Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

06/01/2024

Điểm tuần báo Pháp - Cơn ác mộng Châu Âu

RFI tiếng Việt

Cơn ác mộng Châu Âu : Ukraine sụp đổ và Trump đắc cử

Le Point mô tả tại miền đông Ukraine, trước quân Nga đông hơn gấp nhiều lần, lực lượng Ukraine thiếu cả người lẫn vũ khí, đạn dược và hình dung ra kịch bản "Nếu Ukraine sụp đổ". Trả lời The Economist, tổng thống Zelensky cho biết Crimea và Hắc Hải sẽ trở thành trung tâm cuộc chiến năm 2024. Về nguy cơ ông Trump quay lại Nhà Trắng, các tuần báo cho rằng đảng Dân Chủ cần giúp Biden tranh cử, Châu Âu phải chuẩn bị tự lực đối phó với Putin.

cauchemar1

Một quân nhân Ukraine thuộc lữ đoàn cơ giới 93 rũ tuyết ra khỏi lưới ngụy trang ở gần tiền tuyến vùng Donetsk, ngày 25/12/2023. Reuters – Thomas Peter

Quá thiếu vũ khí, địch đông gấp ba, làm thế nào chiến đấu ?

Phóng sự của Le Point mô tả "Tại miền đông Ukraine, nỗi lo thất bại". Trước quân Nga đông hơn gấp nhiều lần, lực lượng Ukraine thiếu cả người lẫn vũ khí và đạn dược, tinh thần xuống thấp hơn bao giờ hết. Những căn nhà không người ở được các quân nhân dùng làm hậu cứ, ở cách chiến tuyến khoảng hai chục cây số. Sacha, một viên chỉ huy trẻ bị kẹt lại từ ba ngày qua vì xe hư cho biết tiểu đoàn của anh đã tan rã, và do không có đạn, những người lính cuối cùng chết trong chiến hào trên đồi Bakhmut.

Trên toàn mặt trận miền đông vào đầu mùa đông này, lực lượng Ukraine thấm mệt và thiếu thốn vũ khí. Nhờ đông đảo hơn, quân Nga gặm nhấm dần lãnh thổ, tình hình cũng nguy ngập như những ngày đầu cuộc xâm lăng. Từ mùa thu, đạn dược và xe tăng bắt đầu thiếu, Nga tăng cường tấn công. Các chiến binh sau thời gian chiến đấu không ngơi nghỉ muốn được về thăm nhà nhưng không có người thay.

Xa hơn về phía Kreminna, hai người lính xe tăng cứ mỗi hai ba ngày lại đưa chiếc T-64 thời Liên Xô khỏi nơi ngụy trang chạy ra phía tiền tuyến. Do thiếu đạn 125 ly, họ chỉ được bắn hai hoặc ba quả, vào những mục tiêu được chọn lựa cẩn thận. Những khẩu Himars của Mỹ và Howitzers của Đức được sử dụng để giải phóng Kharkiv nay đã hao mòn cần sửa chữa.

Những vũ khí tân tiến do đồng minh viện trợ được dành để phá hủy các kho đạn, sở chỉ huy địch chứ không đưa ra trực tiếp nơi mặt trận miền đông. Có khi nhận được đạn nhưng lại không có đại bác phù hợp để bắn, còn quân Nga có trữ lượng đạn dồi dào thời xô-viết. Nga lợi dụng ưu thế này để pháo kích không ngơi nghỉ cả ngày lẫn đêm, từ Kupiansk, Kreminna, Bakhmut cho đến Avdiivka và Marinka. Về phía lính Nga tinh thần cũng đã xuống rất thấp trước số tử trận quá cao, theo như những người bị bắt thổ lộ.

Ukraine chỉ là bữa điểm tâm của Putin

Trả lời phỏng vấn báo De Morgen của Bỉ, nhà chính trị học Bulgaria, Ivan Krastev nhấn mạnh "Hoặc chúng ta để cho Ukraine hội nhập vào không gian an ninh Châu Âu, hoặc là thua cuộc". Tuần báo Courrier International trích đăng bài viết. Chuyên gia Krastev cho rằng Putin chỉ coi Ukraine là bữa điểm tâm, và sẽ gởi quân đội của ông ta đi dùng bữa trưa ở một nước khác.

Cuộc xâm lăng Ukraine không chỉ tạo ra hố sâu giữa Nga và phương Tây, mà còn gây chia rẽ ở Đông Âu. Theo ông, trong thế kỷ 21, không phải trục Pháp-Đức mà là trục Đức-Ba Lan sẽ quyết định phương hướng của Liên Hiệp Châu Âu. Trọng tâm của EU chuyển về phía đông, nhất là nếu có sự tham gia của Ukraine, khi đó tất cả các nước Đông Âu hiện đang hưởng lợi từ quỹ chung của Liên Hiệp sẽ trở thành người đóng góp, và như vậy cần bàn luận về vai trò tích cực mà các nước này sẽ giữ.

Kẻ xâm lăng chiến thắng : Cơn ác mộng !

Trên Le Point, chuyên gia Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược hình dung ra kịch bản "Nếu Ukraine sụp đổ". Đây sẽ là cơn ác mộng cho toàn Châu Âu.

Tháng 10/2025. Trong một cơ sở quân sự gần Zaporijia, tổng thống lâm thời Ukraine ký hiệp định đình chiến với tổng tham mưu trưởng quân đội Nga. Quân Nga tiến vào miền đông nam, đông bắc, chiếm Kharkiv và Odessa, chặn mất lối ra biển và cửa ngõ đi vào Châu Âu. Vladimir Putin đắc thắng loan báo "thất bại của phương Tây" và "chiến thắng thứ nhì trước phát-xít".

Một cuộc diễn binh trên Quảng trường Đỏ được chuẩn bị. FSB đang lo xây dựng khoảng 30 công trình dọc theo dòng sông Dniepr, các trại tù và địa điểm tra tấn được dựng lên. Các công ty Trung Quốc phụ trách việc tái thiết đất nước. Ở các biên giới phương Tây, hơn một chục trại tị nạn khổng lồ do Liên Hiệp Châu Âu tài trợ tiếp đón những người chạy loạn, đã lên đến mấy trăm ngàn, hàng ngàn trẻ em Ukraine bị bắt đưa sang Nga.

Khởi đầu cho hàng loạt vụ cá lớn nuốt cá bé

Một Ukraine bị Nga chinh phục sẽ là một Belarus mới, một hố đen ở trung tâm Châu Âu, với vô số hậu quả từ áp lực di dân cho đến đủ loại buôn lậu. Và chắc chắn Kremlin không dừng lại ở đây. Một khi quân đội Nga được củng cố lại, Moskva lần đầu tiên từ 40 năm qua sẽ trở thành mối đe dọa trực tiếp cho Châu Âu, vì với Putin, biên giới nước Nga "không dừng lại ở bất kỳ nơi nào".

Tác động sẽ lan tràn trên toàn hành tinh, Trung Quốc được khuyến khích chiếm Biển Đông và tất nhiên là Đài Loan. Ngoại trưởng Ukraine đã cảnh báo, trong hoàn cảnh đó, nguy cơ "không phải là Đệ tam Thế chiến mà là nhiều Đệ nhất Thế chiến : những cuộc chiến tranh nóng giữa các nước, kẻ mạnh cảm thấy có thể thủ lợi trước các láng giềng nhỏ yếu". Những nước lưng chừng như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi nhìn thấy giả thiết phương Tây suy sụp là đúng, và tìm cách quy phục các ông chủ mới của thế giới.

Thế nhưng theo tác giả, Ukraine vẫn có thể chiến thắng, vừa bằng cuộc chiến tiêu hao vừa bằng sự khôn ngoan. Đó là buộc Nga phải trả cái giá đắt nhất mỗi lần toan đánh chiếm, và làm cho Moskva không còn kiểm soát nổi Crimea. Mỹ cần giúp Kiev tấn công vào sâu lãnh thổ Nga, Đức chuyển giao những hỏa tiễn Taurus cho việc này. Tổng thống Emmanuel Macron có lý khi nói rằng : "Không thể chấp nhận Nga thắng ở Ukraine. Chúng ta phải sát cánh với Ukraine, vì tại đó khả năng sống trong bình an của chúng ta được định đoạt".

Zelensky : Crimea và Hắc Hải là trọng tâm năm 2024

Đặc biệt The Economist có bài phỏng vấn ông Volodymyr Zelensky trong ngày đầu năm mới, được đặt tựa là "Cuộc chiến của ý chí". Tổng thống Ukraine vẫn tự tin, bất chấp dự báo một năm đen tối phía trước. Zelensky tức giận không phải vì kẻ địch thành công – ông không nghĩ như vậy – hay vì quân đội Ukraine không tiến được trên chiến trường, nhưng vì sự dao động của một số đồng minh và sự thờ ơ của một số đồng bào mình. Theo ông, phương Tây đã mất đi cảm giác khẩn cấp và nhiều người Ukraine không thấy mối đe dọa cho sự hiện hữu.

Thực tế quân Nga chết như rạ ở Avdiivka, và theo tình báo Anh nếu tiếp tục nhịp độ hiện nay, đến 2025 có đến nửa triệu lính Nga thương vong. Ông nhấn mạnh, quân đội của Putin không chiếm được thêm một thành phố lớn nào trong năm 2023, trong khi Ukraine thành công trong việc phá vỡ phong tỏa của Nga trên Hắc Hải để xuất khẩu nhiều triệu tấn ngũ cốc và có được một con đường mới chạy dọc theo duyên hải phía nam. Về những lời kêu gọi đàm phán, Volodymyr Zelensky không thấy "bất kỳ tiến bộ nào về phía Nga", ngược lại, Ukraine phải chịu đựng những đợt không kích ác liệt chưa từng thấy.

Ông nói rất ít về ý định của Kiev trong năm 2024 vì những rò rỉ về cuộc phản công mùa hè năm ngoái đã giúp Moskva chuẩn bị phòng thủ. Nhưng theo Zelensky, Crimea và Hắc Hải sẽ trở thành trung tâm cuộc chiến. Việc cô lập bán đảo sẽ làm suy giảm năng lực quân sự của Nga và các cuộc tấn công xuất phát từ khu vực này. Có đến 1/5 Hạm đội Hắc Hải đã bị tiêu diệt chỉ trong vòng bốn tháng qua. Thành công còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự của các đối tác phương Tây. Nếu nhận được Taurus, hỏa tiễn hành trình tầm xa, Ukraine có thể phá hủy cầu Kerch trị giá 4 tỉ đô la và tách biệt Crimea khỏi Nga.

Biden, cỗ máy ra đời năm 42 vẫn chạy đều năm 24 ?

Về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng không chỉ đến số phận của Ukraine mà cả tình hình thế giới, The Economist ghép hình ông Joe Biden bên cạnh một chiếc xe hơi cổ lỗ sĩ, chơi chữ "Made in 42, vẫn hoạt động vào năm 24 ?" (đương kim tổng thống sinh năm 1942 và vẫn hy vọng tái đắc cử trong năm 2024). Tuần báo nhận định "Người được cho là sẽ chận đứng Donald Trump là một ông cụ 81 tuổi không được lòng dân".

Nhiều người nghĩ rằng ông Biden chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ. Nhưng Biden thực sự tin rằng nước Mỹ cần đến mình vì ông chứng tỏ đã thắng được Trump. Cũng như nhiều người Cộng hòa tuy không ưa Donald Trump nhưng không lật đổ được hay không dám chỉ trích ông Trump, phe Dân chủ cũng hèn nhát và đồng lõa – theo tuần báo Anh. Trong khi tỉ lệ tín nhiệm của Biden giảm dần, 91 cáo buộc nhắm vào Trump cho đến nay chỉ làm cho cựu tổng thống mạnh hơn.

Tốt nhất, Joe Biden nên rút lui ? Còn đến 10 tháng nữa mới đến bầu cử và Dân chủ không thiếu người tài. Thế nhưng tìm người thay Biden lúc này sẽ là bất cẩn. Đảng Dân chủ sẽ phải cấp tốc tổ chức bầu cử sơ bộ vì thời hạn nộp đơn ứng cử tại nhiều tiểu bang đã trôi qua, và phải tổ chức một loạt tranh luận giữa các ứng cử viên. Cần nhớ rằng hồi năm 2020, có đến 29 người ra tranh cử. Người được cho là có nhiều khả năng thắng nhất như Bernie Sanders thì đã quá già, phó tổng thống Kamala Harris "trẻ" hơn dù sắp 60, thì năng lực lại hạn chế. Cơ hội để bà Harris đánh bại được Trump còn thấp hơn cả Biden.

Như vậy đảng Dân chủ cần tập trung cho Joe Biden. Kinh tế Mỹ đầy hứa hẹn, tiền lương tăng, việc làm không thiếu, nên cần có chiến dịch tranh cử năng động. Nhưng Biden không phát biểu hùng hồn như Trump, trong khi đối thủ có khả năng biến những cuộc mít-tinh thành những buổi trình diễn sôi động. Joe Biden cần một ai đó có thể thu hút đám đông và lên truyền hình thay mình. Người này không phải là bà Harris. Bà có thể phục vụ cho đảng và đất nước, ngăn chặn Donald Trump bằng cách rút khỏi nhiệm kỳ thứ nhì, để cho Biden chia sẻ trách nhiệm với một phó tổng thống khác xông xáo hơn. Dù gì đi nữa, Joe Biden cần sự giúp đỡ của một đội quân Dân chủ nhiệt thành, sẵn sàng sát cánh vận động cùng ông.

Nếu Trump đắc cử, Châu Âu có thể đơn độc trước Putin

Le Point đăng ảnh cựu tổng thống Mỹ với dòng tựa "Trump, mối đe dọa" và đặt câu hỏi "Châu Âu sắp sửa đơn độc trước Putin ?". Tuần báo cũng dành chuyên đề về "Cái bóng của Trump lượn lờ trên Châu Âu", đặt câu hỏi : Nếu năm 2024 Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, chuyện gì sẽ xảy ra ? Mọi thất vọng đều có thể, không chỉ Ukraine bị bỏ rơi, mà Châu Âu cũng có thể bị Trump để mặc cho "mini Sa hoàng" Putin, và bên cạnh đó là "vua Hồi giáo kiểu mới" Erdogan, tung hoành.

Chuyên gia chiến lược quốc phòng Michael O’Hanlon của Hoa Kỳ nói rằng chỉ có thể tin vào tuyên bố của Donald Trump là có thể kết thúc chiến tranh Ukraine chỉ trong vòng một ngày, nếu ông từng thành công với Bắc Triều Tiên trước đó. Trump tự đánh giá quá cao khả năng gây ảnh hưởng với Vladimir Putin. Ông chủ điện Kremlin có thể đòi hỏi điều kiện hòa bình là được giữ lại những lãnh thổ đang chiếm giữ hiện nay, và Ukraine không bao giờ gia nhập NATO.

Về giả thiết Trump rút khỏi NATO, đã từng có việc tổng thống rút khỏi một hiệp ước đã được Thượng Viện phê chuẩn. Chẳng hạn ông Bush với hiệp ước chống vũ khí đạn đạo ABM, Biden với hiệp ước lực lượng quân sự quy ước ở Châu Âu FCE. Nhưng có thể Trump hành động theo cách khác, vì không có hiệp ước nào quy định Mỹ phải bố trí 10.000 quân ở Anh, 30.000 ở Hàn Quốc hay 40.000 ở Nhật Bản. Donald Trump không chống lại mọi liên minh mà chỉ muốn quyết định với những ai là bạn bè, tất cả đều mang tính cá nhân. Trump thích thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhưng ghét tổng thống Hàn Moon Jae In. Tại Châu Âu, Trump làm bạn với một số nhà lãnh đạo nhưng không ưa bà Merkel hay ông Macron.

Kịch bản tệ hại nhất là một kẻ xâm lăng nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ một đồng minh vì Trump không thích nguyên thủ nước đó. Trump không bị hạn chế bởi các luật lệ ngoại giao truyền thống. Về phía Châu Âu, Le Point cho rằng phải tập trung cho tự lực tự cường. Trong số các vấn đề hiện nay có vũ khí : trong Liên Hiệp Châu Âu có đến 17 loại chiến xa trong khi Mỹ chỉ có một, 20 loại chiến đấu cơ còn Mỹ có 6. Ở tuyến đầu trước Putin, Ba Lan phải tự vũ trang bằng vũ khí mua của Mỹ và Hàn Quốc. Không dễ gì trong vòng vài năm rút ngắn được nửa thế kỷ đã ngủ quên.

Chuyện hậu trường ly kỳ của Thế vận hội Paris 2024

Tại Pháp, L’Express tiết lộ "Làm thế nào Paris giành được quyền tổ chức Thế vận hội 2024 ?". Hồi năm 2005 tại Singapore, hồ sơ của Paris hoàn hảo đến từng dấu chấm dấu phẩy, với mọi ưu thế vượt trội. Nhưng bốn lá phiếu chênh lệch đã làm lịch sử thay đổi. Khi chủ tịch Ủy ban Thế vận (CIO) giơ lên tờ giấy ghi chữ "Luân Đôn", cả đô trưởng Paris Bertrand Delanoë lẫn bộ trưởng thể thao Pháp và giám đốc chương trình Paris 2012 đều rơi nước mắt thất vọng.

Paris đã quá tự tin, và quá ngây thơ trước Anh, bậc thầy về lobby. Ông Delanoë khẳng định sẽ thắng một cách đường hoàng, nhưng người Anh làm tất cả những gì có thể. Thủ tướng Tony Blair và người phụ trách hồ sơ thế vận trụ lại ở Singapore suốt sáu ngày trời, bộ máy vận động không ngần ngại gõ cửa phòng khách sạn từng ủy viên có quyền bỏ phiếu. Bên cạnh đó, bộ phim giới thiệu của Pháp thì Delanoë áp đặt Luc Besson thay vì Jacques Perrin như ý kiến của các thành viên khác, đạo diễn này làm việc không trao đổi với ai. Khi chiếu thử hai tuần trước thời điểm tranh tài, thì đã quá trễ để sửa đổi. Phim quá dài, một số thành viên CIO ngủ gục.

Tuy quyết định không ứng cử lần nào nữa, nhưng vụ khủng bố Charlie Hebdo ngày 07/01/2015 khiến giấc mơ Olympic quay lại, khi nhìn thấy giới trẻ mất phương hướng trước thảm kịch. Để giành quyền tổ chức năm 2024, Paris chỉ có một đối thủ, nhưng lại rất nặng ký : Los Angeles. Cuộc chạy đua rất quyết liệt. Một buổi sáng, các thành viên CIO thấy trên bàn ăn có số báo đặc biệt của New York Times với trang bìa dành cho… Paris 2024. Cùng lúc đó, Los Angeles 2024 đã mua nhiều "follower" trên các mạng xã hội, đưa số người theo dõi trên Facebook từ 200.000 lên hơn 1 triệu.

Từ khi ông Thomas Bach, chủ tịch CIO công khai tuyên bố ưu tiên cho hai thành phố chia nhau tổ chức Thế vận hội 2024 và 2028, mỗi bên đều cố gắng đẩy bên kia thối lui. Đô trưởng Paris Anne Hidalgo nói với Eric Garcetti, thị trưởng Los Angeles : "Nếu ông không chấp nhận năm 2028, sẽ phải bỏ phiếu và chúng tôi sẽ thắng". Tại Thụy Sĩ năm 2017, lúc giới thiệu kế hoạch, tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân đều có mặt, chuyến đi rất âm thầm để Los Angeles không cảnh giác. Sự hiện diện của họ khiến CIO thấy được một sự cam kết ở cấp cao nhất. Anne Hidalgo phụ trách cú nốc-ao, gặp riêng Eric Garcetti với tối hậu thư : Ông có nhận 2028 hay không ? Rốt cuộc thị trưởng Los Angeles nhượng bộ. Hai nhà lãnh đạo thành phố nắm tay nhau đi vào phòng họp CIO, và mọi người đều hiểu việc chỉ định chính thức tại Peru sau đó chỉ là hình thức.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 196 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)