Điện Kremlin nói hôm thứ Sáu 24/11 rằng việc NATO muốn lập một nhóm quân sự tương tự như Khu vực Schengen ở Châu Âu để các lực lượng vũ trang của khối liên minh này được di chuyển tự do nhằm đối phó với Nga đã làm gia tăng căng thẳng và là nguyên nhân gây lo ngại.
Binh sĩ Mỹ huấn luyện trong khuôn khổ của NATO ở bờ biển Phần Lan hồi tháng 11/2023.
Người đứng đầu bộ chỉ huy hậu cần JSEC của NATO, Trung tướng Alexander Sollfrank, nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải hôm 23/11 rằng ông muốn thấy có một khu vực như vậy.
Ông nói ông lo ngại rằng tình trạng quan liêu quá đáng trên khắp Châu Âu đang cản trở việc di chuyển quân, một vấn đề mà ông cho rằng có thể gây ra sự chậm trễ lớn nếu xung đột với Nga nổ ra.
NATO đang tích cực trợ giúp Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga và Kyiv hy vọng sẽ có ngày gia nhập khối liên minh này. Tuy nhiên, bản thân NATO không có chiến tranh với Nga, một tình huống mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác nói rằng họ muốn tránh, xét đến kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Moscow.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Moscow sẽ đáp trả nếu đề xuất 'khối quân sự Schengen ' trở thành hiện thực.
Ông Peskov phát biểu với các phóng viên : "Khối liên minh đó lâu nay luôn coi đất nước của chúng tôi như một kẻ thù giả định. Giờ đây, họ công khai coi đất nước chúng tôi là một đối thủ rõ ràng. Lời tuyên bố này của họ chỉ càng làm tăng căng thẳng ở Châu Âu mà thôi và sẽ có những hậu quả".
Ông nói rằng những lời lẽ nói đến việc xây dựng một "khối quân sự Schengen" một lần nữa cho thấy Châu Âu chẳng buồn lắng nghe những lo ngại chính đáng của Moscow và sẵn sàng tăng cường an ninh của họ trong khi gây tổn hại đến nước Nga.
"Chính NATO đang liên tục di chuyển hạ tầng quân sự của họ về phía biên giới của chúng tôi. Chúng tôi không tiến đến cơ sở hạ tầng của NATO. NATO đang tiến về phía chúng tôi. Và điều này không thể không gây lo ngại và không thể không dẫn đến các biện pháp trả đũa để đảm bảo an ninh của chính chúng tôi", ông Peskov nói.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô sụp đổ, NATO đã mở rộng khoảng 1.000 km (600 dặm) về phía đông, kết nạp thêm các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsaw trước đây, bao gồm cả Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, đồng thời tăng chiều dài sườn phía đông của khối liên minh lên gấp đôi, đạt tổng cộng 4.000 km.
VOA, 24/11/2023