Là một quốc gia có diện tích chỉ gấp 2 lần Singapore, nhưng lại là nguồn dự trữ khí đốt lớn thứ ba trên thế giới - sau Nga và Iran, Qatar, trong chưa đầy 50 năm, trở thành một trong bốn nước có thu nhập đầu người cao nhất thế giới và Doha đã liên tục sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên này để khẳng định vị trí trong khu vực và trên trường quốc tế.
Doha trước thềm Cúp bóng đá thế giới 2022. Ảnh ngày 19/11/2022. AP - Martin Meissner
Đối với đại đa số, Qatar, được biết đến nhờ hãng hàng không Qatar Airways. Trong giới truyền thông, quốc gia nhỏ tí trong vùng Vịnh này nổi tiếng nhờ hai kênh truyền hình có uy tín và có nhiều khán giả theo dõi Al Jazeera và beIn Sport.
Thể thao, tủ kính quảng bá cho hình ảnh của Qatar
Trong lĩnh vực thể thao, Qatar là chủ nhân câu lạc bộ bóng đá Paris Saint Germain, là nơi từ 2004 đến nay vẫn diễn ra cuộc đua xe hơi Công Thức 1. Doha là một trong những giải thưởng lớn trong làng quần vợt. Năm 2006 Qatar tổ chức Á Vận Hội để rồi 16 năm sau Doha đăng quang với việc tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới 2022. Từ thành công này đến thành công khác, Qatar ấp ủ giấc mơ đăng cai Thế Vận Hội Olympic trong thập kỷ sắp tới.
Nhưng sau loạt khủng bố tấn công vào lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023, Qatar trở thành tâm điểm của các hoạt động ngoại giao như thể một trong những chìa khóa hòa bình cho Trung Cận Đông đang được đặt tại Doha. Châu Âu và Mỹ ráo riết vận động Qatar để giải cứu cho khoảng 200 con tin Israel và song tịch trong tay Hamas và nhất là để duy trì kênh đối thoại với "trục tội ác" chịu ảnh hưởng của Iran.
Từ một làng chài...
Tạp chí kinh tế hôm nay xin điểm lại trường hợp của một quốc gia trong vùng Vịnh, từ "một làng chài nghèo khó" nay trở thành chủ nhân của những khách sạn sang trọng nhất tại những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới như New York hay Luân Đôn, Paris.
Qatar cũng là cổ đông của những tập đoàn Âu-Mỹ trong rất nhiều lĩnh vực, từ công nghệ cao ở thung lũng Silicon đến khu thương mại sang trọng nhất trên đại lộ Champs Elysées – Paris, là chủ nợ của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, hiện diện trong các hãng xe của Đức như Porsche hay Volkswagen …
Cách nay 100 năm, Qatar còn là một vùng đất thuộc địa của Anh, một "vẩy móng tay" dựa lưng vào ông khổng lồ Saudi Arabia hướng ra Vịnh Ba Tư. Dân cư sống bằng nghề chài lưới, mò bắt ngọc trai. Nhưng đến thập niên 1940, kinh tế Qatar hoàn toàn sụp đổ vì bị ngọc trai của Nhật Bản cạnh tranh.
Dầu khí làm thay đổi vận mệnh quốc gia
Thế chiến thứ hai bùng nổ, đấy cũng là thời điểm Qatar khám phá được những giếng dầu đầu tiên và ngành công nghiệp khai thác dầu hỏa đã nhanh chóng cho phép dân cư xứ này được nhân lên gấp bốn lần trong chưa đầy một phần tư thế kỷ.
Đến đầu thập niên 1970, Qatar bắt đầu trở nên giàu có, gia đình Khalifa Hamad Al Thani giành lại chính quyền, tuyên bố độc lập với vương quốc Anh. Đó cũng là thời điểm Qatar phát hiện mỏ khí đốt ngoài khơi : North Field. Trong một sớm một chiều, Qatar làm chủ từ 13 đến 16% trữ lượng khí đốt của toàn cầu và đây là điểm khởi đầu của sự cất cánh thần kỳ của một nước có diện tích chưa đầy 12.000 km vuông, (tương đương Paris và vùng phụ cận) và chưa đầy 3 triệu dân cư mà 90% là người lao động nước ngoài.
Ông Pierre Terzian, giám đốc tạp chí chuyên về chiến lược phát triển dầu hỏa Pétrostratégies của Pháp, giải thích :
"Mỏ Nord Field East thật sự là lá phổi kinh tế của Qatar vì đây là nguồn cung cấp điện lực, là điểm khởi đầu của cả ngành công nghiệp hóa dầu, của các hoạt động xuất khẩu khí đốt qua đường ống để cung cấp cho Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất và Oman, cũng như là của toàn bộ lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu khí hóa lỏng. Ba phần tư xuất khẩu khí hóa lỏng của Qatar hướng tới các thị trường Châu Á, phần còn lại là để cung cập cho Châu Âu. Qatar là một quốc gia hiếm hoi trong khu vực có ít trữ lượng về dầu hỏa nhưng lại rất giàu về khí đốt. Nhờ có khí đốt Qatar trở thành một đối tác then chốt được từ Châu Á đến Châu Âu ve vãn"
Qatar từng bước thoát khỏi cái bóng của hai ông khổng lồ dầu hỏa trong khu vực là Saudi Arabia – theo hệ phái Suni và Iran theo hệ phái Shia. Một phần ba dự trữ North Field - mà Tehran gọi là South Park - thuộc về Iran.
Trong ngót nửa thế kỷ, Doha trở thành một không gian của những khu nhà chọc trời đẹp nhất, hiện đại nhất thế giới, là nơi có nhiều viện bảo tàng, trường đại học danh tiếng và là trụ sở của tập đoàn hàng không Qatar Aiways.
Khí đốt kết nối Qatar với thế giới
Tháng 11/2022 Trung Quốc đã mở đường, ký hợp đồng mua khí hóa lỏng của Qatar trong vòng 27 năm. Trong những tuần qua, vào lúc mà ngoại trưởng Mỹ, rồi thủ tướng Anh, tổng thống Pháp hối hả đến Doha vì xung đột Israel – Palestine, thì tập đoàn năng lượng Ý Eni thông báo ký hợp đồng với đối tác Qatar để được cung cấp khí hóa lỏng trong vòng 27 năm.
Trước đó vài ngày, tập đoàn Pháp TotalEnergies và liên doanh Anh và Hà Lan Shell cũng đã rất phấn khởi với những hợp đồng tương tự. Năm ngày sau loạt khủng bố trên lãnh thổ Israel, tổng thống Đức Frank Walter Steinmeiner tiếp nhân vật số 1 Qatar là thân vương Tamim bin Al Thani tại Berlin và đối thoại cũng xoay quanh các hồ sơ năng lượng và đầu tư của Doha tại Đức. Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu ráo riết tìm nguồn cung ứng năng lượng để thay thế cho dầu hỏa và khí đốt của Nga, Qatar là một lá "chủ bài". Đổi lại, Doha cần huy động vốn đầu tư của nước ngoài để vào ngưỡng năm 2027, nâng cao khả năng sản xuất khí hóa lỏng. Năng lượng chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của Qatar và chỉ nhờ vào khí đốt, quỹ đầu tư quốc gia QIA đang làm chủ một số tiền hơn 460 tỷ đô la Mỹ.
Trả lời đài phát thanh Pháp France Culture Hasni Abidi, giám đốc trung tâm nghiên cứu về thế giới Ả rập và vùng Địa Trung Hải CERMAM tại Genève -Thụy Sĩ, ghi nhận khí đốt là chiếc đũa thần đặt Qatar vào trung tâm bàn cờ năng lượng quốc tế và còn hơn thế nữa :
"Điểm khởi đầu là chiến lược đầu tư vào khí đốt và nhờ vậy kinh tế Qatar bắt đầu tỏa sáng trong khu vực và ở cấp quốc tế. Qatar bị kẹt giữa hai ông khổng lồ là Saudi Arabia và Iran. Nhưng nhờ có nhiều tiền và quan hệ tốt về mặt kinh tế, Qatar trở thành một quốc gia không thể thiếu đối với toàn thế giới".
Một vũ khí ngoại giao
Mỏ khí đốt ngoài khơi North Field không chỉ là một lá chủ bài về kinh tế mà còn là một quân cờ then chốt về ngoại giao : Doha đã đàm phán với Lebanon, để cùng khai thác một lô trên biển, với Iran cho dù Tehran đang bị Hoa Kỳ cấm vận. Nhưng như giám đốc trung tâm CERMAN tại Genève, Thụy Sĩ ghi nhận, từ trước thập niên 1990, Qatar đã tận dụng khí đốt để phục vụ các mục đích ngoại giao với các nước trong khu vực và tự đặt mình vào thế "không thể thiếu vì lợi ích chung của thế giới". Ông Hasni Abidi giải thích :
"Từ năm 1995 Qatar theo đuổi chiến lược đặt mình vào thế hữu ích cho tất cả các phe phái chính trị. Trong chiều hướng đó quốc gia vùng Vịnh này đã đón tiếp các nhà đối lập từ đủ mọi nơi. Sau phong trào đòi dân chủ Mùa Xuân Ả rập, Qatar đã tiếp nhiều lãnh đạo của phong trào Hồi giáo Palestine Hamas. Qatar có khả năng đối thoại với bất kỳ một ai và đó cũng là để đáp ứng một nhu cầu của Mỹ. Washington đã muốn thuyết phục Hamas tham gia tiến trình bầu cử và nhất là không muốn các lãnh đạo phong trào này sang định cư ở Syria hay Iran. Theo quan điểm của Hoa Kỳ đó là những quốc gia trong trục tội ác".
Đồng minh của Hoa Kỳ và là bạn của "trục tội ác"
Mùa hè 2021 khi mà Mỹ đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan thì Qatar là một mắt xích quan trọng để đưa người nước ngoài hồi hương ra khỏi khỏi chảo lửa ở Nam Á này. Trước đó, Washington cũng đã nhờ Qatar đứng ra làm môi giới bí mật đàm phán vơi phe Taliban. Gần đây, tháng 9/2023, cũng nhờ có Doha mà Mỹ và Iran đã trao đổi tù nhân …
Qatar là nơi Hoa Kỳ đã thiết lập căn cứ quân sự "lớn nhất trong vùng Vịnh" và cũng địa điểm để phong trào Hồi giáo Hamas Palestine đặt văn phòng đại diện "chính trị".
Doha duy trì "quan hệ chặt chẽ với Iran" không chỉ vì quyền lợi khai thác dầu khí trong vùng vịnh Ba Tư : thân phụ đương kim lãnh đạo Qatar đã đặc biệt vun đắp một mối liên hệ hữu hảo với Tehran và các phong trào Hồi giáo cực đoan trong khu vực với ý tưởng là "đến một lúc nào đó những mối bang giao này sẽ có lợi cho Doha". Chính vì thế mà theo chuyên gia Hasni Abidi, Qatar không khi nào chọn phe :
"Kể từ năm 1996 Qatar bắt đầu thiết lập quan hệ kinh tế và thương mại với Israel. Thế rồi chính cựu thủ tướng Israel Shimon Peres đã công du Doha. Kể từ đó quan hệ song phương bắt đầu nầy nở. Cũng phải nói là Qatar là quốc gia đầu tiên trong vùng Vịnh thiết lập quan hệ với Israel và trong khối các nước Ả rập, thì Qatar chỉ đi sau có Ai Cập và Jordan mà thôi. Đương nhiên quan hệ giữa Tel Aviv với Doha không phải lúc nào cũng suôn sẻ dưới thời thủ tướng Benjamin Netanyahu. Nhưng đôi bên vẫn duy trì mối bang giao. Ông Netanyahu mong muốn Gaza chuyển mình và sẽ thay đổi như là ở West Bank (Cisjordanie) nghĩa là có hẳn một tầng lớp trung lưu ở Gaza và họ sẽ giữ khoảng cách với Hamas. Như vậy dần dần thu hẹp ảnh hưởng của Hamas. Chính vì lý do này mà Israel đồng ý để Gaza nhận viện trợ của Qatar"…
Thế còn đối với cộng đồng Hồi giáo Ả rập thì sao ? Giám đốc trung tâm nghiên cứu tại Genève Abidi trả lời :
"Qatar có quan hệ rất tốt với các nước Ả rập khác. Trong cuộc chiến tranh ném đá lần thứ nhất hồi năm 2000, chính Doha đã cứng giọng cảnh cáo Israel. Năm 2012 thân vương Qatar là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến thăm dải Gaza và lập hẳn một quỹ đầu tư 400 triệu đô la cho Gaza. Các quốc gia Hồi giáo khác như Syria hay Iran rất hài lòng về việc này. Thế rồi Doha cũng rất thường xuyên mời đại diện của phong trào Hồi giáo Hamas và tổ chức Thánh chiến Hồi giáo (Jihad) Palestine sang Qatar dự hội nghị… Doha rất thành công trong đường lối đối ngoại đầy mâu thuẫn đó".
Bảo hiểm nhân thọ
Phải nói là chính sách "không chọn phe" và đối thoại với tất cả các bên của chính quyền Doha đã thành công đến nỗi mà các đối thủ trong khu vực của Qatar phải ganh tị. Điển hình là Saudi Arabia năm 2017 đã thành lập một liên minh "phong tỏa" Doha nhưng rồi chỉ 5 năm sau cũng Ryadh đã làm lành với Doha. Trong giai đoạn khó khăn đó, kinh tế Qatar vẫn vững mạnh : Khí đốt năm 2020 bảo đảm 61% GDP cho Qatar, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu và cho phép đài thọ 75% ngân sách Nhà nước.
Ý thức được chỉ là một nước nhỏ trong khu vực, Qatar dùng khí đốt như một công cụ để phát triển, để chinh phục một vị trí trên bàn cờ tài chính và thương mại, công nghệ cao, để mở rộng ngành du lịch, chinh phục thế giới bằng một ngôn ngữ phổ quát là thể thao.
Ngoài ra đặt mình vào cái thế trung gian không thể thiếu cho các nước lớn, cũng là một dạng "bảo hiểm nhân thọ" để tồn tại và khẳng định vị trí riêng của một quốc gia lệ thuộc đến gần 90% vào các nguồn lao động nước ngoài.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 31/10/2023