Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/01/2024

Điểm báo Pháp - Nga trước làn sóng phản kháng mùa đông

RFI tiếng Việt

Nga : Điện Kremlin trước làn sóng phản kháng trong mùa đông khắc nghiệt

Le Monde ngày 18/01/2024 cho biết tại Nga, "điện Kremlin đang phải đối mặt với sự giận dữ của người dân". Nhiều thành phố chìm vào trong giá buốt trong khi cơ sở hạ tầng hư hỏng, không ít khu phố không có hệ thống sưởi lẫn nước nóng, dưới cái lạnh khủng khiếp của mùa đông năm nay.

nga1

Một bếp nấu củi tập thể dành cho cư dân sau khi khoảng mấy chục tòa nhà ở Klimovsk ở ngoại ô Moskva (Nga) bị hư hệ thống sưởi. Ảnh chụp ngày 09/01/2024. Reuters – Evgenia Novozhenina

Dân Nga phẫn nộ vì "sắp chết rét"

Ở cách Kremlin khoảng 50 kilomet, có những khu phố hoàn toàn không được sưởi ấm khiến người dân lạnh cóng. Trong thời tiết đặc biệt khắc nghiệt, thường xuyên xuống dưới ngưỡng -20°C ở thủ đô và khu vực ngoại vi, Podolsk và Klimovsk bỗng trở thành tâm chấn của làn sóng phẫn nộ bất ngờ.

"Chúng tôi đang chết cóng, không thể ở được trong nhà, cán bộ phụ trách toàn nói láo !". Một loạt chỉ trích rộ lên trên mạng xã hội tại hai thành phố ngoại ô này, được minh họa bằng hình ảnh các gia đình phải trùm mền trong nhà hay đốt lửa sưởi ấm ngoài sân. Một số đưa kiến nghị, số khác đòi cán bộ địa phương từ chức.

Cơn giận còn tăng cao vì những năm gần đây tiền dịch vụ, nhất là tiền sưởi, không ngừng tăng lên, hạn chế sức mua của những gia đình nghèo. Trong khi đó cơ sở hạ tầng vẫn xuống cấp vì thiếu đầu tư từ thời Liên Xô, các cấp đổ lỗi cho nhau. Chính quyền khu vực Moskva ban đầu nói rằng do "tai nạn" từ các đơn vị tư nhân sở hữu hệ thống sưởi, sau lại nói chỉ là "sự cố" vì đợt lạnh bất thường. Thống đốc Andreï Vorobyov loan báo sẽ sửa chữa nhanh chóng, nhưng nhiều gia đình vẫn phải tìm cách sống sót trong băng giá.

Cúp điện, không lò sưởi, bể ống nước… cơ sở hạ tầng xuống cấp

Tại Podolsk, một đơn kiện tập thể đã được gởi. Một cư dân tố cáo trang web của thống đốc đã đóng bình luận và nay còn xóa luôn những lời bình cũ, số điện thoại liên lạc không hoạt động, việc tân tạo cơ sở hạ tầng bị dời lại hết năm này sang năm khác. Một số nhân viên kỹ thuật bị bắt lính, phải sang Ukraine chiến đấu, càng làm tình trạng thêm tồi tệ. Báo chí nhà nước thận trọng giữ im lặng về chủ đề này.

Vấn đề không chỉ giới hạn ở Podolsk, Klimovsk, mà cả các thành phố khác ở ngoại ô Moskva, từ Khimki tới Naro-Fominsk. Những vụ cúp điện thường xuyên xảy ra trên toàn quốc : Perm, Penza, Toula hay Astrakhan, v.v… Nhưng cả ở Novossibirsk, tận Siberia băng giá, hàng trăm căn nhà nhiều ngày không được sưởi ấm, không nước nóng vì một tai nạn.

Trong khi người dân rét run, các video cho thấy những đường phố tràn ngập nước nóng vì ống dẫn bị vỡ. Một người dân thậm chí còn chất vấn cả Vladimir Putin "liệu có sống sót khi không có lò sưởi hay không ?". Nhà nghiên cứu Ivan Grachev ước tính cần đến 200 tỉ đô la để hiện đại hóa mạng lưới trên cả nước. Nhưng Putin đã dành đến 6% GDP cho ngân sách quân sự, cuộc xâm lăng Ukraine được đặt lên trên chính sách xã hội.

Câu chuyện của người chiến binh Ukraine mang tên "Saigon"

Le Figaro có bài phóng sự dài "Trên "tuyến zero", những chiến binh Ukraine sức cùng lực kiệt trước quân Nga". Người chỉ huy và các chiến sĩ lữ đoàn 65 trấn giữ vị trí tiền phương trên mặt trận Robotyne, chỉ cách vị trí quân Nga có 100 mét. Thiếu thốn cả người lẫn phương tiện trước các cuộc tấn công dồn dập của Nga, họ còn có cảm giác bị bỏ rơi.

Thành phố Robotyne chỉ còn là bình địa, nhưng đây là một trong những điểm nóng, mặt trận không bao giờ yên tĩnh. Cuối tháng 8, sau ba tháng chiến đấu đẫm máu, Ukraine mong rằng sau khi chiếm được Robotyne sẽ tiến sang Tokmak và Melitopol để đến biển Azov, cắt đôi quân Nga. Nhưng từ đó đến nay lực lượng vẫn phải ở yên tại chỗ dưới mưa đạn của địch, bị quân Nga tấn công hàng ngày. Đại úy Mikhaïlo trước khi tham gia chiến dịch phản công từng chiến đấu ở Bakhmut, thành phố tử đạo thuộc vùng Donbass.

Được đặt biệt danh là "Saigon" vì nghiên cứu chiến thuật của quân Mỹ và Việt Cộng trong rừng rậm Việt Nam, hồi năm 2013 anh chỉ là lính trơn. Đóng tại Crimea, "Saigon" hy vọng tham gia lực lượng mũ xanh ở nước ngoài, nhưng đến 2014 chiến tranh nổ ra với đợt xâm lăng đầu tiên của Nga tại Donbass và việc sáp nhập Crimea. "Saigon" tham gia lữ đoàn nhảy dù 79, và có mặt trong trận đánh ác liệt ở phi trường Donetsk. Khi cuộc xung đột đóng băng, anh vào học trường sĩ quan. Cha của "Saigon" từng tham chiến ở Afghanistan, ông nội anh cũng là lính thời Đệ nhị Thế chiến.

Các nhà báo phương Tây đến mặt trận đúng vào ngày sinh nhật 33 tuổi của anh. "Saigon" cho biết anh có vợ và hai con, người vợ đến thăm mỗi tháng hai lần và nếu không phải lo cho con thì cô đã nhập ngũ. Không chỉ thiếu vũ khí, đạn dược so với phương tiện hùng hậu của Nga, những người lính chiến còn cảm thấy cô đơn khi sự ủng hộ của hậu phương không còn như trước. Hiện không còn tình nguyện viên nào đến chiến trường tiếp sức như lúc khởi đầu cuộc chiến.

Trung Quốc xuống dốc vì khủng hoảng lòng tin

Kinh tế Trung Quốc lao dốc không phanh, tổng thống Macron với chương trình tái thúc đẩy trên nhiều lãnh vực, Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ là những chủ đề chính của các báo hôm nay. Người khổng lồ Châu Á chiếm trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos với dòng tít "Cuộc khủng hoảng lớn về lòng tin" và phụ trang kinh tế Le Figaro với nhận định "Trung Quốc chậm hẳn lại". Le Monde cũng ghi nhận tăng trưởng của Trung Quốc gây thất vọng, với khủng hoảng địa ốc kéo dài, người dân không còn tin tưởng và xuất khẩu sụt giảm.

Việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo chống Covid không mang lại kết quả mong muốn. Theo công bố của Tổng cục Thống kê Trung Quốc hôm qua, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nền kinh tế thứ nhì thế giới tăng 5,2% trong năm 2023, thuộc loại thấp nhất từ ba thập niên qua. Không kể ba năm zero Covid, tỉ lệ này chỉ cao hơn năm 1990 - sau vụ đàn áp sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn trong biển máu tháng 6/1989, Bắc Kinh đã bị thế giới tẩy chay. Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) vẫn cố nhấn mạnh rằng tỉ lệ tăng trưởng phù hợp với mục tiêu "khoảng 5%" được ấn định vào đầu năm.

Nhà kinh tế Harry Murphy Cruise phân tích, trong năm đầu tiên không còn bị phong tỏa, người ta chờ đợi một làn sóng những hoạt động mới. Nhưng các hộ gia đình và doanh nghiệp thay vì tranh thủ thời gian đã mất, lại tỏ ra không còn tin tưởng. Những biện pháp khắc nghiệt đã để lại vết thẹo hằn sâu trong dân chúng, trong khi khủng hoảng bất động sản trầm trọng thêm, kéo theo nhiều lãnh vực khác đi xuống.

Nhà xây lên không ai mua : Bế tắc khó giải quyết

Lâu nay vẫn đóng góp đến 30% GDP Trung Quốc và 20% công ăn việc làm, địa ốc là động cơ của nền kinh tế trong nhiều thập niên qua. Tiền thu được từ bán đất là nguồn lợi chính của chính quyền địa phương, gần 70% tài sản của các gia đình Trung Quốc liên quan đến bất động sản. Giá nhà sụt giảm là đòn mạnh đánh vào tinh thần cũng như túi tiền của họ. Nhà kinh tế Jing Liu của HSBC cho rằng khủng hoảng địa ốc là "trở ngại chính cho việc phục hồi".

Le Figaro dẫn nguồn từ nhóm nghiên cứu Rhodium cho biết từ 2021, Trung Quốc xây dựng 1,74 tỉ mét vuông nhà mới một năm. Theo Jean-François Robin của ngân hàng Natixis, người dân Hoa lục không còn muốn đầu tư vào bất động sản vì đã có quá nhiều tòa nhà mọc lên, đến nỗi giờ đây phải phá hủy bớt. Thu nhập không tăng, giới trẻ thất nghiệp, nhiều nên tiêu thụ chậm lại, căng thẳng địa chính trị đè nặng lên xuất khẩu hàng made in China.

Hồi kết của "zéro Covid" không làm dịu đi những thách thức nằm trong cơ cấu : nợ nần của doanh nghiệp, dân số hoạt động giảm sút do lão hóa (năm ngoái dân Hoa lục giảm đi 2,75 triệu người), hiệu suất... Việc chuyển đổi mô hình sang tiêu thụ nội địa không thành công do người dân mất lòng tin, nên để dành tiền thay vì chi tiêu, thiếu vắng cải cách phúc lợi xã hội, không có chính sách kích cầu. Ngân hàng Thế giới dự báo trong năm con Rồng, tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm xuống còn 4,5%.

Davos và chiến dịch quyến rũ tập 2 của Bắc Kinh

Le Figaro nói về "Chiến dịch quyến rũ tập 2" tại Davos của Trung Quốc, Le Monde cũng nhận thấy Bắc Kinh chọn "đóng vai bồ câu" trong thương mại quốc tế. Trong sảnh lớn của Diễn đàn, sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan chấm dứt phần trình bày về những nguy cơ xung đột trên thế giới ; không khí bỗng đổi khác hoàn toàn với trang trí đỏ rực. Thành phố đối tác Đại Liên mời "ăn Tết sớm" : buffet dùng thả ga, diều giấy nhiều màu sắc… Thủ tướng Lý Cường đến với đoàn tùy tùng 150 người, chưa kể cả trăm doanh nhân Trung Quốc đã có mặt tại chỗ.

Trước các nhà đầu tư ngày càng hoài nghi vì xu hướng độc tài của Tập Cận Bình, ông Lý Cường cho rằng kinh tế Trung Quốc vẫn vững chắc và tiếp tục năng động. Giá trị kỹ nghệ Trung Quốc chiếm đến 30% toàn thế giới, với 400 công ty công nghệ cao, vô địch thế giới về dữ liệu. Hoa lục đang chiếm phân nửa năng lượng gió và xe điện toàn cầu. Nhưng lý lẽ từ chính miệng ông cũng khó thuyết phục. Lý Cường nói rằng sẵn sàng lắng nghe các doanh nghiệp nước ngoài "khi nỗi lo của họ là hợp lý".

Hồi năm 2017 cũng tại Davos, Tập Cận Bình đã đóng vai người cổ vũ toàn cầu hóa để cố đối phó với "cuộc chiến thương mại" của Donald Trump, trong khi phương Tây trả đũa sự cạnh tranh bất chính của Bắc Kinh. Lần này ông Lý Cường tố cáo "các biện pháp phân biệt đối xử" của Washington đánh vào công nghệ Trung Quốc. Ngược lại, ông bỏ qua chủ đề chính là việc Tập Cận Bình ưu tiên cho khu vực nhà nước thay vì tư nhân.

Các tập đoàn đa quốc gia âm thầm rút khỏi Hoa lục

Nhà kinh tế Dan Wang của Hang Seng Bank nhận định : "Trung Quốc không còn là kinh tế thị trường". Việc chèn ép lãnh vực công nghệ mà biểu tượng là sự thất sủng của Mã Vân (Jack Ma), người sáng lập Alibaba, hay sự mất tích của một số nhân vật như nhà đầu tư ngân hàng Bao Phàm (Bao Fan), khiến giới doanh nhân Trung Quốc sợ hãi.

Các tập đoàn đa quốc gia thì lặng lẽ rút bớt đầu tư ở Hoa lục, đa dạng hóa chuỗi sản xuất sang những nước Châu Á khác, lo sợ leo thang ở Đài Loan. Và các nhà đầu tư tài chánh trông đợi vào tăng trưởng hậu đại dịch đã nhanh chóng thất vọng. Khoảng 87% trong số 33 tỉ đô la đầu tư vào các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc năm 2023 đã bị rút đi, theo Financial Times.

Một sự quay mặt mà Bắc Kinh cố gắng tháo gỡ tại Davos sau khi bỏ hạn chế visa cho năm nước Châu Âu trong đó có Pháp. Tuy nhiên, họ không che giấu được xu hướng cứng rắn, như Ngân hàng Trung ương có chủ trương cải cách nay đã bị đặt dưới quyền kiểm soát của đảng. Duncan Clark, người sáng lập văn phòng đầu tư BDA ở Bắc Kinh nhận xét : "Họ không nhận thấy những thiệt hại do chính họ gây ra".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 161 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)