Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/11/2023

Điểm báo Pháp - Cực hữu lên ngôi ở Châu Âu

RFI tiếng Việt

Cực hữu lên ngôi ở Châu Âu

Đảng Tự do (PVV) của Geert Wilders, với tư tưởng bài trừ Hồi giáo đã chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp tại Hà Lan hôm thứ Tư, 22/11, làm gia tăng mối lo ngại về "cực hữu" ở Châu Âu, đó là chủ đề chính của các báo Pháp ngày 24/11/2023.

cuchuu1

Geert Wilders lãnh đạo đảng cực hữu Hà Lan sau kết quả bầu cử Quốc hội hôm 23/11/2023. Reuters – Yves Herman

"Sự lây lan của phe cực hữu ở Châu Âu" là tựa lớn trang nhất báo Libération, đảng PVV ở Hà Lan đã chiến thắng, giành được 37 trong tổng số 150 ghế tại Quốc hội. Theo Libération, một tuần trước cuộc bầu cử, 40 % cử tri được hỏi, ban đầu không muốn bầu cho ông Wilders, nhưng dường như họ bị thu hút bởi chương trình tranh cử "bài Hồi giáo", "nghi ngờ" về sự tồn tại của Liên Âu và chống nhập cư của đảng PVV trong bối cảnh hiện nay.

Ông Wilders hứa hẹn sẽ tái lập cơ chế cấp visa lao động để hạn chế cư dân Châu Âu đến làm việc tại Hà Lan. Chương trình của ông cũng muốn cấm xây dựng các nhà thờ Hồi giáo ở Hà Lan, rút khỏi các thoả thuận khí hậu, cắt hỗ trợ của Nhà nước đối với văn hoá và các phương tiện truyền thông. Le Monde cho biết ông Wilders cũng phản đối viện trợ cho Ukraine và không hề che giấu "sự đồng cảm" với chế độ của Vladimir Putin. Dù không nêu ra trong chương trình tranh cử nhưng lãnh đạo đảng cực hữu đã từng đề cập đến việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên ở lại hay ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Nexit).

Theo nhật báo công giáo, ngay cả chính Geert Wilders cũng bị bất ngờ về chiến thắng này. Mặc dù đảng PVV khó có thể lập được liên minh để lãnh đạo nhưng đây được xem như một "hồi chuông cảnh tỉnh" đối với Châu Âu khi phe cực hữu ngày càng lan rộng khắp lục địa, trong chính phủ Ý, Thụy Điển, Phần Lan, Slovakia. Hiện nay, tại hơn một nửa số quốc gia Châu Âu, đảng cực hữu đại diện cho lực lượng chính trị lớn thứ hai, đứng ở "ngưỡng cửa quyền lực", ví dụ như ở Đức, dưới áp lực từ phe cánh hữu, Berlin đang muốn thắt chặt các điều kiện đoàn tụ gia đình, đẩy nhanh thủ tục trục xuất người tị nạn.

Chiến thắng của phe cực hữu Hà Lan đã được phe cực hữu ở Châu Âu nồng nhiệt chào đón, lãnh đạo Hungary cực hữu Viktor Orban hoan nghênh làn gió mới thổi khắp Châu Âu. Lãnh đạo đảng Tập hợp Dân tộc của Pháp Marine Le Pen thì cho rằng chiến thắng này khẳng định người dân Châu Âu ngày càng cam kết bảo vệ bản sắc dân tộc.

Les Echos cũng dành hồ sơ lớn nói về chủ đề này. Theo nhật báo kinh tế Pháp, với số người nhập cư tăng kỷ lục, hơn 200 000 người vào năm 2022, thị trường bất động sản của Hà Lan vốn đã bão hòa, nay lại càng áp lực, là chủ đề tranh luận chính trong cuộc bầu cử vừa qua. Hầu hết các ứng viên đều đưa ra các biện pháp để thắt chặt nhập cư. Chiến thắng của ông Wilders khiến các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ 17 thế giới phải lo lắng vì quan điểm "Nexit", rời Châu Âu của ông.

Hình ảnh của Geert Wilders ăn mừng chiến thắng cùng đảng của mình ở La Haye cũng xuất hiện trên trang nhất của báo Le Figaro. Trong bài "Vụ động đất "dân túy" mang tên Geert Wilders", tờ báo nêu lại những ngày đầu bước vào chính trị của Wilders cũng như sự hình thành tư tưởng bài đạo Hồi của ông. Đảng bài Hồi giáo, chống nhập cư, bài Châu Âu của ông, được thành lập vào năm 2006, thu hút các cử tri tương tự như những người ủng hộ Trump, đặc biệt là trong tư tưởng "phản đối toàn cầu hóa" và chống nhập cư, vốn không được xem là đối thủ cạnh tranh đáng gờm thì nay có thể gây áp lực đối với Châu Âu cùng phe cực hữu tại các nước khác.

Trong một bài đăng cùng hồ sơ, Le Figaro cho rằng giờ là lúc mà ông Wilders phải thuyết phục các đảng cánh hữu (Parti populaire pour la liberté et la démocratie (WD) và đảng Le Nouveau contrat social (NSC), liên minh với đảng PVV của ông để giành được đa số tuyệt tối, tức là 76 ghế tại Quốc hội Hà Lan. Lãnh đạo của đảng NSC, Pieter Omtgitz, cùng lập trường chống nhập cư, cho biết đã sẵn sàng tính đến việc liên minh với đảng PVV. Đảng Mouvement agriculteur-citoyen cũng cho biết sẵn sàng liên minh với đảng của Wilders. Tuy nhiên để thuyết phục được phe "tự do", ủng hộ thương mại, "ủng hộ Ukraine", thì ông Wilders cần phải loại bỏ tư tưởng bài Châu Âu, cũng như lập trường của mình đối với chiến tranh Ukraine. Một trường hợp khác có thể xảy ra, đó là một liên minh chống Wilders được lập ra.

Thỏa thuận hưu chiến nhân đạo đầu tiên giữa Hamas và Israel

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas vẫn là chủ đề được nhiều báo số ra hôm nay quan tâm, đặc biệt là thỏa thuận hưu chiến trong vòng 4 ngày, bắt đầu từ sáng nay, cũng như việc Hamas trao trả 50 con tin bị bắt giữ từ ngày 07/10, đổi lại Israel sẽ thả 150 tù nhân Palestine bị giam ở Nhà nước Do Thái. Libération cho biết thỏa thuận "hưu chiến nhân đạo" lẽ ra bắt đầu từ ngày hôm qua, nhưng đã bị lùi lại một ngày. Các con tin sẽ được trao trả tại cửa khẩu Rafah của Ai Cập. Đội ngũ y bác sĩ có mặt để tiếp đón họ.

Le Figaro thì đặt câu hỏi liệu có thể làm được gì trong 4 ngày hưu chiến nhân đạo, lẽ ra đã bắt đầu vào sáng thứ Năm nhưng bị lùi lại một ngày mà không rõ lý do cụ thể. Miền bắc Gaza gần như đã bị phá hủy, trong khi hơn 2 triệu người sống chen chúc ở miền nam. Các bệnh viện đã quá tải. Những xe chở hàng cứu trợ hàng ngày đến Gaza qua cửa khẩu Rafah không thể đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm và thuốc men cho người dân. Các tổ chức nhân đạo cho rằng hưu chiến là chưa đủ mà cần phải thực hiện lệnh ngừng bắn.

Những người dân ở dải Gaza thì không gì có thể miêu tả nỗi đắng cay của họ. Le Figaro dẫn lời của Omar, một người tị nạn ở bệnh viện Nasser tại Khan Younes mong muốn có lệnh ngừng bắn để có thể trở về nhà. Omar nhận định "không có một người Gaza nào trong danh sách tù nhân Palestine được thả ra, trong khi 10 000 người Gaza đã phải bỏ mạng… Nếu tôi là những tù nhân đó, tôi sẽ phải thấy xấu hổ vì được trả tự do nhờ máu của những trẻ em ở Gaza". Theo nhật báo cánh hữu, những lời chỉ trích Hamas từ phía người dân Gaza ngày càng công khai hơn.

Về chủ đề này, Le Monde quan tâm đến vai trò trung gian hòa giải của Qatar, vừa có thể đàm phán với Hamas, vừa đàm phán với Hoa Kỳ và Israel, cho phép thiết lập lệnh hưu chiến nhân đạo đầu tiên kể từ đầu cuộc xung đột. Nguồn tin thạo hồ sơ từ phía Qatar cho biết ban đầu các cuộc thương thảo rất khó khăn vì cần phải tạo dựng niềm tin giữa các bên. Lẽ ra, ngay từ ngày 25/10, các bên gần như đã đạt được đồng thuận, nhưng Israel yêu cầu Hamas cung cấp bằng chứng là các con tin vẫn còn sống, nhưng Hamas đã bác yêu cầu này. Sau đó, các cuộc đàm phán ngày càng căng thẳng hơn, khi Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Gaza, nhất là vụ tấn công vào các bệnh viện, cũng như việc cắt mạng điện thoại, đã làm gián đoạn liên lạc giữa văn phòng chính trị của Hamas đặt ở Qatar và chi nhánh quân sự của phong trào Hồi giáo này ở Gaza.

Tranh cãi về nhập cư lại dấy lên ở Pháp sau cái chết của một thiếu niên

Về thời sự nước Pháp, cái chết của Thomas, một thiếu niên ở Crépol, miền nam nước Pháp vào cuối tuần trước, đã gây chấn động nước Pháp trong tuần qua. Tang lễ của nạn nhân được tổ chức vào hôm nay. Trang nhất Le Figaro gọi thảm kịch này là "cơn chấn động quốc gia". Một cuộc điều tra được mở ra đã xác định 9 nghi phạm trong vụ hành hung, tấn công vào một buổi tiệc được tổ chức bởi trung tâm văn hóa của xã Crépol, khiến Thomas tử vong và nhiều người khác bị thương nhẹ. Nhật báo thiên hữu nêu ra hồ sơ của các nghi phạm, mà 6 người trong số đó có lý lịch tư pháp không trong sạch.

Trong bài đăng cùng hồ sơ, Le Figaro nêu ra những xáo động trong chính trường Pháp về vụ việc. Hôm thứ Tư vừa qua, Bộ Nội vụ Pháp đã nêu ra tên của những nghi phạm trong vụ tấn công, và nhận định "tất cả đều mang quốc tịch Pháp" nhưng tên của họ lại có nguồn gốc nhập cư. Một lần nữa một vụ án hình sự lại bị chuyển hướng chính trị. Các đảng cánh hữu và cực hữu nhanh chóng lên án cuộc tấn công "dã man", băng đảng "côn đồ", nhưng cánh tả thì có vẻ rụt rè, im hơi lặng tiếng.

Phóng sự của Le Monde mô tả lại cuộc tuần hành tưởng niệm Thomas vào hôm thứ Tư tại khu vực xảy ra thảm kịch, vốn là những vùng làng quê, ít được quan tâm, nay trở thành tâm điểm của dư luận. Tờ báo nêu ra những nỗi lo lắng của người dân sau vụ việc, cũng như những tổn thương tâm lý, làm sao để những người trẻ, những người đã bị tổn thương có thể phục hồi, làm sao có thể tổ chức các lễ hội của làng mà không phải lo sợ hay có định kiến về nguồn gốc hay tôn giáo.

"Trung Quốc ho thì cả thế giới phải lo lắng"

Nhìn sang Châu Á, nếu như Libération quan tâm đến căng thẳng giữa Nam Bắc bán đảo Triều Tiên, 70 năm sau hiệp định đình chiến 1953 thì La Croix đề cập đến tình hình dịch tễ tại Trung Quốc. Nhật báo công giáo mô tả "Trung Quốc ho thì cả thế giới phải lo lắng". Trong tuần vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin về số ca nhiễm bệnh đường hô hấp ở trẻ em tăng cao trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Y tế Pháp cho biết đã liên lạc với WHO và khẳng định "cần thận trọng và cần cảnh giác với sự tiến triển của dịch bệnh". Tại Trung Quốc, từ giữa tháng 11, chính phủ đã thông báo sự bùng nổ của các bệnh đường hô hấp, nhất là do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae hay virus hợp bào hô hấp RVS hoặc là do Sars-Cov-2 (Covid-19). Đến cuối tháng 11, một số phương tiện truyền thông của Đài Loan đưa tin các bệnh viện ở Bắc Kinh và phía bắc Trung Quốc trong tình trạng quá tải và chính quyền muốn giấu dịch. Giới y tế quan ngại rằng Trung Quốc có thể lại không minh bạch và lo ngại khả năng một loại virus mới xuất hiện hoặc một biến thể khác của Covid-19.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 173 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)