Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/12/2023

Điểm báo Pháp - Hamas muốn bành trướng tại Trung Đông

RFI tiếng Việt

Coi thường sinh mạng người Palestine, Hamas muốn bành trướng tại Trung Đông

Theo Libération ngày 27/12/2023, phấn chấn trước tiếng vang từ vụ khủng bố Israel được giữ bí mật tuyệt đối, Hamas tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra ngoài biên giới để trở thành nhân tố chính trị hàng đầu trong khu vực. Nhưng phong trào này chưa hề quan tâm đến mạng sống người dân Palestine. Họ để mặc dân chúng chịu đựng bom đạn lâu dài, miễn là ban lãnh đạo còn nguyên.

hamas1

Một phụ nữ phất cờ Palestine bên cạnh áp-phích in hình Abu Obeida, phát ngôn viên lữ đoàn Qassam, nhánh quân sự của Hamas, trong một cuộc mít-tinh ủng hộ Gaza tại trại tị nạn Bourj al-Barajneh ở Beirut, Lebanon ngày 17/12/2023. AP - Bilal Hussein

Cuộc chiến không hồi kết của thủ tướng Netanyahou

Le Monde chạy tựa "Israel-Hamas : Một cuộc chiến luôn đẫm máu". Sau chiến dịch trên không và trên bộ, giai đoạn thứ ba nhằm đánh vào vùng đệm. Trong bài xã luận "Tại Gaza, cuộc chiến tranh không hồi kết của Benjamin Netanyahou", Le Monde cho rằng sự thờ ơ của thế giới khiến thủ tướng Israel có thể tiến hành một cuộc chiến thường trực và tránh được câu hỏi về số phận của vùng đất Palestine sau cuộc xung đột.

Sau vụ thảm sát, ông Netanyahou đã ấn định hai mục tiêu : diệt trừ phong trào Hồi giáo Hamas và giải cứu các con tin. Nhưng sau hai tháng oanh tạc dữ dội, giới quân sự vẫn không thể tuyên bố đã trừ khử được Hamas, còn số phận các con tin vẫn rất đáng lo. Cuộc chiến kéo dài có thể cứu vãn chiếc ghế thủ tướng của ông.

Hamas coi mạng dân như cỏ rác

Libération nói về "Trò chơi khu vực đầy u ám của Hamas". Nếu mục đích chiến tranh của các nhà lãnh đạo Israel tỏ ra là ảo tưởng, thì tiếc thay Hamas lại sắp đạt được mục tiêu. Đó là thúc đẩy Israel oanh kích Gaza ác liệt nhằm gây xúc động cho thế giới, dẫn dắt quân đội Israel vào bên trong Dải Gaza để rồi sa lầy, mở rộng ảnh hưởng ra ngoài biên giới để trở thành nhân tố chính trị hàng đầu trong khu vực. Và tuy phải hy sinh trên 20.000 thường dân Palestine nhưng Hamas sẵn sàng, vì "cứu cánh biện minh cho phương tiện".

Chuyên gia Hugh Lovatt nhận định, phấn chấn trước tiếng vang đã tạo được, Hamas tìm cách bước vào một giai đoạn mới. Nhưng phong trào này chưa hề quan tâm đến số phận người dân Palestine. Hamas đổ lỗi cho Israel đã phong tỏa Gaza, trong khi chính quyền Hồi giáo với bộ máy trên 40.000 nhân viên bị tố cáo là quản lý tồi và tham nhũng. Và giờ đây các thủ lãnh Hamas tiếp tục coi thường mạng sống thường dân. Tin rằng đang ở thế mạnh, họ để mặc dân chúng chịu đựng bom đạn lâu dài miễn là ban lãnh đạo còn nguyên.

Libération đưa tít lớn "Hamas bành trướng" và đăng bài phóng sự cho thấy các thanh niên Palestine ở West Bank (Cisjordanie) và trong một trại tị nạn ở Beirut coi Hamas là tổ chức đã thành công trong việc lăng nhục Israel. Liệu phong trào Hồi giáo này sẽ cạnh tranh với Hezbollah ở Lebanon ? Nếu Hamas đạt được việc phóng thích một số thủ lãnh quan trọng như Marwan Barghuti của Fatah, sẽ ghi điểm không chỉ trên lãnh thổ Palestine mà cả ở các trại tị nạn Lebanon.

"Phi cực đoan hóa" xã hội Palestine ?

Về phía Israel, Les Echos cho biết "Benjamin Netanyahou tiết lộ kế hoạch về Gaza" thời hậu chiến : "phi quân sự hóa" Dải Gaza và "phi cực đoan hóa" 2,3 triệu cư dân, một khi tiêu diệt được Hamas. Ông muốn áp đặt một "vùng an ninh tạm thời" xung quanh Dải Gaza để nơi đây không thể được sử dụng làm căn cứ để tấn công Israel lần nữa. Tuy nhiên Netanyahou không nói cụ thể chiều rộng của "no man's land" này.

Thủ tướng Israel cũng muốn thiết lập "một cơ chế thanh sát biên giới" giữa Dải Gaza và Ai Cập để chống buôn lậu vũ khí. Benjamin Netanyahou dẫn ra câu chuyện của người Đức và người Nhật sau Đệ nhị Thế chiến và các nhà lãnh đạo Ả rập vùng Vịnh sau vụ khủng bố ngày 11/09/2021 đã "nỗ lực phi cực đoan hóa xã hội". Nhưng theo Les Echos, khó thể biết được kịch bản này liệu có thành công ở Gaza hay không.

Vụ tấn công Israel được giữ bí mật tối đa

Quay lại với vụ thảm sát ngày 07/10, Le Figaro giải thích "Làm thế nào Hamas tổ chức được cuộc tấn công Israel một cách vô cùng bí mật". Đặc phái viên tờ báo đã gặp gỡ một số nhân vật cao cấp và người thân của phong trào Hồi giáo ở Beirut, Amman và Doha để tìm hiểu.

Theo tiết lộ của những người am hiểu, từ năm 2021 Yahya Sinwar, thủ lãnh Hamas ở Gaza đã nói về việc gởi 5.000 tay súng sang bao vây Askhelon, thành phố ở cách Dải Gaza 30 kilomet mà Sinwar đã phải ra đi khi Nhà nước Do Thái được thành lập. Việc xâm nhập Israel được cho là nhánh chính trị - mà một số đang ở nước ngoài - phê duyệt ba tháng trước đó. Điều chắc chắn là ngày giờ tấn công chỉ có ba hoặc bốn người được biết.

Một chuyên gia ở Jordan nhận xét Hamas có bốn động cơ : hành động của chính quyền cực đoan Israel, Gaza bị bóp nghẹt vì phong tỏa và Hamas bực tức vì Qatar chỉ cho tiền đủ để người Palestine không chết đói, cảm thấy thế giới đã quên đi cuộc đấu tranh Palestine, và muốn thả tù nhân Palestine. Cần biết rằng phân nửa cố vấn chính trị của Hamas là cựu tù nhân, và phe này thề rằng sẽ giúp 6.000 người tù Hồi giáo được phóng thích.

Xâm nhập từ trên không, Hamas làm lộ một phương án của Iran 

Theo điều tra của Le Figaro, Yahya Sinwar và Mohammed Deif, hai thủ lãnh quân sự và chính trị, đã khôn khéo che giấu việc chuẩn bị. Những tháng trước đó, Hamas thay thế đa số chỉ huy nhưng thực ra chỉ là động tác đánh lừa, những người này vẫn điều hành trong bóng tối. Và kẻ thực sự chỉ đạo chính là Mohammed Sinwar, người em trai của Yahya. Một tháng rưỡi trước vụ tấn công, Hamas buộc các chỉ huy quân sự quan trọng hạn chế tiếp xúc, cô lập nhánh chính trị ở ngoại quốc, không trả lời các cuộc gọi.

Một nguồn tin Lebanon nói rằng tuy Hezbollah và Tehran bị tố cáo tham gia kế hoạch này, nhưng họ lại bất bình đối với Hamas vì lá bài định sử dụng trong các chiến dịch tương lai đánh vào Israel đã bị phe Hồi giáo Palestine làm lộ tẩy. Việc xâm nhập bằng đường không là một yếu tố bất ngờ, nhưng nay kế hoạch của lực lượng tinh nhuệ Al-Radwan thuộc Hezbollah để tiến vào Galilee không còn sử dụng được.

Cũng theo các nguồn tin, các nhà lãnh đạo Ả rập không ưa Yahya Sinwar, một người ngạo mạn và đa nghi, chỉ coi các nhà tài trợ là "những tập chi phiếu". Có lần do bị Israel phong tỏa, đại sứ Qatar mang đến 13 triệu đô la thay vì 30 triệu như dự kiến hàng tháng, Sinwar đã lạnh lùng bảo ông này hãy cầm tiền quay về, khi nào có đủ hãy mang đến !

Trí thông minh nhân tạo làm đảo lộn binh pháp

Theo Le Figaro, tại Gaza cũng như Ukraine, trí thông minh nhân tạo (AI) được sử dụng trên chiến trường để nhắm mục tiêu chính xác hơn, giúp người chỉ huy nhanh chóng ra quyết định. Ở Gaza, quân đội Israel dùng hệ thống AI do đơn vị tinh nhuệ 8200 chế tạo để gia tăng khả năng oanh tạc vào các vị trí Hamas. Tại Ukraine, có sự tham gia của các nhân tố trong khu vực tư nhân như Palantir, Clearview AI, Helsing, Primer, Scale AI… Đối với họ, Ukraine là thiên đàng để có được tối đa dữ liệu cần thiết cho AI tăng cường năng lực ; còn Kiev muốn dựa vào công nghệ để bù đắp lại sự chênh lệch lực lượng với Nga.

Nga : Trước bầu cử, nhà đối lập Alexei Navalny bị chuyển sang trại tù ở Bắc Cực

Tại Nga, La Croix quan tâm đến số phận của "Alexei Navalny, trong địa ngục nhà tù IK-3". Sau 20 ngày chuyển trại, nhà đối lập Nga nổi tiếng nhất đã được tìm thấy tại một trại giam ở tận Bắc Cực. Thay vì đưa thẳng đến, chính quyền đã buộc ông phải vòng sang Cheliabinsk ở Siberia rồi quay lại Kirov ở Kazan trước khi đến nhà tù mới ở làng Kharp. Trại IK-3 nổi tiếng khắc nghiệt, là nơi giam giữ các tội phạm sừng sỏ, chủ yếu là mafia trong thời xô-viết. Mục tiêu là tách biệt Alexei Navalny với thế giới, các luật sư không thể gặp gỡ ông hàng tuần. Từ Moskva, phải ngồi xe lửa suốt 44 tiếng đồng hồ mới đến được nơi khỉ ho cò gáy này.

Còn ba tháng nữa đến kỳ bầu cử sẽ giúp Vladimir Putin trị vì nhiệm kỳ thứ năm, Kremlin muốn dập tắt tiếng nói đối lập hiếm hoi không chịu đi lưu vong. Tại IK-3, những ngọn đồi phủ tuyết trong suốt nửa năm, vào mùa đông chỉ có ánh sáng ba giờ trong ngày và nhiệt độ xuống đến –40°C. Mùa hè, từng bầy muỗi mòng tấn công mặt, cổ, tay người tù nhưng vào lúc tập hợp hai lần trong ngày họ không có quyền nhúc nhích - một hình thức tra tấn.

Le Monde cho biết thêm, Kremlin đã loại các ứng cử viên đối lập khác trước cuộc bầu cử tổng thống bằng nhiều cách. Chẳng hạn Ekaterina Duntsova, nhà báo nữ 40 tuổi phản đối "chiến dịch quân sự đặc biệt" và kêu gọi thả tù nhân chính trị, đã bị từ chối cho đăng ký tranh cử vì có "sai sót" trong hồ sơ. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử nói rằng cô "còn trẻ, còn đầy tương lai trước mặt" - câu nói y hệt như lúc bác hồ sơ ứng cử của Alexei Navalny trước đây.

Đài Loan : Xã hội dân sự tiếp tay chống tin giả của Trung Quốc

Liên quan đến Châu Á, Le Monde cho biết "xã hội dân sự Đài Loan vào cuộc để chống lại chiến tranh thông tin của Trung Quốc". Trước cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Đài Loan ngày 13/01/2024, Bắc Kinh và các mạng xã hội Hoa lục liên tục đưa ra các tin giả nhắm vào đảo quốc.

Chẳng hạn : Hoa Kỳ đã yêu cầu tổng thống Thái Anh Văn chuẩn bị vũ khí sinh hóa học, Joe Biden có kế hoạch bí mật phá hủy hòn đảo để không lọt vào tay cộng sản Trung Quốc, Đài Bắc sắp gởi 4.000 hỏa tiễn cho Israel để tấn công Hamas… Còn phó tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai), kẻ thù của Bắc Kinh đang dẫn đầu cuộc đua, thì TikTok nói rằng ông có đến ba cô bồ. Không một ngày nào mà không có những tin đồn bất lợi cho đảng Dân Tiến (DPP), được báo chí và mạng xã hội Hoa lục lan truyền rộng rãi.

Đối với 76% người được thăm dò, những "fake news" này có thể tác động đến chính trị Đài Bắc. Nhưng David Đài Loan cũng có phương tiện để đối phó với Goliath Trung Quốc. Theo với thời gian, chính quyền và xã hội dân sự đã tạo dựng được một hệ sinh thái để tự vệ trước nạn bóp méo thông tin. Shihao Yu, người sáng lập trung tâm nghiên cứu IORG, một trong những bộ óc của "cộng đồng tin tặc công dân" Đài Loan cho biết việc Bắc Kinh đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông khiến Trung Quốc trở thành tâm điểm của các hacker Châu Á. Năm 2019 các tin tặc Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản đã lần đầu tiên đã họp lại tại Nhật.

Hai khuôn mặt tượng trưng cho đấu tranh dân chủ trong ngành công nghệ là Audrey Tang, một hacker mũ trắng đã trở thành bộ trưởng kỹ thuật số năm 2022, và Puma Shen, người sáng lập Doublethink Lab. Ông Shen nói : "Trước khi tấn công, Trung Quốc muốn tẩy não chúng tôi, và người Đài Loan cần học cách tự vệ, biết được những biện pháp mà Bắc Kinh sử dụng". Chẳng hạn trên mạng TikTok đang thu hút 1/4 dân số Đài Loan, cả 50 hashtag liên quan đến DPP đều tiêu cực. Hiện nay Doublethink Lab đứng đầu một mạng lưới gồm 13 tổ chức tại 11 quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương nghiên cứu các sáng kiến của xã hội dân sự chống lại sự can thiệp từ Hoa lục.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 210 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)