Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/11/2023

Điểm báo Pháp - Vòng xoáy bạo lực Cận Đông

RFI tiếng Việt

Vòng xoáy bạo lực Cận Đông : Pháp siết chặt đoàn kết trước nạn bài Do Thái

Chính giới Pháp chia rẽ về cuộc tuần hành chống nạn bài Do Thái gia tăng, dự kiến diễn ra ngày Chủ nhật 12/11/2023 tại Paris, là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm 10/11. Xung đột Israel - Hamas ở Cận Đông cũng tiếp tục chiếm trang nhất nhiều báo.

vongxoay1

Ngôi sao David thể hiện thái độ bài Do Thái bị vẽ trên nhiều tòa nhà ở Paris và vùng phụ cận, Pháp, ngày 31/10/2023. AFP – Geofroy van der Hasselt

"Chống nạn bài Do Thái : Sự đoàn kết về chính trị không thể tìm thấy" là tựa trang nhất tờ Le Figaro thiên hữu. Sự có mặt của đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (Rassemblement nationale - RN) trong hàng ngũ biểu tình là yếu tố gây chia rẽ chính. Chính khách cực tả Jean-Luc Mélenchon tẩy chay cuộc tuần hành với lý do không muốn đi  cạnh những người "ủng hộ Israel vô điều kiện". Ngay cả nhiều dân biểu đảng cầm quyền của tổng thống cũng chọn giữ khoảng cách, với dự định sẽ đi tụt  lại phía sau đoàn biểu tình, để tách hẳn khỏi các phần tử cực hữu. Tuy nhiên, theo Le Figaro, "bất chấp các căng thẳng, đại đa số dân Pháp vẫn ủng hộ sáng kiến tuần hành của chủ tịch Hạ Viện và chủ tịch Thượng Viện, theo thăm dò dư luận Odoxa-Backbone Consulting". Nhiều người phản đối việc cô lập đảng cực hữu.

Chống bài Do Thái, "cuộc tuần hành đoàn kết" bị chia rẽ

Cuộc tuần hành chống nạn bài Do Thái tại Paris cũng là chủ đề chính trang nhất của Le Monde. Nhật báo này ghi nhận việc đảng cực hữu tham gia và đảng cực tả tẩy chay "đã biến sáng kiến (nhằm tạo đoàn kết) này thành vấn đề gây tranh luận". Bài xã luận của Le Monde, với nhan đề "Không thể biện minh cho nạn bài Do Thái", nhấn mạnh đến số vụ bài Do Thái tăng vọt, với hơn 1.000 vụ, kể từ đầu xung đột, "đòi hỏi nỗ lực đề kháng tập thể mạnh mẽ".

Le Monde chia sẻ quan điểm của hai chủ tịch Hạ Viện và Thượng Viện, khi đưa ra kêu gọi biểu tình đoàn kết, không phân biệt đảng phái chính trị, bởi để cho nạn bài Do Thái gia tăng, sự đoàn kết của nước Pháp, chế độ Cộng hòa Pháp cũng "bị đe dọa". Trên thực tế, cuộc tuần hành Chủ nhật tới đã có sự tham gia của "gần như toàn bộ các lực lượng chính trị của đất nước".

Hai ngộ nhận nguy hiểm

Tuy nhiên, Le Monde đặc biệt chú ý đến hai vấn đề căn bản có nguy cơ dẫn đến các ngộ nhận "nguy hiểm". Thứ nhất là việc đảng cực hữu sử dụng cuộc tuần hành chống nạn bài Do Thái, để xóa nhòa quá khứ bài Do Thái của đảng cựu hữu Mặt Trận Quốc gia (Front National) trước đây. Để chống lại mưu toan gây ngộ nhận này của đảng cực hữu, các đảng cánh tả đã đề nghị thiết lập một "lằn ranh" trong cuộc tuần hành, "nhằm tách hẳn các đảng ủng hộ chế độ cộng hòa với đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN), cùng các đảng phái cực hữu khác".

Nguy cơ gây ngộ nhận nguy hiểm thứ hai, theo Le Monde, là việc lãnh đạo cực tả Jean-Luc Mélenchon "đồng nhất cuộc tuần hành chống nạn bài Do Thái" với "sự ủng hộ vô điều kiện" các cuộc oanh kích của quân đội Israel tại dải Gaza, và "một lần nữa mưu toan gây chia rẽ". Le Monde nhấn mạnh là quan điểm nguy hiểm này "đánh đồng người Pháp Do Thái với chính quyền Israel", "đối đầu người Do Thái với người Ả rập". Các giá trị về ý thức công dân và tinh thần huynh đệ "bị gạt sang một bên", cuộc chiến chống nạn bài Do Thái "bị hạ thấp ý nghĩa".

"Ngọn lửa bất diệt" - Tròn 100 năm ngôi mộ Người lính Vô danh

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, đoàn kết bị đe dọa, nhật báo công giáo La Croix dành trang nhất cho chủ đề "Ngọn lửa bất diệt", để nhắc lại ý nghĩa của sức mạnh đoàn kết và sự tồn vong của nước Pháp. Ngày mai 11/11, chính phủ Pháp tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày ra đời "Ngọn lửa bất diệt". "Ngọn lửa bất diệt" là ngọn lửa Người lính Vô danh, được thắp lên lần đầu tiên cách nay một thế kỷ, ngày 06/11/1923, tại Khải Hoàn Môn, để tưởng niệm những chiến binh ngã xuống trong Thế chiến thứ nhất.

Kể từ đó đến nay, ngọn lửa ấy - biểu tượng cho sự đoàn kết của đất nước - được nhóm lại mỗi ngày. Vượt qua các khác biệt về chính trị, xã hội Pháp nói chung chia sẻ một niềm tin là "Dân tộc chỉ có thể vươn lên nếu trung thành với những người đã hy sinh". Theo La Croix, "Ngọn lửa bất diệt" là một giá trị bất khả xâm phạm, bất chấp việc các thế lực chính trị tìm cách khai thác biểu tượng này có lợi cho mình.

Bảo vệ thường dân tại Gaza : "Thách thức đạo lý căn bản"

Vấn đề đoàn kết hay chia rẽ nói trên của nước Pháp, trong bối cảnh nhạy cảm hiện nay, có nguồn gốc trực tiếp từ xung đột giữa Israel và Hamas tại Cận Đông. Bài xã luận "Israel - Gaza, mỗi sinh mạng đều quan trọng" của La Croix tập trung vào "thách thức đạo lý căn bản", bảo vệ sinh mạng thường dân tại Gaza. Cuộc tấn công của Israel vào Gaza để tiêu diệt tổ chức Hamas, trả thù cho vụ thảm sát đẫm máu 07/10, đang ngày càng gây phẫn nộ, với việc khoảng 10.000 thường dân thiệt mạng, trong đó có hàng nghìn trẻ em, theo số liệu của Hamas. La Croix nhấn mạnh "Israel không thể biện minh cho việc tự vệ và bảo đảm an ninh" với con số người chết khủng khiếp nói trên.

Theo nhật báo công giáo, áp lực quốc tế gia tăng để số phận thường dân Gaza được chú ý đến nhiều hơn. Tại Hội nghị Nhân đạo cho Gaza hôm qua ở Paris, tổng thống Pháp kêu gọi "đình chiến", trong lúc Hoa Kỳ đang thương lượng với Israel về một thỏa thuận "ngừng bắn nhân đạo". Bất luận từ ngữ nào được sử dụng, tình hình rất khẩn cấp. Cần ngừng bắn để người dân được chăm sóc, được tiếp tế lương thực, được sơ tán… Đạt được một thỏa thuận ngừng bắn chắc chắn là khó, nhưng điều này là có thể, nếu các đối thủ chấp nhận thương lượng, từ bỏ nguyên tắc "được ăn cả, ngã về không".

Cuộc chiến Israel - Hamas "làm tan rã trật tự ngoại giao quốc tế"

Xung đột Israel - Hamas cũng là chủ đề chính của Libération với hình ảnh trang nhất miền bắc Gaza chìm trong khói lửa. Nhật báo thiên tả chạy tựa "Địa chính trị : Hamas - Israel, cuộc chiến tranh đang làm đảo ngược cục diện thế giới", với nhận định "Từ các nước Ả rập đến Hoa Kỳ, từ Nga, Trung Quốc đến Châu Âu, Châu Mỹ Latinh…, cuộc xung đột - khiến hàng nghìn người chết - đang làm tan rã trật tự ngoại giao quốc tế".

"Làm tan rã trật tự ngoại giao quốc tế" cụ thể là gì ? Hồ sơ chính của Libération hôm nay dành cho chủ đề "Cuộc chiến Hamas - Israel khiến vấn đề Palestine trở lại, làm rung chuyển thế giới Hồi giáo" cho biết trước cuộc chiến tranh, nhiều quốc gia Ả rập đã bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, cuộc tấn công tàn khốc của Israel vào dải Gaza khiến "vấn đề Palestine" trở lại "trung tâm bàn cờ ngoại giao quốc tế".

Xã luận Libération, nhan đề "Gây bất ổn" nhấn mạnh đến bước ngoặt lịch sử mang tầm cỡ toàn cầu, của cuộc tấn công ngày 07/10. Thế giới sau ngày 07/10 khác hẳn với "thế giới trước đó". Chỉ trong vài tuần lễ, các cuộc thảm sát của Hamas trên lãnh thổ Israel, rồi các cuộc oanh kích của quân đội Israel tại Gaza "đã làm rung chuyển toàn bộ hành tinh", "đảo lộn cục diện địa chính trị thế giới, vốn đã rơi vào tình trạng rối loạn với cuộc xâm lăng Ukraine của Nga".

"Một tia lửa quá đà" có thể khiến tất cả cuốn vào vòng xoáy bạo lực

Trái ngược với cuộc xâm lăng Ukraine của Nga đã củng cố mạnh mẽ khối đoàn kết phương Tây, xung đột Israel - Hamas "đang làm tan rã mọi liên minh, gieo rắc hỗn loạn bên trong mỗi quốc gia, đe dọa phá vỡ những thế cân bằng vốn đã mong manh. Chỉ cần một tia lửa quá đà có thể khiến tất cả bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực". 

Libération nhấn mạnh đến căng thẳng chủ yếu hiện nay là do, với xung đột này, các bên bị đẩy về hai cực đối nghịch, hoặc ủng hộ Israel, hoặc ủng hộ Palestine. Rất ít nhà lãnh đạo hoặc nhóm dân cư nào kêu gọi ủng hộ giải pháp hai Nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại. Bản thân Châu Âu cũng bị chia rẽ giữa một bên ủng hộ quyền tự vệ của Israel, và bên kia kêu gọi ngừng bắn để bảo vệ thường dân ở Gaza.

Hệ quả trước mắt của xung đột hiện nay, theo Libération, là các thỏa thuận Abraham giữa Saudi Arabia và Israel, dự tính ký kết, "đã bị đình chỉ và có khả năng bị chôn vùi". Iran, thế lực đỡ đầu tổ chức Hamas, đang bình yên hoàn thiện vũ khí nguyên tử. Tổng thống Nga chắc chắn hài lòng với việc phương Tây bị chia rẽ, còn lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách khai thác tình hình theo hướng có lợi cho mình. Dù sao, Libération cũng cố gắng nhìn tình hình theo hướng tích cực. Bài xã luận khép lại với nhận định : "…thời kỳ mà cộng đồng quốc tế để mặc cho xung đột Israel – Palestine diễn ra một cách âm ỉ đã qua rồi. Đây là có thể là hy vọng nhỏ nhoi duy nhất mà thảm kịch hiện nay mang lại cho chúng ta".

Xung đột Cận Đông : Cuộc đối thoại giữa "những người điếc"

Phần nào tương tự với Libération thiên tả, Le Figaro thiên hữu trong bài xã luận "Bất thông hiểu :  Hố sâu ngăn cách" vạch rõ thế đối nghịch sâu sắc giữa hai bên, bên ủng hộ Israel ("phương Tây") và bên ủng hộ Palestine ("thế giới Hồi giáo"). Phía các nước Ả rập ủng hộ Palestine chú ý chủ yếu đến "75 năm chiến tranh, chiếm đóng, đàn áp mà dân Palestine phải chịu kể từ khi Nhà nước Israel được thành lập năm 1946".

Theo Le Figaro, "điều gây sốc với chúng ta là toàn thể thế giới Ả rập dường như ít chú ý đến tính chất man rợ của cuộc thảm sát ngày 07/10 của Hamas trên đất Israel. Ngược lại, điều khiến họ bị sốc là chúng ta từ chối quyền của họ đặt hành động thù hận này "vào đúng bối cảnh", họ trách chúng ta "không coi dân Palestine là con người, với việc ngầm quy cho họ trách nhiệm tập thể" về cuộc tấn công của Hamas… Le Figaro đã cố gắng đưa ra một cách nhìn từ bên ngoài, khi ghi nhận : cả hai bên đều có trách nhiệm trong tình trạng đầy rẫy các hiểu lầm hiện nay.

Một năm trước bầu cử Mỹ : Trump ở thế thượng phong

Khác với nhiều báo, trang nhất Les Echos không nhắc đến xung đột Israel - Hamas, cũng như cuộc tuần hành chống bài Do Thái tại Pháp. Nhật báo kinh tế chạy tựa "Trump, người dẫn đầu cuộc tranh cử tổng thống", trên nền hình ảnh cựu tổng thống Mỹ vẻ mặt nghiêm nghị, chỉ thẳng ngón tay về phía trước.

Một năm trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, cựu tổng thống Trump được coi là ứng cử viên có nhiều triển vọng giành thắng lợi tại đa số "các bang bản lề", cử tri thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số ít ủng hộ đảng Dân chủ hơn, trong lúc nữ chính khách Cộng hòa Nikkei Haley có nhiều khả năng thu hút các thành phần cử tri Cộng hòa thuộc xu hướng ôn hòa.

"Trump đệ nhị" sẽ hủy hoại "các nền móng của chế độ dân chủ Mỹ"

Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử năm tới có thể hủy hoại các nền tảng của chế độ dân chủ, đó là chủ đề xã luận Les Echos. Bài "Trump đệ nhị : Cùng một nhân vật nhưng tồi tệ hơn" khẳng định hiện không có chút cơ hội nào cho sự trỗi dậy của một gương mặt mới trong chính trường Mỹ, cuộc tranh cử tổng thống năm tới sẽ là sự lặp lại kịch bản Joe Biden đối đầu với Donald Trump.

Khác hẳn với lần trước, với chiến thắng được coi là bất ngờ ; lần này, phe Donald Trump đã chuẩn bị kỹ lưỡng, với dự án thay thế toàn bộ các vị trí chủ chốt trong nền hành chính Mỹ, mà Trump gọi là "Nhà nước ngầm". Điều đáng lo ngại nhất là Trump sẽ thao túng ngành tư pháp, bị coi là cứng đầu. Các cơ chế đối trọng quyền lực ở Mỹ có nhiều, nhưng "khả năng hủy hoại các nền móng dân chủ của Donald Trump khiến điều tội tệ nhất có thể xảy ra."

Nobel kinh tế Deaton : "Đế chế công nghiệp Mỹ đang cáo chung"

Về tình hình nước Mỹ, Les Echos có bài phỏng vấn giải Nobel kinh tế Angus Deaton, giáo sư danh dự Đại học Princeton. Bài "Đế chế công nghiệp Mỹ đang cáo chung, xét về một mặt nhất định" cho biết tình hình nước Mỹ không mấy khả quan do cách vận hành của bản thân nền kinh tế và chế độ chính trị Mỹ là nhận định của kinh tế gia Augus Deaton. Cụ thể là việc quyền lợi của người lao động không được bảo vệ đủ mức.

Theo giáo sư Deaton, nếu nước Mỹ có được hệ thống an sinh Châu Âu, như Thụy Sĩ, Mỹ sẽ tiết kiệm được 1.000 tỉ đô la, và tuổi thọ trung bình của người dân sẽ cao hơn 5 năm. Dù sao, kinh tế gia Deaton cũng hoan nghênh các nỗ lực của chính quyền Biden nhằm chấn hưng công nghiệp Mỹ, nhưng ông dự báo công nghiệp Mỹ không thể trở lại như trước, cho dù nỗ lực này "có thể hãm lại tốc độ tan rã".

"Ba kẻ sát sinh của nhân loại"

Độc giả Les Echos hôm nay chắc khó bỏ qua bài viết của học giả Jacques Attali với tựa đề "Ba kẻ sát sinh của nhân loại". Vượt hẳn khỏi các tranh chấp đối đầu cụ thể giữa các thế lực địa phương, tác giả vạch rõ ba tác nhân chủ chốt có mặt đằng sau các xung đột chủ yếu, từ Ukraine đến Gaza hay Afghanistan. Theo Jacques Attali, đây vốn là các thế lực hùng mạnh chủ chốt trong suốt tiến trình lịch sử nhân loại, đó là "giới tăng lữ, giới quân sự và giới thương nhân".

Quyền lực của họ có thể suy yếu và thay đổi trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, nhưng các thế lực này thường xuyên liên kết với nhau để duy trì quyền lực, chống lại đối phương. Theo tác giả, trong thế giới  hiện nay, "ba kẻ sát sinh của nhân loại" có gương mặt cụ thể là các thế lực muốn đạo Hồi độc quyền thống lĩnh thế giới, đế chế Trung Hoa kế thừa truyền thống nghìn năm đang tìm cách áp đặt lên thế giới ý thức hệ của mình (cùng đế chế Nga với mức độ bạo lực cao hơn). Và kẻ sát sinh thứ ba là "chủ nghĩa tư bản", với hóa thân mới nhất là nước Mỹ.

Ba thứ quyền lực này có điểm chung là "khinh thường sự sống". Mỗi thế lực, theo cách của mình, đều hướng đến "tước đoạt thiên nhiên, phá hủy mọi di sản của quá khứ và hủy diệt mọi viễn cảnh tương lai". Theo Jacques Attali, chỉ khi vượt qua được ba dạng quyền lực này, "dựa trên các giá trị phổ quát (tự do, nhân quyền, dân chủ, công bằng xã hội, nhân phẩm, sáng tạo, lý trí, sự đồng cảm, lòng vị tha, hợp tác), nhân loại mới có thể có được sức mạnh để chiến thắng kẻ thù tồi tệ nhất, nằm trong chính bản thân con người".

Pháp : Bác quyết định giải thể mạng lưới tranh đấu môi trường

Trong lĩnh vực chính trị - xã hội và môi trường, nhiều báo Pháp chú ý đến quyết định của Tham Chính Viện (Conseil d'Etat) Pháp bác bỏ quyết định giải tán mạng lưới tranh đấu môi trường "Sự nổi dậy của Trái đất" (Soulèvements de la Terre) của chính phủ. Theo Le Figaro, quyết định hôm qua, 09/11, của Tham Chính Viện là một "đòn đau" với bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin, bởi chính ông ủng hộ quyết định giải tán, với lý do đây là một tổ chức "cực kỳ bạo lực".

Theo Tham Chính Viện Pháp, quyền tự do hiệp hội được ghi vào Hiến pháp, được luật pháp bảo vệ nghiêm ngặt. Phán quyết của định chế này nhấn mạnh : quyết định giải thể "vi phạm nghiêm trọng quyền này". Bác bỏ quyết định liên quan đến phong trào nói trên, nhưng Tham Chính Viện chấp thuận quyết định giải tán ba tổ chức cực đoan, theo đề xuất của chính phủ.

Theo Libération, quyết định của Tham Chính Viện là một "thất bại chính trị" mới của bộ trưởng Nội vụ. Mạng lưới Sự Nổi dậy của Trái đất, ra đời năm 2021, đứng sau hàng loạt cuộc tranh đấu vì môi trường, trong đó có nhiều vụ trở thành đối đầu bạo lực với cảnh sát. Chính phủ Pháp quyết định giải tán phong trào này hồi tháng 6, sau vụ đụng độ dữ dội tại hồ chứa nước Sainte Soline (tỉnh Deux-Sèvres), tháng 3/2023. Tháng 8, Tham Chính Viện đình chỉ quyết định của chính phủ. Phán quyết hôm qua là quyết định cuối cùng của Tham Chính Viện.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 167 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)