Tiếp tục tấn công Gaza, Israel có nguy cơ bị "cô lập"
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở vùng Cận Đông vẫn là chủ đề được nhiều báo Pháp, số ra hôm nay 17/11/2023, quan tâm, đặc biệt là cuộc tấn công của Israel vtại bệnh viện al Shifa ở dải Gaza, vốn bị chỉ trích từ nhiều ngày qua.
Binh sĩ Israel tại dải Gaza, ngày 15/11/2023. VIA Reuters - IDF
Le Monde mô tả một thành phố từng là ngã tư giao thương giữa vùng Địa Trung Hải và phương Đông, liên tục bị bắn phá từ nhiều ngày qua, nay bị tàn phá không khác gì cảnh sau Đệ Nhất Thế Chiến năm 1917. Cả Le Figaro và Le Monde đều nêu lại diễn biến chiến dịch tấn công từ phía Israel vào bệnh viện chính của Gaza, vốn là nơi ẩn náu của hơn 2300 y bác sĩ, bệnh nhân và dân thường. Quân đội Israel, hôm thứ Năm, đã đăng tải một video cho thấy các thiết bị quân sự được cho là Hamas đã bỏ lại bệnh viện.
Theo Le Figaro dù cuộc chiến vẫn tiếp diễn nhưng Israel đã tính đến tương lai của Gaza. Nhật báo cánh hữu trích tuyên bố của tổng thống Israel Isaac Herzog, trả lời một báo Mỹ, nhận định : "Nếu chúng tôi rút khỏi Gaza thì ai sẽ thay thế chúng tôi, chúng tôi không thể để lại một khoảng trống đằng sau như vậy, và không ai chấp nhận để Gaza trở thành căn cứ cho khủng bố". Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mong muốn chiếm đóng Gaza khó có thể được quốc tế chấp nhận, ngay cả từ phía đồng minh Hoa Kỳ. Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi thiết lập một lãnh thổ hai Nhà nước, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi ngừng bắn nhân đạo. Le Figaro kết luận rằng Israel đang ngày càng bị đe dọa "cô lập" về mặt ngoại giao, khi mà số người Palestine bỏ mạng trong cuộc xung đột này đã lên đến hơn 11 000 người.
Trong cùng hồ sơ này, nếu Libération quan tâm đến tình hình cứu trợ nhân đạo cho người Palestine ở Gaza, thông qua cửa khẩu Rafal từ Ai Cập, thì thông tín viên của Le Monde từ Beyrouth nêu ra tình trạng căng thẳng leo thang quân đội Israel với nhóm Hezbollah của Lebanon, vốn đứng về phe Hamas, phản đối cuộc tấn công của Tel Aviv vào dài Gaza.
Ở phía nam Lebanon, giáp ranh với Israel, hơn 26 000 người đã phải đi lánh nạn do các cuộc oanh tạc của quân đội Tel Aviv, hơn 40 000 cây ô liu, vốn là phương kế của người dân nơi đây đã bị thiêu rụi, hàng trăm héc ta đất canh tác cũng bị phá hủy. Phía Hezbollah vào tuần trước đã khẳng định sẽ không khoan nhượng trước Israel nếu vẫn tiếp tục chiến dịch ở Gaza. Hezbollah gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công có mục tiêu, sử dụng drone tự sát. Israel cũng mạnh mẽ đáp trả, sử dụng tên lửa bắn vào các hạ tầng của Hezbollah. Có những ngày, Israel phóng hơn 30 tên lửa về phía Hezbollah ở Lebanon. Hôm 10/11, tên lửa của Israel đã tiêu diệt khoảng 10 lãnh đạo của Hezbollah. Vào cuối tuần trước, cuộc tấn công của Hezbollah đã khiến 1 người thiệt mạng và 18 người bị thương ở phía Israel.
Le Monde trích dẫn trang Axios của Hoa Kỳ, cho biết quan chức Hoa Kỳ nghi ngờ Israel có khả năng "muốn kích động Hezbollah, tạo một cái cớ để mở rộng cuộc chiến ở khu vực này". Bộ trưởng quốc phòng Israel thì đã ám chỉ muốn mở ra một chiến trường thứ hai, và có thể khiến Hezbollah chịu chung số phận như Gaza, cáo buộc Hezbollah đùa với lửa.
Về cuộc xung đột này, La Croix đề cập đến lời kêu gọi hòa bình của hơn 600 nghệ sĩ tại Pháp, tổ chức một cuộc tuần hành ôn hòa, "không cờ, không khẩu hiệu, không chọn phe" vào thứ Bảy 18/11 tại Paris. Còn tại Israel, phóng sự của Le Figaro chỉ ra rằng những người Ả rập thiểu số, người Palestine, sinh sống ở Israel và có quốc tịch Israel phải chịu áp lực nặng nề. Một mặt, họ muốn bày tỏ ủng hộ người Palestine, mặt khác lại phải trung thành với Israel. Có những người đã công khai chọn phe, bày tỏ ý kiến trên mạng xã hội ủng hộ Palestine, và đã bị buộc tội "phản quốc", "ủng hộ khủng bố", theo như luật của Israel.
Tập Cận Bình : Lãnh đạo Mỹ - Trung "phải có trách nhiệm duy trì hòa bình thế giới"
Chuyến công du Mỹ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng được nhiều báo số ra hôm nay quan tâm. Theo Le Monde, phía Hoa Kỳ đánh giá cuộc gặp giữa hai lãnh đạo đã cho phép đạt được đồng thuận trên một số điểm như nối lại liên lạc về quân sự, vấn đề Đài Loan, kiểm soát nạn buôn lậu ma túy từ Trung Quốc đổ vào Hoa Kỳ, hay tăng cường liên kết hàng không giữa hai nước. Trên mạng xã hội X, tổng thống Biden nhận định rằng "những thách thức quốc tế lớn đòi hỏi sự lãnh đạo chung, và hôm nay, chúng tôi đã có những bước tiến triển thực sự".
Ông Tập Cận Bình cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng hai cường quốc cần phải có trách nhiệm duy trì ổn định, nhưng không nói đến sự tiến triển nào, và khẳng định Trung Quốc "không có ý định soán ngôi Hoa Kỳ". Do vậy, Washington cũng nên làm điều tương tự vì tất cả các cuộc đối đầu sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Theo Le Monde, ông Biden dĩ nhiên sẽ phải coi cuộc họp thượng đỉnh này đạt được thành công để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. Về phần mình, nếu Tập Cận Bình muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ các hạn chế đối với chất bán dẫn của Trung Quốc, bớt ủng hộ Đài Loan, thì phải bày tỏ thái độ "đồng lòng" trong thông cáo chung, mặc dù không hoàn toàn ủng hộ Biden.
Tuy nhiên sự đồng thuận giữa hai bên lại khá ngắn ngủi, khi vào hôm thứ Tư, Libération đề cập đến nhận định của ông Biden tái khẳng định "Tập Cận Bình là nhà độc tài theo cách mà ông ấy lãnh đạo một đất nước dựa trên một hình thái chính phủ khác hoàn toàn với chính phủ Mỹ". Trung Quốc đã nhanh chóng chỉ trích phát biểu được cho là sai lệch, là một "sự thao túng chính trị vô trách nhiệm".
Trả ngàn đô để ăn tối với lãnh đạo Trung Quốc
Le Figaro thì quan tâm đến bữa tối "2000 đô la" giữa Tập Cận Bình và lãnh đạo của hơn 300 doanh nghiệp tại khách sạn Hyatt Resgency ở San Francisco. Nếu như Tập Cận Bình cho rằng dù có "nhiều căng thẳng" nhưng Trung Quốc vẫn mở cửa với kinh doanh. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong đó có Elon Musk, chủ của Tesla, hay Tim Cook, CEO của Apple, hoặc lãnh đạo của tập đoàn dược phẩm Pfizer, chính quyền Bắc Kinh đã khiến việc kinh doanh của họ gặp khó khăn. Nhiều chỉ trích cũng được đưa ra từ phía Hoa Kỳ về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Bắc Kinh.
Một nghị sĩ Quốc hội bày tỏ "không thể chấp nhận" được việc các chủ doanh nghiệp trả tiền để đến ăn tối cùng ông Tập. Les Echos cho biết 2000 đô la là mức tối thiểu, và chi phí có thể lên đến 40 000 đô la để ngồi bàn gần với Tập Cận Bình, nghe lãnh đạo Trung Quốc nêu ra những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp phải. Mặc dù Bắc Kinh kêu gọi đầu tư từ nước ngoài nhưng việc chính quyền thắt chặt kiểm soát "nhân danh luật an ninh, luật chống gián điệp", đã khiến nhiều nhà đầu tư do dự.
Tổng thống Pháp bị chỉ trích về đối nội và đối ngoại
Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất "Ngoại giao hay đối nội, Macron bị mắc bẫy trong chính các hành động mâu thuẫn của mình". Tổng thống Pháp đã tổ chức một cuộc gặp với lãnh đạo các chính đảng tại Pháp vào hôm nay, để thảo luận về việc trưng cầu dân ý trong các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, lãnh đạo của đảng Nước Pháp Bất Khuất Manuel Bompard, đảng Xã Hội Olivier Faure và nhất là đảng Những Người Cộng Hòa, được Macron ví như "đảng của chính phủ Pháp", lần lượt thông báo vắng mặt. Macron được xem như là bị tẩy chay.
Theo La Croix, những tham vọng của tổng thống bị nhấn chìm trong những tuyên bố đầy mâu thuẫn. Le Figaro thì cho rằng từ nhiều tuần qua, ông Macron đã gieo rắc sự nghi ngờ. Lập trường của tổng thống Pháp về cuộc chiến giữa Israel và Hamas không rõ ràng, hôm trước nhận định rằng Israel có quyền tự vệ, hôm sau thì kêu gọi Israel ngừng bắn ở Gaza, đối thoại để giải quyết xung đột… đã khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ về đường lối ngoại giao của chính phủ, ngay cả trong chính phe của Macron. Trong chuyến thăm đến Thụy Sĩ, vào hôm thứ Hai 13/11, hơn 200 người đã biểu tình phản đối lập trường của Macron trong khuôn viên của đại học Lausanne.
Xã luận Le Figaro nhận định rằng ông Macron đang bị mất phương hướng. Hiện không ai rõ quan điểm của Macron là gì đối với những dự luật nhập cư, thu hút sự quan tâm của mọi người. Những đề xuất cải cách Hiến Pháp để tạo thuận lợi cho việc tổ chức trưng cầu dân ý, trên thực tế, chỉ là những lời hứa hẹn.
Nguyên thủ Pháp cố giữ lập trường cân bằng trong bối cảnh các hành động bài Do Thái ngày càng gia tăng tại Pháp. Sự vắng mặt của Macron tại buổi tuần hành quy tụ nhiều chính trị gia để lên án tình trạng bài Do Thái tại Pháp cũng khiến nhiều người nghi vấn. Nội bộ chính phủ Pháp cũng vướng nhiều bê bối về mặt pháp lý, khi bộ trưởng tư pháp Eric Dupond-Moretti bị kêu án tù treo, bộ trưởng lao động thì phải ra trình diện trước tòa vào ngày 27 tới vì bị cáo buộc có quan hệ không minh bạch với một doanh nghiệp. Về kinh tế, vốn là điểm mạnh của Macron thì tăng trưởng giảm, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng trở lại (trước năm 2017, tỉ lệ thất nghiệp là hơn 9% và đã giảm xuống còn hơn 7% từ năm 2022).
Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE), tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức 7,4% vào quý ba của năm, tăng 0,2% so với quý trước đó. Hiện Pháp ước tính có hơn 2,3 triệu người thất nghiệp. Đây là một thách thức lớn của Macron khi dự luật về toàn dụng lao động vừa được Quốc hội thông qua. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo có thể tăng lên 7,9% vào cuối năm 2024, như vậy, theo Le Monde, Macron khó có thể đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5% đối với những người trong độ tuổi lao động.
Vẫn về thời sự nước Pháp, cả Les Echos và Le Figaro đều đề cập đến cuộc khủng hoảng địa ốc. Lãi suất ngân hàng tăng cao, nguồn cung nhà ở thiếu, lạm phát, các giao dịch bất động sản giảm mạnh, nhiều nhà mới xây dựng không bán được, một số doanh nghiệp nhỏ đã phải đóng cửa. Trang nhất báo Les Echos chạy tựa "chính phủ Pháp phải tìm ra giải pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng địa ốc". Hôm qua, 16/11, thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã thông báo một kế hoạch huy động 500 triệu euro, mua lại nhà từ các bên kinh doanh bất động sản để giao cho các bên quản lý khai thác nhà xã hội. Điều này có thể cho phép giảm giá nhà cho thuê.
Chi Phương