Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/02/2024

Điểm báo Pháp - Giới nông dân đã nguôi giận

RFI tiếng Việt

Pháp : Giới nông dân đã nguôi giận, nhưng "kẻ thua cuộc là môi trường và Châu Âu"

Cuộc khủng hoảng nông nghiệp với các cuộc biểu tình của giới nông dân trong khắp nước Pháp từ nhiều ngày qua là chủ đề được hầu hết các báo số ra hôm nay, 02/02/2024, quan tâm.

nongdan1

Nông dân phong tỏa cao tốc A4 tại Jossigny, gần Paris, ngày 30/01/2024. © Reuters - Yves Herman

Sau nhiều ngày biểu tình, chặn đường để bày tỏ bất bình, giới nông dân Pháp hôm nay đã tỏ thái độ hòa dịu, như ghi nhận của các báo. Các tổ chức đại diện cho giới nông dân đã kêu gọi mọi người dỡ rào chặn đường, lái xe máy kéo trở về nông trại. Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Kế hoạch của Attal đã mở ra lối thoát cho khủng hoảng". Đại diện của các nghiệp đoàn nông dân có vẻ hài lòng với những biện pháp mà chính phủ đưa ra : củng cố lại luật Egalim, cho phép nông dân có thu nhập tối thiểu từ nông sản ; hỗ trợ 150 triệu euro cho những người chăn nuôi, nới lỏng các hạn chế về việc sử dụng chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hoặc nâng mức miễn trừ thuế đối với các tài sản thừa kế nông nghiệp… Bộ Kinh tế Pháp ước tính tổng cộng chính phủ chi khoảng 400 triệu euro cho các biện pháp khẩn cấp này. 

Les Echos cho rằng chiến thắng của giới nông dân có phần "mong manh", vì những biện pháp này cần phải được thực hiện nhanh chóng chứ không phải chỉ thông báo suông. Cơn phẫn nộ đã dịu xuống, nhưng các nghiệp đoàn nông dân cũng sẽ cảnh giác hơn và đợi kết quả thực tiễn trước khi Hội chợ Nông nghiệp (Salon de l’Agriculture) khai mạc ngày 24/02 và đợi xem các luật có được thông qua nhanh chóng như hứa hẹn hay không. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, có mặt tại Bruxelles hôm qua, đã kêu gọi thay đổi các quy định, "đơn giản hóa" các chính sách về nông nghiệp của Châu Âu.

Xã luận của Le Figaro thì đề cập đến chủ quyền được lãnh đạo Pháp nhắc lại nhiều lần. "Phải chăng cơn thịnh nộ của nông dân đã khiến cho giới lãnh đạo Pháp nhận thức được về chủ quyền", "liệu phong trào nổi dậy này có được coi là một cảnh báo ?" để truyền đi thông điệp : "Pháp không thể bị tước đoạt mất tri thức, những giá trị, theo nghĩa đen hay nghĩa bóng, để mất đi tương lai hay số phận". Trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng 6 tới, liệu lời cảnh báo về chủ quyền này có thể xây dựng một Châu Âu ít thực dụng hơn ?

Trong cuộc khủng hoảng đã đi đến hồi kết, theo Libération, có thể thấy có hai kẻ thắng cuộc. Đầu tiên là các nghiệp đoàn nông dân, khi chính phủ nhượng bộ, đưa ra các biện pháp khẩn cấp, có lợi cho họ. Thứ hai là Gabriel Attal, tân thủ tướng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đầu tiên, đã biết cách dùng từ ngữ, tìm ra các biện pháp để xoa dịu giới nông dân, luôn cảm thấy bất công và bị bỏ rơi. Thế nhưng, bên thua cuộc lại chính là môi trường và Châu Âu. Các tiêu chuẩn về sinh thái, thuốc trừ sâu hay quy định về tỷ lệ đất để hoang để "phục hồi thiên nhiên" đã bị nới lỏng, tạm ngưng lại, như vậy thì Trái đất sẽ phải gánh chịu hậu quả. Còn Châu Âu thì bị cáo buộc là nguồn căn của mọi nỗi bất bình. Xã luận của tờ báo cánh tả kết luận thủ tướng Attal đã thắng khi hành động nhanh chóng và xoa dịu cơn phẫn nộ, nhưng chiến thắng này có thể được coi là một bước đi tụt hậu, làm suy yếu tương lai. 

Thông qua viện trợ cho Ukraine, Liên Âu thể hiện tính thống nhất

Về chiến tranh Ukraine, nếu như Le Monde quan tâm đến các khóa huấn luyện lính Ukraine ở Pháp, thì La Croix đề cập đến gói viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraine vừa được Liên Hiệp Châu Âu thông qua, do lãnh đạo Hungary bỏ quyền phủ quyết. Với gói viện trợ này, nhà nước Ukraine có thể tiếp tục bảo đảm các dịch vụ công trong bối cảnh viện trợ hơn 60 tỷ euro của Hoa Kỳ cho Kiev vẫn bị chặn ở Quốc hội. Đây được coi là một chiến thắng cho Châu Âu, như nhận định của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Von der Leyen, "truyền tải thông điệp đoàn kết, thống nhất", gần một tháng trước ngày đánh dấu hai năm Nga xâm lược Ukraine. Liên Âu cũng xem xét chuẩn bị các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga sau đúng hai năm chiến tranh Ukraine.

Trên thực tế, viện trợ được thông qua là do Hungary đã bỏ quyền phủ quyết. Theo Le Figaro, lập trường phản đối viện trợ cho Ukraine của thủ tướng Viktor Orban đã khiến ông bị nhiều chỉ trích và buộc phải giải trình mối quan hệ của ông với lãnh đạo Nga Vladimir Putin, trong lúc Budapest cần khoản viện trợ từ Châu Âu để xoa dịu căng thẳng trong nền kinh tế nước này.

Theo Libération, kết quả này có được là do Châu Âu đã gây áp lực mạnh đối với Budapest. Nhật báo cánh tả nhận định "trong lịch sử, hiếm thấy có đất nước nhỏ bé nào, phụ thuộc vào sự tương trợ, đoàn kết của các đối tác, lại đơn thương độc mã", chặn các quyết định mà cả 26 thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu đều mong muốn thông qua. Thủ tướng Viktor Orban, được cho là có mối liên hệ gần gũi với Nga, từng bày tỏ lo ngại rằng các viện trợ của Châu Âu vốn được dành cho Budapest đang bị "đóng băng" có thể bị Kiev "phổng tay trên".

Thế nhưng trên thực tế, đây lại là hai khoản riêng biệt. Nếu Budapest thực hiện các cải cách mà Ủy Ban Châu Âu yêu cầu về tôn trọng Nhà nước Pháp quyền và các giá trị Châu Âu, thì khoản viện trợ 21 tỷ euro cho nước này sẽ được giải tỏa. Cuối buổi họp thượng đỉnh tại Bruxelles ngày hôm qua, tổng thống Pháp nhận định "ông Orban đã không nhận được quà", phải ra về tay không.

Gaza : "Không chết vì bom thì cũng chết vì bệnh"

Liên quan đến cuộc chiến giữa Israel và Hamas, Le Monde ghi nhận người Palestine ở Gaza "không chết vì bom thì cũng chết vì bệnh" , đồng thời trích dẫn lời kể của một người dân Gaza ở Khan Younes, khẳng định nhiều người đã bị nhiễm trùng đường hô hấp ở dải đất này. Các cuộc tấn công của Israel đã khiến đất, nước và không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng. Daviv R.Boyd, báo cáo viên về vấn đề nhân quyền và môi trường của Liên Hiệp Quốc, cho rằng các "chiến dịch quân sự mà Israel tiến hành ở Gaza để trả đũa Hamas sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhất là từ ô nhiễm carbon, khiến người dân Gaza phải sống với những chất độc hại hằng ngày".

Nhật báo Pháp cũng trích dẫn báo cáo của tổ chức Human Rights Watch lên án Israel sử dụng phốt pho trắng. Loại hóa chất này có thể gây cháy nổ, khiến người tiếp xúc bị bỏng nặng, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí đe dọa đến tính mạng con người. Không chỉ trút xuống Gaza 25.000 tấn bom, Israel còn bị cáo buộc sử dụng bom chùm, vốn bị cấm trong Công ước Oslo mà 118 nước đã ký vào năm 2008, nhưng Israel không ký. Một số quả bom vẫn chưa nổ và có thể đe dọa đến đất nông nghiệp cũng như việc tái thiết Gaza. Tổ chức Conflict Damage chỉ ra rằng khoảng 50 % các tòa nhà ở Gaza đã bị phá hủy, thải ra hàng tấn bụi trong không khí, cùng các mảnh vở xây dựng thải ra môi trường, chưa kể tình trạng ô nhiễm nước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.

Tham vọng cường quốc hải quân của Ấn Độ

Nhìn sang Châu Á, nếu Le Monde đề cập đến quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican trở nên nồng ấm sau khi 3 hồng y được bổ nhiệm tại Trung Quốc, thì La Croix lại quan tâm đến tham vọng hải quân của Ấn Độ. Vào tháng 1 vừa qua, Ấn Độ đã cử các tàu chiến đến giải cứu tàu hàng ở Hồng Hải và Vịnh Ba Tư. Lực lượng thủy quân lục chiến của nước này đã giải cứu một tàu của Iran và Liberia bị cướp biển tấn công ngày 05/01 và 30/01. Trong khoảng thời gian này, một tàu khu trục của Ấn Độ cũng đã đến hỗ trợ tàu của Pháp và Mỹ, dập lửa một tàu chở dầu của Anh bị cháy do trúng tên lửa của lực lượng Hồi giáo Houthi.

Gần đây, Ấn Độ đã cử từ 10 đến 12 tàu chiến đến đóng ở khu vực này, gấp 5 lần so với trước kia, trong lúc mà giao thông hàng hải quốc tế đã giảm 30% do các cuộc tấn công của Houthi. La Croix trích dẫn nhận định của chuyên gia về quan hệ quốc tế Nicolas Blarel cho rằng "Ấn Độ muốn chứng tỏ khả năng bảo đảm an ninh, đồng thời bảo vệ lợi ích của mình trong vận tải hàng hải và duy trì các hành lang đến Trung Đông và Châu Âu. Hạm đội Ấn Độ trước đây đã tham gia một số hoạt động chống cướp biển Somali để hỗ trợ các nước vùng Vịnh mà New Delhi có quan hệ tốt."

Với vị trí địa lý thuận lợi, đông dân và là một nền kinh tế lớn, Ấn Độ cũng tận dụng vai trò chiến lược của mình, thắt chặt quan hệ với Pháp và Mỹ, mua các thiết bị từ hai nước này, đồng thời ký kết các thỏa thuận cho phép tàu của hai bên được phép neo đậu tại một số cảng.

Trước sức mạnh ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc và sự can thiệp của Bắc Kinh trong khu vực, Ấn Độ cũng đã nhanh chóng ký các thỏa thuận với Sri Lanka và Maldives. Ấn Độ hy vọng bắt kịp cuộc đua hiện đại hóa hải quân, tăng cường kho thiết bị, thậm chí là tính đến việc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, cũng như đóng tàu sân bay. 

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 155 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)