Hạ được phi cơ "mắt thần" Nga : Chiến công lớn của Ukraine
Le Monde ngày 17/01/2024 chú ý đến sự kiện "Kiev tuyên bố đã giáng một đòn mạnh vào không quân Nga". Quân đội Ukraine hôm thứ Hai loan báo đã phá hủy một chiếc Beriev A-50 chuyên phát hiện radar, trong khi Nga có rất ít loại này ; cùng với một phi cơ chỉ huy Yuchin II-22. Không quân Nga chưa từng bị thiệt hại to lớn như vậy kể từ đầu cuộc chiến, một phần lớn phi đội của Moskva có thể bị "mù".
Một phi cơ cảnh báo sớm Beriev A-50 của Nga bay trên Quảng trường Đỏ trong buổi tập dượt chuẩn bị biểu diễn mừng Ngày Chiến thắng ở Moskva, 07/05/2019 AP - Alexander Zemlianichenko
Công lao của Patriot ?
Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, tướng Valerii Zaluzhnyi trên Telegram đã hoan nghênh không quân Ukraine về chiến dịch hoàn hảo này, kèm theo là một video. Theo Kiev, hai phi cơ trên đây đã bị bắn hạ hôm Chủ nhật khi bay trên biển Azov đang do Nga kiểm soát toàn bộ, có thể là do một hay nhiều hệ thống Patriot PAC-2 do phương Tây cung cấp có tầm bắn 160 kilomet.
Giả thuyết về hỏa tiễn phòng không của Ukraine khiến các nhà phân tích chú ý, họ không loại trừ khả năng quân Nga bắn lầm nhau như đã từng xảy ra nhiều lần. Nhà nghiên cứu Jean-Christophe Noël của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho rằng để bắn tới biển Azov, Ukraine phải đặt một giàn Patriot gần tiền tuyến, mà làm như vậy thì rất nguy hiểm.
Moskva từ chối xác nhận, và nếu là sự thực, đây là một đòn rất nặng. Những chiếc Beriev A-50, tương đương với Boeing E-3 Awacs của phương Tây, là loại phi cơ cảnh báo sớm được sử dụng để phát hiện các phi cơ, trực thăng, hỏa tiễn hay drone của địch trong khoảng cách đến 600 kilomet. Nhờ đó có thể lập được bản đồ chiến thuật chi tiết, một vai trò thiết yếu để bay an toàn. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Moskva chỉ có 10 chiếc A-50, và không phải tất cả đều hoạt động được.
Nhiều phi cơ Nga sẽ bị "mù"
Nga thường xuyên điều hai chiếc loại này xung quanh Ukraine, phía trên biển Azov và Belarus, như vậy ít nhất phải có gấp đôi để hiện diện thường xuyên trên không phận. Chỉ mất đi một chiếc là cả một loạt phi cơ Nga trở nên "mù". Phương Tây cũng thường cho những chiếc Awacs bay gần biên giới Ukraine để thu thập thông tin cho Kiev.
Loại Yuchin Il-22 thì Nga có khoảng 22 chiếc, dùng làm phi cơ chỉ huy, trung chuyển liên lạc hay tình báo điện tử. Một chiếc đã bị lính đánh thuê Wagner bắn hạ trong vụ nổi dậy hồi tháng 6/2023. Các blogger quân sự Nga cho biết chiếc Il-22 bị nhắm đến trên biển Azov đã hạ cánh khẩn cấp tại phi trường Anapa ở phía bắc Novorossiysk, nhưng không thể sửa chữa được.
Kể từ đầu cuộc chiến, chuyên trang Oryx đếm được khoảng 100 phi cơ và 130 trực thăng Nga đã bị bắn hạ hay bị hư hại vì trúng pháo : 24 oanh tạc cơ Su-34, 31 chiến đấu cơ Su-25, 2 oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-22... Đặc biệt, riêng trong ngày 23/12/2023, Ukraine đã hạ được đến 3 chiếc Su-34. Nhưng theo IISS, trước chiến tranh Moskva có đến 1.300 chiến đấu cơ.
Ngoài phương diện quân sự, việc tiêu diệt được hai chiếc phi cơ quan trọng trên đây còn mang tính biểu tượng, cho thấy Ukraine vẫn luôn có thể gây thiệt hại lớn cho Nga. Một nguồn tin quân sự Pháp nhận xét : "Trong một cuộc chiến, chứng tỏ đang ở vào thế tiến công là điều quan trọng cho đội ngũ, cho dân chúng và những người ủng hộ".
Một xa lộ mới nối Ukraine với Romania do EU tài trợ
Le Monde cũng nhận thấy "Nga và Ukraine đều tăng cường hậu cần để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài". Một xa lộ do Liên Hiệp Châu Âu (EU) tài trợ ở Romania sẽ giúp phá thế phong tỏa cho Ukraine. Trong khi đó Nga đang xây dựng những đường xe lửa và đường bộ mới để dự phòng trường hợp cầu Crimea bị phá hủy.
Báo chí Romania cho biết ngay từ đầu năm, chính quyền Romania đã huy động toàn lực để hoàn thành một xa lộ mới nối Bucarest với biên giới Ukraine, theo dự án "A7" được quỹ Châu Âu tài trợ. Mặc cho mùa đông khắc nghiệt, công việc xây dựng được tiến hành 24/24 với 3.000 công nhân và hàng trăm máy móc, để có thể lưu thông trên xa lộ này từ mùa hè 2024.
Trên nguyên tắc, cần đến 1.000 xe tải để thay thế một tàu chở ngũ cốc. Một xa lộ nhiều làn sẽ giúp tăng năng lực vận tải lên gấp sáu lần, tạo điều kiện cho lưu thông xuyên biên giới và đa dạng hóa việc vận chuyển hàng viện trợ quân sự, có lợi cho cả hai nước.
Hiện những tuyến đường bộ chính nối EU với Ukraine chạy qua Ba Lan, Hắc Hải và không phận Ukraine gần như đóng cửa vì rủi ro quân sự. Hungary và Slovakia, hai nước NATO khác có biên giới trên bộ với Ukraine, đều thân Nga và nếu làm đường phải đi xuyên qua dãy núi Carpates.
Nga ra sức mở đường xe lửa xuyên qua những vùng đã chiếm
Chuyên gia Stéphane Audrand nhận định, muốn thắng được một cuộc chiến tiêu hao thì các đơn vị phải nhận được nhiều vũ khí, đạn dược. Có thêm những tuyến đường mới, Ukraine sẽ giảm được thiệt hại do Nga tấn công hay những vụ đình công của nghiệp đoàn xe tải Ba Lan chẳng hạn.
Nga còn nỗ lực lớn hơn để nối các vùng đất của Ukraine đang bị chiếm đóng với mạng lưới giao thông của quốc gia xâm lăng. Theo truyền thống, hậu cần quân sự Nga chủ yếu dựa vào đường xe lửa. Từ đầu tháng 11/2023, hãng tin RIA Novosti đã loan báo xây dựng tuyến đường sắt mới từ thành phố Nga Rostov trên sông Don đến Crimea, chạy qua Zaporijia tới những thành phố Mariupol, Berdiansk và Melitopol đã chiếm được.
Stéphane Audrand nhấn mạnh, xe lửa vận chuyển đường dài tốt hơn, nhưng các cầu đường sắt phải thật vững chắc và việc đặt đường ray mất nhiều thời gian hơn. Phương Tây nhắm vào đường bộ vì linh hoạt hơn, còn Nga thì rất thiếu xe tải, dù đã mua được khá nhiều từ Trung Quốc và Châu Âu qua ngã Trung Á.
Không bắt tay được với Trump, Kim Jong-un quay sang Putin và Tập
Liên quan đến Châu Á, Libération nhận định năm năm sau cuộc thảo luận bất thành với ông Trump ở Việt Nam, Kim Jong-un xích gần lại với Tập Cận Bình và Vladimir Putin ; đồng thời hoàn chỉnh kho vũ khí đạn đạo và nguyên tử. Hai nước Triều Tiên đang trên bờ vực xung đột.
Hôm 28/02/2019, một chiếc bàn dài đã được chuẩn bị trong một phòng khánh tiết của khách sạn Métropole Hà Nội, với hai chiếc ghế bành, hai lá cờ Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên để Kim Jong-un và Donald Trump ký bản tuyên bố chung. Nhưng hội nghị thượng đỉnh đã bất thành, bữa tiệc trưa bị hủy và cả hai ra về tay không. Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho nói rằng "Những cơ hội như thế này có thể không bao giờ đến nữa", và thời gian cho thấy ông ta đã đúng.
Quá nhiều ngờ vực, tự kiêu và thiếu hiểu biết lẫn nhau. Mỹ khẳng định Bắc Triều Tiên đòi dỡ bỏ tất cả trừng phạt, trong khi Bình Nhưỡng nói rằng chỉ yêu cầu bỏ năm biện pháp mà thôi. Bắc Triều Tiên chấp nhận phá hủy Yongbyon, một trong những trung tâm nguyên tử chính. Nhưng Hoa Kỳ đòi hỏi hủy bỏ toàn bộ cơ sở hạ tầng nguyên tử, chương trình vũ khí hóa học và sinh học, các hỏa tiễn đạn đạo, giàn phóng và các thiết trí liên quan. Cuộc thảo luận kết thúc với cảm giác 25 năm trao đổi giữa đôi bên trở thành con số không. Stephen Biegun, đại diện Mỹ phụ trách đàm phán từ 2018 đến 2021 tỏ ý tiếc rằng Bắc Triều Tiên đã bỏ lỡ cơ hội.
Kim Jong-un đề nghị một hội nghị thượng đỉnh thứ ba, nhưng cuộc gặp này đã không diễn ra. Có thể vì tự ái khi trở về từ Việt Nam không có kết quả nào, Kim quay lưng với Mỹ. Tháng 4 năm ngoái ông ta đến Vladivostok để trưng ra sự thân thiết với Vladimir Putin, tháng 6 trải thảm đỏ đón Tập Cận Bình. Khi đại dịch lui dần, Bình Nhưỡng bắt đầu cho bắn đủ loại hỏa tiễn và có những tiến bộ đáng kể về vũ khí nguyên tử và đạn đạo. Dường như Kim Jong-un đã đổi hàng triệu quả đạn mà Putin rất cần để lấy công nghệ không gian và tàu ngầm. Rồi ông ta đóng cửa 8 đại sứ quán ở Châu Phi và Châu Âu - quá tốn kém và không phải là ưu tiên trong thời chiến.
Chiến thắng của Trump tại Iowa chỉ có ý nghĩa tương đối
Về cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa, các báo đều tỏ ý lo ngại trước chiến thắng áp đảo của ông Donald Trump tại bang Iowa. Le Monde cho rằng lần này nếu quay lại được Nhà Trắng, ông Trump chuẩn bị một ê-kíp mà lòng trung thành được đặt lên trên năng lực, sẽ làm chính quyền liên bang yếu đi, làm lợi cho những kẻ thù của nước Mỹ. La Croix nhận thấy với 51% số phiếu, Donald Trump dẫn trước 30 điểm so với ông Ron DeSantis và 32 điểm với bà Nikki Haley.
Nhưng theo Denis Lacorne, giám đốc nghiên cứu của Sciences Po, thắng lợi này chỉ tương đối vì Trump đã kêu gọi sự giúp đỡ của địa phương, những người ủng hộ đã miệt mài làm việc từ một năm qua. Chuyên gia Marie-Cécile Naves nói thêm, cử tri bang Iowa đa số là da trắng, ngoan đạo và ủng hộ ông Trump.
Bà Nikki Haley tuy về sau ông Ron DeSantis nhưng chỉ thua có 2 điểm, trong khi thống đốc Florida đã đi vận động tại 99 hạt của bang này. Ngày 23/01 tới đến lượt New Hampshire bầu, cử tri Cộng Hòa ở bang này ít bảo thủ hơn. Đây sẽ là một cuộc đua tay đôi giữa bà Haley, ứng cử viên ôn hòa nhất và ông Trump. DeSantis chỉ nhắm vào các bang bảo thủ, không đến New Hampshire vận động. Về các rắc rối tư pháp cho Donald Trump, đáng ngại nhất là hai phiên tòa ở Washington và Georgia vì liên quan đến cáo buộc "phản quốc". Càng đóng vai nạn nhân, Trump càng được ủng hộ. Cuộc đua hứa hẹn không ít bất ngờ.
Pháp mất thế mạnh là nước Châu Âu có tỉ lệ sinh cao
Cuộc họp báo quan trọng của tổng thống Emmanuel Macron để tái thúc đẩy nhiệm kỳ hai, tranh cãi về tân bộ trưởng giáo dục, sinh suất của nước Pháp giảm sút nghiêm trọng, là những vấn đề được bàn luận nhiều nhất trên báo Pháp hôm nay. Tất cả các báo đều lo âu trước việc Pháp đang mất một trong những ưu thế lớn nhất : sự trẻ trung.
Xưa nay vẫn có tỉ lệ sinh đẻ cao nhất Châu Âu, nước Pháp nay đang già đi, sắp tới người về hưu sẽ nhiều hơn trẻ em. Đến cuối thập niên này, số người trên 65 nhiều hơn người dưới 20 tuổi. Một biểu hiện đáng buồn cho một đất nước từ chối chuẩn bị cho tương lai và luôn chi nhiều hơn cho người già, gây thiệt hại cho thế hệ mới. Tổng thống Emmanuel Macron hứa tạo thêm 30.000 chỗ trong nhà trẻ, và trợ cấp cho các phụ huynh nào không tìm được chỗ gởi con.
Tuy nhiên, theo Les Echos, một nhà nước hiệu quả phải tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc sống các bậc cha mẹ, chứ không phải là chìa ra những tấm séc. Mức sinh thấp nhất kể từ Đệ nhị Thế chiến có thể còn do tính chất cá nhân cao độ và ít tin tưởng vào tương lai – một hiện tượng cũng thấy được nơi nhiều nước khác. Quyền lực của chính phủ không tác động được bao nhiêu : không phải vì đất nước mà người ta sinh con, cũng không phải vì môi trường mà người ta không muốn có con. Tờ báo nhắc lại hai thực tế : nhập cư là động cơ của sức mạnh dân số, và nạn nghèo khổ bùng nổ nơi người trẻ chứ không phải người già.
Thụy My