Chiến tranh Ukraine : Phương Tây trước chiếc bẫy đàm phán của Putin
Le Monde ngày 03/01/2024 phân tích "Putin và chiếc bẫy đàm phán". Cuộc chiến đẫm máu kéo dài khiến không ít người ở phương Tây muốn thúc đẩy thương thảo. Nhưng những cuộc thương lượng với Putin xưa nay chưa bao giờ đạt kết quả, như Georgia (Gruzia) năm 2008 hay Donbass 2014. Kremlin chỉ lợi dụng để củng cố lực lượng trong lúc Ukraine không được viện trợ. Chính phương Tây phải tính toán xem cái giá nào cao hơn : chiến thắng hay thất bại của Ukraine.
Một tòa nhà ở Kiev bị hỏa tiễn Nga phá hủy, ngày 03/01/2024. AP - Efrem Lukatsky
Trận mưa hỏa tiễn và drone của Nga nhắm vào Ukraine ngay đầu năm mới
Le Monde và Les Echos cùng nói về chiến dịch tấn công mới trong mùa đông của Moskva. Năm mới đến với Ukraine không phải với pháo bông mà là một trận mưa hỏa tiễn và drone được Moskva gởi đến nhiều thành phố, trong đó có thủ đô Kiev, với 300 hỏa tiễn và trên 200 drone Shahed trong vòng chưa đầy năm ngày. Quân Nga đã thích ứng về chiến thuật. Giờ đây trước mỗi đợt bắn hỏa tiễn là một trận mưa drone, để khiến cho phòng không bị bão hòa và làm dự trữ đạn của Ukraine bị cạn kiệt.
Sau khi bắn sang 120 tên lửa hôm 29/12/2023, đợt oanh kích dữ dội nhất từ 22 tháng qua, quân Nga tiếp tục tấn công trong dịp năm mới. Đêm thứ Hai 01/01 rạng sáng 02/01, 99 hỏa tiễn và 35 drone lao xuống thành phố Kiev và Kharkiv, khoảng 20 tiêm kích MiG-31 và oanh tạc cơ Tupolev Tu-95, Tu-22 đã được sử dụng. Tổng thống Volodymyr Zelensky phẫn nộ tố cáo "quân Nga phi nhân" lại giết người.
Mùa đông năm ngoái Kremlin cũng cho tấn công ồ ạt vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine trong nhiều tuần lễ để gây khốn đốn cho người dân và mất đoàn kết trong xã hội. Nhưng lần này nhờ hệ thống phòng không Patriot của Mỹ, NASAMS của Na Uy, l’IRIS-T của Đức và SAMP/T của Pháp-Ý, Kiev đã trụ được ; 72/99 hỏa tiễn Nga bị bắn hạ, cả 10 hỏa tiễn siêu thanh Kinjal đều bị phá hủy trong lúc đang bay. Tuy vậy khả năng bắn chận còn tùy thuộc vào số hệ thống được trang bị.
Điều đáng lo là Nga đã chuẩn bị rất kỹ, phối hợp nhiều loại vũ khí khác nhau : hỏa tiễn đạn đạo Kinjal từ trên không, hỏa tiễn hành trình Kalibr từ chiến hạm, Iskander từ đất liền, kể cả hỏa tiễn X-31P chuyên hủy diệt radar phòng không, tất cả theo những quỹ đạo khó đoán. Kiev kêu gọi viện trợ thêm phương tiện đối phó, tổng thống Volodymyr Zelensky nói : "Mỗi ngày, mỗi đêm, hàng trăm mạng sống lẽ ra đã bị tước đoạt nếu chúng tôi không có được Patriot và các hệ thống phòng không khác".
Hắc Hải không còn an toàn cho chiến hạm Nga
Ngược lại trên biển, ông Volodymyr Zelensky có thể chắc chắn một điều là Crimea và Hắc Hải "sẽ thành trọng tâm của cuộc chiến", trong bài trả lời The Economist được Le Monde trích dẫn. Cô lập bán đảo bị Nga chiếm đóng năm 2014, làm giảm sút năng lực quân sự của Hạm đội Nga nằm trong số các mục tiêu của Kiev trong năm 2024. Từ đầu cuộc xâm lăng, Ukraine đã nhiều lần ghi điểm qua việc phá hủy khoảng hai chục tàu chiến của Hạm đội Hắc Hải, trong đó có một tàu ngầm, các tàu đổ bộ và nhất là đánh chìm soái hạm Moskva. Nhiều cơ sở ở ba thành phố cảng Sevastopol, Novorossiysk, Feodosia đã bị hư hại.
Chuyên gia Russlan Pukhov của một cơ quan tư vấn thân Kremlin nói với Bloomberg : "Không một cảng nào ở Crimea là an toàn cho các chiến hạm Nga". Ông khẳng định Ukraine đã "trục xuất hạm đội" ra khỏi bán đảo. Vụ tấn công mới nhất của Ukraine đêm 26/12/2023 đã tiêu hủy một tàu đổ bộ lớn của Nga, chiếc Novocherkassk tại cảng Feodosia. Đến 74/77 thủy thủ trên tàu bị tử thương, có thể do một hay nhiều phi cơ tiêm kích Sukhoi của Ukraine dùng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow hoặc Scalp. Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy vụ nổ vô cùng mãnh liệt. Đó là do chiếc tàu bị đánh trong lúc đang đậu tại bến để dỡ xuống những drone Shahed và hỏa tiễn được vận chuyển đến.
Báo chí Mỹ thúc giục Kiev thương lượng
Trên bình diện ngoại giao, Le Monde phân tích "Putin và chiếc bẫy đàm phán". Cuộc xâm lăng của Nga bước vào năm thứ ba, là một cuộc chiến tranh tổng lực, khó khăn, tốn kém, đẫm máu cho cả hai bên và còn kéo dài. Tại Hoa Kỳ, sự nhiệt thành ủng hộ Ukraine giảm đi cùng lúc với làn sóng thân Trump, có những tiếng nói đòi ngưng bắn, nhất là Cộng hòa đang chận lại số viện trợ 60 tỉ đô la cho Kiev. Lý do rất đơn giản : Ukraine không thể thắng được về quân sự trước đối thủ đông gấp ba, tướng Valeri Zaluzhniy cũng đã nhìn nhận cuộc phản công không đạt mục đích. Vậy thì đổ nhiều tỉ đô la vào một cuộc chiến tiêu hao để làm gì ?
Trước Noël, một bài báo của New York Times cho biết Vladimir Putin đã bí mật thông qua các trung gian để tỏ ý sẵn sàng thương lượng ngưng bắn, với điều kiện ông ta có thể trình bày việc mở đàm phán như một chiến thắng đối với người Nga. Như vậy Putin có thể tự hài lòng với khoảng 20% lãnh thổ đã chiếm được của Ukraine. Nhiều bài viết khác trong những tuần qua đăng trên báo chí Mỹ hay các trang nghiên cứu địa chính trị cũng theo hướng này.
Một số lưu ý là trong chuyến thăm của tổng thống Volodymyr Zelensky hồi tháng 12, ông Joe Biden không còn nói sẽ hỗ trợ Ukraine lâu dài "cho đến khi nào còn cần thiết" mà "cho đến khi nào còn có thể". Tạp chí Politico cho rằng chiến lược của chính quyền Biden không còn là giúp Ukraine giành chiến thắng toàn diện, mà nhằm có ưu thế trong đàm phán. Nhà bình luận Serge Schmemann của New York Times cổ vũ Kiev không hình dung chiến thắng "chỉ về mặt lãnh thổ".
Thắng và bại, cái giá nào lớn hơn ?
Nhưng theo giáo sư Sam Greene của King’s College ở Luân Đôn, "Việc Putin ngỏ ý thương lượng không có nghĩa là ông ta muốn hòa bình", mà muốn "một cuộc chiến tranh có thể điều khiển". Một cuộc chiến không tạo ra phản ứng khó lường nơi dân Nga, gây nguy hiểm cho quyền lực Putin. Đây chính là cái bẫy mà những người chủ trương đàm phán không muốn nhìn ra.
Từ khi lên cai trị cách đây một phần tư thế kỷ, Vladimir Putin đã chứng tỏ tài năng mở ra những cuộc thương lượng không bao giờ đạt kết quả. Chẳng hạn như ở Genève sau cuộc xâm lăng Georgia năm 2008, hay "công thức Normandy" về Donbass năm 2014. Trong những năm dài thương thảo, cả Pháp lẫn Đức đều không viện trợ quân sự cho Ukraine, giúp Kremlin lợi được rất nhiều thời gian, vừa tiếp tục các hoạt động quân sự ở Ukraine vừa chuẩn bị cho cuộc xâm lược đại quy mô.
Người Châu Âu coi đàm phán là nghiêm túc, huy động những nhà ngoại giao giỏi nhất, tuân thủ các thể thức, nghĩ rằng thương thảo là để tiến đến hòa bình. Nhưng chiến tranh đa diện không biết đến hòa bình, và Vladimir Putin không hề biết thiện chí là gì. Đối với Putin, lợi ích là khi đang đàm phán phương Tây ngưng cung cấp vũ khí cho Ukraine và không áp dụng kinh tế thời chiến như ông ta.
Ruth Deyermond, một nhà nghiên cứu khác của King’s College tin rằng Nga không thể chiến thắng vì mục tiêu ban đầu là ảo tưởng, "thay vì phi quốc xã hóa Ukraine, Putin lại phát-xít hóa nước Nga". Ngược lại, Ukraine có thể thất bại, vì Putin không ngừng gây bất ổn. Phương Tây cũng vậy, vì đã bị Kremlin coi là kẻ thù. Như vậy chính phương Tây phải tự quyết định kháng cự hoặc đầu hàng. Và tính toán thử cái giá nào cao hơn : chiến thắng hay thất bại của Ukraine.
Lời cảnh cáo cho các thủ lãnh Hamas : Không chốn dung thân !
Liên quan đến cuộc chiến giữa Israel và Hamas, Le Figaro có bài xã luận mang tựa đề "Israel, trả thù và răn đe". Tổng thống Mỹ George W. Bush từng cho truy lùng đầu sỏ các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín, bất kể sống hay chết, với công thức ngắn gọn "Wanted dead or alive". Sau cú sốc ngày 07/10, kẻ thù bất cộng đới thiên của Israel mang tên Yahya Sinwar, kẻ chủ mưu và Mohammed Deïf, thủ lãnh nhánh quân sự của Hamas. Lần này kẻ địch không trốn trong các hang động ở Tora Bora hay khu vực bộ lạc của Pakistan, nhưng chỉ cách tòa tháp hiện đại của Bộ Quốc phòng Israel 70 kilomet, trong các địa đạo Gaza.
Benjamin Netanyahou thề sẽ tiêu diệt Hamas, phi quân sự hóa, phi cực đoan hóa Gaza nhưng sau ba tháng vẫn chưa đạt mục đích, trong khi rốc-kết của Hamas vẫn tiếp tục quấy phá Israel. Khi tiêu diệt được nhân vật số hai là Saleh al-Arouri tại Beyrouth hôm thứ Ba, Nhà nước Do Thái đã tiến hành vụ ám sát có chủ đích gây chấn động nhất, kể từ sau vụ Cheikh Yasin và Abdelaziz al-Rantissi, người sáng lập phong trào Hồi giáo và người kế nhiệm ở Dải Gaza vào đầu cuộc chiến Intifada thứ hai. Đây là lời cảnh cáo nghiêm khắc : ban lãnh đạo Hamas ở ngoại quốc không còn nơi nào an toàn để trú ẩn, trước cánh tay báo thù nối dài của Israel.
Mossad nối lại các vụ ám sát
Le Figaro nhận thấy "Với việc tiêu diệt Saleh al-Arouri, Mossad tái lập các vụ ám sát". Những năm sau vụ sát hại 11 vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich năm 1972, Mossad lao vào cuộc tìm kiếm những tác giả trực tiếp và gián tiếp. Từng người một, hơn một chục kẻ thủ ác đã bị trừ khử tại Châu Âu và các nước Ả rập trong chiến dịch "Sự phẫn nộ của Thượng Đế", kéo dài hơn 20 năm.
Danh sách đen còn kéo dài thêm : Atef Bseiso, phụ trách tình báo của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã bị ám sát khi ra khỏi một khách sạn Paris năm 1992 sau khi được tình báo Pháp chính thức tiếpgay, gây giận dữ cho Pháp. Chiến dịch này còn là dịp để đặc nhiệm trẻ Ehoud Barak - sau này trở thành thủ tướng - cùng với đơn vị tiêu diệt ba viên chức Palestine ở Beyrut năm 1973. Sau khi Hamas ra đời năm 1987, đến lượt các thủ lãnh phe này bị nhắm đến vì đã khủng bố những chiếc xe buýt làm nhiều thường dân Israel thiệt mạng.
Sống ở nước ngoài cũng không thoát : hôm 20/01/2010 Mahmoud Abdel Raouf al-Mabhouh, được cho là có vai trò hàng đầu trong việc đưa vũ khí vào Gaza, bị điện giựt chết trong khách sạn ở Dubai. Các sát thủ của Mossad thường mang hộ chiếu Châu Âu. Bản thân Saleh al-Arouri, 57 tuổi, cũng không ảo tưởng về số năm còn sống tiếp, hồi tháng ông ta đã nói với Reuters là mình đã "sống được quá lâu". Không chỉ có Hamas, hôm thứ Hai một lãnh đạo cao cấp của Vệ binh Cách mạng Iran, Razi Moussavi đã bị "thanh lý" bằng một hỏa tiễn ở gần Damascus.
Nhân vật số hai bị Israel tiêu diệt : Bước ngoặt trong lịch sử Hamas
Le Monde cho rằng Israel đã ra một cú đòn rất lớn. Saleh al-Arouri là một trong những người có thể kế nhiệm Ismaïl Haniyeh, thủ lãnh nhánh chính trị Hamas ; trong khi cho đến nay Israel chỉ mới khử được một số chỉ huy cấp trung ở Gaza. Đây là bước ngoặt trong lịch sử Hamas.Theo nhà nghiên cứu Leila Seurat, Al-Arouri có uy tín cả ở West Bank (Cisjordanie) lẫn Lebanon, Yemen, Syria và Iraq ; là cầu nối giúp hòa giải giữa đảng Fatah của Mahmoud Abbas và các đơn vị Palestine khác. Israel cáo buộc Saleh al-Arouri vũ trang và điều khiển từ xa các nhóm ở Jenin, Naplouse và trong các trại tị nạn. Arouri là một nhân vật cực đoan đối với Israel, nhưng lại giúp đoàn kết các phe phái Palestine.
Theo Le Figaro, tuy việc trừng phạt các thủ phạm vụ thảm sát man rợ ngày 07/10 là chính đáng, nhưng sẽ là ảo tưởng nếu tin rằng diệt được một phong trào và ý tưởng đã bắt rễ sâu sắc trên lãnh thổ Palestine. Chiến dịch đánh vào thành trì của Hezbollah cũng ẩn chứa nguy cơ xung đột lan rộng trong khu vực.
Tổ chức thánh chiến Hồi giáo và đòn bất ngờ cho Iran
Vụ ám sát Saleh al-Arouri ngay tại thành trì của Hezbollah ở Beyrut đặt phe Hồi giáo Shia vào chân tường, khi lâu nay vẫn thận trọng tránh gây ra một cuộc chiến tổng lực chống lại Nhà nước Do Thái. Cái chết của nhân vật số hai Hamas xảy ra vào thời điểm mang tính biểu tượng là ngày giỗ của thủ lãnh Vệ binh Cách mạng Iran, Qasem Soleimani, bị drone Mỹ tiêu diệt ở Baghdad hôm 03/01/2020.
Bên cạnh đó, tại một Trung Đông đang sôi sục, vụ nổ hôm qua tại Kerman giết chết 84 người đến viếng mộ Soleimani - một nhân vật được nhiều người Iran tôn sùng - theo Libération đã đánh vào trung tâm của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Giáo chủ Khamenei và tổng thống Raissi hứa hẹn trừng phạt, nhưng thủ phạm là ai ? Các tổ chức đối lập không có khả năng, Israel không có lợi lộc gì trong vụ này và cũng không tấn công mù quáng vào đám đông. Libération cho rằng rất có thể là tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tin giờ chót cho biết phán đoán này là chính xác : tổ chức thánh chiến đã nhận trách nhiệm.
Thụy My