Trung Quốc mời bác sĩ nước ngoài đến chữa trị cho Lưu Hiểu Ba (RFI, 05/07/2017)
Dưới sức ép của quốc tế, Trung Quốc vào hôm 05/07/2017 đã lên tiếng mời các bác sĩ ngoại quốc đến Trung Quốc để chăm sóc cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba (Liu Xiao Bo), giải Nobel Hòa Bình, vừa được cho ra khỏi tù vì bị bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Biểu tình đòi trả tự do hoàn toàn cho nhà văn Lưu Hiểu Ba trước cơ quan đại diện Hoa Lục tại Hồng Kông, 05/07/2017. Ảnh : Anthony WALLACE / AFP
Trong một thông báo, thành phố Thẩm Dương ở miền đông bắc Trung Quốc, cho biết là bệnh viện thành phố, nơi nhà ly khai được đưa vào để trị bệnh sau khi ra tù, "đã quyết định mời các chuyên gia về ung thư gan nổi tiếng nhất thế giới, của Mỹ, Đức và các nước khác, đến Trung Quốc" để chẩn đoán cho ông Lưu Hiểu Ba. Chính quyền Thẩm Dương còn xác định rằng lời mời được đưa ra "theo yêu cầu của gia đình ông Lưu Hiểu Ba".
Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP, các bác sĩ nước ngoài được khuyến khích làm việc cùng với các đối tác Trung Quốc, nhưng chính quyền trước mắt không cho biết là có những ai đã được mời, hay đã nhận lời mời đến Trung Quốc.
Bị kết án 11 năm tù vào năm 2009 về tội "phản nghịch", ông Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, vừa được ra tù sau khi bị chẩn đoán ung thư gan ở giai đoạn cuối hồi tháng Năm vừa qua.
Kể từ khi thông tin về bệnh tình của ông được loan báo, một số nước phương Tây - trong đó có Hoa Kỳ, Pháp và Đức - cùng với nhiều tổ chức phi chính phủ và thân nhân nhà bất đồng chính kiến đã tuyên bố tại Bắc Kinh rằng giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba phải được phép ra nước ngoài để điều trị.
Việc mời các bác sĩ nước ngoài trùng hợp với chuyến công du nước Đức của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 vào ngày thứ Sáu tới đây tại Hambourg.
Cùng với Washington và Paris, Berlin hôm thứ Hai đã bày tỏ "hy vọng rằng ông Lưu Hiểu Ba sẽ nhận được tất cả sự hỗ trợ y tế cần thiết". Đức đồng thời cho rằng một "giải pháp nhân đạo" cho trường hợp này "phải là ưu tiên số một".
Patrick Poon, một nhà nghiên cứu làm việc cho tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng khi đề nghị mời bác sĩ nước ngoài đến Trung Quốc chữa trị cho ông Lưu Hiểu Ba, chính quyền Trung Quốc như muốn giải tỏa áp lực quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Poon, bản thân ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông đã cho biết rõ rằng mục tiêu của họ là phải rời khỏi Trung Quốc để được chữa bệnh ở nước ngoài.
Trọng Nghĩa
*******************
Đức hối thúc Trung Quốc cho Lưu Hiểu Ba đi nước ngoài chữa bệnh (VOA, 04/07/2017)
Đức hôm thứ Hai hối thúc Trung Quốc cho phép ông Lưu Hiểu Ba được đi nước ngoài để chữa bệnh ung thư giai đoạn cuối, nhắc lại những lời kêu gọi tương tự từ Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ.
Hình ảnh xuất hiện trên mạng vào cuối tuần trước cho thấy ông Lưu Hiểu Ba dường như đang trong tình trạng ổn định.
Trung Quốc nói rằng nhà bất đồng chính kiến này bị bệnh quá nặng không rời khỏi đất nước được, nhưng hôm thứ Hai bạn của ông Lưu và nhà bất đồng chính kiến Hồ Gia nói một đoạn video xuất hiện trên YouTube vào cuối tuần trước cho thấy ông Lưu dường như đang trong tình trạng ổn định.
"Chúng tôi hoan nghênh việc ông Lưu Hiểu Ba được phóng thích để được điều trị y tế", phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Seibert nói, lưu ý về tin tức cho biết có những yêu cầu để hai vợ chồng ông Lưu được đi nước ngoài. "Chính phủ tin rằng trong tình thế khó khăn như vậy, một giải pháp nhân đạo cho ông Lưu Hiểu Ba nên là ưu tiên hàng đầu".
Ông Lưu là nhà thơ và nhà hoạt động nhân quyền, bị bắt sau khi viết Hiến chương 08, một tuyên ngôn kêu gọi cải cách dân chủ tại Trung Quốc. Ông được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010 cho chiến dịch đấu tranh của ông vì dân chủ và nhân quyền.
Có được thông tin đáng tin cậy, độc lập về tình trạng của ông Lưu và mong muốn đi nước ngoài của ông là điều khó khăn, vì ông và vợ, Lưu Hà, đã bị chính quyền cô lập nên bạn bè và giới truyền thông không thể tiếp cận.
Dù hai vợ chồng chưa công khai bày tỏ ý muốn ra nước ngoài, bạn bè của họ tin rằng họ muốn đi, dựa trên những điều mà trước đây bà Lưu Hà đã cho bạn bè của bà biết.
Ông Lưu đã bị kết án 11 năm tù về tội "kích động lật đổ quyền hành nhà nước". Luật này thường bị nhà chức trách Trung Quốc sử dụng để làm im tiếng những nhà bất đồng chính kiến.