Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/10/2023

Điểm báo Pháp - Gaza và tác hại của chiến tranh hình ảnh

RFI tiếng Việt

Vụ nổ ở bệnh viện Gaza và tác hại của chiến tranh hình ảnh

Libération ngày 19/10/2023 đặt câu hỏi, vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Gaza phải chăng là một bước ngoặt trong xung đột ? Cú sốc đã lan nhanh với cuộc chiến truyền thông của Hamas. Các chuyên gia đều nghiêng về giả thiết do rốc-kết của phe Hồi giáo chứ không phải do Israel oanh tạc. Nhưng bất chấp những bằng chứng, đường phố Ả Rập vẫn đề quyết Israel phải chịu trách nhiệm, khiến nỗ lực ngoại giao của Mỹ bất thành.

gaza1

Một góc nhìn ở khu vực bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Dải Gaza, nơi xảy ra vụ nổ làm nhiều người thiệt mạng nhưng Israel và Palestine đổ lỗi cho nhau. Ảnh chụp ngày 18/10/2023. Reuters – Stringer

Sự kiện bất ngờ làm một loạt cuộc gặp bị hủy bỏ

Trong bài xã luận "Bi kịch và ngoại giao", Le Figaro nhận thấy chuyến đi của tổng thống Joe Biden kém hiệu quả vì những hình ảnh đẫm máu tại bệnh viện Gaza. Tờ báo thử hình dung tình thế khó xử của ông vào tối thứ Ba : khi chuẩn bị bay đến Israel thì được tin xấu nhất cho nhiệm vụ hòa giải. Nhưng đã quá muộn để quay lui.

Trong vụ này, giả thiết đáng tin cậy nhất là rốc-kết do Thánh chiến Hồi giáo bắn đi nhưng bị trục trặc. Các chuyên gia chỉ ra rằng vụ nổ không tạo ra những hố sâu phía trước, bệnh viện không bị sụp đổ. Đối với Israel, nhất thiết không thể bị kết án về một tội ác chiến tranh như thế, mà theo Hamas là có đến 471 nạn nhân. Dựa vào kết luận của tình báo, tổng thống Hoa Kỳ có thể bày tỏ tình đoàn kết không thể lay chuyển với Nhà nước Do Thái, và so sánh phe Hồi giáo Palestine với Daesh, "tột cùng tội ác".

Nhưng sự kiện đã ảnh hưởng đến chuyến đi ngoại giao : các cuộc gặp ở Amman với vua Jordan Abdallah II, tổng thống Ai Cập Al-Sissi và chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas đã bị hủy bỏ. Sự giận dữ của thế giới Hồi giáo không chỉ nhắm vào Israel mà cả các đồng minh, Mỹ lẫn Châu Âu. Trong chiến tranh hình ảnh, hiện đang bị những cảnh thương tâm ở Gaza thống trị, Hoa Kỳ có vẻ ít trung lập hơn bao giờ hết, chỉ quan tâm tới số phận người Israel. Tuy vậy, thách thức lớn nhất của chuyến đi là đạt được những biện pháp nhân đạo và có thể cả giải pháp chính trị cho người Palestine.

Bước ngoặt mới từ chiến tranh hình ảnh

Libération đặt câu hỏi vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli Arabi ở Gaza phải chăng là một bước ngoặt ? Joe Biden không muốn xung đột bị mở rộng, nhưng cú sốc đã lan nhanh trong thế giới Hồi giáo, từ Bắc Phi đến Afghanistan. Phát ngôn viên quân đội Israel tố cáo "Hamas chiến đấu bằng truyền thông và lưỡi gươm, chính họ đã khởi động", và chỉ trích báo chí không chịu xác minh nguồn gốc vụ nổ "với những nguồn tin xác thực của Tsahal".

Trên mặt trận thông tin, Hamas tỏ ra hiệu quả. Tối thứ Ba, phe này lập tức cáo buộc Israel ngay khi khói đang còn bốc lên ở Al-Ahli Arabi. Mối nghi ngờ đã được gieo rắc, giành lấy một bộ phận dư luận đã ngả sang Israel sau những hình ảnh thảm sát người Do Thái. Israel đã nỗ lực tối đa : công bố những dữ liệu từ drone, radar, thậm chí công khai luôn băng ghi âm cuộc trao đổi giữa hai người của Hamas, bối rối tranh cãi sau vụ bắn lầm, nói chung là tất cả những thông tin cần thiết. Nhưng bất chấp ai là thủ phạm, bất chấp những bằng chứng không thể tranh cãi có thể được đưa ra, đường phố Ả Rập đã đề quyết Israel phải chịu trách nhiệm.

Đại bác không gầm lên trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ, Israel không oanh kích, các phe nhóm Palestine chỉ tập trung xung quanh Dải Gaza nay không còn thường dân. Rốt cuộc sau khi thăm các gia đình nạn nhân, những người sống sót sau vụ khủng bố của Hamas và tổng thống Israel, Isaac Herzog, Biden loan báo viện trợ nhân đạo có thể vào Gaza, cùng với trợ giúp bổ sung 100 triệu đô la cho người Palestine. Israel không phản đối, nhưng khẳng định không món viện trợ nào có thể lọt vào tay Hamas. Việc này cũng phù hợp với chủ trương của Israel từ hai ngày qua, là tập trung thường dân vào phía nam Gaza.

Năm phút sau khi chiếc Air Force One cất cánh tối thứ Tư, những hồi còi phòng không lại nổi lên ở Tel-Aviv. Cuối cùng, người được lợi nhất trong chuyến thăm ngắn ngủi này là Benjamin Netanyahou. Bị Washington lạnh nhạt từ khi trở thành người đứng đầu một chính phủ cực hữu, chưa bao giờ được ông chủ Nhà Trắng mời uống trà tại Phòng Bầu dục, thủ lãnh đảng Likud lần này được "ôm hôn thắm thiết".

Ai là thủ phạm ?

Sự thực về vụ nổ gây chấn động trên đây như thế nào ? Mục Check News của Libération dẫn lời các nhà phân tích và chuyên gia về định vị cũng như hình ảnh hiện nghiêng về khả năng rốc-kết bắn đi từ Gaza, chứ không phải do Israel oanh kích.

Trong vô số những hình ảnh được phổ biến, một video là trung tâm của mọi phân tích. Đó là từ chương trình truyền hình trực tiếp của kênh Al Jazeera (Qatar), ghi lại vào lúc 18 giờ 59 phút địa phương (17 giờ 59 theo giờ Pháp) bởi một camera đặt ở phía tây bệnh viện, góc nhìn hướng về tây nam. Một quả đạn bắn lên và phát nổ trên bầu trời Gaza. Vài phút sau, một vụ nổ mới trên mặt đất, rồi một vụ thứ ba lớn hơn cũng trên mặt đất. Chính vụ nổ thứ ba - đã được định vị - tác động đến bệnh viện, theo khẳng định của nhiều nhà phân tích.

Danh khoản chính thức của Nhà nước Israel công bố một video khác dẫn đến cùng kết luận. Đó là một video dài khoảng 12 giây do kênh N12 của Israel chiếu, được quay tại Netivot thuộc Israel ở phía đông Dải Gaza, tức từ một góc nhìn ngược lại với video thứ nhất. Người ta thấy nhiều quả đạn được bắn lên từ dải Gaza, rồi một vụ nổ cũng vào 18 giờ 59 phút, được cho là ở bệnh viện. Một video thứ ba trích từ camera giám sát ở làng Netiv Haasara (của Israel, ở cực bắc Dải Gaza) được nhà báo Emanuel Fabian của tờ Times of Israel chia sẻ, cũng phù hợp với chương trình trực tiếp truyền hình của Al-Jazeera.

Các dữ liệu chứng minh vụ nổ do rốc-kết

Vì sao rốc-kết lại rơi xuống bệnh viện ? Có ý kiến cho rằng do bị phòng không Israel bắn chặn, nhưng giả thiết được nhiều chuyên gia đồng ý nhất, là động cơ bị trục trặc nên quả đạn bị bung ra gây nổ. Nhà báo của Washington Post chuyên về các nguồn mở (Osint) là Evan Hill, xem xét một video khác quay từ mặt đất, thấy một vật rơi nhanh xuống và lập tức lửa khói bốc lên. Các không ảnh về hiện trường trước và sau vụ nổ, do drone và vệ tinh ghi được, cho thấy có thể là rốc-kết bắn trật chứ không phải bom, vì sức công phá thấp.

Nhà nghiên cứu Justin Bronk của RUSI nhận thấy "không có hố bom hay mảnh vỡ nào phù hợp với những quả bom JDAM/Mk80 của Không quân Israel trong những hình ảnh này". Marc Garlasco, từng điều tra về tội ác chiến tranh cho Liên Hiệp Quốc, cũng cho rằng không phải do bom. Theo phó giáo sư Andres Gannon của đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ, "vụ nổ có vẻ nhẹ, có nghĩa là sức nóng tạo ra có thể từ nhiên liệu còn lại của hỏa tiễn". Theo một nguồn tin tình báo Châu Âu được AFP trích dẫn, số người thiệt mạng do vụ nổ "không phải từ 200 đến 500, mà khoảng 10 đến 50 người", và "có lẽ không do Israel". Còn theo tình báo Mỹ được Reuters dẫn lại, thì con số này là "từ 100 đến 300".

Hamas hành động như tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Nhìn lại quá khứ, ông Gershon Baskin nhà đàm phán Israel từng đóng vai trò chủ chốt trong việc thương thuyết trả tự do cho anh lính Gilad Shalit bị bắt làm con tin sau 5 năm bị giam cầm, trao đổi với Libération về quan hệ với Hamas và khả năng giải cứu 200 con tin Do Thái.

Hồi năm 2011, Shalit, quân nhân hai quốc tịch Pháp-Israel bị Hamas bắt chỉ được thả sau những cuộc thương lượng căng thẳng kéo dài. Đổi lại, Israel chấp nhận phóng thích hơn 1.000 tù nhân Palestine. Trong đó có Yahya Sinwar, một thập niên sau trở thành người tổ chức vụ khủng bố đẫm máu vào lãnh thổ Do Thái hôm 07/10, mà phát ngôn viên quân đội Israel gọi là "khuôn mặt của cái Ác, như Bin Laden hay Al Baghdadi". Nhà hoạt động Gershon Baskin từng chống chiến tranh Việt Nam nay thuộc nhóm chủ hòa ở Israel, luôn cố gắng bắc những chiếc cầu với xã hội dân sự Palestine. Cho đến năm ngoái, nhà đàm phán không mệt mỏi vẫn còn tiếp xúc với các nhân vật của Hamas. Ông sững sờ khi phe này nay hành động y như tổ chức Nhà nước Hồi giáo, không còn có thể coi là đối tác.

"Thả cọp về rừng" để đối lấy con tin Do Thái

Tại Israel, mọi người đều có biết ai đó bị giết chết hoặc bị bắt trong vụ tấn công vừa qua. Một nhà đấu tranh ôn hòa thân thiết với ông, và một trong những người bạn thân có 12 thành viên gia đình bị bắt cóc. Israel hy vọng trao đổi các con tin là phụ nữ, trẻ em, người già với gần 150 tù nhân là phụ nữ, vị thành niên Palestine.

Phát ngôn viên Hamas tại Lebanon ám chỉ có thể đổi "thường dân" lấy ngưng bắn vĩnh viễn. Có điều Hamas hầu như coi tất cả thường dân Israel đều là quân nhân, vì họ được huấn luyện quân sự. Phía dân chúng Israel giờ đây muốn mục tiêu hàng đầu là hủy diệt toàn bộ Hamas bằng bất cứ giá nào. Tình hình là khẩn cấp : Shalit bị giam 5 năm 4 tháng, nhưng nay không có được khoảng thời gian dài như vậy để giải cứu các con tin.

Một số người quy trách nhiệm cho nhà đàm phán trong việc giúp Yahya Sinwar trở về Gaza, nhưng ông Baskin cho biết phương án được toàn bộ viên chức an ninh chấp nhận, 26 bộ trưởng và 85% dân chúng ủng hộ, và ông không có vai trò gì trong việc chọn lựa người được phóng thích. 300/1.027 tù nhân được thả là những kẻ giết người, trong đó có 4 tên đã sát hại người thân của vợ ông. Baskin cho rằng trách nhiệm thuộc về những người đã bỏ qua cơ hội hòa giải, và cảnh báo nguy cơ Israel bị mất đi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Dùng ATACMS, Kiev muốn chiến tranh Ukraine không bị lãng quên

Về cuộc chiến tranh ở Ukraine, Le Figaro nhận định "Với ATACMS, Kiev muốn nhắc nhở thế giới là vẫn tiếp tục chiến đấu" : tấn công bằng hỏa tiễn tầm xa của Mỹ, trong khi việc chuyển giao từng được giữ bí mật. Theo tờ báo, hình ảnh các vụ bắn hỏa tiễn ATACMS đăng trên mạng xã hội còn nhắm vào công luận phương Tây. Đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba, những hỏa tiễn này tấn công vào các phi trường ở Berdiansk trên biển Azov, và tại Luhansk ở Donbass bị quân Nga tạm chiếm, chừng như để nhắc rằng chiến tranh vẫn tiếp diễn tại Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan nghênh ATACMS "đã chứng tỏ hiệu quả", còn Nhà Trắng cho rằng hỏa tiễn này sẽ "làm gia tăng đáng kể" năng lực của quân đội Ukraine. Việc chi viện được giữ kín để gây bất ngờ.

Trên chiến trường hiện không có nhiều thay đổi. Ukraine không đột phá được ở Verbove, quân Nga tấn công vào Avdiivka nhưng phải trả cái giá nặng nề. Le Monde cho biết việc Nga đột ngột chuyển từ thế thủ sang thế công ở Avdiivka gây bất ngờ. Nga huy động đến hơn 1.000 lính và một lượng lớn khí tài, trong đó có cả thiết giáp Terminator, dàn phóng rốc-kết TOS-1… Theo quân đội Ukraine, số quân Nga thương vong lên đến 3.000 và họ đã mất hơn 300 thiết giáp và pháo. Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cho rằng Moskva lại dùng chiến thuật biển người.

Với ATACMS của Mỹ, Storm Shadow của Anh và Scalp của Pháp, nay quân đội Ukraine có thể tấn công vào sâu, với độ chính xác cao. Hỏa tiễn được Mỹ giao lần này chỉ có tầm bắn 160 kilomet so với loại mới nhất đến 300 kilomet, nhưng là phiên bản bom chùm, chứa 600 đến 800 quả bom nhỏ. Chỉ cần một phát bắn có thể chạm đến nhiều mục tiêu. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, hai vụ tấn công vừa rồi đã phá hủy được "9 trực thăng, một kho đạn, một hệ thống phòng không và các thiết bị quân sự".

Ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 : Putin mơ, nhưng Tập làm ngơ

Nhìn sang Châu Á, nhân diễn đàn Con đường tơ lụa mới ở Bắc Kinh, tổng thống Nga bày tỏ sự tin tưởng rằng dự án Sức mạnh Siberia 2 sẽ trở thành hiện thực. Nhưng dù Nga và Trung Quốc có vẻ thân thiết, Tập Cận Bình mãi vẫn không bật đèn xanh. Theo Libération, bên cạnh vấn đề giá khí đốt, chi phí xây dựng đường ống mới rất cao, Bắc Kinh đã có đủ những nguồn cung. Ngoài đường ống Sức mạnh Siberia 1, còn có các nước Trung Á, Miến Điện, Trung Đông. Để bảo đảm an toàn năng lượng, Trung Quốc đã đa dạng hóa các nguồn cung cấp, ký những hợp đồng khí hóa lỏng khổng lồ với Qatar, Hoa Kỳ, xây dựng các ống dẫn khí mới với Turkmenistan, đồng thời tăng sản lượng khí đốt nội địa. Nói cách khác, Nga ở thế yếu trước Trung Quốc.

Pháp : Dư luận cứng rắn hơn sau vụ khủng bố ở Arras

Nhân đám tang hôm nay của Domique Bernard - thầy giáo yêu văn chương, đã can đảm ngăn chặn Mohammed Mogouchkov tấn công các học sinh và bị tên khủng bố này đâm chết - các báo đều có nhiều bài phóng sự, bình luận về nạn Hồi giáo cực đoan tại Pháp. Đặc biệt là đúng ba năm sau khi một thầy giáo khác là Samuel Paty bị kẻ khủng bố sát hại dã man, dư luận cho rằng cần siết chặt luật nhập cư, và thậm chí hạn chế gắt gao di dân từ những nước mà cực đoan tôn giáo hoành hành.

Trường hợp gia đình Mogouchkov, trước đây đã có lệnh trục xuất nhưng một số tổ chức phi chính phủ đấu tranh phản đối, giám đốc think tank Fondation iFrap phẫn nộ : "Khi nào thì chúng ta ngưng tài trợ cho những tổ chức ngăn cản việc trục xuất những tên khủng bố ?". Tác giả bài viết nhắc nhở, cả nhà này gồm hai vợ chồng và năm đứa con không ai làm việc, trong đó người cha và ba con trai đều ủng hộ khủng bố Hồi giáo. Họ sống trong một căn hộ xã hội, con cái được đi học miễn phí, chăm sóc sức khỏe miễn phí. Vì sao cả một gia đình nhập cư bất hợp pháp lại nghiễm nhiên được cấp nhà ở giá rẻ, trong khi danh sách chờ dài dằng dặc ? Không thể tiếp tục trợ giúp những người không có ý định hội nhập, nuôi mối hận thù với quốc gia đã mở rộng vòng tay với mình, trả ơn người đóng thuế Pháp bằng những nhát dao.

Xúi khách hàng ăn cắp : Cách quảng cáo quá lố

Chuyển sang lãnh vực kinh tế tại Pháp, một chiến dịch marketing ấn tượng đã khiến Libération bất bình, đưa hẳn lên mục xã luận : khuyến khích khách hàng ăn cắp trong một cửa hàng ở Paris.Đó là chiến dịch của Distance để quảng bá cho một nhãn hàng giày thể thao : cho trưng bày những món hàng đang mốt với áp-phích "Hãy lấy cắp để sở hữu chúng". Trong suốt ngày hôm ấy, nhiều người khách đã thử thời vận : chộp lấy đôi giày và chạy vù khỏi cửa hàng trước khi bị chận lại. Nhưng họ không biết rằng bảo vệ chính là Méba-Mickael Zézé, nhà vô địch chạy 100 mét thuộc đội tuyển điền kinh quốc gia Pháp. Trong số 76 khách hàng, chỉ có 2 người may mắn không bị tóm.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 257 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)