Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/10/2023

Điểm báo Pháp - Tin vào Putin, Israel cay đắng nuốt hận

RFI tiếng Việt

Mù quáng tin vào Putin, Israel cay đắng chờ dịp rửa hận

Le Figaro ngày 25/10/2023 phân tích "Netanyahou, vì sự mù quáng của chính mình, trở thành nạn nhân bị 'ông bạn' Putin bỏ rơi như thế nào". Chỉ trong vài ngày, mối quan hệ giữa Nga và Israel đã rơi rụng.

putinissrael1

Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị bó hoa tặng cho bà Sara, phu nhân thủ tướng Israel Benjamin Netanyahou trước khi bước vào cuộc hội đàm ở Kremlin, ngày 30/01/2020. AP - Maxim Shemetov

Làm ngơ Ukraine và thân thiết với Nga để chận Iran

Đó là một "liên minh" trái với tự nhiên. Do liên hệ về chính trị, văn hóa, kinh tế và lịch sử giữa Hoa Kỳ và Châu Âu, lẽ ra Israel cùng đứng về phía phương Tây khi Nga xâm lược Ukraine. Thế mà Nhà nước Do Thái lại từ chối vũ trang cho Ukraine dân chủ, do một người gốc Do Thái lãnh đạo và không tham gia trừng phạt Moskva. Sự bất thường về địa chính trị này không còn nữa, khi Kremlin tỏ ra bênh vực Hamas và những tuyên bố bài Do Thái của các quan chức Nga kể cả Vladimir Putin, so sánh việc phong tỏa Gaza với trận Leningrad của Đức quốc xã.

Coi Iran và các tay sai Hezbollah, Hamas là mối đe dọa cho sự tồn vong của Israel, Tel-Aviv lâu nay thân thiện với Moskva. Nga kiểm soát không phận Syria, và không dùng đến hệ thống phòng không S-400, để cho phi cơ Israel oanh tạc thoải mái các vị trí quân sự của Iran. Nhờ đó Tsahal đã tiến hành mấy trăm vụ oanh kích ở Syria trong 5 năm qua. Theo chuyên gia Sarah Fainberg, Israel cần nhất là ngăn việc Nga chuyển cho Iran các vũ khí tân tiến như tiêm kích. Bên cạnh đó cộng đồng Do Thái gốc Nga ở Israel lên đến 1 triệu người, chiếm 15% dân số.

Về lịch sử, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên công nhận Israel năm 1948, do Stalin muốn chống lại ảnh hưởng của Anh ở Cận Đông. Khi quan hệ với Mỹ trở nên lạnh nhạt dưới thời Barack Obama, Israel xích lại gần Nga hơn. Năm 2014, Nhà nước Do Thái không lên án việc Nga sáp nhập Crimea, Vladimir Putin và Benjamin Netanyahou nhiều lần gặp gỡ. Nhưng rốt cuộc Israel cũng mù quáng trước Nga như phương Tây, ngỡ rằng Kremlin cũng muốn chống quân thánh chiến và đẩy lùi Iran ở Syria, trong khi Iran cung cấp hàng loạt drone cho Nga để tấn công Ukraine.

Kremlin có vai trò gì trong vụ khủng bố ở Israel ?

Việc Nga không hề lên án Hamas từ hôm 07/10 cho thấy chính sách của Israel là vô nghĩa. Thay vì bày tỏ sự thương cảm các nạn nhân vụ thảm sát, Vladimir Putin xoa tay hài lòng : cuộc chiến tranh mới của Israel là món quà từ trên trời rơi xuống. Bên cạnh đó, một trục mới đã hình thành từ cuộc chiến Ukraine, giữa Nga và Iran, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, có thể kể thêm các nước "phương Nam". Thế nên Moskva đứng về phía Hamas và Iran.

Phải chăng Nga đóng một vai trò trong vụ tấn công khủng bố của Hamas, diễn ra đúng vào ngày sinh nhật của Putin ? Cựu tổng thống Ukraine Poroshenko khẳng định điều này, nói rằng lính Wagner đã được điều từ Syria sang Gaza để giúp chuẩn bị vụ khủng bố ngày 07/10. Trong những năm gần đây,Kremlin đã hai lần tiếp đón thủ lãnh Hamas, Ismael Haniyeh, củng cố quan hệ với Iran và Hezbollah, tóm lại là với tất cả những kẻ thù của Israel. Kremlin có được báo trước về vụ tấn công Israel hay không ? Ali Baraka, một trong những lãnh đạo Hamas, đã hàm ý như vậy trong một cuộc phỏng vấn của Russia Today. Theo các nguồn tin khác, máy chủ internet của Hamas đặt tại văn phòng ở Moskva.

Dù vậy, chính quyền Israel vẫn chưa thay đổi chính sách với Nga. Khi Volodymyr Zelensky muốn đến Israel để tỏ tình tương trợ, ông được lạnh lùng trả lời là chưa phải lúc. Israel không muốn làm nặng thêm mối đe dọa Iran, tránh đối đầu với Nga. Món nợ sẽ được thanh toán một ngày nào đó, sau hai cuộc chiến tranh. Dân biểu Likud, Amir Weitman nói : "Chúng tôi sẽ kết thúc cuộc chiến này, và sau đó Nga sẽ phải trả giá".

Tình báo Mỹ : Hamas ngạc nhiên vì Israel phản ứng quá chậm

Le Monde tiết lộ "Tình báo Mỹ đã nói với đồng nhiệm Châu Âu những gì về cuộc tấn công Israel của Hamas". Theo đó, Hamas rất ngạc nhiên vì sự chậm chạp của lực lượng an ninh Israel trước nhóm đột kích.

Vụ tấn công của Hamas không chỉ làm dư luận choáng váng, mà còn gây bất ngờ cho chính khách các nước thân cận với Israel, cũng phải đối phó với khủng bố Hồi giáo trên đất của mình. Thế nên Hoa Kỳ thấy rằng cần phải giải thích thêm cho các đồng minh Anh, Pháp, Đức, mà Le Monde tham khảo được qua một nguồn ẩn danh. Trước hết, nhánh chính trị của Hamas mà các thủ lãnh đang ở nước ngoài, không biết về vụ này, mà nhánh quân sự tự thực hiện, trong khi tình báo Israel chỉ có tai mắt nơi nhánh chính trị.

Các phương tiện giám sát tân tiến không nhận ra dấu hiệu nào về vụ tấn công. Nhánh quân sự Hamas từ lâu dùng cách liên lạc thô sơ nhưng hiệu quả, tránh được kỹ thuật nghe lén. Từ một năm rưỡi qua, lực lượng Israel tập trung ở West Bank (Cisjordanie) thay vì miền duyên hải. Chính Hamas cũng ngạc nhiên vì sự trả đũa chậm chạp của an ninh, không nghĩ rằng họ có thể ở lại lâu như thế trên lãnh thổ Israel, và bắt bấy nhiêu con tin đem về Gaza. Những kẻ khủng bố trong nhiều tiếng đồng hồ mặc sức gieo rắc kinh hoàng tại các kibbutz. Tình báo Châu Âu đang rất lo ngại vì nếu Israel nổi tiếng về mặt này mà còn thất bại, thì làm thế nào đối phó với mối đe dọa tương tự ?

Iran giựt dây phá rối nhưng không dám quá tay

Le Figaro nhận định "Phương Tây lo ngại một sự leo thang do Iran giựt dây". Nhằm gieo rắc hỗn loạn tại Cận Đông, Tehran có thể cho các lực lượng tay sai phá rối "dưới ngưỡng của xung đột". Hoa Kỳ vội điều hai hàng không mẫu hạm đến để răn đe, tăng cường an ninh ở các căn cứ trong khu vực. Nhưng từ hai tuần qua, liên tục có những vụ tấn công bằng drone và hỏa tiễn vào các vị trí Mỹ ở Syria, Iraq.

Nhà ngoại giao Israel Joshua Zarka cho rằng "Iran cần chấm dứt đùa với lửa", không nên vượt qua một số lằn ranh đỏ. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), phe Hezbollah đã nhận được lệnh quấy phá quân đội Israel nhưng "không mở ra một mặt trận thứ hai". Tham vọng của Iran mang tính chiến lược : ngăn cản tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả rập. Nhưng tầm cỡ vụ thảm sát của Hamas và sự trả đũa của Israel có thể gây những hậu quả khó lường, khiến Tehran có phần chùn tay.

Hamas dùng con tin làm vũ khí thao túng tâm lý

Vài con tin được thả "vì lý do nhân đạo", theo Les Echos, là tính toán lạnh lùng của Hamas nhằm đạt nhiều mục tiêu. Phe Hồi giáo muốn chia rẽ Israel với Hoa Kỳ. Joe Biden nhấn mạnh đến việc giải thoát các con tin Mỹ, kể cả hoãn lại vô thời hạn chiến dịch tấn công trên bộ quy mô đế diệt trừ Hamas. Dưới áp lực của Washington, Tsahal (quân đội Israel) luôn chờ chính phủ bật đèn xanh. Nói cách khác, Hamas đã "câu giờ" được, để chuẩn bị cho chiến tranh du kích.

Phe này cũng gieo rắc bất đồng giữa thủ tướng Benjamin Netanyahou, đang ngần ngại không muốn mất lòng đồng minh Mỹ khi lao vào cuộc phiêu lưu quân sự, và bộ tham mưu, muốn ra tay càng sớm càng tốt, với trên 350.000 quân dự bị đã sẵn sàng. Để tránh bị đánh ngay, Hamas tung tin đồn là khoảng 50 con tin sắp được thả.

Dư luận Israel cũng bị kích động, chia rẽ, khi Hamas hàm ý chỉ có những con tin song tịch mới được trả tự do, gây hoảng loạn cho các gia đình người Israel. Song song đó là chiến tranh hình ảnh. Sau khi quân đội Israel trưng ra cho cả trăm phóng viên ngoại quốc 45 phút video và những hình ảnh giết người, chặt đầu, hãm hiếp, tra tấn, thu thập được từ camera và điện thoại di động ; Hamas nhận ra bị thế giới so sánh với Daesh. Họ bèn cố gắng tạo ra bộ mặt "nhân đạo" để hóa giải.

Tổng thống Pháp gây bất ngờ với đề nghị liên minh quốc tế  

Về chuyến đi Israel của tổng thống Pháp, Le Figaro gọi là "ngoại giao con quay". Theo Goethe, ma thuật của chuyện cổ tích Ngàn Lẻ Một Đêm là vượt khỏi mọi khái niệm đạo đức để đưa chúng ta vào một thế giới tự do tuyệt đối. Liệu Aladin Macron có rơi vào ảo ảnh phương Đông khi chiếc thảm thần của ông hạ cánh xuống vùng Đất Thánh ?

Macron đã lên đường từ Paris với tư cách thiên sứ hòa bình, quyết tâm đạt được "hưu chiến nhân đạo" cho Gaza, với tham vọng tìm ra "một giải pháp chính trị có thể tiến đến ngưng bắn". Đối mặt với nỗi đau không thể xoa dịu của người Israel sau vụ Hamas thảm sát, và quyết tâm của các nhà lãnh đạo dứt điểm nhóm khủng bố Hồi giáo đang nắm quyền ở Gaza, tổng thống Pháp bèn rắn giọng khẳng định phải "chiến thắng bọn khủng bố", cảnh cáo Hezbollah, chế độ Iran và phe Houthis ở Yemen.

Macron muốn có tất cả bằng mọi giá. Phóng thích 220 con tin là "mục tiêu hàng đầu", tiêu diệt Hamas là "ưu tiên", lập "hưu chiến nhân đạo" là trách nhiệm, ngăn cản "leo thang khu vực" là khẩn cấp, "mang lại hy vọng" một Nhà nước cho người Palestine là tham vọng tối hậu. Tổng thống Pháp còn đi xa hơn : Đề nghị một "liên minh quốc tế" chống Hamas như đối với Daesh, gây bất ngờ cho tất cả mọi người. Nhưng liên minh gồm 80 nước và tổ chức quốc tế do Washington lãnh đạo hồi năm 2014 đều đồng tâm chống lại Daesh, còn nay các nước Trung Đông phản đối chiến tranh Israel-Hamas.

Mùa đông thứ hai của chiến tranh Ukraine

Liên quan đến Châu Âu, La Croix chạy tựa "Ukraine : Chiến tranh ở buổi bình minh một mùa đông mới" : Người dân chuẩn bị trải qua một mùa đông khắc nghiệt thứ hai. Trong bài xã luận, tờ báo nhận thấy cuộc chiến ở Ukraine đã biến mất khỏi màn hình của chúng ta, nhưng nó chưa kết thúc.

Trong khi mọi cái nhìn đều hướng về vụ tấn công vào Israel của Hamas và oanh kích ở Gaza, quân đội Ukraine tiếp tục chiến đấu chống kẻ xâm lược Nga. Từng người lính chuẩn bị cho một mùa đông giá buốt trong chiến hào, bên một khẩu đại bác hay tháp pháo xe tăng. Đã 609 ngày lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng, bị oanh kích ; 609 ngày Volodymyr Zelensky tranh đấu trong nước và trên trường quốc tế để có được những phương tiện cần thiết bảo vệ tổ quốc. Cộng đồng quốc tế đã nhìn sang nơi khác chăng ? Cả nước đều lo sợ.

Nhưng tuyên bố mạnh mẽ của ông Joe Biden sau khi từ Tel-Aviv trở về đã trấn an : "Hamas và Putin là nhng mi đe da khác nhau, nhưng c hai đều mun tiêu dit mt nn dân ch bên cnh".Một cách để buộc phe Cộng hòa - vốn tích cực ủng hộ Israel nhưng một số ngần ngại không muốn tiếp tục viện trợ cho Ukraine - vào thế kẹt. Volodymyr Zelensky có thể thở phào nhẹ nhõm. Ông biết rằng cần phải giữ vững tinh thần binh lính khi cuộc phản công vẫn chưa có tiến triển sau năm tháng, mùa đông này thường dân tiếp tục chịu cảnh cúp điện và những trận bom.

Nga tổn thất nặng ở Avdiivka, rút dần chiến hạm khỏi Crimea

Trên chiến trường Ukraine, Les Echos nhận thấy "Nga tiếp tục tấn công ở Avdiivka với cái giá nặng nề". Những ngày vừa qua, quân Nga cố gắng bao vây thành phố này của Donetsk, nhưng bị thiệt hại rất lớn về mạng lính lẫn vũ khí. Nhiều video cho thấy vô số xe tăng, thiết giáp Nga bị pháo binh Ukraine phá hủy, những lính Nga bị thương hay tử trận.

Theo đại tá Oleksandr Chtupun, từ khi tấn công vào Avdiivka, Nga đã mất 3.000 quân. Tình báo Anh ước tính kể từ đầu cuộc xâm lăng, số thương vong của Nga là từ 150.000 đến 190.000, chưa kể lính Wagner. Trong khi Nga chuyển sang thế công ở miền đông, tại Kherson thuộc miền nam Ukraine, đã có một loạt cuộc vượt sông Dniepr sang bờ đông đang do quân Nga kiểm soát. Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) đánh giá các chiến dịch này "quy mô hơn những cuộc tập kích chiến thuật trước đó", có khả năng mở ra một mặt trận mới, gây khó khăn cho Nga.

Giờ đây Kiev có thể trông cậy vào hỏa tiễn ATACMS của Mỹ, tuần qua đã phá hủy hay làm hư hại ít nhất 14 trực thăng tác chiến Nga ở Berdiansk và Luhansk. Song song đó, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm qua loan báo ý định duy trì áp lực lên Crimea, tiếp tục oanh kích cơ sở hạ tầng quân sự Nga trên bán đảo. Ông cho biết : "Hạm đội Nga không còn có thể hoạt động ở phía đông Hắc Hải và đang rút lui dần khỏi Crimea, đó là một thành công lịch sử".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 258 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)