Putin và chiến lược "làm kiệt quệ" đối phương
Trong những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Nga ồ ạt tấn công nhiều thành phố lớn của Ukraine bằng tên lửa và drone với quy mô lớn chưa từng có. Giới chuyên gia cho rằng Nga thay đổi chiến thuật nhằm "phá mật mã" phòng không và làm kiệt quệ nguồn dự trữ đạn dược của Ukraine.
Thành phố Kiev của Ukraine bị Nga oanh kích dữ dội ngày 02/01/2024 © Reuters - Stringer
Ukraine đã có một khởi đầu khó khăn cho năm 2024. Đất nước kiệt quệ sau hai năm chiến đấu, nhiệt độ ngoài trời xuống -15°C , các cuộc phản công chiếm lại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng gần như bị đóng băng, chỉ trong vòng hơn một tuần đầu năm mới, Ukraine liên tiếp hứng chịu những đợt oanh kích có quy mô lớn.
Chỉ riêng trong giai đoạn từ ngày 29/12/2023 đến 02/01/2024, Nga dùng hơn 500 drone và tên lửa bắn phá các thành phố lớn của Ukraine. Tuy nhiên, theo các quan chức và nhà phân tích quân sự, quy mô và mức độ phức tạp của các cuộc không kích vừa qua của Nga có trật tự hơn so với các cuộc tấn công vào mùa đông năm 2023.
Chiến lược tiêu hao
Thay vì nhắm vào thường dân và các cơ sở năng lượng, các mục tiêu chính lần này dường như là ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine như vụ Artem, nhà máy vũ khí ở Kiev bị bắn phá hư hại. Bộ quốc phòng Ukraine cho biết thêm, trong loạt tấn công ngày 13/01, Nga đã dùng đến 40 drone và tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo nhằm vào khu "tổ hợp công nghiệp – quân sự của Ukraine".
Các cuộc tấn công đã được lên kế hoạch cẩn thận, với các đợt drone và tên lửa được thiết kế xen kẽ nhằm áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine. Tướng Dominique Trinquand, cựu trưởng đoàn phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, trong một chương trình truyền hình của báo Le Figaro phân tích :
"Trên thực tế, đây là những cuộc tấn công làm bão hòa, tức là họ bắn đi nhiều drone và tên lửa nhắm vào các mục tiêu sao cho, một mặt, một số tên lửa có thể vượt qua, hệ thống phòng không của Ukraine đã không thể nào bắn chặn được, và mặt khác, làm tiêu hao một lượng lớn tên lửa bắn chặn của Ukraine đến mức làm cạn kiệt chúng. Mục tiêu chính ở đây là làm cạn nguồn đạn dược dự trữ của Ukraine".
Về điểm này, cựu đại tá thủy quân lục chiến Pháp Michel Goya, trên đài phát thanh France Culture, giải thích thêm rằng "nếu có 100 chiếc tên lửa đạn đạo hay hành trình bắn vào Ukraine, thì ta cần khoảng 2 tên lửa phòng không để đánh chặn mỗi tên lửa, như vậy tổng cộng phải có khoảng 200 tên lửa. Đây cũng chính là số tên lửa mà Anh Quốc thông báo chi viện. Nhưng 200 tên lửa này chỉ đủ cho một ngày chiến đấu. Đây thật sự là một thách thức lớn".
Patriot vs Tên lửa đạn đạo của Nga
Điểm đáng chú ý là đợt tấn công ngày 08/01, Ukraine chỉ bắn chặn được 18 trong số 51 tên lửa do Nga bắn đi so với tỷ lệ bắn chặn thành công thông thường là 80%. Theo nhận định từ nhiều nhà phân tích quân sự được Financial Times trích dẫn, dường như Nga đang tìm cách phá mã phòng không của Ukraine và đã vạch ra được những điểm yếu của hệ thống phòng không của nước này sau nhiều ngày oanh kích.
Chuyên gia Dara Massicot, thành viên cao cấp thuộc trung tâm cố vấn Carnegie Endowment tại Washington cảnh báo "nếu Nga thành công và Ukraine không thể bảo vệ không phận của mình, thì đó sẽ là một vấn đề lớn, mở ra cơ hội cho Nga điều máy bay ném bom hạng nặng đến Ukraine".
Để phá vỡ hàng phòng thủ Ukraine, quân Nga thường phóng drone bay chậm, sau đó là tên lửa hành trình cận âm bay thấp và cuối cùng là tên lửa đạn đạo được phóng thẳng đến mục tiêu với tốc độ nhanh gấp nhiều lần vận tốc âm thanh khiến chúng khó bị bắn hạ. Giới quan sát cho rằng, Nga dường như đã sử dụng 6 tên lửa đạn đạo Iskander và 8 tên lửa đạn đạo Kinjal, loại tên lửa nguy hiểm nhất mà tổng thống Nga Vladimir Putin không ngớt lời ca ngợi là "siêu vũ khí".
Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Washington, được trang mạng Al Jazeeara của Qatar trích dẫn, tên lửa đạn đạo tầm ngắn có vẻ có hiệu quả hơn trong việc xuyên thủng hoặc tránh hệ thống phòng không của Ukraine. "Lực lượng phòng không Ukraine đã đánh chặn 149 trong số 166 tên lửa hành trình của Nga trong các cuộc tấn công tăng cường kể từ ngày 29/12/2023, nhưng họ chỉ bắn chặn được một số tên lửa đạn đạo mà Nga đã bắn vào Ukraine trong cùng thời gian".
Quả thật, chiến lược "kết hợp vũ khí siêu thanh và cận âm" của Nga đã khiến cho hệ thống phòng thủ của Ukraine, được mệnh danh là "Franken SAM" và được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa các hệ thống phòng không và tên lửa địa đối không phải vật lộn đối phó. Phát ngôn viên lực lượng không quân Ukraine, đại tá Yuriy Ignat cho biết chỉ có hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất mới có thể bắn hạ được tên lửa đạn đạo.
Ukraine chỉ có vài khẩu đội, trong khi nguồn cung lại đắt đỏ và tương đối ít do phải chia sẻ nhu cầu với Israel. Đây thật sự là một thách thức lớn cho Ukraine và cả phương Tây, theo như lưu ý từ ông Ian Lesser, thuộc Quỹ Marshall của Đức, trên kênh truyền hình Euronews :
"Người ta e sợ là Ukraine thiếu nguồn đạn dược thiết yếu, nhưng cần phải có thời gian để tích trữ lượng nguồn vũ khí này. Thậm chí còn có một vấn đề khác nghiêm trọng hơn đối với loại vũ khí này, nhất là trên phương diện phòng không. Chúng được sử dụng với một tốc độ đến mức làm cạn kiệt cả nguồn dự trữ của phương Tây. Trong khi các tên lửa Patriot có giá rất đắt, từ hai đến bốn triệu đô la mỗi chiếc".
Sự việc cũng làm lộ ra những khó khăn của phương Tây hiện tại. Châu Âu không thể sản xuất một triệu đạn pháo như họ đã cam kết với quân đội Ukraine. Từ đây đến năm 2024, Châu Âu chỉ sẽ giao được tổng cộng 300 ngàn đạn dược. Trong khi đó tại Mỹ, phe Cộng Hòa ngăn chặn khoản viện trợ bổ sung hơn 61 tỷ đô la mà tổng thống Joe Biden đề xuất.
Đổi lại ở phía Nga, các nhà máy sản xuất drone và tên lửa đã hoạt động hết công suất và sản xuất nhiều hơn bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây. Theo chuyên gia về Nga Tatiana Kastouéva-Jean, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, trên đài France Culture, cỗ máy chiến tranh Nga vận hành tốt còn nhờ vào việc "họ không bị thiếu hụt công nhân tay nghề như các đối thủ. Người dân Nga tình nguyện tham gia vì mức lương trong lĩnh vực này đã được tăng lên và bởi vì phần lớn các doanh nghiệp này cũng đề nghị tạm hoãn đi quân dịch, không phải ra thẳng chiến trường".
Iran, Bắc Triều Tiên : Nguồn chi viện dồi dào cho Nga
Với một nền kinh tế chiến tranh và ngân sách quốc phòng tăng thêm 70% cho năm 2024, Nga hiện sản xuất hơn 100 tên lửa tầm xa mỗi tháng, so với khoảng 40 tên lửa khi bắt đầu cuộc xâm lược và khoảng 300 chiếc drone. Tuy nhiên, theo ước tính của ISW, Nga chỉ có thể sản xuất khoảng 42 tên lửa Iskander và 4 tên lửa Kinjal mỗi tháng. Lượng sản xuất đạn pháo của Nga cũng không đủ bù đắp cho nhu cầu chiến trường. Nga muốn sản xuất ba triệu đạn pháo mỗi năm, nhưng lại tiêu thụ đến khoảng một triệu đạn pháo mỗi tháng.
Sự thiếu hụt này dường như Nga đã tìm được nguồn cung để bù đắp. John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 04/01 cảnh báo khả năng Nga sử dụng tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên. Theo ước tính, lượng dự trữ tên lửa KN-23 của Bình Nhưỡng có thể lên tới 100 chiếc, và phần lớn trong số này có thể được chuyển giao cho Nga với mức giá phù hợp.
"Chúng tôi dự đoán Nga sẽ sử dụng thêm tên lửa của Bắc Triều Tiên để bắn vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine và giết hại thường dân Ukraine vô tội. Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có tầm bắn xấp xỉ 900 km, tức là khoảng 550 dặm. Đây là bước leo thang đáng kể và đáng lo ngại về sự hỗ trợ của Bắc Triều Tiên dành cho Nga".
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ còn bày tỏ lo ngại về việc Nga đang "tích cực" đàm phán mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ Iran. "Tại thời điểm này, chúng tôi nghĩ rằng Iran vẫn chưa chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga. Tuy nhiên, Hoa Kỳ e ngại rằng các cuộc đàm phán của Nga về việc mua tên lửa đạn đạo tầm ngắn đang có những tiến triển tích cực".
Tóm lại, Nga đang sử dụng "bất cứ điều gì có thể để làm hao mòn Ukraine". Nhưng nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng tình hình của Ukraine không đến nỗi vô vọng. Nhật Bản gần đây cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vũ khí để tên lửa Patriot do Nhật sản xuất có thể được vận chuyển sang Mỹ, như vậy Washington gởi thêm kho vũ khí của mình đến Ukraine.
Nhưng có lẽ mục tiêu sau cùng của những cuộc tấn công này là nhằm buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Nga, theo đó Ukraine có lẽ sẽ phải nhượng bộ khoảng 20% lãnh thổ đã bị chiếm đóng cho Nga.
Đương nhiên, với kết quả này, Nga đã thất bại trong việc lôi kéo Ukraine trở về vùng ảnh hưởng của mình, ngược lại, Kiev sẽ còn bám chặt hơn vào phe dân chủ phương Tây. Nhưng đổi lại, Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ bị mất uy tín, vì không có khả năng bảo vệ nền dân chủ.
Một bên thua là Nga chống lại hai kẻ đại bại là Ukraine và Phương Tây. Đối với tổng thống Nga, đây mới thực sự là một thắng lợi lớn. Một cuộc cá cược lớn "được ăn cả, ngã về không" của ông Putin, Le Point kết luận !
Minh Anh