Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/07/2017

Tại sao Mỹ hết kiên nhẫn trong vụ Bắc Triều Tiên ?

Tổng hợp

Mỹ hết kiên nhẫn với Triều Tiên : Mũi tên nhiều đích ? (Đất Việt, 02/07/2017)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra khôn ngoan và đạt được nhiều mục đích khi tuyên bố hết thời kỳ kiên nhẫn với Triều Tiên.

Mỹ hết kiên nhẫn với Triều Tiên

Ngày 30/6, trong cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã hết kiên nhẫn đối với Triều Tiên đồng thời khẳng định đây là khoảng thời gian cần phải ra các hành động đáp trả đối với Bình Nhưỡng.

"Chính sách kiên nhẫn chiến lược với Triều Tiên đã thất bại. Và nói thẳng, Mỹ đã hết kiên nhẫn", ông Trump nhấn mạnh.

Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ còn kêu gọi các quốc gia trên thế giới và cường quốc trong khu vực gia nhập cùng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên.

han1

Mỹ tuyên bố hết kiên nhẫn với Triều Tiên

"Chúng ta đang cùng nhau phải đối mặt với mối đe dọa của một chế độ liều lĩnh và bạo tàn. Triều Tiên cần chọn một con đường tốt đẹp hơn và phải nhanh chóng làm điều đó – và một tương lai khác cho những người dân đang chịu đựng trong đất nước đó", ông Trump khẳng định.

Ông chủ Nhà trắng thông báo, Washington đang làm việc với Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các đối tác khác trên toàn cầu, thông qua các biện pháp ngoại giao, an ninh và kinh tế để bảo vệ các đồng minh và công dân Mỹ trước mối đe dọa mang tên Triều Tiên.

"Mục tiêu của chúng ta là hòa bình, ổn định và sự phát triển trong khu vực. Nhưng Mỹ sẽ tự bảo vệ mình, luôn là như vậy và chúng ta cũng sẽ bảo vệ đồng minh", ông Trump nhấn mạnh thêm.

Phát biểu tại buổi gặp, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định chỉ có việc đảm bảo an ninh mới mang lại hòa bình.

Theo ông Moon, ngoài việc duy trì kênh đối thoại đối với Bình Nhưỡng, Seoul sẽ đẩy mạnh các biện pháp cải tổ quốc phòng và tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước.

"Chỉ có năng lực quốc phòng mạnh mẽ mới có thể mang đến một nền hòa bình đích thực", ông Moon nhấn mạnh.

Tuyên bố cứng rắn trên của Tổng thống Donald Trump được đưa ra 1 ngày sau khi Washington tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào một ngân hàng Đan Đông (Trung Quốc) bị cáo buộc giúp Triều Tiên rửa tiền. 

Washington cũng áp đặt trừng phạt với Tập đoàn Vận tải Đường thủy Đại Liên và 2 cá nhân người Trung Quốc bị cáo buộc thông đồng với những hành vi phạm pháp của Triều Tiên. Cùng với đó, Hoa Kỳ cũng thông qua thỏa thuận bán vũ khí trị giá tới 1 tỷ USD cho Đài Loan.

Mũi tên trúng nhiều đích

Quyết định trên của Washington đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía Triều Tiên cũng như Trung Quốc.

Trong một thông cáo phát đi, Bình Nhưỡng lên tiếng cáo buộc Washington đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào nước này đồng thời đe dọa sẽ hủy diệt Mỹ.

Theo phát ngôn viên Ủy ban Chiến tranh phi hạt nhân của Triều Tiên, Hoa Kỳ không nên kích động sự hỗn loạn, mà hãy suy nghĩ kỹ về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra nếu tiến hành những động thái quân sự liều lĩnh như vậy.

han2

Triều Tiên phóng thử tên lửa Musudan

"Mỹ nên hiểu rằng tinh thần và ý chí của quân đội cũng như nhân dân Triều Tiên sẵn sàng hủy diệt mọi kẻ thù và có thể không thua kém gì Mỹ", Bình Nhưỡng cảnh báo.

Trong khi đó, Trung Quốc đã triển khai trực thăng tấn công, lực lượng đặc nhiệm tới khu vực biên giới sát với Triều Tiên để đề phòng trường hợp khẩn cấp khi căng thẳng liên quan tới Bình Nhưỡng tiếp tục gia tăng.

Dù vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng tuy nhiên nhiều người cho rằng động thái trên của chính quyền Tổng thống Donald Trump là một mũi tên trúng nhiều đích.

Hồi đầu tháng 3 vừa qua, Mỹ đã tuyên bố bắt đầu lắp đặt hệ thống hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) tại Hàn Quốc sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa.

Tuyên bố trên ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng không hề nhỏ từ phía các nghị sĩ cũng như người dân Hàn Quốc.

Hôm 8/5, hơn 500 người dân sống gần khu vực triển khai hệ thống phòng THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc gửi kháng nghị tới Toà án Hiến pháp để xin lệnh của toà chống lại việc xây dựng và cấp phép hoạt động của cơ sở quân sự này.

Nghị sĩ Woo Won-shik, người đứng đầu nhóm Nghị sĩ của đảng Dân chủ cầm quyền tại Quốc hội Hàn Quốc còn đề nghị phải xem xét mọi vấn đề, kể cả khả năng gửi trả THAAD nếu việc này chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý tại Hàn Quốc.

Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia phản ứng mạnh mẽ nhất việc Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao tại Hàn Quốc khi cho rằng sẽ đe dọa đến an ninh của nước này.

Theo giới phân tích, quyết định cứng rắn đối với một số ngân hàng của Trung Quốc vào thời điểm này được xem như một động thái nhằm "dằn mặt" Bắc Kinh trong vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, quốc gia từ lâu được cho là nằm dưới sự bảo trợ mạnh mẽ của Trung Quốc. Dù Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận tuy nhiên cáo buộc trên cũng khiến các nước tỏ ra thận trọng, xem xét với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Ngoài ra, trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tiếp triển khai các kế hoạch thử nghiệm vũ khí hạt nhân, thái độ có phần yếu ớt của Bắc Kinh trong vấn đề này thì việc Mỹ triển khai hệ thống THADD tại Hàn Quốc dường như là một lựa chọn không thể thay thế.

Những nguy cơ mới từ Triều Tiên được các bên cảnh báo phần nào sẽ khiến người dân Hàn Quốc tin tưởng hơn vào việc Washington đặt THADD tại quốc gia này.

Cùng với đó, động thái cứng rắn từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump còn trực tiếp cảnh cáo đối với Triều Tiên. Nếu Bình Nhưỡng còn tiếp tục gia tăng các căng thăng và có ý đồ dựa Nga để qua mặt Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc thì quốc gia này sẽ bị trả giá thật sự.

Tuấn Hùng

*******************

Căng thẳng bán đảo Triều Tiên : Nga lo Mỹ hành động đơn phương, đặc nhiệm Trung Quốc lên biên giới (Tin Tức, 02/07/2017)

Không lâu sau khi Mỹ tuyên bố hết kiên nhẫn chiến lược với Triều Tiên, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã điều một đơn vị tinh nhuệ tới khu vực gần biên giới với Triều Tiên. Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lo Mỹ sẽ hành động đơn phương với Bình Nhưỡng và Moskva từng có động thái tương tự Trung Quốc.

Ngày 15/6, trang China Military Online (Trung Quốc) đăng hình ảnh các binh sĩ thuộc Sư đoàn lính nhảy dù số 15 tham gia huấn luyện cùng trực thăng tấn công WZ-10 gần Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm. 

空降兵高原伞降训练全过程曝光!

Thành viên Sư đoàn lính nhảy dù số 15 của Trung Quốc.

Trang Huaxia.com (Trung Quốc) nhận định rằng cuộc luyện tập sẽ giúp các binh sĩ chuẩn bị tốt hơn cho "tình huống khẩn cấp". 

Sư đoàn lính nhảy dù số 15, vừa được tái cơ cấu trong tháng 4 vừa qua khi chia thành các lữ đoàn nhỏ kết nối với những đơn vị quân sự trên bộ ở khắp Trung Quốc, từng có kinh nghiệm hoạt động ở Triều Tiên trong thời gian diễn ra chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Sư đoàn này đóng quân tại Xiaogan, tỉnh Hồ Bắc với phần lớn lực lượng được triển khai tại tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam thuộc miền Trung Trung Quốc. Như vậy, nếu tính theo địa hình thì đây là khu vực lý tưởng để lực lượng lính nhảy dù có thể tỏa đi bất cứ địa điểm nào khắp Trung Quốc.

Một bài viết trên trang Sina có nhận định rằng những chiến dịch nhanh chóng và bảo đảm được việc phá hủy vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là rất cần thiết đối với Trung Quốc nếu chiến tranh nổ ra. Điều này để bảo đảm an toàn cho những thành phố lớn của Trung Quốc có thể nằm trong tầm tấn công của tên lửa thuộc Bình Nhưỡng.

Động thái nói trên của Sư đoàn lính nhảy dù số 15 của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ đã hết kiên nhẫn với Triều Tiên.

Ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng một cuộc "xung đột " với Triều Tiên có thể xảy ra từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Tại cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói : "Thời kỳ kiên nhẫn chiến lược với chính quyền Triều Tiên đã sụp đổ. Và nói thẳng ra thì sự kiên nhẫn đó đã kết thúc". 

Tổng thống Trump nói thêm : "Mục tiêu của chúng tôi là hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tự phòng vệ, luôn luôn như vậy và chúng tôi cũng bảo vệ cho các đồng minh".

Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin Mỹ từng đề nghị Trung Quốc tạo áp lực kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên để hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa nước này. Trung Quốc trong khi đó nhắc lại nhiều lần rằng ảnh hưởng của Bắc Kinh tới Triều Tiên có hạn chế và nước này đã làm mọi điều có thể.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ nói hết kiên nhẫn với Triều Tiên. Ngày 17/4, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố "thời kỳ kiên nhẫn chiến lược (với Triều Tiên) đã chấm dứt" và Bình Nhưỡng nên nhìn những gì Mỹ đã từng làm ở Syria và Afghanistan, đồng thời cảnh báo Triều Tiên đừng khiêu khích quyết tâm này hay "sức mạnh các lực lượng vũ trang của Mỹ". 

Ngay sau đó, Nga cũng có động thái động binh như Trung Quốc. Các đơn vị phòng không ở thủ đô Moskva của Nga bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, S-300 và Pantsir-S đã được đặt vào tình trạng báo động cao. Theo Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/4, động thái trên là một phần trong các cuộc diễn tập sẵn sàng tính chiến đấu cho binh sĩ nước này.

Các chương trình tập trận mới của Nga diễn ra trước nguy cơ xảy ra một cuộc Chiến tranh thế giới thứ 3 bùng phát từ Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc Mỹ không còn "kiên nhẫn chiến lược" với Bình Nhưỡng không góp phần vào giải quyết khủng hoảng, đồng thời hy vọng sẽ không có chuyện Mỹ lặp lại cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên như ở Syria.

Hà Linh

Quay lại trang chủ
Read 787 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)