Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/02/2024

Điểm báo Pháp – EU viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine

RFI tiếng Việt

Viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine : EU "nhất tiễn hạ song điêu"

Le Monde số cuối tuần  The Economist nói về "cú đúp ở Bruxelles" : Khi thông qua được gói viện trợ cho Ukraine và buộc thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban phải đầu hàng, lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã "dùng một mũi tên bắn được hai con chim" !

orban1

Thủ tướng Hungary Viktor Orban (trái) trò chuyện với đồng nhiệm Slovakia, Robert Fico trong hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles ngày 01/02/2024. Hoàn toàn bị cô lập, ông Orban đành chấp nhận thông qua gói viện trợ cho Ukraine, ngay cả đồng minh Slovakia cũng ông cũng ủng hộ. AP - Geert Vanden Wijngaert

Thông điệp cho Putin và Washington, bài học cho Orban

Cuộc họp tưởng chừng thâu đêm đã nhanh chóng có kết quả ngay trong buổi sáng thứ Năm 01/02, gói viện trợ 50 tỉ euro cho Ukraine được thông qua. Một lần nữa chứng tỏ sự đoàn kết, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã cho Vladimir Putin thấy dù chính trường Mỹ có xáo động, và chiến trường Ukraine có khó khăn, Châu Âu luôn kiên quyết ủng hộ Kiev.

Một gói trừng phạt thứ 13 đang được chuẩn bị cho dịp kỷ niệm năm thứ hai Moskva khởi đầu cuộc xâm lăng ngày 24/02/2022. Thỏa thuận Châu Âu còn là tín hiệu gởi đến Washington vào đầu một năm bầu cử dưới cái bóng của ông Donald Trump. Tổng số viện trợ của EU cho Ukraine nay đã vượt qua của Mỹ.

Viktor Orban trong thế cô lập đã phải quy hàng, chỉ được Châu Âu cho giữ lại một chút thể diện. Thủ tướng Donald Tusk vừa quay lại nắm quyền ở Ba Lan, khi bước vào cuộc họp đã tuyên bố : "Vấn đề không phải là chúng ta mệt mỏi với Ukraine, mà mệt với ông Orban. Ông phải quyết định xem có còn là thành viên của cộng đồng hay không". Ngay cả tân thủ tướng dân túy Robert Fico của Slovakia cũng phải đồng thuận về Ukraine.

Theo tờ báo, ông Donald Tusk có lý : thủ tướng Hungary cần EU hơn là EU cần ông ta. Áp lực mang tính bạn bè của thủ tướng Ý Giorgia Meloni - cũng từ phe cực hữu, và tổng thống Pháp Emmanuel Macron - đã lập được mối quan hệ cá nhân với Viktor Orban, giúp mang lại kết quả, bên cạnh đó là sự đe dọa về hậu quả lên nền kinh tế Hungary.

Hạm đội Hắc Hải bị Ukraine đẩy lùi sang các cảng xa hơn

Về quân sự, The Economist cho rằng "Nga đang thua ở Hắc Hải". Bị Moskva phong tỏa, Kiev đã bí mật lập ra một con đường hàng hải mới có mực nước nông hơn, tránh được tàu ngầm Nga và đủ gần duyên hải để được pháo binh trên mặt đất yểm trợ. Với 6,3 triệu tấn hàng xuất khẩu từ tháng 12/2023, ba cảng Odessa, Chornomorsk và Pivdenny, hầu như tình hình đã trở lại như trước chiến tranh.

Sau khi đánh chìm được soái hạm Moskva, tái chiếm đảo Rắn, đến 2023 Ukraine đuổi được toàn bộ tàu Nga ra khỏi khu vực tây bắc, khu trung tâm và thậm chí ở tây nam Hắc Hải. Kiev khẳng định đã phá hủy ít nhất 22 trong số 80 chiến hạm Nga trên vùng biển này, làm hư hại 13 chiếc khác. Từ nay duyên hải phía đông Crimeae không còn an toàn cho tàu Nga, phải di chuyển sang Novorossiysk cách đó 600 kilomet.

Thay tướng trong thời chiến không phải là chuyện hiếm

The Economist cũng phân tích về những bất đồng trong nội bộ Ukraine vừa bị tiết lộ trong tuần, với tin đồn tổng thống Volodymyr Zelensky sắp sa thải tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Valery Zaluzhny. Hai tướng lãnh có thể thay thế ông Zaluzhny là Oleksandr Syrsky, 58 tuổi ; và Kyrylo Budanov, 38 tuổi.

Tên tuổi tướng Zaluzhny nổi lên như cồn nhờ bảo vệ được Kiev và chiến công ở đông bắc vào đầu cuộc xâm lăng, ông được lòng dân hơn cả tổng thống khiến quan hệ giữa hai người trở nên căng thẳng dù ban đầu rất tốt đẹp. Đặc biệt việc vị tướng lập ra một quỹ từ thiện mang tên ông tháng 4/2022 bị cho là có ý đồ chính trị ; một số nhân vật đối lập đứng về phía ông.

Tuần báo nhận xét, việc lãnh đạo dân sự thay thế tướng lãnh ở cấp cao nhất trong thời chiến không phải là điều hiếm hoi. Chẳng hạn tổng thống Harry Truman thay thế Douglas MacArthur trong chiến tranh Triều Tiên vì không nghe lệnh ; Abraham Lincoln sa thải George McClellan trong thời nội chiến vì nhận định sai ; Barack Obama cách chức Stanley McChrystal, tổng tư lệnh ở Afghanistan do có những phát biểu không hay về tổng thống trên tạp chí Rolling Stone…

Một tổng thống phải thay tổng tư lệnh khi không còn tin tưởng : quân nhân chấp hành lệnh của lãnh đạo dân sự là cốt lõi của dân chủ. Tuy nhiên việc thay thế một vị tướng rất được yêu mến hàm chứa những rủi ro về chính trị và quân sự.

VinFast, "Tesla Việt Nam" đặt mục tiêu quá xa tầm với

Le Figaro số cuối tuần có bài viết về "VinFast, Tesla của Việt Nam" đang thua lỗ, mục tiêu bán được 1 triệu chiếc xe hơi điện mỗi năm kể từ 2026 tỏ ra quá xa vời. Năm ngoái VinFast chỉ bán được 34.855 chiếc, và trước đó từ 2021 đến cuối 2023 là 42.291 chiếc.

Cho đến nay, mọi thứ dường như đều mỉm cười trước người giàu nhất Việt Nam. Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đầu tư vào nhiều lãnh vực, và đến tháng 1/2022 quyết định đặt cược vào xe hơi chạy điện. Tháng 7/2023, VinFast làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây nhà máy ở Bắc Carolina, Hoa Kỳ nhờ trợ cấp khá lớn của bang, với năng lực sản xuất 150.000 xe trong giai đoạn đầu, bắt đầu khởi động năm 2025. Một thành công nữa là được niêm yết ở thị trường chứng khoán Nasdaq. Nhưng cổ phiếu từ 37 đô la nay chỉ còn chưa đầy 6 đô la.

Không nản lòng, ông Vượng tiếp tục kế hoạch bước ra thị trường thế giới. Đầu tháng Giêng, Vinfast loan báo thỏa thuận với bang Tamil Nadu ở miền nam Ấn Độ, đầu tư 2 tỉ đô la lập nhà máy công suất 150.000 xe/năm. Tháng 9, đến lượt một dự án 200 triệu đô la ở Indonesia để sản xuất 50.000 xe/năm, và cách đây vài ngày, nhà tỉ phú trao đổi với tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr về việc khai thác quặng mỏ cho nhà máy bình điện.

Nhưng làm thế nào đầu tư hàng tỉ đô la khi ngân quỹ thâm thủng ? Từ 2020, VinFast đã thua lỗ gần 6 tỉ đô la. Theo Bloomberg, gia tài của tỉ phú Phạm Nhật Vượng nay là 7,76 tỉ đô la, ít hơn nhiều so với khi VinFast bước vào thị trường chứng khoán.

Iran, dân quân, hỏa tiễn và bom

Nhận định về tình hình Trung Đông, Le Point có bài viết "Iran, các phe dân quân, hỏa tiễn và bom". Sau thời gian đầu tỏ ra chừng mực, những tuần vừa qua Iran liên tục tấn công trực tiếp vào khu vực Kurdistan ở Iraq, Syria và ngay cả Pakistan, cường quốc nguyên tử vẫn hòa hảo lâu nay. Đồng thời phe Hezbollah từ Lebanon gia tăng oanh kích Israel, các căn cứ Mỹ ở Iraq, Syria và Jordan.

Nhất là phe Houthi ở Yemen bắn hàng loạt hỏa tiễn vào Israel nhưng bị hạm đội Mỹ ngăn chặn ; tiến hành khoảng 30 vụ tấn công vào các tàu của khoảng 50 nước di chuyển trên Hồng Hải. Mối đe dọa đè nặng lên eo biển Bab al-Mandab, nơi 40% hàng hóa giữa Châu Á và Châu Âu đi qua, khiến các con tàu phải đổi sang hướng mũi Hảo Vọng, xa hơn và đắt đỏ hơn. Để bảo vệ tự do hàng hải, Hoa Kỳ đã dẫn đầu một liên minh quốc tế, oanh tạc các địa điểm hỏa tiễn của Houthi.

Iran là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất nhờ hai cuộc chiến tranh. Chế độ của các giáo sĩ phá vỡ được thế cô lập nhờ xích lại gần với Nga, Trung Quốc, và "các nước phương Nam" thông qua việc tham gia BRICS. Cuộc chiến tranh ở Ukraine và Gaza làm vị thế của Tehran tăng lên, như là lãnh đạo "trục kháng chiến" trước Israel, được sự ủng hộ của người Ả Rập và một phần không nhỏ dư luận quốc tế đã ngả sang bài Do Thái.

Nhờ lách được cấm vận, xuất khẩu dầu khí của Iran tăng gấp bốn lần kể từ 2020, bán được drone và hỏa tiễn cho Nga ; đẩy nhanh chương trình nguyên tử với số uranium làm giàu 90% có thể chế tạo ba quả bom trong vài ngày.

Chiếc bẫy vòng xoáy bạo lực

Tuy vậy ưu tiên hơn bao giờ hết là sự tồn vong của chế độ. Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, 84 tuổi đang bệnh nặng, chính quyền hoàn toàn đối đầu với 87 triệu dân mà 70% đang sống dưới ngưỡng nghèo khó, lạm phát lên đến 47% một năm. Đàn áp thẳng tay phong trào "Phụ nữ, cuộc sống, tự do", chế độ không còn tính chính danh, chỉ tồn tại bằng cách gieo rắc khủng bố với Vệ binh Cách mạng - lực lượng đang kiểm soát 1/3 nền kinh tế. Teeran gây căng thẳng nhưng vẫn cố tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ và Israel, trong khi các hành động phá hoại của Iran khiến Mỹ có thể quay lại khu vực.

Đối với L’Express, "Iran đang rơi vào chiếc bẫy vòng xoáy bạo lực của chính mình", Washington không thể không trả đũa vụ ba quân nhân Mỹ tử thương do drone của dân quân tay sai Iran. Alex Vatanka, của Middle East Institute lưu ý : "Với mạng lưới dân quân, drone và hỏa tiễn, chế độ Iran có cảm giác như mình có quyền lực toàn năng trong khu vực". Nhưng các nhà lãnh đạo tham lam trên thực tế đang trong tình trạng bấp bênh : họ không thực sự kiểm soát được các phe dân quân, và những nhóm này không hẳn phục vụ cho lợi ích của Iran.

Tình báo Israel : 23% nam nhân viên UNRWA có liên hệ với Hamas

Về vụ nhân viên cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) tham gia vụ thảm sát ngày 07/10 ở Israel, Le Point nhấn mạnh đến "Dầu Liên Hiệp Quốc đổ vào lò lửa Palestine". Từ 75 năm qua, vấn đề người tị nạn Palestine là một trong những trở ngại chính của việc giải quyết xung đột ở Cận Đông, theo Le Point, và Liên Hiệp Quốc có phần trách nhiệm.

Hồi năm 1947, với sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Liên Xô và Pháp, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định Nhà nước Israel sẽ sống chung với một Nhà nước Ả Rập trên vùng đất Palestine. Nhưng người Ả Rập bác bỏ nghị quyết, liên minh năm nước Ả Rập tuyên chiến với Nhà nước Do Thái non trẻ. Chiến thắng của Haganah (quân đội Do Thái) khiến 750.000 người phải di tản, một sự kiện không có gì là đặc biệt trong bối cảnh nhiều triệu người bị lưu đày vào cuối Đệ nhị Thế chiến. Nhưng thất bại nhục nhã của kẻ gây chiến qua miệng lưỡi của những người ủng hộ đã trở thành "thảm họa" do Israel tạo ra khiến dân Ả Rập phải trở thành người tị nạn.

Ngay từ 1948, Liên Hiệp Quốc nhìn nhận quyền hồi hương, được bồi thường của người tị nạn, và năm sau lập ra UNRWA. Ngày nay cơ quan này quản lý 58 trại ở Cisjordanie (West Bank), Đông Jerusalem và Gaza, Jordan, Syria, Lebanon ; 700 trường học và các bệnh viện, phân phát viện trợ nhân đạo. Hầu hết nhân viên là người tị nạn Palestine.

Tại các trường của UNRWA, người ta không nói "Israel" mà là "định chế xi-ôn-nít", những kẻ khủng bố được gọi là "tử đạo". Thủ quỹ của Hamas ở Gaza, bị tử thương do Israel oanh kích hồi tháng 10, là một nhân viên UNRWA, giáo viên tại một trường ở Khan Yunis. Các trại tị nạn trở thành bình phong cho Hamas : theo một báo cáo của tình báo Israel được Wall Street Journal nêu ra, 23% nam nhân viên UNRWA ở Gaza có liên hệ với Hamas.

Liên Hiệp Quốc "đổ dầu vào lửa"

Le Point cho rằng Liên Hiệp Quốc làm trầm trọng thêm tình hình với quyết định năm 1982 cấp quy chế tị nạn cho tất cả con cháu của đợt di tản đầu tiên. Số 750.000 người ban đầu nay trở thành 6 triệu ! Thay vì trung lập, cơ quan nhận 1,2 tỉ đô la viện trợ chủ yếu từ phương Tây là UNRWA lại đứng về một bên trong cuộc xung đột, nuôi dưỡng những mầm mống khủng bố tương lai.

The Economist nói thêm, đây không phải là lần đầu UNRWA gây tranh cãi. Trước đây đã từng phát hiện vũ khí Hamas giấu trong các trường học, chính quyền Trump ngưng tài trợ năm 2018 nhưng ông Biden đã tái lập năm 2021. UNRWA là cơ quan Liên Hiệp Quốc duy nhất chỉ phục vụ một nhóm người tị nạn cụ thể tại một vùng địa lý cụ thể.

Công ước năm 1951 định nghĩa người tị nạn là người "chạy trốn xung đột và đàn áp", nhưng UNRWA ngược lại, coi hậu duệ của tất cả những người từng cư trú ở đất Palestine xưa từ 01/06/1946 đến 15/05/1948 đều là người tị nạn. Chính quyền Israel từ lâu muốn đóng cửa cơ quan này, tố cáo UNRWA kéo dài vĩnh viễn quy chế tị nạn là vô ích, ngăn cản người Palestine hội nhập vào quốc gia tiếp nhận họ. Đối với người Palestine, cả đời sống với tư cách tị nạn của UNRWA có nghĩa là một ngày nào đó họ sẽ quay về.

Nhìn chung về tổ chức Liên Hiệp Quốc, L’Express coi là "một bộ máy đã bị xuống cấp" ; phê phán sự chậm chạp, thiếu minh bạch, không hiệu quả. Làm thế nào mà Iran lại làm chủ tịch Diễn đàn xã hội của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 11, Azerbaijan - kẻ xâm lăng Armenia - được bầu làm phó chủ tịch Unesco ? Thư ký thứ nhì của tổ chức quốc tế Dag Hammarskjöld chống chế "Liên Hiệp Quốc không tạo ra được thiên đàng nhưng giúp tránh khỏi địa ngục". Điều này thì định chế có trụ sở ở New York phải chứng minh.

Nikki Haley, Taylor Swift : Hai phụ nữ làm phe ông Trump lo sợ

Nhìn sang nước Mỹ, L’Express đặt câu hỏi "Phải chăng Donald Trump đang lo sợ trước bà Nikki Haley ?". Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu ở New Hampshire, Donald Trump đã gọi Haley là "kẻ cơ hội", cảnh báo các tỉ phú Wall Street đã tài trợ cho chiến dịch của bà sẽ bị cho vào danh sách đen nếu tiếp tục. Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc không bỏ cuộc, bà thách thức ông Trump tranh luận nhưng ông không trả lời. Có nguy cơ bị lép vế trước trí tuệ sắc sảo của người bị Trump gọi là "óc chim sẻ", cựu tổng thống tỏ ra thận trọng.

Courrier International  Le Monde cuối tuần nêu ra một phụ nữ khác cũng rất đáng ngại cho phe ông Trump : ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift. Nữ ca sĩ 34 tuổi với dĩa nhạc mới nhất chỉ trong 24 giờ có đến 228 triệu lượt tải về, được Time chọn làm nhân vật của năm 2023, được 70% người Mỹ yêu mến. Liệu cô có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 05/11 hay không ? Lâu nay ít nói đến chính trị, năm 2020 cô đã kêu gọi bầu cho Joe Biden và giờ đây cũng vậy. Hồi tháng 9/2023 sau khi Taylor Swift cổ vũ đi bầu, ngay trong ngày đã có thêm 35.000 người đăng ký vào danh sách cử tri.

Về kinh tế, The Economist đánh giá "Cơ hội tái đắc cử của Joe Biden sáng sủa hơn người ta tưởng", vì lạm phát vào cuối năm sẽ giảm, và cử tri thường có trí nhớ kém, chỉ quan tâm đến những gì diễn ra trước mắt.

Trang bìa các tuần báo

L’Obs tuần này chạy tít trang nhất "Nông nghiệp, một mô hình bế tắc". L’Express nói về Michel-Édouard Leclerc, chủ chuỗi siêu thị Leclerc có tiếng là giá cả phải chăng, gọi ông là "Bộ trưởng lạm phát thực sự". Le Point dành hồ sơ cho nam tài tử nổi tiếng Pháp Alain Delon, nhưng không phải về sự nghiệp của ông mà về những rắc rối trong gia đình : ba người con của ông kiện người phụ nữ sống chung với Delon nhân lúc ông sức khỏe yếu, trí óc không còn minh mẫn để lợi dụng, và sau đó lại kiện tụng lẫn nhau.

Trong một năm có đến phân nửa cư dân thế giới đi bầu, Courrier International lo ngại về sự can thiệp của trí thông minh nhân tạo, khi có quá nhiều ví dụ về "deep fake" trong thời gian gần đây. Tuần báo chạy tựa "Các nền dân chủ trước thách thức trí thông minh nhân tạo (AI)". Trong khi đó vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm Facebook ra đời, The Economist cho rằng sắp đến "Hồi kết của mạng xã hội".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 145 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)