Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/09/2023

Điểm báo Pháp - "Cuộc chiến sinh tồn" của Donald Trump

RFI tiếng Việt

"Cuộc chiến sinh tồn" của Donald Trump

Tình hình chính trị ở Hoa Kỳ, chiến tranh Ukraine, biến đổi khí hậu là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất vào hôm nay 07/09/2023.

trump1

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Atlanta sau khi bị tạm giữ ngày 24/08/2023. © Alex Brandon / AP

Tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận để nói về cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang coi cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 như một "cuộc chiến sinh tồn". Trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông Trump đang tiến hành một "chiến dịch tranh cử" đáng kinh ngạc trong lịch sử của nền dân chủ hiện đại. Bị truy tố với 91 tội danh tại bốn tòa án khác nhau, cựu tổng thống vẫn là ứng viên sáng giá nhất trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa. Những rắc rối với pháp luật đã làm tăng ý định bỏ phiếu cho ông lên 10 điểm kể từ mùa xuân, các đối thủ chính của Trump đang kém ông 40 điểm. Vẫn theo các cuộc thăm dò, ông đang ngang bằng với tổng thống Joe Biden về ý định bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024.

Mặc dù các phiên xử có thể sẽ gây tác động đến việc vận động tranh cử, Donald Trump, cho đến thời điểm hiện tại, đã thành công trong việc biến những rắc rối pháp lý thành một lợi thế không thể bàn cãi. Ông đã huy động được hơn 20 triệu đô la vào tháng 8, đặc biệt với bức ảnh nhận dạng tù nhân. Phí trả cho các luật sư được lấy từ quỹ tranh cử của ông. Không xuất hiện ở những "đấu trường chính trị", ông "tranh cử" và tự biện hộ từ phòng xử án.

Nhật báo thiên hữu nhận định rằng dường như không có ranh giới nào mà Donald Trump không dám vượt qua. Ông xúc phạm các thẩm phán, phát tán những lời dối trá, và dường như các biện pháp này mang lại hiệu quả, khi tỷ lệ những người ủng hộ ông không hề thuyên giảm, và thậm chí còn tăng. Tuy nhiên, những người dân "thấp cổ bé họng" ủng hộ ông dường như phải chịu những kết cục không mấy suôn sẻ. Đã có hơn một nghìn người bị xét xử về vụ nổi loạn ở điện Capitol vào ngày 06/01/2021. Các thủ lĩnh của nhóm dân quân cực hữu Proud Boys phải lĩnh từ 10 đến 22 năm tù vì đã điều khiển từ xa cuộc tấn công vào tòa nhà Quốc hội.

Những bản án này báo trước những gì cựu tổng thống sẽ phải đối mặt nếu ông bị kết án về những tội danh tương tự. Do vậy, Donald Trump "không sai" khi coi cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo là "cuộc chiến sinh tồn". Le Figaro kết luận : ngay cả khi Trump giành chiến thắng, đảng Cộng hòa cũng sẽ bị suy yếu, chưa kể đến nền dân chủ Hoa Kỳ.

Đảng Cộng Hòa muốn phế truất tổng thống Biden

Vẫn tại Hoa Kỳ, Le Figaro nói về việc đảng Cộng hòa đang tìm cách phế truất tổng thống Joe Biden. Được đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ như một giải pháp cuối cùng, việc luận tội và phế truất tổng thống đang trở thành một vũ khí chính trị giống như bất kỳ biện pháp nào khác. Sau hai nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm luận tội Donald Trump vào các năm 2019 và 2021, đã được Hạ Viện thông qua, nhưng Thượng Viện bác bỏ, giờ đây, đảng Cộng hòa đang muốn "phục thù", dùng biện pháp tương tự đối với ông Biden.

Nhóm cực đoan của đảng Cộng hòa tại Quốc hội đang nung nấu ý định mở thủ tục luận tội tổng thống Dân Chủ, mà họ cáo buộc tham nhũng. Đồng thời, nhóm dân biểu này đe dọa sẽ không bỏ phiếu ủng hộ dự luật cắt giảm ngân sách mà Quốc hội phải thông qua trước ngày 30/09 để chính phủ liên bang không bị vỡ nợ.

Marjorie Taylor Greene, dân biểu Hạ Viện đảng Cộng hòa tại bang Georgia và là một trong những nhân vật cực đoan nhất của đảng, cách đây vài tuần đã cảnh báo trước Quốc hội rằng bà sẽ chỉ bỏ phiếu cắt ngân sách chính phủ một khi đã bỏ phiếu mở cuộc điều tra luận tội Biden.

Những nhân vật cực đoan này được Donald Trump khích lệ một cách công khai. Cựu tổng thống, bị truy tố trong bốn vụ án riêng biệt, tố cáo đảng Dân chủ sử dụng tư pháp như một công cụ chính trị, giờ đây kêu gọi đảng Cộng hòa thực hiện các biện pháp tương tự đối với Joe Biden. "Lũ khốn này (đảng Dân chủ) đã truy tố tôi bốn lần. Hoặc mọi người truy tố kẻ khốn này (Joe Biden), hoặc mọi người sẽ rơi vào quên lãng", Donald Trump phản ứng như vậy trên mạng xã hội Truth Social của ông.

Ngoài ra, đảng Cộng hòa cũng khẳng định có bằng chứng cho thấy Joe Biden dính líu đến các thương vụ làm ăn đáng ngờ của con trai ông, Hunter Biden. Nhân vật này bị cáo buộc dùng ảnh hưởng của cha phục vụ việc làm ăn cá nhân. Các email thu được từ máy tính cá nhân của Hunter Biden, đi kèm với lời khai của một cựu cộng sự của anh, cho thấy rằng người cha đã từng thảo luận với con trai về những thương vụ làm ăn đáng ngờ này. Đồng thời, một số nhân viên làm việc trong cơ quan thuế Hoa Kỳ cũng nhận định rằng cuộc điều tra về Hunter Biden đã bị bộ Tư Pháp cố tình làm đình trệ.

Nhiệm vụ khó khăn của những lính rà phá bom mìn Ukraine

Về chiến tranh Ukraine, tờ Le Monde dành trang nhất cho các binh lính rà phá bom mìn của Ukraine. Đó là một đêm tháng 7, có ba hoặc bốn lính rà phá bom mìn và rất nhiều trinh sát Ukraine "bò" về phía ngôi làng Piatykhatky bị quân đội Nga chiếm đóng ở vùng Zaporijjia, phía nam Ukraine. Vào lúc bình minh, một hành lang hướng tới các vị trí của quân địch đã được dọn sạch mìn : quân Ukraine có thể tiến vào và chiếm lại ngôi làng này. Bogdan, 48 tuổi, chuyên gia rà phá bom mìn của lữ đoàn 128, thuật lại rằng quân đội Nga đã chuẩn bị cho một chiến dịch đối phó với các thiết bị hạng nặng như xe bọc thép và một đội quân hùng hậu. Do đó, "chiến dịch âm thầm" này đã khiến Nga bị bất ngờ.

Đối với bộ tham mưu ở Kiev, bước đột phá xung quanh Piatykhatky, tuy khiêm tốn, nhưng lại là một trong những bước tiến quan trọng trong cuộc phản công của Ukraine. Trái với dự đoán, hầu hết các cuộc phản công của Ukraine ở phía nam đều giành thắng lợi, những khu vực mà thiết bị hạng nặng của phương Tây, những thứ mà Kiev đang muốn nhận thêm, không được sử dụng. Do đó, một số tiểu đoàn đã được lệnh "để dành" những vũ khí hạng nặng và ưu tiên triển khai các đơn vị nhỏ, được hỗ trợ bởi các đội rà phá bom mìn.

Kể từ đó, cuộc phản công trở thành một cuộc hành quân chậm chạp, giữa đồng bằng trống trải và không có nơi để ẩn náu. Vào ngày 29/08, việc Ukraine tuyên bố giải phóng Robotyne, một ngôi làng khác trong khu vực Zaporijjia, thể hiện một bước đột phá thực sự vào tuyến phòng thủ của Nga. Giờ đây, trở ngại chính trong cuộc phản công của Ukraine là các bãi mìn.

Đối với những người làm nhiệm vụ rà phá bom mìn, các binh lính phải rời trại vào khoảng 2 giờ 30 sáng, để tới được vùng xám vào lúc bình minh. Đó là khoảng thời gian rất đặc biệt giữa đêm và ngày, khi quân địch bị "mù" : quá sáng để sử dụng kính nhìn ban đêm, nhưng không đủ sáng để bị drone phát hiện. Đi khom người, đôi khi bò trườn, đặc công Ukraine không rời mắt khỏi mặt đất. "Chúng tôi nhìn xuống đất, và chỉ nhìn xuống đất, điều đó rất quan trọng. Đôi khi có tiếng súng nổ từ các trạm canh gác của Nga. Điều quan trọng là không bắn trả. Quân địch có thể bắn ngẫu nhiên, chỉ để kiểm tra", Bogdan nói.

Nga bắt giữ những "kẻ khủng bố" trẻ tuổi

Trang nhất của Le Monde cũng chú ý đến một chàng trai trẻ bị cảnh sát Nga bắt sau khi định phóng hỏa một văn phòng tuyển quân. Xuất thân từ một gia đình Nga "không quan tâm đến chính trị", chàng trai Egor Balazeykin, 16 tuổi, đã trở thành một nhà hoạt động phản đối chiến tranh sau cái chết của người chú ở mặt trận Ukraine. Bị bắt vào tháng 2 sau khi ném bom xăng vào một cơ sở tuyển quân ở Kirovsk, Egor đang bị giam giữ và chờ xét xử với tội danh "âm mưu tấn công khủng bố".

Bố mẹ Egor được thông báo về việc con trai bị bắt vào tối muộn ngày 28/02. Một nhân vật khả nghi đã bị phát hiện ở gần văn phòng tuyển quân ở Kirovsk, cách Saint Petersburg một tiếng lái xe. Cảnh sát nhận định rằng dường như đã có ai đó toan đốt tòa nhà, khi phát hiện một chai thủy tinh bị vỡ với những chất gây cháy được tìm thấy ở gần đó. Một chiếc xe cảnh sát đã phát hiện ra Egor, đang đợi lên xe buýt để về nhà.

Kể từ đó, Egor bị nhốt tại trung tâm giam giữ tạm thời dành cho trẻ vị thành niên ở Saint Petersburg. Ngay từ phiên thẩm vấn đầu tiên, Egor đã không che giấu động cơ của mình : "Tôi phản đối chiến tranh, tôi không muốn binh lính tiếp tục bỏ mạng ở Ukraine".

Ngoài ra, Egor bị thẩm vấn mà không có sự có mặt của cha mẹ, không luật sư. Đó là hành động bất hợp pháp, nhưng nó cho phép các điều tra viên buộc Egor nhắc lại những câu "họ muốn nghe". Đúng vậy, bằng hành động của mình, Egor Balazeïkine đã vi phạm Hiến pháp của Liên Bang Nga. Lời khai này đã thay đổi tội danh của Egor. Thay vì chỉ là "tìm cách làm tổn hại tài sản Nhà nước", Egor sẽ bị xét xử với tội danh "âm mưu tấn công khủng bố".

Egor Balazeïkine không phải là "kẻ khủng bố" nhỏ tuổi duy nhất ở Nga. Đã có vài nhân vật trước chiến tranh, như Nikita Ouvarov, bị bỏ tù ở tuổi 14 vì đã tỏ ý định cho nổ tung bản sao của tòa nhà Tổng cục An ninh Liên Bang Nga (FSB) trong một trò chơi điện tử. Hiện nay, tại Nga, có hàng chục thanh niên bị buộc tội hoặc bị kết án đốt các cơ sở hạ tầng đường sắt hoặc văn phòng tuyển quân.

"Đại khủng hoảng về khí hậu đã bắt đầu"

Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération thì chú ý đến vấn đề môi trường. Mọi người đã quá quen thuộc với những cảnh báo về tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, hôm qua, 06/09, đã nhắc lại rằng "đại khủng hoảng về khí hậu đã bắt đầu" sau khi đài quan sát khí hậu Châu Âu, Copernicus kết luận rằng các tháng 6, 7 và 8 vừa qua là "3 tháng nóng nhất trong khoảng 120.000 năm qua, tức là kể từ khi lịch sử loài người bắt đầu". Rất có thể năm 2023 sẽ "soán ngôi" năm 2016 để trở thành năm nóng kỷ lục.

Nhật báo thiên tả chú ý đến việc các quốc gia trên thế giới giờ đây phải đồng lòng trong việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tại hội nghị G20 khai mạc vào cuối tuần này ở Ấn Độ, chủ đề này chắc chắn sẽ được nêu ra, nhưng liệu các bên có đạt được thỏa thuận nào không ? Trong cuộc trò chuyện với một Youtuber hôm 04/09, tổng thống Emmanuel Macron đã khẳng định Pháp không thể một mình giải quyết vấn đề này, rằng tất cả các nước phải đồng lòng, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Quan hệ Nga – Armenia lục đục

Nhật báo công giáo La Croix có bài viết về quan hệ giữa Armenia và Nga đang căng thẳng. Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo La Repubblica của Ý, thủ tướng Armenia Nikol Pashinian đã chỉ trích các binh sĩ Nga được triển khai tại Nagorno-Karabakh về việc không bảo đảm việc lưu thông ở hành lang Lachin, con đường duy nhất nối Armenia với khu vực ly khai này của Azerbaijan. Ngoài ra, thủ tướng Pashinian cũng muốn giữ khoảng cách với Nga và bày tỏ mong muốn đa dạng hóa quan hệ đối tác an ninh.

"99,9% kiến trúc quân sự của Armenia dính líu đến Nga, đặc biệt trong việc cung cấp vũ khí và đạn dược. Nhưng giờ đây, Nga cần vũ khí và đạn dược cho chính bản thân và họ sẽ không thể cung cấp cho chúng tôi ngay cả khi họ muốn", thủ tướng Armenia phát biểu, ám chỉ đến cuộc chiến ở Ukraine.

Về phần mình, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã có phản ứng : "Chúng tôi không thể đồng tình với các luận điểm của thủ tướng Armenia. Nga tiếp tục đóng vai trò là một quốc gia bảo đảm an ninh trong khu vực".

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 274 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)