Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

26/01/2024

Điểm báo Pháp - Pháp : dự luật nhập cư bị kiểm duyệt

RFI tiếng Việt

Pháp : Những uẩn khúc đằng sau việc dự luật nhập cư bị kiểm duyệt

Dự luật nhập cư ở Pháp bị Hội Đồng Bảo Hiến kiểm duyệt phần lớn, chiến tranh Ukraine, hệ lụy của xung đột giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 26/01/2024.

luatnhapcu1

Tuần hành chống dự luật nhập cư ở Paris, Pháp, ngày 21/01/2024. Reuters – Sarah Meyssonnier

Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération nói về dự luật "kiểm soát nhập cư và cải thiện tiến trình hội nhập" mà Emmanuel Macron muốn thông qua đã bị Hội Đồng Bảo Hiến bác đến 40%. Nhật báo thiên tả nhận định "hành trình hỗn loạn" của dự luật kết thúc trong sự "nhục nhã", và cho rằng dường như Hội Đồng Bảo Hiến đã làm theo đúng những gì chính quyền đã dự đoán từ trước.

Dự luật "tàn khốc và bất nhân" này từng được Marine Le Pen định nghĩa là "một chiến thắng về mặt ý thức hệ" và bài xã luận nhận định việc phần lớn dự luật bị kiểm duyệt không thể được coi là sự thất bại của phe phân biệt chủng tộc và dân túy, bởi mức độ kiểm duyệt (40%) trước hết phải được nhìn nhận như một thất bại đối với chính quyền. Phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến mang đến cho đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) và các nhóm ủng hộ họ, bao gồm cả đảng hữu ôn hòa Những Người Cộng Hòa (LR) của Eric Ciotti, cơ hội hoàn hảo để chỉ trích nền dân chủ của xứ lục lăng, gợi nhớ đến thất bại của thủ tướng Benyamin Netanyahu trong việc "cải cách tư pháp" ở Israel, hay việc Donald Trump không thành công đảo lộn kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, bởi đó đều là "lỗi của các thẩm phán".

Ngoài ra, tờ báo thiên tả nhận định tổng thống Macron đã bổ sung một vết nhơ vào "bảng thành tích cá nhân", và gây ra những hậu quả tệ hại trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng 6 tới. Emmanuel Macron giả vờ không nhận thấy điều này và kêu gọi bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin "làm mọi thứ có thể để bảo đảm luật được ban hành sớm nhất có thể". Libération kết luận chủ nhận điện Elysée không biết mình đang liều lĩnh đùa với lửa, giống như "hộp diêm đóng lại một cách bất cẩn rồi bỏ vào túi mà không biết rằng nó đã bén lửa".

Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro quan tâm cùng chủ đề. Nhật báo thiên hữu nhận định "không đảng nào chiến thắng và Pháp thì phải chịu thiệt" sau khi dự luật nhập cư bị kiểm duyệt "nặng nề". Le Figaro cho rằng đây là "một bức tranh hết sức đau lòng" khi ai cũng nhận thấy hồ sơ nhập cư chưa bao giờ quan trọng đến thế ở Pháp. Tờ báo thiên hữu đặc biệt chỉ trích "sự hai mặt" của tổng thống Macron, một mặt vẫn tỏ ra ủng hộ những đóng góp của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa, nhưng mặt khác lại đổ hết trách nhiệm cho các thành viên của Hội Đồng Bảo Hiến.

Le Figaro cũng nhấn mạnh đến "tính không nhất quán" của Hội Đồng Bảo Hiến, tuyên bố muốn bảo vệ nhà nước pháp quyền, nhưng lại tạo ra những rào cản hạn chế việc xây dựng hay thắt chặt các dự luật, và làm suy yếu những cơ quan công quyền và vô hình trung làm phát triển chủ nghĩa dân túy với tốc độ chóng mặt, thay vì chống lại luồng tư tưởng này. Sự ngây thơ của đảng Những Người Cộng Hòa và đảng Tập Hợp Dân Tộc, những đảng tưởng đã thành công trong việc góp phần xây dựng dự luật lại trở thành "những kẻ ngu xuẩn phục vụ lợi ích những kẻ phá hoại".

Sau 2 năm thảo luận ròng rã, giờ đây, mọi thứ lại trở về vạch xuất phát. Le Figaro cho rằng dự luật thực sự lỏng lẻo và chỉ cứng rắn "nửa vời". Tất cả mọi người đều hiểu rằng chính sách nhập cư của Pháp sẽ không thay đổi một tấc nào, rằng biên giới đất nước vẫn sẽ là những nơi mọi người có thể dễ dàng qua lại, rằng mọi người sẽ lại nghe thấy những lời oán thán của người Pháp, những nạn nhân của tội ác gây ra bởi những người nước ngoài nằm trong danh sách phải bị trục xuất khỏi lãnh thổ...

Giờ đây, có đến ba phần tư người Pháp muốn tăng cường kiểm soát biên giới, tuy nhiên, Hội Đồng Bảo Hiến lại ngăn không cho ban hành những biện pháp này, còn chính quyền thì từ chối tổ chức trưng cầu dân ý. Le Figaro đặt câu hỏi : "Ý kiến của đa số người dân chẳng lẽ có thể bị chặn đứng ở Hội Đồng Bảo Hiến ?" Charles de Gaulle đã từng nói : "Ở Pháp, chính người dân là Tòa Án Tối Cao hiệu quả nhất".

Hỗ trợ quân sự cho Ukraine : Châu Âu "hụt hơi" 

Nhìn sang Ukraine, tờ Les Echos dành trang nhất nói về sự bất lực của Châu Âu trong việc gia tăng sản xuất vũ khí hỗ trợ Kiev chống lại quân đội Nga trên chiến trường. Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ thực sự ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine ? Đây là câu hỏi khiến các nước Châu Âu rơi vào thế "hết sức khó xử". Những nỗ lực nhằm tăng cường sản xuất vũ khí ở lục địa già vẫn còn rất hỗn loạn, không đều đặn và có khả năng không đáp ứng được nhu cầu của Kiev, trong khi Ukraine vẫn đang phải gồng mình để chống chọi trước các cuộc tấn công của nước láng giềng.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Đối ngoại của Thượng Viện, Cédric Perrin, trở về sau chuyến công du Ba Lan và Ukraine, đã cảnh báo Pháp và các nước Châu Âu hiện "không đáp ứng được" kỳ vọng của Ukraine, trong khi Thượng Viện đang chuẩn bị tổ chức một loạt phiên điều trần để hiểu thêm về sự "thiếu linh hoạt" của ngành công nghiệp vũ khí Pháp. Thượng nghị sĩ thuộc đảng Những Người Cộng Hòa giải thích : "Tôi muốn hiểu tại sao năng suất trong sản xuất vũ khí vẫn giậm chân tại chỗ, bất chấp những lời kêu gọi sản xuất nhiều hơn trong hơn 18 tháng qua".

Nhật báo kinh tế nhận thấy, tại Châu Âu, mọi người cảm nhận được một sự hoảng loạn nhất định đang dần nổi lên. Ai cũng hiểu rằng sự hỗ trợ dành cho Ukraine sẽ phải chuyển từ viện trợ khẩn cấp sang hỗ trợ bền bỉ và lâu dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga tái vũ trang nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán, đồng thời nhận được sự hỗ trợ không hề nhỏ từ Bắc Triều Tiên và Iran, thời gian "chuyển tiếp" của Châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine phải được rút ngắn.

Les Echos nhắc lại Ukraine đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn. Kể từ mùa đông, Nga đã tiến hành trở lại những chiến dịch tấn công bền bỉ và kéo dài vào các thành phố Ukraine. Số lượng đạn pháo Moskva bắn đi nhiều gấp đôi số lượng đạn được Kiev bắn. Ukraine đang rất cần đạn dược, drone hay tên lửa địa đối không.

Ukraine tấn công mục tiêu dân sự ở Nga

Vẫn về Ukraine, bài xã luận của tờ La Croix đề cập đến những cuộc oanh kích của Kiev vào các mục tiêu dân sự ở Nga. Ukraine đã dùng drone tấn công vào các cơ sở năng lượng gần Saint-Petersburg.

Nhật báo công giáo nhận định những cuộc không kích này không hề tầm thường. Chính quyền Kiev muốn người dân Nga thấy rằng chiến tranh có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Trên thực tế, điện Kremlin đang duy trì một luận điệu êm dịu về tác động của cuộc xung đột và hệ lụy của chiến tranh ngày càng bị che giấu khi cuộc bầu cử tổng thống đang cận kề. Vladimir Putin đang tái tranh cử và chủ nhân điện Kremlin không muốn đề cập đến cuộc chiến mà ông phát động vào tháng 02/2022. Sự xuất hiện bất ngờ của nhà đối lập Boris Nadezhdin cho thấy chủ đề này nhạy cảm đến mức nào.

Mặc dù vậy, La Croix nhận định Ukraine phải cẩn thận trước những hành động của họ, rằng Kiev không được phép nhắm nhầm mục tiêu. Những trận oanh kích vào các khu dân cư ngày 30/12/2023 ở Belgorod và dường như ở cả Donetsk ngày 21/01 có thể gây phản tác dụng đối với Ukraine. Theo quan điểm của phương Tây, sự ủng hộ họ dành cho Ukraine mang tính quyết định, vì Kiev phụ thuộc vào viện trợ tài chính, dân sự và quân sự từ các đồng minh. Cho đến nay, thế giới vẫn có thể thấy rõ sự khác biệt giữa hai phe tham chiến : một bên là kẻ xâm lược tàn ác và trơ tráo, trong khi bên còn lại phải tấn công để tự vệ. Các cuộc tấn công có chủ đích của Ukraine nhắm vào dân thường sẽ làm phai mờ sự khác biệt này và vi phạm luật chiến tranh. Do vậy, cả hai phe đều phải hết sức cẩn thận trong việc nhắm mục tiêu.

Giấy thông hành với giá cắt cổ để rời Gaza

Nhìn sang Trung Đông, nhật báo Le Monde dành trang nhất cho một mạng lưới có liên hệ với cơ quan tình báo Ai Cập, bán giấy thông hành để rời khỏi dải Gaza với giá cắt cổ.

Cửa khẩu Rafah, lối thoát duy nhất khỏi "địa ngục" Gaza, đã trở thành một công cụ làm ăn cho những kẻ trục lợi chiến tranh. Với vài nghìn đô la, các nhà môi giới độc lập và nhiều công ty lữ hành tạo điều kiện cho người dân sinh sống ở Gaza mua giấy thông hành để di chuyển vào bán đảo Sinai ở Ai Cập. Vào thời điểm quân đội Israel siết chặt sự kiểm soát ở phía nam Gaza sau hơn 100 ngày chiến tranh cướp đi sinh mạng của hơn 25.000 người Palestine, ngày càng có nhiều người "nhịn ăn để dành" và chắt chiu từng xu để gom đủ số tiền cần thiết để rời khỏi dải đất chết chóc này.

Theo một cuộc điều tra được thực hiện bởi Cơ quan Báo cáo về Tội phạm và Tham nhũng có Tổ chức (OCCRP) và phương tiện truyền thông trực tuyến độc lập của Ai Cập Saheeh Masr, những người trung gian bán loại giấy thông hành này với giá cắt cổ từ 4.500 đô la đến 10.000 đô la (từ 4.100 đến 9.200 euro) cho người Palestine và từ 650 đô la đến 1.200 đô la cho công dân Ai Cập. Các nhà môi giới độc lập đã lao vào hoạt động kinh doanh rất có lãi này. Một trong những hãng lữ hành được người dân Gaza liên lạc nhiều nhất là công ty du lịch Ai Cập Hala Consulting & Tourism, được thành lập bởi Ibrahim El-Argani, một doanh nhân người Sinai có liên hệ với tình báo Ai Cập.

Các nhà điều tra của OCCRP và Saheeh Masr đã liên hệ với 15 người Palestine và Ai Cập mua giấy thông hành qua những trung gian này. Chỉ có hai trong số họ đã rời khỏi dải Gaza thành công, và mỗi người phải trả 4.500 đô la. Ba người khác bị môi giới lừa đảo và mất tiền, nhiều người khác vẫn gom đủ số tiền cần thiết bằng cách bán vàng hoặc đồ dùng cá nhân, vay mượn người thân hoặc huy động vốn từ cộng đồng mạng. Đó là trường hợp của Rasha Ibrahim, bị trung gian ép giá hơn 40.000 đô la để cùng chồng và ba người con rời khỏi Gaza.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 209 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)