Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/06/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Chính quyền Venezuela hoảng sợ

RFI tiếng Việt

Vụ tấn công Tòa án Venezuela : Chính quyền hoảng sợ

Thời sự nước Pháp với những quyết định đầu tiên của chính phủ về cải cách Luật lao động, quyết định triệu tập Quốc hội lưỡng viện tại Versailles của tổng thống, ngay trước phiên họp khai mạc Quốc hội mới, gây tranh luận, là các chủ đề trang nhất của nhiều nhật báo hôm nay. Về thời sự quốc tế, Le Figaro có bài "Chính quyền Venezuela trong cơn hoảng sợ" lý giải nguyên nhân vụ trực thăng cảnh sát thả lựu đạn xuống trụ sở Tòa án tối cao, khiến căng thẳng tại Venezuela tăng thêm một nấc.

vene1

Viên sĩ quan cảnh sát Venezuela, Oscar Perez, người lái trực thăng tấn công Tòa án tối cao. Ảnh chụp tại Caracas, ngày 01/03/2015. Reuters

Chiếc trực thăng cất cánh từ một căn cứ quân sự ở miền trung. Tiếp theo Tòa án tối cao, đích ngắm là Bộ ngoại giao. Chiếc trực thăng sau đó đã bình yên hạ cánh tại một căn cứ khác gần thủ đô. Le Figaro dẫn lời một chuyên gia về quân đội Venezuela, ông San Miguel, theo đó, chắc chắn vụ này không hề liên hệ gì với một âm mưu đảo chính.

Trong khi đó, người lái trực thăng, thành viên của một đơn vị cảnh sát điều tra, đã công bố lên mạng 5 đoạn video để giải thích về ý nghĩa hành động. Theo viên phi công, hành động này là nhằm chống lại "chính phủ tham nhũng", và đứng đằng sau ông là một "liên minh gồm các công chức quân sự, chính trị và dân sự", có quan điểm "dân tộc chủ nghĩa, yêu nước và tôn trọng Nhà nước". Mục tiêu của nhóm là tìm kiếm một thế cân bằng mới cho Venezuela, chống lại "chính phủ chuyển tiếp mang tính tội phạm" hiện nay.

Trong bối cảnh căng thẳng kéo dài từ đầu tháng Ba đến nay, với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra hầu như hàng ngày, đối lập có phản ứng rất thận trọng về vụ trực thăng tấn công Tòa án.

Đồng chí của tổng thống Maduro muốn làm "Perestroika"

Tổng thống Maduro tỏ ra rất lo ngại về vụ tấn công, ra lệnh cho các lực lượng đặc nhiệm vây bắt thủ phạm, đồng thời lên án một cựu bộ trưởng (ông Miguel Rodriguez Torres) đứng sau vụ này. Thế nhưng, vẫn theo chuyên gia San Miguel, nhân vật bị lên án nói trên vẫn bình yên vô sự, và điều này là "đáng ngạc nhiên !".

Theo Le Figaro, nguyên nhân sâu xa của vụ tấn công nhằm vào Tòa án tối cao và Bộ ngoại giao Venezuela xuất phát từ sự bất bình của một bộ phận lớn trong quân đội, bất bình bùng lên với chủ trương tổ chức Quốc hội Lập Hiến của tổng thống Maduro. Chủ trương bị chính tổng chưởng lý, người được coi là cùng phe với tổng thống Maduro kiện lên Tòa án tối cao.

Những người phản đối ông Maduro – vốn thuộc đảng cầm quyền - cho rằng đương kim tổng thống đã phản lại nguyên tắc dân chủ, được thiết lập dưới thời cố tổng thống Chavez. Phe này tố cáo, kể từ khi lên nắm quyền năm 2013, ông Maduro đã "đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác". Đây là lúc cần phải tiến hành một cuộc "Perestroika", để quyền hành được giao phó cho một đảng khác, trung thành với cố tổng thống Chavez.

Quan hệ Paris – Washington ấm lại nhân ngày Quốc Khánh Pháp 14/7

Bài "Donald Trump trên đại lộ Champs-Elyséees ngày 14/7" trên La Croix dẫn lại thông báo của Elysée cho biết ngày hôm qua, tổng thống Mỹ đã nhận lời mời của nguyên thủ Pháp, được gửi đến hôm trước. La Croix nhận xét : "Sau những trao đổi khá cứng rắn giữa lãnh đạo hai nước (đặc biệt liên quan đến việc tổng thống Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận Khí hậu Paris - người viết), sự hiện diện của tổng thống Mỹ tại quảng trường Concorde trong ngày Quốc Khánh với cuộc duyệt binh truyền thống có vẻ như là một thành công ngoại giao gây ấn tượng của tân tổng thống Macron", tiếp theo cuộc thượng đỉnh với tổng thống Nga Putin, được tổ chức tại lâu đài Versailles hồi tháng trước.

Vẫn theo phủ tổng thống Pháp, các binh sĩ Hoa Kỳ sẽ tham gia lễ duyệt binh, đây cũng là dịp đánh dấu 100 năm ngày quân đội Mỹ tham gia Thế chiến thứ nhất.

Le Monde chú ý đến cuộc điện đàm hôm thứ Ba, 27/06, giữa hai tổng thống, với chủ đề chính là biện pháp đối phó chung, nếu chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Rút kinh nghiệm can thiệp của Mỹ hồi tháng 4, Washington chỉ thông báo cho Paris vài giờ trước đó, quá muộn để Pháp tham gia. Tuy nhiên, thách thức chủ yếu trong hồ sơ này là cần phải có được các tin tức tình báo chính xác.

Theo Le Monde, chính quyền Damascus rất có thể đã cất giấu kỹ lượng vũ khí hóa học chưa bị phá hủy. Bên cạnh đó, vấn đề cũng phức tạp hơn liên quan đến khí chlore. Theo Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OIAC), loại hóa chất này tuy bị cấm dùng trong chiến tranh, nhưng lại không bị cấm sở hữu, và ít nhất trong hai năm gần đây, Damascus đã nhiều lần dùng khí này.

Thượng đỉnh Mỹ - Hàn : Moon Jae-in tránh chọc giận Donald Trump

Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp chú ý đến cuộc thượng đỉnh Hoa Kỳ - Hàn Quốc, diễn ra hôm nay và ngày mai, thứ Năm 29 và thứ Sáu 30/06. Les Echos có bài "Thượng đỉnh Mỹ - Hàn căng thẳng". Nguyên do là sự khác biệt lớn trong cách ứng xử với Bắc Triều Tiên.

Cho đến gần đây, đối thoại với Bắc Triều Tiên là quan điểm chủ đạo của cả tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cũng như tổng thống Mỹ Donald Trump. Năm 2016, ứng cử viên tổng thống Mỹ từng tuyên bố sẵn sàng mời Kim Jong-un ăn hamburger. Ông Moon Jae-in cũng tuyên bố có thể đích thân đến Bình Nhưỡng để đối thoại.

Việc Bắc Triều Tiên tăng cường chương trình vũ khí hạt nhân, nhất là cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier, bị giam cầm trong những điều kiện khủng khiếp, khiến mọi ý tưởng tổ chức thượng đỉnh Liên Triều trở nên không thể chấp nhận được với Mỹ, theo một chuyên gia Viện tư vấn Asean Institute for Policy Studies, Seoul. Washington cũng rất bực bội trước việc tổng thống Hàn Quốc ngăn cản một phần việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Phe bảo thủ Mỹ cáo buộc Seoul đang làm suy yếu liên minh Mỹ-Hàn.

Theo Les Echos, các nhà ngoại giao Hàn Quốc đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng cuộc thượng đỉnh Mỹ-Nhật mới đây - được đánh giá là một "thành công lớn". Các cố vấn của tổng thống Hàn Quốc phải tư vấn cho ông Moon Jae-in cần phải chú ý trước hết làm sao để tổng thống Mỹ không tự ái, thì mới tránh bất đồng bùng phát thành xung đột.

Bắc Triều Tiên : Bắc Kinh có cấm vận dầu mỏ ?

Trong khi đó, vòng vây siết lại với Bắc Triều Tiên. Vẫn theo Les Echos, Trung Quốc có thể đã bắt đầu đình chỉ việc cung cấp xăng dầu cho Bình Nhưỡng. Trong hai tháng vừa qua, giá xăng tại quốc gia thuộc loại nghèo nhất hành tinh này đã trở nên đắt hàng đầu thế giới. Theo các chuyên gia, việc giá cả tăng vọt có thể bắt nguồn từ thông tin về khả năng Bắc Kinh cấm vận dầu mỏ với Bình Nhưỡng.

Theo một chuyên gia viện Asean Institute for Policy Studies, cũng cần thận trọng trước viễn cảnh Bắc Kinh cấm vận dầu mỏ, bởi hai lý do. Thứ nhất là buôn lậu qua biên giới với Trung Quốc và Nga chiếm một tỉ trọng lớn trong thương mại biên giới. Thứ hai là Trung Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Bắc Kinh vẫn tìm mọi cách để tránh cho chế độ Bình Nhưỡng trở nên quá suy yếu do các trừng phạt.

Tấn công tin tặc : 240.000 máy tính nạn nhân

Hôm thứ Ba và hôm qua, thế giới một lần nữa lại rúng động bởi một cuộc tấn công tin tặc quy mô lớn. Mục tiêu là hàng loạt doanh nghiệp lớn tại Ukraine, Ấn Độ, Mỹ, Úc, Tây Ban Nha và cả Pháp... Theo La Croix, thủ phạm là virus Petya, một loại mã độc tống tiền. Một khi đã xâm nhập, loại virus này có thể lan truyền đi trong toàn hệ thống, không cần bất cứ can thiệp nào khác.

Tại Kiev, hành khách đi metro không trả được tiền bằng thẻ ngân hàng, tại Bombay, các container trên hải cảng bị tắc nghẽn, tại Nga, tập đoàn dầu mỏ Rosneft phải huy động một máy chủ dự bị để có thể tiếp tục hoạt động…

Cũng tương tự như virus Wanna Cry, hồi tháng 5, Petya cũng tấn công vào một điểm yếu trong hệ thống điều hành Windows, điểm yếu mà cơ quan an ninh Mỹ NSA nắm được, nhưng thông tin đã bị hacker đánh cắp và phổ biến lên mạng.

Việc vụ tấn công được khởi sự trước hết tại Ukraine, nhiều cáo buộc nhắm vào Nga, cho dù chưa có bằng chứng nào. Tổng thư ký NATO báo động là một cuộc tấn công tin học quy mô lớn có thể buộc NATO kích động điều 5 Hiệp ước NATO, điều khoản quy định toàn khối sẽ được huy động để bảo vệ một quốc gia nạn nhân.

Theo Les Echos, đợt tấn công dường như đã giảm bớt nhiều về cường độ trong ngày hôm qua, sau khi tác động đến khoảng 240.000 máy tính. Tờ báo kinh tế lo ngại "các phần mềm hủy diệt hàng loạt" như vậy trong tương lai sẽ được phổ biến một cách rộng rãi.

Google – Liên Âu : Quyết định phạt "lịch sử"

Trong lĩnh vực kinh tế, quyết định của Ủy Ban Châu Âu hôm 27/06, phạt tập đoàn Google 2,4 tỉ đô la vì lạm dụng vị thế độc quyền, được Le Monde đánh giá là "lịch sử".

Quyết định, do ủy viên phụ trách cạnh tranh của Châu Âu đề xuất, nhắm vào dịch vụ so sánh giá cả của Google Shopping, được đánh giá là "lịch sử" do mức tiền phạt, mức độ cứng rắn và các hệ quả của quyết định này. Tập đoàn Mỹ có trụ sở tại California có thời hạn 90 ngày để tuân thủ quyết định của Châu Âu.

Để ra được quyết định nói trên, cơ quan phụ trách cạnh tranh của Châu Âu đã phải phân tích một khối lượng dữ liệu khổng lồ 5,2 tỉ terabyte.

Theo Le Monde, quyết định của Bruxelles có thể là điểm khởi đầu cho một loạt các vụ kiện khác tại các nước có doanh nghiệp là nạn nhân của việc Google lạm dụng vị thế độc quyền.

Cải cách Luật lao động Pháp : Chính phủ công bố đề xuất đầu tiên

Trở lại tình hình nước Pháp, tiêu điểm thời sự hôm nay là việc bộ trưởng lao động công bố các đề xuất cụ thể về cải cách Luật lao động. Theo báo kinh tế Les Echos, đây là "lần đầu tiên" chính phủ thông báo về các dự định cải cách cụ thể.

Sau một loạt thương thuyết, do ảnh hưởng của các nghiệp đoàn, vai trò của đàm phán tại từng doanh nghiệp giảm bớt tầm quan trọng, so với cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên tổng thống Macron, ngược lại vai trò của các nhánh ngành nghề lại được giữ nguyên, thậm chí được tăng cường trong một số lĩnh vực. Theo Les Echos, các nghiệp đoàn nhìn chung hưởng ứng các thông tin mới nhất này, nhiều hơn so với dự kiến.

Một tiêu điểm của các đề xuất mới của chính phủ trong dự án cải cách Luật lao động là việc phát triển một hình thức hợp đồng lao động mới, gọi là "hợp đồng theo dự án". Báo thiên tả Libération lo ngại, chính phủ có thể biến hợp đồng này thành một dạng hợp đồng không thời hạn "trá hình", để phổ biến rộng rãi, với mục tiêu chấm dứt dễ dàng hợp đồng với người làm công.

Về phần mình, tờ báo thiên hữu Le Figaro lo ngại là cuộc cải cách "mẹ của các cải cách" này có nguy cơ bị đình trệ, do áp lực của công đoàn CGT, và nhất là lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất Melenchon.

Pháp : Quyết định triệu tập Quốc hội lưỡng viện của tổng thống gây xôn xao

Vẫn về thời sự nước Pháp, các đề xuất cải cách Luật lao động mới của chính phủ dường như bị che khuất bởi các phê phán rộ lên với việc tổng thống Emmanuel Macron quyết định sẽ phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện tại Versailles vào thứ Hai tới, chỉ một ngày trước diễn văn của thủ tướng về chính sách của chính phủ tại Hạ viện.

Tờ báo phổ thông Le Parisien đánh giá quyết định của tổng thống là "chưa từng có", "thật táo tợn". Le Figaro cũng đưa ra nhận định là tổng thống Macron đã vượt mặt thủ tướng. Tuy nhiên, tờ báo này cũng dẫn lời từ phủ tổng thống, với nhận định là điều này hoàn toàn không có gì mới, tướng de Gaulle trước đây cũng từng làm vậy, cũng như hai tổng thống Pompidou và Mitterrand sau này. Theo giới thân cận của tổng thống, Emmanuel Macron sẽ phối hợp với thủ tướng Edouard Philippe điều chỉnh các diễn văn để hai bên không bị vênh nhau.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 890 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)