùng khi con cái h hc xong không tìm được việc làm, giá trị nhà của họ giảm xuống, lãi tiết kiệm chẳng còn bao nhiêu" - theo Rhodium. Người ta e rằng Trung Quốc bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng chậm, như "những thập niên mất mát" của Nhật Bản - giá tiêu dùng và tiền lương bị trì trệ trong suốt một thế hệ.

Bắc Kinh mất vị trí nhà xuất khẩu số 1, Việt Nam nằm trong số được lợi

Cũng về vấn đề này, Les Echos chú ý đến việc "Trung Quốc bị Canada và Mexico qua mặt về xuất khẩu sang Hoa Kỳ". Hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ đã giảm 25% trong sáu tháng đầu năm nay. Bắc Kinh đã mất đi chiếc vương miện, bị tụt xuống hạng thứ ba : Chú Sam chỉ nhập 203 tỉ đô la hàng Trung Quốc so với 210 tỉ từ Canada và 236 tỉ từ Mexico, theo số liệu công bố hôm thứ Ba 08/08 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Đây là sự kiện mới mẻ, vì cho đến năm ngoái Trung Quốc vẫn giữ được vị trí nhà xuất khẩu hàng đầu sang thị trường Mỹ, như hơn một chục năm qua. Nhiều công ty đã bắt đầu cho sản xuất bên ngoài Hoa lục.

Từ năm 2017, tổng thống Donald Trump đã đặt ra một loạt thuế hải quan đánh vào hàng Trung Quốc để trả đũa việc đánh cắp sở hữu trí tuệ và chèn ép nhà đầu tư. Để phản đối vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Washington còn cấm nhập hàng từ tỉnh này vốn chuyên về bông vải và pin mặt trời. Đại dịch làm xáo trộn chuỗi cung ứng, khiến các nhà sản xuất phải đa dạng hóa nguồn cung. USMCA, hiệp định thương mại có hiệu lực từ 2020 giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada tạo điều kiện cho trao đổi với hai quốc gia láng giềng. Trong bối cảnh xung đột với Bắc Kinh, chính quyền Biden còn đưa ra chính sách "friendshoring" do bộ trưởng tài chánh Janet Yellen và đại diện thương mại Gina Raimondo phụ trách.

Chuyên gia Mary Lovely của PIIE cho biết, không chỉ Canada, Mexico mà cả Hàn Quốc, Nhật Bản cũng được lợi. Washington tỏ ra ưu ái với Ấn Độ, nơi Apple loan báo muốn đặt một phần sản xuất tại đây thay vì hầu như toàn bộ tại Hoa lục như trước. Việt Nam cũng là quốc gia được lợi lớn từ "reshoring" : xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gần gấp đôi từ 2019 đến 2022, đạt 127 tỉ đô la trong năm ngoái. Tổng thống Biden hôm thứ Ba còn nói rằng "sắp tới" ông sẽ thăm Việt Nam với mục đích "thay đổi" mối quan hệ với Hà Nội.

Thụy My 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 147 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)