Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/01/2024

Điểm báo Pháp - Châu Âu mãi làm khán giả ?

RFI tiếng Việt

Từ Đài Loan đến Hồng Hải, Hắc Hải : Châu Âu mãi làm khán giả ?

Đức, quốc gia duy nhất trong G7 bước vào suy thoái ; Donald Trump khởi đầu cuộc đua vào Nhà Trắng. Tổng thống Macron tổ chức cuộc họp báo quan trọng để giới thiệu kế hoạch cải cách. Tân bộ trưởng giáo dục Pháp bị chỉ trích vì cho con theo học một trường tư danh giá, tỉ lệ sinh con ở Pháp đang giảm sút. Đó là những vấn đề được đưa lên trang nhất các báo Pháp ngày 16/01/2024.

honghai1

Một phiến quân Houthi trên tàu hàng Galaxy Leader ở Hồng Hải. Ảnh tư liệu chụp ngày 20/11/2023 via Reuters – Houthi Military Media

Nguyên trạng ở Đài Loan

Liên quan đến Châu Á, Le Monde cho rằng trong một thế giới đang khủng hoảng, Bắc Kinh và phương Tây cùng có lợi khi giữ nguyên trạng ở Đài Loan, sau chiến thắng thứ ba liên tiếp của Đảng Dân Tiến với một tổng thống chống lại việc thống nhất với Hoa lục. Rõ ràng người Đài Loan thật cứng đầu. Đó có thể là kết luận cay đắng mà Bắc Kinh rút ra sau cuộc bầu cử cuối tuần qua.

Tuy tỉ lệ 40% phiếu mà ông Lại Thanh Đức (Lai Ching Te) thu được thấp hơn so với bà Thái Anh Văn lần trước là 57%, và Đảng Dân Tiến mất đa số tại Quốc hội, nhưng đến 2/3 cư dân đảo quốc tự coi mình là người Đài Loan chứ không phải Trung Quốc, trong khi 30 năm trước chỉ có 17%. Việc đàn áp Hồng Kông khiến khái niệm "nhất quốc, lưỡng chế" không còn thu hút được ai. Ông Lại Thanh Đức bày tỏ ý hướng độc lập mạnh mẽ hơn bà Thái Anh Văn, khiến Bắc Kinh tức tối. Vương Nghị cảnh báo mọi bước tiến về độc lập "sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc", Đài Bắc trả đũa rằng Bắc Kinh nên "tôn trọng kết quả bầu cử, đối mặt với thực tại và từ bỏ việc đàn áp Đài Loan". 

Le Figaro nhận thấy cuộc bầu cử hôm 13/01 tại Đài Loan được toàn thế giới chú ý, người dân hăng hái đi bầu trong yên tĩnh ; khác hẳn với nước láng giềng khổng lồ, nơi mà mọi ý hướng đối lập đều bị dập tắt ngay lập tức. Người Đài Loan chẳng cần đến Trung Quốc để phát triển : với kỹ nghệ chất bán dẫn tân tiến, Đài Bắc xuất khẩu và đầu tư trên khắp thế giới.

Thái độ kềm chế của phương Tây

Hòa dịu là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tổng thống Joe Biden nhắc lại Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan tuyên bố độc lập, ngoại trưởng Antony Blinken hoan nghênh chiến thắng của ông Lại Thanh Đức và nhân dân Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh hai cựu viên chức cao cấp Stephen Hadley và James Steinberg đến thăm Đài Bắc hôm Chủ nhật "với tư cách riêng". Rất khác với thời chuyến đi gây náo động của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi năm 2022.

Về phía Châu Âu cũng tỏ ra kềm chế. Pháp và Liên Hiệp Châu Âu chúc mừng "cử tri" và "những người được bầu", hoan nghênh sự gắn bó với tiến trình dân chủ nhưng không nêu tên người chiến thắng ; đồng thời nhấn mạnh đến "hòa bình, ổn định và nguyên trạng" ở eo biển Đài Loan.

Le Monde cho rằng lời nhắc nhở này là kịp thời, vì đây là mảng còn thiếu trong tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron sau chuyến thăm Bắc Kinh tháng 4/2023 : việc ông nói rằng không nên đi theo "nhịp độ của Mỹ" trong quan hệ với Trung Quốc đã bị chỉ trích dữ dội. Cũng sẽ là đúng đắn nếu Bắc Kinh cũng có thái độ kềm chế tương tự, ngưng đe dọa Đài Bắc và tránh tất cả mọi sự leo thang tại eo biển.

Đôi bên cùng có lợi hay cùng thiệt hại ?

Theo Le Figaro, "Châu Âu có thể đóng một vai trò trong mối quan hệ Đài Loan-Trung Quốc". Tờ báo nhắc lại hồi năm 1964, theo chân tướng De Gaulle, các cường quốc phương Tây công nhận Trung Quốc cộng sản và nguyên tắc một nước Trung Hoa, nhưng không chấp nhận việc dùng vũ lực xâm chiếm Đài Loan. Giờ đây lao vào một cuộc phiêu lưu quân sự sẽ là sai lầm chiến lược của Bắc Kinh.

Trước hết, không có gì chắc chắn là quân Trung Quốc có thể đương cự nổi với hạm đội Mỹ ở eo biển Đài Loan ; và Bắc Kinh sẽ bị Mỹ và Châu Âu, hai đối tác thương mại lớn nhất, trừng phạt nặng nề, đồng thời sẽ khiến tất cả các nước trong khu vực chống lại mình, chỉ còn lại ba người bạn là Nga, Bắc Triều Tiên và Pakistan.

Tập Cận Bình đã 70 tuổi, chừng như muốn để lại dấu ấn trong lịch sử qua việc thâu tóm Đài Loan. Trung Quốc trước đây tỏ ra ôn hòa, với ý hướng đi theo mô hình phát triển của phương Tây, nên đã nhận được hầu như tất cả đầu tư và công nghệ mà mình mong muốn. Lên cầm quyền năm 2013, ông Tập thay vì tiếp tục đường hướng đang ổn thỏa này, lại muốn khẳng định sức mạnh. Ông ta hủy diệt nền dân chủ Hồng Kông, quân sự hóa Biển Đông, uy hiếp các láng giềng. Hoa Kỳ bèn cấm vận công nghệ đối thủ mới ở Thái Bình Dương.

Chưa phục hồi nổi sau việc xử lý tệ hại đại dịch Covid, liệu Bắc Kinh có tiếp tục sách nhiễu Đài Loan hay không ? Theo Le Figaro, ở đây Châu Âu có thể làm trung gian hòa giải - một vai trò mà Mỹ không thể đóng vì tinh thần chống Trung Quốc càng lên cao trong chiến dịch tranh cử. Có một công thức mà ngoại giao Trung Quốc thích nhắc đi nhắc lại : "win-win", tức đôi bên cùng có lợi. Ông Josep Borrell có thể thuyết phục Bắc Kinh rằng dùng vũ lực ở eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ là đôi bên cùng thiệt hại.

Mỹ chưa thực sự ra đòn với phe Houthi ở Hồng Hải

Tương tự, ở Hồng Hải, nhà nghiên cứu Laurent Bonnefoy của CNRS trên La Croix cho rằng "Không ai có lợi khi khởi động một cuộc chiến quy mô". Khi can dự nhân danh bảo vệ Gaza, phiến quân Houthi giành được cảm tình của dân Yemen, nhưng khó có khả năng leo thang vì năng lực quân sự hạn chế của phe này. Dù việc phá hoại gây tổn thất kinh tế đáng kể, không thể nào làm cán cân thăng bằng nghiêng về phía Gaza và Hamas.

Thời điểm hiện nay phù hợp cho Houthi về chính trị và quân sự, nhưng cuộc đàm phán hòa bình khởi đầu cách đây hai năm với Saudi Arabia sắp đạt kết quả với nhiều lợi ích cho lực lượng này. Còn Hoa Kỳ hiện chỉ dùng đến những nguồn lực hạn chế, nếu Houthi leo thang sẽ có nguy cơ Mỹ thẳng tay. Bà Camille Lons thuộc Ủy ban Đối ngoại Châu Âu (ECFR) cũng nhận thấy "Đáp trả của Mỹ là chừng mực". Mục đích là răn đe Houthi và Iran, trấn an cộng đồng quốc tế và thị trường năng lượng, cho thấy đại cường số một thế giới không thể để cho lưu thông trên Hồng Hải bị tê liệt.

Bên cạnh đó, tổng thống Joe Biden đang trong chiến dịch tranh cử không muốn bị chỉ trích là không bảo vệ vị trí của Mỹ ở Trung Đông. Các quốc gia trong khu vực kêu gọi Washington kềm chế, nhất là Saudi Arabia đang thương lượng với Houthi. Châu Âu cũng chia sẻ mối quan ngại. Nhiều nước hoan nghênh chiến dịch của Mỹ ở Hồng Hải - đường giao thông hàng hải quan trọng cho nền kinh tế - nhưng không muốn tỏ ra thân Israel. Đó là trường hợp của Pháp : Paris không ký tên vào tối hậu thư gởi đến phe Houthi.

Hắc Hải : Ukraine bảo vệ thành công hành lang ngũ cốc

Les Echos nhận xét, những cuộc oanh kích của Ukraine vào các chiến hạm và cơ sở hạ tầng Nga ở Crimea đã giúp Kiev tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc, và hạm đội Nga đành phải rút lui dần về phía đông. Với những ai tỏ ra thất vọng vì tình hình Ukraine không tiến triển, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không ngừng nhắc nhở rằng ngược lại, Kiev đã giành những chiến thắng lớn lao khi gây thiệt hại nặng nề cho hải quân Nga. Việc Moskva phong tỏa thương mại đường biển của Ukraine coi như thất bại. Bất chấp những đe dọa, Kiev đã vận chuyển được 15 triệu tấn ngũ cốc qua hành lang trên Hắc Hải, từ giữa tháng 9 đến cuối 2023.

Ngày 17/07/2023, Nga từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Và kể từ đó, hạm đội Nga bắt đầu khốn đốn. Hỏa tiễn, drone trên không, drone dưới biển… lực lượng Ukraine tiến hành một loạt oanh kích rất thành công trong mùa hè và mùa thu 2023, khiến Nga phải hạn chế hoạt động trên Hắc Hải. Các chiến hạm Nga tránh xa căn cứ truyền thống Sevastopol. Mười năm sau khi chiếm được bán đảo, Vladimir Putin đành phải tìm một cảng mới cho hạm đội Crimea, rất có thể là ở Abkhazia gần duyên hải Georgia (Gruzia). Theo tổng kết của Oryx, Moskva mất đến khoảng 20 chiếc tàu, trong đó có một tàu ngầm, một phần nhờ hỏa tiễn tầm xa Storm Shadow của Anh và Scalp của Pháp. Kiev tuy giành thắng lợi nhưng còn phải đối phó với những quả mìn trôi nổi trên Hắc Hải.

Một chiến lược quân sự cho Châu Âu

Trên lãnh vực quân sự, nhà sử học Thomas Gomart trên Le Monde nhận định Châu Âu cần có một chiến lược cụ thể. Ông nhấn mạnh đến tác động qua lại của những cuộc xung đột hiện nay, khiến các nhà lãnh đạo châu lục cần khẩn cấp tái vũ trang, nếu không muốn làm khán giả thụ động đứng nhìn những đảo lộn địa chính trị đang diễn ra. Châu Âu cần phải bảo đảm việc bảo vệ Ukraine, nhất là trong trường hợp Donald Trump đắc cử.

Đặc biệt trên Biển Đông, mọi động thái đều có thể gây ra phản ứng quân sự, vì giai đoạn quan sát đã trôi qua. Khi thấy hậu quả của những vụ tấn công vào các tàu trên tuyến đường thương mại quốc tế ở Hồng Hải, có thể đoán được một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn ở eo biển Đài Loan. Những quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines, Nhật Bản hoàn toàn không mơ hồ về ý đồ của Bắc Kinh. Sẽ rất sai lầm nếu Châu Âu giữ khoảng cách, trong khi bộ máy sản xuất lệ thuộc vào tự do hàng hải.

Bảy lý do khiến Donald Trump có thể thất cử

Về cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ, theo thăm dò ở sáu "swing states" (tiểu bang dao động), và nhất là sau chiến thắng áp đảo ở Iowa, Donald Trump có nhiều hy vọng quay lại Nhà Trắng. Nhưng vẫn còn gần 300 ngày nữa, sẽ có những sự kiện ảnh hưởng đến 150 triệu cử tri Mỹ. Les Echos nêu ra "Bảy lý do khiến ông Trump có thể thất cử".

Trước hết là giả thuyết ít có khả năng xảy ra nhất : Donald Trump bị loại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa. Đối thủ đáng ngại nhất là bà Nikki Haley, người phụ nữ gốc Ấn bị Trump gọi là "óc chim sẻ". Trong một quốc gia có đến 50 triệu dân sinh ở nước ngoài và một số lớn hơn có cha mẹ gốc ngoại quốc, chủ trương chống nhập cư cực đoan có thể làm một số cử tri cánh trung không bỏ phiếu cho ông.

Thứ nhì là Vladimir Putin : mọi hoạt động quá lộ liễu của Moskva ủng hộ Trump có thể phản tác dụng.

Thứ ba, lưỡi gươm Damoclès của tư pháp với 91 tội danh bị cáo buộc.

Thứ tư là kinh tế, nếu trong mười tháng tới lạm phát được kiểm soát và tiền lương tăng lên, cử tri sẽ công bằng hơn với nỗ lực của ông Joe Biden.

Thứ năm là sức khỏe, Donald Trump chỉ trẻ hơn đối thủ có ba tuổi và cũng đã gần 80.

Thứ sáu, những người ủng hộ cực đoan trong những tháng tới có thể có các hành động làm cử tri Cộng Hòa lo sợ.

Và trở ngại cuối cùng là chính bản thân ông Trump có thể tự hại mình : những người chỉ trích ông đã ghi nhận đến mấy chục ngàn tuyên bố "linh tinh".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 162 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)