Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/12/2023

Điểm báo Pháp - Xung đột Israel-Hamas lan sang Hồng Hải

RFI tiếng Việt

Lo ngại về xung đột Israel-Hamas lan sang Hồng Hải

Cuộc chiến giữa Israel-Hamas tiếp tục là chủ đề được nhiều báo số ra hôm 19/12/2023, đặc biệt quan tâm. Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất "Israel  chịu áp lực của đồng minh để thiết lập lệnh hưu chiến ở Gaza".  

honghai1

Ảnh do Bộ Quốc phòng Anh cung cấp ngày 16/12/2023 : Chiến hạm HMS Diamond hoạt động ngoài khơi Scotland ngày 04/10/2020. AP - LPhot Belinda Alker

Sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden lên án Israel không kích một cách "mù quáng", lãnh đạo Lầu Năm Góc Lloyd Austin đã đến Israel hôm qua để kêu gọi quân đội Israel giảm cường độ các vụ tấn công vào dải Gaza, chấm dứt cuộc chiến từ hai tháng qua. Nhật báo thiên hữu Le Figaro cho biết nhiều nước Châu Âu cũng như các nước Ả rập và Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo về thảm họa nhân đạo khi hàng ngàn thường dân sống dưới bom đạn. 

Mục ý kiến của Libération gọi đây là cuộc chiến "một mất một còn". Theo cây bút Serge July, đồng sáng lập viên của tờ báo cánh tả, khi cuộc chiến leo thang, mang tính hủy diệt, chết chóc, báo thù Hamas như là để "xóa bỏ đi sự mù quáng của thủ tướng Israel Benjamin Netayanhu trước ngày 07/10". Libération nhận định chiến lược "thực dân" của Israel, thông qua những người định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ Palestine, được thực hiện trong nhiều năm qua, đã đẩy Israel vào một thảm kịch lịch sử. Chiến lược cực hữu được thể hiện qua 4 trục chính : Nhà nước Palestine sẽ không bao giờ tồn tại ; Thực dân hóa để làm mất vai trò của nhà nước Palestine ; Thỏa thuận Abraham giữa Nhà nước Do Thái và các nước Ả rập cho phép bỏ qua vấn đề về Palestine ; Xua đuổi hoặc cưỡng bức (có hỗ trợ tài chính) những người Palestine ra khỏi những vùng lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng, sang các nước láng giềng như Ai Cập hoặc Jordan.  

Xã luận của Libération kết luận rằng vụ tấn công khủng khiếp của Hamas vào Israel đã buộc hai bên quay trở lại đàm phán. Hơn nữa, cuộc chiến một mất một còn cũng đã làm sáng tỏ chiến lược của chính phủ Israel và thúc đẩy chính phủ của tổng thống Joe Biden, vốn là đồng minh thân cận của Israel, ủng hộ giải pháp hai nhà nước. 

Theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc, hơn 100.000 tòa nhà đã bị phá hủy ở Gaza, quân đội Israel cũng xác nhận đã phá hủy hơn 300 đường hầm kể từ đầu cuộc tấn công trả đũa Hamas. Như vậy, theo Libération, sẽ cần nhiều năm để tái thiết Gaza, chưa kể là trong hơn 2 triệu cư dân của dải đất, nhiều người mất nhà cửa, phải ra đường sống. Khi liên tục oanh kích vào dải Gaza, giải cứu các con tin không phải là ưu tiên của quân đội Israel, đặc biệt là qua vụ bắn nhầm vào 3 con tin vừa qua.  

Le Monde thì quan tâm đến số phận của 41 công dân Pháp, trong số hơn 1.200 người thiệt mạng trong vụ tấn công của Hamas vào Israel hôm 07/10. Tờ báo nhận định đây là một thảm kịch lớn nhất của người Do Thái từ sau nạn diệt chủng của Đức Quốc xã. Theo Le Monde, hiện vẫn chưa có thông báo chính thức của chính phủ Pháp về lễ tưởng niệm cũng như danh tính của các nạn nhân này. Điện Elysée và Bộ Ngoại giao Pháp vẫn từ chối tiết lộ thông tin, nhưng theo nguồn tin, có 39 nạn nhân là thường dân và 11 người là binh lính, đa số đều mang hai quốc tịch Pháp – Israel. Một số gia đình các nạn nhân đã chấp nhận trả lời báo chí, đưa tin về những người thân xấu số của họ.  

Cuộc chiến Israel-Hamas lan sang Hồng Hải 

Xã luận của La Croix thì bày tỏ quan ngại về cuộc chiến khốc liệt giữa Israel và Hamas đang lan rộng trong khu vực. Ở phía bắc Israel, các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn giữa tổ chức Hồi giáo Hezbollah thân Iran và quân đội Israel. Còn phía nam Israel, một chiến tuyến được mở ra một cách không chính thức. Nhóm phiến quân Houthi ở Yemen đang tăng cường các hoạt động làm gián đoạn giao thông hàng hải ở Biển Đỏ (Hồng Hải), qua các vụ tấn công bằng tên lửa hoặc drone, nhằm bày tỏ ủng hộ đối với "những người anh em Hamas". 

Đây cũng là chủ đề bài xã luận của Le Monde, nêu ra tình trạng bất ổn ở Trung Đông. Mặc dù nhóm phiến quân Houthi khẳng định chỉ nhắm vào các tàu có liên hệ với Israel, nhưng nhiều tòa nhà quân sự cũng như dân sự đã bị tấn công. Các công ty vận tải quốc tế lớn đã quyết định tránh đi qua khu vực này. Theo Le Monde, nếu như các thiết bị quân sự mà Hoa Kỳ triển khai trong khu vực có thể khiến nhóm Hezbollah của Lebanon phải dè chừng, thì kiềm chế nhóm Houthi lại là một thách thức lớn. 

Xã luận của Libération khẳng định xung đột lan rộng trong khu vực không còn là một lo ngại, mà đã trở thành hiện thực và phương Tây khó có thể phòng thủ, tìm ra giải pháp để đáp trả. Nhóm phiến quân Houthi, vốn được Iran hậu thuẩn, tự coi là phe chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Yemen, đã chiến đấu chống lại chính phủ Yemen được Saudi Arabia yểm trợ trong vòng 8 năm. Mở cuộc chiến chống Houthi chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa khiến khu vực ngày càng căng thẳng hơn. Libération cho rằng giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine là quan trọng, nhưng sự cân bằng của thế giới cũng cần phải được bảo đảm.  

Theo La Croix, Iran chính là nước đứng đằng sau, khiến xung đột lan rộng trong khu vực vì họ hỗ trợ Hamas, Hezbollah và Houthi. Iran vốn có thái độ thù nghịch với Israel, muốn đòi chính nghĩa cho người Palestine, tăng cường sức ảnh hưởng của mình. Tehran cũng đã phát đi tín hiệu, cảnh báo khả năng cắt đứt hai cửa ngõ quan trọng của giao thương quốc tế, là eo biển Hormuz và eo biển Bab El-Mandeb. Nhật báo công giáo cho rằng "dĩ nhiên là Iran không định mạo hiểm như vậy", nhưng tình hình có thể vượt tầm kiểm soát. Theo Libération, có thể nói rằng Iran đã thành công, bởi vì hoạt động tại cảng chính của Israel, Ashdod, đã giảm 30% từ khi Houthi mở các cuộc tấn công.   

Trang nhất báo Libération thì chạy tựa lớn "Nỗi sợ xanh ở Hồng Hải". Nhật báo thiên tả cho biết hôm qua, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã đến Bahrein để thảo luận về nỗ lực của Hoa Kỳ thiết lập một liên minh đa quốc gia nhằm đáp trả các cuộc tấn công đe dọa giao thông hàng hải trong khu vực. Bộ trưởng ngoại giao Pháp Catherine Colonna cũng tiết lộ Paris đang nghiên cứu các phương án tự vệ cho các đối tác của mình và lực lượng Houthi sẽ "phải trả giá vì các cuộc tấn công của họ". Hồng Hải là tuyến đường vận chuyển hàng hóa lớn, đặc biệt là vận chuyển dầu mỏ giữa Châu Âu và Châu Á.  

Chính trường Pháp vẫn bị xáo trộn vì dự luật nhập cư 

Về thời sự nước Pháp, nhiều báo Pháp số ra hôm nay dành hồ sơ lớn nói về dự luật nhập cư, gây náo động chính trường Pháp trong thời gian gần đây. Từ hôm qua, 18/12, một ủy ban hỗn hợp gồm 14 nghị sĩ họp tại cung điện Bourbon để thảo luận về dự luật này. Phe của Macron muốn đàm phán với cánh hữu, trong khi cánh tả và các hiệp hội, công đoàn cực lực phản đối những biện pháp siết chặt nhập cư. Dự luật đưa ra những biện pháp như siết chặt điều kiện đoàn tụ gia đình, chấm dứt việc cấp quốc tịch tự động cho những người có cha mẹ người nước ngoài nhưng sinh ra ở nước Pháp, thiết lập lại luật về tội cư trú bất hợp pháp, hay xóa bỏ trợ cấp nhà ở cho sinh viên nước ngoài… Libération cho rằng chính phủ Pháp muốn đưa ra một dự luật nhập cư bằng bất cứ giá nào, ngay cả khi để cho cực hữu lấn át, với những đề xuất bài ngoại. Nếu dự luật được thông qua, đây sẽ được coi là đòn bẩy cho Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2027. 

Xã luận Le Figaro đề cập đến các cuộc thảo luận dài bất tận giữa các nghị sĩ đến đêm, với sự bất đồng trong hai phe tả hữu, và một đa số bị mất phương hướng vì những mục tiêu trái ngược nhau, chỉ làm mất thời gian và không giải quyết được gì. Tờ báo cánh hữu nêu ra áp lực di cư, "có thể thấy được ở mọi tầng lớp xã hội" cũng như sự bất lực của các cơ quan công quyền, đang gây chia rẽ, đe dọa an ninh. Le Figaro cho rằng không cần biết dự luật có được thông qua hay không, nhưng có thể thấy rằng "nước Pháp theo cánh hữu, dư luận ủng hộ siết chặt chính sách nhập cư".

Các báo cũng chú ý đến lập trường của tổng thống Macron về dự luật siết chặt nhập cư của cánh hữu, mà tổng thống muốn nhanh chóng thông qua trước Noel. Trong bài với tựa "Macron rơi vào tình thế khó khăn", Le Monde chỉ ra rằng đây là tuần lễ mang tính quyết định và sự vội vã này có thể khiến Macron mất đi đa số tương đối từ cánh hữu. 

Về phần mình, xã luận của nhật báo Les Echos liệt kê những chính khách có thể thế chỗ Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm 2027, từ những chính trị gia non trẻ như Gerald Darmanin (bộ trưởng Nội vụ), hay Gabriel Attal (bộ trưởng Giáo dục), cho đến những nhân vật kỳ cựu như cựu thủ tướng Edouard Philippe.  

Vụ xử tỷ phú Lê Trí Anh ở Hồng Kông : Phiên tòa lịch sử cho tự do báo chí 

Nhìn sang Châu Á, vụ xét xử nhà tỷ phú Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đã chính thức mở ra hôm qua, 18/12/2023, tại tòa án Cửu Long Tây của đặc khu hành chính. Theo Le Figaro, ông Lê Trí Anh được coi là một thủ lĩnh đấu tranh vì tự do cho hòn đảo và cũng là kẻ thù số một của Bắc Kinh. Tỷ phú Hồng Kông, nhà sáng lập nhật báo Appel Daily, được giới thiệu như là một trong những đầu não của các vụ bạo động tại hòn đảo. Tờ báo, bị đóng cửa vào năm 2021, đã không ngần ngại chỉ trích chế độ độc tài Bắc Kinh, bị xem là đăng bài có nội dung kích động biểu tình.  

Bị cáo buộc "cấu kết với các thế lực thù địch nước ngoài" cùng một số tội danh khác được quy định trong luật an ninh quốc gia (2020), Lê Trí Anh có nguy cơ lãnh án tù chung thân. Theo nhật báo cánh hữu, phiên tòa này có để là một phép thử giới hạn mới của luật an ninh quốc gia : "Chính quyền đặc khu muốn tỏ vẻ là tôn trọng luật pháp, để trấn an các nhà đầu tư". 

Phóng sự của Le Monde cho biết an ninh được tăng cường ở khu vực xung quanh tòa án. Hơn 300 người ủng hộ Lê Trí Anh cũng đến dự vụ xử mang tính biểu tượng này. Phiên tòa sẽ diễn ra trong vòng 80 ngày và bản án sẽ không được công bố trước mùa thu năm 2024. Theo nhật báo Pháp, Lê Trí Anh cùng những tờ báo mà ông thành lập, tiêu biểu là Apple Daily, đã ủng hộ tất cả các phong trào xã hội lớn, nhất là từ 2014 đến 2020, cũng như tờ báo vẫn nhắc nhớ mọi người về vụ thảm sát ở Thiên An Môn năm 1989. Chính vì vậy mà phiên tòa được xem là một vụ xét xử tự do báo chí.  

Phiên tòa đáng lẽ đã diễn ra từ cuối năm 2022, nhưng đã bị hoãn lại do tòa án không chấp nhận để một luật sư người Anh bào chữa cho Lê Trí Anh. Cuối cùng, dưới sự can thiệp của Trung Quốc, tòa đã đồng ý để một luật sư ở Hồng Kông đứng ra bào chữa cho nhà tỷ phú. Le Monde kết luận rằng rủi ro lớn nhất cho Lê Trí Anh đó là phiên tòa xét xử bị chuyển sang Trung Quốc.  

Chi Phương 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 182 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)