Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/11/2023

Điểm báo Pháp - Avdiivka ác liệt hơn cả Bakhmut

RFI tiếng Việt

Ukraine : Chiến trường Avdiivka ác liệt hơn cả Bakhmut, Châu Âu còn chờ Trân Châu Cảng ?

Le Monde ngày 30/11/2023 nói về "Trận chiến đẫm máu ở Avdiivka". Từ vài tuần qua, quân Nga tập trung tấn công vào thành phố kỹ nghệ ở vùng Donbass của Ukraine và phải trả một cái giá nặng nề, gợi nhớ đến trận Bakhmut trước đây.

advika1

Các chiến sĩ thuộc đơn vị đặc nhiệm Vệ binh Quốc gia Ukraine bắn moọc-chê về phía quân Nga trên tiền tuyến Avdiivka, vùng Donetsk, ngày 08/11/2023. Reuters - RFE/RL/Serhii Nuzhnenko

Nga mất 931 quân một ngày trên chiến trường Avdiivka !

Nếu Bakhmut từng là "cối xay thịt", thì Avdiivka còn tệ hại hơn. Số lính Nga tử trận những tuần lễ gần đây còn lớn hơn cả thời kỳ khởi đầu chiến tranh, do cuộc tấn công vào thành phố Avdiivka. Theo Ukraine, số thương vong của quân Nga mỗi ngày là 931, một con số được tình báo Anh đánh giá là khả tín. Để so sánh, kỷ lục này vượt qua số lượng lính Nga bị loại khỏi vòng chiến ở Bakhmut là 776 một ngày.

Có nhiều cách giải thích vì sao Nga nhất quyết chiếm Avdiivka tuy thành phố chỉ còn là tro bụi, từ trên 30.000 dân nay còn vài trăm. Trước hết là chính trị : từ sau Bakhmut hồi tháng 5, Nga chẳng còn giành được thành phố nào khác. Trong khi Vladimir Putin rất cần một chiến thắng biểu tượng trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2024, đặc biệt nếu phải tuyên bố một đợt động viên mới.

Về chiến thuật, Avdiivka chỉ cách Donetsk khoảng 15 kilomet. Mất thành phố này sẽ là một cái tát cho Putin. Nhà nghiên cứu Joseph Henrotin giải thích, chiếm Avdiivka sẽ giúp Nga tạo ra hàng rào bảo vệ, nhất là tiền tuyến ở Donetsk không dày đặc bằng những nơi khác.

Chỉ trong 24 giờ, 30 đợt tấn công từ mọi hướng

Trước những đợt tấn công liên tục của Nga, Ukraine cũng quyết tâm giữ vững như ở Bakhmut. Nếu thời đó việc kiên trì cố thủ Bakhmut bị một số đồng minh phương Tây và sĩ quan cao cấp Ukraine chỉ trích vì mất hàng ngàn người cho một thành phố không có lợi ích chiến lược, thì nay việc giữ Avdiivka mang tính logic.

Mặt trận khắp nơi đều không có chuyển biến ngoại trừ dọc theo dòng sông Dniepr, hai bên đều hiểu rằng chiến tranh không chỉ là chiếm hoặc tái chiếm lãnh thổ, mà còn là khả năng làm cho địch thiệt hại nhiều nhất. Trong một cuộc chiến tiêu hao, ai trụ được lâu nhất sẽ thắng. Ngoài ra, Avdiivka còn là chốt chiến lược, bảo vệ nút hậu cần Pokrovsk, cách đó khoảng 40 kilomet về hướng tây, nối kết lực lượng Ukraine phía nam và phía bắc.

Dù vậy, rút ra bài học từ Bakhmut, lực lượng Ukraine tránh cận chiến mà tấn công từ xa, sử dụng nhiều drone mang chất nổ được điều khiển cách đó nhiều cây số. Trong số 1.000 xe thiết giáp Nga bị tiêu hủy trong tháng 10, hầu hết ở Avdiivka, phân nửa là do bị drone đánh vào. Vấn đề là Ukraine còn giữ được bao lâu, những chiến binh của Kiev chỉ còn trụ được tại một khu vực rộng khoảng 8 kilomet. Mới hôm thứ Hai 27/11, Ukraine đẩy lùi 30 đợt tấn công từ đủ mọi hướng của Nga chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Không còn ai dám nói "Chúng ta sẽ sống sót"

Đặc phái viên Le Monde tại Avdiivka mô tả "Con đường sống", một tuyến đường nhựa bị bom Nga cày nát, là con đường duy nhất nối thành phố này với mặt trận miền đông Ukraine. Tài xế phải nhấn ga chạy thật nhanh vì hoàn toàn nằm trong tầm bắn của địch, nhưng những chuyến xe chở hàng nhân đạo vẫn đến nơi được. Ngay khi loan báo phát hàng cứu trợ, những người dân xuất hiện từ dưới đất, những cái đầu nhô lên từ những căn hầm, đống gạch vụn, tất cả những chỗ ẩn núp khó tin trong một thành phố hoang tàn… Họ chào nhau : "Còn sống à ?"

Những người còn ở lại nghĩ rằng mình "bất tử" : tại đây, những trận đánh kéo dài từ 2014 tới nay. Nhưng giờ đây không ai còn dám nói "Chúng ta sẽ sống sót". Quân Nga đã tung ra chiến dịch thứ ba đánh vào Avdiivka từ ngày 10/10, và "Con đường sống" trở thành "Con đường chết". Lính Nga bắn vào tất cả những gì động đậy, đốt lửa sưởi ấm trong mùa đông sẽ bị drone Nga phát hiện khói và thành mục tiêu của đạn pháo. Hai điểm phân phát thực phẩm và trung tâm tình nguyện cũng bị nhắm đến.

Người phụ trách hiệp hội độc lập mang tên "Bất Khả Chiến Bại" có trụ sở ở Kiev, là doanh nhân Mykhailo Puryshev. Vốn là ông chủ hộp đêm, ở tuổi 37 ông trở thành chuyên gia về hoạt động nhân đạo bất chấp rủi ro cao. Tổ chức của Puryshev cung cấp miễn phí cho những cư dân còn trụ lại Avdiivka những gì họ thiếu thốn từ nhiều tháng qua : mạng internet, nước sinh hoạt nhờ một giếng được đào cấp tốc, những bữa ăn nóng… Với những trận đánh ngày càng khốc liệt, nếu cứu trợ không đến được, dự trữ thực phẩm và thuốc men ước tính chịu đựng khoảng ba tháng.

Nga, nghi can số 1 trong vụ đầu độc vợ giám đốc tình báo Ukraine

Le Figaro chú ý đến sự kiện người vợ của giám đốc tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov bị đầu độc, mọi cái nhìn nghi ngờ đều hướng về phía Moskva. Từ đầu cuộc xâm lăng của Nga, bà Marianna Budanova, 30 tuổi, không rời khỏi chồng dù chỉ một bước. Ông Budanov, 37 tuổi, vị chỉ huy mưu trí và gan dạ của tình báo quân đội Ukraine (GUR), với những chiến công hiển hách như vụ tấn công cầu Kerch, đã bị mưu sát ít nhất một chục lần.

Bà Marianna trong một lần trả lời tạp chí Elle phiên bản Ukraine đã nói : "Khi ai đó mưu toan sát hại, bắt cóc, làm nổ tung xe hơi của bạn hoặc phá cửa nhà bạn, thì bạn không còn chỉ nghĩ về mình nữa". Văn phòng ông Budanov ở Kiev đã bị Nga dùng hỏa tiễn đánh vào hôm 23/05. Nhưng lần này mối đe dọa lại đến từ mặt đất : vợ ông bị đầu độc bằng kim loại nặng, cụ thể là thủy ngân và arsenic. Sự kiện này nhắc lại những vụ trước đây như cựu tổng thống Ukraine Viktor Yushenko, cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko, điệp viên Sergey Skripal…

Thành bại cuộc chiến ở Ukraine phần lớn dựa vào Châu Âu

Ở góc độ các đồng minh của Kiev, Le Monde nhận định "Đa phần số phận cuộc chiến ở Ukraine dựa vào Châu Âu. Nếu không muốn thất bại, thì đây là lúc phải ý thức được".Tờ báo nhắc lại, Nga rầm rộ kéo quân sang ngày 24/02/2022 nhưng đã bị bất ngờ trước sự chiến đấu anh dũng của quân dân Ukraine, phải rút chạy khỏi thủ đô Kiev, không quên phạm một số tội ác chiến tranh. Ngạc nhiên thứ hai cho Moskva là phương Tây, đặc biệt Châu Âu, đã đoàn kết lại trừng phạt Nga. Kiev tái chiếm được một số thành phố, lừng lẫy nhất là trận đánh Kharkiv và Kherson.

Tình hình đảo ngược trong năm 2023. Tầm cỡ thiệt hại nhân mạng khiến Ukraine lao đao vì dân số Nga đông gấp ba, Moskva cũng sẵn sàng thí quân. Rút kinh nghiệm sau nhiều lần bại trận, Nga tổ chức lại lực lượng, xây dựng các phòng tuyến kiên cố khiến Ukraine không xuyên qua được trong đợt phản công thứ hai. Mùa đông đến, mặt trận đóng băng, không bên nào tiến được.

Tại Moskva, Vladimir Putin tăng tốc : đối với ông ta, cuộc chiến tranh này là sống còn. Tổng thống Nga huy động toàn lực vào sản xuất vũ khí, những gì không làm được thì mua của các chế độ bạn bè như Bắc Triều Tiên hay tránh né cấm vận. Putin muốn thắng một cách tuyệt vọng. Với Ukraine, cuộc chiến không mong muốn này cũng mang ý nghĩa tồn vong, nhưng lại lệ thuộc nặng nề vào các đồng minh - vốn ít quyết tâm hơn.

Tâm trạng mỏi mệt với chiến tranh

Ở đây có yếu tố "sự mệt mỏi của chiến tranh" (war fatigue), như ngoại trưởng Litva, Gabrielius Landsbergis hôm 28/11 nhấn mạnh, "là hiện tượng của những xã hội sống trong hòa bình", trong khi một nước phải chiến đấu để tồn tại thì không thể tự cho phép mình mệt mỏi.

Còn có yếu tố "chiến lược quân sự". Một số bộ tham mưu phương Tây cho rằng mình giỏi hơn, nhưng muốn vậy phải gởi quân đến và chấp nhận hy sinh - chuyện này không thể đặt ra. Phương Tây cũng cần cung cấp vũ khí cùng nhịp độ với Nga, nhưng hiện nay thì không. Cuối cùng là yếu tố "đàm phán", được vài chuyên gia Mỹ và cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đề nghị, nhằm cứu vãn 80% lãnh thổ Ukraine chưa bị chiếm đóng.

Trên thực tế cả Moskva lẫn Kiev đều có lý do để không thương lượng. Putin cho rằng thời gian đứng về phía ông ta, chờ đợi Châu Âu chán nản và Donald Trump tái đắc cử. Tổng thống Volodymyr Zelensky thì luôn nghi ngờ, vì Nga thường xuyên vi phạm những hiệp định đã ký kết. Như vậy cuộc chiến tranh này phần lớn còn dựa vào quyết tâm của Châu Âu, mà hiện không mấy vững chắc.

Châu Âu chờ gì, một Trân Châu Cảng ?

Ngoại trưởng Litva thẳng thắn : "Chúng ta chờ đợi một Trân Châu Cảng và tự nhủ, à, không có Trân Châu Cảng nên mọi việc đều ổn. Không, tất cả đều không ổn (...). Nếu Châu Âu thấu hiểu thì sẽ gởi tất cả những gì mình có cho Kiev. Tôi hy vọng việc này sẽ diễn ra đúng lúc". Ông Landsbergis cũng không quên trách khéo Đức vốn vẫn chưa dành đến 2% GDP cho quốc phòng : "Hai phần trăm được cho là mức sàn, nhưng một số vẫn đang ở dưới tầng hầm". 

Một cách khác để bảo vệ Ukraine là mở ra cánh cửa NATO và Liên Hiệp Châu Âu, như đã thành công với các nước hậu cộng sản chẳng hạn Litva cách đây 20 năm. Chính vì vậy mà 27 nước EU sẽ phải quyết định vào ngày 14 và 15/12, tức hai tuần nữa. Quyết định quan trọng này cần có sự nhất trí, mà điều này thì không chắc, đây có thể là Trân Châu Cảng của ông Landsbergis.

COP28 chiếm trang nhất báo Pháp

Hội nghị khí hậu COP28 tổ chức tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, một quốc gia dầu lửa, chiếm trang nhất của nhiều báo Pháp hôm nay. Le Figaro chạy tựa "COP28, những vấn đề quan trọng của một thượng đỉnh gây tranh cãi", cho rằng cuộc họp này là cần thiết trong bối cảnh cần khẩn cấp giảm bớt việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Libération đưa ảnh trang nhất chủ tịch hội nghị, với tựa đề "Al-Jaber, linh hồn dầu lửa".

La Croix dùng màu vàng cam khói lửa làm nền, chạy tít lớn "Dầu lửa, khẩn cấp" : lần đầu tiên năng lượng hóa thạch là trung tâm tranh luận ở Dubai. Les Echos gọi đây là "COP của các ông hoàng Ả Rập", với "Đại gia dầu lửa kiêm chủ tịch COP28 : Sultan Al Jaber, con người mang hai khuôn mặt". Xã luận Le Monde kêu gọi "COP28 : Dỡ bỏ cấm kỵ về năng lượng hóa thạch" kẻo hiệp định khí hậu Paris trở thành vô nghĩa.

Henry Kissinger, người tị nạn Do Thái thành ngoại trưởng Mỹ

Nhìn sang Hoa Kỳ, trang web các báo đều có bài viết về việc cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger qua đời ngày thứ Tư 29/11, thọ 100 tuổi. Từ một người gốc Do Thái tị nạn Đức quốc xã, Kissinger trở thành bộ trưởng ngoại giao của cả hai đời tổng thống Nixon và Ford, trở nên nổi tiếng toàn thế giới trong chiến tranh Việt Nam và được giải Nobel hòa bình.

Thời trung học, Henry chỉ mơ trở thành kế toán. Sau Đệ nhị Thế chiến, tiếp tục học đại học Harvard, anh thanh niên Henry bắt đầu làm chính trị : cộng tác với chính quyền Eisenhower, Kennedy, rồi Johnson. Sự thông minh và tính cách hài hước giúp Henry nổi bật trong những dạ tiệc. Ông tỏ ra đắc lực với những nhân vật quyền thế, đọc tất cả những gì có trong tay để câu chuyện có được chiều sâu, thích ứng được với tất cả loại người. 

Le Figaro cho biết dù thời gian hạn hẹp, Henry rất thích đi cùng những phụ nữ đẹp. Ông nói : "Khi bạn đã trải qua suốt cả ngày với bà Golda Meir, bạn không cần Indira Gandhi ban đêm mà là Jill Saint-John !" (một nữ minh tinh xinh đẹp).

Hiệp định Paris góp phần làm Sài Gòn sụp đổ, nhưng Kissinger được Nobel

Chính với Richard Nixon mà Henry Kissinger có được tầm vóc quốc tế. Trong hồi ký, ông nhấn mạnh : "Đa số sáng kiến chính trị Mỹ bắt đầu dưới thời Nixon : Cận Đông, Liên Xô, Trung Quốc. Và chúng tôi đã kết thúc chiến tranh Việt Nam". Từ 1969, Kissinger đã bắt đầu những cuộc mật đàm nhằm giúp Mỹ rút chân khỏi Việt Nam và năm 1972 ông đã đưa Washington đến với Trung Quốc cộng sản. Một Trung Quốc mà Kissinger không ngừng bênh vực : ông cho biết bị Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình mê hoặc. Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tạ Phong (Xie Feng) hôm nay nói rằng cái chết của Henry Kissinger là "mất mát lớn lao".

Khái niệm "ngoại giao con thoi" gắn liền với cái tên Henry Kissinger, ông có thể bay qua bay lại 200.000 kilomet một năm. Năm 1973 là năm tuyệt đỉnh vinh quang của Kissinger : với hiệp định Paris, ông được giải Nobel hòa bình. Hai năm sau Saigon rơi vào tay cộng sản, Kissinger tìm cách trả lại giải nhưng sau đó xảy ra vụ Watergate. Richard Nixon từ chức tổng thống nhưng Kissinger vẫn còn là ngoại trưởng, mãi đến ngày 20/01/1977 khi Jimmy Carter bước vào Nhà Trắng mới ra đi.

Nhưng không phải là lúc nghỉ hưu : vừa viết hồi ký, ông còn làm khoảng 15 công việc. Kissinger là giám đốc của nhiều hội đồng quản trị, cố vấn đặc biệt cho nhiều tập đoàn, thậm chí xuất hiện trong các clip quảng cáo. Ông được khắp thế giới hỏi ý kiến, từ chính phủ Venezuela đến tổng thống Indonesia. Năm năm sau khi rời chính quyền, ông lập ra Kissinger Associates, một công ty tư vấn cấp cao với mức giá 225.000 đô la một năm. Henry không quên những bài học kế toán : ông đòi 10.000 đô la cho một cuộc phỏng vấn, gấp đôi cho hội thảo. Nixon kể lại "Henry nghĩ rằng chính ông ấy mới là tổng thống".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 174 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)