Nga : Putin xông pha trên mọi mặt trận truyền thông để tái khẳng định quyền lực
Le Monde ghi nhận một hiện tượng khác thường trên truyền thông Nga : Tổng thống Vladimir Putin hiện diện liên tục trên truyền thông kể từ tháng 06, khi có nhiều chỉ trích về sự thất bại của Nga tại Ukraine, và nhất là sau vụ binh biến bất thành của chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner. Đối với Le Monde, dường như chủ nhân điện Kremlin muốn bác bỏ các ngờ vực về sự suy yếu quyền lực và thụ động.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, tiếp lãnh đạo Châu Phi tại thượng đỉnh Saint Petersburg, ngày 28/07/2023. AP - Mikhail Metzel
Theo thống kê của Le Monde, dựa trên thông tin thu thập từ trang web của điện Kremlin, số lần xuất hiện của tổng thống Nga Putin từ tháng 06 tới nay nhiều gấp 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2023. Khác với những hình ảnh thường thấy trước đây, theo đó Putin ngồi một mình hoặc ở đầu một chiếc bàn rất dài rộng, cách rất xa người đối thoại theo kiểu giãn cách xã hội, hoặc chỉ họp trực tuyến từ boongke, từ hai tháng nay Putin liên tục xuất hiện ở những nơi đông người, khoác vai phụ nữ, ôm hôn trẻ nhỏ…
Nói tóm lại, tổng thống Nga tạo cho công chúng cảm giác ông hiện diện khắp nơi. Các bản tin thời sự, chương trình talk-show cho thấy hình ảnh Putin tiếp đón các vị bộ trưởng, thống đốc bang trong văn phòng, trao huân chương, khai trương một tuyến métro ở thủ đô Moskva, phát biểu về đồng rup, thậm chí là cả những phát biểu rất chi tiết về… tiêu dùng cá trong nước.
Le Monde trích dẫn nhiều phát biểu của Putin và xem đó là "những lời hứa trống rỗng". Trong bối cảnh từ vài tháng nay, người dân đã chứng kiến chiến tranh trở lại nước Nga với những tổn thất quân sự, việc động viên bán phần quân dự bị, những vụ oanh kích nhắm vào các vùng lãnh thổ gần biên giới với Ukraine, các vụ phá hoại ngầm, tấn công bằng drone nhắm vào thủ đô Moskva, chủ nhân điện Kremlin lại cho thấy ông điều hành đất nước cứ như thể vẫn đang ở thời chỉ có một "chiến dịch quân sự đặc biệt" được tiến hành ở Ukraine.
Ukraine mừng Ngày Độc Lập với quyết tâm chống Nga không hề suy suyển
Nhìn sang Ukraine, Les Echos quan tâm đến sự kiện hôm 24/08 Ukraine kỷ niệm 32 năm độc lập. Theo thông tín viên Les Echos, Guillaume Ptak, tại Kiev, năm nay là năm thứ hai trong lịch sử, cuộc diễu binh truyền thống trên đại lộ Krechtchatyk tại thủ đô Kiev được thay thế bằng cuộc trưng bày đoàn xe quân sự Nga đã bị các lực lượng Ukraine phá hủy.
Bất chấp những tổn thất quân sự và dân sự, GDP sụt giảm nghiêm trọng, Ukraine vẫn giữ quyết tâm không hề suy suyển về cuộc chiến chống quân Nga xâm lược, dù giận dữ, lo sợ nhưng cũng rất tự hào. Les Echos nhắc lại kết quả cuộc khảo sát tiến hành tại Ukraine hồi tháng 05-06/2023, 89% người được hỏi cho biết muốn đất nước gia nhập NATO, chỉ có 18% chấp nhận Kiev ngừng việc xin gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương để chấm dứt chiến tranh. Chỉ có 4% chấp nhận đổi lãnh thổ lấy hòa bình.
Trong một bài viết khác, Les Echos nhận định là đối với Ukraine, điểm mấu chốt phải là sự thành công của chiến dịch phản công, bởi trên các mặt trận ngoại giao, tài chính và vũ khí, Kiev đều đã có được sự hậu thuẫn vô cùng lớn của phương Tây.
Riêng về viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, không xét về số lượng, chỉ nhìn vào các loại vũ khí, Les Echos tổng kết Ukraine đã có hầu như mọi thứ họ đề xuất : nhiều loại vũ khí hạng nặng, tên lửa Himars, xe thiết giáp hạng nhẹ và hạng nặng, và mới đây nhất là thông báo của Hà Lan và Đan Mạch cấp vài chục chiến đấu cơ Mỹ F-16 cho Kiev. Theo Les Echos, chỉ còn 1 loại vũ khí Kiev chưa được Mỹ đáp ứng là tên lửa ATACMS.
Sẽ không còn nhiều lá bài khác cho Ukraine và cũng rất khó để cô lập hơn nữa nước Nga trên trường quốc tế, thế nên các lực lượng Ukraine phải dồn hết năng lực để phản công thắng lợi. Tuy nhiên, điều đáng ngại, đối với báo La Croix, là cuộc phản công của Ukraine sẽ kéo dài. Xung đột Ukraine có nguy cơ biến thành cuộc chiến "bất tận".
Prigozhin và "một vụ binh biến phải trả giá bằng vụ rơi máy bay"
Khác với Le Monde, Les Echos và La Croix, các báo Le Figaro và Libération đều quan tâm đến vụ tai nạn máy bay tư nhân khiến Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo công ty lính đánh thuê Wagner, và gần một chục người khác, thiệt mạng vào hôm 23/08, tại tỉnh Tver, phía tây bắc thủ đô Moskva. Le Figaro nói về "Bóng dáng của Nga sau cái chết được thông báo là của Prigozhin". Libération, trên nền ảnh chủ nhân công ty lính đánh thuê chiếm trọn trang báo, chạy tựa trang nhất ngắn gọn 3 chữ : "Yevgeny Prigozhin : Crash" (Yevgeny Prigozhin : Máy bay rơi).
Bài xã luận của Libération xem vụ rơi máy bay này là "thông điệp mafia". Libération mỉa mai việc Moskva xem đây là vụ tai nạn cũng chẳng khác gì màn nhân vật Micheal Corleone trong tiểu thuyết "Bố già" cho "xử" một tay chân phản trắc, hay kiểu các quan chức quá liêm khiết ở Nga đột nhiên ngã ra ngoài qua ô cửa sổ để mở, hay các nhà điều tra độc lập bỗng dưng uống phải tách trà độc.
Còn trong chuyên mục Sự kiện, ở bài viết có tiêu đề "Prigozhin và một vụ binh biến phải trả giá bằng vụ rơi máy bay", Libération đặt câu hỏi vụ rơi máy bay này là "tai nạn hay vụ trả thù sau cú nổi loạn ấn tượng" hồi cuối tháng 06/2023 của chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner. Dù đây là một màn kịch hay một "cú dọn dẹp", thanh trừng tàn bạo, theo tờ báo thiên tả của Pháp, vụ việc xảy ra cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Trở lại với Le Monde, tờ báo được phát hành từ đầu giờ chiều hôm qua, trước khi có thông tin về cái chết của Prigozhin, nói về "Prigozhin tái xuất với vũ khí trong tay… tại Châu Phi". Le Monde cũng nhắc lại việc Prigozhin từng xuất hiện trong một bức ảnh được cho là chụp bên lề thượng đỉnh Nga-Châu Phi ở St. Petersburg vào giữa tháng Bảy vừa qua. Bức ảnh không được xác thực một cách độc lập nhưng đặt ra giải thuyết "điện Kremlin không muốn hoặc không thể thiếu Wagner, vốn có nhiều can dự vào Châu Phi", bởi quả thực là "nhóm Wagner có kinh nghiệm lâu năm cả trong việc điều lính đánh thuê, thao túng dư luận và khai thác tài nguyên thiên nhiên".
Đức lại trở thành "con bệnh ở Châu Âu" ?
Về kinh tế, trong khi Les Echos chạy tựa trang nhất "Ngân hàng trung ương các nước lưu ý đến tăng trưởng", đối phó với lạm phát đang ở mức cao, thì bài xã luận của Le Monde dành để nói về kinh tế Đức. Tìm lại sức bật kinh tế là điều khẩn cấp trong bối cảnh nước Đức một lần nữa bị xem là "con bệnh của Châu Âu". Le Monde cho biết, theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, năm nay Đức là nước duy nhất trong khối G7 suy thoái kinh tế.
Nếu so với Pháp thì tỉ lệ lạm phát tại Đức cao hơn so với Pháp. Sản xuất công nghiệp cũng bị suy giảm nghiêm trọng hơn so với Pháp do kinh tế Đức vốn dĩ được công nghiệp hóa nhiều hơn. Sự cạnh tranh, đặc biệt là từ Trung Quốc, trên thị trường xe chạy bằng điện tác động mạnh hơn đến Đức do tầm mức của ngành công nghiệp ô tô. Hậu quả từ thi khủng hoảng Covid-19 và tác động của chiến tranh ở Ukraine đặc biệt ảnh hưởng đến mô hình kinh tế có thế mạnh về xuất khẩu như Đức. Đều được hưởng lợi kinh tế nhiều nhất từ quá trình toàn cầu hóa, nhưng Đức và Trung Quốc lại chính là hai nước gặp khó khăn hơn các quốc gia khác trong việc tái thúc đẩy kinh tế. Thêm vào đó, Đức lại là nước phụ thuộc nhiều nhất vào kinh tế Trung Quốc.
Theo Le Monde, một trong những lý do đáng nói là Đức quá chậm trễ trong trong đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ mang tính đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Một bất lợi khác là về nhân khẩu học : dân số Đức ngày càng già, nhân công khan hiếm.
Về chính trị, ba đảng đang chia sẻ quyền lực ở Berlin kể từ cuối năm 2021 (SPD, đảng Xanh và đảng Tự Do) đều là các đảng thiểu số và ngày càng suy yếu do các cuộc thương lượng không hồi kết. Le Monde kết luận lãnh đạo các đảng này cần vượt qua trở ngại chính trị nói trên thì mới mong lấy lại đà bật và sự năng động cần thiết để tái thiết kinh tế Đức.
Cũng về nước Đức, nhưng trong lĩnh vực xã hội, báo công giáo La Croix đề cập đến việc Berlin muốn tạo thuận lợi về thủ tục chuyển đổi giới tính và đổi tên cho những người đã chuyển giới. Dự luật đã được trình lên Hội đồng bộ trưởng Đức vào hôm qua 23/08 và sẽ được Quốc hội thảo luận sau kỳ nghỉ hè.
El Nino và La Nina kết hợp với biến đổi khí hậu : Mối họa khôn lường
Trong bối cảnh những ngày qua, nắng nóng và cháy rừng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, Le Monde trong bài viết "El Nino, La Nina, những đứa con đáng sợ của khí hậu", đặc biệt lưu ý hiện tượng trái đất nóng lên, kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina, có thể sẽ gây ra những hậu quả khôn lường và có tính tàn phá lớn. Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới, đầu tháng 7/2023, dự báo El Nino xuất hiện sẽ làm tăng sức nóng lên đỉnh điểm ở nhiều vùng trên thế giới và trong đại dương : trung bình tăng thêm 0,2°C. Khí CO2 tăng lên càng làm ảnh hưởng của El Nino và La Nina tăng lên nhiều lần.
Liên quan vụ cháy rừng lớn ở Hy Lạp và ở Canada, báo Le Monde cho biết "các vụ cháy rừng lớn ở Hy Lạp" xảy ra hôm thứ 3 ngày 22/08/2023 làm ít nhất 20 người bị chết, 25.000 người dân phải đi sơ tán. Le Monde cũng lưu ý là ở Canada, "nhiều vụ cháy rừng bất thường bắt nguồn từ sự nóng lên của Trái đất". Có gần 14 triệu hecta rừng Canada đã bị thiêu trụi. Trong 1 báo cáo được công bố ngày 22/08/2023, 16 nhà nghiên cứu về khí hậu, nông lâm, khí tượng… nhận định : "Điều kiện thời tiết khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến các vụ cháy rừng ở những thời gian và không gian khác nhau".
Ngay tại Pháp, nhật báo Libération lại đề cập đến việc đợt nóng kịch điểm làm tăng sự tan chảy của băng trên dãy núi Alpes và Pyrénées. Tại vùng núi Chamonix, nắng nóng làm nhiều tảng đá trên núi nơi vỡ, gây cản trở hoạt động leo núi. Trong đợt nắng và nóng cực điểm, Le Figaro nhắc lại "những bài học rút ra từ đợt nắng nóng lịch sử năm 2003". Tân bộ trưởng Y tế, ông Aurélien Rousseau lưu ý là tình trạng báo động đỏ nắng nóng có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nên cần thận trọng, tránh các hoạt động thể chất và thể thao vào những giờ nắng nóng nhất.
Nhìn sang Úc, cũng theo báo Libération, sau nhiều đợt cháy rừng vào năm 2009 và 2020, để đối phó với nạn cháy rừng, thổ dân Úc đã áp dụng kỹ thuật đốt mà tổ tiên họ đã làm. Đó là kĩ thuật đốt rừng để sau đó đám cháy tự tắt đi. Kỹ thuật này cho phép bảo vệ các thực vật và động vật sống.
Nắng nóng tại Pháp : Điều kiện làm việc của người lao động cần được quan tâm
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng cao độ như hiện nay, được đặt ở cấp báo động đỏ tại 19 tỉnh của Pháp, báo Le Figaro và La Croix đều quan tâm đến điều kiện làm việc của người lao động. Nhật báo Le Figaro nhấn mạnh là để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, đối với những chỗ làm ở không gian khép kín, chủ lao động phải bảo đảm cung cấp nước và không gian làm việc thoáng mát cho nhân công. Một dự luật được đề xuất vào tháng 7, theo đó trong những vùng báo động mức màu da cam, số giờ làm việc trong ngày được giảm xuống còn 6 giờ, người lao động sẽ được nghỉ trong trường hợp báo động đỏ về nắng nóng. Còn theo nhật báo La Croix, nếu không làm việc trong lúc nắng nóng cao độ, nhân công trong ngành xây dựng có thể được hưởng chế độ "thất nghiệp do thời tiết xấu".
Tàu thăm dò đầu tiên của Ấn Độ tới cực nam Mặt Trăng
Liên quan đến lĩnh vực khoa học, các báo Le Figaro và Les Echos có bài viết về tàu thăm dò Chandrayanne-3 của Ấn Độ đáp thành công xuống mặt trăng, ngày h 23/04/2023 lúc 14 giờ 14, giờ GMT. Với thành công này, Ấn Độ đã trở thành một trong 4 cường quốc lớn mạnh trong lĩnh vực không gian, sau Liên Xô trước đây, Mỹ và Trung Quốc. Đây là con tàu đầu tiên tiếp cận gần nhất với cực nam Mặt Trăng, chỉ cách khoảng 600km. Theo New Delhi, đây là thành công của kế hoạch đóng tàu thăm dò "giá rẻ", chỉ khoảng 1,5-2 tỷ euro so với con số 7,1 tỷ euro của Châu Âu và 25,4 tỷ euro của Mỹ.
Tàu Chandrayanne-3 như vậy đã đánh bại tàu Luna-25 của Nga bởi vì Luna-25 đã vỡ tan khi hạ gần xuống bề mặt Mặt Trăng hôm Chủ Nhật 20/08/2023. Đối với Ấn Độ, đây là một vinh quang, còn với Nga đây lại là một thất bại cay đắng. Mỹ, Châu Âu và Nga có kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. Ấn Độ chưa có tham vọng này, nhưng đây là một cơ hội để Ấn Độ hy vọng thực hiện điều đó.
Thùy Dương – Thanh Hiếu