Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/10/2023

Điểm báo Pháp - Thanh gươm sắt" Israel

RFI tiếng Việt

Thanh gươm sắt" Israel chuẩn bị giáng xuống quân khủng bố Hamas

Báo chí Pháp ngày 11/10/2023 nhận định, chiến dịch "Thanh gươm sắt" sẽ là cuộc trả đũa quy mô. Quân đội Israel có đủ phương tiện cần thiết cho một cuộc chiến lâu dài. Đạn dược có thể thiếu, Hoa Kỳ bảo đảm cung cấp đầy đủ cho đồng minh Do Thái. Hamas chắc chắn cũng đã chuẩn bị đối phó, và số lượng lớn con tin trong tay bọn khủng bố gây khó khăn cho cuộc hành quân.

thanhguom1

Các chiến sĩ Israel tập họp sau khi có báo động tại Ashkelon ở miền nam, ngày 10/10/2023. Reuters – Amir Cohen

Ngày thứ ba liên tiếp, cuộc chiến ở Israel tiếp tục là trung tâm chú ý của báo chí. Le Monde đưa tít trang nhất "Sau kinh hoàng, Israel trả đũa", La Croix quan tâm đến "Gaza trong khói lửa". Le Figaro nhận định "Các con tin Israel ở trung tâm cuộc chiến". Libération đăng ảnh một phụ nữ và hai bé gái đang tươi cười, chạy tựa "Con tin của Hamas : Một gia đình như mọi gia đình khác". 

Ở các trang trong, rất nhiều câu chuyện cụ thể được thuật lại. Chẳng hạn Doron Asher, 34 tuổi, bị bắt đi cùng với mẹ và hai con nhỏ, được nhận ra trong một video do Hamas đăng lên, xung quanh là những kẻ vũ trang hô "Allah Akbar". Hay cuộc chạy trốn trong kinh hoàng của Noam Tal 27 tuổi, Neta Abir-Iev 23 tuổi, hai thanh niên dự nhạc hội may mắn thoát được nhờ nằm lẫn giữa đống xác chết… Số thường dân Israel thiệt mạng lên đến khoảng 1.200 người.

Đợt động viên nhanh chóng chưa từng thấy tại quốc gia quen cầm súng

Israel vốn là một quốc gia cầm súng. Ngày thứ Ba 10/10, đã có đến 300.000 quân dự bị hưởng ứng một cuộc động viên "nhanh chóng chưa từng thấy". Le Monde cho biết được liên lạc qua điện thoại, các tướng lãnh dự bị, cựu sĩ quan thuộc bộ chỉ huy miền nam, lữ đoàn Gaza… đều khẳng định họ đã mặc vào bộ đồ trận, hoặc đã có mặt tại đơn vị hay trên đường đến trình diện. Cuộc thảm sát vừa qua khiến các quốc gia dân chủ đều công nhận quyền tự vệ chính đáng của Nhà nước Do Thái.

Les Echos nhận thấy những đoàn "công-voa" chở theo các xe tăng tấn công Merkava IV hướng về phía Gaza. Jerusalem không công bố số thiết bị được huy động, nhưng một căn cứ có thể chứa hàng mấy chục ngàn quân nhân đang được khẩn cấp xây dựng, 24 địa điểm gần biên giới đã được sơ tán. Từ khi rút quân khỏi dải Gaza năm 2005, quân đội Israel chưa bao giờ quay lại vùng đất này, ngoại trừ 15 ngày ngắn ngủi đầu năm 2009. Nhiều ngàn khẩu súng trường đã được trang bị cho những người tình nguyện. Chính phủ cũng yêu cầu cư dân chuẩn bị tinh thần, trữ sẵn nước, thực phẩm, thuốc men đủ dùng trong 72 giờ ở hầm trú ẩn.

Hamas đã chuẩn bị đối phó

Chiến dịch "Thanh gươm sắt" sẽ là cuộc trả đũa quy mô. Trước mắt, các cuộc không kích gia tăng, đồn biên phòng phía Ai Cập bị nhắm đến. Dù nhằm phá hủy các sở chỉ huy và hậu cần, mạng lưới địa đạo, nhưng hiệu quả chỉ hạn chế vì trước hết là gây áp lực tâm lý, làm đối thủ kiệt sức. Nhà sử học quân sự Michel Goya cho rằng khi tấn công hôm thứ Bảy, Hamas đã chuẩn bị mọi thứ : đặt chất nổ ở những lối vào Gaza, bố trí các vị trí đặt súng, củng cố những hầm trú ẩn, dự trữ lương thực, đạn dược để trụ lại lâu dài. Điểm mới là Hamas còn có các drone để theo dõi những vụ oanh kích.

Le Monde nói thêm về "Nỗ lực liên tục của Hamas để gia tăng lượng vũ khí". Một nghiên cứu từ 2021 cho biết nay phe này "tự sản xuất phần lớn vũ khí, phát triển các drone, thiết bị không người điều khiển dưới biển, hỏa tiễn dẫn đường bằng GPS". Nhà phân tích Fabian Hinz ở Luân Đôn nhận định, chiến lược của Iran là giúp các đồng minh tự lực nhiều hơn người ta tưởng, đặc biệt với các hỏa tiễn tầm ngắn và những cơ sở sản xuất tại chỗ.

Vũ khí từ Iran được đưa sang chủ yếu theo ngả Sudan rồi sang Ai Cập, vào Dải Gaza bằng hệ thống địa đạo. Các tay trung gian bỏ túi 25.000 đến 35.000 đô la qua mỗi chuyến hàng. Với đường biển, những chiếc tàu ngoài khơi hoặc neo tại vùng biển Ai Cập, thả trôi các container nhỏ. Quân Hamas thu hồi nhờ giả dạng ngư dân hay bằng người nhái. Nhờ sự hỗ trợ của Iran và Hezbollah, Hamas đã trở thành bậc thầy trong việc này, chi rất nhiều tiền cho các bộ lạc, thậm chí hối lộ các sĩ quan Ai Cập. Một nguồn nữa là đi thu nhặt đạn chưa nổ của… Israel.

Cuộc trả đũa sẽ rất dữ dội

Trước khi lục quân Tsahal tiến công vào Gaza, Le Figaro phân tích các ưu và nhược điểm của quân đội Israel. Với chương trình "Edge of Tomorrow" công bố năm 2022, nhằm tăng cường năng lực các chiến binh qua công nghệ mới, quân đội Israel có ưu thế về tình báo bằng phương tiện điện từ hay internet, nhưng không phải là yếu tố quyết định, trước một đối thủ quen hoạt động du kích và biết gây bất ngờ. Le Monde dẫn lời một cựu viên chức an ninh nhìn nhận, Israel quá tự tin về công nghệ nên đã mất cảnh giác, lực lượng ở biên giới Gaza quá ít và không được huấn luyện để đối phó với các cuộc tấn công lớn.

Tờ báo nhắc lại, chiến dịch "Bảo vệ biên giới" của Israel năm 2014 - huy động 80.000 quân nhân, 66 người lính đã hy sinh - mang mục tiêu khá khiêm tốn : làm ngưng các vụ bắn rốc-kết của Hamas. Cuộc trả đũa sắp tới hứa hẹn sẽ khủng khiếp. Michel Goya dự báo với ý định ra tay mạnh mẽ để răn đe Hamas, sẽ có hàng ngàn người thiệt mạng phía Palestine. Nhóm khủng bố này sẽ đáp trả trên mặt trận thông tin, rêu rao cùng khắp, dùng những nạn nhân để áp đặt một thất bại về mặt đạo đức cho đối thủ.

Sở hữu 400 xe tăng Merkava tân tiến, trên 1.000 thiết giáp trong đó có 290 chiếc Namer và năng lực pháo binh, quân đội Israel đủ hỏa lực cần thiết cho một cuộc chiến lâu dài, tuy vậy đạn dược có thể thiếu. Hoa Kỳ loan báo sẽ cung cấp đầy đủ cho đồng minh Do Thái, hôm qua "các phi cơ tiếp vận đã cất cánh". Hàng không mẫu hạm Gérald Ford đến Địa Trung Hải để trấn giữ khu vực, răn đe Iran không nên leo thang. Nếu Hezbollah mở thêm mặt trận thứ hai từ Lebanon ? Một sĩ quan Israel khẳng định có khả năng tiến hành nhiều chiến dịch cùng lúc.

Con tin và thế lưỡng nan của quân đội

Le Monde lo ngại những hệ quả. Bạo lực bùng nổ giữa Israel và Palestine, mà Hamas là kẻ chịu trách nhiệm duy nhất, đã bước vào một giai đoạn mới : chiến dịch trả đũa của Nhà nước Do Thái. Gaza phải chịu đựng cuộc chiến tranh thứ năm trong chưa đầy 20 năm, sẽ nặng nề hơn hẳn những trận chiến trước. Không quốc gia nào có thể khoanh tay ngồi nhìn khi công dân mình bị thảm sát dã man. Nhưng ngược với những cuộc chiến năm 2008, 2012, 2014, 2021, lần này có nhiều người vô tội bị bắt.

Trong bài xã luận "Làm thế nào giải cứu các con tin khỏi tay Hamas ?", Libération nhận định đây là thế lưỡng nan của thế giới. Liệu có cơ cứu được khoảng 200 người bị bắt nhốt tại dải Gaza hay không ? Địa hình phức tạp, oanh kích của Israel và thương lượng ngầm của các nước liên quan gây khó khăn cho tình thế vốn đã bế tắc.

Đó là câu hỏi đang ám ảnh. Cơ hội sống của các trẻ em, phụ nữ, nam giới bị quân Hamas và Thánh chiến Hồi giáo bắt sang Gaza hôm 07/10 liệu được bao nhiêu ? Tối thứ Hai, lời đe dọa của Hamas - mỗi lần Israel oanh kích sẽ giết một con tin - không ngăn được Tsahal (quân đội Israel) oanh tạc Gaza. Uy tín của thủ tướng Benyamin Netanyahou xuống thấp, ông không có cách nào khác là phải hứa hẹn địa ngục cho bọn khủng bố. Tuy vậy Israel vốn không bao giờ bỏ qua cơ hội giải thoát một con tin nào, vẫn trong thế khó.

Hiện thời, không có dấu hiệu nào cho thấy các con tin còn sống hay đã chết. Mục đích của Hamas có thể là khiến cho các gia đình phải sống trong khủng hoảng và làm giá. Tấn công trên bộ để giải cứu có thể gây thiệt hại nhiều sinh mạng với các hệ thống địa đạo chằng chịt mà Hamas nắm rõ, và con tin bị nhốt rải rác nhiều nơi. Nhưng chính phủ Israel đang chuẩn bị, và tình hình thêm phức tạp vì có ít nhất 22 quốc tịch được ghi nhận, một số nước có thể thương lượng trực tiếp với Hamas để cứu công dân mình bằng mọi giá. Theo Libération, bi kịch ở chỗ cuộc chiến này ảnh hưởng cả thế giới, nhưng người ta chỉ nhớ tới khi nó liên quan đến mình.

Mạng người như cỏ rác trong tay khủng bố

Le Figaro nói về "Con tin : Săng-ta của Hamas" : những người bị bắt đang là con bài đáng giá trong tay bọn khủng bố. Dưới lớp nhựa đường của các đại lộ và lớp đất nện của những con đường nhỏ là "métro Gaza", tiếng lóng để chỉ mạng lưới đường hầm bí mật và boong-ke quân sự do quân Hamas đào từ nhiều năm qua để giấu vũ khí, hỏa tiễn và chuẩn bị các vụ tấn công vào Israel. Giờ đây các con tin bị phân tán dưới lòng đất trong ván bài nham hiểm của phe này, trước cuộc đối đầu quân sự quy mô.

Phong trào Hồi giáo không che giấu tham vọng dùng những người vô tội để đổi lấy 4.500 tù nhân Palestine. Thủ tướng Benjamin Netanyahou hồi năm 2011 từng chấp nhận thả 1.027 tù nhân để lấy duy nhất người lính Gilad Shalit, giờ đây với các con tin ngoại quốc, Hamas có thể nâng giá "chiến lợi phẩm". Nếu tính toán của Hamas là nhằm trói tay Israel thì bọn chúng đã thất bại. Bị oanh kích không ngơi nghỉ, nhiều khu phố thành bình địa, hàng trăm người chết và 200.000 người thành vô gia cư ở Gaza.

Nhưng "kháng chiến Hồi giáo" có những cách khác : dùng con tin làm bia đỡ đạn, hành hình các nạn nhân để gieo rắc khủng hoảng... Những video thảm sát sẽ hoàn thiện bức tranh về sự man rợ của con người. Nhà sử học Pierre Vermeren nhận thấy tại Châu Âu người ta ít phân biệt được Hamas với Fatah và nhân dân Palestine. Cái tên Hamas, tiếng Ả Rập có nghĩa là "phong trào kháng chiến Palestine", nhưng thoát thai từ Huynh đệ Hồi giáo, chủ trương thánh chiến trên toàn thế giới.

Mọi chú ý lại dồn về Trung Đông khiến Ukraine bị bất lợi

Trả lời phỏng vấn Les Echos, chuyên gia Bronwen Maddox của Chatham House ở Luân Đôn cho rằng "Các nước phương Tây cần phải chú trọng hơn đến vùng Trung Đông". Những năm gần đây Hoa Kỳ, Anh quốc có khuynh hướng giảm thiểu vai trò của khu vực này trong chiến lược quốc phòng và an ninh. Thế nhưng chẳng phải là không nói đến mà vấn đề tự nó biến mất. Cuộc xung đột làm tăng giá xăng dầu, tạo ra những làn sóng di dân mới vào Châu Âu và có thể gây ra bất ổn, tạo thuận lợi cho quân thánh chiến. Đồng thời khiến cho sự ủng hộ Ukraine của Hoa Kỳ không còn mạnh mẽ như trước. Bà Maddox nói, "nếu là tổng thống Volodymyr Zelensky, tôi sẽ rất lo lắng".

Tương tự, Sylvie Bermann, cựu đại sứ ở Israel nhận định, trong nhiều thập niên qua xung đột Israel-Palestine luôn là chủ đề ưu tiên trong đàm phán ngoại giao, tất cả tổng thống Mỹ đều quan tâm đến. Thời gian trôi đi, người ta có những ưu tư khác. Nay Hoa Kỳ đóng lại vai trò truyền thống với hứa hẹn viện trợ quân sự, răn đe Hezbollah… Liệu các nước trong khu vực như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ai Cập một lúc nào đó có thể tham gia hòa giải hay không ? Việc bình thường hóa quan hệ với các vương quốc vùng Vịnh có tiếp tục ? Vai trò nào cho Liên Hiệp Châu Âu, hiện mới chỉ trên ngôn từ ? Một khi đã rửa nhục, đã trả được mối thù, các nhân tố quan trọng của cộng đồng quốc tế không còn có thể nhìn sang nơi khác.

Nga né cấm vận dầu lửa, gây nguy hiểm cho môi trường

Về phía Nga, Les Echos nhận thấy "Moskva tự coi là nhà hòa giải" trong chiến tranh Israel-Hamas. Kremlin sắp tiếp đón chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas, nhưng Vladimir Putin vẫn giữ mối quan hệ với Benjamin Netanyahou. Moskva lên án việc tấn công thường dân hôm thứ Bảy - công dân Nga có ít nhất hai người chết và vài chục người bị bắt làm con tin - nhưng không nêu đích danh Hamas. Trong khi chờ đợi một giải pháp, bộ máy tuyên truyền Kremlin tiếp tục ca bài "phương Tây nên quan tâm đến Trung Đông thay vì Ukraine".

Liên quan đến cấm vận dầu lửa Nga, Le Monde cho rằng cần phải tăng cường vì Moskva đang tránh né bằng nhiều cách. Mức giá trần do phương Tây áp đặt không còn được tôn trọng. Moskva bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ, vờ theo giá trần nhưng lại cộng thêm các chi phí thông qua những công ty bình phong đăng ký ở nước ngoài. Nga cũng bán được theo giá thị trường khi bỏ qua dịch vụ của các công ty phương Tây, hay bán lén lút. Nga mua những tàu dầu cũ chạy trên biển mà không bảo hiểm, hay sang mạn để xóa nguồn gốc.

Việc trừng phạt mang lại những hệ quả nhiều khi không lường được. Cách đây hai năm, ai có thể nghĩ đến mối đe dọa cho môi trường ? Financial Times hôm 15/09 tiết lộ những tàu dầu Nga dùng ngả Bắc Cực để đến Châu Á, ngắn hơn đi qua kênh Suez nhưng nguy hiểm hơn. Các tàu này vỏ không được gia cố, nếu va phải băng sơn có thể gây thảm họa sinh thái. Theo tờ báo Anh, có đến 3/4 tàu dầu Nga du hành trong tháng 8 không có bảo hiểm. Chẳng những có nguy cơ gây ra thủy triều đen, mà nếu bị tai nạn, không có nhà bảo hiểm nào để chi cho việc cứu tàu, bồi thường thiệt hại.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 145 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)