Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/11/2023

Điểm báo Pháp - Erdogan, đồng minh bất đắc dĩ của NATO

RFI tiếng Việt

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, đồng minh bất đắc dĩ của NATO

Trong bối cảnh ngoại trưởng các nước thành viên NATO họp tại Bruxelles, Bỉ, trong hai ngày 28 và 29/11, Le Figaro nói về những căng thẳng trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương liên quan đến chiến tranh Ukraine. Báo Le Monde nhân dịp này nói về tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người mà NATO xem là "một đồng minh bất đắc dĩ". 

nato1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan tại thượng đỉnh NATO Vilnius, ngày 12/07/2023 © AFP / Ludovic Marin

"Không tin tưởng, bất đồng và những lợi ích trái ngược nhau" là những từ ngữ mà Le Monde dùng để mô tả quan hệ giữa Ankara và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Là thành viên NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ dường như lúc nào cũng muốn nhắc nhở rằng họ là một đồng minh khó tính và khó bảo, lúc nào cũng chỉ muốn có lợi đến tối đa, vô hạn, thậm chí làm lộ ra những mâu thuẫn của chính mình và vắt kiệt "tính kiên trì chiến lược" của các đồng minh. Theo Krzysztof Strachota, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông, một trung tâm tư vấn có trụ sở tại Washington, hồ sơ Stockholm gia nhập khối là một ví dụ cho thấy sự ngờ vực, bất đồng và lợi ích mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây đã tích tụ trong những năm qua.

Mâu thuẫn với NATO sau khi mua vào năm 2017 hệ thống phòng thủ S-400 của Nga với giá 2,5 tỷ đô la, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tạo ra tình cảnh chưa từng có trong nội bộ khối. Bị chỉ trích là có quan hệ mơ hồ với "bạn thân Putin", ông Erdogan đã gieo rắc nghi ngờ về độ tin cậy của mình, đến mức tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, dù không ngừng xem Ankara là "một đồng minh có giá trị", nhưng cũng phải thừa nhận sự tồn tại của "vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ" tại NATO.

Việc Erdogan mô tả cuộc chiến tranh Ukraine là một cuộc xâm lược "bất hợp pháp" đã khiến NATO nhẹ cả người, nhưng sau đó vẫn là những cuộc đàm phán khó khăn về việc để Thụy Điển gia nhập NATO và việc cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ theo yêu cầu của Ankara. Vì thế, mặc dù Mỹ đã có những bước xích lại gần Thổ, nhưng Erdogan vẫn tìm cách duy trì quan hệ với Moskva.

Henri Barkey, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, sinh ra ở Istanbul, chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ và chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết : "Erdogan là một tay chơi luôn cố gắng đạt được nhiều hơn. Trên trường quốc tế, ông ấy tìm cách khẳng định mình vừa là người có tầm ảnh hưởng chính trị quan trọng, vừa là kẻ gây rối". Thế nhưng, "tư tưởng cơ hội chiến lược cũng có nhiều nguy cơ biến thành điểm yếu nghiêm trọng" và những bình luận gần đây của Erdogan về Hamas, xem đó là "một nhóm giải phóng" đã bị đánh giá rất tệ và khiến ông ta bị loại ra khỏi các cuộc đàm phán.

Mối đe dọa khí hậu có đủ gắn kết thế giới ?

Một ngày trước khi COP28 khai mạc tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Le Monde chạy tựa trang nhất "Khí hậu : Tương lai được đàm phán tại một nước khai thác dầu lửa lớn" và trong chuyên mục Hành tinh, Le Monde gọi COP28 là "Giờ của sự thật đối với các quốc gia".

Le Monde lấy làm tiếc là Châu Âu dù là một tác nhân quan trọng, nhưng còn xa mới dẫn dắt được COP28. Sự thành công của hội nghị khí hậu trong việc thúc đẩy các tiến triển chống biến đổi khí hậu phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc. Thế nhưng, rất khó hy vọng COP 28 sẽ đạt được bước tiến đáng kể khi ông Biden không đến Dubai dự thượng đỉnh.

Hơn nữa, theo Le Monde, COP28 đang bị các nhà vận động hành lang trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch phủ bóng. Thêm vào đó, sẽ không thể có tiến triển nếu các nước phát triển không trấn an được các nước đang phát triển về tài chính cho công cuộc chống biến đổi khí hậu. Chiến tranh Ukraine và xung đột Gaza cho thấy chủ nghĩa đa phương đang gây nguy hiểm, không một nước lớn nào có thể dẫn dắt thế giới, liệu mối đe dọa chung về khí hậu có đủ tạo ra sự đồng thuận lớn trên thế giới ?  

Vì sao thế giới khó bỏ qua dầu khí ?

Không đưa hồ sơ Khí hậu hay sự kiện COP28 lên trang nhất như Le Monde, nhưng chuyên mục Hành tinh của báo công giáo La Croix đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi : "Tại sao khó chuyển đổi trong lĩnh vực dầu khí ?" 

Đó là bởi vì nhiều lý do : khác biệt về lợi ích của cộng đồng quốc tế, ảnh hưởng của các nhà vận động hành lang, chi phí chuyển đổi năng lượng cao, các nguy cơ về mặt xã hội… Riêng về các nước sản xuất dầu lửa, La Croix nêu lên hai lý do : Các nước phát triển, giầu có nhờ khai thác dầu lửa, thì dĩ nhiên rất khó để từ bỏ mỏ vàng đen của mình, còn các nước mới trỗi dậy thì ở COP nào cũng nhắc lại rằng họ chả có lý do gì phải hy sinh sự phát triển của mình để chống sự biến đổi khí hậu mà gốc rễ không phải do họ gây ra.  

Hamas : Đao phủ và lòng nhân ái

Le Figaro hôm nay tập trung nói về hồ sơ trao đổi con tin - tù nhân giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas trong mục Quốc tế, và chạy tựa trang nhất "Con tin : Hamas muốn thắng trong cuộc chiến về hình ảnh". Bất chấp mức độ tàn bạo trong các vụ tấn công, Hamas nay cố tỏ ra nhân văn, đạo đức trong hành xử với con tin nhằm mục đích triển hạn hưu chiến.

Trong bài xã luận với tựa đề mỉa mai "Lòng nhân ái của viên đao phủ", Le Figaro làm nổi bật chiến thuật mới của Hamas. Sau khi quay những cảnh sát hại tàn bạo, khủng khiếp nhất ở Israel hôm 07/10, giờ đây Hamas lại trương lên hình ảnh các binh lính đỡ một cụ già bước xuống bậc thang hơi cao, bế một em nhỏ đến tận chỗ xe cứu thương của hội Chữ Thập Đỏ… Nếu không nhìn vào đồng phục, vũ khí và khăn trùm đầu của họ, mọi người có thể nghĩ rằng đó là những người hoạt động nhân đạo.

Việc giải phóng con tin đã được Hamas dàn dựng trong các video tuyên truyền nhằm "nhân đạo hóa" những kẻ man rợ. Thế nhưng, chỉ ai không biết tình hình mới tin như vậy. Trên thực tế, để có phương tiện trao đổi, Hamas đã bắt những con tin này, thường là sau khi đã tàn sát dã man người thân của họ. Hầu hết những con tin được trả tự do đều có người thân vẫn còn trong tay Hamas. Những phút giây đoàn tụ vui mừng của các gia đình, sau khi bị tra tấn vì sự chờ đợi, hồi hộp… đã phục vụ cho cuộc chiến hình ảnh của Hamas.

Và "trò chơi quái gở" của Hamas đã góp phần chia rẽ xã hội Israel, hiện rơi vào thế tiến thoái lưỡng nạn giữa giải cứu con tin và không để Hamas áp dụng luật chơi. Vốn là bậc thầy trong trò chơi câu giờ, Hamas sử dụng thời gian hưu chiến tạm thời và việc trao đổi tù nhân để củng cố sự ủng hộ trong dư luận Palestine và các nước Ả rập, và cũng để khuyến khích phương Tây gây áp lực đối với Israel nhằm triển hạn hưu chiến.

Le Figaro nhận định Nhà nước Do Thái sẽ còn phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn hơn, trong khi Hamas đang đòi "tăng giá" trong việc trả tự do những con tin là nam giới và quân nhân. Và nguy cơ sẽ là cuộc chiến vũ trang sẽ trở lại.

Chiến tranh Gaza : Đâu là thứ tự ưu tiên của Israel ?

La Croix trong bài xã luận cũng nói về "Sức ép" đối với Israel. Nhà nước Israel không ngừng nhắc lại mục đích của cuộc chiến chống tổ chức Palestine Hamas : triệt phá phong trào Hồi giáo thánh chiến, bảo đảm Gaza sẽ không bao giờ còn là mối đe dọa đối với an ninh của Israel và giải phóng toàn bộ con tin. Cả ba mục tiêu đó đều được sự ủng hộ tại Israel, thế nhưng không phải về thứ tự ưu tiên của các mục tiêu đó. Chẳng hạn, về việc giải phóng con tin, ngay trong nội bộ chính phủ Israel cũng có sự chia rẽ : chính bộ trưởng An ninh quốc gia công khai xem thỏa thuận với Hamas là "một thảm họa".

Không chỉ tình hình nội bộ không mấy dễ chịu, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn chịu nhiều sức ép từ quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã 3 lần tuyên bố về dự định "thảo luận về những nỗ lực ngăn chặn xung đột", thậm chí bảo vệ "việc thành lập một Nhà nước Palestine độc ​​lp", xem đó như "một giải pháp lâu dài duy nhất". La Croix kết luận quân đội Israel đang chiếm ưu thế trước lực lượng Hamas, thế nhưng giờ đây cần hy vọng là hưu chiến nhân đạo sẽ kéo dài để trở thành lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

Châu Âu : Hàng rào biên giới có cản được người nhập cư ?

Liên quan đến Châu Âu, Le Figaro quan tâm đến hồ sơ di dân : "Ở biên giới Hungary, hàng rào không thể cản bước di dân" mà các tổ chức buôn người dẫn dắt. Trong phóng sự được thực hiện ở biên giới giữa khối Schengen với Serbia, Le Figaro cho thấy là cho dù chính phủ Hungary tuyên truyền là hàng rào ở biên giới có hiệu quả ngăn chặn di dân và trong mùa thu này, cảnh sát và lực lượng biên phòng mỗi đêm đẩy lui được khoảng 1.500 người muốn vượt biên trái phép vào khối Schengen, nhưng trên thực tế, vẫn xảy ra những vụ cắt rào, hay vượt rào bằng thang.

Theo một dân biểu, thị trưởng của Asotthalom, lối chính vào Châu Âu qua ngả Hungary, chính phủ của thủ tướng Victor Orban dù nổi tiếng là chặt chẽ về kiểm soát di dân, nhưng các hành động vẫn là chưa đủ, chẳng hạn chương trình tuyển dụng "thợ săn biên giới" để ngăn chặn di dân nhập cư trái phép dự kiến tuyển dụng 4.000 người, nhưng cuối cùng chỉ hoạt động với 1.200 người. Ngoài ra, theo bà Rénata Papp, việc chính quyền Orban thả hàng trăm kẻ buôn người nước ngoài hồi mùa xuân vừa qua, với điều kiện phải rời khỏi Hung trong vòng 3 ngày, càng thúc đẩy nạn đưa lậu di dân qua biên giới.

Dân biểu này than phiền là Hungary chỉ là một nước quá cảnh cho di dân quốc tế vào Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles trao cho Hung vai trò ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào khối, nhưng chính hệ thống xã hội của các nước Tây Âu lại thu hút họ. Vì thế, bà Rénata Papp kêu gọi đưa quân đội trở lại canh phòng biên giới và tăng cường các biện pháp pháp lý để ngăn cản di dân.

Nhìn rộng ra toàn khối, Le Figaro nói đến tình trạng lực lượng biên phòng Frontex rất khó đối phó với nạn nhập cư trái phép cao ở mức kỷ lục.  

Trí thông minh nhân tạo : cỗ máy "ngốn" điện nước

Trong lĩnh vực công nghệ, trí thông minh nhân tạo (AI), đặt biệt là phần mềm ChatGPT, được cả Le Figaro Les Echos quan tâm.  

Một năm sau khi ứng dụng trò chuyện thông minh ChatGPT của OpenAI ra mắt và được xem như chất xúc tác cho một cuộc cách mạng công nghệ mới. Les Echos tập trung nói về cuộc cách mạng AI cho các doanh nghiệp, việc các ứng dụng cụ thể từ AI ngày càng tăng, vai trò hàng đầu của Microsoft trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo cho các doanh nghiệp… Le Figaro nói về tình trạng trung tâm dữ liệu AI ngốn quá nhiều điện nước.

Lượng dữ liệu khổng lồ cộng với khả năng tính toán cực lớn của các máy tính đòi hỏi rất nhiều năng lượng, khiến các máy chủ trí thông minh nhân tạo tiêu thụ năng lượng thậm chí gấp 10 lần so với máy tính thông thường. Nghiên cứu của một nhà nghiên cứu Hà Lan cho thấy lượng điện dùng cho AI hàng năm tương đương với lượng điện cả nước Thụy Điển tiêu thụ.

Chính vì sử dụng nhiều năng lượng nên không thể làm mát hệ thống máy chủ AI với không khí như thông thường, mà cần đến một hệ thống đặc biệt dùng nước làm mát. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu của đại học California, Mỹ, đến năm 2027 lĩnh vực AI sẽ cần 4,2-6,6 tỉ m3 nước, tương đượng với một nửa lượng nước tiêu thụ của cả nước Mỹ.

Chính vì tiêu thụ quá nhiều điện nước, trong những năm qua, việc đặt thêm nhiều cơ sở AI tại Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung đã làm dấy lên sự phản đối ngày càng gay gắt của các địa phương.    

Nga : Chế độ Putin tìm cách hạn chế quyền phá thai của phụ nữ

Nhìn sang Nga, nhưng về xã hội, Le Monde quan tâm đến việc chính quyền Nga lấy danh nghĩa bảo vệ "các giá trị truyền thống", tìm cách hạn chế quyền phá thai của phụ, trong bối cảnh suy thoái dân số.

Ngay từ mùa hè vừa qua, bộ trưởng Y tế, Mikhail Mourashko, đã nói về "một xu hướng lầm lạc (...) theo đó phụ nữ trước tiên phải được học hành, có sự nghiệp và đảm bảo đầy đủ vật chất trước khi quan tâm đến việc sinh con" và kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn việc bán các loại thuốc phá thai.

Đến vào đầu tháng 11, chủ đề này lại được khơi dậy, khi tổng thống Vladimir Putin xem việc phá thai là "một vấn đề nghiêm trọng" dù Nhà nước đã có các biện pháp hỗ trợ gia đình. Theo thông tín viên báo Le Monde tại Nga, dường như tổng thống Nga đã bất ngờ trước sự thất bại của chính sách nhân khẩu học mà ông xem là trọng tâm kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2000. Quả thực, theo cơ quan thống kê Rosstat, tính vào ngày 01/01/2023, gộp cả dân số bán đảo Crimea của Ukraine mà Nga đã sáp nhập, thì dân số của Nga vẫn thấp hơn so với năm 1999.

Dù Putin không đưa ra ý tưởng cụ thể nào, nhưng tại Quốc hội Duma, Ủy ban y tế đã thông qua một số khuyến nghị nhằm hạn chế quyền phá thai : không được phá thai khi thai nhi hơn 8 tuần ; phụ nữ đã có gia đình thì phải có sự đồng ý của chồng mới được phá thai, thời gian bắt buộc suy nghĩ trước khi quyết định bị kéo dài, kèm theo đó là nghĩa vụ "lắng nghe nhịp tim thai nhi"…

Một số địa phương như Mordovia, Tver, Kaliningrad đã cấm "khích lệ phá thai", ai vi phạm sẽ bị phạt tiền, cho dù khái niệm "khích lệ phá thai" rất mơ hồ. Thượng viện Nga đã đề xuất mở rộng biện pháp này ra toàn quốc. Còn tại một số khu vực khác, như Tatarstan, Kursk, Crimea và Chelyabinsk, nhiều bệnh viện tư đã chủ động từ chối quyền thực hiện thủ thuật phá thai. Còn tại các bệnh viện công, bác sĩ ngày càng tìm cách khuyên can phụ nữ không nên phá thai. Thậm chí, hồi giữa tháng 11, một dân biểu còn đề xuất là cấp phép đặc biệt để các nữ tù nhân được thụ thai và nếu mang thai, họ sẽ được trả tự do vĩnh viễn.

Tuy nhiên, theo Le Monde, các chuyên gia đều nhất trí rằng trước mắt hạn chế quyền phá thai của phụ nữ cũng không làm tăng tỉ lệ sinh. Theo các nhà nhân khẩu học, dân số Nga sẽ còn tiếp tục giảm ít nhất là cho đến năm 2027. Chiến tranh Ukraine càng làm tình hình thêm nghiêm trọng, bởi hàng triệu đàn ông ở độ tuổi sinh con bị điều ra mặt trận hoặc phải ra nước ngoài sống lưu vong.

Sách báo : Vũ khí trong tay các tác giả trẻ

Nhân dịp triển lãm quốc tế sách báo của giới trẻ tại Montreuil, Pháp, Libération dành số đặc biệt cho các tác giả trẻ tuổi. Libération xem sách báo là vũ khí trong tay giới trẻ để chống kiểm duyệt. Toàn bộ bài vở trong số báo Libération hôm nay là của 36 tác giả trẻ tuổi, từ chủ đề chống kiểm duyệt, nữ quyền ở Iran, chiến tranh Gaza, đến xử lý rác thải …

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương
Read 172 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)