Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/02/2024

Điểm báo Pháp - Sống trong tự do dân chủ

RFI tiếng Việt

Sống trong tự do dân chủ, giấc mơ của nhân loại

Nhìn chung bối cảnh địa chính trị trên thế giới, Les Echos ngày 01/02/2024 ví dân chủ tự do như một chủng loại "đang bị đe dọa". Nhóm quốc gia tự do dân chủ gồm 66 đến 84 nước tùy theo định nghĩa, không mất đi thành viên nào trong 15 năm qua, nhưng đang phải đối mặt với những địch thủ cả bên ngoài lẫn bên trong.

tudodanchu1

Một trẻ di dân nài nỉ một thành viên Vệ binh Quốc gia Texas cho phép được vào đất Mỹ, sau khi đã vượt qua hàng rào kẽm gai ở Ciudad Juarez, Mexico, ngày 30/01/2024. "Giấc mơ Mỹ" luôn là khao khát của nhiều người. Reuters – Jose Luis Gonzalez

Viện trợ EU cho Ukraine : Orban "trèo cao, té đau"

Các báo đều đề cập đến việc Liên Hiệp Châu Âu (EU) gây áp lực mạnh với Hungary để có thể viện trợ 50 tỉ euro cho Kiev, bị thủ tướng Orban đe dọa phủ quyết. Được đề ra trước khi có tin gói viện trợ được thông qua (33 tỉ tín dụng và 17 tỉ tài trợ trong 4 năm), cuộc họp thượng đỉnh hôm nay tại Bruxelles hứa hẹn gay go từ lúc mở đầu.

Ukraine đang rất cần được chi viện, trên chiến trường những người lính thiếu cả vũ khí lẫn đạn dược. Nhưng gói viện trợ 61 tỉ đô la mà tổng thống Joe Biden đề nghị đang bị Quốc hội Mỹ chận lại, Châu Âu chỉ chuyển giao được 330.000 quả đạn thay vì 1 triệu như dự tính. Từ đầu năm đến nay Kiev chưa nhận được bất cứ viện trợ tài chánh nào. Trong bối cảnh đó, nếu EU thất bại sẽ thi đây sẽ là món quà cho Vladimir Putin. Thế nhưng, Viktor Orban một lần nữa lại ngăn chặn, tuy EU đã tỏ thiện chí bằng cách giải tỏa 10 tỉ euro trước đó cho Hungary.

Lần này 26 nước vô cùng tức giận, Budapest có nguy cơ mất số 21 tỉ euro còn lại – tương đương 12% GDP Hungary - vì không tôn trọng các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, thậm chí có nguy cơ mất quyền bỏ phiếu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử EU một quốc gia nhỏ chỉ có 10 triệu dân, chiếm 1% GDP của khối, phong tỏa một quyết định vô cùng quan trọng của Liên Âu. Libération ví von, thủ tướng Hungary "đã trèo lên cây dừa quá cao", khó thể "leo xuống mà không đau". Đồng tiền Hungary đã mất ngay 0,7% giá trị sau khi có tin sẽ kích hoạt Điều 7.2 hiệp ước EU, và rốt cuộc Viktor Orban đành chấp nhận đầu hàng.

Ukraine thay thế tổng tham mưu trưởng ?

Cũng về Ukraine, Le Figaro  Les Echos đều đề cập đến tin đồn tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valeri Zaluzhni bị cách chức. Theo các nguồn tin được Washington Post và The Economist dẫn ra, việc này được chuẩn bị từ một cuộc họp căng thẳng hôm thứ Hai.

Bất đồng giữa Volodymyr Zelensky và tướng Valeri Zaluzhni đã âm ỉ từ sau bài viết của tổng tham mưu trưởng trên The Economist, nhận định cuộc chiến "đang trong ngõ cụt". Vài tuần qua tình hình càng thêm căng, và rốt cuộc tổng thống Ukraine quyết định cách chức vị tướng rất được mến chuộng. Phát ngôn viên Serhiy Nykyforov bác bỏ tin này, nhưng cũng theo nguồn tin nói trên, tướng Zaluzhni vẫn tại vị cho đến khi tìm được người kế nhiệm và tổng thống công bố sắc lệnh chính thức. Năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng Oleksiy Reznikov nhiều tháng sau khi loan báo mới ra đi.

Chiến dịch phản công chỉ thu hồi được rất ít lãnh thổ, Zaluzhni và các đồng nghiệp Mỹ hoàn toàn bất đồng về chiến thuật. Còn trong cuộc họp hôm thứ Hai, tướng Zaluzhni đòi động viên 500.000 quân nhân. Con số này bị tổng thống cho là không thể thực hiện, vì thiếu cả quân phục, vũ khí lẫn đạn dược. Bên cạnh đó, Volodymyr Zelensky cũng coi người hùng mà chân dung được treo tại tất cả các trường học là đối thủ, từ khi ê-kíp của ông đặt hàng một cuộc thăm dò dư luận, rất có thể nhằm chuẩn bị bước chân vào chính trường.

Hiện chưa biết ai sẽ thay tướng Zaluzhni. Rất có thể là giám đốc tình báo quân đội, tướng Kyrylo Budanov, 38 tuổi, việc bổ nhiệm ông sẽ là một sự chuyển sang chiến tranh bất đối xứng, nhưng Budanov lại chưa bao giờ chỉ huy trong quân đội. Hoặc là tướng Oleksandr Syrsky, tư lệnh lục quân, từng bảo vệ thành công thủ đô Kiev trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến và chiến dịch phản công ở Kharkiv.

CIA : Trung Quốc là địch thủ số một của Hoa Kỳ

Thế giới đang thay đổi, kể cả các điệp viên. Trong một bài viết dài đăng trên Foreign Affairs hôm thứ Ba, giám đốc CIA, William Burns, phân tích về địa chính trị - sự kiện hiếm hoi đối với một cơ quan tình báo. Nhưng theo ông "Việc cố ý tiết lộ một số bí mật để làm yếu đi đối thủ và tập hợp đối tác đã trở thành một công cụ mạnh mẽ đối với các nhà lãnh đạo chính trị".

Hồi tháng 11/2021, William Burns cũng đã "cảnh báo Putin và các cố vấn về vụ tấn công mà CIA biết là đang chuẩn bị". Hai năm sau, cuộc xâm lăng "đã là một thất bại" cho Kremlin : 315.000 lính Nga thương vong, 2/3 số xe tăng bị tiêu hủy. Nhưng năm 2024 cũng "khó khăn" đối với Ukraine, vì Putin tăng cường năng lực sản xuất vũ khí với các linh kiện quan trọng từ Trung Quốc và đạn dược từ Iran và Bắc Triều Tiên, và nghĩ rằng thời gian đứng về phía ông ta, có thể lại đem nguyên tử ra dọa.

Theo William Burns, không nên coi thường nguy cơ leo thang nhưng cũng không nên để bị dọa dẫm. Cần tiếp tục trợ giúp Ukraine, chỉ với chưa đầy 5% ngân sách quốc phòng nhưng mang lại tác động địa chính trị quan trọng cho Hoa Kỳ. Nếu Mỹ rút lui trong thời điểm quan trọng này sẽ tự hại chính mình, và người quan sát chăm chú nhất là Trung Quốc.

Giám đốc CIA giải thích : "Trung Quốc là địch thủ duy nhất của Hoa Kỳ vừa có ý đồ thay đổi trật tự quốc tế, vừa có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thực hiện". Ngân sách dành cho Trung Quốc của CIA được tăng gấp đôi, và năm 2021 đã lập ra một trung tâm riêng chuyên về địch thủ này, trong khi những nhóm khác làm việc theo cụm địa lý. Đồng thời CIA bí mật tăng cường những kênh liên lạc với các đồng nghiệp ở Bắc Kinh để tránh những hiểu lầm vô ích.

Thế giới tự do 15 năm qua không thay đổi số lượng

Nhìn chung bối cảnh địa chính trị trên thế giới, Les Echos nhận định dân chủ tự do như một chủng loại "đang bị đe dọa". Nhóm quốc gia tự do dân chủ, gồm 66 đến 84 nước tùy theo định nghĩa, không mất đi thành viên nào trong 15 năm qua, nhưng phải đối mặt với những địch thủ hùng mạnh và những thách thức từ bên trong. Có thể nhại câu nói của nhà văn Mỹ Mark Twain sau khi một hãng thông tấn đưa tin ông đã qua đời năm 1897 : "Loan báo về cái chết của tôi là quá đáng". Thế giới dân chủ luôn sống động, không như các "nhà tiên tri" dự báo "sinh ở Anh năm 1688, qua đời năm 2040".  

"Câu lạc bộ" các nước có bầu cử minh bạch, nhà nước pháp quyền, phản biện và tự do ngôn luận chiếm 1/7 dân số thế giới, gồm hầu như toàn bộ các nước "phương Tây" không theo nghĩa địa lý. Theo Freedom House, suốt 15 năm qua vẫn là Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, New Zealand, đại đa số Châu Mỹ la-tinh, hai hay ba nước Châu Phi, một loạt tiểu quốc Thái Bình Dương và vịnh Carribean.

Trong khi đó tự do giảm sút trên thế giới 17 năm liên tiếp, các nước Peru, Philippines, Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ cứng rắn hơn, một loạt vụ đảo chánh xảy ra ở Châu Phi... Nhưng khái niệm tự do dân chủ luôn được đề cao, ngay cả các nhà độc tài cũng tự cho mình là dân chủ. Luồng di dân sang các nước phương Tây chứng tỏ người dân những nước này không bị lừa.

Thách thức từ các chế độ phi dân chủ và thánh chiến Hồi giáo

Về sức mạnh kinh tế, các nước tự do dân chủ chiếm 80% thương mại, 74% GDP thế giới. Về khoa học và công nghệ, các trường đại học, kỹ nghệ, cơ quan nghiên cứu chiếm hầu hết bằng sáng chế và giải Nobel. Trong 10 năm qua, tất cả Nobel vật lý, hóa học, y học đều thuộc về phương Tây. Và khi phải cầm vũ khí tự vệ, câu lạc bộ này chiếm 2/3 chi quốc phòng, chưa kể "soft power" với phong cách sống và tiêu thụ, phim ảnh, âm nhạc, mạng xã hội - trừ TikTok của Trung Quốc.

Tuy nhiên, phương Tây không thể ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Sau khi hội nhập Đông Âu những năm 1990 do Liên Xô sụp đổ, không có thêm thành viên nào khác tham gia, trừ Ukraine và Moldova đang chờ đợi. Đặc biệt thế giới dân chủ đang bị "các nước phương Nam" và BRICS+ thách thức ngay cả về quân sự, tại Ukraine, Đài Loan, Cận Đông bởi các tân đế quốc Nga, Iran, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, có thể thêm cả Thổ Nhĩ Kỳ nhập nhằng của Erdogan.

Mối đe dọa còn từ bên trong, chẳng hạn các tổ chức thánh chiến. Yusef Al Qaradawi của Huynh đệ Hồi giáo từ 2002 đã khẳng định : "Với các luật dân chủ của quý vị, chúng tôi sẽ đô hộ các vị, với luật Coran, chúng tôi sẽ thống trị". Một nguy cơ khác là chế độ dân chủ phi tự do : các nhà lãnh đạo được bầu lên hợp pháp, nhưng lại vi phạm các quyền tự do. Có thể nghĩ đến chủ nghĩa dân túy đang lên tại nhiều nước Liên hiệp Châu Âu.

Giữa dân túy và tự do phi dân chủ, con đường rất hẹp cho các chế độ dân chủ tự do thực sự. Tuy vậy, bà Giorgia Meloni rốt cuộc vẫn không vi phạm các quyền tự do của dân Ý, đảng PiS rời quyền lực sau khi thất cử ở Ba Lan, hay Bolsonaro ở Brazil cũng vậy. Mối nguy còn lại là Donald Trump quay lại Nhà Trắng vào tháng 11 tới.

Mạng xã hội Facebook 20 tuổi

Châu Âu đối mặt với phong trào phản kháng của nông dân tiếp tục là đề tài chiếm nhiều giấy mực của các nhật báo Pháp. Libération đặt vấn đề "Nông nghiệp : Nếu sinh thái là một giải pháp", Les Echos cho rằng "Cuộc khủng hoảng đang ở bước ngoặt". Chiến tranh Ukraine vẫn nóng bỏng trong cuộc họp hôm nay của Liên Hiệp Châu Âu. Bên cạnh đó là hai dịp kỷ niệm : Nhật báo công giáo La Croix chạy tít trang nhất "70 năm sau lời kêu gọi : Theo bước chân tu sĩ Pierre", nói về những người Pháp đã có sáng kiến giúp đỡ người vô gia cư ; Le Figaro dành bài xã luận và phụ trang kinh tế cho mạng xã hội Facebook.

Cách đây 20 năm, ngày 04/02/2004 trong một ký túc xá đại học Harvard, đã khai sinh một dự án làm thay đổi xã hội. Mark Zuckerberg, sinh viên ngành tâm lý và tin học 19 tuổi, cùng với ba bạn học lập ra The Facebook, "một niên giám trên mạng để kết nối những cá nhân trong các trường đại học". Hai mươi năm sau, tập đoàn Meta trở thành một đế quốc thực sự với các mạng Facebook, Messenger, Instagram, WhatsApp, Threads, có doanh số 116 tỉ đô la trong năm 2022.

Thành công bỗng dừng lại với cuộc khủng hoảng lòng tin do một loạt xì-căng-đan. Bắt đầu là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và sự can thiệp của Nga, rồi đến vụ Cambridge Analytica với tiết lộ về rò rỉ dữ liệu khổng lồ từ Facebook. Năm 2011, Frances Haugen, cựu kỹ sư của Facebook, tố cáo mạng xã hội này gây hại cho sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên… Mô hình kinh tế của Facebook rung chuyển vì lệ thuộc 95% vào quảng cáo.

Zuckerberg bèn đầu tư 50 tỉ đô la cho thực tế ảo Metavers, đổi cả tên mạng thành Meta cho phù hợp. Nhưng các nhà đầu tư không tin tưởng, cổ phiếu xuống giá, ông chủ quay sang trí thông minh nhân tạo để cạnh tranh với OpenAI và DeepMind của Google và nay giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán lại tăng vùn vụt. Trắc nghiệm sắp tới sẽ là chính trị : Meta phải chứng tỏ sự nghiêm túc trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 149 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)