Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/11/2023

Tạp chí đặc biệt - Thượng đỉnh Biden-Tập

RFI tiếng Việt

Thượng đỉnh Biden-Tập : Trung Quốc chấp nhận hợp lực với Mỹ "vì khí hậu"

Mỹ, Trung công bố thỏa thuận hợp tác khí hậu song phương một ngày trước thềm thượng đỉnh Biden - Tập Cận Bình. Đài Bắc hoan nghênh lập trường bảo vệ "hòa bình, ổn định" của Mỹ tại eo biển Đài Loan. Giải thưởng hòa bình cho trẻ em được trao cho ba thanh niên Ukraine, có công thiết kế các ứng dụng hỗ trợ trẻ em Ukraine tị nạn.

mytrung1

Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry (trái) và đồng nhiệm Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), Bắc Kinh, tháng 7/2023 © Reuterrs

Tư pháp Pháp phát lệnh truy nã tổng thống Syria Bassar al-Assad trong nghi án đồng lõa với "tội ác chống nhân loại" liên quan đến các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Khai mạc triển lãm "Một lịch sử khác của thế giới" ở Bảo tàng MUCEM (các nền văn minh Châu Âu và Địa Trung Hải), thành phố Marseille, miền nam nước Pháp, trưng bày nhiều hiện vật về các nền văn minh Châu Phi, Châu Á, Châu Đại Dương, Châu Âu (trong đó có các hiện vật từ thế kỷ 13), cho thấy phương Tây "không phải là động lực duy nhất làm nên thế giới hiện đại và lý tưởng về một nhân loại thống nhất".

 

Đỉnh điểm của thời sự quốc tế trong tuần qua là cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung bên lề Diễn đàn APEC rất được trông đợi, với hy vọng quan hệ Washington - Bắc Kinh bước vào giai đoạn hòa hoãn. Cuộc hội kiến Joe Biden - Tập Cận Bình có phần làm lu mờ một bước tiến quan trọng khác trong quan hệ Trung - Mỹ ngay trước thượng đỉnh liên quan đến khí hậu, vốn được coi là đe dọa số một đối với nhân loại về an ninh. Ngày 14/11/2023, Mỹ - Trung ra "Tuyên bố Sunnylands về tăng cường hợp tác giải quyết khủng hoảng khí hậu". Tuyên bố chung là kết quả của tuần làm việc đầu tháng 11 giữa đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua).

Hai bước tiến quan trọng

Trung, Mỹ từ chỗ cáo buộc nhau là "nước phát thải số một hành tinh" tại COP27 đến chỗ chấp nhận hợp lực trước COP28. Ông Lý Thạc (Li Shuo), cựu thành viên Greenpeace, một chuyên gia về chính sách năng lượng khí hậu Asia Society Policy Institute (ASPI), có trụ sở tại Washington (viện tư vấn có mục tiêu thúc đẩy các hợp tác tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương) lưu ý đến hai tiến bộ "đáng chú ý".

Thứ nhất, đây là "lần đầu tiên,Trung Quốc xác nhận mở rộng các mục tiêu về khí hậu (NDC) cho toàn bộ nền kinh tế vào cái mốc 2035, bao gồm tất cả các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính (trong đó có khí mê-tan mà Trung Quốc là quốc gia phát thải lớn nhất)". Đây là điều mà cho đến nay Bắc Kinh vẫn giữ thái độ mơ hồ (bài "Analysis on US-China Sunnylands Statement / Phân tích về Tuyên bố Sunnylands Mỹ - Trung"). Theo ông Lý Thạc, quyết định này đặt Trung Quốc vào vị thế "ngang hàng" với các nước phát triển trong các cam kết về khí hậu.

Điểm tiến bộ thứ hai : "lần đầu tiên Bắc Kinh khẳng định sẵn sàng công khai xem xét việc giảm lượng phát thải tuyệt đối "sau đỉnh phát thải" hay "hậu đỉnh" (post-peaking) trong thập niên 2020 trong ngành điện lực". Chuyên gia Lý Thạc nhấn mạnh, việc Trung Quốc "sẵn sàng thảo luận về giai đoạn "hậu đỉnh", cho dù chỉ mới giới hạn trong ngành điện, cho thấy niềm tin gia tăng về việc tổng lượng khí thải của quốc gia này sẽ sớm đạt đỉnh, và Bắc Kinh có thể chuẩn bị cho lộ trình giảm khí thải "sau đỉnh phát thải", một vấn đề hệ trọng đối với tương lai khí hậu toàn cầu".

Hợp tác Bắc Kinh - Washington tạo đà cho COP28

Bà Deborah Seligsohn, chuyên gia về chính sách khí hậu, về kinh tế Trung Quốc tại trung tâm tư vấn chiến lược Center for Strategic and International Studies (CSIS), có trụ sở tại Washington, D.C, nêu bật tầm quan trọng đặc biệt của Tuyên bố Mỹ, Trung nói trên đối với cuộc chiến khí hậu của cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong nỗ lực cắt giảm khí thải mê-tan, một loại khí thải dù có số lượng ít hơn khí thải CO2, nhưng tác hại đến khí hậu gấp 28 lần khí thải CO2.

Theo chuyên gia Deborah Seligsohn, việc hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới cam kết hợp tác mở ra nhiều triển vọng hơn cho thượng đỉnh khí hậu COP28, sẽ diễn ra trong hơn hai tuần tới. Bà Deborah Seligsohn nhắc lại là, chính hợp tác Mỹ - Trung thời tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đóng góp phần quyết định cho việc cộng đồng quốc tế đúc kết được Hiệp định Khí hậu năm 2015 tại Paris. Về tuyên bố Mỹ - Trung về khí hậu, ủy viên Châu Âu phụ trách khí hậu Wopke Hoekstra, hôm 16/11, tỏ ra lạc quan dè dặt : "giờ đây chúng ta có thể xem như ly nước đã đầy được một nửa. Điều không phải là như vậy cách nay nửa năm".

Nhanh chóng bỏ năng lượng hóa thạch : Lỗ hổng lớn trong Tuyên bố Mỹ - Trung

Chuyên gia về môi trường David Waskov, trung tâm tư vấn World Resources Institute (WRI) một mặt hoan nghênh bước tiến đáng chú ý nhất của Tuyên bố chung là đưa toàn bộ các loại khí thải (bao gồm mê-tan) vào các kế hoạch cắt giảm, nhưng mặt khác bày tỏ "thất vọng lớn" trước việc cả hai đại gia khí thải không nhắc gì đến việc từ bỏ nhanh chóng năng lượng hóa thạch ngay trong thập niên 2020, điều dự kiến sẽ là "một chủ đề trung tâm của COP28".

Về hợp tác khí hậu Mỹ Trung, chuyên gia tài chính và chính trị quốc tế Trầm Liên Đào (Andrew Sheng), viện Asia Global Institute, Đại học Hồng Kông, bày tỏ thái độ thậm chí triệt để hơn, với cảnh báo : vấn đề không chỉ là cần cắt giảm các loại khí thải do năng lượng hóa thạch, mà phải xét cả các giới hạn tài nguyên của Trái đất. Bởi, nếu nhu cầu năng lượng vẫn cứ tiếp tục tăng, cho dù có chuyển sang sử dụng các năng lượng "không hóa thạch" hay gọi là "năng lượng tái tạo", con người vẫn buộc phải sử dụng ngày càng nhiều nhiều nguồn tài nguyên không thể tái tạo, như các khoáng sản thiếu yếu như đồng hay lithium. Thế giới do đó cũng sẽ nhanh chóng đi đến chỗ cạn kiệt tài nguyên, chưa kể tác hại khổng lồ về môi trường (bài "On climate action…", báo SCMP).

Đài Loan "an tâm" sau thượng đỉnh Mỹ - Trung

Đài Loan là một tâm điểm của cuộc hội kiến Biden - Tập Cận Bình. Trong lúc giới quan sát dường như chú ý nhiều đến căng thẳng Mỹ - Trung dai dẳng trong hồ sơ Đài Loan, "vấn đề số một" trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ (đứng từ quan điểm của Bắc Kinh), thì đứng từ phía Đài Bắc, cuộc họp thượng đỉnh này là một bằng chứng cho thấy Washington đã không hy sinh quyền lợi của Đài Loan. Trước thềm thượng đỉnh, trả lời RFI, chuyên gia về Trung Quốc đương đại Stéphane Corcuff, Học viện Sciences Po Lyon nhận định :

"Chúng ta không có lý do để lo ngại về việc tổng thống Biden bỏ rơi Đài Loan. Nếu ông ấy quyết định bỏ rơi Đài Loan hơn nữa là trước mặt của Tập Cận Bình, điều đó sẽ khiến ông ấy bị xem như một con người không có bản lĩnh. Điều này không thể xảy ra. Nếu như ông có một quyết định như vậy, thì đây sẽ là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới khiến tình hình thêm rối loạn tại Đông Á và thế giới, vô cùng nguy hiểm. Về phần mình, Đài Loan có thể yên tâm. Đài Loan cũng đã yêu cầu Hoa Kỳ giới hạn một chút các tuyên bố gây lo ngại, để có thể trấn an các bên.

Hơn nữa, đây không phải là một cuộc gặp liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Lãnh đạo hai nước vẫn sẽ đưa ra các phát biểu như thông lệ, có nghĩa là không ai muốn chiến tranh. Mỗi bên đều muốn tranh thủ thời gian. Như vậy, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có thời gian chuẩn bị, vì Mỹ hiểu rằng chính quyền Trung Quốc duy trì quyết tâm hành động. Ngược lại, Bắc Kinh vẫn có thể tiếp tục khẳng định lập trường thôn tính Đài Loan, đồng thời cũng tranh thủ thời gian, bởi trong hiện tại Trung Quốc cũng không có đủ lực lượng để tấn công hòn đảo".

Sau thượng đỉnh, nhà báo Shannon Tiezzi của The Diplomat, ghi nhận phản ứng rất tích cực từ phía Đài Bắc. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Đài Loan hoan nghênh Mỹ "một lần nữa công khai nhấn mạnh lập trường vững chắc của Hoa Kỳ trong việc duy trì hòa bình và ổn định xuyên eo biển thông qua cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc". Theo ông Russell Hsiao, giám đốc điều hành của Viện tư vấn Global Taiwan Institute, có trụ sở tại Washington DC, đã không có bất cứ điều gì gây lo lắng cho Đài Loan xuất hiện trong thượng đỉnh này như "cách nay mươi năm". Theo vị chuyên gia này, quan hệ Mỹ - Đài ngày càng mật thiết, và nguy cơ Hoa Kỳ nhượng bộ Trung Quốc trên lưng Đài Loan không còn là "nỗi lo nhãn tiền".

Trả lời La Croix, nhà nghiên cứu Paul Jobin, viện xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Academia Sinica ở Đài Bắc cũng cùng ghi nhận là "nhiều người Đài Loan lo lắng về việc chính quyền Biden có thể có một số thỏa hiệp với Trung Quốc gây bất lợi cho Đài Loan". Xã hội Đài Loan đang trong trạng thái căng thẳng về chính trị, gần hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống với cuộc đối đầu giữa ứng viên đảng Dân Tiến chủ trương độc lập trên thực tế và ứng viên Quốc Dân Đảng muốn xích gần với Bắc Kinh. Theo chuyên gia Paul Jobin, Trung Quốc từ nhiều tháng nay tiến hành "một cuộc chiến tâm lý quyết liệt nhằm tác động đến cử tri Đài Loan, đến các ứng cử viên tổng thống thông qua báo chí và các mạng xã hội". Cuộc thượng đỉnh Biden - Tập là một cơ hội cho tuyên truyền với các bên. Theo La Croix, về cuộc thượng đỉnh này, đa số các đài truyền hình Đài Loan phát đi các phóng sự với quan điểm "chừng mực".

Giải "Hòa bình cho trẻ em" vinh danh ứng dụng vì trẻ tị nạn Ukraine

Việc trẻ em hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn xứng đáng được thế giới vinh danh và biết đến rộng rãi. Năm 2005, một hội nghị tổ chức tại Roma, với sự tham gia của những người đoạt giải Nobel hòa bình đã quyết định lập ra giải "Hòa bình cho trẻ em", với sự đỡ đầu của hiệp hội KidsRights, có trụ sở tại Anh Quốc. Hôm qua, 17/11, tại Luân Đôn, giải thưởng thường niên được trao cho ba thiếu nữ Ukraine, có công phát triển các ứng dụng tin học cho phép trẻ em tị nạn Ukraine tiếp cận được những thông tin có ý nghĩa sống còn, khi sống lưu lạc ở xứ người do cuộc chiến xâm lăng của Nga.

Phần mềm "Refee" sẽ cho phép các em từ 4 đến 11 tuổi có được các thông tin để tìm được nơi trú ẩn, một mái ấm, có được nguồn thức ăn. Thứ hai là phần mềm "SVITY" cho phép các em trên 16 tuổi kết nối với các gia đình tiếp nhận.

Sofia Tereshchenko, 18 tuổi, Anastasiia Feskova và Anastasiia Demchenko, đều 17 tuổi, là ba thiếu nữ được vinh danh. Trả lời AFP, Sofia Tereshchenko cho biết hiện tại "chúng tôi đang được ở nơi trú ẩn an toàn tại nước ngoài, nhưng tâm hồn chúng tôi luôn hướng về Ukraine… rất nhiều trẻ em Ukraine đang ở trong cảnh ngộ tồi tệ hơn chúng tôi nhiều, đang hàng ngày phải chịu đựng những thảm cảnh".

Một nửa của giải thưởng trị giá 100.000 euro sẽ được đầu tư cho dự án mà những người đoạt giải đang tiến hành, phần còn lại được đầu tư vào các dự án gần gũi với sáng kiến này. Giải thưởng Hòa bình cho trẻ em mang lại nguồn cảm hứng cho những thanh thiếu thiếu niên tận lực dấn thân góp phần giải quyết những vấn đề mà "trẻ em khắp nơi trên thế giới phải đối mặt".

Tư pháp Pháp truy nã tổng thống Syria

Kể từ ngày 14/11/2023, tổng thống Syria Bachar al-Assad cùng người anh em trai và hai tướng lĩnh bị tư pháp Pháp phát lệnh truy nã quốc tế. Lãnh đạo Syria bị nghi ngờ đứng sau các vụ tấn công bằng chất độc hóa học năm 2013. Các cuộc tấn công khiến hơn 1.000 người thiệt mạng tại khu vực đông Ghouta, ngày 21/08/2013, theo tình báo Mỹ.

Điều tra của các thẩm phán Pháp cũng nhắm vào các cuộc tấn công ngày 05/08 cùng năm tại Adra và Douma, khiến 450 người bị thương. Điều tra được khởi sự từ tháng 4/2021, sau khi bộ phận điều tra về tội ác chống nhân loại của "Tòa án tư pháp Paris" (Tribunal judiciaire de Paris - TJ de Paris) thụ lý đơn kiện.

Tổng giám đốc của Trung tâm Syria về truyền thông và tự do ngôn luận (SCM), ông Mazen Darwish, một nguyên đơn của vụ kiện này, ca ngợi quyết định truy nã tổng thống đương nhiệm Syria của tư pháp Pháp, là "một quyết định tư pháp có ý nghĩa lịch sử".

Theo một nguồn tin nắm rõ hồ sơ này, bốn lệnh truy nã này là kết quả của một "nỗ lực bền bỉ" của các nhà điều tra thuộc đơn vị mang tên Cơ quan trung tâm chống các tội ác chống nhân loại OCLCH, trực thuộc Hiến binh quốc gia Pháp, nhằm tìm ra các thủ phạm cấp cao nhất ra quyết định sử dụng vũ khí hóa học, dựa trên các thông tin công khai, nhân chứng cũng như các nguồn tin tình báo.

Ngày 16/11, Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ), cơ quan pháp lý cao cấp nhất của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại La Haye, đã ra quyết định yêu cầu chính quyền Syria chấm dứt các hành động tra tấn, ngược đãi tù nhân. Trong những năm gần đây, tư pháp Đức cũng phát lệnh truy nã nhiều giới chức trong chính quyền Syria phạm tội ác chiến tranh và chống nhân loại.

Triển lãm "Một lịch sử khác của thế giới" ở Marseille

Với những ai yêu thích lịch sử và văn hóa, cuộc triển lãm mang tên "Une autre histoire du monde" (tạm dịch là "Một lịch sử thế giới khác"), diễn ra tại thành phổ cảng Marseille, miền nam nước Pháp, là một sự kiện khó bỏ qua. Triển lãm có mục tiêu đảo ngược cách nhìn phổ biến trong công chúng về một thế giới lấy Châu Âu là trung tâm. Để chứng minh cho một cái nhìn rất khác, MUCEM trưng bày khoảng 150 hiện vật quý hiếm (như bản đồ, bản thảo, di vật khảo cổ, tranh, vải vóc…), trong có nhiều hiện vật lần đầu tiên ra mắt công chúng (triển lãm kéo dài đến ngày 11/03/2024).

Tại lối vào triển lãm, công chúng có thể chiêm ngưỡng tấm bản đồ thế giới của nghệ sĩ đương đại người Congo Cheri Samba, mang tên "Tấm bản đồ thực sự của thế giới" (sáng tác năm 2011). Đối với nhiều người, đây là một tấm bản đồ lộn ngược, bởi được treo theo chiều ngược hẳn với một tấm bản đồ thông thường với phương bắc bên trên phương nam bên dưới, Châu Âu nằm trên, Châu Phi nằm dưới. "Tấm bản đồ thực sự của thế giới" của Cheri Samba, đặt Châu Phi nằm ở trung tâm thay vì Châu Âu, và Châu Phi nằm phía trên Châu Âu, mang lại một thông điệp đầy thách thức.

mytrung2

Bức tranh "Bản đồ thực sự của thế giới" của nghệ sĩ Congo, Cheri Samba, tại triển lãm "Une autre histoire du monde" ở Marseilles, ngày 10/11/2023. AFP – Nicolas Tucat

Cũng tại triển làm này có bộ bách khoa toàn thư khổng lồ thế kỷ 18 của người Trung Quốc với hơn 10.000 chương. Hay cuốn sách của một tác giả Ai Cập thế kỷ 17, dưới thời đế chế Ottoman, về các phong tục và thói quen ẩm thực của người Pháp. Hiện vật này cho thấy Châu Âu cũng là đối tượng của sự tò mò, tìm hiểu từ phía phương Đông. Triển lãm cũng tôn vinh văn hóa truyền miệng. Tại các phòng nghe, công chúng có thể thưởng thức các bài hát của bộ tội người Tuuli (Mông Cổ) hay Gnawa (Maroc).

Trước khi Châu Âu thúc đẩy tiến trình "toàn cầu hóa" từ thế kỷ 17, nhiều đợt toàn cầu đã diễn ra, như trên lục địa Á – Âu với người Mông Cổ ngay từ thế kỷ 13, "toàn cầu hóa" diễn ra trên Ấn Độ Dương ngay từ thế kỷ 14, 15, cũng như trước đó con người đã vượt Thái Bình Dương với các con thuyền hai thân, tiền thân của các con tàu catamaran của người Tamul Ấn Độ. Đối với sử gia Pierre Singaravélou, cuộc triển lãm tại Marseille cho phép "hội nhập lịch sử nhìn từ phía Châu Âu với các cách nhìn về lịch sử nhân loại của các khu vực khác trên thế giới".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 199 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)