Vì sao Trung Quốc sợ Lưu Hiểu Ba ?
Sự kiện thời sự trên trang nhất các báo Pháp là Cúp bóng đá nữ thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Pháp, hôm nay 07/06/2019 khai cuộc. Báo chí Pháp đều dành rất nhiều bài cho sự kiện cũng như cho đội tuyển bóng đá nữ của Pháp. Bên cạnh đó chủ đề Châu Á mà tâm điểm là Trung Quốc vẫn được các báo Pháp chú ý.
Lưu HIểu Ba khi còn tự do (ảnh do gia đình nhà ly khai cung cấp không ghi ngày chụp) Reuters/Handout
Nhật báo Le Monde, có bài viết "câu chuyện của một nước Trung Quốc vĩ đại" của cây viết Alain Frachon. Đó là câu chuyện của của nhà ly khai nổi tiếng Lưu Hiểu Ba với Đảng cộng sản Trung Quốc mà tác giả gọi đó là "mảng tối trong thành công của Trung Quốc 30 năm qua. Cái mặt tối đó là một phần không tách rời của đất nước đang vươn lên thành cường quốc lớn nhất thế giới. Đó là câu chuyện của một sự đối đầu không cân sức».
Không cân sức bởi vì : một bên là Lưu Hiểu Ba, một người ôn hòa, tôn trọng pháp luật, một nhà bảo vệ kiên định các quyền tự do của người dân. Còn bên kia là Đảng cộng sản Trung Quốc, với 85 triệu đảng viên, nắm giữ cả bộ máy Nhà nước, kiên quyết giữ độc quyền lãnh đạo.
Cuối cùng Đảng cộng sản Trung Quốc thắng. Thế nhưng, theo tác giả bài báo, chỉ nhắc riêng đến cái tên Lưu Hiểu Ba cũng luôn khiến chính quyền Trung Quốc lo sợ. Cái tên Lưu Hiểu Ba còn liên quan đến sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989, khi quân đội đàn áp đẫm máu cuộc tập hợp đòi dân chủ. "Cả bộ máy chính trị Bắc Kinh đã huy động tất cả để xóa cái tên Lưu Hiểu Ba và cuộc biểu tình kia trong hồi ức của người dân trong nước".
Tác giả đặt câu hỏi : Vậy thì tại sao lại có nỗi sợ quá khứ đó ? Ác quỷ nào ám ảnh "con rồng" về đêm ? Một phần câu trả lời nằm trong bộ phim tài liệu và cuốn sách của nhà báo Pháp Pierre Haski có tiêu đề "Người đã thách thức Bắc Kinh".
Lưu Hiểu Ba sinh năm 1955 trong một gia đình Mao-ít, trở thành giảng viên đại học giảng dạy văn học ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Ông nhanh chóng trở thành một trí thức được mến mộ ở Bắc Kinh. Mùa xuân năm 1989, Lưu Hiểu Ba đang ở Hoa Kỳ thì nổ ra phong trào biểu tình ôn hòa đòi dân chủ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn. Ông Lưu có thể ở lại New York, nhưng ông không làm thế mà trở về với cuộc đấu tranh của giới trẻ Trung Quốc.
Khi chính quyền quyết định dìm cuộc biểu tình Thiên An Môn trong bể máu, cuộc đời của vị giáo sư văn chương đã đảo lộn hoàn toàn, Lưu trở thành nhà ly khai thực thụ : liên tục bị bắt giam, bị cấm dạy học xuất bản sách.
Ông là một trong những người soạn thảo ra bản Hiến chương 08 năm 2008, phác thảo lộ trình dân chủ hóa đất nước. Dưới con mắt của chính quyền, ông đã phạm trọng tội vì bản Hiến chương 08 đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi, trong đó có cả những nhân vật trong giới cầm quyền. Hơn nữa bản Hiến chương chủ trương nền dân chủ kiểu phương Tây. Điều chế độ Bắc Kinh sợ là ý tưởng phương Tây sẽ dẫn đến kịch bản ác mộng như Gorbachev đã làm với Liên Xô.
Bài báo của Le Monde nhận định : "Đảng cộng sản Trung Quốc coi mình là lá chắn duy nhất trước những gì đã khiến Trung Quốc bị suy yếu, hạ thấp trong quá khứ là : bên trong chia rẽ và bên ngoài yếu kém. Cuộc đấu tranh chính trị giờ đây ở Trung Quốc là cuộc đấu tranh với tư tưởng phương Tây đe dọa sự độc tôn quyền lực của đảng".
Tác giả kết luận, câu chuyện cuốn sách trên đặt ra một câu hỏi chủ chốt : Liệu Trung Quốc có thể mở rộng cửa lâu dài ra bên ngoài mà vẫn tồn tại một hệ thống chính trị đóng kín ở trong nước ?
Đối mặt với Trung Quốc : Phải có chính sách dài hơi ?
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi : "Làm thế nào tìm được câu trả lời đúng trước Trung Quốc".
Giờ đây cả thế giới đang đối mặt với một nước Trung Quốc gian lận, bảo hộ ngành công nghiệp của họ, cản trở các công ty nước ngoài và đánh cắp bản quyền trí tuệ. Vấn đề còn lại là phải tìm được một đối sách chính trị đúng để ngăn chặn Trung Quốc.
Les Echos khẳng định, người ta có thể bàn luận để hiểu có phải Donald Trump đang thực thi một chính sách thất thường hay, ông ta chỉ chăm chăm vào việc dựng hàng rào thuế quan quanh nước Mỹ. Nhưng có một điều tất cả đều phải nhất trí thừa nhận đó là ông Trump đã khiến Châu Âu chấm dứt cái nhìn ngây thơ với Trung Quốc từ khi nước này gia nhập tổ chức Thương Mại Thế Giới 2001.
Với giấc mơ trở thành thành một đại cường số 1 thế giới, Trung Quốc của ông Tập Cận Bình có cả một kế hoạch "Trung Quốc 2025". Phương Tây muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump phản ứng mạnh mẽ nhưng liệu có hiệu quả không nếu chỉ tập trung vào thuế quan, phong tỏa như đang làm với Hoa Vi. Les Echos phân tích : Với cử tri, ông Trump chứng minh được mình là "một tống thống bảo vệ công nhân Mỹ, giữ lời hứa và chính sách bề mặt này có thể sẽ giúp ông tái đắc cử năm tới. Về chiều sâu, chính sách bảo hộ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá rất đắt… và nhất là chủ trương đó dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới mà ông Trump đang dẫn dắt một cách tồi tệ nhất".
Câu hỏi đặt ra là tổng thống Mỹ có "Kế hoạch 2025" không ? Ông có tin rằng các bức tường (thuế quan) dựng lên và trừng phạt sẽ làm suy yếu nền kinh tế và cả chế độ Trung Quốc ? Tờ báo khẳng định : Chính sách như vậy phần lớn đều phản tác dụng chỉ làm các chế độ mà ông muốn hạ gục mạnh thêm.
Theo Les Echos, vấn đề chính là phải có một chính sách lâu dài. Tại Châu Âu cuộc tranh luận về các đối phó với Trung Quốc vừa mới nổi lên nhưng đã dừng lại vì các khác biệt lợi ích trước mắt. Ý và các nước Đông Âu hy vọng tận dụng lòng tốt của Trung Quốc. Đức chỉ chăm chăm nghĩ tới bán được càng nhiều xe BMW ở Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thấy được thách thức, cũng chỉ hứa hẹn xây dựng một "Châu Âu mạnh". Nhưng ông đơn độc và không có chính sách dài hơi nào.
Tác giả bài phân tích kết luận, trong các lĩnh vực : viễn thông, công nghiệp, lao động có chuyên môn, chủ quyền, Châu Âu muốn đối phó với Trung Quốc ít ra phải có được phẩm chất của Donald Trump : Ý chí quyết tâm.
Trump - Macron : Bằng mặt nhưng không bằng lòng
Trở lại với hai chủ đề chiếm trang nhất các báo Pháp ra hôm nay. Trước hết là lễ kỷ niệm 75 năm ngày quân đội Mỹ đổ bộ lên Normandie. Le Figaro ghi nhận trên trang nhất : "Trên bãi biển cuộc đổ bộ Macron và Trump thể hiện tình đoàn kết". Trong khi đó xã luận báo công giáo La Croix dưới tiêu đề "Mối liên minh khôi hài" nhận thấy : Ký ức cuộc tấn công quân sự phi thường và sự hy sinh của các binh sĩ Mỹ để giải phóng lục địa Châu Âu khỏi phát xít Đức có tác dụng giảm bớt rạn vỡ, giờ đang chia rẽ các đồng minh trong quá khứ.
Từng là đồng minh quan trọng của nhau nhưng tổng thống Mỹ Donald Trump giờ coi Châu Âu như là một đối thủ kinh tế, ông đe dọa tuyên chiến thương mại, tìm cách chia rẽ Pháp-Đức và ủng hộ Brexit.
Ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran, tỏ bất cần Liên Hiệp Quốc cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Hoa Kỳ không muốn đóng vai trò là người sắp đặt thế giới nữa, chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt của mình. Cuối cùng La Croix khẳng định hài hước : "Với những người bạn như vậy, còn ai cần đến kẻ thù".
Bóng đá nữ : Cuộc chinh phục bình đẳng
Về sự kiện lớn Cúp bóng đá nữ thế giới khai cuộc hôm nay tại sân Parc des Princes - Paris, đây cũng là lần đầu tiên Pháp đón ngày hội bóng đá của các nữ cầu thủ thế giới, nhật báo Libération dành toàn bộ trang bìa và 7 trang trong để giới thiệu về sự kiện và về môn bóng đá của phái đẹp.
Đáng chú ý là bài xã luận tờ báo mang tiêu đề "chinh phục". Libération đặt câu hỏi : "Phụ nữ trong thi đấu thể thao ? Họ đã có mặt từ bao năm nay rồi. Đã có các nhà vô địch nữ tennis, đua thuyền buồm, điền kinh, chẳng kém cạnh gì với nam giới. Chỉ có điều các định kiến về các vận động viên nữ vẫn tồn tại trong nhiều môn thể thao, nhất là bóng đá".
Xã luận Libération viết tiếp : "Bóng đá, môn thể thao vua để các hoàng hậu của mình ở phía sau. Nhưng giờ đây công chúng đã bắt đầu biết đến những nữ cầu thủ giỏi nhất và khán giả bắt đầu đông đảo đến sân vận động xem các trận đấu của nữ. Truyền hình cũng bắt đầu quan tâm do các nhà tài trợ cũng đã để ý đến các nữ cầu thủ. Nhưng các sự bất bình đẳng giữa các bóng đá nữ và nam vẫn còn quá lớn về mọi mặt. Cuộc chinh phục của các nữ cầu thủ mới chỉ bắt đầu".
Anh Vũ
Trung Quốc mời bác sĩ nước ngoài đến chữa trị cho Lưu Hiểu Ba (RFI, 05/07/2017)
Dưới sức ép của quốc tế, Trung Quốc vào hôm 05/07/2017 đã lên tiếng mời các bác sĩ ngoại quốc đến Trung Quốc để chăm sóc cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba (Liu Xiao Bo), giải Nobel Hòa Bình, vừa được cho ra khỏi tù vì bị bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Biểu tình đòi trả tự do hoàn toàn cho nhà văn Lưu Hiểu Ba trước cơ quan đại diện Hoa Lục tại Hồng Kông, 05/07/2017. Ảnh : Anthony WALLACE / AFP
Trong một thông báo, thành phố Thẩm Dương ở miền đông bắc Trung Quốc, cho biết là bệnh viện thành phố, nơi nhà ly khai được đưa vào để trị bệnh sau khi ra tù, "đã quyết định mời các chuyên gia về ung thư gan nổi tiếng nhất thế giới, của Mỹ, Đức và các nước khác, đến Trung Quốc" để chẩn đoán cho ông Lưu Hiểu Ba. Chính quyền Thẩm Dương còn xác định rằng lời mời được đưa ra "theo yêu cầu của gia đình ông Lưu Hiểu Ba".
Tuy nhiên, theo hãng tin Pháp AFP, các bác sĩ nước ngoài được khuyến khích làm việc cùng với các đối tác Trung Quốc, nhưng chính quyền trước mắt không cho biết là có những ai đã được mời, hay đã nhận lời mời đến Trung Quốc.
Bị kết án 11 năm tù vào năm 2009 về tội "phản nghịch", ông Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, vừa được ra tù sau khi bị chẩn đoán ung thư gan ở giai đoạn cuối hồi tháng Năm vừa qua.
Kể từ khi thông tin về bệnh tình của ông được loan báo, một số nước phương Tây - trong đó có Hoa Kỳ, Pháp và Đức - cùng với nhiều tổ chức phi chính phủ và thân nhân nhà bất đồng chính kiến đã tuyên bố tại Bắc Kinh rằng giải Nobel Hòa Bình Lưu Hiểu Ba phải được phép ra nước ngoài để điều trị.
Việc mời các bác sĩ nước ngoài trùng hợp với chuyến công du nước Đức của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 vào ngày thứ Sáu tới đây tại Hambourg.
Cùng với Washington và Paris, Berlin hôm thứ Hai đã bày tỏ "hy vọng rằng ông Lưu Hiểu Ba sẽ nhận được tất cả sự hỗ trợ y tế cần thiết". Đức đồng thời cho rằng một "giải pháp nhân đạo" cho trường hợp này "phải là ưu tiên số một".
Patrick Poon, một nhà nghiên cứu làm việc cho tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng khi đề nghị mời bác sĩ nước ngoài đến Trung Quốc chữa trị cho ông Lưu Hiểu Ba, chính quyền Trung Quốc như muốn giải tỏa áp lực quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Poon, bản thân ông Lưu Hiểu Ba và vợ ông đã cho biết rõ rằng mục tiêu của họ là phải rời khỏi Trung Quốc để được chữa bệnh ở nước ngoài.
Trọng Nghĩa
*******************
Đức hối thúc Trung Quốc cho Lưu Hiểu Ba đi nước ngoài chữa bệnh (VOA, 04/07/2017)
Đức hôm thứ Hai hối thúc Trung Quốc cho phép ông Lưu Hiểu Ba được đi nước ngoài để chữa bệnh ung thư giai đoạn cuối, nhắc lại những lời kêu gọi tương tự từ Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ.
Hình ảnh xuất hiện trên mạng vào cuối tuần trước cho thấy ông Lưu Hiểu Ba dường như đang trong tình trạng ổn định.
Trung Quốc nói rằng nhà bất đồng chính kiến này bị bệnh quá nặng không rời khỏi đất nước được, nhưng hôm thứ Hai bạn của ông Lưu và nhà bất đồng chính kiến Hồ Gia nói một đoạn video xuất hiện trên YouTube vào cuối tuần trước cho thấy ông Lưu dường như đang trong tình trạng ổn định.
"Chúng tôi hoan nghênh việc ông Lưu Hiểu Ba được phóng thích để được điều trị y tế", phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Seibert nói, lưu ý về tin tức cho biết có những yêu cầu để hai vợ chồng ông Lưu được đi nước ngoài. "Chính phủ tin rằng trong tình thế khó khăn như vậy, một giải pháp nhân đạo cho ông Lưu Hiểu Ba nên là ưu tiên hàng đầu".
Ông Lưu là nhà thơ và nhà hoạt động nhân quyền, bị bắt sau khi viết Hiến chương 08, một tuyên ngôn kêu gọi cải cách dân chủ tại Trung Quốc. Ông được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010 cho chiến dịch đấu tranh của ông vì dân chủ và nhân quyền.
Có được thông tin đáng tin cậy, độc lập về tình trạng của ông Lưu và mong muốn đi nước ngoài của ông là điều khó khăn, vì ông và vợ, Lưu Hà, đã bị chính quyền cô lập nên bạn bè và giới truyền thông không thể tiếp cận.
Dù hai vợ chồng chưa công khai bày tỏ ý muốn ra nước ngoài, bạn bè của họ tin rằng họ muốn đi, dựa trên những điều mà trước đây bà Lưu Hà đã cho bạn bè của bà biết.
Ông Lưu đã bị kết án 11 năm tù về tội "kích động lật đổ quyền hành nhà nước". Luật này thường bị nhà chức trách Trung Quốc sử dụng để làm im tiếng những nhà bất đồng chính kiến.
Phía sau Lưu Hiểu Ba là số phận mịt mù của các nhà đối lập Trung Quốc (RFI, 30/06/2017)
Việc giải Nobel hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) được ra khỏi trại giam và nhập viện do bị ung thư gan giai đoạn cuối, đặt ra câu hỏi về số phận phía sau song sắt nhà tù của nhiều nhà ly khai Trung Quốc khác.
Đêm thắp nến cầu nguyện cho giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba tại Hồng Kông, 29/06/2017. REUTERS/Tyrone Siu
Năm nay 61 tuổi, ông Lưu Hiểu Ba bị kết án 11 năm tù giam năm 2009 vì tội "nổi dậy". Là khuôn mặt hàng đầu của phong trào dân chủ Trung Quốc, ông là đồng tác giả của bản Hiến chương 08, đòi hỏi tôn trọng nhân quyền và tổ chức bầu cử tự do.
Lưu Hiểu Ba nay đang được chữa trị tại một bệnh viện sau khi được trả tự do có điều kiện vì lý do sức khỏe – luật sư của ông cho biết hôm thứ Hai 26/06/2017. Chính quyền Trung Quốc còn khẳng định một đội ngũ gồm "tám bác sĩ chuyên khoa ung thư nổi tiếng" chăm sóc cho ông tại một bệnh viện ở Thẩm Dương (Shenyang).
Nhưng các tổ chức bảo vệ nhân quyền nhấn mạnh, việc quyết định thả Lưu Hiểu Ba không hề là một hành động nhân đạo, mà chỉ nhằm tránh mang lại một hình ảnh tệ hại cho Bắc Kinh, khi một tù nhân nổi tiếng như thế lại bị chết sau chấn song nhà tù.
Luật sư Dư Văn Sinh (Yu Wensheng) ở Bắc Kinh nhận định : "Cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ là Trung Quốc chẳng tôn trọng nhân quyền một chút nào, khi mà một giải Nobel hòa bình còn bị đối xử như thế".
Đã từ lâu Trung Quốc vẫn bị chỉ trích vì xử sự tệ hại với các nhà đấu tranh, nhà đối lập chính trị. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền vào cuối năm 2012, áp lực đè lên xã hội dân sự lại càng thêm nặng nề.
Tháng 7/2015, trên 200 luật sư bảo vệ nhân quyền đã bị công an câu lưu. Hầu hết sau đó được thả ra, nhưng sáu luật sư năm ngoái đã bị lãnh các bản án lên đến bảy năm tù. Các tòa án Trung Quốc có tỉ lệ kết án chóng mặt là 99,92%, và trong các cuộc điều tra thường xảy ra nạn tra tấn để bức cung.
Các điều kiện cụ thể để trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba vẫn chưa rõ, nhưng ông vẫn tiếp tục bị công an theo dõi chặt chẽ. Luật gia khiếm thị Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) nhận xét : "Ông Lưu Hiểu Ba sẽ chẳng bao giờ được tự do. Ông luôn bị đảng Cộng Sản Trung Quốc nghiêm ngặt giám sát, như vợ ông vẫn bị theo dõi từ nhiều năm qua". Bản thân ông Trần Quang Thành cũng từng bị quản thúc tại gia, cho đến khi ông vượt thoát ngoạn mục năm 2012 và tị nạn tại Hoa Kỳ.
Các nhà đấu tranh nhân quyền còn đòi được biết ông Lưu Hiểu Ba có được chữa trị trong tù hay không, và tại sao ông không được trả tự do sớm hơn. Nhà nghiên cứu Patrick Poon của Amnesty International chuyên về Trung Quốc cho biết : "Rất khó thể hiểu được vì sao phải chờ đến lúc căn bệnh ung thư phát triển đến giai đoạn cuối, ông Lưu Hiểu Ba mới được chạy chữa".
Nhưng theo bà Sophie Richardson của Human Rights Watch, trường hợp "các nhà đối lập ôn hòa lâm bệnh nặng và chết trong tù" không phải là hiếm.
Trong số đó có thể kể nhà sư Tây Tạng Tenzin Delek Rinpoche, qua đời trong trại giam năm 2015 sau 13 năm bị giam cầm vì bản án "khủng bố và ly khai". Hay nhà đối lập Tào Thuận Lợi (Cao Shunli), được loan báo đã chết trong tù vào đầu năm 2014, mà theo Bắc Kinh là do bị "bệnh lao và viêm phổi cấp tính".
Đối với bà Sophie Richardson, chủ tịch Trung Quốc phải chịu trách nhiệm phần nào về tình trạng hiện nay của ông Lưu Hiểu Ba. Bà đặt câu hỏi : "Nếu ông Tập Cận Bình công khai khẳng định Trung Quốc là một Nhà nước pháp quyền, thì tại sao một bi kịch như thế lại có thể xảy ra ?"
Thụy My
**********************
Trung Quốc : Lưu Hiểu Ba muốn ra nước ngoài điều trị ung thư (RFI, 30/06/2017)
Nhà đấu tranh Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) muốn rời Trung Quốc để được trị bệnh ở nước ngoài. Nhiều người thân của khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010 cho biết vào hôm qua, 29/06/2017, trước bệnh tình nghiêm trọng của ông.
Ông Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hòa Bình 2010 trong tù. Liu Xiaobo
Bà Lưu Hạ (Liu Xia), vợ của nhà đấu tranh, đã gửi đơn yêu cầu chính thức đến bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc để vợ chồng bà cùng với người em trai bà Lưu được phép ra nước ngoài. Thông tin trên được nhà văn Lưu Diệc Vũ (Liao Yiwu), một người bạn của gia đình, thông báo qua điện thoại với hãng tin AFP.
Vẫn theo nhà văn, "ông Lưu Hiểu Ba nói rõ ông sẽ chết (vì bệnh ung thư) nhưng ông muốn được chết ở phương Tây" chứ không phải ở Trung Quốc. Một vài người thân của cặp vợ chồng cũng khẳng định hôm 29/06 rằng chính Lưu Hiểu Ba cũng muốn được điều trị ở nước ngoài.
Theo luật sư Mạc Thiểu Bình (Mo Shaoping), nhà đấu tranh Lưu Hiểu Ba "hiện đang được trả tự do có điều kiện". Ông vẫn đang tiếp tục thụ án và về lý thuyết không được phép xuất ngoại.
Thu Hằng
Mỹ kêu gọi Bắc Kinh để nhà ly khai Lưu Hiểu Ba tự do đi lại và trị bệnh (RFI, 27/06/2017)
Bị ung thư trầm trọng, khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010 Lưu Hiểu Ba vừa được chính quyền Trung Quốc trả tự do có điều kiện sau 8 năm tù. Phát ngôn viên sứ quán Mỹ kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng quyền tự do đi lại và chăm sóc sức khỏe của nhà ly khai và trả tự do cho người vợ của ông là nhà thơ Lưu Hà, đang bị quản thúc tại gia.
Người Hồng Kông biểu tình đòi Trung Quốc trả tự do hoàn toàn cho nhà văn Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), trước cửa Văn phòng đại diện Hoa Lục tại Hồng Kông, ngày 27/06/2017. REUTERS/Bobby Yip
Theo tin từ nhà giam, tác giả Hiến Chương Dân Chủ 2008 đã ra tù và đang được "8 chuyên gia hàng đầu về ung thư" chăm sóc tại bệnh viện đại học y khoa Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc.
Theo AFP, sứ quán Mỹ vào ngày 27/06/2017 cho biết đang thu thập thông tin về hoàn cảnh của giáo sư Lưu Hiểu Ba. Phát ngôn viên Mary Beth kêu gọi Trung Quốc, phải trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba và người vợ là nhà thơ Lưu Hà bị quản chế tại Bắc Kinh, phải để cho khôi nguyên Hòa Bình 2010 được "tự do đi lại và chọn bác sĩ theo ý muốn", theo đúng "tinh thần bản Hiến Pháp Trung Quốc và bổn phận quốc tế".
Bắc Kinh ngay lập tức phản bác lời kêu gọi của Mỹ. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Lục Khảng cho rằng "không một nước nào có quyền can thiệp một cách vô trách nhiệm vào nội bộ Trung Quốc. Trung Quốc là một nước thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước luật pháp".
Từ Na Uy, Ủy ban Nobel Hòa Bình khuyến cáo Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, nếu có chuyện không may xảy đến cho ông Lưu Hiểu Ba.
Tú Anh
*********************
Mỹ yêu cầu ông Lưu Hiểu Ba được chọn bác sĩ điều trị (RFA, 27/06/2017)
Hoa Kỳ hôm 27 tháng 6 thúc giục Trung Quốc phải cho nhà hoạt động dân chủ, khôi nguyên hòa bình Lưu Hiểu Ba và vợ của ông này quyền tự do chọn bác sĩ điều trị bệnh cho mình.
Người biểu Trung Quốc cầm ảnh ông Lưu Hiểu Ba trong lần xuống đường ở Tokyo vào ngày 01/06/2014. AFP photo
Ông Lưu Hiểu Ba, năm nay 61 tuổi, vừa được Bắc Kinh trả tự do sớm 3 năm, trong án tù 11 năm, vì lý do ông bị bệnh ung thư gan. Luật sự của ông này cho biết bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư gan giai đoạn cuối vào tháng 5 vừa qua.
Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc hiện đang thu thập thông tin về tình trạng pháp lý và bệnh tật của ông Lưu Hiểu Ba, sau khi giới chức Trung Quốc cho biết họ đã chuyển ông từ nhà tù sang một bệnh viện ở miền Đông Bắc Trung Quốc.
Nhân dịp này, Hoa Kỳ cũng kêu gọi Trung Quốc phải giải bỏ quản chế đối với nhà thơ Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba. Bà đang bị quản thúc tại gia kể từ năm 2010 đến nay. Bà bị nhồi máu cơ tim hồi năm 2014 và được chẩn đoán là bị trầm cảm.
Trung Quốc ngay sau đó đã lên tiếng bác bỏ những chỉ trích từ phía Hoa Kỳ về cách đối xử của nước này đối với ông Lưu Hiểu Ba.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 27 tháng 6 nói không có một nước nào được quyền can thiệp và đưa ra các phát biểu vô trách nhiệm về vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Lục Khảng nói tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc là một quốc gia pháp quyền và mọi người đều được đối xử công bằng trước luật pháp. Các nước khác phải tôn trọng chủ quyền về pháp lý của Trung Quốc và không nên sử dụng những trường hợp cá nhân để can thiệp.
Quỹ Dui Hua về nhân quyền có trụ sở ở Mỹ cho biết tại Trung Quốc, những người được thả vì vấn đề sức khỏe không có nghĩa là được tự do và họ vẫn phải chịu sự giám sát của các cơ quan an ninh địa phương.
Theo luật của Trung Quốc, một người được thả vì lý do sức khỏe sẽ phải được khám lại sau 6 tháng để đánh giá tình hình. Dựa vào kết quả kiểm tra mà thời gian này được kéo dài ra hay người đó phải vào lại trong tù để hoàn tất nốt án tù còn lại.
***********************
Trung Quốc nói Mỹ không nên can thiệp vụ Lưu Hiểu Ba (BBC, 27/06/2017)
Bắc Kinh đáp trả Washington đã đưa ra "nhận xét thiếu trách nhiệm" sau khi Hoa Kỳ chỉ trích cách Trung Quốc đối xử với ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động bị giam giữ được trao giải Nobel hòa bình.
Ông Lưu Hiểu Ba là một nhà thơ và nhà vận động nhân quyền
Nhà hoạt động chính trị, người phải chịu mức án 11 năm tù vì tội lật đổ do kêu gọi dân chủ cho Trung Quốc, được chuyển tới bệnh viện sau khi bị chẩn đoán ung thư gan.
Vợ ông, bà Lưu Hà, bị quản chế tại gia, cho biết không còn kịp cứu chữa cho ông.
Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi Trung Quốc "trả tự do thực sự" cho hai vợ chồng.
"Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc thả ông Lưu và cho phép vợ ông, bà Lưu Hà không bị quản chế tại gia", phát ngôn viên Hoa Kỳ, bà Mary Beth Polley nói.
Một số chính trị gia Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc cho ông Lưu ra nước ngoài chữa bệnh. Ông Lưu Hiểu Ba là nhà bất đồng chính kiến, một trong những nhân vật chủ chốt trong đợt biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng chỉ trích kêu gọi này : "Trung Quốc là quốc gia có luật pháp. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Tất cả các quốc gia khác nên tôn trọng sự độc lập về tư pháp và lãnh thổ của Trung Quốc, và không nên dùng những trường hợp cá nhân để can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc".
Người biểu tình để ảnh ông Lưu và bà Hà bên ngoài Văn phòng Liên lạc của Trung Quốc ở Hong Kong
Ông Lưu được trao giải Nobel Hòa Bình vắng mặt năm 2010, với ủy ban trao giải gọi nhà bất đồng chính kiến là "biểu tượng xuất sắc nhất" về đấu tranh nhân quyền ở Trung Quốc
Ông không được phép ra nước ngoài để nhận giải và giải thưởng giành cho ông được đặt vào chiếc ghế trống trong buổi lễ. Chính quyền Trung Quốc, vốn coi ông là tội phạm, giận dữ trước giải thưởng này.
Sau đó, bà Lưu bị quản chế tại gia tuy chưa từng bị kết tội. Chính quyền Trung Quốc không giải thích vì sao bà bị cấm di chuyển.
Theo lời bạn bè kể lại, bà Lưu đã được phép thăm chồng, đang chữa trị tại bệnh viện ở phía Bắc tỉnh Liêu Ninh sau khi có chẩn đoán ung thư vào ngày 23/05, theo South China Morning Post dẫn lời luật sư Mạc Thiếu Bình.
Ông Lưu Hiểu Ba được thả một ngày sau đó và đang được chữa trị ở Thẩm Dương.
"Ông ấy không có kế hoạch gì đặc biệt. Ông ấy đang được trị bệnh", Luật sư Mạc nói với hãng tin AFP.
Tuy nhiên, xuất hiện trong video được chia sẻ trên mạng vào tuần này, bà Lưu vừa khóc vừa nói : "Họ không thể phẫu thuật, không thể hóa trị, không thể xạ trị được cho ông ấy".
Thông cáo từ chính quyền Liêu Ninh nói ông Lưu đã được thả để chữa bệnh và đang được tám chuyên gia ung bướu điều trị.
Bà Lưu Hà cùng luật sư Mạc Thiếu Bình chỉ được cho phép thăm chồng ngắn ngủi và không thường xuyên
Ông Lưu còn ba năm trong tổng mức án 11 năm vì tội "kích động lật đổ" sau khi soạn ra Điều 8 - kêu gọi dân chủ đa đảng và tôn trọng nhân quyền ở Trung Quốc.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói ông đáng ra không nên chịu tù đày.
Tổ chức này thúc giục Trung Quốc đảm bảo "chăm sóc y tế, cho ông được gặp gia đình và ông cũng như tất cả những người bị bắt giữ do chỉ thực hiện các quyền của mình phải được thả ngay lập tức và vô điều kiện".
Sau giải Nobel, quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy bị đóng băng và chỉ được bình thường hóa vào tháng 12/2016.
********************
Giới lập pháp thúc Tổng thống Trump đưa Lưu Hiểu Ba sang Mỹ điều trị (VOA, 28/06/2017)
Vợ của ông Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc bị cầm tù, hôm 27/6 cho hay bệnh ung thư của chồng bà, 61 tuổi, đã nặng đến mức không thể phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.
Nhà hoạt động Lưu Hiểu Ba trong một cuộc phỏng vấn năm 1995 (ảnh tư liệu)
Tuyên bố bằng video của bà Lưu Hà được đưa ra một ngày sau khi luật sư của gia đình loan báo khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình được tạm tha vì lý do sức khỏe và đang được điều trị ung thư gan giai đoạn cuối tại một bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương, miền bắc Trung Quốc.
Ông Lưu chịu án tù 11 năm về tội danh "kích động lật đổ nhà nước" khi ông soạn "Hiến chương 08", một tuyên ngôn kêu gọi cải cách dân chủ. Tài liệu này được công bố năm 2008. Ông Lưu bị bắt, xét xử và kết án năm 2009.
Luật sư của ông cho biết ông đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào tháng trước. Ông Lưu được trao Giải Nobel Hòa bình năm 2010, nhưng bị cấm nhận giải thưởng này.
Phát ngôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ hôm 27/6 kêu gọi nhà chức trách Trung Quốc "không những chỉ thả ông Lưu, mà hãy đình chỉ việc áp dụng biện pháp quản thúc tại gia đối với vợ ông".
Một ủy ban lưỡng đảng của quốc hội Mỹ chuyên về Trung Quốc hôm 26/6 kêu gọi Tổng thống Donald Trump hãy tức tốc tìm cách đưa hai vợ chồng ông Lưu sang Mỹ để tìm hiểu khả năng điều trị, cùng với 4 nhà bất đồng chính kiến khác 'đang đối mặt với những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng'.
Tuyên bố của ông Marco Rubio, Chủ tịch Ủy Ban Hành pháp Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc, nói : "Tôi kêu gọi Tổng thống Trump tìm cách đưa ngay ông Lưu sang Hoa Kỳ vì lý do nhân đạo".
Ông Chris Smith, đồng chủ tịch ủy ban, nói vợ của ông Lưu cũng phải được phép đi Mỹ.
Trong tuyên bố của mình, ông Rubio nói : "Tuy chúng tôi vui mừng vì ông Lưu không còn bị giam cầm, song đây không phải là một hành động nhân từ của phía chính phủ Trung Quốc".
"Chính quyền Trung Quốc đã biết về tình trạng sức khoẻ nghiêm trọng của ông ấy trong bao lâu ? Những điều khoản về việc tạm tha ông vì lý do y tế là gì ? Liệu vợ ông, bà Lưu Hà, có thể theo dõi việc chăm sóc ông ấy mãi không ?".
Ông Lưu nhập viện tại Đệ nhất Bệnh viện của Đại học Y Trung Quốc ở Thẩm Dương. Giới chức nhà tù cho hay một nhóm gồm 8 chuyên gia ung thư đã được giao nhiệm vụ điều trị cho ông.
Trung Quốc : Sự hy sinh của giáo sư Lưu Hiểu Ba
Nhà đấu tranh Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), một trí thức 55 tuổi, vừa được xuất tù để điều trị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ngày 08/10/2010, Giải Nobel Hòa Bình được trao cho Lưu Hiểu Ba, lúc đó đang thụ án 11 năm tù vì bất đồng chính kiến. Ông bị kết án vì là một trong số các tác giả của Hiến chương 08, được 300 trí thức soạn thảo năm 2008, yêu cầu dân chủ hoá chế độ mà trên thực tế chỉ là yêu cầu áp dụng chặt chẽ luật pháp.
Ảnh chụp ông Lưu Hiểu Ba, tháng 3/2005, tại Quảng Châu. Handout / LIU FAMILY / AFP
Xã luận của nhật báo Le Monde cho rằng những câu chuyện như Lưu Hiểu Ba xảy ra rất nhiều tại Trung Quốc trong thế kỷ XXI, nhưng thường nhanh chóng bị báo chí ỉm đi. Tin Lưu Hiểu Ba được trao Giải Nobel Hòa Bình gần như bị kiểm duyệt tại Trung Quốc. Sau đó, giáo sư ngành ngữ văn lại chìm trong vô danh chốn lao tù ở tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), giáp ranh với Bắc Triều Tiên.
Vài ngày gần đây, tên của ông lại được nhắc đến vì ông được điều trị ung thư gan ở Thẩm Dương (Shenyang), thủ phủ tỉnh Liêu Ninh và án tù vẫn không được giảm. Vợ ông, bà Lưu Hạ (Liu Xia), bị giam lỏng tại gia ở Bắc Kinh, cũng không được đến thăm chồng.
Ông Lưu Hiểu Ba bị viêm gan từ vài năm nay, mà theo xã luận Le Monde, có thể bị mắc trong những lần bị cầm tù và trong trại cải tạo lao động trước đó. Chính quyền Bắc Kinh muốn tránh việc một nhà bất đồng chính kiến đang bị giam cầm bị chết trong tù, trong bối cảnh kỳ Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ XIX sắp diễn ra.
Hình ảnh không mấy gì tốt đẹp đó cho thấy sự khép kín và hành động tàn nhẫn của một hệ thống chính trị vẫn còn rõ nét từ năm 2012 và kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Hình ảnh này cũng cho thấy một chế độ dưới sự lãnh đạo của ông Tập không chịu được bất kỳ hành động bất đồng chính kiến nào, dù dưới hình thức ôn hòa, như trường hợp của Lưu Hiểu Ba, của hàng chục, thậm chí hàng trăm luật sư bị tống giam, "mất tích" vài ngày, vài tháng và bị kết án nặng một cách không thương tiếc vì dám phản đối bất công khi chỉ lên tiếng yêu cầu thực thi luật pháp.
Tại Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc diễn ra vào mùa thu, cơ quan trung tâm của đảng sẽ được bầu lại. Người ta trông chờ vào các nhà "hiền tài" và lão luyện. Theo xã luận của Le Monde, những người này sẽ còn xứng đáng hơn với danh tiếng trên nếu bỏ thời gian lắng nghe - chỉ lắng nghe thôi - một nhà trí thức mảnh dẻ nhưng đầy tham vọng cho đất nước vĩ đại của mình. Nhưng đến ngày đó, chắc là giáo sư Lưu đã đi vào cõi vĩnh hằng.
Ấn Độ - Hoa Kỳ duy trì quan hệ "hài hoà" dưới thời Modi - Trump
Từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, thủ tướng Ấn Độ đã bốn lần đến Washington gặp tổng thống Barack Obama. Chỉ vài tháng sau khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ông Narendra Modi lại đến Nhà Trắng để nhắc lại "sự hài hoà" trong quan hệ giữa hai nước.
Chuyến công du của thủ tướng Ấn Độ được Libération đánh giá là "Cuộc gặp gỡ nồng nhiệt giữa Donald Trump và Narendra Modi". Còn nhật báo Le Monde lại cho rằng "Bị Trung Quốc làm lu mờ, Ấn Độ ấn định vị trí bên Hoa Kỳ". Theo nhật báo, cả hai nhà lãnh đạo có phong cách khá giống nhau : cùng đề cao chủ nghĩa dân tuý, trở thành nhà lãnh đạo từ một "outsider" và đều thích dùng mạng xã hội, về điểm này tổng thống Mỹ hài hước : "Chúng ta là những nhà lãnh đạo thế giới".
Nhưng đằng sau mối quan hệ song phương "chưa bao giờ mạnh đến vậy", theo phát biểu của tổng thống Mỹ, vẫn còn nhiều điểm bất đồng, nổi bật nhất là vấn đề thị thực cho lao động nhập cư có trình độ cao và Hoa Kỳ quyết định rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Thế nhưng, cả hai điểm này dường như trở thành vấn đề thứ yếu trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.
Thủ tướng Ấn Độ đến Washington sau thủ tướng Nhật Bản và chủ tịch Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Trump tập trung nhiều hơn vào châu Á, kể từ khi Bắc Triều Tiên liên tục thử vũ khí đạn đạo và nguyên tử. Trong bài viết "Modi cam đoan quan hệ đồng minh tốt của Ấn Độ với Hoa Kỳ sẽ được tiếp tục", Les Echos nhận định chuyến công du Washington của ông Modi là cách nhắc lại thẳng thừng rằng, trước một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh, trục New Delhi-Washington có thể sẽ trở nên quan trọng đến mức nào.
Ông Modi cũng "muốn duy trì với Trump quan hệ tuyệt vời mà ông đã có với Obama". Và một trong những bằng chứng thể hiện tinh thần đó là ông đến Washington với một danh sách mua trang thiết bị quân sự, trong đó có nhiều máy bay không người lái Predator, chiến đấu cơ và một yêu cầu hợp tác kỹ thuật để giúp New Delhi có được tầu sân bay chạy bằng hạt nhân.
Pháp : Mang thai nhờ kỹ thuật hỗ trợ y tế gây tranh cãi
Trong lĩnh vực y tế-xã hội, sau bốn năm nghiên cứu, ngày 27/06, Ủy ban Quốc gia Tư vấn Đạo đức (CCNE) đưa ra ý kiến ủng hộ mọi phụ nữ (kể cả các cặp đồng tính nữ hay phụ nữ đơn thân) có thể sinh con nhờ kỹ thuật hỗ trợ y tế (procréation médicalement assistée, PMA). Trước đó, biện pháp này đã được áp dụng với các cặp vợ chồng vô sinh. Chủ đề này đều được các nhật báo Pháp đưa tin và bình luận.
Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết "Ủy ban đạo đức bật đèn xanh cho biện pháp sinh con nhờ hỗ trợ kỹ thuật y tế" được các hội LGBT đánh giá là "dấu hiệu mạnh mẽ và sáng suốt" đồng thời yêu cầu Nghị Viện nhanh chóng thông qua. Thế nhưng, biện pháp này lại bị các hiệp hội bảo vệ gia đình truyền thống phản đối.
Libération đưa ra nhận định : "Sinh con nhờ hỗ trợ kỹ thuật y tế, sau mặt đạo đức, giờ đến mặt chính trị". Thực vậy, biện pháp này nằm trong chương trình tranh cử tổng thống của Emmanuel Macron.
Le Monde cho biết là người ủng hộ biện pháp hỗ trợ y tế sinh sản (procréation médicalement assistée, PMA), tổng thống Pháp Macron từng tuyên bố chỉ chờ kết luận của Ủy ban Quốc gia Tư vấn Đạo đức. Ý kiến của 3/4 tổng số 39 thành viên của tổ chức này có thể mở đường cho một đạo luật mới.
Nhưng Le Figaro lại đánh giá trên trang nhất rằng "Macron đứng trước một lựa chọn có rủi ro cao". Xã luận của nhật báo thiên hữu đặt hàng loạt câu hỏi : Liệu cho phép mọi phụ nữ áp dụng kỹ thuật này chỉ đơn giản là "mong muốn" của một cặp hay của một cá nhân ? Liệu người ta có thể tước bỏ quan hệ máu mủ của đứa trẻ ? Liệu có thể quyết định thay đứa trẻ một cuộc sống không cha ? Trả lời nhật báo Le Figaro, nhà tâm lý học Pierre Lévy-Soussan đánh giá : "Quyền của người lớn không được thay thế lợi ích của đứa trẻ", vì như vậy, trẻ em sinh ra nhờ hỗ trợ y tế chỉ là nạn nhân của "ham muốn vô hạn" của người lớn.
Bài xã luận "Nỗi lo chính đáng" của La Croix không nghi ngờ về tình yêu của các cặp đồng tính hay mẹ đơn thân dành cho con nhưng thừa nhận hoàn toàn "sự vắng bóng của người cha" gây nên một nỗi lo chính đáng. Theo điều 7 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em, mà Pháp đã phê chuẩn, trẻ em, "trong chừng mực có thể, có quyền được biết cha mẹ của mình". Bài báo kết luận sự "có thể được này" xứng đáng cần được bảo vệ.
Khủng hoảng Vùng Vịnh : Qatar mở cửa nhập khẩu hàng quốc tế
Từ ngày 05/06, Qatar bị các nước láng giềng lần lượt cấm vận vì bị cáo buộc "yểm trợ khủng bố", trong khi Saudi Arabia và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cung cấp đến 80-90% lương thực thực phẩm cho Qatar.
Thế nhưng, trong phóng sự "Tại Qatar, những người giầu tự xoay xở chống phong tỏa", đặc phái viên Libération cho biết chính quyền Doha chuyển sang nhập khẩu các mặt hàng từ nhiều nước khác nhau.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước được hưởng lợi nhất từ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh này. Một cầu hàng không do Qatar chi trả đã được triển khai trong thời gian ngắn kỉ lục giữa các cảng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ và Doha để thay thế các mặt hàng do 4 nước láng giềng đang đòi "chia tay".
Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rõ tình đoàn kết. Sự đồng nhất quan điểm về Hồi giáo chính trị giữa hai nước đã khiến tổng thống Erdogan thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác quân sự và ngoại giao-thương mại với Doha. Vì thế, hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ là những sản phẩm đầu tiên được hưởng các thỏa thuận thay thế hàng nhập khẩu của quốc gia Hồi giáo giầu có này, với thị trường được thẩm định là 5 tỉ đô la.
Iran cũng nhanh chóng muốn ghi điểm về mặt chính trị và thương mại đối với các nước Ả Rập vùng Vịnh. Chỉ vài ngày sau lệnh cấm vận, hãng hàng không Iran Air đã chuyển sang Doha 6 máy bay, mỗi chiếc chở 90 tấn thực phẩm và rau quả.
Các doanh nghiệp Pháp và Úc cũng tranh thủ thời cơ Qatar mở cửa nhập khẩu thực phẩm. Gia cầm và quả chà là bio của Pháp xuất hiện trên thị trường, 4.000 con bò Úc và Mỹ được chuyển đến quốc gia Trung Đông giầu có này nhờ cầu hàng không đặc biệt do hãng hàng không Qatar Airways đảm nhiệm.
Với những biện pháp trên, Vương quốc Ả Rập giầu có muốn khẳng định sức mạnh kinh tế và khả năng vượt qua khủng hoảng, đồng thời cũng lên án sự phong tỏa "bất hợp pháp" và "vô nhân đạo" mà bốn nước láng giềng áp đặt. Qatar yêu cầu các nước này dỡ bỏ cấm vận và tiến hành đối thoại, song cũng không ngại tuyên bố "khi muốn xử lý cuộc khủng hoảng một cách văn minh, người ta không bắt đầu bằng các biện pháp trừng phạt quá đáng và đưa ra các tối hậu thư như thế". Điều này muốn ám chỉ đến 13 yêu cầu trong tối hậu thư, bị đánh giá là "phi lý", mà Saudi Arabia và các đồng minh gửi đến Doha qua trung gian Kuwait.
Google bị Bruxelles phạt 2,42 tỉ euro
Công cụ tìm kiếm Google bị Bruxelles cáo buộc lạm dụng vị thế áp đảo nhằm tạo thuận lợi cho công cụ so sánh giá "Google Shopping" từ năm 2008 tại 13 nước Liên Hiệp Châu Âu.
Với quyết định phạt 2,42 tỉ euro, cả hai nhật báo Le Monde và Les Echos đều đánh giá "Bruxelles phạt Google khoản tiền kỉ lục", hơn cả khoản tiền phạt 1,06 tỉ euro đối với Intel vào năm 2009.
Libération lại cho rằng "khoản tiền phạt của Liên Hiệp Châu Âu với Google không đến mức ghê gớm lắm" vì Ủy ban châu Âu hoàn toàn có thể áp dụng mức trừng phạt 10% doanh thu hàng năm của doanh nghiệp. Năm 2016, doanh thu của Google là 80 tỉ euro (trong đó lợi nhuận là 18 tỉ euro). Nếu tính 10%, Google sẽ bị phạt 8 tỉ euro, có nghĩa là gấp 3 lần so với mức phạt mà Liên Âu đưa ra.
Thu Hằng
Ông Lưu Hiểu Ba được Trung Quốc đưa ra khỏi tù để chữa ung thư giai đoạn cuối (VOA, 26/06/2017)
Nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Trung Quốc và là khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, ông Lưu Hiểu Ba, vừa được đưa ra khỏi tù hôm thứ Hai 26/6 để đi chữa bệnh.
Hình nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được những người biểu tình ở Hồng Kông mang theo trong cuộc tuần hành đòi trả tự do ông Lưu ngày 11/10/2010.
Luật sư của ông Lưu cho biết ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối hồi tháng trước và đang được điều trị tai một bệnh viện ở thành phố Liêu Ninh thuộc miền đông bắc Trung Quốc.
Ông Lưu, 61 tuổi, bị kết án 11 năm tù vào năm 2009 về tội "xúi giục lật đổ chính quyền" sau khi ông soạn thảo Hiến chương 08 kêu gọi dân chủ đa đảng và tôn trọng nhân quyền ở Trung Quốc.
Năm 2010, Ủy ban Nobel ở Na Uy đã trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu, vinh danh "tinh thần đấu tranh can trường bất bạo động của ông cho quyền cơ bản của con người ở Trung Quốc".
Việc ủy ban Nobel trao giải cho ông khiến chính phủ Trung Quốc càng thêm phẫn nộ.
Ủy ban Nobel suốt nhiều năm qua đã kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba.
****************
Trung Quốc trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba (RFA, 26/06/2017)
Nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel Hòa Bình được chuyển từ nhà giam sang bệnh viện để chữa trị căn bệnh ung thư gan đi vào giai đoạn cuối.
Nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel Hòa Bình (trái). Ảnh minh họa chụp năm 2005. AFP
Đây là tin do luật sư của ông Lưu Hiểu Ba báo ngày 26 tháng 6 và hãng Reuters có được.
Ông Lưu Hiểu Ba năm nay 61 tuổi, bị bắt năm 2009 và bị kêu án 11 năm tù với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền sau khi giúp soạn thảo Bản ‘Hiến Chương 08’ kêu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc thực hiện cuộc cải tổ chính trị toàn diện.
Tháng 12 năm 2010, ông Lưu Hiểu Ba được trao tặng giải Nobel Hòa Bình vì thành tích hoạt động và tranh đấu cho nhân quyền cho người dân Trung Quốc. Vì ở tù, ông Lưu Hiểu Ba được trao giải khiếm diện do không thể có mặt để nhận. Vì chuyện này mà Bắc Kinh quyết định ngưng bang giao với Na U và hai bên chỉ mới tái tục quan hệ tháng 12/2016.
Theo tin từ một nguồn thân cận với ông Lưu Hiểu Ba thì người vợ của ông Lưu Hiểu Ba bị sa sút tinh thần vì bị quản thúc tại gia từ ngày ông bị bắt. Tuy nhiên bà vợ được phép đi thăm nuôi chồng mỗi tháng một lần.
Hãng tin Reuters cho biết Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, kể cả Bộ Công An và Bộ Tư Pháp, đã không trả lời hay bình luận điều gì theo yêu cầu của Reuters.
***********************
Trung Quốc đưa Lưu Hiểu Ba vào viện 'vì bị ung thư' (BBC, 26/06/2017)
Ông Lưu Hiểu Ba, người Trung Quốc từng đoạt giải Nobel Hòa bình, đã được đưa đến bệnh viện với lý do nhân đạo sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.
Ông Lưu Hiểu Ba là một nhà thơ và là nhà vận động nhân quyền
Ông Lưu là một nhà vận động nhân quyền, đấu tranh đòi dân chủ và bị bỏ tù hồi 2009 với tội danh kích động lật đổ chính quyền.
Luật sư của ông nói ông đang được điều trị trong bệnh viện ở tỉnh Liêu Ninh ở miền bắc Trung Quốc, sau khi được chẩn đoán bệnh cách đây khoảng một tháng.
Vợ ông, bà Lưu Hà, đã bị quản chế tại gia kể từ khi chồng bà được giải hồi 2010, nhưng chưa bao giờ bị cáo buộc tội gì.
Ông Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, là lãnh đạo chủ chốt của phong trào biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn hồi 1989.
Sau vụ đàn áp Thiên An Môn, ông Lưu đã được đề nghị cho tỵ nạn tại Tòa đại sứ Australia, nhưng ông quyết định ở lại Trung Quốc để đấu tranh cho dân chủ.
Giới chức Trung Quốc chưa bao giờ giải thích lý do khiến họ hạn chế việc đi lại của vợ ông.
Người anh em trai của ông Lưu xác nhận rằng ông đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào hôm 23/5, luât sư của ông là Mạc Thiếu Bình nói với tờ South China Morning Post.
Trong lễ trao giải Nobel tại Oslo hôm 10/12/2010, ông Lưu Hiểu Ba được đại diện bằng một chiếc ghế trống - ODD ANDERSEN/AFP/GETTY IMAGES
Ủy ban Nobel nói ông Lưu Hiểu Ba là "biểu tượng xuất sắc nhất" về sự đấu tranh cho nhân quyền tại Trung Quốc.
Ông chưa bao giờ tới nhận giải và đã được đại diện bằng một chiếc ghế trống.
Chính quyền Trung Quốc coi ông là tội phạm và đã rất tức giận về việc trao giải.
Quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh với Na Uy sau đó đã bị đóng băng và mới chỉ được bình thường hóa trở lại hồi tháng Mười Hai vừa qua.
Ông còn ba năm nữa mới hết mức án 11 năm tù về tội "xúi giục lật đổ" sau khi soạn thảo Hiến chương 08 với nội dung kêu gọi nền dân chủ đa đảng và tôn trọng nhân quyền tại Trung Quốc.
Tại Hong Kong, các thành viên Liên minh Ủng hộ Các phong trào Dân chủ Yêu nước Trung Quốc hôm 10/12/2010 đã tổ chức tuần hành trước khi gửi một gói quà Giáng sinh cho ông Lưu Hiểu Ba khi ông được trao giải Nobel Hòa bình khi đang ngồi tù tại Trung Quốc
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói lẽ ra ông không bao giờ phải ngồi tù.
Tổ chức này thúc giục Trung Quốc hãy đảm bảo để ông được "chữa trị y tế thích hợp, được tiếp xúc với gia đình, và để ông cùng tất cả những người khác đang bị giam cầm được hưởng quyền con người ngay lập tức, vô điều kiện".