Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/01/2024

Điểm báo Pháp - Kiev cầm cự ra sao nếu...

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Kiev cầm cự ra sao nếu không được phương Tây hậu thuẫn ?

Quân đội Ukraine thiếu đạn dược trong cuộc chiến chống Nga, những hệ lụy của xung đột giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas ở dải Gaza, nạn quấy rối tình dục trong giới điện ảnh là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 19/01/2024.

kiev1

Một quân nhân Ukraine tại chiến trường Bakhmut, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 16/01/2024. Reuters - Stringer

Nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất cho tình trạng "thiếu đạn dược trầm trọng" của quân đội Ukraine. Bộ trưởng quốc phòng Roustem Umerov đã than thở như trên nhân dịp ra mắt "liên minh pháo binh" gồm 23 nước viện trợ quân sự cho Ukraine do Pháp và Mỹ dẫn đầu.

Ngày 17/01, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Đối ngoại của Thượng Viện, Cédric Perrin, nhấn mạnh Pháp và các nước Châu Âu "không đáp ứng được" kỳ vọng của Ukraine, đồng thời thông báo sẽ tổ chức một loạt các phiên điều trần để hiểu thêm về sự "thiếu linh hoạt" của ngành công nghiệp vũ khí Pháp.

Ông Perrin nói thêm rằng quân đội Ukraine bắn từ 5.000 đến 8.000 quả đạn pháo mỗi ngày so với 10.000 đến 15.000 quả từ phía Nga, trong khi Pháp chỉ sản xuất khoảng 25.000 quả đạn pháo 155mm vào năm ngoái. Ủy Ban Châu Âu đặt mục tiêu sản xuất một triệu quả đạn vào mùa xuân năm 2024, nhưng tính đến cuối tháng 12/2023, khả năng này khó thành hiện thực, theo Les Echos.

Sau khi cuộc phản công do quân đội Ukraine tiến hành vào mùa hè năm ngoái không mang lại kết quả như mong đợi, giờ đây mọi người đều nhận thức rằng quân đội hai nước đang hướng tới một cuộc chiến tranh tiêu hao. Nga đã gia tăng sản xuất vũ khí và còn nhận được sự hỗ trợ của Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine hiện đang vấp phải nhiều trở ngại khi các dân biểu Hạ Viện không còn thực sự "mặn mà" hỗ trợ Kiev như vào thời điểm chiến tranh mới nổ ra. Tại Châu Âu, các nhà lãnh đạo sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 01/02 để thảo luận về hồ sơ "mang tính quyết định" này.

Les Echos kết luận rằng Châu Âu giờ đây không còn có thể dựa vào nguồn lực vốn có, mà phải tăng cường sản xuất vũ khí hỗ trợ Ukraine, vào thời điểm Mỹ còn đang bị cuộc xung đột ở Trung Đông làm "rối trí". Kiev sẽ cần có thêm drone, hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa, các thiết bị tác chiến điện tử, đạn pháo và rất nhiều đạn dược.

Biden ngày càng "khó xử" về xung đột Gaza

Nhìn sang Trung Đông, trang nhất của tờ Le Figaro nhận định sự hỗ trợ mạnh mẽ về mặt quân sự và ngoại giao của Joe Biden dành cho Israel trong cuộc chiến chống Hamas đã đặt tổng thống Mỹ vào thế ngày càng "khó xử" trên trường quốc tế cũng như trong nước. Vào thời điểm cuộc chiến Israel chống Hamas ở dải Gaza đã bước sang tháng thứ tư, với số nạn nhân tăng chóng mặt lên đến 24.000 người chết (theo Hamas), cái giá mà Biden phải trả về mặt chính trị cho sự hỗ trợ vô điều kiện này rất đắt.

Về mặt ngoại giao, Hoa Kỳ ngày càng bị cô lập khi các mối đe dọa quốc tế gia tăng và xung đột có nguy cơ lan rộng ra khắp khu vực Trung Đông. Về mặt chính trị, chủ nhân Nhà Trắng phải đối mặt với chỉ trích từ chính phe Dân Chủ đúng vào lúc ông bước vào chiến dịch tái tranh cử đầy khó khăn.

Nhật báo thiên hữu nhận thấy Joe Biden và chính quyền Hoa Kỳ ngày càng khó che giấu sự thất vọng với nội các của thủ tướng Benyamin Netanyahou. Lo lắng về hậu quả của cuộc chiến, Washington hiểu rằng tiếng nói của họ dường như không còn trọng lượng trong hồ sơ này. Tổng thống Biden và ngoại trưởng Antony Blinken đã liên tục kêu gọi chính quyền Israel xem xét những lo ngại của Mỹ, nhưng bất thành. Chính quyền Biden đã không thành công trong việc thuyết phục Israel "thay đổi chiến thuật" nhằm giảm số thường dân thiệt mạng trong những cuộc tấn công dồn dập ở Gaza, hay tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

Mối quan hệ của Biden với Netanyahou đã thực sự nguội lạnh. Theo truyền thông Mỹ, hai người đã không nói chuyện trong 3 tuần qua, mặc dù hai nhà lãnh đạo từng hội đàm nhiều lần trong tuần trong hai tháng đầu của cuộc chiến. Trong chuyến thăm Israel vào tuần trước, ngoại trưởng Blinken đã chỉ trích trực tiếp chính phủ Israel : "Israel phải ngưng thực hiện các biện pháp hủy hoại năng lực điều hành đất nước của người Palestine. Tổng thống Biden từng nói với người dân Israel sau vụ tấn công ngày 07/10 rằng sẽ luôn ủng hộ Israel. Mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, cho phép hay thậm chí buộc chúng tôi bày tỏ lập trường một cách thẳng thắn nhất có thể trong những thời điểm có nhiều rủi ro nhất, vào lúc phải đưa ra những quyết định quan trọng nhất".

Le Figaro nhắc lại trong chuyến công du Trung Đông gần đây của Blinken, Saudi Arabia đã từng đề xuất rằng Riyadh sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel nếu nước này cam kết tìm kiếm giải pháp hai Nhà nước. Tuy nhiên, ngoại trưởng Mỹ đã không nhận được phản hồi nào từ nội các Netanyahou. Thủ tướng Israel hôm qua tuyên bố đã "thông báo với Hoa Kỳ rằng ông phản đối việc thành lập một Nhà nước Palestine trong bất kỳ hoàn cảnh nào sau khi chiến tranh kết thúc và Israel phải duy trì quyền kiểm soát về mặt an ninh đối với toàn bộ khu vực phía tây sông Jordan", trước khi kết luận : "Một thủ tướng phải có khả năng nói không, ngay cả với bạn của mình".

Số phận "bi thảm" của người dân Gaza phải bỏ nhà ra đi

Vẫn tại Trung Đông, tờ Libération dành trang nhất cho số phận của người dân Gaza sau 3 tháng xung đột. Đối mặt với những trận oanh kích của Israel, gần như toàn bộ 2 triệu người dân ở dải đất này đã phải bỏ nhà ra đi. Bạo lực leo thang đi kèm với tình trạng thiếu lương thực, vệ sinh không bảo đảm.

Trong những tuần gần đây, Salwa đã nhiều lần thức dậy vì gặp ác mộng : "Khi tôi mở mắt, tôi thấy hàng trăm tấm nệm xếp xung quanh, cảm thấy đứa con trai 4 tuổi đang rúc vào người tôi, và tôi nghe thấy những tiếng động, tiếng vo ve của drone Israel ở trên trời, và nhận ra đây là thực tế mà chúng tôi đang trải qua". Salwa đang ở tại một cơ sở của UNRWA, cơ quan Liên Hiệp Quốc phụ trách người tị nạn Palestine, ở Khan Yunis, phía nam dải Gaza. Người phụ nữ này chuyển đến sống ở đây vào giữa tháng 10/2023 cùng với chồng và ba đứa con từ một khu dân cư thuộc tầng lớp lao động ở thành phố Gaza, nơi họ từng sống trước khi nhà bị phá hủy trong một cuộc không kích của Israel. Salwa không phải là người duy nhất "trằn trọc" về hoàn cảnh mà cô đã rơi vào từ 3 tháng qua : "Có nhiều người ở đây vẫn cứ ngỡ là đang xem một bộ phim kinh dị".

Nhật báo thiên tả thuật rằng có hàng trăm ngàn gia đình sống chen chúc trong các cơ sở của UNRWA. Trường học, văn phòng y tế hay nhà kho của cơ quan này hiện là nơi tạm trú của 1,4 triệu người trong tổng số khoảng 2 triệu người phải di dời, tức là gần như toàn bộ dân số Gaza. Những người đầu tiên đến đây như Salwa và gia đình thì được ở trong tòa nhà kiên cố có tường và trần nhà, và đây có thể coi là một đặc quyền. Bởi những người đến sau phải ở trong những căn lều khiêm tốn ngoài trời. Tại một số trung tâm tiếp nhận, người tị nạn thống nhất để cho phụ nữ và trẻ em được ở trong các tòa nhà kín, đàn ông ở trong các trại bên ngoài.

Nhưng tất cả đều sống trong những điều kiện tồi tệ và ngày càng xấu đi trong vòng 3 tháng qua. Họ thiếu mọi thứ và nhiều người đang bị đói, thực phẩm trở nên khan hiếm. Theo một nghiên cứu vào tháng 12 của tổ chức nhân quyền Euro-Med Human Rights Monitor, trụ sở tại Genève, Thụy Sỹ, khoảng 64% người dân Gaza thừa nhận phải ăn cỏ và các sản phẩm đã hết hạn sử dụng để "tồn tại" kể từ khi nổ ra xung đột. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thường xuyên lên án tình trạng nhân đạo "thảm khốc" ở dải Gaza và cảnh báo về "nạn đói tiềm tàng" và dịch bệnh gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Lạm dụng tình dục trong giới điện ảnh

Về lĩnh vực xã hội, trang nhất của nhật báo công giáo La Croix chú ý đến chủ đề bạo lực tình dục trong giới điện ảnh. Kể từ khi phong trào #MeToo bùng lên, Hollywood đã áp dụng các biện pháp mới để chống lại hiện tượng này. Tuy nhiên, 7 năm sau vụ bê bối Harvey Weinstein làm rúng động Hollywood, các chuyên gia điện ảnh vẫn nhận thấy nhiều "kẽ hở".

Sarah Ann Mass cho biết cô là "nạn nhân của Harvey Weinstein". 6 năm sau khi làn sóng #MeToo bùng nổ, nữ diễn viên này, một trong những người đầu tiên tố cáo "ông trùm Hollywood", đã nhận thấy những thay đổi rõ rệt của ngành điện ảnh Mỹ : "An ninh trong lúc quay phim đã được cải thiện rõ rệt, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm".

Malia Arrington, giám đốc Ủy ban Hollywood, cơ quan phòng chống những vi phạm trong ngành giải trí, cho biết : "Việc gia tăng số lượng chuyên viên phụ trách dàn dựng cảnh nóng trong phim là một bước tiến lớn". Những chuyên viên này nhận được rất nhiều lời đề nghị làm việc kể từ khi xảy ra vụ Weinstein, bảo đảm các diễn viên cảm thấy thoải mái khi quay những cảnh quan hệ tình dục hay khỏa thân.

Mia Schachter, một chuyên viên cảnh nóng từng làm việc cho các phim bộ như Perry Mason (HBO) hay Grey's Anatomy (ABC), cho biết : "Trước khi quay những cảnh âu yếm thân mật, chúng tôi làm việc trước với các diễn viên để mọi người nhất trí với nhau trước khi bấm máy quay".

Để ngăn chặn bạo lực tình dục, các khuyến nghị đã được các công đoàn đưa ra cách đây 5 năm : SAG-Aftra, đại diện cho các diễn viên, công bố quy tắc ứng xử kêu gọi các hãng phim tránh tổ chức các cuộc họp ở những nơi "có nguy cơ cao" như phòng khách sạn. Các công cụ mới (nền tảng báo cáo, đường dây nóng) cũng đã được các hiệp hội hoặc đoàn thể tạo ra để nạn nhân bị lạm dụng nhận được sự trợ giúp pháp lý hoặc trợ giúp tâm lý miễn phí.

Tuy nhiên, bất chấp các biện pháp hiện hành, một số chuyên gia nhận thấy nhiều kẻ quấy rối tình dục vẫn không bị trừng phạt. Mặc dù một số diễn viên nổi tiếng như Johnny Depp hay Kevin Spacey đã ngay lập tức bị đưa vào danh sách đen sau khi bị cáo buộc có những hành vi lạm dụng tình dục, nhiều nhân vật khác chỉ bị cấm hành nghề trong thời gian ngắn.

Pháp : Tỷ lệ sinh đẻ sụt giảm

Bài xã luận của nhật báo Le Monde báo động về việc tỷ lệ sinh đẻ của Pháp đang có dấu hiệu sụt giảm. Trong số các nước phát triển, cho tới nay Pháp là một ngoại lệ vì không nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ sinh đẻ giảm. Tuy nhiên, báo cáo nhân khẩu học năm 2023, do Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (INSEE) công bố hôm 16/01, có xu hướng cho thấy xứ lục lăng đang dần có hiện tượng này. Lần đầu tiên kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, số ca sinh được ghi nhận trong vòng 12 tháng tại Pháp đạt mức dưới 700.000 ca, giảm 20% so với năm 2010. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này : vấn đề về kinh tế, y tế, dịch vụ chăm sóc trẻ em khan hiếm, khủng hoảng nhà ở…

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 163 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)