Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/11/2023

Điểm báo Pháp - Thế giới tăng tốc chạy đua vũ trang

RFI tiếng Việt

Thế giới tăng tốc chạy đua vũ trang từ khi Ukraine bị xâm lăng

Bài điều tra của Le Monde ngày 27/11/2023 phân tích "Chiến tranh ở Ukraine đã vẽ lại khuynh hướng tái vũ trang như thế nào". Chi tiêu quốc phòng gia tăng một cách ấn tượng trên thế giới, và nhất là ở Đông Âu, do các nước này vô cùng lo ngại sau khi Nga đưa quân vào xâm chiếm Ukraine.

chayduavutrang1

Một người lính xe tăng của Lữ đoàn số 4 Ukraine trong một chiến xa T-72 ở gần mặt trận Donetsk ngày 23/11/2023. Reuters – Alina Smutko

Con tin Israel, 50 ngày đêm trong hầm tối

Kinh tế Pháp chậm lại, đấu tranh chống thuốc lá, nhà trường trước nạn khủng bố là những chủ đề được đưa lên trang nhất hôm nay, bên cạnh vấn đề chính là thả con tin Israel. Trang nhất Le Monde đăng hình chiếc xe Hồng thập tự chở các con tin trong đợt trao trả đầu tiên, Libération chọn tấm ảnh hai người thân đang xúc động ôm lấy nhau. Theo Tsahal, một phụ nữ được trực thăng đưa đi bệnh viện vì bị gãy chân, số còn lại chỉ yếu sức, kiệt lực, và quan trọng là tâm lý. Sau 50 ngày và đêm trong địa đạo, khi được thả có những con tin còn ngỡ rằng bị đưa đi hành quyết.

Trong ba ngày, cả thế giới từ Hoa Kỳ đến Philippines, Châu Âu hay Nga đều hồi hộp theo dõi. Sau thời gian căng thẳng với nhiều lo âu thỏa thuận sẽ bị hủy bỏ, hôm thứ Bảy và Chủ nhật vừa qua việc thả con tin đã diễn ra như dự kiến ; với nhiều cảnh trùng phùng đầy xúc động, nhất là có nhiều trẻ em. Có trường hợp như bé gái Amigail Idan, 4 tuổi, song tịch Mỹ-Israel sẽ không còn gặp lại cha mẹ là Samdar và Roi Idan : cả hai đã bị quân Hamas sát hại hôm 07/10 tại kibbutz Kfar Aza. Người cha Samdar là phóng viên ảnh, bị giết lúc đang bồng bé Amigail trên tay, còn em bé người đẫm máu bị lôi sang nhà bên cạnh và bị bắt.

Israel và Hamas chừng như đều quyết định tôn trọng những điều khoản đã được các nhà đàm phán đạt được một cách vất vả, mà hàng đầu là Qatar. Các đại diện Qatar hôm thứ Bảy đến Tel-Aviv và Chủ nhật có mặt ở Gaza. Theo Libération, đó là vì đôi bên đều có lợi, hay nói cách khác, chẳng hay ho gì khi trở thành bên phá hoại hưu chiến. Chính phủ Israel chịu đựng áp lực vô cùng lớn từ gia đình các con tin, từ ông Joe Biden và dư luận nhiều nước, để ngưng oanh tạc Gaza. Còn Hamas, vốn cho biết sẵn sàng kéo dài hưu chiến, rất thâm hiểm với trò chơi gây căng thẳng cho thân nhân con tin, lãnh đạo các nước đồng thời lợi dụng việc Israel ngưng oanh tạc để tái tổ chức.

Hamas trả tự do nhỏ giọt để gây lo âu thường trực

Sự im lặng sau những trận bom vang động, bỗng khiến người ta khó thể hiểu được làm thế nào cuộc chiến tái diễn. Tổng thống Mỹ cũng gây sức ép tối đa lên Benyamin Netanyahou để hưu chiến trở thành ngưng bắn, nhưng thủ tướng Israel hoàn toàn ý thức về chiếc bẫy, nhấn mạnh rằng cuộc tấn công vào Gaza sẽ còn tiếp tục "đến khi giành chiến thắng".

Trả lời Libération, nhà nghiên cứu David Tsahal của Fondation Jean-Jaurrès nhận định, "Hamas muốn tạo ra tâm trạng âu lo" thường trực nơi người dân Israel. Mục tiêu đầu tiên của phe khủng bố là áp đặt kinh hoàng, gây sợ hãi trong xã hội Israel, khiến dân chúng và chính quyền thêm chia rẽ. Thứ hai, chiến lược thả con tin nhỏ giọt nhằm biến hưu chiến thành ngưng bắn thực sự, ghi điểm trước Fatah của ông Mahmoud Abbas : cảnh vui mừng ở Cisjordanie với những lá cờ Hamas cho thấy phe này biến vụ thảm sát thành chiến thắng chính trị. Thứ ba, là cố tỏ ra nhân đạo, sau những cảnh sát hại dã man thường dân làm mất đi một số ủng hộ. Trong các video, quân Hamas áp tải với vẻ thân thiện, nắm tay các con tin và chào từ biệt.

Thế giới đã quên đi nạn diệt chủng người Do Thái ?

Về mặt lịch sử, Les Echos lý giải vì sao ký ức về các trại tập trung Đức quốc xã lại mờ nhạt đi với thời gian, trong khi những vết thương thời thuộc địa, đế quốc lại lan rộng. Ngày 05/06/1967, sinh viên Sciences Po lo lắng chuẩn bị biểu tình ủng hộ Israel : Chiến tranh vừa bùng nổ ở Trung Đông. Hai mươi hai năm sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, liệu những người sống sót từ các trại tập trung và con cháu họ sẽ lại bị một liên minh vũ trang Ả rập quăng ra biển ?

Năm mươi sáu năm sau, nỗi xúc động này dường như là siêu thực. Ở phương Tây, giới trẻ xuống đường ủng hộ Palestine thay vì Israel. Trong những cuộc biểu tình lớn chống bài Do Thái ở Paris hôm 12/11, không có mấy người Hồi giáo và thanh niên. Từ Paris đến Washington, cứ như là hình ảnh oanh kích Dải Gaza đã xóa mất những hình ảnh thảm sát hôm 07/10.

Nhà nước Do Thái chiến thắng về quân sự nhưng không thắng cuộc chiến hình ảnh. Tại bảo tàng Hiroshima ở Nhật Bản, hình ảnh thành phố trước và sau quả bom nguyên tử Mỹ hết sức ấn tượng. Nhưng không hề có giải thích, cứ như quả bom tự dưng xuất hiện, quân phiệt Nhật không tấn công Trân Châu Cảng dẫn đến chiến tranh. Tại Cận Đông nay cũng vậy, 3/4 người Palestine hoan nghênh việc Hamas tấn công đẫm máu vào Israel. Sau 50 ngày chiến đấu, Israel tương đối bị cô lập trên trường quốc tế.

Nạn diệt chủng người Do Thái không còn mấy ai nhớ đến, những làn khói lò thiêu trại tập trung quốc xã đã bị thay thế bằng những đống đổ nát ở Gaza, nỗi đau của các nạn nhân Israel không được Al-Jazeera thông tin. Theo giáo sư Alain Finkielkraut, "cuộc tranh đấu của người Palestine được ủng hộ nhất trên thế giới, đó là vì đối thủ của họ là người Do Thái". Tác giả bài viết cho rằng có thể do cách suy nghĩ trại tập trung là vấn đề giữa "những người da trắng" với nhau, còn chủ nghĩa đế quốc là giữa người da trắng với phần còn lại của thế giới. Và Israel cũng không khác gì phương Tây.

Ukraine bị xâm lăng, các nước đua nhau vũ trang để tự vệ

Nhìn chung trên toàn cảnh, bài điều tra của Le Monde phác họa "Chiến tranh ở Ukraine đã vẽ lại khuynh hướng tái vũ trang như thế nào". Chi tiêu quốc phòng gia tăng một cách ấn tượng trên thế giới, và nhất là ở Đông Âu, do các nước này vô cùng lo ngại bị Nga xâm lăng.

Bài điều tra mở đầu bằng khung cảnh một trong những hội chợ vũ khí lớn nhất thế giới ở Luân Đôn, gian hàng Ukraine trưng bày các ma-két drone nằm đối diện với BAE Systems, tập đoàn quốc phòng Anh vốn thường chiếm một trong những vị trí quy mô nhất của hội chợ này. Một cách để người Anh tỏ rõ sự hợp tác chặt chẽ với Kiev, và nhất là dấu hiệu của sự đảo lộn địa chính trị thế giới, kể từ khi Nga kéo quân sang xâm lược Ukraine.

Các chuyên gia từ nay đã chắc chắn rằng "cổ tức hòa bình" đã kết thúc. Đây là khái niệm được chủ tịch Hạ Viện Pháp Laurent Fabius sáng tạo ra năm 1990 để chỉ một thế giới hậu chiến tranh lạnh, trong đó các Nhà nước không còn cần phải đầu tư vào quân sự. Sau nhiều thập niên các quân đội phương Tây chỉ tham gia những cuộc chiến nho nhỏ hay chống nổi dậy, tại Afghanistan, Iraq hay Sahel ; nay viễn cảnh một cuộc chiến tranh quy ước giữa các quốc gia bỗng hiển hiện kể từ ngày 24/02/2022.

Năm 2022, chi quốc phòng thế giới lên đến mức kỷ lục là 2.240 tỉ đô la, trong đó các nước Châu Âu, bị bất ngờ trước cuộc xâm lăng Ukraine, đã tái vũ tranh nhanh nhất. Chi quốc phòng của Châu Âu đạt 480 tỉ đô la năm ngoái, lần đầu tiên vượt mức chi so với năm 1989. Đặc biệt là ở Đông Âu, nơi nỗi lo bị Nga tấn công cao nhất : Ba Lan tăng 11%, Litva tăng 27%, Phần Lan tăng 36%. Đồng thời số vũ khí được Châu Âu nhập khẩu tăng gấp đôi do phải chi viện cho Kiev, đứng thứ ba thế giới.

Bức tranh mới của thị trường vũ khí quốc tế

Thật ra theo nhà nghiên cứu Yohann Michel, quá trình này đã bắt đầu từ năm 2014 sau khi Nga chiếm Crimea của Ukraine và một phần Donbass. Ở đầu bên kia của Trái Đất, Bắc Kinh giương móng vuốt đe dọa Đài Loan. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc vốn đã cao thứ nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ, 28 năm liên tục tăng lên và năm 2022 đạt mức chưa từng thấy là 292 tỉ đô la. Cuộc chiến ở Ukraine là động cơ chính của cuộc chạy đua vũ trang toàn thế giới.

Trong bối cảnh mới, Hoa Kỳ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giói, chiếm 40% toàn cầu trong năm 2022, đa số do chuyển cho Ukraine (trên 44 tỉ đô la kể từ đầu cuộc chiến). Các tập đoàn Mỹ tiếp tục thống trị, có đến 40 tên tuổi trong top 100 nhà sản xuất. Thị trường xuất hiện nhiều nhân tố mới, người cạnh tranh gay gắt nhất là Hàn Quốc. Tướng Pháp Jean-Marc Duquesne nhận xét, đã mười năm qua Seoul đầu tư vào một "nền kinh tế chiến tranh" vì luôn bị Bắc Triều Tiên đe dọa, và vũ khí Hàn Quốc tương thích với nhiều thiết bị Mỹ theo chuẩn NATO. Bên cạnh đó, hệ thống lá chắn hỏa tiễn Arrow 3 của Israel thuộc loại tân tiến nhất thế giới được Châu Âu ưa chuộng.

Iran và Bắc Triều Tiên lâu nay bị cộng đồng quốc tế cô lập, bỗng bán được drone và đạn dược cho Moskva, còn Nga vốn là nhà xuất khẩu vũ khí thứ nhì thế giới chuẩn bị tụt xuống hạng ba. Về phía Pháp bị mất ảnh hưởng ở Châu Phi cả về ngoại giao lẫn quân sự sau khi rút quân khỏi Sahel. Từ khi chiến tranh tái diễn ở Trung Đông, viện trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine có nguy cơ phải chia sẻ cho Israel. Trước tình thế bấp bênh, Kiev quyết định đi bước trước, với kế hoạch trở thành nhà cung cấp thiết bị quân sự giá rẻ cho phương Tây, dựa trên cơ sở hạ tầng có từ thời Liên Xô. Ý định này được Mỹ và Anh khuyến khích, nhưng gây lo ngại cho các công ty vũ khí Châu Âu.

Pháo đài nhỏ bé Đài Loan tự hỏi khi nào Trung Quốc tấn công

Tại Châu Á, đặc phái viên Le Figaro tại Đài Bắc mô tả "Vũ trang, huấn luyện... Đài Loan chuẩn bị đối phó với việc Trung Quốc xâm lược ra sao". Sau Ukraine, nạn nhân của tham vọng đế quốc Nga, liệu Đài Loan sẽ là con mồi của độc tài Trung Quốc ? Đó là câu hỏi mà mọi người đều đặt ra, tất nhiên ở Đài Bắc, nhưng cả ở Washington, Tokyo, Seoul, Berlin và Paris.

Bắc Kinh luôn muốn nuốt chửng đảo quốc, trước kỷ niệm 100 năm thành lập Giải phóng quân Trung Quốc – nếu có thể, và dù sao đi nữa phải trước khi thời kỳ ngự trị của Tập Cận Bình kết thúc. Theo thứ trưởng ngoại giao Đài Loan Lý Thuần (Chun Lee), nguy cơ bị Trung Quốc xâm lược trong hai tháng tới là bằng không, nhưng càng tăng lên theo với tốc độ Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội. "Mỗi buổi sáng khi thức giấc, Tập Cận Bình đều đánh giá cơ hội chiến thắng trước Đài Loan và mỗi sáng ông ta đều thấy rằng chưa đủ. Mục tiêu của chúng tôi là phải luôn bảo đảm khả năng này".

Đài Loan đứng về phía Ukraine ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng, và rút ra những bài học cần thiết. Đó là chiến tranh có thể bất ngờ xảy ra, và David vẫn luôn chống chọi được trước Goliah. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc 4 tháng, từ đầu năm tới sẽ là một năm, quân đội tập trung cho năng lực răn đe. Về phía Bắc Kinh cũng quan sát kỹ lưỡng chiến trường Ukraine, chắc hẳn không bỏ qua việc phương Tây tự giới hạn viện trợ cho Kiev để tránh nguy cơ nguyên tử, và phản ứng của "các nước phương Nam" mà Trung Quốc muốn là người lãnh đạo. Tuy nhiên nếu bị trừng phạt như Nga, kinh tế sẽ suy sụp, và quá nhiều rủi ro nếu Hoa Kỳ can thiệp quân sự. Một ẩn số khác là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sang năm.

Đài Loan : Hai ứng cử viên thân Bắc Kinh xung khắc, Trung Quốc vỡ mộng

Trên phương diện chính trị, Les Echos cho biết Trung Quốc vừa lãnh một đòn nặng ở Đài Loan. Đó là một trận động đất nho nhỏ nếu nhìn từ Paris, nhưng khiến Bắc Kinh vô cùng tức tối. Hai ứng cử viên của hai đảng đối lập chính, chủ trương hòa hoãn thậm chí thông đồng với Trung Quốc, hôm thứ Sáu vừa xé bỏ thỏa thuận ra ứng cử chung một cách đầy kịch tính.

Ứng cử viên Quốc dân đảng Hầu Hữu Nghi (Hou Yu Ih) và của đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) là Kha Văn Triết (Ko Wen Je), không đồng ý ai sẽ là ứng cử viên tổng thống và ai là phó tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 13/01, đối mặt với đương kim phó tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) của đảng Dân Tiến. Hai ông Hầu và Kha đã thóa mạ nhau trực tiếp trên sóng truyền hình, và rốt cuộc đã đăng ký ứng cử riêng rẽ vào giờ chót.

Ông Lại Thanh Đức đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò gần đây với 35% số phiếu. Nhưng nếu Hầu Hữu Nghi (được cho là sẽ chiếm 17,8%,) và Kha Văn Triết (17,1%) hợp tác với nhau thì sẽ gặp khó khăn. Việc ứng cử viên Quách Đài Minh (Terry Gou), chủ tịch tập đoàn Foxconn rút lui có thể là theo lệnh của Bắc Kinh vì lo ngại sẽ bị chia phiếu.

Giáo sư Khúc Triệu Tường (Chu Chao Hsiang) ở Đài Loan nhấn mạnh, vụ bất hòa giữa hai ứng cử viên đối lập là một cái tát cho Bắc Kinh, còn Washington hẳn là thở phào nhẹ nhõm. Ông Lại Thanh Đức vốn thân Mỹ, ứng cử viên phó tổng thống trong liên danh ông cũng là cựu đại sứ Đài Loan tại Hoa Kỳ. Để xem từ nay đến ngày bầu cử Bắc Kinh sẽ có hành động thế nào. Les Echos nhắc lại, quân đội Trung Quốc được cho là thứ nhì thế giới về quân số và vũ khí, nhưng khả năng chiến đấu thực sự thì chưa thể biết được, vì không một người lính nào của Trung Quốc có kinh nghiệm chiến đấu kể từ sau cuộc xâm lăng Việt Nam năm 1979.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 101 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)